Đầu tháng 04/2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã có chuyến thăm Bắc Kinh. Sự kiện này có thể được coi là một bước quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương, một vấn đề được cả hai quốc gia công nhận là cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Các chương trình nghị sự của cuộc hội đàm lần này bao gồm thúc đẩy nhận thức chung về việc xây dựng quan hệ Trung-Nhật phù hợp với yêu cầu của thời đại mới mà nhà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp tháng 11/2022. Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi phức tạp, quan hệ Trung-Nhật đối mặt với thách thức lớn, chuyến thăm của Yoshimasa Hayashi đã phát đi tín hiệu tích cực rằng cả hai bên đều hy vọng quan hệ Trung-Nhật sẽ duy trì được sự ổn định.
1. Bối cảnh đặc biệt của chuyến đi
Chuyến thăm đã thu hút sự chú ý vì nhiều lý do. Trước hết, nó diễn ra vài tuần trước khi Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, mà Tokyo đã mời lãnh đạo một số nước châu Á, nhưng kiềm chế không mời người đứng đầu Trung Quốc. Liên quan đến việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch “Nhóm G7” sắp tới vào năm 2023, Nhật Bản đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy lập trường chung của phương Tây trên thế giới về các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó có chủ đề về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình ngoại giao này.
Vai trò của chuyến thăm này cũng rất quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai nước hiện nay. Đây không những là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai của ngoại trưởng Nhật Bản sau 3 năm qua, mà còn là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai người đứng đầu cơ quan ngoại giao của mỗi nước. Lần gần đây nhất Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Trung Quốc là vào tháng 12/2019. Khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi tháp tùng Thủ tướng và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Sau 3 năm, không chỉ vị trí ngoại trưởng Nhật Bản đã thay đổi mà quan hệ Trung-Nhật cũng có nhiều thay đổi. Về bầu không khí, kể từ năm 2017, quan hệ Trung-Nhật dần hồi phục, thái độ và chính sách của Chính phủ Nhật Bản đối với Trung Quốc cũng trở nên tích cực hơn. Khi đó, Abe tới Thành Đô, Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn, đây cũng được coi là “chuyến thăm phá băng” sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2018. Ngày nay, chịu tác động của những thay đổi trong môi trường chiến lược quốc tế và các yếu tố tiêu cực trong chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc, quan hệ Trung-Nhật đang phải đối mặt với những thăng trầm.
Về tiếp xúc, khi đó, dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát, các hoạt động trao đổi chính thức và phi chính phủ giữa Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra thường xuyên. Được coi là thành quả cụ thể của việc quan hệ Trung-Nhật được cải thiện, hai bên chọn 2019 là năm xúc tiến trao đổi thanh niên Trung-Nhật. Tuy nhiên, hiện các hoạt động trao đổi phi chính thức giữa hai nước gặp còn gặp nhiều trở ngại do các biện pháp phòng chống dịch trong 3 năm qua. Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản có được một số tiến triển trong việc khôi phục cơ chế trao đổi. Tháng 02/2023, hai nước đã khởi động lại cơ chế tham vấn thường xuyên cấp thứ trưởng ngoại giao sau 4 năm. Cuối tháng 03/2023, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo cơ quan quốc phòng của hai nước đã hoàn thành việc xây dựng đường dây nóng của Cơ chế liên lạc trên biển và trên không và sẽ sớm đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, chuyến thăm này cũng đóng một vai trò quan trọng, giúp người đứng đầu lĩnh vực ngoại giao hai nước thiết lập được các liên hệ cá nhân. Nếu Yoshimasa Hayashi giữ chức ngoại trưởng Nhật Bản kể từ khi nội các đầu tiên của Thủ tướng Fumio Kishida được thành lập vào tháng 11/2021, thì người đồng cấp Trung Quốc của ông lần đầu tiên được bổ nhiệm chỉ vào cuối năm ngoái, sau khi trải qua một cuộc cải tổ đáng kể trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Bản thân Yoshimasa Hayashi được coi là một người sành sỏi về Trung Quốc – trong một thời gian dài, ông đứng đầu hiệp hội nghị viện hữu nghị Nhật-Trung. Cha của ông đã từng đứng đầu “Ngôi nhà hữu nghị Nhật-Trung” và khi ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính vào đầu những năm 1990, đã góp phần mở rộng hỗ trợ tài chính cho Trung Quốc, bất chấp các chỉ trích Bắc Kinh từ các nước phương Tây khác liên quan đến các sự kiện trên quảng trường Thiên An Môn. Sự xuất hiện của Yoshimasa Hayashi ở Bắc Kinh, cùng với những thứ khác, có thể được coi là một minh chứng cho thái độ tích cực của Tokyo đối với việc thiết lập quan hệ ổn định và mang tính xây dựng hơn với Trung Quốc.
