Mối quan hệ Nga – Trung đã được phát triển trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh và ngày càng được thắt chặt thêm trong bối cảnh quan hệ Nga – phương Tây gia tăng căng thẳng. Kể từ khi Nga thực hiện kế hoạch quân sự tại Ukraine, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang được tăng cường mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự.
Quan hệ Nga – Trung hiện tại
Đối mặt với môi trường địa chính trị phức tạp và luôn thay đổi cũng như áp lực suy thoái ngày càng tăng đối với nền kinh tế trong nước, quan hệ Trung – Nga đã có những bước tiến lớn. Mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc này được phản ánh qua sức mạnh tổng hợp trong quan hệ chính trị, sự hợp tác liên tục trong lĩnh vực công nghệ, quốc phòng cũng như các thỏa thuận về năng lượng và nông nghiệp. Quan hệ đối tác Nga – Trung là một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và được thúc đẩy bởi mục tiêu chung là cố gắng làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. Đến thăm Moscow vào tháng 3/2023, ông Tập tuyên bố rằng việc tăng cường quan hệ với Nga là một “sự lựa chọn chiến lược” mà Trung Quốc đã thực hiện[1].
Quan hệ chính trị:
Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh chính thức, hai nước gọi nhau là đối tác chiến lược toàn diện vào đầu tháng 2/2022, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố mối quan hệ “không có giới hạn” giữa hai quốc gia.
Các lãnh đạo cấp cao giữa hai quốc gia Nga và Trung Quốc đã duy trì sự tương tác với tần suất cao trong thời gian qua. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chia sẻ rằng tương tác cấp cao đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Tháng 3/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2013 ông Tập chọn Nga là quốc gia đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài của mình sau khi được được bầu và tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra tuyên bố chung giữa hai nước về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phối hợp cho kỷ nguyên mới. Tuyên bố chung tiếp tục khẳng định mối quan hệ Nga – Trung không phải là một liên minh quân sự, không đối đầu và không nhằm vào nước thứ ba. “Nga và Trung Quốc coi nhau là đối tác ưu tiên, luôn luôn tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng, là hình mẫu cho quan hệ nước lớn hiện nay.” Ngày 17/10/2023, Tổng thống Nga Putin cũng đã đã đến thăm Bắc Kinh và tham dự cuộc họp đánh dấu kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành Đai và Con đường. Tính đến nay, hai vị nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau 42 lần kể cả song phương và quốc tế, trở thành một trong những cặp nguyên thủ quốc gia đương nhiệm gặp nhau nhiều nhất trong lịch sử ngoại giao. Ông Li Shangfu (cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc) cũng chọn Nga là địa điểm thực hiện chuyến du ông nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới, trong chuyến thăm, ông Li đã gặp Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu để củng cố bản chất chiến lược trong hợp tác quân sự nói riêng và hợp tác giữa hai nước nói chung[2].
Hai quốc gia bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và nội bộ. Trung Quốc và Nga có xu hướng ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối lẫn nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ở đó, cả hai đều là thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Trong các thể chế đa phương, Trung Quốc và Nga đang phối hợp với nhau để ngăn chặn Mỹ thúc đẩy các chương trình nghị sự không phù hợp với lợi ích của họ. Trong các lần bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc luôn bỏ phiếu trắng. Tháng 9/2023, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đã chủ trì vòng tham vấn an ninh chiến lược Trung – Nga lần thứ 18 tại Moscow, trao đổi về các vấn đề liên quan nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược giữa hai nước, tăng cường phối hợp và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau. Ông Patrushev tiếp tục khẳng định Nga kiên quyết ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan và các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, đồng thời phản đối sự can thiệp của Phương Tây vào công việc nội bộ của Trung Quốc[3]. Ông cũng cho biết thêm rằng Nga đánh giá cao và ủng hộ ba sáng kiến toàn cầu của của Chủ tịch Tập và sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy ổn định, phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh coi những lo ngại về an ninh của Nga về việc mở rộng NATO là chính đáng và mong muốn phương Tây giải quyết những lo ngại này trong khi Trung Quốc nỗ lực tìm cách hòa giải chiến tranh.
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc cũng tích cực phối hợp trong các tổ chức đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế đang phát triển (BRICS) để tăng cường hợp tác chung với các nước này. Cả SCO và BRICS đều được thiết lập để tăng cường và mở rộng về phạm vi ảnh hưởng cũng như các mối quan hệ đối tác của Trung Quốc và Nga. Chúng là phương tiện chính để hai nước tạo ra một mạng lưới ngày càng gắn kết các nước có tầm quan trọng chiến lược với cả hai cường quốc.
Quan hệ kinh tế:
Tổng thống Nga Putin phát biểu ngày 12/09/2023 tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga rằng “Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác kinh tế đã đạt đến mức rất cao”.
