Năm 2023 là một mốc thời gian quan trọng đối với chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Đó là năm Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, từ đó sẽ ban hành một Nghị quyết mới. Trên cơ sở này, Quân ủy Trung ương cũng sẽ nghiên cứu, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 806- NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và ban hành một Nghị quyết chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng cho thập niên tới.
Quan điểm “đối tác – đối tượng” sẽ được điều chỉnh
Bối cảnh quốc tế kể từ năm 2013 đến nay đã có nhiều chuyển biến lớn, đặc biệt là việc một trật tự thế giới mới đang được định hình với 3 hạt nhân trung tâm gồm: Mỹ, Trung Quốc và Nga. Xu thế hợp tác toàn cầu dần bị biến tính, chuyển biến liên tục từ “hợp tác” làm chủ đạo sang “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh” và nhanh chóng chuyển sang hình thái phức tạp “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và vừa đối đầu”.
Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XI (năm 2013), Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Hay nói theo cách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong cách tiếp cận quốc tế của Việt Nam cần xác định “trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có đối tượng” do đó phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Tuy nhiên, yếu tố “đối đầu” đã bộc lộ ngày càng rõ rệt trong quan hệ quốc tế đương đại và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong những năm tiếp theo. Mặc dù “Việt Nam sẽ không chọn bên mà chọn lẽ phải” theo như cách nói của các lãnh đạo đương nhiệm. Nhưng bối cảnh thế giới đương đại sẽ yêu cầu Việt Nam thường xuyên phải đưa ra một quyết định cụ thể hơn. Do vậy, quan điểm “đối tác – đối tượng” của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” năm 2013 sẽ được làm sâu sắc hơn, phù hợp hơn trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, tư duy về đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cũng sẽ phải có những điều chỉnh tương ứng, phù hợp với tình hình “xung đột, đối đầu” trên thế giới trong tương lai.
Linh hoạt áp dụng chính sách “Ba Không” trong bối cảnh mới
Năm 2019, Sách Trắng Quốc phòng mới của Việt Nam được công bố. Đáng chú ý, chính sách “Ba Không” đã có những điều chỉnh nhất định so với trước đây.
Chính sách “Ba Không” lần đầu được nhắc tới trong Sách Trắng năm 1998, sau đó liên tục được bổ sung, làm rõ hơn qua các Sách Trắng Quốc phòng năm 2004 và 2009. Đến năm 2009, Chính sách ba Không của Việt Nam có nội dung cụ thể như sau: (1) Không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. (2) Không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược; (3)Không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”.
Đến năm 2019, chính sách này đã được điều chỉnh thành: (1) Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; (4)Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Và một Tùy: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Về bản chất, “Bốn Không” trong Sách Trắng năm 2019 thực tế vẫn là “Ba Không” nhưng đã được làm rõ hơn, cụ thể hơn. Đồng thời, tính linh hoạt trong công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam được thể hiện rất rõ qua “Một tùy”. Đây là một bước tiến quan trọng trong tư duy đối ngoại quốc phòng của Việt Nam kể từ Nghị quyết 806, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương. Đồng thời, quan điểm này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được thảo luận, áp dụng trong Nghị quyết mới về công tác đối ngoại quốc phòng, dự kiến sẽ được Quân ủy Trung ương ban hành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Những ưu tiên hàng đầu trong đối ngoại quốc phòng của Việt Nam từ năm 2023
Quan điểm đối ngoại chắc chắn sẽ có những điều chỉnh nhất định trong năm 2023, tuy nhiên thứ tự ưu tiên trong công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam gần như không có nhiều thay đổi so với trước đây.
Thứ nhất, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng, nhất là 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc. Trong đó, Lào và Campuchia được xác định là mối quan hệ láng giềng đặc biệt, thậm chí được coi là mối quan hệ “sống còn” đối với Việt Nam. Do vậy, quá trình hợp tác, hỗ trợ với hai nước này trong lĩnh vực quốc phòng sẽ được quan tâm sâu sát, triển khai đồng bộ từ trung ương tới cấp cơ sở.
