Ngày 10/09/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam và gặp Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ngay sau cuộc hội đàm cấp cao, Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Trong khi các phương tiện truyền thông và chuyên gia phương Tây mô tả rằng đây là những nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo Việt Nam trở thành một đồng minh, để bao vây, đối trọng với Trung Quốc. Truyền thông và các chuyên gia Trung Quốc có góc nhìn như thế nào?
Trung Quốc là Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam từ 2008, là quốc gia láng giềng hữu nghị, bạn bè tốt, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam và Trung Quốc có những bất đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn đề Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông, trong đó chồng lấn lên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời xâm chiếm các hòn đảo thuộc hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, việc tranh giành ảnh hưởng được hai quốc gia chú trọng quan tâm. Thời gian qua, Mỹ đã liên tục có những hành động trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm và tăng cường các mối quan hệ đồng minh như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp bậc cao nhất trong hệ thống cấp bậc quan hệ ngoại giao của Việt Nam, làm cho mối quan hệ Việt – Mỹ ngang hàng với mối quan hệ Việt – Trung. Trong khi truyền thông phương Tây đính kèm sự kiện nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt với chiến lược đối trọng Trung Quốc của chính quyền Biden, Truyền thông Trung Quốc có vẻ không đánh giá cao điều này. Chính phủ Trung Quốc bày tỏ niềm tin đối với chính phủ Việt Nam sẽ không trở thành một thành viên thân Mỹ để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không quên nhắc nhở Washington đừng đi quá giới hạn.
Quan điểm từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trả lời các tuyên bố liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden và việc nâng cấp quan hệ song phương Mỹ – Việt, ngày 11/09/2023, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết “Đối với quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc phát triển quan hệ đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trung Quốc tin tưởng rằng sự phát triển song phương giữa các quốc gia không thể nhắm vào các bên thứ ba và không thể làm suy yếu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.”[1] Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Mỹ phải tuân thủ các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và từ bỏ tư duy bá quyền và Chiến tranh Lạnh.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 4/9, trước chuyến thăm của ông Biden, Bà Mao Ninh cũng nói rằng, Mỹ nên từ bỏ tâm tý trò chơi “zero-sum” trong Chiến tranh Lạnh (trò chơi có tổng bằng không, tức là có người thắng thì phải có người thua), và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế cơ bản là không nhằm vào bên thứ ba, không làm xói mòn hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực[2].
Quan điểm từ Thời báo Hoàn Cầu – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chuyến thăm cấp nhà nước của Biden đến Việt Nam chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và việc nâng tầm quan hệ Mỹ – Việt lên mức cao nhất sẽ không thay thế được quan hệ “liên Đảng” giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Bài viết được đăng trên Thời báo Hoàn Cầu nhắc đến việc các phương tiện truyền thông của Mỹ đang lan truyền chuyến thăm này là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington để đối trọng với Trung Quốc, và tìm cách lôi kéo Việt Nam trở thành một phần của chiến lược. Tuy nhiên, bài viết cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam không đặt mối quan hệ Việt – Trung đối lập với mối quan hệ Việt – Mỹ. Do đó, Việt Nam sẽ không “đi quá xa”.
“Việt Nam không được định sẵn để trở thành Philippines tiếp theo” trong kế hoạch lôi kéo quan hệ chống lại Trung Quốc[3]. Trong một bài viết khác trên Global Times, tác giả Zhao Weihua trích dẫn một phần trong bài báo trên tờ The Washington Post nói rằng “việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam cho thấy Hà Nội sẵn sàng chấp nhận rủi ro chọc giận Bắc kinh và coi việc tiến về phía Washington là cần thiết” và khẳng định rằng “Việt Nam không thể hoàn toàn nghiêng trọng tâm ngoại giao về phía Mỹ như tờ Washington nhận định”[4]. Hà Nội sẽ không cho phép mình bị ảnh hưởng bởi Washington và sẽ cố gắng để tối đa hóa lợi ích của chính mình bằng cách cân bằng giữa hai bên. “Việt Nam không thể vô điều kiện và hoàn toàn đứng về phía Mỹ, cũng không thể trở thành con tốt để Mỹ kiềm chế Trung Quốc”[5].