Thương mại song phương Nga – Trung tăng trưởng nhanh chóng kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Năm 2022, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gần 30% lên mức kỷ lục 190 tỷ USD, được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc mua năng lượng của Nga. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hồi tháng 5 cho biết ông kỳ vọng thương mại với Trung Quốc sẽ đạt 200 tỷ USD trong năm nay[4]. Khối lượng thương mại trong 10 tháng năm 2023 giữa Nga và Trung Quốc tăng trưởng 27,7% đạt 196 tỷ USD, vượt qua tổng kim ngạch cả năm 2022 và đạt mức kỷ lục mới. Trong đó, xuất khẩu từ Nga đạt 106 tỷ USD, tăng 12,4%, còn xuất khẩu từ Trung Quốc là 90 tỷ USD, tăng 52,2%.[5] Nga trở thành một trong những đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Trung Quốc trên thế giới.
Có thể thấy, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường Nga sau khi phương Tây rời đi. Các chuyên gia cho rằng thương mại song phương Nga – Trung năm 2023 chắc chắn sẽ vượt qua 200 tỷ USD. Trước năm 2018, thương mại giữa hai nước từng dao động dưới 100 tỷ trong một thời gian dài trước khi đạt mức 107 tỷ USD vào năm 2018. Chỉ sau 5 năm, con số này đã tăng lên đạt gần 200 tỷ và dự kiến sẽ vượt qua múc này vào cuối năm 2023. Ông Zhang Hong, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng mức độ tin cậy chính trị cao giữa Nga và Trung Quốc cùng một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương và cuộc xung đột với Ukraine khiến các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga đã thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước.[6]
Năng lượng vẫn là nhân tố chính trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Kể từ tháng 02/2023, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, vượt qua Saudi Arabia. Gần 20% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc. Nga xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày sang Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu của nước này[7]. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc chiếm 80% lượng xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 7/2023, giúp Moscow thu về doanh thu ước tính 15,3 tỷ USD.[8]
Vẫn còn sự bất cân xứng trong quan hệ hợp tác song phương. Có thể nhìn thấy kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc hơn nhu cầu hợp tác của Trung Quốc của Nga. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong vòng 14 năm gần nhất nhưng Nga là đối tác thương mại tương đối nhỏ của Trung Quốc, đứng thứ 16 vào năm 2022. Sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc về hàng tiêu dùng cũng ngày càng tăng. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đây là khách hàng nước ngoài hàng đầu về giá trị xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm.
Ông Joseph Webster, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng: “Sự hội tụ của Bắc Kinh và Moscow là có thật. Cả hai bên đều bất mãn trước những hạn chế của trật tự quốc tế do Washington và Brussels dẫn đầu, tuy nhiên, mối quan hệ này cũng rất mong manh. Khi Trung Quốc tiếp tục trở nên hùng mạnh hơn, nước này sẽ ít phụ thuộc hơn vào sự hỗ trợ chính trị và công nghệ quân sự của Nga. Với khả năng kinh tế (mạnh mẽ hơn rất nhiều so với Nga) và khả năng quân sự đang tăng lên, mối quan hệ này ngày càng trở nên mất cân bằng”[9].
Hợp tác tài chính – ngân hàng Nga – Trung phát triển mạnh, hai nước đã tích cực sử dụng đồng nội tệ để thanh toán xuyên biên giới. Khi nhiều ngân hàng phương Tây giảm sự hiện diện ở Nga, các nhà cho vay của Trung Quốc đã nhảy vào cung cấp dịch vụ ngân hàng. Theo dữ liệu do Viện KSE tại Trường Kinh tế Kyiv thu thập, từ tháng 02/2022 đến tháng 3/2023, tài sản của các ngân hàng Trung Quốc tại nước này đã tăng hơn bốn lần lên 9,7 tỷ USD. Trong số 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc chứng kiến lượng tài sản ở Nga của họ tăng mạnh nhất. Trong một báo cáo vào cuối tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết Nga đã sử dụng đồng Nhân dân tệ “ở mức độ lớn hơn đáng kể” để thanh toán quốc tế và thanh toán xuyên biên giới trong vài tháng trước. Việc Trung Quốc sử dụng đồng Nhân dân tệ để mua hàng hóa của Nga đã tăng mạnh kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Vào tháng 7, tỷ trọng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch hối đoái của Nga đã đạt mức cao mới là 44%[10]. Nhập khẩu dầu, khí đốt, than đá và kim loại của Nga được cho là chủ yếu được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Điều này đã thúc đẩy nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và nỗ lực của Nga nhằm tìm ra các phương pháp thay thế để thanh toán cho hàng xuất khẩu của mình.
Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc vào thị trường Nga rất khó khăn do những lo lắng về nền kinh tế Nga cùng nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp khiến các nhà đầu tư chùn bước.
Quan hệ an ninh – quốc phòng
Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo chiến lược của hai nguyên thủ quốc gia, quan hệ hợp tác An ninh – Quốc phòng Trung – Nga luôn được duy trì ở mức cao và đang phát triển mạnh mẽ. Hợp tác quân sự giữa hai nước chủ yếu ở trên ba lĩnh vực chính: tập trận chung, tư vấn quốc phòng, bán vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự.
