Trong những tuần đầu năm 2024, khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu lan rộng ra khu vực, tình hình Trung Đông dường như một lần nữa đã trở thành trung tâm trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Mỹ. Từ những ngày đầu tiên sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, chính quyền Biden đã đưa hai tàu sân bay và một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến Trung Đông. Cũng trong thời gian này, một loạt các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden bắt đầu thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến khu vực. Khi cuộc xung đột trở nên khó kiểm soát hơn, Mỹ đã tiến xa hơn. Vào đầu tháng 11/2023, để đáp trả các cuộc tấn công vào binh lính Mỹ của các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria, Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công vào những nơi chứa vũ khí ở Syria và có liên quan tới Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Vào đầu tháng 01/2024, lực lượng của Mỹ đã tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của một trong những nhóm này hoạt động ở Baghdad. Vào giữa tháng 01/2024, sau nhiều tuần tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ của phong trào Houthi được Iran hỗ trợ, Mỹ và Vương quốc Anh đã bắt đầu một loạt các cuộc tấn công vào các thành trì của Houthi ở Yemen.
Bất chấp hành động phô diễn sức mạnh này, sẽ là không khôn ngoan nếu đặt cược vào việc Mỹ sẽ cam kết cung cấp các nguồn lực ngoại giao và an ninh lớn cho Trung Đông trong dài hạn. Ngay trước các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, chính phủ Mỹ nhiều lần đã có dấu hiệu rời khỏi khu vực để dành nhiều sự quan tâm hơn cho một Trung Quốc đang trỗi dậy. Chính quyền Biden cũng đang phải đối mặt với cuộc xung đột ở Ukraine, điều này càng hạn chế những nguồn lực của họ để dành ra sự quan tâm đáng kể với Trung Đông. Đến năm 2023, phần lớn các quan chức Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân được khôi phục với Iran, thay vào đó tìm cách đạt được các thỏa thuận xuống thang căng thẳng không chính thức với nước này. Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng đang muốn tăng cường tiềm lực quân sự cho các đối tác trong khu vực như Ả Rập Xê Út để san sẻ một số gánh nặng an ninh từ phía Washington. Bất chấp việc Tổng thống Biden ban đầu miễn cưỡng hợp tác kinh doanh với Ả Rập Xê Út và tình báo Mỹ tin rằng những người lãnh đạo nước này chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Ả Rập Xê Út. Cộng tác viên của tờ Washington Post – Jamal Khashoggi vào năm 2018 cho rằng, ông Biden vẫn ưu tiên một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel. Khi theo đuổi thỏa thuận, Mỹ sẵn sàng đưa ra những khuyến khích quan trọng cho cả hai bên trong khi hầu như phớt lờ vấn đề Palestine.
Ngày 7/10/2023 đã đảo ngược cách tiếp cận này của Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề Palestine và buộc Mỹ phải tham gia quân sự nhiều hơn. Tuy nhiên, đáng chú ý là cuộc xung đột ở Gaza đã không dẫn đến những thay đổi đáng kể trong định hướng chính sách cơ bản của Washington. Chính quyền tiếp tục thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út bất chấp sự phản đối của Israel đối với việc thành lập một nhà nước riêng cho người Palestine, Riyadh đã đưa ra một điều kiện cho bất kỳ thỏa thuận nào như vậy. Các quan chức Mỹ dường như khó có thể chấm dứt những nỗ lực nhằm gỡ Mỹ ra khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông. Dù sao đi nữa, tình hình ngày càng phức tạp của cuộc xung đột có thể khiến Mỹ ít muốn tham gia vào khu vực hơn. Việc tăng gấp đôi các cam kết ở Trung Đông cũng khó có thể là một chiến lược mang lại chiến thắng cho cả hai đảng chính trị Mỹ trong năm bầu cử quan trọng.
Tất nhiên Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào Trung Đông. Nếu các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lực lượng Mỹ khiến người Mỹ thiệt mạng hoặc nếu một cuộc tấn công khủng bố liên quan đến cuộc xung đột ở Gaza giết chết thường dân Mỹ có thể buộc Mỹ phải can dự quân sự lớn hơn mức mà chính quyền mong muốn, nhưng việc chờ đợi Mỹ đi đầu trong việc quản lý hiệu quả Gaza và mang lại hòa bình lâu dài ở Trung Đông sẽ hơi xa vời, đơn giản vì các động lực khu vực và toàn cầu hiện tại khiến Washington gặp khó khăn trong việc đóng vai trò quan trọng đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là các cường quốc toàn cầu khác sẽ thay thế Mỹ. Cả các nhà lãnh đạo châu Âu lẫn Trung Quốc đều không thể hiện nhiều sự quan tâm hoặc khả năng đảm nhận công việc này, ngay cả khi ảnh hưởng của Mỹ suy yếu. Trong tình thế này, các nước quan trọng trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng Ả Rập của Israel là Ai Cập và Jordan, Qatar, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vốn đã phối hợp kể từ khi xung đột bắt đầu để khẩn trương đẩy mạnh và giải quyết vấn đề. xác định một con đường chung về phía trước.
