Trong số 11 quốc gia thuộc khối Đông Nam Á, Campuchia là quốc gia có những chính sách ngoại giao và quốc phòng lệ thuộc vào cân bằng cường quốc nhất theo nghĩa đen. Chính sự lệ thuộc cao này đã đòi hỏi quốc gia này phải có những chính sách tuy hợp lý với tình hình và sức mạnh ngoại giao của Campuchia, nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi ở cả trong nước và nước ngoài.
Những tranh cãi liên quan đến chính sách ngoại giao và quốc phòng của Campuchia trở thành nguồn gốc cho những lo ngại và thông tin đậm chất thuyết âm mưu về ngoại giao và vị thế quốc tế của Campuchia. Các thông tin này tuy dựa trên một phần sự thật, và có những sự trùng hợp rõ ràng; nhưng suy cho cùng, chúng vẫn chỉ là những đồn đoán không rõ ràng. Các lời đồn này cũng đã và đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể, dưới đây là một số thuyết âm mưu hay đồn đoán về quan hệ Campuchia – Trung Quốc
Campuchia lệ thuộc vào Trung Quốc
Lời đồn đầu tiên, và cũng là nổi tiếng nhất về ngoại giao – quốc phòng Campuchia chính là Campuchia đã ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Theo đó, sau khi Trung Quốc tăng cường đầu tư kinh tế vào Campuchia[1], đặc biệt là lĩnh vực xây dựng[2] và casino[3], nước này đã dần chiếm lấy ảnh hưởng tại Campuchia bằng sự kết hợp giữa các khoản đầu tư[4] và cho vay ưu đãi[5], từ đó, Campuchia dần gặp khó khăn trong việc trả nợ do khả năng xử lý có hạn. Campuchia từng bước phụ thuộc, rồi trở thành một con cờ chính trị cho Trung Quốc.
Đồn đoán về việc Campuchia đã bị lệ thuộc vào Trung Quốc thoạt nhiên có vẻ có lý với ba lý do sau: Một là, mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc trong những năm gần đây tiến triển rất tốt; Hai là, Campuchia đã ngăn cản sự đồng thuận của các nước ASEAN khác về các chính sách chống Trung Quốc trong vấn đề biển Đông[6]; Ba là, sự gia tăng đột biến người Trung Quốc di cư tới Campuchia từ những năm 2010[7]. Mối quan hệ Cam – Trung trong những năm gần đây đã có tiến triển rất tốt, đặc biệt là gần đây Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên đã ca ngợi quan hệ Cam – Trung như là “đối tác chiến lược”, “bạn bè đáng tin cậy”[8]. Điều này chứng tỏ rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong chính sách của Campuchia, nhưng không đồng nghĩa với sự chư hầu. Về phần các quyết định phản đối các quyết định chống Trung Quốc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, phía Campuchia đã nói lý do cho việc đó không phải vì họ phản đối luật quốc tế[9], mà là vì họ mong muốn một giải pháp khác “dễ thở” hơn. Sự “dễ thở” này là có cơ sở và sẽ được đề cập rõ ở phía sau. Còn về số lượng người Trung Quốc tại Campuchia, đúng là số lượng người khá lớn, nhưng không nhiều như đồn đoán.
Trên thực tế, như đã đề cập trước đó, Campuchia không phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đúng là Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia[10], nhưng vai trò của Trung Quốc vẫn không phải là lớn nhất. Và Campuchia vẫn có những vấn đề riêng mà từ đó, tạo ra cơ sở cho chính sách đối ngoại gây tranh cãi của Campuchia.
