Vào tháng 11 vừa qua, quân đội Bắc Triều Tiên đã lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Ukraine. Chỉ vài ngày sau đó, Đan Mạch đã bắt giữ một tàu chở hàng rời treo cờ Trung Quốc có tên Yi Peng 3, do nghi ngờ tàu này đã cố tình cắt hai tuyến cáp dữ liệu trên Biển Baltic. Cả hai sự cố đều đánh dấu một bước ngoặt lớn trong môi trường chiến lược hiện nay: Lần đầu tiên các đối thủ của Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ quân sự trực tiếp cho nhau, bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi ở bên kia bán cầu. Điều này cho thấy mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên – hay phương Tây còn gọi họ là: “trục xâm lược ”, “liên minh xấu xa”, “trục ma quỷ”, v.v. – đang trở nên ngày càng sâu sắc. Những biến chuyển này sẽ thay đổi hoàn toàn cách Hoa Kỳ và các đồng minh trên thế giới của mình định hướng và đảm bảo cho an ninh của bản thân.
Việc triển khai quân đội của Bắc Triều Tiên và tàu chở hàng bị nghi ngờ cắt cáp của Trung Quốc không phải là điều mới. Trong nhiều năm qua, hàng triệu quả đạn pháo của Bắc Triều Tiên và hàng nghìn máy bay không người lái của Iran đã xuất hiện trên khắp chiến trường ở Ukraine. Bên cạnh đó, với việc tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” Nga – Trung trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Moscow cũng đang nhận được một nguồn viện trợ kinh tế rất lớn tới từ Bắc Kinh để phục vụ cho kế hoạch quân sự của mình. Gần đây, Nga đã ký với Bắc Triều Tiên một hiệp ước phòng thủ chung cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong chiến tranh, cũng như đang tiến hành đàm phán với Iran thiết lập một hiệp ước toàn diện dự kiến sẽ bao gồm cả vấn đề quốc phòng. Tuy nhiên, các hiệp ước và cam kết trên giấy tờ là một chuyện, còn việc tham gia trực tiếp vào hai cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu – một cuộc chiến nóng (giữa Nga và Ukraine) và một cuộc chiến phức hợp (kết hợp quân sự thông thường và phi quân sự) – lại là vấn đề hoàn toàn khác. Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hiện đã vượt qua các giới hạn đó và đang trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến này.
Để hiểu rõ hơn lý do tại sao những sự kiện trên lại thay đổi mọi thứ đối với Hoa Kỳ, ta cần phải hiểu kỹ hơn về kế hoạch và chiến lược quốc phòng phức tạp của quốc gia này.
Kể từ khi tham gia Thế chiến II, Hoa Kỳ đã mở rộng sức mạnh quân đội để có thể chiến đấu tại hai cuộc chiến cùng một lúc—một ở Thái Bình Dương với Đế quốc Nhật Bản và một ở châu Âu với Đức Quốc xã và tồn tại trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh với mục tiêu đánh bại Chủ nghĩa Cộng sản trên toàn cầu. Cấu trúc hoạch định lực lượng “chiến tranh hai mặt trận” tiếp tục được duy trì trong giai đoạn sau đó nhằm sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh với Iraq và Bắc Triều Tiên, dù điều này cho tới nay vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, cũng như việc tiến hành hai cuộc chiến tranh toàn diện trên thực tế vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Với tiềm lực vượt trội của mình, việc Washington khởi đầu các cuộc chiến trên cả hai mặt trận là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, để có thể duy trì nó trong một thời gian dài lại là một thách thức rất lớn. Gánh nặng của việc duy trì hai cuộc chiến đồng thời ở Iraq và Afghanistan đã khiến lực lượng lục quân của Hoa Kỳ bị đẩy tới giới hạn, mặc dù đây chỉ là những cuộc chiến chống nổi loạn tương đối hạn chế, thay vì kiểu xung đột thông thường có mức độ căng thẳng cao như cuộc chiến Ukraine. Cùng với đó, khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng gờm và Hoa Kỳ thì phải chật vật thoát khỏi sự tụt hậu của hiện đại hóa quân sự, việc duy trì cấu trúc lực lượng cho hai cuộc chiến lại ngày càng trở nên bất khả thi. Các nhà hoạch định quốc phòng nhận ra rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ phải chịu áp lực rất lớn để tiến hành một cuộc chiến chống lại một cường quốc, chứ đừng nói đến hai cuộc chiến cùng một lúc.