Về hợp tác an ninh, sự phối hợp an ninh giữa Trung Quốc và Nga đã được thắt chặt trong những năm gần đây trong bối cảnh cảnh căng thẳng gia tăng giữa mỗi bên với với Mỹ và đồng minh. Hai nước đã bắt đầu hợp tác cùng nhau để phát triển hệ thống tên lửa và đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian, vũ trụ cũng như phát triển vệ tinh. Ngày 06/11/2023, bên lề Diễn đàn Quân sự Tương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp đã gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, hai quan chức bày tỏ sẵn sàng tăng cường trao đổi và hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước nhằm cùng nhau đối phó với những thách thức và duy trì ổn định toàn cầu[11].
Về mặt mua bán vũ khí, Trung Quốc đã mua nhiều vũ khí tiên tiến hơn từ Nga để hiện đại hóa quân đội trong thời kỳ trước năm 2022, như hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumph, máy bay chiến đấu đa năng Su-35, trực thăng Mi-171H. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc và Nga dồn nguồn lực vũ khí sử dụng ở Ukraine, Trung Quốc đã không còn nhập khẩu nhiều các khí tài quân sự từ Nga. Thay vào đó, hai quốc gia chú trọng vào việc hợp tác cùng nhau phát triển các hệ thống an ninh và vũ khí công nghệ cao, tham gia tập trận chung để nâng cao năng lực phản ứng của quân đội.
Hai nước đã gia tăng hoạt động tập trận quân sự chung, các cuộc tập trận cũng có quy mô ngày càng lớn và phức tạp hơn. Tháng 02/2023, Nga và Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Nam Phi. Sau đó 1 tháng, 2 quốc gia tiếp tục tham gia cuộc tập trận “Maritime Security Belt 2023” với Iran. Tháng 7/2023, gần chục tàu chiến Trung Quốc và Nga đã tiến hành 20 cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản trước khi bắt đầu cuộc tuần tra chung dài 2.300 hải lý, bao gồm cả vùng biển gần Alaska. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hai hoạt động này “phản ánh mức độ tin cậy chiến lược lẫn nhau” giữa hai nước nói chung và quân đội hai nước nói riêng[12].
Các nhân tố ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga – Trung trong tương lai
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là quan hệ ngoại giao dựa trên ý chí hợp tác giữa hai bên, mối quan hệ này bổ sung lợi ích cho nhau dựa trên một số yếu tố ngoại cảnh khác thúc đẩy.
Nhân tố Mỹ là một lực đẩy quan trọng cho sự gắn kết của mối quan hệ Nga – Trung. Trung Quốc và Nga được coi là những đối thủ cạnh tranh lớn và lâu dài với Mỹ. Cả hai nước đều chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và những thách thức an ninh được tạo ra bởi Mỹ và các đồng minh. Cả Nga và Trung Quốc chia sẻ chung những rủi ro và thách thức an ninh từ Mỹ và các đồng minh, nổi bật là NATO, QUAD và AUKUS. Hai quốc gia đều bất mãn với trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây đứng đầu, đồng thời ủng hộ và nỗ lực thúc đẩy một thế giới đa cực mà chính họ là một trong những cực đó. Trong bối cảnh nhận thức về mối đe dọa lẫn nhau ngày càng tăng, Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ với các quốc gia có cùng chí hướng. Susan A. Thornton của Trường Luật Yale khẳng định rằng “Sự xấu đi trong quan hệ với Mỹ tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga phát triển”[13]. Sự liên kết của hai quốc gia được thúc đẩy nhiều hơn bởi sự cạnh tranh chung của họ với Mỹ hơn là bất kỳ mối quan hệ tự nhiên nào với nhau.
Yếu tố kinh tế cũng thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn khi bị Mỹ và EU áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Nga mất đi đối tác thương mại quan trọng là EU, nhất là đối với năng lượng. Sự chấm dứt hợp tác Nga – châu Âu về mua bán năng lượng khiến Nga phải tìm thị trường xuất khẩu mới. Trung Quốc là đối tác phù hợp nhất có thể thay thế EU đối với Nga. Ngược lại, Trung Quốc là một quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng, có thể tận dụng được một nguồn cung đồi dào với giá cả hợp lý dựa trên các lệnh trừng phạt về mức trần giá dầu của Nga cũng giúp Trung Quốc tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng ngoạn mục trong quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc cũng như giá năng lượng có lợi thế cao nhưng thực tế là mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với châu Âu và Mỹ vẫn quan trọng hơn nhiều.[14] Thương mại giữa Trung Quốc và EU thậm chí còn lớn hơn gấp 4 lần thương mại giữa Nga và Trung Quốc[15]. Do đó, nó cũng góp phần chi phối quyết định hợp tác của Trung Quốc trong bối cảnh Nga và EU đang đối đầu trực tiếp với nhau.
