ASEAN đã và đang trở thành tổ chức có nhiều chuyển biến tích cực tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đóng vai trò địa-chính trị chiến lược quan trọng trên bản đồ thế giới. Để ứng phó với những biến động toàn cầu, cũng như thực tế hóa các tiềm năng hợp tác, quan hệ giữa các nước trong khu vực cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài đã và đang không ngừng được đẩy mạnh. Vậy rằng, xu hướng nâng cấp quan hệ ngoại giao này trong thời gian tiếp theo sẽ diễn biến như thế nào?
Trải qua 56 năm thành lập, ASEAN đã và đang trở thành tổ chức có nhiều chuyển biến tích cực tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đóng vai trò địa-chính trị chiến lược quan trọng trên bản đồ thế giới. Theo ông Kao Kim Hourn, với việc 10 quốc gia thành viên hiện đều có Đại sứ – Đại diện thường trực tại ASEAN, bên cạnh đại sứ của các nước đối tác đối thoại và đại sứ kiêm nhiệm của hàng loạt nước khác, có thể nói rằng ASEAN đang phát triển mạnh mẽ trên khía cạnh quan hệ ngoại giao[1]. Song những vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề Myanmar vẫn là thách thức cần phải giải quyết trong việc điều phối quan hệ ngoại giao của ASEAN với quốc gia thành viên này. Vậy xu hướng tăng cường hợp tác giữa quốc gia Đông Nam Á cũng như của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực trong thời gian tiếp theo như thế nào?
Xu hướng nâng cấp quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á
Trong những năm gần đây, để ứng phó với những biến động toàn cầu, quan hệ giữa các nước ASEAN đã và đang không ngừng được đẩy mạnh, các quốc gia nội khối ASEAN đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất trong quan hệ ngoại giao, có sự gắn bó, chủ động, tích cực phối hợp lẫn nhau trong việc giải quyết vấn đề chung của khu vực.
Các yếu tố thuận lợi
Thứ nhất, tinh thần đoàn kết tương trợ, cùng nhau giải quyết bất đồng và ứng phó với thách thức đã được thể hiện rõ từ đại dịch Covid-19
Đại dịch COVID-19 vừa qua là một thách thức lớn đặt ra cho toàn thế giới, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Đứng trước thách thức chưa từng có trong lịch sử, ASEAN đã đoàn kết cùng nhau ứng phó chống lại đại dịch. Nội khối ASEAN trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch (2020) đã duy trì được liên kết khu vực thông qua các hoạt động trực tuyến, từ đó thảo luận triển khai đưa ra những hành động kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh. Những sáng kiến như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, thiết lâp Kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp, đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi…cho thấy một ASEAN đoàn kết, thống nhất trong hành động, chủ động sáng tạo vận dụng kinh nghiệm nhằm thích ứng kịp thời trước những thách thức đặt ra[2]. Gần đây nhất là vấn đề Myanmar, dù vấp phải phản đối từ phía Myanmar khi ASEAN đã cấm Ngoại trưởng nước này tham gia vào cuộc họp của hiệp hội, song các nước ASAEN vẫn cam kết giải quyết vấn đề Myanmar trên cơ sở thỏa thuận 5 điểm và tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 cũng đã thông qua “cơ chế Troika” để cả khối cùng nhau giải quyết cuộc khoảng ở quốc gia thành viên này[3]. Với vấn đề Biển Đông, các nước trong khuôn khổ ASEAN đều tham gia tích cực, thể hiện quan điểm cứng rắn dựa trên Tuyên bố DOC, tích cực thúc đẩy vòng đàm phán COC, góp phần nâng cao khả năng giải quyết xung đột ở khu vực, thể hiện tình đoàn kết vững mạnh của các quốc gia nội khối ASEAN.
Thứ hai, quan hệ nội khối không ngừng được đẩy mạnh dựa trên ý chí tập thể của các quốc gia thành viên.