Trong khi đó, bản thân chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính trị quốc tế khó khăn đối với quan hệ Nhật-Trung. Một mặt, trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung và Chiến tranh Lạnh mới đang nổi lên ở châu Á, Nhật Bản coi Trung Quốc là một thách thức đòi hỏi phải có nhiều biện pháp ngăn chặn (đây chính là đánh giá của Nhật Bản đã được ghi trong chiến lược an ninh mới, được chính phủ Nhật Bản thông qua vào tháng 12/2022). Tokyo quan ngại về tình hình an ninh quân sự khu vực liên quan đến các chính sách quyết đoán của Bắc Kinh ở Đông Á và đặc biệt là hoạt động của nước này trong khu vực lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp, nơi Trung Quốc tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự bằng cách cử các tàu Cảnh sát biển hiện diện tại khu vực này. Trên thực tế, cần lưu ý sự kiện xảy ra vào tháng 08/2022, khi 05 tên lửa đạn đạo của Quân đội Trung Quốc đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản gần Senkaku, khiến Tokyo lên tiếng phản đối.
Mặt khác, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế quan trọng nhất của nhau. Sự thịnh vượng và động lực phát triển kinh tế của họ chủ yếu phụ thuộc vào môi trường chính trị bình thường trong quan hệ song phương. Đối thoại với Bắc Kinh về nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm tranh chấp và xung đột, cùng với việc củng cố liên minh Mỹ-Nhật và mở rộng hợp tác với các nước có cùng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được Tokyo coi là quan trọng nhất trong số những nhiệm vụ ngoại giao trong tương lai gần. Trung Quốc cũng quan tâm đến sự phát triển tích cực của quan hệ với Nhật Bản.
2. Những nội dung đã được thảo luận trong chuyến thăm
Chuyến thăm đã được thống nhất vào tháng 11 năm ngoái trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cấp cao APEC tại Bangkok. Ngày 1/4/2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đến thăm Bắc Kinh. Ngày 2/4/2023, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hội đàm với Yoshimasa Hayashi. Theo nguồn tin từ các phương tiện truyền thông hai nước, hai bên đã trao đổi quan điểm về một số nội dung chủ yếu sau:
“Cuộc chiến hải quan” liên quan đến lộ trình của Nhật Bản nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự.
Vào ngày 31/03/2023, Nhật Bản, sau Mỹ và Hà Lan, đã công bố ý định hạn chế xuất khẩu thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn. Mặc dù quyết định này của Chính phủ Nhật Bản không nêu tên một quốc gia cụ thể, nhưng rõ ràng, nó nhằm mục đích hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc. Trên thực tế, bản chất của vụ việc là cuộc đấu tranh giành vị trí dẫn đầu về công nghệ trong các lĩnh vực “nhạy cảm”, nơi Nhật Bản tìm cách duy trì vị trí dẫn đầu của mình.
Phía Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản từ bỏ quyết định này. Trong cuộc trò chuyện, ông Tần Cương đã cố gắng viện dẫn kinh nghiệm lịch sử; nhấn mạnh rằng, Mỹ “đã sử dụng các chiến thuật hù dọa để đàn áp dã man ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản” và rằng “bây giờ họ đang lặp lại các thủ đoạn cũ của họ đối với Trung Quốc”. Ông cũng cáo buộc Nhật Bản là “tay sai” của Washington và kêu gọi Nhật Bản “đừng tiếp tay cho kẻ ác làm điều ác”. Ngoài ra, ông Tần Cương cũng đưa ra cảnh báo rằng, việc phong tỏa sẽ chỉ càng thúc đẩy sự tự lực của Trung Quốc .