Về mặt chính sách ngoại giao, chính sách ngoại giao của Campuchia vẫn là trung lập và tương đối giống với “bốn không” của Việt Nam: không liên minh quân sự, không cùng quốc gia này chống quốc gia khác, không cho quốc gia khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ mình; không đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế[11]. Tuy nhiên, Campuchia rất khác so với Việt Nam. Để có thể duy trì vị thế trung lập, một quốc gia cần có một nền kinh tế có sự độc lập tương đối về các ngành chủ chốt gồm điện, nước, lương thực, tài chính – ngân hàng. Thêm vào đó, một quân đội mạnh mẽ có khả năng răn đe cũng là cơ sở vững chắc cho sự trung lập. Và cả hai đều không phải thứ mà Campuchia có trong tay. Trong kinh tế Campuchia, ngành ngân hàng bị thống trị bởi các lực lượng của phương Tây[12], mảng bán lẻ bị chi phối bởi các tài phiệt Thái Lan[13], và một số ngành khác bị ảnh hưởng mạnh bởi thị trường Việt Nam[14]. Về an ninh – quốc phòng, Việt Nam vẫn là quốc gia chủ yếu cung cấp hỗ trợ nhân sự và đào tạo cho Campuchia[15] bên cạnh Trung Quốc trong lĩnh vực trang thiết bị. Do đó, sự ổn định của Campuchia sẽ dễ bị đe dọa hơn của Việt Nam, bởi Campuchia chỉ có thể duy trì được sự trung lập khi quan hệ giữa bốn nước là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Việt Nam đạt được thế cân bằng ảnh hưởng với nhau. Chỉ cần một trong bốn quốc gia trên có hành động khác, sẽ dễ dẫn đến những xáo trộn trong nội bộ Campuchia. Điều này đã được khẳng định bởi một Trợ lý Ngoại trưởng Campuchia trong một buổi trao đổi công khai với sinh viên Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2022. Chính vì thế, việc có những hành động có tính chất xoa dịu, thoả mãn của Campuchia không phải là chuyện bất thường nếu xem xét kĩ chính sách của nước này.
Một nhân tố nữa khiến cho thuyết âm mưu về việc Campuchia bị lệ thuộc vào Trung Quốc chính là sự bất ổn giữa các đảng phái tại Campuchia. Và một điều trớ trêu trong chính trường Campuchia ngày nay chính là đây không phải là lần đầu tiên họ rơi vào tình cảnh như vậy. Một trường hợp tương tự đã từng xảy ra vào những năm 1960 đến 1970[16]. Tương tự với thời kì đó, chính trị đảng phái Campuchia ngày nay cũng khá hỗn loạn khi Đảng Nhân dân Campuchia – đảng cầm quyền được cho là có đường lối thân Việt Nam đang đối đầu với những người thuộc Đảng Cứu nguy Dân tộc đã bị giải tán – đảng đối lập có đường lối thân phương Tây[17]. Mặc cho sự giải tán do toà án quyết định[18], những người ủng hộ Đảng Cứu nguy Dân tộc cũ vẫn đang hiện diện tại nhiều nơi tại Campuchia và sẵn sàng biểu tình, thậm chí kích động leo thang thành bạo lực. Và đây là môi trường rất thuận lợi cho các lời đồn theo kiểu thuyết âm mưu, đặc biệt là lời đồn về việc Campuchia lệ thuộc Trung Quốc[29], nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Nhân dân Campuchia.
Bên cạnh đó, các lực lượng đối lập ở Campuchia cũng thúc đẩy tuyên truyền các đồn đoán khi tiến hành khai thác thêm mâu thuẫn biên giới giữa Campuchia và ba quốc gia hàng xóm: Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi biên giới Cam – Lào đã được cơ bản phân định xong[20], tình hình biên giới với Thái Lan và Việt Nam phức tạp hơn thế. Lý do cho sự phức tạp này là lịch sử Campuchia hậu Đế chế Khmer. Một phần lãnh thổ cũ của Đế chế Khmer đã bị sát nhập vào Thái Lan và Việt Nam. Sau đó, trong thời kì thuộc địa Pháp, đất đai của Campuchia lại bị cắt tiếp cho Thái Lan[21]. Vì thế, như hệ quả của phi thực dân hoá, các tranh chấp biên giới đã diễn ra và cho đến nay chúng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này dẫn đến những sơ hở cho các lời đồn theo kiểu thuyết âm mưu.
Trung Quốc có quyền tiếp cận độc quyền cảng Sihanoukville
Những đồn đoán về việc Trung Quốc có quyền tiếp cận độc quyền quân cảng Sihanoukville cũng xuất hiện, bởi Trung Quốc đã không chỉ tăng cường đầu tư kinh tế vào Campuchia, mà còn dần chiếm lấy ảnh hưởng tại Campuchia bằng các viện trợ quân sự và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự[22], chủ yếu là quân cảng Ream[23]. Campuchia cũng dần bị lệ thuộc hơn vào Trung Quốc trong việc hiện đại hoá quân đội. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng quân cảng Ream ở Sihanoukville trở thành một bàn đạp thuận lợi cho ván cờ chính trị quốc tế của Trung Quốc.
