Điện Kremlin đang đưa ra thông điệp rằng Nga sẵn sàng đàm phán với chính quyền mới của Mỹ. Nhưng Trump có thể thấy rằng các điều khoản mà Nga đưa ra khiến ông trông yếu thế không thể chấp nhận được.
Sự lo lắng của lãnh đạo Ukraine là điều dễ hiểu. Kể từ khi Donald Trump tái đắc cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng chuẩn bị cho một cuộc thảo luận trực tiếp giữa Mỹ và Nga về các điều khoản hòa bình ở Ukraine – mặc dù ngay khi có thông tin rằng Trump gần đây đã trao đổi với Putin qua điện thoại đã nhanh chóng bị Điện Kremlin phủ nhận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cố gắng nỗ lực thuyết phục ông Trump rằng tương lai của Ukraine đáng để chiến đấu. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy thông điệp của ông Zelenskyy đã lay chuyển được quan điểm của Trump. Trump dường như không dành sự đồng cảm với Ukraine và không quan tâm đến đất nước này – ngoài việc ngăn chặn các cam kết tiếp theo của Mỹ đối với việc phòng thủ của Ukraine. (Kể từ tháng 2 năm 2022, Mỹ đã cung cấp 175 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Kyiv, khoảng 7% tổng chi tiêu quốc phòng được phân bổ trong thời gian đó).
Trump rõ ràng coi Ukraine là cơ hội để thể hiện quyền lực của mình với cử tri Mỹ. Nếu ông có thể đưa Putin đến bàn đàm phán và kết thúc một cuộc chiến mà theo ông không có mục đích gì cho người dân Mỹ, điều đó cũng sẽ củng cố tuyên bố của ông rằng ông có thể ngăn chặn Thế chiến 3.
Nhìn từ Kyiv, mối quan hệ quyền lực hoạt động ngược lại. Putin đang lôi kéo Trump – được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi sự nịnh nọt – vào một cuộc đàm phán để giải quyết một vấn đề quan trọng đối với Nga. Tổng thống Nga nắm rõ cả các vấn đề tiểu tiết, trong khi Zelenskyy có lý do chính đáng để lo sợ rằng Trump có thể đồng ý với các điều khoản mà ông không hiểu hết hậu quả.
Mục tiêu của Putin
Putin không thay đổi hướng mục tiêu của mình kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt này. Đó là phi quân sự hóa Ukraine và thay thế Zelenskyy và chính phủ của Ukraine bằng một lãnh đạo chấp nhận sự chỉ đạo của Moscow (“phi phát xít hóa”). Ưu tiên hàng đầu của Putin trong các cuộc đàm phán sẽ là đảm bảo tính trung lập của Ukraine. Điều này sẽ yêu cầu một cam kết chắc chắn rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong tương lai gần. Ông cũng sẽ tìm cách hạn chế quy mô lực lượng vũ trang và ngăn chặn việc đóng quân của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine.
Putin cũng tin tưởng việc có thể củng cố sự kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea bằng cách giành được sự công nhận việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine của mình. Ông có thể yêu cầu kiểm soát các phần của các khu vực Donetsk và Luhansk chưa bị lực lượng Nga chiếm đóng; có thể đổi lấy các lãnh thổ Nga chiếm đóng ở Kherson và Zaporizhzhia để lấy lãnh thổ do Ukraine kiểm soát ở khu vực Kursk của Nga.
Cuối cùng, Putin sẽ muốn lới lỏng các biện pháp trừng phạt. Nền kinh tế Nga đã cố gắng thích ứng với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và giảm thiểu sự tác động lên kinh tế nhưng chúng vẫn là một gánh nặng đáng kể đối với sự phát triển của đất nước. Việc mất khả năng tiếp cận vào công nghệ và thiết bị của phương Tây đã khiến một số sản phẩm công nghiệp chính của Nag bị đình trệ. Nếu các biện pháp trừng phạt vẫn được áp dụng, các tác động tiêu cực như vậy sẽ trở nên nặng nề hơn.
Trump có thể dễ dàng đồng ý với các điều khoản này. Nhưng việc dễ dàng đồng ý mà không có bằng chứng về sự sẵn sàng thỏa hiệp tương ứng của Putin sẽ khiến ông Trump bị cáo buộc là ngây thơ và yếu đuối trong tư cách một nhà đàm phán. Trump có thể dễ dàng gạt bỏ những tuyên bố rằng ông đã bị Putin vượt mặt. Nhưng một cáo buộc rằng ông là một nhà đàm phán yếu đuối sẽ xúc phạm lòng tự ái của ông và làm tổn hại hình ảnh của ông trong mắt các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc – những người sẽ theo dõi sát sao.
