Singapore là một quốc gia nhỏ nằm ở điểm giao giữa eo biển Malacca và Biển Đông ở Đông Nam Á với diện tích khoảng 730km2 và 6,2 triệu dân. Mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng quốc đảo này là một trong những trung tâm tài chính – kinh tế toàn cầu và có vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế cũng như khu vực. Là một quốc gia nhỏ với hạn chế về các loại tài nguyên, Singapore tập trung vào phát triển các giải pháp sáng tạo, tự động hóa, được mệnh danh là trung tâm của khu vực về đổi mới và phát triển công nghệ. Đây là một quốc gia phát triển với GDP bình quân đầu người đạt 82.807 USD (Năm 2022) – đứng thứ 6 toàn cầu[1]. Singapore cũng là quốc gia thu hút đầu tư nhiều thứ 7 (năm 2021) trên thế giới. Từ đó, quốc đảo này đóng vai trò là cửa ngõ đối với các tập đoàn đa quốc gia và tập đoàn xuyên quốc gia khi tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Trong ASEAN, Singapore đóng vai trò thành viên sáng lập, đóng góp tích cực cho sự hội nhập khu vực cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh tổng hợp của ASEAN. Singapore đã luôn chủ động đóng góp trong quá trình thành lập và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do đa phương như Hiệp định tự do ASEAN (AFTA), ASEAN +3, ASEAN – Ấn Độ.
Loạt bê bối chính trị tại Singapore
Singapore – trung tâm tài chính hàng đầu ở Châu Á đang bị cuốn vào một loạt các sự cố đối với các nhà lãnh đạo cấp cao. Những sự cố này được đánh giá đã làm rung chuyển bối cảnh chính trị, làm xấu đi hình ảnh trong sạch của chính phủ Singapore trong mắt người dân và cộng đồng quốc tế, nhất là khi nước này đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bầu cử mới.
Từ tháng 5/2023, hai bộ trưởng của Singapore – Bộ Trưởng Nội vụ và Tư pháp K. Shanmugam cùng Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan bị cáo buộc rằng họ thuê tài sản nhà nước dọc theo đường Ridout để sử dụng cho mục đích cá nhân. Các cuộc điều tra đã diễn ra, trong đó có cả Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng của chính phủ Singapore đã đưa ra kết luận là không tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái hoặc đối xử ưu đãi đối với hai bộ trưởng. Ngày 27 tháng 7, Ông Shanmugam nói rằng anh trai của Thủ tướng Lý Hiển Long – ông Lý Hiển Dương đã vu khống ông và ông Balakrishnan có những hành động tham nhũng và tư lợi cá nhân. Ông nói rằng đây là những cáo buộc sai sự thật và yêu cầu ông Lý Hiển Dương xin lỗi và bồi thường. Ông chia sẻ số tiền bồi thường thiệt hại sẽ được quyên góp từ thiện, tuy nhiên nếu ông Lý Hiển Dương không làm như vậy thì ông sẽ khởi kiện. Trước đó một ngày, Trợ lý Tổng Thư ký của Đảng cầm quyền, Bộ Trưởng Phát triển Quốc gia Desmond Lee đã nói rằng: “Ông Lý Hiển Dương đang theo đuổi mối quan hệ trả thù vì ông ấy muốn hạ bệ chính phủ cũng như Đảng Hành động vì Nhân dân (PAP) – Đảng mà cha ông ấy đã thành lập”.[3]
Ngày 12/7/2023, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Singapore S.Iswaran đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra về hối lộ. Thủ tướng Lý Hiển Long đã phê duyệt điều tra tham nhũng đối với trường hợp này, tuy nhiên chi tiết về cuộc điều tra chưa được công bố. Singapore trả lương cho các quan chức hàng đầu của mình trong số những mức lương công cao nhất thế giới và tự hào về hình ảnh tham nhũng thấp. Theo Bộ phận Dịch vụ Công Singapore, các bộ trưởng được trả khoảng 1,1 triệu SGD (Singapore Dollar) (822.000 USD) mỗi năm[4]. Theo Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng Singapore, Quốc gia này được xếp hạng là quốc gia ít tham nhũng thứ năm trên thế giới[5].
Một vụ bê bối khác là Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin có mối quan hệ không phù hợp đối với thành viên Quốc hội Cheng Li Hui. Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu ngày 17/7/2023 rằng “Chủ tịch Quốc hội đã có mối quan hệ không phù hợp đối với thành viên Quốc hội bà Cheng Li Hui, và mối quan hệ này vẫn tiếp diễn ngay cả khi họ bị yêu cầu dừng lại.”[6] Ông Tan và bà Cheng sau đó đã thừa nhận có mối quan hệ không phù hợp và xin từ chức khỏi Quốc hội Singapore và Đảng PAP. Ông Tan, 54 tuổi, đã kết hôn và có hai con, còn bà Cheng 47 tuổi và chưa kết hôn. Ông Tan nói rằng ông đã làm tổn thương và làm gia đình thất vọng, ông đang chịu trách nhiệm bằng cách rút khỏi chính trường Singapore.