Đồn đoán có vẻ có lý và lý do nằm ngay ở chiến lược biển của Trung Quốc. Học tập theo chiến lược “Chuỗi đảo” của Mỹ, Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm cho mình những vị trí đắc địa mà ở đó, Trung Quốc có thể thiết lập sự hiện diện quân sự một cách thường xuyên[24]. Và để có được chúng, Trung Quốc đã tích cực sử dụng bẫy nợ và hoạt động ngoại giao quốc phòng để có được các vị trí này. Sihanoukville đã trở thành tâm điểm của tranh cãi khi đây là địa điểm vừa có thể kẹp Biển Đông, lại có thể giúp Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương và Vịnh Thái Lan, đồng thời củng cố “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc.
Về mặt chính sách quốc phòng, việc Trung Quốc có quyền tiếp cận Sihanoukville thể hiện rõ thế khó của Campuchia khi không có một quân đội được trang bị khả năng răn đe. Một quân đội mạnh mẽ có khả năng răn đe là một quân đội có trong tay các loại vũ khí tấn công có tầm bắn trên 100km. Và đây không phải là thứ Campuchia có trong tay[25]. Thêm vào đó, Hải quân Campuchia cũng có lực lượng khá mỏng, số lượng quân nhân và tàu chiến tương đối hạn chế[26]. Chính vì thế, họ đơn thuần là không có đủ khả năng để tự tay biến Sihanoukville thành một thế mạnh địa chính trị thực tế của mình.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Campuchia sẽ để Trung Quốc tuỳ ý sử dụng cảng Sihanoukville[27]. Nhân tố chính ảnh hưởng đến chính sách sử dụng cảng Sihanoukville của Campuchia chính là tương quan kinh tế – chính trị giữa Campuchia – Trung Quốc và Campuchia – Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ về kinh tế, quốc phòng vào Campuchia, quan hệ Campuchia – Trung Quốc vẫn có một sự ngăn cách tương đối lớn. Sự ngăn cách này xuất phát từ quá khứ khi Trung Quốc viện trợ Khmer Đỏ – ác mộng của Campuchia. Và thủ tướng Hun Sen lại chính là người dẫn đầu lực lượng chống lại Khmer Đỏ. Vì vậy, Campuchia sẽ không bao giờ muốn lặp lại lịch sử tương tự như dưới thời Khmer Đỏ bằng cách cho Trung Quốc sử dụng Sihanoukville. Do đó, bất chấp tranh chấp biên giới và tuyên truyền của phe đối lập, với nền tảng an toàn chính trị được đảm bảo bởi mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, ông Hun Sen cùng Campuchia vẫn sẽ cố gắng để giữ quan hệ Campuchia – Việt Nam tốt đẹp[28]. Và một yêu cầu trong việc duy trì quan hệ ấy, cũng chính là không cho Trung Quốc sử dụng Campuchia làm bàn đạp chống Việt Nam[29], cụ thể là qua việc tuỳ ý sử dụng cảng Sihanoukville.
Hơn nữa, cũng liên quan đến vấn đề biên giới, tranh chấp biên giới Campuchia – Thái Lan cũng có tính chất ảnh hưởng quyết định đến tình trạng của Sihanoukville. Với vị trí gần Vịnh Thái Lan, Sihanoukville là một tiền đồn phòng vệ của Campuchia từ phía Nam trước Thái Lan. Ngoài ra, Sihanoukville cũng là một thương cảng giúp cho Campuchia thoát được thế bị cô lập và đe doạ nếu hai nước có căng thẳng lớn. Vì vậy, Sihanoukville không thể rơi vào tay bất kì một quốc gia khác. Hệ quả của việc này không chỉ là sự phản ứng của Mỹ – Nga – Trung Quốc – Việt Nam, mà còn đi xa hơn vậy. Nếu như tính trung lập ngoại giao của Campuchia bị sụp đổ[30], nước này sẽ nhanh chóng đối phải nhiều thù địch và nghi ngờ hơn, từ đó gây ra chia rẽ nội bộ lớn hơn, gây hại đến đời sống và sự ổn định của quốc gia này.