Để có được những thành quả trong và sau đại dịch, ASEAN duy trì sự gắn bó, khăng khít với nhau thông qua các tuyên bố chung, lấy đó làm cơ sở cho những hành động của khối. Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung đại dịch năm 2020 nhấn mạnh: Các nước ASEAN tiếp tục duy trì chính sách mở cửa, nhất trí phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu quốc gia thành viên. Nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó dịch bệnh và kêu gọi cộng đồng quốc tế[4]. Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã ra Tuyên bố thống nhất về thỏa thuận khung kinh tế số ASEAN, phiên họp thống nhất các mức độ phát triển kinh tế số khác nhau trong các quốc gia thành viên ASEAN nhấn mạnh hơn nữa nhu cầu cấp thiết về hợp tác sâu rộng nhằm giải quyết các khoảng cách số và tối đa hóa tiền năng của khu vực, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch[5].
Thứ ba, gia tăng đối thoại, giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế nâng tầm quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực
Văn hóa tham vấn và đối thoại được củng cố thông qua các hoạt động hợp tác sâu rộng trong khuôn khổ ASEAN trên tất cả các chuyên ngành cộng đồng. Nội dung trao đổi phong phú, bao quát nhiều vấn đề quan trọng trong khu vực: an ninh biển, an ninh hàng hải, an ninh phi truyền thống…..Văn hóa tham vấn giúp cho các nước Đông Nam Á chủ động, linh hoạt, ứng phó với các biến động, thách thức toàn cầu, hiệp đồng tương trợ lẫn nhau trước những vấn đề chung của toàn khu vực, từ đó tăng cường gắn kết quan hệ ngoại giao giữa các nước[6].
Giao lưu văn hóa cũng là lĩnh vực được đẩy mạnh trong nội khối ASEAN, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân hướng tới hình thành “khối đại đoàn kết” trong khuôn khổ khu vực. Tại sự kiện Ngày Gia đình ASEAN 2023 được tổ chức ngày 20/8, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam nhấn mạnh: Trong 56 năm qua, cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN chưa bao giờ suy giảm mà còn được tăng cường, củng cố trên nhiều phuong diện; thúc đẩy một ASEAN tích cực kết nối người dân với người dân sẽ là bước phát triển mạnh mẽ thể hiện tinh thần đoàn kết, ứng phó với mọi thách thức[7].
Hợp tác kinh tế giữa các quốc gia Đông Nam Á là vấn đề nổi trội trong quá trình nâng cấp quan hệ giữa các thành viên. Các nước đều tham gia tích cực vào quá trình tham vấn, đối thoại tìm ra hướng phát triển cho Đông Nam Á, không ngừng sáng tạo, đa dạng hóa các mối quan hệ với các quốc gia, tổ chức ngoài khu vực phục vụ cho công tác phục hồi kinh tế sau đại dịch và cũng là lĩnh vực được quan tâm đẩy mạnh để thắt chặt mối quan hệ giữa các quốc gia trong khuôn khổ ASEAN[8].
Các động thái nâng cấp quan hệ của các nước trong khu vực
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có vai trò địa-chính trị quan trọng và có tiềm năng phát triển nhất Đông Nam Á đã nhận được nhiều “sự quan tâm” của các đối tác trong và ngoài khu vực. Mối quan hệ hữu nghị gắn bó của Việt Nam trong khuôn khổ ba nước Đông Dương là nền tảng nòng cốt cho việc trong việc thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm tháng 9/2023, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với 5 quốc gia trong khuôn khổ ASEAN bao gồm: Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia. Việt Nam cũng đang trong tiến trình thiết lập chương trình đối tác chiến lược toàn diện với Brunei. Điều đó cho thấy Hà Nội đang thúc đẩy tiến trình hợp tác sâu rộng với các quốc gia trong khu vực. Sắp tới, Việt Nam dự kiến thiết lập mối quan đối tác chiến lược toàn diện với Singapore. Trong chuyến thăm Singapore của Thủ tưởng Phạm Minh Chính hồi tháng 2/2023 đã khẳng định đưa hợp tác kinh tế Việt Nam – Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loại các hiệp định tự do thế hệ mới có sự tham gia của hai nước đều có hiệu lực và đi vào triển khai[9]. Việt Nam cũng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Timor Lester, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Việt Nam cũng khẳng định sẽ hỗ trợ tích cực, đẩy nhanh tiến trình để Timor Lester trở thành thành viên chính thức của ASEAN.
