Sau khi Safeguard Defenders, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại châu Âu vào tháng 9/2022 công bố một báo cáo hé lộ sự hiện diện của hàng chục “trung tâm” mà lực lượng cảnh sát Trung Quốc thiết lập tại các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm New York, nhiều nước trên thế giới (như Mỹ, Canada…) đã tiến hành điều tra về các đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc. Các chuyên gia Jeremy Daum và Moriz Rudolf trong bài viết trên Project Syndicate nhìn nhận vấn đề rộng hơn, liên quan đến tham vọng vươn tầm ảnh hưởng của hệ thống luật pháp Trung Quốc ra toàn cầu.
Cùng với sự phát triển về kinh tế và chính trị là tham vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng của luật pháp Trung Quốc vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ. Mới đây, cộng đồng quốc tế bất ngờ trước báo cáo về sự hiện diện của các đồn cảnh sát bí mật đặt ở nước ngoài của Trung Quốc. Điều này cho thấy, các nước phương Tây chưa sẵn sàng đối phó với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng quốc tế
Theo báo cáo mới đây của Safeguard Defenders, “các đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc” đã có mặt ở nhiều thành phố trên khắp thế giới, trong đó có thành phố New York của Mỹ. Điều này đã thu hút sự chú ý của FBI và cơ quan này đã khởi động các cuộc điều tra ở nhiều thành phố châu Âu. Tuy nhiên, dù được tiến hành với mục đích chính là ngăn cản các hành vi bóp méo pháp quyền, các cuộc điều tra trên cũng đã thể hiện rõ thực tế rằng các nước phương Tây chưa có sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Với mục tiêu là “tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc”, truyền thông và các quan chức chính phủ phương Tây đã thể hiện sự thiếu năng lực, thậm chí là thiếu thiện chí, khi đánh giá báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders, một báo cáo chứa đầy các lỗi dịch thuật và sự thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn thông thường trong luật pháp Trung Quốc cũng như luật pháp quốc tế. Sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc đòi hỏi phải tiến hành thảo luận về mặt kỹ thuật và lên chiến lược đối phó một cách thận trọng chứ không phải các nỗ lực nhằm huy động tâm lý đám đông.
Kể từ khi trỗi dậy và trở thành một cường quốc về kinh tế và chính trị, Trung Quốc ngày càng tập trung vào các hoạt động nhằm định hình các tiêu chuẩn và thể chế quốc tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã biến việc đảm bảo quyền hạn pháp lý ở nước ngoài trở thành một mục tiêu ưu tiên quốc gia trong những năm gần đây, bổ sung thêm các điều khoản vào các nội luật nhằm mở rộng tầm với ra ngoài biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở ngoài nước là kết quả tất yếu từ sự hội nhập ngày càng gia tăng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Cùng với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, các nhà lập pháp của Trung Quốc và các quốc gia khác phải trả lời câu hỏi: Liệu luật pháp của Trung Quốc có thể hòa hợp với hệ thống pháp lý của phương Tây hay không?
Luật hình sự là một ví dụ điển hình. Trung Quốc đã trở nên ngày càng hung hăng trong việc cố gắng yêu cầu hồi hương các nghi phạm và kẻ đào tẩu, chủ yếu tập trung vào các vấn đề được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm, tiêu biểu như những kẻ lừa đảo trên mạng làm tổn hại tới Trung Quốc hoặc các quan chức địa phương tham nhũng lẩn trốn sang nước ngoài. Đưa các tội phạm trên ra trước pháp luật và thu hồi tài sản bị đánh cắp được coi là một trong những yếu tố răn đe quan trọng, đồng thời cho người dân Trung Quốc thấy được khả năng của chính quyền nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích của nhân dân ở mọi nơi trên thế giới.
Về vấn đề này, Trung Quốc đã nghiên cứu và “bắt chước” cách thức của các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp để có thể thi hành luật pháp của Trung Quốc ở ngoài nước, bao gồm các hoạt động dẫn độ và hợp tác quốc tế chính thức, gia tăng áp lực bằng cách thu giữ tài sản trong nước của các nghi phạm cũng như cam kết sẽ khoan hồng với các đối tượng tự nguyện về nước.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc có “mượn” một số bộ công cụ pháp lý từ các quốc gia khác, Trung Quốc thường thiếu khả năng mở rộng tầm với của luật pháp, xuất phát từ một số nguyên nhân như không có hiệp ước dẫn độ, năng lực chuyên môn hạn chế cũng như không có tầm ảnh hưởng quốc tế. Nhiều khả năng, tăng cường khả năng thi hành luật pháp ở ngoài nước sẽ tiếp tục là một ưu tiên cao của chính quyền Trung Quốc.