Đổi lại, ông Yoshimasa Hayashi đã lưu ý trong một cuộc họp báo rằng, những hạn chế này “không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.” Ngoài ra, Ngoại trưởng Nhật Bản bày tỏ quan ngại của Tokyo về hành động của Trung Quốc nhằm ép buộc các công ty nước ngoài tiết lộ và chuyển giao công nghệ mới nhất; ông kêu gọi một “môi trường kinh doanh minh bạch, có thể đoán trước và công bằng”.
Bắt giữ công dân Nhật Bản tại Trung Quốc
Một chủ đề nhức nhối là vấn đề bắt giữ công dân Nhật Bản. Kể từ khi Trung Quốc thông qua Luật Phản gián và Luật An ninh Quốc gia năm 2014, quy định hình phạt tối đa là tử hình đối với các trường hợp gián điệp, 17 công dân Nhật Bản đã bị giam giữ tại Trung Quốc vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Vào tháng 02/2023, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc đã thông qua các sửa đổi nhằm thắt chặt Luật phản gián. Nếu trước đó trong tài liệu, sự chú ý chính trực tiếp đến việc bảo vệ bí mật nhà nước, thì giờ đây, phạm vi của nó đã được mở rộng đáng kể. Vào tháng 03/2023, cơ quan an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Bắc Kinh đã bắt giữ một nhân viên 50 tuổi của một công ty Nhật Bản vì nghi ngờ có liên quan đến hoạt động gián điệp. Việc nhân viên này đã sống và làm việc ở Trung Quốc trong hai thập kỷ, bao gồm cả việc là một trong những người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, khiến vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng. Việc Chính phủ Trung Quốc bất ngờ bắt giữ một doanh nhân Nhật Bản quen thuộc với các điều kiện và phong tục địa phương đã gây chấn động trong các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc. Yoshimasa Hayashi đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự với anh ta, Tần Cương trả lời rằng, chính phủ Trung Quốc “sẽ xem xét vấn đề trên cơ sở luật pháp.”
Trong cuộc trò chuyện giữa hai ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Tần Cương, câu hỏi về kế hoạch của Nhật Bản nhằm đổ chất thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 bị ảnh hưởng bởi sóng thần vào đại dương cũng được nêu ra. Tần Cương kêu gọi các đồng nghiệp Nhật Bản của mình “thực hiện một cách có trách nhiệm” hành động này vì đây là “vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của con người”, Yoshimasa Hayashi nói rằng, ông đang phản đối chiến dịch thông tin của Trung Quốc về vấn đề đổ chất thải hạt nhân, khi tuyên rằng rằng, nó “không dựa trên khoa học”.
Câu hỏi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Một chủ đề thảo luận khác là vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Tại Nhật Bản, dư luận lưu ý rằng, ngay cả trong cuộc gặp của hai bộ trưởng, các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện trong lãnh hải của Nhật Bản ở khu vực quần đảo này. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản tập trung vào thực tế là sự hiện diện liên tục tại khu vực này của ít nhất một con tàu Trung Quốc như vậy đã vượt quá 80 giờ, đây là khoảng thời gian dài nhất kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo thuộc quần đảo Senkaku vào năm 2012. Đồng thời, số vụ vi phạm không gian biển của Nhật Bản như vậy đã tăng lên đáng kể kể từ tháng 02/2021, khi Luật Cảnh sát biển có hiệu lực ở Trung Quốc. Đặc biệt, thực tế là gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp va chạm thường xuyên hơn giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu cá Nhật Bản. Nếu năm 2019 chỉ có một trường hợp được xác nhận như vậy, thì năm 2020 con số này đã tăng lên 08 vụ và năm 2021 là 18 vụ. Các chuyên gia cho rằng, hoạt động gia tăng của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc là nỗ lực củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo này.
Vấn đề Đài Loan.