Ngay sau đó, ngày 19/07/2023, Đảng Lao động (WP) – Đảng đối lập lớn nhất Singapore cũng cho biết 2 thành viên Quốc hội Leon Perera và Nicole Seah đã xin từ chức sau khi thừa nhận có mối hệ không phù hợp. Leon Perera, 53 tuổi và Nicole Seah, 36 tuổi, là thành viên của cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, đều đã kết hôn và có con. Hai nhà lập pháp đã xin lỗi gia đình, cử tri và Đảng của họ trong thư từ chức.
Chỉ trong vòng 1 tuần, Singapore đã phải đối mặt với 3 vụ bê bối làm rung chuyển chính trị nước này. Phó Giáo sư Luật tại Đại học Quản Lý Singapore, Eugene Tan cho rằng “Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà Singapore phải đối mặt và có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chính phủ”.[7] Mặc dù một loạt các sự cố mới nhất không “miêu tả sự thất bại của hệ thống chính trị Singapore”, nhưng nó cũng là phép thử đối với chính phủ nhằm kiểm tra lại các tiêu chuẩn. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã lên tiếng rằng “Không có hệ thống nào có thể hoàn toàn không có sai lầm”.
Hậu quả của các vụ bê bối chính trị đến sự ổn định của Singapore
Các vụ bê bối chính trị xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm đối với Singapore khi nước này đang trong quá trình chuyển đổi chính phủ mới. Thủ tướng Lý Hiển Long đang tìm cách chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo trong tương lai gần. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Hilimah Yacob sẽ kết thúc vào ngày 13/9/2023. Nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống trong vài tháng tới và cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 11/2025 như thường lệ. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông sẽ đề cử Chủ tịch mới và đưa ra tuyên bố cấp bộ trưởng tại kỳ họp quốc hội tiếp theo diễn ra vào ngày 1/8/2023.[8] Cuộc bỏ phiếu sẽ được diễn ra vào tháng 9/2023.
Cuộc điều tra đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore S.Iswaran đã làm tăng thêm những thách thức của Đảng đang cầm quyền – Đảng Hành động Nhân dân, vốn đang lên kế hoạch tiếp tục cầm quyền. PAP đã lãnh đạo Singapore kể từ khi giành độc lập vào năm 1965, đang tìm cách củng cố vị thế của mình sau kết quả không tốt trong cuộc bầu cử năm 2020. Phó Thủ tướng Lawrance Wong chia sẻ rằng một loạt các vụ bê bối chính trị ở Singapore, đã trở thành một bước lùi đối với Đảng cầm quyền.
Sự rời đi của các nhà lãnh đạo để lại những khoảng trống trong Quốc hội Singapore. Những ghế trống sẽ có khả năng ảnh hưởng đến cuộc Tổng tuyển cử tiếp theo. Mặc dù Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết sẽ không tiến hành Tổng tuyển cử sớm, nhưng những vị trí quan trọng bị trống trong quốc hội sẽ dẫn đến những vấn đề khác trong vận hành đất nước. Đối với Đảng WP, sự ra đi của hai thành viên đã khiến số ghế trong Quốc hội của họ chỉ còn lại 8 ghế.
Những sự cố liên tiếp đặt ra câu hỏi cho Chính phủ Singapore về tiêu chuẩn cao mà nước này vẫn luôn duy trì. Chính phủ là phải xử lý nghiêm túc các “vấn đề cấp cao” để duy trì các tiêu chuẩn cao, không chỉ cho cuộc bầu cử tiếp theo, mà còn sau nhiệm kỳ chính phủ này sang thế hệ tiếp theo. Singapore luôn tự hào với hình ảnh quốc gia không tham nhũng để thu hút đầu tư, việc duy trì hình ảnh trong sạch của chính phủ là yêu cầu cốt lõi để đảm bảo sự thịnh vượng và phát triển về kinh tế – tài chính của quốc đảo này.