Việc tìm kiếm điểm chung sau các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas và chiến dịch tàn khốc của Israel ở Gaza sẽ đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, cuộc xung đột càng kéo dài thì nguy cơ rạn nứt trên diện rộng khắp Trung Đông càng lớn. Nhưng trong những năm trước các cuộc tấn công, cả các quốc gia Ả Rập và phi Ả Rập đều cho thấy tiềm năng của các hình thức hợp tác mới nhằm thiết lập lại các mối quan hệ lớn trong khu vực. Ngay cả sau nhiều tháng xảy ra các xung đột, nhiều mối quan hệ trong số này vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, trước khi xu hướng này đảo ngược, các chính phủ này phải cùng nhau xây dựng các cơ chế lâu dài để ngăn chặn xung đột và cuối cùng là hòa bình.
Điều khẩn cấp nhất là các cường quốc trong khu vực phải hỗ trợ một tiến trình chính trị khả quan giữa người Israel và người Palestine. Nhưng họ cũng nên thực hiện các bước quyết định để ngăn chặn thảm họa như vậy xảy ra lần nữa. Đặc biệt, họ nên tìm cách thiết lập các thỏa thuận an ninh khu vực mới và hiệu quả hơn để có thể mang lại sự ổn định dù có hay không sự lãnh đạo của Mỹ. Đã quá lâu để Trung Đông có một diễn đàn thường trực về an ninh khu vực nhằm thiết lập một địa điểm thường trực cho cuộc đối thoại giữa các cường quốc trong khu vực. Việc thu thập cơ hội từ bi kịch sẽ đòi hỏi phải làm việc chăm chỉ và cam kết ở cấp chính trị ở mức cao nhất. Nhưng tương lai này trong tình tình hiện tại có vẻ xa vời, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Đông vẫn có tiềm năng ngăn chặn vòng xoáy xung đột và thay đổi khu vực theo hướng tích cực hơn.
Các mối lo lắng về ảnh hưởng
Bất chấp sự thất vọng ngày càng tăng đối với chính quyền Biden vì không có hành động quyết đoán để chấm dứt xung đột, một số nhà lãnh đạo Ả Rập, cùng với những người ủng hộ can thiệp ở Washington, có thể mong muốn được thấy Mỹ “trở lại” ở Trung Đông. Phản ứng nhanh chóng về mặt ngoại giao và quân sự của chính quyền Biden cũng như việc họ sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại các lực lượng liên kết với Iran đã cho thấy rằng khu vực này một lần nữa trở thành trung tâm của những lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ. Trên thực tế, Mỹ chưa bao giờ rời bỏ nơi này nhằm duy trì ảnh hưởng quân sự. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công ngày 7/10/2023, hàng chục nghìn binh lính Mỹ đã đóng quân trong khu vực và Washington tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự lớn ở Bahrain và Qatar, cũng như các hoạt động triển khai quân sự nhỏ hơn ở Syria và Iraq.
Trong khi đó, Mỹ đã phải vật lộn để kiềm chế áp lực quân sự từ các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq, Syria và Yemen. Kể từ khi bắt đầu xung đột, lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã phải đối mặt với hơn 150 cuộc tấn công từ các nhóm này. Bất chấp một loạt các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ và Vương quốc Anh, Washington vẫn không thể chấm dứt các cuộc tấn công không ngừng nghỉ bằng tên lửa và máy bay không người lái của Phong trào Houthi ở Biển Đỏ. Hiện tại, người Houthi đã có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với thương mại quốc tế, buộc các công ty vận tải lớn phải tránh kênh đào Suez. Đáng chú ý, những nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố một lực lượng hàng hải đa quốc gia để chống lại mối đe dọa đã không thể thu hút được các đối tác trong khu vực như Ai Cập, Jordan và Ả Rập Xê Út, những quốc gia vẫn cảnh giác với các chính sách của chính quyền Gaza.
Hoạt động quân sự và ngoại giao của Mỹ không tạo dựng được nhiều niềm tin.
Khi ảnh hưởng quân sự của Washington giảm đi, sức mạnh ngoại giao của nước này cũng suy yếu. Thay vì thể hiện quyết tâm, các chuyến thăm liên tục của các quan chức chính quyền cấp cao tới khu vực đã chứng tỏ Mỹ duy trì được ít sự ảnh hưởng hơn. Hay như trong trường hợp của Israel, chính quyền nước này không hề bị động và phụ thuộc vào Mỹ. Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, một trong những thành công đầu tiên của chính quyền là tạm dừng giao tranh một tuần vào cuối tháng 11/2023, dẫn đến việc thả hơn 100 con tin Israel và nước ngoài cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo một cách khiêm tốn cho Gaza. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, sự hòa giải của Qatar và Ai Cập vẫn rất quan trọng. Mặt khác, Mỹ đã không sẵn lòng (ít nhất là vào thời điểm viết bài này) kêu gọi ngừng bắn và chính sách ngoại giao công chúng của Mỹ hầu như chỉ giới hạn ở những nỗ lực khoa trương nhằm kiềm chế những động thái tồi tệ nhất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính quyền cánh tả của ông nếu có.