Triển vọng Quan hệ Nga – Trung Quốc năm 2024
Năm 2024 đánh dấu mốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Do đó, trong năm này, dự kiến sẽ có nhiều sự kiện và hoạt động được tổ chức nhằm kỷ niệm mối quan hệ truyền thống Nga – Trung. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố tại cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bắc Kinh ngày 16/10/2023: “Hai nước nên lên kế hoạch tổ chức các sự kiện kỷ niệm nhằm làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”[16]. Ông cũng chia sẻ: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để bảo vệ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đề cao công bằng và chính nghĩa quốc tế.” Ngoại trưởng Nga ông Lavrov cũng bày tỏ mong muốn duy trì liên lạc chiến lược chặt chẽ với Trung Quốc và tăng cường hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực.
Tuyên bố chung đạt được sau chuyến thăm Moscow hồi tháng 3 của ông Tập đã nêu ra rằng “Hai bên nhấn mạnh việc củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện Trung Nga trong thời đại mới là sự lựa chọn chiến lược của cả hai bên dựa trên điều kiện quốc gia, phù hợp với lợi ích cơ bản của mỗi nước và xu thế phát triển của thời đại. Hai bên sẽ kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của mỗi bên, thúc đẩy thế giới đa cực, toàn cầu hóa kinh tế và quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn.”[17]
Như vậy trong điều kiện môi trường an ninh toàn cầu với sự chèn ép từ Mỹ, cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp tục, và lập trường thiện chí giữa hai quốc gia, mối quan hệ song phương giữa Nga và Trung Quốc dự kiến vẫn tiếp tục nồng ấm, ngày càng gắn kết về cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong nhiều lĩnh vực. Ông Sourabh Gupta, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Mỹ ở Washington, đánh giá rằng hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ quay lưng lại với Moscow[18].
Hợp tác chính trị
Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội để khai thác lợi thế của nhau và thiết lập các thể chế, mạng lưới khu vực cũng như toàn cầu để đạt được các mục tiêu của mình.
Thứ nhất, Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường tham gia đối thoại tin cậy lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo hai bên, tăng cường niềm tin chiến lược và thắt chặt mối quan hệ. Duy trì mức độ tương tác cao giữa các quan chức và nhà lãnh đạo giữa hai quốc gia là nền tảng để mối quan hệ Nga – Trung phát triển nồng ấm dựa trên những kết quả thảo luận của những buổi hội đàm, củng cố niềm tin chiến lược và đưa mối quan hệ phát triển thực chất. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố công khai rằng “củng cố và phát triển tốt đẹp mối quan hệ Trung-Nga là quyết định chiến lược của Trung Quốc, dựa trên lợi ích cơ bản của nước này và xu hướng phát triển toàn cầu lớn hơn”. Ông cũng nói rõ rằng Nga giữ “vị trí dẫn đầu” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng định hướng chung về việc tăng cường hợp tác chiến lược với Nga của Trung Quốc là “không thay đổi”. “Cho dù bối cảnh quốc tế có thể thay đổi như thế nào, Trung Quốc vẫn cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga trong việc phối hợp trong kỷ nguyên mới”[19].
Thứ hai, cả hai đều sẽ cố gắng quản lý cẩn thận và cân bằng sự cạnh tranh trong các lĩnh vực lợi ích chồng chéo giữa hai nước bao gồm: Trung Á, Trung Đông và Bắc Cực, qua đó theo đuổi lợi ích kinh tế, ngoại giao và chiến lược của riêng mình. Trung Quốc và Nga không phải lúc nào cũng đồng quan điểm, lợi ích quốc gia của hai bên không phải lúc nào cũng thống nhất. Hai nước đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, khu vực mà Điện Kremlin coi là sân sau chiến lược của mình nhưng cũng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với tham vọng địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để cải thiện cơ sở hạ tầng ở Trung Á nhằm tranh giành ảnh hưởng với đối tác an ninh truyền thống Nga. Trong đó có việc xây dựng thêm đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn năng lượng ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan và Uzbekistan, những quốc gia vẫn dựa vào Nga như một người bảo hộ an ninh quan trọng. Hai bên có thể sẽ thúc đẩy hợp tác giữa BRI và Liên minh Kinh tế Á – Âu để cân bằng lợi ích của cả hai tại khu vực này.
Ngoài ra, mặc dù cuộc chiến ở Ukraine góp phần làm cho mối quan hệ Nga – Trung thêm thân thiết, nó cũng là yếu tố cản trở mối quan hệ này. Trong khi Trung Quốc luôn tuyên truyền tính thiêng liêng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, việc không phản đối việc Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine và sáp nhập các khu vực như Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye sẽ làm suy yếu nguyên tắc cũng như tuyên ngôn của Trung Quốc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là cơ sở quan trọng để nước này có thể đưa Đài Loan về tầm kiểm soát.