Nhật Bản coi sự ổn định của hòn đảo là chìa khóa cho an ninh của chính họ, và các nhà phân tích quân sự của nước này ngày càng dự đoán rằng, một ngày nào đó Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực. Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi nhấn mạnh tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, trong khi Tần Cương đã nhắc lại luận điểm rằng, Bắc Kinh “sẽ không cho phép can thiệp vào vấn đề Đài Loan hoặc làm tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào”; nhấn mạnh, Đài Loan là “trung tâm của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Trong khi đó, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan bày tỏ “sự đánh giá cao và lòng biết ơn” đối với nhận xét của Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi về hòn đảo này trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc; lưu ý rằng, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố trong những năm gần đây rằng họ chia sẻ các giá trị cốt lõi với Đài Loan như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.
Thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine
Trong cuộc trò chuyện, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã được đề cập. Cần lưu ý rằng, cuộc gặp của hai bộ trưởng diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm Ukraine và gặp Tổng thống nước này V. Zelensky. Cùng lúc đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở Moscow và tại đây, trong cuộc gặp với Tổng thống V. Putin, một kế hoạch ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đã được thảo luận. Trong quá trình đàm phán, đã xuất hiện những khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận của các bên. Nếu tuyên bố chung sau chuyến đi của Fumio Kishida có yêu cầu Nga rút quân “ngay lập tức và vô điều kiện” khỏi Ukraine, thì tuyên bố sau cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin lại nói rằng các bên “phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương”. Tại Nhật Bản, lập trường của Trung Quốc bị chỉ trích thiếu khách quan .
Chuyến thăm của ông Yoshimasa Hayashi trở thành dịp “so găng” giữa hai nước về vấn đề Ukraine, xét đến kết quả của các cuộc gặp cấp cao. Tokyo, có tính đến bản chất đặc biệt của mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, thừa nhận tiềm năng trung gian đáng kể của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, các bên chỉ nêu lên sự khác biệt trong quan điểm của họ. Vì vậy, ông Yoshimasa Hayashi kêu gọi Trung Quốc đóng “vai trò có trách nhiệm” dựa trên luật pháp quốc tế trong công cuộc đạt được hòa bình và ổn định ở Ukraine. Một phần của cuộc thảo luận này vẫn chưa được tiết lộ. Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 02/04/2023 rằng, trong cuộc gặp với Tần Cương, ông “đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn, có tính đến sự hiểu biết về các vấn đề được các thành viên G7 chia sẻ,” và rằng, những vấn đề như vậy bao gồm cả tình hình ở Ukraine.
3. Những toan tính của mỗi bên và dự báo xu hướng quan hệ Trung – Nhật thời gian tới
3.1. Toan tính của Nhật Bản
Trong bối cảnh này, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản tới Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo các chuyên gia phân tích, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Hayashi Yoshimasa có thể nhằm đạt được các mục tiêu sau: (i) Khôi phục cơ chế trao đổi cấp bộ trưởng giữa hai nước; (ii) Thảo luận một số vấn đề cụ thể; (iii) Duy trì sự ổn định tổng thể của quan hệ Trung-Nhật, mở rộng dư địa có thể trao đổi về ngoại giao.
Thực tiễn cho thấy, việc duy trì trao đổi và đối thoại cấp cao là nhận thức chung mà nhà lãnh đạo hai nước Trung-Nhật đã đạt được tại Bangkok vào tháng 11/2022. Nhật Bản đã sớm đưa tin về việc Hayashi Yoshimasa đến thăm Trung Quốc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, lý do khiến chuyến thăm không được thực hiện là do Chính phủ Nhật Bản đi ngược lại 4 văn kiện chính trị và một loạt nhận thức chung giữa hai nước khi xử lý quan hệ song phương, khiến bầu không khí của quan hệ hai nước xấu đi.
Ví dụ, cuối năm 2022, Chính quyền Kishida công bố 3 văn kiện an ninh (Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng quốc gia và Chương trình quốc phòng trung hạn), xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược chưa từng có, coi Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng, dội một gáo nước lạnh vào quan hệ Trung-Nhật vừa mới có dấu hiệu cải thiện. Từ đầu năm 2023, từ cuộc hội đàm “2+2” Nhật-Mỹ cho đến việc Kishida đến thăm Mỹ và hội đàm với Biden, Nhật Bản liên tục phát đi tín hiệu tiêu cực, điều này khiến quan hệ Trung-Nhật bị bảo phủ trong bầu không khí lạnh nhạt.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng không dám trở mặt hoàn toàn với Trung Quốc. Việc các nước châu Âu và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), nguyên thủ các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore… liên tiếp đến thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến Nhật Bản sợ bị tụt lại phía sau. Ngoài ra, việc một công dân Nhật Bản ở Trung Quốc bị bắt với cáo buộc hoạt động gián điệp chắc chắn đã tạo thêm động lực để thúc đẩy Ngoại trưởng Nhật Bản đến thăm Trung Quốc. Trước chuyến thăm Trung Quốc, Hayashi Yoshimasa tuyên bố sẽ đàm phán với Trung Quốc về việc trả tự do cho công dân Nhật Bản và cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này là nhằm đối phó với dư luận trong nước, tránh bị coi là có thái độ mềm mỏng với Trung Quốc.