Chính vì vậy, Washington đã quyết định hạ thấp các tiêu chuẩn. Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng năm 2011 của chính quyền Obama – một văn bản chính sách làm cơ sở cho kế hoạch quân sự tổng thể – đã kêu gọi “đánh bại bất kỳ một kẻ thù nào” trong khi chỉ “gây tổn thất nặng nề” cho một kẻ thù khác – hay còn có thể hiểu là chiến lược 1.5. Chính quyền Trump và sau đó là Biden đã tiến thêm một bước nữa khi xóa bỏ 0.5 còn lại: Chiến lược quốc phòng năm 2018 và 2022 đã chỉ đạo quân đội Hoa Kỳ lập kế hoạch chiến đấu và giành chiến thắng một cuộc chiến tại một chiến trường trong một thời điểm, đồng thời ngăn chặn các kẻ thù khác mà không cần nổ ra giao tranh lớn. Mục tiêu của chiến lược này chính là giữ cho xung đột chỉ diễn ra trong phạm vi giới hạn, không để lan rộng cũng như kéo theo các đối thủ khác vào cuộc. Điều này do đó đã đưa chúng ta trở lại lý do tại sao việc triển khai quân sự của Bắc Triều Tiên và việc cắt cáp của Trung Quốc lại nghiêm trọng đến vậy. Thứ nhất, cả hai hành động đều chỉ ra rằng một cuộc xung đột với một đối thủ ở một nơi trên thế giới đã không còn bị giới hạn với duy nhất một đối thủ và tại khu vực đó. Thứ hai, những sự kiện này đã cho thấy rõ hạn chế của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn một đối thủ khác tham gia vào cuộc chiến của mình dù ở cách xa nửa vòng trái đất.
Nói một cách đơn giản, khi các đối thủ của Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn, khả năng xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào ở một khu vực rồi lan sang nơi khác cũng sẽ tăng lên đáng kể. Điều đó có nghĩa là các giả định kế hoạch nền tảng trong các chiến lược quốc phòng gần đây của Washington đang trở nên lỗi thời, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai lệch.
Các chính quyền trước đây cũng đã tìm cách ngăn chặn môi trường chiến lược ngày càng bấp bênh này bằng việc cố gắng phá vỡ sự phối hợp của các đối thủ. Chính quyền Obama và Biden đã đưa ra những lời đề nghị và đàm phán với Iran. Chính quyền Trump đã cố gắng xích lại gần hơn với Triều Tiên. Và các chính quyền Bush, Obama và Trump đều đã thử nhiều cách để thiết lập lại cũng như đưa ra các đề nghị khác nhau với Nga. Dẫu vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả đều thất bại với lý do đơn giản là bởi các đối thủ đều không hài lòng với tình thế hiện nay và có những lợi ích cơ bản xung đột với Hoa Kỳ.
Trên thực tế, dù chính quyền Trump sắp tới có thể thành công ngăn chặn các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, thì trục liên minh đang phát triển giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên vẫn sẽ tồn tại, bởi việc duy trì nó vẫn nằm trong lợi ích chiến lược của cả bốn quốc gia. Đối với Trung Quốc, trục liên minh này giúp mang lại các nguồn nguyên liệu thô, công nghệ quân sự và sẽ là công cụ để đánh lạc hướng Hoa Kỳ về mặt địa chính trị trong tương lai. Đối với Nga, đây chính là huyết mạch kinh tế (từ Trung Quốc) và quân sự (từ Bắc Triều Tiên và Iran) của quốc gia này. Còn với Iran và Bắc Triều Tiên, hai quốc gia này sẽ có cơ hội sở hữu được các công nghệ quân sự mới cũng như sự hậu thuẫn từ các cường quốc.