Tuy nhiên theo Ông Philipp Ivanov, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Chính sách và Xã hội Châu Á, “mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió và có nhiều căng thẳng, mâu thuẫn, nhưng vào thời điểm này, đối với cả Trung Quốc và Nga, lợi ích từ mối quan hệ của họ vượt xa những rủi ro.”[20]
Thứ ba, Bắc Kinh và Moscow sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các cực quyền lực trong đó có SCO và BRICS nhằm cân bằng với các thể chế của Mỹ. Bắc Kinh và Moscow đã, đang và sẽ cố gắng tìm cách tăng cường mối quan hệ với các quốc gia nằm ngoài mạng lưới đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Trung Quốc và Nga sẽ phối hợp để mở rộng khối BRICS nhằm tăng cường cạnh tranh kinh tế với Mỹ và gia tăng ảnh hưởng của mình trên thế giới. Cuối tháng 8/2023, sáu quốc gia khác bao gồm Ai Cập, Iran và Ả Rập Saudi đã được mời tham gia BRICS cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình, các nước BRICS đang thúc đẩy hợp tác trong một loạt vấn đề, bao gồm các cách để giảm bớt sự thống trị của đồng Đô la Mỹ và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu trước những lời kêu gọi “tách rời” và “giảm rủi ro” của phương Tây. Hàng chục quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Năm 2024, Nga sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên BRICS, việc thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng của BRICS chắc chắn sẽ được Nga coi trọng.
Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng của SCO. Thành viên SCO chủ yếu là các quốc gia Á – Âu, với sự lãnh đạo chủ chốt từ Trung Quốc. Ngoại trừ Ấn Độ, tất cả các thành viên đều là đối tác tích cực liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 của SCO ngày 4/7/2023, Iran đã được công nhận trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Ngoài ra, Belarus, Afghanistan cũng nhận được tư cách quan sát viên của SCO[21]. Mặc dù Trung Quốc luôn phủ nhận SCO là tổ chức đối trọng NATO, những thành viên mới này thể hiện một lộ trình tham vọng của Trung Quốc trong việc đưa các đối tác quân sự mạnh và gần gũi nhất về chung một cơ chế. Trong năm tới, Trung Quốc cũng sẽ phối hợp với Nga để thúc đẩy SCO đóng vai trò và ảnh hưởng lớn hơn trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực.
Tuy nhiên cả BRICS và SCO đều có những bất đồng và xung đột giữa các thành viên trong đó có xung đột biên giới và cạnh tranh kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Sự hiện diện của Ấn Độ trong cả hai nhóm sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc và Nga trong việc đưa các tổ chức này phát triển theo hướng chống phương Tây. Bắc Kinh và Moscow sẽ mất nhiều thời gian để biến cả hai nhóm thành các chủ thể địa chính trị gắn kết mạnh mẽ như G7 hoặc NATO.
Hợp tác kinh tế
Trung Quốc và Nga là những đối tác thương mại hoàn hảo: Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị, hàng hóa và công nghệ sản xuất số một cho Nga. Nga là nhà cung cấp năng lượng, tài nguyên, thực phẩm và phân bón đáng kể cho Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Nga là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của nước này, cho phép Bắc Kinh tránh sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng từ Trung Đông được cung cấp qua các tuyến hàng hải Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi dễ bị tổn thương trong trường hợp xung đột với Mỹ. Đối với Nga, Trung Quốc là khách hàng lớn về tài nguyên của nước này và là nguồn cung cấp hàng hóa, thiết bị và công nghệ thay thế chính duy nhất cho phương Tây.
Hai bên sẽ củng cố đà tăng trưởng thương mại song phương, sự thành công trong trao đổi thương mại giữa hai nước trong trong những năm trở lại đây và bối cảnh nền kinh tế hai nước hiện tại là cơ sở và động lực để Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại. Ông Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á – Âu Carnegie Russia cho biết: “Theo quan điểm của Trung Quốc, Nga là một nước láng giềng an toàn thân thiện, là nguồn nguyên liệu thô giá rẻ, là sự hỗ trợ cho các sáng kiến của Trung Quốc trên trường quốc tế và cũng là một nguồn công nghệ quân sự mà Trung Quốc không có”[22]. Trong khi đó, “đối với Nga, Trung Quốc là huyết mạch kinh tế, là thị trường cho hàng hóa Nga, là quốc gia cung cấp tiền tệ và hệ thống thanh toán để giải quyết thương mại của Nga trong bối cảnh xung đột với Ukraine”.