3.2. Quan điểm của Trung Quốc
Theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản vào ngày 02/04/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã đưa ra một số quan điểm về sự phát triển của quan hệ Trung-Nhật. Cụ thể:
Về phương hướng, hai bên cần dựa trên nhận thức chung quan trọng của nhà lãnh đạo hai nước, củng cố lại tinh thần hiệp ước, tăng cường trao đổi liên lạc, thúc đẩy quan hệ song phương loại bỏ trở ngại và vượt qua khó khăn.
Về hành động, Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ thiết lập nhận thức đúng đắn về nước này, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh chính trị, nỗ lực cùng với Trung Quốc xóa bỏ những trở ngại cho quan hệ song phương, xây dựng quan hệ Trung-Nhật phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.
Về các mối quan tâm, Tần Cương đề cập cụ thể đến việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima xả nước thải nhiễm phóng xạ ra biển, chèn ép ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, vấn đề Đài Loan và vụ công dân Nhật Bản hoạt động gián điệp ở Trung Quốc…
Theo nhận định của giới chuyên gia, quan điểm của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa nói riêng và quan hệ Trung – Nhật nói chung có thể xuất phát từ những vấn đề chính sau:
Một là, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022 và kỳ họp Lưỡng hội năm 2023 đều chỉ ra rằng, nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là đến giữa thế kỷ này thực hiện được mục tiêu chiến lược xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện. Vì vậy, Trung Quốc cần môi trường quốc tế ổn định. Đối với nước lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc nên phát triển mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định trên cơ sở tuân thủ 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật và một loạt nhận thức chung mang tính nguyên tắc, không nhất thiết phải đẩy Nhật Bản về phía đối lập.
Hai là, trước chuyến thăm Trung Quốc của Yoshimasa Hayashi, việc hai nước lần lượt tổ chức cuộc tham vấn cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng, quyết định mở đường dây nóng của Cơ chế liên lạc trên biển và trên không đã cho thấy, Trung Quốc hy vọng quan hệ hai nước có thể sớm đi vào quỹ đạo phát triển bình thường, tạo môi trường bầu không khí tốt đẹp cho cuộc gặp ngoại trưởng lần này.
Ba là, Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan ngại của mình trong cuộc gặp lần này. Ví dụ, yêu cầu Nhật Bản tuân thủ 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật, tuân thủ Hiến pháp hòa bình và con đường phát triển hòa bình sau chiến tranh, và đặc biệt là lấy năm nay kỷ niệm 45 năm ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật làm cơ hội để xây dựng quan hệ Trung-Nhật lành mạnh và ổn định. Trung Quốc cũng muốn thể hiện lập trường của mình với các nước bên ngoài thông qua sự trao đổi chiến lược cấp cao để thúc đẩy hòa bình, phát triển, hợp tác cùng thắng ở châu Á và trên toàn thế giới.