Có thể dễ hiểu rằng giả định lí do mà Trump sẽ muốn tránh nhận thức này là vì ông đã nỗ lực tạo ấn tượng rằng Trung Quốc, Iran và những nước khác nên tiếp tục sợ ông trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Do đó, Putin có thể cần phải đưa ra một động lực đủ lớn cho Mỹ – một kết quả cho phép cả Washington và Moscow tuyên bố một thỏa thuận có lợi. Liệu Putin có thể đề xuất điều gì phù hợp mà Nga có thể chi trả và đáp ứng chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của Trump.
Hy vọng của Ukraine
Ngay trước cuộc bầu cử, Trump đã nói về sự cần thiết phải “tách rời” Nga và Trung Quốc. Ý tưởng rằng Putin có thể giúp Washington bằng cách quay lưng lại với Trung Quốc là điều không tưởng.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Nhưng hai nước này cùng chia sẻ mục tiêu chiến lược chung là giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ và các đồng minh của họ và đã thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn nhiều kể từ khi Trump rời nhiệm sở vào năm 2020.
Cũng khó có thể thấy một đề xuất kiểm soát vũ khí mới từ Moscow có thể thu hút Trump. Kyiv hy vọng là Trump sẽ nhanh chóng nhận ra rằng thỏa thuận mà ông muốn đạt được sẽ không thành hiện thực vì các vấn đề cơ bản và liên quan khác – chẳng hạn như quan hệ Nga-Trung – phức tạp hơn ông tưởng tượng.
Một sự an ủi cho người Ukraine là Điện Kremlin đã thất vọng về Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, vì mặc dù có những tín hiệu thân thiện nhưng không có kết quả lớn nào đạt được. Chính quyền Trump đã cung cấp vũ khí chống tăng (những loại vũ khí được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt hoặc làm hư hại các phương tiện bọc thép, chủ yếu là xe tăng) cho Ukraine và phản đối mạnh mẽ việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối Nga và Đức.
Trump lắng nghe ai
Ai là người Trump lắng nghe trong khi cách tiếp cận của Trump đối với việc đàm phán với Moscow có thể rất cá nhân và khác biệt, việc chuẩn bị các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc nhiều vào những người mà ông bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Ở giai đoạn này, vẫn chưa rõ ai trong chính quyền mới sẽ chịu trách nhiệm phối hợp chính sách đối với Nga và mức độ họ có thể thách thức suy nghĩ của Trump.
Trong chiến dịch bầu cử Mỹ, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã đề xuất rằng một thỏa thuận đàm phán sẽ yêu cầu Ukraine giữ vị thế trung lập, đóng băng tiền tuyến và thiết lập một khu vực phi quân sự được kiểm soát chặt chẽ. Theo suy nghĩ của JD Vance, điều này sẽ bảo vệ sự độc lập của Ukraine và ngăn chặn hành động tiếp theo của Nga – trong khi các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, sẽ phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
Nhưng sớm hay muộn, các khẩu hiệu chiến dịch sẽ phải đối diện với thực tế. Trump có khả năng sẽ nhận ra Putin tin rằng Nga hiện có lợi thế hơn trong quan hệ với Mỹ vì cảm giác rằng phương Tây đã mất đi sự thống trị trong các vấn đề toàn cầu.
Như bài phát biểu của tổng thống Nga tuần trước đã cho thấy, ông tin rằng lịch sử đang đứng về phía Nga. Trong trường hợp ngay cả khi Trump chấp nhận các điều khoản của Điện Kremlin và diễn giải kết quả như chiến thắng cá nhân của mình, không có gì chắc chắn rằng Ukraine và một số đồng minh châu Âu của họ sẽ không phản đối với kết quả này.
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây ở Ukraine cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các cuộc đàm phán với Nga để kết thúc chiến tranh, nhưng không phải là hòa bình bằng bất cứ giá nào. Một thỏa thuận chấp nhận được đối với người Ukraine sẽ yêu cầu các đảm bảo an ninh từ phương Tây mà không bị Nga phủ quyết.
Một thỏa thuận bất lợi áp đặt lên Ukraine có thể dẫn đến việc chiến dịch quân sự sẽ vẫn được duy trì mặc dù sẽ diễn ra ở mức độ thấp hơn nhiều so với hiện tại khi mà không có sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Biên dịch: Hoàng Bích Phượng
Tác giả: John Lough là Nghiên cứu viên cao cấp, Trưởng phòng quốc tế của Trung tâm Chiến lược Á-Âu mới
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]