Hợp tác năng lượng tiếp tục đóng vai trò “hòn đá tảng” trong hợp tác kinh tế và bắt đầu thúc đẩy các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương mại điện tử… Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới. Trong ngắn hạn, nhu cầu nhiên liệu đốt của Trung Quốc sẽ vẫn chưa giảm sút, cùng với lợi thế về giá khi Nga phải chịu các lệnh trừng phạt của phương tây, nhập khẩu năng lượng từ Nga vẫn sẽ được Bắc Kinh ưu tiên. Tháng 3/2023, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Moscow, trong đó đã thảo luận về dự án cơ sở hạ tầng lớn “Sức Mạnh Siberia 2” để cung cấp thêm khí đốt của Nga cho Trung Quốc qua Mông Cổ. Tổng thống Putin cho biết ba nước đã hoàn tất mọi thỏa thuận về hoàn thiện đường ống và Nga sẽ cung cấp ít nhất 98 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2030[23]. Nga đã đề xuất tuyến đường này từ nhiều năm trước nhưng kế hoạch này đã trở nên cấp bách hơn khi Moscow đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng khí đốt chính thay thế châu Âu. Thủ tướng Nga – ông Mishustin cũng khẳng định rằng “Hợp tác năng lượng với Trung Quốc vẫn là ưu tiên tuyệt đối của Nga”. Ông Zhang Hong – nhà nghiên cứu tại viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng tăng cường hợp tác kinh tế Nga – Trung là tất yếu khi Nga hướng về phía Đông, thúc đẩy nước này mở rộng thị trường Trung Quốc, trong khi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc khiến nước này cần nhiều năng lượng và nguyên liệu thô hơn”[24]. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ cảnh giác với việc rơi vào tình thế tương tự như châu Âu nếu nước này trở nên phụ thuộc hơn vào Nga. Ngoài ra, trong Tuyên bố chung giữa hai nước về làm sâu sắc quan hệ trong kỷ nguyên mới được công bố hồi tháng 3/2023, hai bên đã thống nhất cùng nỗ lực tối ưu hóa cơ cấu thương mại, tạo điều kiện làm làm đa dạng và cung cấp nông sản, thực phẩm cho nhau đồng thời thực hiện lộ trình phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao Trung Quốc – Nga, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa hai quốc gia.
Hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác tài chính ngân hàng, trong đó có tăng cường sử dụng đồng nội tệ để thanh toán. Các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT, cả Nga và Trung Quốc đều có mục tiêu làm suy yếu đồng USD của Mỹ, điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa Nga và Trung Quốc thanh toán bằng đồng nội tệ. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được ưu tiên hơn, bởi có tính ổn định hơn đồng Rup dễ biến động do các lệnh trừng phạt. Điều này cũng phù hợp với chính sách Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ mà Trung Quốc cố gắng thúc đẩy.
Hợp tác quân sự
Hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự, nhưng không phát triển thành liên minh. Trong khi Nga đối mặt với cuộc chiến được coi là “ủy nhiệm” với Mỹ và EU tại Ukraine, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức an ninh xung quanh mình như QUAD và AUKUS. Cả hai quốc gia sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, đảm bảo an ninh cho quốc gia. Tuy nhiên, với quan điểm từ cả hai quốc gia là không liên minh, mối quan hệ không nhằm vào nước thứ ba, thì trong những năm tới, với bối cảnh hiện tại, chưa có đủ động lực để hai nước thực tự tuyên bố một mối quan hệ liên minh. Ông Alexander Gabuev cho rằng “Cả hai nước đều tự chủ về mặt an ninh và họ được hưởng lợi từ việc hợp tác với nhau, nhưng không yêu cầu sự đảm bảo an ninh từ bên kia. Do đó, sẽ không có liên minh quân sự, nhưng sẽ có sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, khả năng tương tác, hợp tác nhiều hơn trong việc triển khai lực lượng cùng nhau, kể cả Bắc Cực, đồng thời nhiều nỗ lực hơn để phát triển hệ thống tên lửa và hạt nhân”[25]. Tổng thống Putin cũng khẳng định “Nga và Trung Quốc sẽ không xây dựng bất kỳ liên minh quân sự nào dựa trên mô hình Chiến tranh Lạnh”[26].
Thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung và tập trận. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức và tham gia các cuộc tuần tra chung, tập trận song phương hoặc đa phương, nhất là tập trận trên biển, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về quân sự giữa hai nước. Các cuộc tập trận chung mang lại cơ hội nâng cao năng lực, tăng cường khuyến khích hợp tác công nghiệp quân sự, tất cả đều giúp cả Trung Quốc và Nga phát triển kho vũ khí của họ hiệu quả hơn. Các cuộc tập trận này phục vụ nhiều mục tiêu: trao đổi chiến lược tác chiến và cải thiện khả năng tương tác của các hệ thống vũ khí, cung cấp kinh nghiệm tác chiến, trình độ chiến thuật, thiết lập các quy trình và duy trì tính linh hoạt của hệ thống quân sự có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, các cuộc tập trận cũng có mục đích phô trương sức mạnh và gửi thông điệp đến Mỹ và các nước châu Âu. Ví dụ, tháng 5/2022, khi Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo khác của Bộ Tứ (QUAD) đến thăm Tokyo, Trung Quốc và Nga đã điều máy bay ném bom tới vùng biển Đông Bắc gần Nhật Bản. Đây cũng là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga và Trung kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine. Ông Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị – Quân sự tại Viện Hudson nói rằng: “Chừng nào Trung Quốc và Nga còn duy trì mối quan hệ lành mạnh trong khi cả hai nước vẫn giữ quan hệ không tốt với Mỹ thì khả năng cao là họ sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận thường xuyên”. Ông cũng cho biết, Trung Quốc và Nga dường như đã sẵn sàng mở rộng các cuộc tập trận của mình sang các lĩnh vực mới như không gian vũ trụ và an ninh mạng. Các cuộc tập trận Trung-Nga trong tương lai cũng có thể chứng kiến việc sử dụng máy bay không người lái tiên tiến, thử nghiệm tác chiến điện tử, hệ thống tăng cường trí tuệ nhân tạo và sử dụng tên lửa siêu thanh mới của cả hai quân đội[27].