“Mối quan hệ hiện tại giữa Việt Nam với Mỹ có thể chỉ là các vấn đề kinh tế” và “sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia này thậm chí có thể gián tiếp tăng cường quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc. Việt Nam có thể trở thành cơ sở lắp ráp để kết nối chuỗi ngành công nghiệp sản phẩm trung gian của Trung Quốc với thị trường tiêu dùng Mỹ”[6]. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, Việt Nam luôn tự nhiên tìm cách phát triển mối quan hệ kinh tế này. Những gì Hà Nội cần không phải là những lời hứa chính trị trống rỗng, mà là những lợi ích kinh tế hữu hình. Khi nâng cấp quan hệ với Hà Nội, Biden cần suy nghĩ về những gì Washington có thể làm để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại. Điều này đã được chứng minh bằng những tuyên bố hợp tác sau các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước, trong đó bao gồm các giải pháp hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đất hiếm, chất bán dẫn và kỹ thuật số. Thậm chí, bài viết còn bày tỏ hy vọng về kết quả tích cực trong lĩnh vực thương mại của chuyến thăm. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng may mặc, điện tử và điện thoại thông minh lớn nhất của Việt nam. Tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ không chỉ có thể thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Việt Nam mà còn thúc đẩy nhập khẩu nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị, mà một phần lớn trong số này đến từ Trung Quốc. Như vậy, sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gián tiếp thúc đẩy nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng rất coi trọng thị trường tiêu dùng của Trung Quốc. Từ quan điểm này, trong khi Việt Nam đang tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ, họ cũng cần phải đạt được sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington.
Quan điểm từ các chuyên gia khác
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc nói rằng quan hệ Mỹ – Việt không bao giờ có thể sánh ngang với quan hệ Trung – Việt, đó là lý do Việt Nam vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc trước và sau cam kết với Mỹ[7]. Ngay trước chuyến thăm của của ông Biden, sáng 5/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam[8].
Do đó, bất kỳ tác động nào của của mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và Việt Nam không nên được phóng đại quá mức.
Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết: “Việc nâng cao mối quan hệ Mỹ – Việt chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng”. Theo ông Xu, đối với Mỹ, mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam là quân cờ quan trọng để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi Việt Nam tìm cách tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của mình trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông. Thông qua việc hợp tác với Mỹ, Mỹ có thể cung cấp một số hỗ trợ mang tính biểu tượng cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên những sự hỗ trợ này cũng sẽ có sự hạn chế, vì Việt Nam không chỉ bất đồng quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này mà còn với Philippines và Indonesia. Sự hỗ trợ quá mức cho Việt Nam có thể gây ra mối đe dọa cho các quốc gia khác[9]. Ông Xu cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam là hai nước Xã hội Chủ nghĩa với mức độ tin cậy lẫn nhau cao, vì vậy không tồn tại vấn đề về ý thức hệ giữa hai Đảng. Và “Hà Nội hiểu rằng một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc là chìa khóa để bảo vệ an ninh chính trị của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa”. Theo ông, Việt Nam có chiến lược ngoại giao lâu dài để phát triển quan hệ đối tác với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Mỹ là một trong số đó[10].
Huang Renwei, Tổng Giám đốc Điều hành của Viện Vành đai, Con đường và Quản trị Toàn cầu Phúc Đán cũng cho rằng: “Việt Nam sẽ không thành lập liên minh quân sự với Mỹ, đó là điểm mấu chốt của nước này”[11]. Cùng với đó, về mặt chính trị, Việt Nam là nước Xã hội Chủ nghĩa với Đảng Cộng sản nắm quyền, điều đó xác định nước này sẽ không thể liên kết quá nhiều với Mỹ, do sự khác biệt ý thức hệ và Mỹ luôn cố gắng đàn áp tư tưởng Cộng sản. Ông dẫn lời của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rằng “ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là coi trọng và phát triển quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” trong cuộc họp ngày 5/9 với Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Lưu Kiến Siêu. Trước đó, tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau khi Ông Tập tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc. Ông Huang cho rằng: “mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa các quốc gia, hơn là mối quan hệ giữa các bên”.
Ông Lưu Thanh Bân, nhà nghiên cứu cao cấp tại viện Nghiên cứu Kinh tế Kỹ thuật số Trung Quốc cho rằng: “việc nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vẫn chưa đến mức tác động đến các yếu tố cơ bản của quan hệ Trung – Việt”[12]. Trong một bài viết, ông chia sẻ rằng: mặc dù quan hệ Mỹ – Việt hiện tại được cho là ngang hàng với quan hệ Trung – Việt, nhưng thực tế điều này không hoàn toàn đúng. Mối quan hệ Việt – Trung được thiết lập sớm nhất và có tính chất đặc biệt, kể cả khi quan hệ Mỹ – Việt nhảy 2 cấp liên tiếp thì vẫn tồn tại khoảng cách với quan hệ Trung – Việt. Hơn nữa, Mỹ cũng không thể dùng Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc, do nền tảng cơ bản của quan hệ Mỹ – Việt là hợp tác kinh tế, thương mại, trong khi hợp tác địa chính trị khó tìm ra điểm chung về lợi ích.