Chính quyền đã lên tiếng nhiều hơn trong việc thúc đẩy các ý tưởng hòa bình “ngày sau đó”, tập trung vào cái mà họ gọi là sự lãnh đạo của Chính quyền Palestine “hồi sinh” ở Bờ Tây và Gaza cũng như sự hỗ trợ của khu vực để tái thiết Gaza. Nhưng các cường quốc trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia Ả Rập giàu có ở vùng Vịnh đã nói rõ rằng họ sẽ không tán thành những kế hoạch như vậy nếu không có những bước đi không thể đảo ngược nhằm hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine. Sau khi các quan chức Mỹ bắt đầu phát biểu công khai hơn về sự cần thiết của “giải pháp hai nhà nước” như một phần của hiệp ước bình thường hóa lớn hơn với Ả Rập Xê Út, ông Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ khả năng này và nhấn mạnh rằng Israel phải duy trì toàn quyền kiểm soát an ninh đối với các khu vực của người Palestine. Nhưng ngay cả các quan chức Israel theo đường lối ôn hòa cũng bày tỏ sự ngạc nhiên rằng Mỹ đang thúc đẩy các sáng kiến hòa bình trong khi cuộc xung đột với Hamas vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, việc chính phủ Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc xung đột và nhận thức được sự thiếu đồng cảm của chính quyền này đối với những người Palestine đáng thương đã tạo ra những trở ngại đáng kể trong việc thu hút sự ủng hộ của các nước trong khu vực, chứ chưa nói đến sự ủng hộ của người Palestine đối với bất kỳ kế hoạch nào do Mỹ dẫn đầu.
Mỹ sẽ tiếp tục là một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực nhờ vào sức mạnh quân sự và mối quan hệ gần gũi với Israel. Nhưng mọi kỳ vọng rằng Washington sẽ có thể đạt được một thỏa thuận lớn có thể chấm dứt dứt điểm xung đột Israel – Palestine đều khó có thể xảy ra với thực tế của Trung Đông ngày nay. Cuối cùng, những đột phá ngoại giao lớn có nhiều khả năng đến từ chính các nước trong khu vực và phụ thuộc vào chính họ.
Hành động một mình hay đồng lòng phối hợp?
Hậu quả của việc Washington bị suy giảm ảnh hưởng ở Trung Đông không chỉ thể hiện trong cuộc xung đột hiện nay. Khi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực giảm sút trước ngày 7/10/2023, các cường quốc trong khu vực đã thường xuyên tăng cường nỗ lực của họ nhằm định hình và thiết lập các thỏa thuận an ninh. Thật vậy, bắt đầu từ năm 2019 các chính phủ trong khu vực đã bắt đầu hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng trước đây. Sự tái thiết trật tự khu vực bất thường này không chỉ được thúc đẩy bởi các ưu tiên kinh tế, nó còn vượt qua những xung đột trước đây đã làm gián đoạn hoặc kìm hãm thương mại và tăng trưởng trong một thời gian dài, mà còn bởi nhận thức rằng mối quan tâm của Washington trong việc quản lý các xung đột ở Trung Đông đang suy yếu.
Một ví dụ tiêu biểu có thể kể tới là hành động xích lại gần nhau giữa các quốc gia vùng Vịnh và Iran. Năm 2019, UAE bắt đầu khôi phục quan hệ song phương với Iran sau 3 năm gián đoạn, nhận thấy cơ hội trực tiếp quản lý các mối quan hệ và bảo vệ lợi ích của mình khỏi các nhóm được Iran hậu thuẫn đang làm gián đoạn hoạt động hàng hải ở vùng Vịnh và đe dọa du lịch cùng thương mại của Tiểu vương quốc, Abu Dhabi chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Tehran vào năm 2022, mở đường cho Riyadh làm theo. Vào tháng 3/2023, các đối thủ lâu năm là Ả Rập Xê Út và Iran tuyên bố rằng họ đang nối lại quan hệ theo một hiệp định do Trung Quốc làm trung gian sau nhiều tháng đàm phán ở các “kênh ngầm” do Oman và Iraq kiểm duyệt. Tuy nhiên, Mỹ không tham gia vào các thỏa thuận này.
Trong khi đó, vào năm 2021, Bahrain, Ai Cập, Ả Rập Xê Út và UAE đã chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài 3 năm rưỡi đối với Qatar, nguyên nhân chủ yếu là do Qatar ủng hộ các nhóm Huynh đệ Hồi giáo, ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với kênh truyền hình Al Jazeera. Cùng lúc đó, UAE và Ả Rập Xê Út đã hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia mà trước đây họ đã xa lánh để đáp lại việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Qatar và các nhóm liên kết với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. (Mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở nên căng thẳng vì cuộc điều tra tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc sát hại ông Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul.) Bằng cách nối lại quan hệ, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã mở ra cánh cửa cho khoản đầu tư quan trọng của vùng Vịnh vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ. Và vào tháng 5/2023, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad trở lại Liên đoàn Ả Rập, đánh dấu sự kết thúc hơn một thập kỷ cô lập trong cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria.