Tăng cường hợp tác công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ với trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh,… và bài học về hệ thống phòng thủ DOME của Israel gần đây sẽ là những nhân tố khiến hai quốc gia quan tâm đến việc phát triển các vũ khí hoặc hệ thống phòng thủ công nghệ cao để nâng cao sức mạnh quân sự, khả năng phản ứng cũng như đối trọng với các đối thủ hàng đầu như Mỹ, với nền công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Putin cho biết hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh đang gia tăng và tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao các loại nhằm đảm bảo an ninh chiến lược[28].
Ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự hàng đầu và nhà bình luận thuộc Truyền hình Trung Quốc đã chia sẻ rằng: “Nguyên nhân sâu xa của việc thế giới không hòa bình trong bối cảnh hiện tại là do Mỹ và chiến lược thúc đẩy xung đột của họ. Đồng thời sự hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc không chỉ mang lại hòa bình và ổn định cho thế giới mà còn hy vọng thay đổi tư duy bá quyền do Mỹ lãnh đạo, thúc đẩy chủ nghĩa đa cực mà Trung Quốc và Nga cùng ủng hộ.”[29]
Lĩnh vực khác
Trung Quốc không từ bỏ tham vọng trở thành quốc gia mang lại giải pháp hòa bình cho Nga và Ukraine. Mặc dù không thành công khi đưa ra sáng kiến 12 điểm vào tháng 2/2023 mà Putin đã đánh giá là “có thể là cơ sở cho một giải pháp hòa bình nếu phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó”. Trung Quốc vẫn sẽ nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, bởi ông Tập theo đuổi một vai trò lớn hơn trong ngoại giao toàn cầu rằng Trung Quốc là một cuờng quốc có trách nhiệm và có ảnh hưởng. Sự thành công trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia cho phép Trung Quốc tự tin hơn trong việc tham gia trung gian hòa giải xung đột giữa các bên. Zhu Yongbiao, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Vành đai và Con đường của Đại học Lan Châu, lưu ý rằng “Việc Trung Quốc củng cố hợp tác kinh tế với Nga không báo hiệu rằng Trung Quốc nghiêng về phía Nga trong bối cảnh xung đột. Là một nước lớn với chiến lược ngoại giao trưởng thành, Trung Quốc có kế hoạch hợp tác riêng với các nước khác nhau, miễn là không vi phạm các chuẩn mực quốc tế”[30]
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc diễn ra như thế nào trong tương lai có thể ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị – kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hai bên duy trì mối quan hệ cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Việt Nam, với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện của cả 3 quốc gia, cũng sẽ chịu một số ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ sự phát triển của mối quan hệ này. Vấn đề đáng quan ngại nhất là trong tương lai, khi Nga và Trung Quốc sát lại gần nhau hơn, vai trò của Việt Nam đối với Nga có thể trở nên mờ nhạt hơn khi so sánh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến nguy cơ Nga sẽ lựa chọn ủng hộ Trung Quốc để đổi lấy những lợi ích lớn hơn đối với họ. Trong đó, Việt Nam có sự bất đồng chiến lược với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển Đông, nếu Trung Quốc nhận được sự ủng hộ từ Nga, Việt Nam sẽ càng thêm khó khăn để khẳng định chủ quyền của mình. Dẫu vậy, sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Nga – Trung cũng góp phần thúc đẩy một môi trường quốc tế ổn định, cân bằng, có sự đối trọng lẫn nhau giữa các bên, có lợi cho Việt Nam phát triển quan hệ cân bằng với các quốc gia. Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc và Nga tăng cường thúc đẩy sự phát triển của SCO, Việt Nam có thể cân nhắc các lợi ích và rủi ro, đánh giá toàn diện các khả năng để tìm cơ hội tham gia tổ chức này theo một cách có lợi nhất./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Bonny Lin, The China-Russia Axis Takes Shape, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/09/11/china-russia-alliance-cooperation-brics-sco-economy-military-war-ukraine-putin-xi/
[2] Guardian, China’s defence minister and Putin vow to strengthen military cooperation, https://www.theguardian.com/world/2023/apr/17/chinas-defence-minister-and-putin-vow-to-strengthen-military-cooperation
[3] Xinhua, China, Russia to deepen strategic security cooperation, China Org, http://www.china.org.cn/world/2023-09/20/content_116696653.htm
[4] Laura He, Russia predicts trade with China will hit record $200 billion in 2023, CNN Business, https://edition.cnn.com/2023/05/24/economy/russia-china-trade-new-record-intl-hnk/index.html
[5] 樊羽玮, 中俄贸易额再创新高!专家:今年实现2000亿美元目标已无悬念, https://world.huanqiu.com/article/4FGLK25MbT9