Campuchia nhập vũ khí Trung Quốc để chống lại Việt Nam
Campuchia đã tiến hành mua sắm và nhận viện trợ nhiều loại vũ khí từ Trung Quốc. Có đồn đoán cho rằng các vũ khí Trung Quốc được Campuchia mua sắm với mục đích chống lại Việt Nam. Những người tin vào lời đồn này cho rằng, với tình trạng bài Việt Nam gia tăng trong lòng dân Campuchia[31], Campuchia cần có thêm vũ khí và sức mạnh để chống lại Việt Nam; Trung Quốc và Việt Nam hiện nay đang có mâu thuẫn liên quan đến vấn đề biên giới[32], và Trung Quốc rất sẵn lòng hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu mua vũ khí chống lại Việt Nam. Từ đó, nhu cầu của Campuchia và Trung Quốc gặp nhau và cả hai đều có được lợi ích của mình.
Thực tế cho thấy mối quan hệ Việt – Trung hiện tại trên tổng thể vẫn ở thế hoà hoãn, nhân nhượng nhau. Hai nước này đã và đang có nhiều căng thẳng và mâu thuẫn với nhau ở mức độ rất nguy hiểm, chủ yếu là về vấn đề Biển Đông. Căng thẳng này đủ lớn và nguy hiểm để hai bên phải rất cẩn thận trong hành xử, tránh gây chiến. Tuy nhiên, trên thực tế, dù Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia, nhưng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có vấn đề biên giới với Campuchia, nước cũng có những vấn đề biến giới với các quốc gia láng giềng khác.
Chính sách ngoại giao của Campuchia có nhiều vấn đề cần phải linh hoạt xử lý. Để không lệ thuộc vào những hành động có tính chất xoa dịu, thoả mãn, Campuchia cần cải thiện nền kinh tế cũng như quân đội của mình. Và vì không có nền công nghiệp mạnh cũng như ngân sách quốc phòng lớn, tự nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí và các sản phẩm của Nga và phương Tây không phải là lựa chọn hợp lý. Nhưng vũ khí Trung Quốc với mức giá rẻ và chất lượng có thể chấp nhận được và đang cải thiện thì lại là lựa chọn tốt. Chính vì thế, mua sắm vũ khí của Trung Quốc sẽ tiết kiệm ngân sách cho Campuchia, trong khi vẫn đảm bảo duy trì được sức mạnh quân đội. Từ việc có thêm vũ khí, sức mạnh cứng của Campuchia sẽ tăng lên rất nhiều. Mà một khi sức mạnh cứng tăng, nền tảng bảo vệ sự trung lập và chính sách ngoại giao sẽ ổn định hơn. Từ đó, thế khó của chính sách ngoại giao Campuchia có thể được tháo gỡ.
Bất ổn khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan vẫn chưa kết thúc hoàn toàn trong hoà bình. Mặc dù Toà án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết về tình trạng biên giới Campuchia – Thái Lan vào năm 2013[33], quyết định này không hề kết thúc mâu thuẫn giữa hai nước[34]. Tương tự, tình hình biên giới Campuchia – Lào cũng không bình yên hơn[35] khi hai nước đã tích cực điều động binh lính và thiết bị ra để bảo vệ biên giới nước mình[36]. Mặc cho sự vận động hành lang từ Việt Nam và các nỗ lực hoà giải của hai bên, tình hình biên giới Campuchia – Lào vẫn rất nóng. Chính vì lẽ đó, Campuchia cần phải có trong tay các loại vũ khí mạnh hơn để có thể bảo vệ lợi ích quốc gia của mình tốt hơn, đặc biệt là tại các khu vực biên giới. Có thể thấy dù biên giới Campuchia – Việt Nam là khu vực ít căng thẳng quân sự trực tiếp nhất trong số ba khu vực biên giới trên, nhưng những đồn đoán về Campuchia nhập vũ khí Trung Quốc để chống lại Việt Nam vẫn được nhấn mạnh hơn cả.