Điều đáng chú ý là khi đề cập về vấn đề chèn ép ngành công nghiệp bán dẫn, Tần Cương nói: “Nhật Bản không nên làm tay sai cho cho nước khác. Việc phong tỏa sẽ chỉ kích thích hơn nữa quyết tâm tự chủ của Trung Quốc”. Câu nói này còn ẩn chứa một hàm nghĩa khác. Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Hayashi Yoshimasa, ngày 31/03/2023 Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đưa 23 mặt hàng chất bán dẫn vào danh sách kiểm soát xuất khẩu để hạn chế các công ty Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là động thái nhằm thể hiện lòng trung thành của Nhật Bản với Mỹ, cho thấy nước này duy trì sự thống nhất với chiến lược kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc. Động thái này hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của Nhật Bản. Các thiết bị chế tạo chất bán dẫn luôn là một trong những điểm sáng trong quan hệ thương mại Trung-Nhật. Lấy tập đoàn Tokyo Electro Limited làm ví dụ, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 1/3 doanh thu tập đoàn. Theo thời gian, giới cầm quyền Nhật Bản sẽ phải chịu áp lực mạnh mẽ từ việc giới kinh tế yêu cầu ngăn chặn tổn thất. Nhật Bản sẽ ngày càng sa lầy vào lĩnh vực bán dẫn, khó thoát ra khỏi tình trạng khó khăn.
3.3. Xu hướng quan hệ Trung – Nhật thời gian tới
Trên thực tế, chuyến thăm Bắc Kinh chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của Yoshimasa Hayashi. Từ ngày 03/04/2023, Hayashi Yoshimasa đến châu Âu để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chủ trì Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7. Từ đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hoạt động tích cực trên các diễn đàn ngoại giao, ngoài đến thăm tất cả các nước G7 và Ukraine, còn công bố Kế hoạch hành động mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chuyến thăm Ấn Độ. Dư luận cho rằng, từ một loạt hành động cho thấy Nhật Bản đang nỗ lực phối hợp với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Đồng thời, Nhật Bản cũng đang tích cực củng cố liên minh với Mỹ, nỗ lực vượt qua khuôn khổ hậu chiến. Điều này có thể mang đến cho quan hệ Trung-Nhật nhiều thách thức hơn. Xét từ hàng loạt hành động ngoại giao gần đây có thể thấy, Nhật Bản có mục tiêu rõ ràng là lợi dụng Mỹ để đạt được mục đích của mình. Dựa vào liên minh với Mỹ, làm theo Mỹ trong một số vấn đề để thúc đẩy lợi ích của Nhật Bản, bao gồm sửa đổi hiến pháp, tăng cường khả năng phòng thủ và cuối cùng hiện thực hóa giấc mộng ấp ủ từ lâu là trở thành cường quốc về chính trị và quân sự.
Lã Diệu Đông, Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh này, tình hình an ninh khu vực và quan hệ Trung-Nhật sẽ bị tác động. Cụ thể:
Thứ nhất, Nhật Bản ngày càng trở thành biến số lớn trong môi trường an ninh ở Đông Á. Nhật Bản là nước thua trận và bị hạn chế bởi Hiến pháp hòa bình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản liên tục thổi phồng về các mối đe dọa xung quanh, phá vỡ chính sách “chuyên phòng thủ”, tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, đưa ra “năng lực tấn công căn cứ kẻ địch”, nhập khẩu tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Những động thái này chắc chắn sẽ làm gia tăng rủi ro an ninh khu vực.
Thứ hai, quan hệ Trung-Nhật đã trở nên phức tạp do Nhật Bản nhấn mạnh và theo đuổi một cách phiến diện “lợi ích quốc gia”. Trong bối cảnh liên minh Nhật-Mỹ được củng cố và phe cánh hữu Nhật Bản tìm cách thoát khỏi “thể chế hậu chiến”, ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại lịch sử của Nhật Bản đã lan rộng, một số vấn đề trong quan hệ Trung-Nhật nổi lên. Trong tương lai, chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc và việc tuân thủ 4 văn kiện chính trị và một loạt nhận thức chung mang tính nguyên tắc của Nhật Bản sẽ là chìa khóa để duy trì và phát triển quan hệ Trung-Nhật.
Mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng nhưng chuyến đi của Yoshimasa Hayashi đến Trung Quốc cho thấy, quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc tiếp tục phát triển năng động. Điều cần lưu ý là giới lãnh đạo cả hai bên đều quan tâm đến việc giảm mức độ căng thẳng trong quan hệ song phương. Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục coi nhau là đối thủ địa chính trị, nhưng trong tương lai gần, có thể mong đợi hai bên sẽ mở rộng đối thoại chính trị (chuyến thăm Nhật Bản của Tập Cận Bình nằm trong chương trình nghị sự), phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế và nhân đạo giữa hai nước./.
Tổng hợp và phân tích: Đức Minh