[6] 樊羽玮, 中俄贸易额再创新高!专家:今年实现2000亿美元目标已无悬念, https://world.huanqiu.com/article/4FGLK25MbT9
[7] Ryan Woo, Putin visits ‘dear friend’ Xi in show of no-limits partnership, Reuters, https://www.reuters.com/world/putin-visits-dear-friend-xi-show-no-limits-partnership-2023-10-17/
[8] Olesya Dmitracova, Putin lauds ‘excellent’ economic ties with China. Here’s how they’ve grown, CNN, https://edition.cnn.com/2023/09/12/business/putin-russia-china-economic-ties/index.html
[9] Joseph Webster, China-Russia Relations: 4 Takeaways From 2022, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/01/china-russia-relations-4-takeaways-from-2022/
[10] Global Times, “China-Russia trade surges 27,7% in Jan-Oct amid deepening bilateral cooperation”, https://www.globaltimes.cn/page/202311/1301380.shtml
[11] Wang Qi, Senior China, Russia military officers meet, to jointly cope with challenges to maintain global stability, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202310/1300842.shtml
[12] Bonny Lin, The China-Russia Axis Takes Shape, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/09/11/china-russia-alliance-cooperation-brics-sco-economy-military-war-ukraine-putin-xi/
[13] Council Foreign Relations, “China and Russia: Exploring Ties Between Two Authoritarian Powers”, https://www.cfr.org/backgrounder/china-russia-relationship-xi-putin-taiwan-ukraine
[14] Jeanne L. Wilson, Russia, China, and the Ukraine War: Tensions in the ‘No Limits’ Relationship, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/09/russia-china-and-the-ukraine-war-tensions-in-the-no-limits-relationship/
[15] Xinhua, “China, EU remain major trading partners despite decoupling, de-risking talks”, http://www.china.org.cn/business/2023-08/19/content_104725422.htm
[16] 中华人民共和国外交部, “王毅会见俄罗斯外长拉夫罗夫”, https://www.mfa.gov.cn/wjbzhd/202310/t20231016_11161451.shtml
[17] 中华人民共和国外交部, “中华人民共和国和俄罗斯联邦关于深化新时代全面战略协作伙伴关系的联合声明”, https://www.fmprc.gov.cn/zyxw/202303/t20230322_11046188.shtml
[18] Vũ Hoàng, “Chính sách đối ngoại Trung Quốc năm 2023”, VNExpress, https://vnexpress.net/chinh-sach-doi-ngoai-trung-quoc-nam-2023-4552666.html
[19] Shannon Tiezzi, China, Russia Recommit to Close Partnership in the Shadow of Ukraine War, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/03/china-russia-recommit-to-close-partnership-in-the-shadow-of-ukraine-war/
[20] Philipp Ivanov, Together and Apart: The Conundrum of the China-Russia Partnership, Asia Society Policy Institute, https://asiasociety.org/policy-institute/together-and-apart-conundrum-china-russia-partnership
[21] Công Thuận, Những điểm lưu ý chính về Hội nghị thượng đỉnh SCO 2023, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-diem-luu-y-chinh-vehoi-nghi-thuong-dinh-sco-2023-20230705111117008.htm
[22] Associated Press, “Putin Calls for Closer Russia-China Cooperation on Military Satellites and Prospective Weapons”, https://www.usnews.com/news/business/articles/2023-11-08/putin-calls-for-closer-russia-china-cooperation-on-military-satellites-and-prospective-weapons
[23] Emily Chow, Explainer: Does China need more Russian gas via the Power-of-Siberia 2 pipeline?, Reuters, https://www.reuters.com/business/energy/does-china-need-more-russian-gas-via-power-of-siberia-2-pipeline-2023-03-22/
[24] Zhao Yusha and Qi Xijia, China, Russia eye $200 billion of trade this year amid Russian PM’s visit, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202305/1291224.shtml
[25] Jim Heintz, Putin begins visit in China, underscoring Moscow’s ties with Beijing, The Associated Press, https://apnews.com/article/china-russia-putin-xi-israel-139930a92289b7d34ce840bdfe531259
[26] Associated Press, “Putin Calls for Closer Russia-China Cooperation on Military Satellites and Prospective Weapons”, https://www.usnews.com/news/business/articles/2023-11-08/putin-calls-for-closer-russia-china-cooperation-on-military-satellites-and-prospective-weapons
[27] Richard Weitz, Assessing Chinese-Russian Military Exercises: Past Progress and Future Trends, CSIS, https://www.csis.org/analysis/assessing-chinese-russian-military-exercises-past-progress-and-future-trends
[28] Guy Faulconbridge, Putin lauds Russia’s ‘high-tech’ military cooperation with China, Reuters, https://www.reuters.com/world/putin-lauds-russias-high-tech-military-cooperation-with-china-2023-11-08/
[29] Wang Qi, Senior China, Russia military officers meet, to jointly cope with challenges to maintain global stability, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202310/1300842.shtml
[30] Zhao Yusha and Qi Xijia, China, Russia eye $200 billion of trade this year amid Russian PM’s visit, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202305/1291224.shtml