Ngoài ra, những vấn đề phức tạp trong quan hệ Campuchia với Mỹ và Campuchia với Nga cũng thúc đẩy nước này tiếp cận nguồn cung vũ khí từ Trung Quốc. Trong khi quan hệ Campuchia – Nga đã đi vào ổn định và tăng dần mức độ thiện cảm, quan hệ Campuchia – Mỹ phức tạp hơn thế. Mặc dù Campuchia đã xuất khẩu sang Mỹ một số hàng hoá[37] và Mỹ cũng đầu tư không ít vào các ngành tại Campuchia; tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn tồn tại nhiều vấn đề căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung leo thang. Vì thế, sự ổn định của Campuchia đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, quan hệ Campuchia với Nga lại chưa đủ tốt để có thể duy trì cân bằng cán cân Mỹ – Trung – Nga – Việt. Chính vì thế, Campuchia rất cần một giải pháp khác có tính khả dĩ cao hơn. Và như một hệ quả tất yếu, mua sắm vũ khí trở thành công việc chủ đạo và được chú ý rất sát sao. Hệ quả là một mặt, tính ổn định của chính sách đối ngoại Campuchia được đảm bảo và giữ vững.
Như vậy, có thể thấy quan hệ ngoại giao, quốc phòng giữa Campuchia với Trung Quốc có nhiều vấn đề phức tạp. Mặc dù nước này đã bị phụ thuộc ít nhiều vào các khoản đầu tư cũng như viện trợ kinh tế, quốc phòng của Trung Quốc, nhưng điều đó khó có thể khiến Campuchia ngả hoàn toàn theo Trung Quốc để chống lại Việt Nam. Campuchia sẽ cố gắng thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng vớia các nước Mỹ – Nga – Trung Quốc – Việt Nam, nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích, an ninh của mình.
Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo
- The Political Economy of Chinese Investment in Cambodia (think-asia.org). https://www.think-asia.org/handle/11540/7691
- ODI Report: Risks along the Belt and Road: Chinese investment and infrastructure development in Cambodia. Linda Calabrese, Olena Borodyna and Rebecca Nadin. https://cdn.odi.org/media/documents/Risks_along_the_Belt_and_Road_-_Chinese_investment_and_infrastructure_developm_GWjzj0z.pdf
- Foreign Casinos Have Been a Disaster for Cambodia – The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/07/foreign-casinos-have-been-a-disaster-for-cambodia/
- 2023 Foreign Investment Opportunities in Cambodia (aseanbriefing.com). https://www.aseanbriefing.com/news/2023-foreign-investment-opportunities-in-cambodia/
- Cambodia PM dismisses fears of Chinese debt trap | Reuters. https://www.reuters.com/article/us-cambodia-china-idUSKCN1T00U8
- ASEAN deadlocked on South China Sea, Cambodia blocks statement | Reuters. https://www.reuters.com/article/us-southchinasea-ruling-asean-idUSKCN1050F6
- Chinese living in Kingdom more than doubles since ’17 | Phnom Penh Post. https://www.phnompenhpost.com/national/chinese-living-kingdom-more-doubles-17
- Remarks by Ambassador Wang Wentian on the 73rd Anniversary of the Founding of the People’s Republic of China (china-embassy.gov.cn). http://kh.china-embassy.gov.cn/eng/dssghd_1/202209/t20220930_10775669.htm
- Cambodia says ASEAN should stay out of South China Sea fracas | Reuters. https://www.reuters.com/article/us-southchinasea-cambodia-idUSKBN0NS0WV20150507
- (PDF) The limits of China”s influence in Cambodia: A soft power perspective (researchgate.net). https://www.researchgate.net/publication/333027547_The_limits_of_Chinas_influence_in_Cambodia_A_soft_power_perspective
- Cambodia’s Foreign Policy Direction – Ministry of Foreign Affairs and International Cooperation (mfaic.gov.kh). https://www.mfaic.gov.kh/Page/2021-02-08-Cambodia-s-Foreign-Policy-Direction
- Commercial Banks (nbc.org.kh). https://www.nbc.org.kh/english/supervision/commercial_banks.php
- Thai retailers pursuing the Kingdom’s keen shoppers – Khmer Times (khmertimeskh.com). https://www.khmertimeskh.com/50934037/thai-retailers-pursuing-the-kingdoms-keen-shoppers/
- The real significance of the Vietnam-Cambodia relationship – Asia Dialogue (theasiadialogue.com). https://theasiadialogue.com/2019/03/04/the-real-significance-of-the-vietnam-cambodia-relationship/
- Defense ties between Vietnam, Cambodia enhanced (qdnd.vn). https://en.qdnd.vn/military/intl-relations-and-cooperation/defense-ties-between-vietnam-cambodia-enhanced-543679
- Don-Jameson-paper.pdf (washington.edu). https://jsis.washington.edu/seac/wp-content/uploads/sites/7/2019/08/Don-Jameson-paper.pdf
- Cambodia’s Foreign Policy Choice during 2010 to 2020: From Strategic Hedging to Bandwagoning (kjis.org).