Một cách khác mà các chính quyền Mỹ sử dụng để đối phó với sự không cân xứng giữa các mối đe dọa toàn cầu và nguồn lực quốc phòng hạn chế của mình là giảm bớt sự can thiệp quân sự ở một số khu vực trên thế giới, chẳng hạn như Trung Đông. Tuy nhiên, bất chấp điều này, Hoa Kỳ đều cho thấy mình đang bị kéo trở lại khu vực bởi những thách thức nghiêm trọng như ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo, đẩy lùi các lực lượng ủy nhiệm của Iran, hay gần đây nhất là bảo vệ Israel và tránh một cuộc chiến tranh khu vực rộng hơn. Trong khi các chính quyền kế tiếp có thể sẽ luôn khẳng định rằng Trung Đông chỉ là yếu tố ngoại vi so với các lợi ích chiến lược cốt lõi của Hoa Kỳ, thì Washington đã nhiều lần chứng minh rằng họ quan tâm khu vực này đến mức mất rất nhiều xương máu và tiền bạc. Điều có thể đúng tương tự với châu Âu, nơi mà Hoa Kỳ có một sự gắn bó vô cùng chặt chẽ. Ngay cả khi bỏ qua các mối quan hệ về văn hóa và lịch sử, thương mại giữa Hoa Kỳ và EU đang chiếm gần 30 phần trăm tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ và 43 phần trăm GDP toàn cầu. Vì vậy, các ý tưởng về việc Washington rời xa an ninh châu Âu và tập trung hoàn toàn vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ chỉ dễ nói hơn là làm.
Để giải quyết thách thức này, Hoa Kỳ cần phải lập ra một kế hoạch mới cho môi trường chiến lược thay đổi hiện nay. Điều này bao gồm một thực tế rằng Washington sẽ phải chiến đấu với nhiều hơn một đối thủ ở nhiều hơn một chiến trường trong cùng một lúc. Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Quốc gia – một nhóm chuyên gia lưỡng đảng có nhiệm vụ xem xét các chiến lược quốc phòng quốc gia – đã kêu gọi Hoa Kỳ xây dựng cấu trúc lực lượng ba chiến trường trong báo cáo gần đây nhất, thừa nhận thực tế rằng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những thách thức đồng thời ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Châu Âu và Trung Đông, do đó phải cùng với các đồng minh và đối tác bảo vệ các lợi ích toàn cầu của mình ở cả ba khu vực. Việc đối đầu với sự phối hợp của Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên sẽ là một thách thức khổng lồ, đòi hỏi một lực lượng quân đội lớn hơn và chi tiêu ngân sách quốc phòng nhiều hơn đáng kể. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ GDP, Mỹ hiện nay đang chỉ chi tiêu bằng một nửa so với trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nếu các nhà lãnh đạo thực sự tin vào những gì họ nói trong các văn bản chiến lược rằng đây là giai đoạn nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Lạnh và có lẽ thậm chí là kể từ Thế chiến II, Washington sẽ cần phải nỗ lực và đầu tư nhiều như những lần trước đó.
Ngoài ra, ngay cả khi chi tiêu quốc phòng có tăng lên, Hoa Kỳ vẫn không thể tự mình hành động. Việc đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho Hoa Kỳ sẽ đỡ tốn kém và hiệu quả hơn rất nhiều nếu Hoa Kỳ có thể tận dụng sức mạnh kết hợp của mạng lưới đồng minh và đối tác trên toàn cầu. Điều đó tất nhiên cũng sẽ phải dựa trên việc các đồng minh và đối tác sẽ là những người đóng góp cho nền an ninh toàn cầu, chứ không chỉ hưởng lợi. Vì vậy, khi Hoa Kỳ tăng cường đầu tư quốc phòng, các đồng minh trên khắp thế giới cũng cần thực hiện điều tương tự.
Vào tháng 1, một chính quyền mới, một chiến lược mới và một cơ hội tiềm năng mới sẽ giúp đánh giá lại các giả định chiến lược của Hoa Kỳ. Điều đó nên bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng Washington thực sự quan tâm đến nhiều khu vực trên thế giới và rằng các mối đe dọa từ trục liên minh của đối thủ sẽ tồn tại. Do đó, đã đến lúc phải lập ra những kế hoạch phù hợp hơn.
Biên dịch: Trần Anh Khôi
Tác giả: Raphael S. Cohen là giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết tại Dự án Không quân của Tập đoàn Rand.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]