Là một phần của quá trình tái thiết lập quy mô lớn hơn này, các chính phủ trên khắp Trung Đông cũng bắt đầu tham gia vào nhiều diễn đàn khu vực. Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad, họp lần đầu tiên tại Baghdad vào năm 2021 và một lần nữa tại Amman vào năm 2022 để thảo luận về sự ổn định của Iraq, đã triệu tập một loạt các quốc gia từng là đối thủ trước đây: bao gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Jordan – Ai Cập. Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải, được thành lập vào năm 2020, quy tụ Síp, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Israel, Ý và Jordan, cùng với các đại diện của Chính quyền Palestine, trong khuôn khổ được thiết kế để trở thành một cuộc đối thoại thường xuyên được xây dựng xung quanh vấn đề an ninh khí đốt và khử cacbon. Bên cạnh đó, cái gọi là I2U2, một nhóm bao gồm Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ, được thành lập vào năm 2021 để thúc đẩy quan hệ đối tác xuyên khu vực tập trung vào y tế, cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Một khía cạnh khác của việc tái thiết lập khu vực này là việc Israel bình thường hóa quan hệ với một số chính phủ các nước Ả Rập. Trong Hiệp định Abraham 2020, Bahrain, Maroc và UAE đã đồng ý thiết lập quan hệ chính thức với Israel, tạo cơ hội cho quan hệ kinh tế và thương mại mới. Đáng chú ý, một mục tiêu của hiệp định là mở đường cho các mối quan hệ an ninh trực tiếp mới giữa Israel và thế giới Ả Rập. Trước vụ tấn công ngày 7/10, chính quyền Biden đặt nhiều hy vọng rằng Ả Rập Xê Út, với tư cách là thành viên quan trọng hàng đầu của thế giới Ả Rập, cũng sẽ gia nhập nhóm này. Dựa trên những hiệp định đó, Hội nghị thượng đỉnh Negev vào tháng 3/2022 đã quy tụ Bahrain, Ai Cập, Israel, Maroc, UAE và Mỹ để khuyến khích hợp tác kinh tế và an ninh trong khuôn khổ cuộc họp với dự định diễn ra thường xuyên.
Tuy nhiên, rõ ràng sự vắng mặt trong các thỏa thuận bình thường hóa là vấn đề Palestine, vấn đề này phần lớn đã bị gạt sang một bên. Kết quả là Jordan đã từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh Negev và khi căng thẳng về các khu định cư của Israel ở Bờ Tây bùng phát vào đầu năm 2023, một cuộc họp tiếp theo của nhóm đã nhiều lần bị hoãn lại. Giờ đây, với sự tàn phá trên Dải Gaza, bất kỳ tiến bộ nào khác, nếu có sẽ phụ thuộc không chỉ vào việc chấm dứt xung đột mà còn xây dựng một kế hoạch khả thi cho một nhà nước Palestine.
Sự đổ bể và khả năng thích nghi
Về lý thuyết, cuộc xung đột thảm khốc ở Gaza dường như sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho việc tái thiết lập trật tự tại Trung Đông. Nhiều khả năng các mối quan hệ khu vực mới được thiết lập vẫn còn mong manh và chưa thể giải quyết được các vấn đề gai góc như việc phổ biến vũ khí, việc UAE tiếp tục ủng hộ các nhóm chiến binh ở Libya và Sudan, sự hỗ trợ của Iran cho các nhóm dân quân phi chính phủ có vũ trang trên toàn khu vực và sự ủng hộ của Syria đối với việc xuất khẩu ma túy Captagon. Những điều trên sẽ tác động tiêu cực đến việc bình thường hóa quan hệ với các chính phủ Ả Rập của Israel, cùng với sự tham gia ngày càng tăng của các nhóm được Iran hậu thuẫn từ Hezbollah đến Houthi đến các lực lượng dân quân khác nhau ở Syria và Iraq có khả năng tạo ra những rạn nứt mới giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ chế tái tổ chức mới đã tỏ ra bền vững một cách đáng ngạc nhiên.
Thay vì làm chệch hướng mối quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út, cuộc xung đột ở Gaza dường như đã củng cố mối quan hệ giữa họ. Vào tháng 11/2023, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã tham dự một cuộc họp chung hiếm hoi của Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo do Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman chủ trì tại Riyadh, và tháng sau, các nhà lãnh đạo Iran và Ả Rập Xê Út đã gặp lại nhau tại Bắc Kinh để thảo luận về Xung đột Gaza. Hai nước cũng đã lên kế hoạch trao đổi các chuyến thăm cấp nhà nước của Raisi và Mohammed trong những tháng tới, các cuộc gặp được cho là nhằm chính thức hóa các mối quan hệ kinh tế và an ninh mới. Bất chấp căng thẳng âm ỉ liên quan đến Houthi, bộ trưởng ngoại giao Iran và Ả Rập Xê Út cũng đã gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1/2024.