Mặc dù chưa có những tác động trực tiếp nào từ những vụ bê bối lên chính sách – hành động đối ngoại của Singapore đối với khu vực cũng như quốc tế. Những bê bối của các lãnh đạo cấp cao có thể dẫn đến những tác động gián tiếp đến sự ổn định và phát triển của ASEAN nói riêng và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Singapore là một quốc gia nhỏ nhưng có điều kiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nền kinh tế thị trường tự do cộng với sự minh bạch cao trong chính quyền và các chính sách ưu đãi về thuế đã khiến nước này trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư nhất châu Á. Trong khu vực ASEAN, Singapore đóng vai trò là cửa ngõ đầu từ cho các tập đoàn lớn, là thị trường đầu tiên khi họ thâm nhập ASEAN. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Anh tại Singapore từng nói rằng “Các công ty Anh chọn thành lập cơ sở khu vực tại Singapore, từ đó họ cũng có thể tiếp cận với các nước ASEAN khác”[9]. Do vậy, nếu nền chính trị Singapore và sự minh bạch tài chính của các quan chức trở nên bất ổn, không rõ ràng, trước hết nước này sẽ đối mặt với nguy cơ giảm thu hút đầu tư. Điều đó cũng đồng nghĩa với những tập đoàn lớn sẽ cân nhắc và lựa chọn kỹ càng hơn khi thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Phó Giáo sư Quan hệ Quốc tế, Đại học Flinders, thành viên của Học viện Nhân văn Úc kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Á – Michael Barr nói rằng những sự cố có nguy cơ làm tổn hại thương hiệu Singapore trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và thương hiệu của PAP trong mắt người Singapore. Ông cũng chia sẻ lo lắng về khoảng trống kế nhiệm treo lơ lửng trên Singapore và “trục trặc” trong việc chuyển giao quyền lực từ Thủ tướng Lý Hiển Long sang nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư có thể ảnh hưởng xấu đến thương hiệu chính trị của Singapore.[10] Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư là một quá trình lâu dài tích lũy, khi Singapore xử lý tốt những sự cố vừa qua, hình ảnh của Singapore về cơ bản là không bị ảnh hưởng nhiều. Ở một góc độ tích cực hơn, có thể coi đây là hội để Việt Nam vươn lên tăng cường hình ảnh nhằm thu hút đầu tư về nước mình. Hơn nữa, đây cũng sẽ củng cố thêm bài học về việc phòng chống tham nhũng cho Việt Nam, việc duy trì một chính phủ minh bạch là cơ sở để phát triển đất nước.
Trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, trong đó, “Đông Nam Á là tiền tuyến chính”[11] của cuộc cạnh tranh này, Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chiến lược của ASEAN. Là thành viên sáng lập và nòng cốt của ASEAN, Singapore kiến tạo nhiều sáng kiến đóng góp tích cực cho sự phát triển của toàn khối. Thủ tướng Lý Hiển Long đã từng chia sẻ với Thủ tướng Úc Scott Morrison rằng “sự thể hiện khéo léo của Singapore về lợi ích chiến lược của ASEAN trong việc điều hướng sự gia tăng cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ – Trung ở Đông Nam Á trong những năm gần đây là một bậc thầy trong thực tiễn ngoại giao tập thể”./.
Tác giả: Thi Thi
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] World Bank, “GDP per capita (current US$)”, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD
[2] IMF, “United States Is World’s Top Destination for Foreign Direct Investment.” https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2022/12/07/united-states-is-worlds-top-destination-for-foreign-direct-investment..
[3] CNA, “Shanmugam, Balakrishnan to sue Lee Hsien Yang unless he withdraws Ridout Road allegations and apologises”, https://www.channelnewsasia.com/singapore/ridout-road-k-shanmugam-vivian-balakrishnan-lee-hsien-yang-defamation-3658626
[4] Public Service Division, “Frequently Asked Questions”, https://www.psd.gov.sg/faq/..
[5] Corrupt Practices Investigation Bureau, “Singapore Ranked 5th Least Corrupt Country in Transparency International Corruption Perceptions Index 2022.” https://www.cpib.gov.sg/press-room/press-releases/310123-singapore-ranked..
[6] Hwee Min (2023), Tan Chuan-Jin, Cheng Li Hui continued ‘inappropriate relationship’ even after being told to stop: PM Lee. CNA, https://www.channelnewsasia.com/singapore/tan-chuan-jin-cheng-li-hui-inappropriate-relationship-3633821
[7] Sumathi Bala (2023), Singapore’s ‘squeaky clean’ image takes a beating as scandals rock the government, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/07/19/singapores-clean-image-takes-a-hit-as-scandals-rock-the-government-.html
[8] Chew Hui Min, Government to deal rigorously with cluster of ‘high-profile issues’, says PM Lee (2023). CNA, https://www.channelnewsasia.com/singapore/tan-chuan-jin-cheng-li-hui-iswaran-pap-ridout-high-profile-issues-lee-hsien-3633846
[9] Hawksford, “Why Singapore is the gateway to ASEAN”, https://www.hawksford.com/knowledge-hub/2020/singapore-as-a-gateway-to-asean
[10] Michaek Barr, Succession vacuum looms over Singapore politics, East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2021/12/19/succession-vacuum-looms-over-singapore-politics/
[11] East Asia Forum,”Singapore’s steady pair of hands in Southeast Asia now needed more than ever”, https://www.eastasiaforum.org/2021/12/20/singapores-steady-pair-of-hands-in-southeast-asia-now-needed-more-than-ever/