Quan hệ giữa các nước ASEAN cũng được nâng cấp đẩy mạnh, cuộc trao đổi dài 35 phút giữa Tổng thống Philippines Marcos Jr và Phó Thủ tướng khiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã “nhen nhóm” lại tình hữu nghị cũ giữa Thái Lan và Philippines, hai bên đã trao đổi về các vấn đề trong khu vực Đông Nam Á và vấn đề của Myanmar cũng như triển vọng mối quan hệ Thái Lan – Philippines[10]. Mối quan hệ thân thiết truyền thống giữa Indonesia – Malaysia cũng được tăng cường, khẳng định qua chuyến thăm đến Malaysia của Tổng thống Indonesia (7-8/06/2023), trong chuyến thăm hai bên đã thảo luận về tiến độ hợp tác và các vấn đề song phương. Bên cạnh đó, Indonesia – Malaysia cũng có những trao đối về các vấn đề trong khu vực Đông Nam Á[11]. Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, thời gian tới các nước thành viên ASEAN chắc chắn sẽ tăng cường hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia nội khối, ứng phó với biến động toàn cầu. Đứng trước thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN sẽ còn trở nên khăng khít hơn hướng tới phục hồi nền kinh tế sau đại dịch dựa trên tinh thần xây dựng nền kinh tế xanh, bên cạnh đó là cùng nhau ứng phó với biến động toàn cầu, tác động của công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, đặc biệt trong thời gian tới nội khối ASEAN phải đoàn kết nhằm thực hiện Cộng đồng ASEAN 2025 tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với phương châm “phát triển kinh tế, lấy người dân làm trung tâm”.
Xu hướng nâng cấp quan hệ của ASEAN với các đối tác
ASEAN 56 năm qua đã có nhiều thành tựu vượt bậc, từ một tổ chức có nhiều nghi kỵ trong những năm đầu thành lập nay đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Trong bối cảnh đại dịch vừa qua, ASEAN đã có những chính sách ngoại giao khéo léo để cân bằng sự cạnh tranh nước lớn ở khu vực, đồng thời duy trì vai trò trung tâm, thúc đẩy quan hệ với những quốc gia tổ chức trong khuôn khổ cơ chế hợp tác của ASEAN.
Ngày 26/10/2021, Hiêp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Trong bối cảnh đại dịch diễn ra căng thẳng, mối quan hệ giữa hai bên thể hiện tình cảm hữu nghị, gắn bó của hai khu vực láng giềng, Trung Quốc trong 3 năm gần đây là thị trường lớn của các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời cũng là quốc gia đầu tư mạnh mẽ và tích cực đẩy mạnh hoạt động giao thương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai khối. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26, hai bên đã thông qua tuyên bố chung ASEAN về tăng cường phát triển chung và bền vững, hỗ trợ phục hồi khu vực, đồng thời cũng nhất trí lấy năm 2024 là năm giao lưu nhân dân giữa hai khu vực[12].
Ngày 12/11/2022, tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ đã được diễn ra ở Campuchia, các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ đã nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước thành đối tác chiến lược toàn diện. Tại Hội Nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 11 vừa rồi, hai bên đã ra Tuyên bố chung về Hợp tác trên cơ sở quan điểm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN (AOIP). Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris khẳng định, Nhà Trắng cam kết mạnh mẽ và lâu dài với ASEAN và khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19 (12/11/2022), ASEAN cùng Ấn Độ đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cam kết tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực đa dạng: không gian mạng, chống khủng bố, tự do hàng hải và khả năng hợp tác thiết lập hệ thống tài chính kỹ thuật số. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, ASEAN là trụ cột trong chính sáng Hành động Hướng Đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Thời gian tới, ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ấn Độ cũng công bố thành lập Quỹ ASEAN-Ấn Độ vì tương lai số[13].