Cho đến nay, cuộc xung đột dường như đã củng cố mối quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út.
Trong khi mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và các đối tác Hiệp ước Abraham cho đến nay vẫn được giữ vững, UAE đã nói rõ rằng họ coi đối thoại với chính phủ Israel, ngay cả trong cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn là một biện pháp quan trọng để đạt được tiến bộ trong giải pháp chính trị giữa Israel và Palestine. Mặc dù quốc hội Bahrain đã lên án cuộc tấn công kéo dài vào Gaza, nhưng nước này vẫn chưa chính thức cắt đứt quan hệ với Israel. Đối với cả hai quốc gia Ả Rập, bình thường hóa không chỉ là tăng cường mối quan hệ kinh tế với Israel mà còn củng cố mối quan hệ chiến lược với Mỹ. Bất chấp việc Washington không chú ý nhiều đến khu vực trong những năm gần đây, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh vẫn tìm kiếm sự đảm bảo và bảo vệ an ninh của Mỹ: vào tháng 1/2022, Biden đã chỉ định Qatar là “đồng minh lớn ngoài NATO” và vào tháng 9/2023, Bahrain và Mỹ đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.
Điều chắc chắn là cuộc xung đột đã tạo ra những trở ngại mới cho hợp tác khu vực, đặc biệt là khi liên quan đến Israel và các nước láng giềng. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đều đã rút đại sứ khỏi Israel và các chuyến bay thẳng giữa Israel và Maroc đã dừng vào tháng 10/2023. Đến cuối tháng 1/2024, với hơn 26.000 người thiệt mạng ở Gaza và chưa có lệnh ngừng bắn, dư luận Ả Rập phản đối mạnh mẽ việc bình thường hóa hơn bao giờ hết. Nhiều người cũng lo ngại rằng các cuộc tấn công của quân đội Mỹ và Anh vào lực lượng Houthi có thể khuyến khích nhóm này ở Yemen và cản trở nỗ lực chính thức hóa lệnh ngừng bắn được tìm kiếm lâu nay trong cuộc xung đột kéo dài gần một thập kỷ của lực lượng Houthi ở Yemen với Ả Rập Xê Út. Đồng thời, dù các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh đã cam kết tiếp tục tiếp cận ngoại giao với Tehran, vẫn rất ít quan chức trong khu vực hy vọng rằng Iran sẽ thay đổi cách tiếp cận “phòng bị là trên hết”, trong đó nước này dựa vào các nhóm chiến binh để xây dựng đòn bẩy chiến lược và duy trì khả năng răn đe. Vào giữa tháng 1/2024, các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp của Tehran vào Iraq, Pakistan và Syria nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Israel và cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo vào thành phố Kerman của Iran đã làm căng thẳng ngày càng gia tăng.
Hiện tại, có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Đông đang tìm cách vượt qua những tranh chấp này. Ví dụ, để quản lý áp lực kinh tế ngày càng tăng và tình trạng bất ổn trong nước, Iran đã dành một sự ưu tiên mới cho các mối quan hệ kinh doanh và thương mại trong khu vực không chỉ với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh mà còn với Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á, cũng như Trung Quốc và Nga. Điều này chỉ ra những động lực thực dụng thúc đẩy thông điệp của Tehran rằng nước này tìm cách tránh can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Gaza bất chấp sự ủng hộ của nhiều nhóm ủy quyền khác nhau. Nhưng khi các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng gia tăng khắp khu vực trong bối cảnh không có lệnh ngừng bắn ở Gaza, các tính toán của Iran rất có thể sẽ thay đổi.
Hiệu ứng Gaza
Nghịch lý thay, một trong những lực lượng mạnh nhất gắn kết khu vực lại với nhau có thể cũng chính là nguyên nhân làm nghiêm trọng hơn tình cảnh của dải Gaza và vấn đề Palestine, cuộc xung đột đã khiến thế giới phải chú ý một cách rõ ràng. Đối mặt với sự phẫn nộ quá mức của người dân cũng như nguy cơ lâu dài về tình trạng cực đoan hóa và sự quay trở lại của các nhóm cực đoan, các nhà lãnh đạo khu vực phần lớn đã điều chỉnh các chính sách và phản ứng của họ đối với cuộc xung đột. Bất chấp các chiến lược khác nhau đối với Israel và người Palestine trước ngày 7/10/2023, các chính phủ khắp Trung Đông đều thống nhất yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, phản đối bất kỳ yêu cầu nào chuyển người Palestine ra khỏi Gaza, kêu gọi tiếp cận nhân đạo tới Gaza và cung cấp viện trợ khẩn cấp và hỗ trợ các cuộc đàm phán để thả con tin Israel để đổi lấy việc chấm dứt xung đột. Câu hỏi bây giờ là liệu sự thống nhất này có thể hướng tới việc xây dựng một tiến trình hòa bình hợp pháp hay không.