Một sự thật cần phải chỉ ra là các quan ngại hết sức thỏa đáng về việc Trung Quốc theo đuổi các đối tượng bất đồng chính trị sẽ ảnh hưởng tới nhận thức và đánh giá đối với các chiến thuật của Trung Quốc trong vấn đề mở rộng tầm với của luật pháp ra ngoài nước. Dù các hoạt động chấp pháp của Trung Quốc ở ngoài nước chưa tập trung chủ yếu vào các đối tượng bất đồng chính trị, điều quan trọng là phải cân nhắc hoàn cảnh của các đối tượng trên cũng như sự thiếu sót về các nội dung bảo vệ bị cáo trong hệ thống luật hình sự của Trung Quốc.
Ở cấp độ căn bản hơn, cách hiểu về luật pháp của Trung Quốc cũng khác với quan điểm của phương Tây. Đối với Trung Quốc, sự lãnh đạo của đảng được coi là “một yếu tố quan trọng và một yêu cầu tất yếu” của “pháp quyền xã hội chủ nghĩa với các đặc trưng của Trung Quốc”. Đối với Trung Quốc, luật pháp vẫn được coi là công cụ nhằm duy trì sự ổn định trong nước và sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không xem xét bổ sung thêm các cơ chế nhằm kiểm soát sức mạnh của chính phủ, phủ nhận các tư tưởng như chủ nghĩa lập hiến, quyền lực phân lập và sự độc lập của tòa án, xem đây là “các khái niệm không đúng của phương Tây”. Liệu một hệ thống pháp lý như trên có thể đảm bảo được sự công bằng và giảm thiểu sự tùy tiện để đảm bảo quyền lợi của cả công dân Trung Quốc cũng như quốc tế là một câu hỏi mà tất cả cần phải nghiêm túc cân nhắc trước khi tương tác với hệ thống pháp lý của Trung Quốc.
So với các khía cạnh khác của luật pháp, luật hình sự tương đối đơn giản. Hệ thống pháp lý của các quốc gia phát triển đủ khả năng quyết định xem liệu các trao đổi của Trung Quốc với các công dân ở nước ngoài có được coi là các hành vi đe dọa, xâm phạm bất hợp pháp được tiến hành bởi một chính phủ nước ngoài. Quyết định quan trọng mới đây của Tòa án Nhân quyền châu Âu nhằm chặn quyết định dẫn độ một người Đài Loan bị cáo buộc tội danh lừa đảo từ Ba Lan về Trung Quốc là ví dụ cho thấy các quá trình pháp lý có thể được sử dụng để tránh tiếp tay cho các hoạt động vi phạm quy trình cơ bản và quyền con người của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác của pháp luật, như việc phát hiện sự vi phạm của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến các tranh chấp xuyên biên giới hoặc đặt ra các chuẩn mực về công nghệ mới hay việc truyền dữ liệu, nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn. Các trường hợp trên thường liên quan tới quyền xét xử của nhiều bên cũng như xung đột tới lợi ích của nhiều bên trong khi có ít các thông lệ về luật pháp đã được thiết lập. Do đó, việc đạt được một giải pháp đơn giản có thể không thực tế. Với việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra “hung hăng” nhằm gia tăng ảnh hưởng, cần phải thiết lập thêm các khung pháp lý cụ thể hơn nhằm bảo vệ quyền của các bên.
Dù hầu như đã đi theo vết xe của các quốc gia khác trong việc xây dựng và đảm bảo vị thế là một cường quốc lớn trên trường quốc tế, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách tăng cường tác động trong vấn đề hoạch định luật pháp, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới nổi. Đối phó hiệu quả với các thách thức do Trung Quốc đặt ra sẽ yêu cầu các luật lệ mới, các cuộc thảo luận kỹ thuật, các phân tích dựa vào các dẫn chứng sự kiện cụ thể. Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực học hỏi, bắt chước và áp dụng các thông lệ luật pháp quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu cần phải nỗ lực tương tự để thấu hiểu một cách chính xác các hành động và ý đồ của Trung Quốc.
Khắc họa hình ảnh xấu về Trung Quốc đang muốn áp đặt ý nguyện lên phần còn lại của thế giới sẽ là một biện pháp đơn giản nhằm đảm bảo sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, các báo cáo mang tính chất “giật gân” về “các đồn cảnh sát bí mật” không đóng góp tích cực vào việc duy trì một hệ thống quốc tế dựa trên cơ sở của luật pháp. Trên thực tế, giọng điệu hết sức đơn giản trên đánh giá hết sức thấp Trung Quốc cũng như các thách thức mà Trung Quốc đặt ra thông qua các nỗ lực tinh vi và mang tính chiến lược về việc sử dụng luật pháp để thúc đẩy các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Biên dịch: Nhã Nam
Về các tác giả
Jeremy Daum là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường Luật Yale, nghiên cứu chủ yếu về thủ tục tố tụng hình sự và thực thi pháp luật của Trung Quốc.
Moriz Rudolf là thành viên tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường Luật Yale, nghiên cứu chủ yếu về những tác động của sự trỗi dậy Trung Quốc đối với trật tự pháp lý quốc tế.