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam (Trung Quốc), Chính quyền Biden ngây thơ nếu nghĩ rằng có thể lôi kéo ASEAN hay Việt Nam theo phe mình. Trước hết, ASEAN không phải là NATO hay EU, không có định kiến chống Trung Quốc mạnh mẽ và các quốc gia thành viên ASEAN như Singapore, Thái Lan, Campuchia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN cũng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế[13].
Theo ông Cát Hồng Lượng, Phó Viện trưởng Viện ASEAN, Đại học Dân tộc Quảng Tây, ở cấp độ kinh tế, Trung Quốc và Việt Nam là hai nền kinh tế rất quan trọng trong hội nhập khu vực, hợp tác Trung Quốc – Việt Nam trong chuỗi giá trị và chuỗi công nghiệp là không thể thay thế bằng quan hệ Mỹ – Việt Nam.[14]
Kết luận
Đảng Cộng sản Trung Quốc, các học giả và báo chí, truyền thông Trung Quốc khẳng định rằng mối quan hệ mới giữa Việt Nam và Mỹ không phải là biểu hiện của việc Việt Nam đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc. Phía Trung Quốc tin tưởng mối quan hệ hữu nghị Việt – Trung không thể bị chia rẽ bởi thế lực bên ngoài, đồng thời bày tỏ những hy vọng đối với sự phát triển của Việt Nam trên thế giới. Có thể nói, đây là một thành tựu của Ngoại giao Việt Nam khi đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với cả hai siêu cường vẫn luôn cạnh tranh gay gắt là Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là một thành công của chính sách cân bằng nước lớn, không bị nước lớn chi phối mà Việt Nam vẫn luôn theo đuổi./.
Tác giả: Thi Thi
Mọi ý kiến trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] 陈海峰 (2023), 外交部回应拜登访越期间相关言论:各国发展双边关系不能针对第三方, China News, https://www.chinanews.com.cn/gn/2023/09-11/10075891.shtml
[2] 观察者网, “拜登访问越南,在河内声称无意围堵中国”, https://www.sohu.com/a/719450936_115479
[3] Zhao Weihua (2023), Vietnam won’t become the ‘next Philippines’ in US strategy, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297866.shtml?id=11
[4] Zhao Weihua (2023), Vietnam won’t become the ‘next Philippines’ in US strategy, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297866.shtml?id=11
[5] Hu Weijia (2023), Biden living a fantasy of containing China by utilizing Vietnam, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297685.shtml?id=11
[6] Hu Weijia (2023), Biden living a fantasy of containing China by utilizing Vietnam, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297685.shtml?id=11
[7] Yang Sheng (2023), US-Vietnam ties ‘have limited impact on China’ as Biden is heading to Hanoi, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1297210.shtml?id=11
[8] Báo điện tử Nhân dân (2023), “Tổng Bí thư tiếp Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”, https://nhandan.vn/anh-tong-bi-thu-tiep-truong-ban-lien-lac-doi-ngoai-trung-uong-dang-cong-san-trung-quoc-post770902.html
[9] Chen Qingqing and Ma Jingjing (2023), Biden’s high-profile visit to Vietnam ‘symbolic gesture’ with limited outcomes, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297929.shtml
[10] Yang Sheng (2023), US-Vietnam ties ‘have limited impact on China’ as Biden is heading to Hanoi, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1297210.shtml?id=11
[11] Chen Qingqing and Ma Jingjing (2023), Biden’s high-profile visit to Vietnam ‘symbolic gesture’ with limited outcomes, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297929.shtml
[12] 刘庆彬 (2023), 阮富仲见完拜登之后,越南定下的美越关系,比中越关系少了2个字, Tencent, https://new.qq.com/rain/a/20230911A076DY00
[13] 河南广播电视台旗下账号, “拜登刚到越南,就闹出国际笑话,拉拢东盟“遏制”中国是痴人说梦”, https://new.qq.com/rain/a/20230911A02RIW00
[14] 刘峻凌 (2023), 拜登首访越南“升级双边关系”,美媒:越不太可能加入针对中国的联盟, China News, http://news.china.com.cn/2023-09/11/content_115155147.shtml