Đối với nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi giáo trong khu vực, ưu tiên cao nhất là xác định một kế hoạch rõ ràng cho Gaza và cuối cùng là thành lập một nhà nước Palestine. Các nhà lãnh đạo Israel đã gợi ý rằng các quốc gia vùng Vịnh có nguồn tài nguyên dồi dào, như Ả Rập Xê Út và UAE có thể chia sẻ chi phí tái thiết Gaza. Nhưng chính phủ hiện tại của Israel cho biết họ phản đối một nhà nước Palestine và khi xung đột vẫn tiếp diễn, không có chính phủ Ả Rập nào sẵn sàng đưa ra cam kết như vậy hoặc bảo lãnh cho nỗ lực xung đột của Israel. Thay vào đó, họ đã tiết lộ những đề xuất của riêng mình về một nền hòa bình thời hậu xung đột.
Vào tháng 12/2023, Ai Cập và Qatar đưa ra một kế hoạch bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn nhằm thả con tin và trao đổi tù nhân theo từng giai đoạn. Sau giai đoạn chuyển tiếp, về mặt lý thuyết, các bước xây dựng lòng tin này sẽ dẫn tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết Palestine. Bao gồm các thành viên của cả Fatah, đảng dân tộc chủ nghĩa từ lâu đã kiểm soát PA và Hamas, ban lãnh đạo mới sẽ cùng điều hành Bờ Tây và Gaza, theo yêu cầu quan trọng của khu vực rằng các vùng lãnh thổ khác nhau của Palestine không còn bị chia cắt về mặt chính trị. Giai đoạn cuối cùng này sẽ yêu cầu các cuộc bầu cử của người Palestine và thành lập một nhà nước Palestine. Dù Israel đã bác bỏ kế hoạch này, kể cả việc đưa Hamas vào vấn đề thành lập nhà nước. Điều đã tạo ra điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận sâu hơn về các vấn đề kể trên.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra khái niệm về một hệ thống bảo lãnh đa quốc gia, trong đó các quốc gia trong khu vực bảo vệ và củng cố an ninh cùng hệ thống quản trị của người Palestine, còn Mỹ và các nước châu Âu bảo đảm an ninh cho Israel. Những người khác đề xuất rằng Liên Hợp Quốc điều hành một cơ quan chuyển tiếp ở Bờ Tây và dải Gaza, một cách tiếp cận sẽ cho phép có thời gian để cải tổ cơ cấu quản trị của người Palestine và cuối cùng đặt nền móng cho các cuộc bầu cử của người Palestine. Về phần mình, Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ ủng hộ bất kỳ kết quả nào được chính người Palestine ủng hộ, cho thấy rằng có một cơ hội mới để thuyết phục Tehran ủng hộ một thỏa thuận và hạn chế những hình ảnh tiêu cực của nước này trong trong khu vực.
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đang phát triển một kế hoạch hòa bình với các quốc gia Ả Rập khác nhằm tạo điều kiện bình thường hóa quan hệ với Israel trên cơ sở tạo ra một con đường không thể thay đổi để thành lập một nhà nước Palestine. Cách tiếp cận của Riyadh được củng cố bởi sáng kiến hòa bình Ả Rập năm 2002, cam kết Ả Rập công nhận Israel để đổi lấy việc thành lập một nhà nước Palestine ở Đông Jerusalem, Gaza và Bờ Tây. Kế hoạch hiện tại của nước này phù hợp với nỗ lực của Washington nhằm bình thường hóa quan hệ Israel- Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Ả Rập Xê Út có đồng ý với những người đồng cấp Mỹ về những gì tạo nên những bước đi đáng tin cậy và không thể đảo ngược đối với một nhà nước Palestine hay không, đặc biệt là trước sự phản kháng mạnh mẽ của Israel.
Dưới thời ông Netanyahu, chính phủ Israel tiếp tục bác bỏ tất cả những đề xuất này. Nhưng tính đến cuối tháng 1/2024, Israel vẫn chưa đạt được mục tiêu chính trị là tiêu diệt Hamas và vẫn chưa đảm bảo được việc thả hơn 100 con tin còn lại. Căng thẳng gia tăng trong cả nội bộ chính phủ và công chúng Israel về diễn biến tương lai của chiến dịch quân sự. Hơn nữa, nước này đã trì hoãn bất kỳ cuộc tranh luận công khai hoặc chính trị nghiêm túc nào về an ninh tương lai của mình cho đến khi xung đột quân sự kết thúc. Khi điều đó xảy ra, Israel sẽ cần phải có các kênh ngoại giao mở và đảm bảo nguồn tài trợ cũng như đảm bảo an ninh từ các chính phủ Ả Rập, cũng như duy trì sự tham gia của Washington trong suốt quá trình này.
Có thể phải mất nhiều năm để thiết lập các điều kiện chính trị cần thiết cho một tiến trình hòa bình nghiêm túc sau một cuộc xung đột khủng khiếp như vậy. Tuy nhiên, cuộc xung đột và sự lan tỏa trong khu vực của nó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng mặc dù xung đột Israel-Palestine không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng sự ổn định trong khu vực sẽ luôn gặp rủi ro nếu nó vẫn tiếp diễn. Đồng thời, các chính phủ trong khu vực ngày càng nhận thức được rằng họ không thể chỉ dựa vào Mỹ để mang lại một tiến trình hòa bình khả thi cho họ.