Trong mối quan hệ với khu vực Đông Bắc Á, Hội nghị ASEAN+3 lần thứ 26 đã thông qua Tuyên bố về phát triển hệ sinh thái xe điện. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, cơ chế hợp tác phát triển hệ sinh thái xanh trong khuôn khổ ASEAN+3 đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ của ASEAN trong mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Cơ chế hợp tác hệ sinh thái xe điện cũng sẽ rất thuận lợi cho các nước nội khối ASEAN phát huy hết những nội lực hiện có khi Indonesia là quốc gia có nguồn lực chủ yếu về xe điện, Thái Lan có năng lực sản xuất xe điện và Việt Nam là quốc gia sản xuất pin mạnh mẽ[14].
Mối quan hệ ASEAN-EU hiện nay đang phát triển không ngừng, hai bên đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh-chính trị, kinh tế-thương mại và hợp tác phát triển. EU đã tiếp cận ASEAN dựa trên tinh thần xây dựng, tin cậy những hợp tác kinh tế và quyền tự chủ chiến lược của Châu Âu phù hợp với tính trung lập của Đông Nam Á. Vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56, hai bên đã khẳng định, nhất trí thúc đẩy hợp tác, trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại và tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, dịch vụ xanh, công nghệ xanh….[15].
Trong thời gian qua, ASEAN đã không ngừng khẳng định vị thế của mình với thế giới, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Trung, Ấn cho thấy “sức hút” của ASEAN, bên cạnh đó là những quan điểm hợp tác dựa trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, duy trì vai trò ASEAN làm trung tâm,thể hiện quan điểm của ASEAN trong bối cảnh thế giới mang nhiều biến động như sáng kiến xe điện xanh là điểm sáng trong chủ trương chính sách góp phần thực hiện mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025 tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Tác động tới khu vực
Ý chí tập thể giúp vượt qua thách thức.
Đứng trước những thách thức của thời đại, các quốc gia khu vực Đông Nam Á đã chủ động liên kết hình thành lên “chuỗi hành động” để cùng nhau ứng phó với những biến động toàn cầu. Thời gian qua, nội khối ASEAN đã có nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là đã giải quyết được vấn đề COVID-19 và đang hướng tới cùng nhau phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch. Điều này càng làm khăng khít hơn mối quan hệ giữa các quốc gia nội khối với nhau. Mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam-Singapore là kết quả của tiến trình hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore và Việt Nam có chung sự ổn định và thịnh vượng của khu vực với tư cách là các thành viên ASEAN[16].
Với vấn đề Myanmar, ASEAN với sự dẫn dắt của Indonesia trong năm chủ tịch 2022 đã thống nhất cũng nhau giải quyết khó khăn cho khu vực này, “cơ chế Troika” cũng được thông qua nhằm thể hiện ý chí kiên định của ASEAN trước những thách thức đặt ra trong khu vực.
Ở khu vực Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á cũng lên tiếng cần phải nghiêm túc thực hiện Tuyên bố DOC, lấy DOC làm cơ sở, nhanh chóng thúc đẩy tiến trình đàm phán COC với Trung Quốc, phù hợp với Luật Quốc tế và Công ước về Luật Biển (1982).
Ý chí tập thể, dựa trên tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á đã đưa ASEAN ứng phó kịp thời với những thách thức, là cơ sở thực tiễn để ứng phó với các khó khăn trong tương lai.
Mở rộng liên kết khu vực phát trển khối ASEAN lớn mạnh.
Dựa trên ý chí chung của toàn khối ASEAN, thời gian qua, ASEAN đã có nhiều cuộc trao đổi với các đối tác ngoài khu vực thông qua những Hội nghị, đối thoại song phương, đa phương đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay, ASEAN đã có 11 đối tác đối thoại, 4 đối tác đối thoại theo lĩnh vực và 4 đối tác phát triển[17], các đối tác đều coi trọng mối quan hệ và tích cực tăng cường hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực và nhiều phương diện hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN, chủ động ứng phó với thách thức
Đề cao chủ nghĩa đa phương, tích cực hợp tác, đối thoại với các quốc gia tổ chức ngoài khu vực trên nhiều khía cạnh làm cho vị thế của ASEAN được củng cố. Các đối tác của ASEAN đề nhất trí quan điểm thúc đẩy kinh tế khu vực lấy ASEAN làm trung tâm cho thấy uy tín, tiềm năng tăng trưởng của ASEAN trong bối cảnh đầy biến động của thế giới hiện nay.