- What Went Wrong With Cambodia’s Opposition Party – The Diplomat. https://thediplomat.com/2017/10/what-went-wrong-with-cambodias-opposition-party/
- Cambodia’s multifaceted foreign policy and agency in the making: The Pacific Review: Vol 35, No 2 (tandfonline.com). https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09512748.2021.1998203?needAccess=true&journalCode=rpre20
- Cambodia, Laos agree to resolve border demarcation quickly – Khmer Times (khmertimeskh.com). https://www.khmertimeskh.com/501109915/cambodia-laos-agree-to-resolve-border-demarcation-quickly/
- The 1940 Franco-Thai Border Dispute and Phibuun Sonkhraam’s Commitment to Japan on JSTOR. https://www.jstor.org/stable/20067747
- China’s Military Aid Is Probably Less Than You Think | RAND. https://www.rand.org/blog/2022/07/chinas-military-aid-is-probably-less-than-you-think.html
- Update: China Continues to Transform Ream Naval Base | Asia Maritime Transparency Initiative (csis.org). https://amti.csis.org/changes-underway-at-cambodias-ream-naval-base/
- Barriers, Springboards and Benchmarks: China Conceptualizes the Pacific “Island Chains”* | The China Quarterly | Cambridge Core. https://www.cambridge.org/core/journals/china-quarterly/article/abs/barriers-springboards-and-benchmarks-china-conceptualizes-the-pacific-island-chains/B46A212145EB9D920616650669C697F0
- 2022 Cambodia Military Strength (globalfirepower.com). https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=cambodia
- 2022 Cambodia Military Strength (globalfirepower.com). https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=cambodia
- Cambodia Has Little to Gain From Hosting a Chinese Military Presence – The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/06/cambodia-has-little-to-gain-from-hosting-a-chinese-military-presence/
- 2022/36 “Cambodia-Vietnam Relations: Key Issues and the Way Forward” by Kimkong Heng – ISEAS-Yusof Ishak Institute. https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2022-36-cambodia-vietnam-relations-key-issues-and-the-way-forward-by-kimkong-heng/
- The real significance of the Vietnam-Cambodia relationship – Asia Dialogue (theasiadialogue.com). https://theasiadialogue.com/2019/03/04/the-real-significance-of-the-vietnam-cambodia-relationship/
- Cambodia Has Little to Gain From Hosting a Chinese Military Presence – The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/06/cambodia-has-little-to-gain-from-hosting-a-chinese-military-presence/
- ‘Please show mercy’: Evicted by Cambodia, ethnic Vietnamese stuck at watery border | Reuters. https://www.reuters.com/article/us-cambodia-vietnam-evictions-idUSKCN2E75RA
- The real significance of the Vietnam-Cambodia relationship – Asia Dialogue (theasiadialogue.com). https://theasiadialogue.com/2019/03/04/the-real-significance-of-the-vietnam-cambodia-relationship/
- Latest developments | Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand) | International Court of Justice (icj-cij.org). https://www.icj-cij.org/en/case/45
- Thailand, Cambodia maritime border talks resume after hiatus – Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/Thailand-Cambodia-maritime-border-talks-resume-after-hiatus
- Cambodian PM accuses Laos of border violation, says mobilising troops | Reuters. https://www.reuters.com/article/uk-cambodia-laos-idAFKBN1AR090
- Cambodia, Laos begin troop withdrawal from disputed area (bangkokpost.com). https://www.bangkokpost.com/world/1741289/cambodia-laos-begin-troop-withdrawal-from-disputed-area
- Cambodia grows apparel exports to nearly US$8bn – Just Style (just-style.com). https://www.just-style.com/news/cambodia-grows-apparel-exports-to-nearly-us8bn/