Từ đối thủ đến hàng xóm
Ngay cả khi đã đẩy vấn đề Palestine trở lại vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế, cuộc xung đột ở Gaza đã nhấn mạnh những động lực chính trị mới và quan trọng đang diễn ra trên khắp Trung Đông. Một mặt, Mỹ dường như có ít ảnh hưởng hơn, nhưng đồng thời các cường quốc trong khu vực, bao gồm cả những cường quốc trước đây có mâu thuẫn, đang nắm thế chủ động tham gia vào việc hòa giải và điều phối các chính sách và hành động của họ. Trong khi trước ngày 7/10/2023, các cường quốc trong khu vực: đặc biệt là Ai Cập, Jordan, Qatar, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE có ít liên kết hơn trong vấn đề Palestine, thì giờ đây họ đang hành động với sự thống nhất, phối hợp và lập các kế hoạch đầy ấn tượng. Tuy nhiên, để biến quyết tâm chung này thành một sự lãnh đạo đáng tin cậy lâu dài, các cường quốc này phải nắm rõ các thể chế và đưa ra các thỏa thuận khu vực lâu dài hơn.
Quan trọng nhất, những hoạt động này phải bao gồm một diễn đàn đối thoại thường trực cho toàn bộ khu vực. Các hội nghị thượng đỉnh theo từng giai đoạn dành cho các bộ trưởng và các nhóm “nhỏ” đặc biệt như Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải và I2U2 chắc chắn sẽ tiếp tục xác định bối cảnh khu vực trong những năm tới. Dù vậy, vẫn còn thiếu một diễn đàn thường trực cho an ninh khu vực. Ở những nơi khác trên thế giới, các diễn đàn an ninh hợp tác, như Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã có thể phát triển và tồn tại song song cùng với các liên minh an ninh song phương và khu vực, tăng cường liên lạc ngay cả giữa các đối thủ và giúp ngăn ngừa xung đột nếu có. Không có lý do gì để Trung Đông tiếp tục là một ngoại lệ. Bên cạnh đó, do nhu cầu cấp thiết của khu vực là phải phối hợp và giảm leo thang, cuộc khủng hoảng hiện nay mang đến cơ hội quan trọng để bắt đầu một sáng kiến như vậy.
Mặc dù các nhà lãnh đạo tỏ ra hoài nghi về ý tưởng thành lập một diễn đàn bao trùm toàn bộ khu vực, nhưng có một số cách để xây dựng các cơ chế an ninh hợp tác mới. Ví dụ, kể từ khi tiến trình hòa bình Madrid được khởi động vào đầu những năm 1990 để giải quyết xung đột Israel-Palestine, những thỏa thuận như vậy đã được đề xuất một cách không chính thức trong các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia. Trong vài năm qua, nhiều nhà hoạch định chính sách và những người khác đã nói rõ rằng phương pháp này đã chín muồi để thực hiện ở cấp chính thức. Mặc dù một diễn đàn như vậy cuối cùng sẽ nhằm mục đích sẽ bao gồm toàn bộ khu vực, bao gồm tất cả các nước Ả Rập, Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều đó sẽ không khả thi ngay lập tức. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ hơn các quốc gia chủ chốt có thể bắt đầu một quy trình chính thức, mở ra triển vọng về sự tham gia rộng rãi hơn trong tương lai, điều này có thể khả thi do một số quốc gia Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với cả Israel và Iran nên sự tham gia của họ sẽ đặc biệt có giá trị ngay từ đầu.
Trung Đông thiếu một diễn đàn thường trực cho an ninh khu vực.
Tổ chức mới, có thể được gọi là Diễn đàn MENA, nhằm bao hàm sự hiểu biết rộng nhất về khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ban đầu nên tập trung vào các vấn đề xuyên suốt có sự đồng thuận rộng rãi, chẳng hạn như khí hậu, năng lượng và ứng phó khẩn cấp, đến những cuộc khủng hoảng. Mặc dù việc giải quyết cuộc xung đột Gaza và xung đột Israel-Palestine có thể sẽ cần được thực hiện thông qua một sáng kiến riêng của Ả Rập, diễn đàn có thể điều phối các quan điểm về Gaza thời hậu xung đột thông qua chương trình nghị sự ứng phó khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ nhân đạo và viện trợ tái thiết cho người Palestine. Diễn đàn sẽ không trực tiếp hòa giải xung đột: các cuộc đối thoại an ninh hợp tác đã tỏ ra hiệu quả nhất khi tập trung vào việc cải thiện liên lạc và phối hợp nhằm xoa dịu căng thẳng cũng như mang lại lợi ích an ninh và kinh tế xã hội chung cho các thành viên. Nhưng thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên và việc xây dựng lòng tin dần dần, một quá trình như vậy có thể hỗ trợ giải quyết xung đột trên chiến trường Israel-Palestine và thậm chí còn hơn thế nữa.