Đối mặt với cuộc cạnh tranh tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ-Trung ở khu vực, ASEAN chủ động duy trì, kiên định chính sách ngoại giao không chọn bên của mình đã cho thấy hiệu quả vượt bậc. Sự mạnh mẽ đầu tư của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường giúp phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, giúp thuận lợi trao đổi hàng hóa, giao thương với các nước trong khuôn khổ ASEAN với Trung Quốc, nhưng chính quyền Bắc Kinh lại xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của một số nước khu vực Đông Nam Á khi công bố bản đồ mới với “đường 10 đoạn” – điều này vấp phải sự phản đối đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó là những hành động cứng rắn của Mỹ, khi Mỹ và đồng minh của mình là Philippines đã tiến hành tập trận ở Biển Đông. Đứng giữa cuộc cạnh tranh của 2 siêu cường, dường như ASEAN được lợi nhiều hơn là hại, khi vừa có sự đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc và những hành động “bảo vệ” của Mỹ ở Biển Đông.
Các nước trong khu vực nâng cấp quan hệ với nhau cho thấy sự gắn kết trong nội khối ASEAN, nâng cấp quan hệ giúp cho các nước hiểu nhau hơn, tăng cường tính phụ thuộc lẫn nhau, nâng cấp quan hệ giúp mối quan hệ của các nước thành không chỉ là hình thức bên ngoài mà đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, có chiều sâu. Qua nhiều cuộc Hội nghị trong các khuôn khổ đa phương, các nước Đông Nam Á luôn đề cao tình đoàn kết. Song trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, các thành viên ASEAN ngày càng phải đối mặt với thách thức duy trì sự đoàn kết, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Các nước trong khu vực nâng cấp quan hệ với nhau tạo nên sức mạnh nội tại để Cộng đồng ASEAN có thể duy trì vai trò trung tâm, vai trò lãnh đạo của mình[18].
Trong bối cảnh mới, ASEAN đang là nơi cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, điều này đòi hỏi ASEAN phải xây dựng mối quan hệ với cả hai bên. Kiên định vai trò trung tâm, và nguyên tắc không chọn bên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng có những quan ngại về cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và những ảnh hưởng tác động của cuộc cạnh tranh này đến Châu Á. Bên cạnh những thách thức tiềm ẩn, việc nâng cao quan hệ với các đối tác cũng mang lại nhiều cơ hội trên nhiều lĩnh vực của Đông Nam Á, cơ chế hợp tác thông qua Tuyên bố chung với các quốc gia khu vực trên thế giới nhằm thể hiện quan điểm ASEAN thân thiện, cởi mở đồng thời cũng mở ra những “hướng đi mới” trong phát triển kinh tế của ASEAN và thế giới.
Xu hướng trong thời gian tới
Trong tương lai gần, ASEAN sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, từ những mối quan hệ hợp tác với các đối tác. ASEAN tiếp tục là khu vực cạnh tranh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn khi cả Mỹ-Trung-Nga-Ấn đều thiết lập quan hệ ngoại giao và có những đầu tư hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Sự hiện diện của 4 nước lớn ở khu vực Đông Nam Á sẽ làm tăng vị thế của ASEAN đồng thời cũng hứa hẹn mang lại sự hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Bên cạnh những triển vọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, ASEAN cũng phải khéo léo trong quan hệ với các nước lớn, tránh tình trạng bị chi phối, phụ thuộc quá mức vào các quốc gia phát triển, tiếp tục duy trì vai trò trung tâm, kiên quyết lập trường không chọn bên, tích cực mở rộng hợp tác với các quốc gia, khu vực trên thế giới hướng tới xây dựng mạnh mẽ hơn nữa Cộng đồng ASEAN cởi mở, thân thiện.