Thứ hai, xử lý khôn khéo trong quan hệ quốc phòng với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Với việc trật tự thế giới đang được định hình với 3 nhân tố hạt nhân chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc và Nga, hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đối với 3 siêu cường này cũng sẽ có những chuyển biến phức tạp. Nga vẫn là đối tác chiến lược toàn diện tin cậy lớn nhất của Việt Nam, việc duy trì và làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống này là điều chắc chắn. Trung Quốc là láng giềng lớn với nhiều tham vọng, áp lực cho công tác đối ngoại quốc phòng sẽ ngày một tăng lên trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng tìm kiếm thêm những “tiền đồn” kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các hoạt động hợp tác quốc phòng với Mỹ và Trung Quốc trong thập niên tới sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ở nhiều cấp độ với tính phức tạp hơn nhằm tìm kiếm sự cân bằng trong các mối quan hệ này. Trong quan hệ với các nước lớn khác, các hoạt động hợp tác sẽ ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng.
Thứ ba, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng với phần còn lại của thế giới. Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn với nhiều lĩnh vực, cơ chế hợp tác song phương cũng như đa phương. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều quốc gia, khu vực mà Việt Nam chưa thiết lập được quan hệ về quốc phòng, làm mối quan hệ ngoại giao nói chung của Việt Nam với các đối tác này còn nhiều hạn chế, thiếu chiều sâu.
Tuy vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam đang có một cách tiếp cận để mở rộng phạm vi hợp tác tương đối hiệu quả. Nếu như, hợp tác quân sự thường được tập trung với các đối tác là các nước lớn, các nước có nền tảng quân sự tiên tiến, hùng mạnh thì hợp tác về kinh tế quốc phòng, văn hóa quốc phòng sẽ được tập trung trở thành công cụ hữu hiệu để mở rộng mối quan hệ với các quốc gia tầm trung, những nước có tiềm lực yếu. Điều này vốn dĩ đã được các doanh nghiệp kinh tế quốc phòng mà nổi bật là Viettel thực hiện rất tốt trong thập niên vừa qua. Đây sẽ tiếp tục trở thành một công cụ hữu hiệu cho công tác đối ngoại quốc phòng trong những năm tiếp theo.
Thứ tư, tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác đa phương. Hiện tại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực và trách nhiệm của các cơ chế, diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh… Để đảm bảo được các lợi ích của đất nước, Việt Nam sẽ phải tăng cường hơn nữa vai trò và vị thế của mình trong các diễn đàn. Trong đó, xác lập, giữ vững vai trò dẫn dắt của mình trong các cơ chế hợp tác quốc phòng trong khu vực như ADMM, ADMM+ và ARF…
Những vấn đề đặt ra
Thứ nhất, trong hợp tác quân sự, Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung vũ khí nhưng Nga vẫn sẽ là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu và không thể thay thế. Mặc dù vậy, quá trình đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Việt Nam vẫn cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, bởi mặc dù đây có thể là một điều tương thích đối với tư duy “ngoại giao ngọn tre” nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả cho quá trình nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội. Việc đa dạng hóa các nguồn cung cho nhu cầu quân sự trong nước ở góc độ nào đó dễ tạo điều kiện cho việc hình thành nên các nhóm lợi ích tiêu cực, lợi dụng đường lối hiện đại hóa quân đội để trục lợi. Điều này đặt ra vấn đề mới cho công tác kiểm tra, giám sát đối với Ủy ban kiểm tra các cấp thuộc Bộ Quốc phòng.
Thứ hai, trong nội hàm của công tác đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về lĩnh vực kinh tế quốc phòng đang là điểm sáng mới kể từ thập niên thứ hai, thế kỷ XXI. Bằng ưu thế về nguồn lực của Nhà nước và kỷ luật chặt chẽ trong quản lý, các doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã và đang hoạt động tương đối hiệu quả, nhưng khả năng cạnh tranh hiện nay của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự xâm nhập được vào các thị trường khó tính tại các nước có tiềm lực mạnh cũng như các khu vực có sự hiện diện của các tập đoàn kinh tế lớn khác.
Là một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, Việt Nam hiểu rõ những thách thức đang chờ đón mình trong thập niên tới. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ trong xu thế “hợp tác, cạnh tranh và đối đầu” đan xen vô cùng phức tạp của thế giới, công tác đối ngoại quốc phòng phải thực sự trở thành cánh tay đắc lực góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa. Và Nghị quyết mới của Quân ủy Trung ương trong thời gian tới nhằm thay thế Nghị quyết 806 năm 2013 sẽ đóng vai trò then chốt, dẫn dắt công tác đối ngoại quốc phòng trong thập niên tiếp theo./.
Tác giả: Hoàng Hải