Quả thực, các cuộc họp thường trực trong khu vực có thể mang lại những cơ hội quan trọng, chưa kể đến vỏ bọc chính trị cho các cuộc đối thoại về các tranh chấp giữa các đối thủ vốn thiếu các kênh liên lạc trực tiếp. Những cặp quan hệ này có thể bao gồm không chỉ người Israel và người Palestine mà còn có là cả Israel và Iran, những người có thể gặp nhau trong các nhóm công tác kỹ thuật về các vấn đề không gây tranh cãi mà các bên cùng quan tâm. Những tương tác như vậy đã lặng lẽ diễn ra bên lề các diễn đàn đa phương khác tập trung vào khí hậu và nước, cho thấy rằng cuối cùng họ cũng có thể hợp tác khu vực toàn diện hơn.
Việc thành lập một diễn đàn an ninh Trung Đông sẽ đòi hỏi ý chí chính trị ở cấp độ cao nhất cũng như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong khu vực cũng như một thế lực trung lập. Một khả năng là công bố tổ chức mới tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao, có thể bên lề một cuộc họp khu vực khác, giống như một trong những phiên họp kinh tế đã được tổ chức tại Biển Chết ở Jordan. Sáng kiến này sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu nó được tạo ra và lãnh đạo từ khu vực. Ví dụ, các cường quốc tầm trung ở châu Á và châu Âu có thể cung cấp hỗ trợ chính trị và kỹ thuật trong các lĩnh vực mà họ có thể có những kiến thức chuyên môn giá trị. Ít nhất ngay từ đầu, Trung Quốc, Nga và Mỹ nên có vai trò hạn chế để ngăn diễn đàn biến thành một nền tảng khác cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ cả Washington và Bắc Kinh sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng diễn đàn này trở thành một động thái hữu ích, chứ không phải là một mối đe dọa, cho chính sách ngoại giao của các nước trong khu vực.
Mất bao lâu để họ có thể tự làm chủ tình hình?
Trong số những thực tế khó khăn mà cuộc xung đột ở Gaza đã bộc lộ, một trong những thực tế rõ ràng nhất có thể thấy là giới hạn sức mạnh của Mỹ. Dù được trông đợi ở mức nào, Mỹ khó có thể mang lại sự lãnh đạo mang tính quyết định hoặc đòn bẩy cần thiết để thúc đẩy một thỏa thuận lâu dài giữa Israel và Palestine. Mặt khác, việc này sẽ tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo và ngoại giao của Trung Đông chịu trách nhiệm bằng cách thu hút sự chú ý và cho thấy nhu cầu ngoại giao của khu vực, cuộc xung đột đã mang lại cơ hội hiếm có cho các hình thức hợp tác mới.
Một diễn đàn an ninh khu vực tự nó không thể mang lại hòa bình cho Trung Đông cũng như không một sáng kiến đơn lẻ nào có thể làm được điều đó. Đồng thời, nếu không có sự quản lý có trách nhiệm, sự ổn định lâu dài thực sự sẽ khó mà đạt được. Một tổ chức như thế này cũng không thể thay thế được tất cả cơ chế cân bằng quyền lực mang tính cạnh tranh vốn từ lâu đã trở thành đặc trưng của nghệ thuật quản lý nhà nước ở Trung Đông. Ngay cả ở châu Á và châu Âu, các thỏa thuận hợp tác cũng không thể thay thế được sự cạnh tranh chiến lược quốc gia hoặc không thể ngăn chặn được sự đối đầu quân sự, như cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng minh một thực tế đau lòng. Tuy nhiên, một diễn đàn thường xuyên sẽ tạo thêm một lớp bảo vệ mang tính ổn định và quan trọng cho an ninh khu vực Trung Đông. Những động thái như vậy càng ngày càng cấp bách.
Mặc dù ngày 7/10/2023 vẫn chưa đảo ngược tất cả các xu hướng trong khu vực ủng hộ việc giảm leo thang và điều chỉnh, nhưng thời gian có thể không còn nhiều để tận dụng việc tái thiết lập này. Các quốc gia Ả Rập hàng đầu cùng với các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ phải nắm bắt thời cơ để duy trì một số mối quan hệ đã có trước Gaza và sự phối hợp đã nảy sinh kể từ đó. Trung Đông đang phải đối mặt với thời điểm tính toán căng thẳng. Nếu khu vực bị tê liệt bởi cuộc đổ máu kinh hoàng ở Gaza, nó có thể rơi vào khủng hoảng và xung đột nghiêm trọng hơn nữa. Hoặc nó có thể bắt đầu xây dựng một tương lai khác./.
Biên dịch: Duy Hưng
Về các tác giả:
Dalia Dassa Kaye là thành viên cao cấp tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế Burkle UCLA và là Học giả thỉnh giảng Fulbright Schuman tại Đại học Lund.
Sanam Vakil là Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]