Nội khối ASEAN trong thời gian tới đã thống nhất cùng nhau giải quyết vấn đề Myanmar dựa trên những cơ chế đã được thông qua, các nước Đông Nam Á cũng tích cực ủng hộ , hỗ trợ Timor Lester trở thành thành viên chính thức của hiệp hội. Các nước thành viên ASEAN sẽ tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường tình đoàn kết trong khối, hợp tác cùng với nhau trên những lĩnh vực mới như: kĩ thuật số, kinh tế xanh, an ninh năng lượng, hướng đến sự tích cực chủ động ứng phó với biến động khí hậu toàn cầu.
Hiện nay, ASEAN đang có rất nhiều cơ hội để phát triển, song cũng có rất nhiều thách thức đặt ra như vấn đề Biển Đông, biến đổi khí hậu toàn cầu, thay đổi quyền lực ở các nước thành viên…..Trong vấn đề Biển Đông, các nước thành viên thông qua cơ chế đối thoại đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc thực hiện nghiêm túc DOC, nhưng đứng trước những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, Philippines đã có nhiều hành động đáp trả gây nên tình trạng vô cùng căng thẳng trên khu vực hiện nay. Thời gian tới, ASEAN sẽ tích cực đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, góp phần triển khai đầy đủ DOC và sớm đạt được COC có hiệu lực, phù hợp với UNCLOS 1982.
Biến đối khí hậu hiện đang là thách thức đặt ra với tất cả các quốc gia khu vực, trước những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu hiện nay, ASEAN đã thành lập Cơ quan quản lý thảm họa, ban hành một số thoả thuận khu vực, bao gồm Hiệp định ASEAN và Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021-2025, Tầm nhìn ASEAN 2025 về quản lý thiên tai. Có thế thầy, qua đại dịch COVID-19 vừa rồi, đã làm tăng tính đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, việc chủ động tích cực ứng phó với những thác thức toàn cầu thể hiện nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng một cộng đồng khu vực Đông Nam Á thành công, bền vững có khả năng chống chọi với thiên tai.
Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar hồi năm 2021, nội khối ASEAN đã có nhiều bất đồng khi cấm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar tham gia các phiên họp của Hiệp hội, điều này khiến thỏa thuận 5 điểm của ASEAN về giải quyết vấn đề ở Myanmar rơi vào “bế tắc”, gần đây nhất là “cơ chế Troika” cũng đã được thông qua nhằm giải quyết xung đột ở quốc gia thành viên này. Thực chất, ASEAN cần phải có những hành động thực tế hơn trong việc giải quyết vấn đề Myanmar chứ không phải chỉ thông qua các cơ chế để giải quyết.
Trong thời gian tới, khả năng các nước thành viên ASEAN nâng cấp quan hệ ngoại giao với nhau sẽ được hiện thực hóa, nhằm tăng cường thúc đẩy thương mại, tiến tới khu mậu dịch tự do trong khu vực. Nâng cấp quan hệ giữa các quốc gia thành viên cũng là cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á mở rộng hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi như: kinh tế số, năng lượng xanh, hệ sinh thái xanh và cùng nhau giải quyết những bất đồng, thách thức đặt ra đối với khu vực.
Vấn đề đặt ra với Việt Nam
ASEAN hiện nay đang là “tâm điểm” của cuộc cạnh tranh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, gắn kết các nước trong khu vực với nhau tạo tiền đề vững chắc để không bị rơi vào “vòng xoay” của các nước lớn. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần tăng cường cung ứng nội khối, tăng cường kết nối cứng và mềm, các nước ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tự cường bằng cả lời nói và hành động. Có thể thấy, đứng trước bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, Việt Nam luôn nhấn mạnh tình đoàn kết nội khối, duy trì chuỗi cung ứng trong phạm vi các nước Đông Nam Á, chủ động tích cực để không bị phụ thuộc quá mức vào các nước lớn từ đó phát triển khối ASEAN vững mạnh tự chủ, tự cường và phát triển[19].
Là thành viên sôi nổi nhất trong khối ASEAN, đóng vai trò kết nối trong các mối quan hệ giữa ASEAN với nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đang là quốc gia có nhiều triển vọng nhất trong khuôn khổ các nước Đông Nam Á. Nhờ đó, Việt Nam đón nhận được nhiều “sự quan tâm” của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, làm đa dạng nguồn đầu tư từ bên ngoài.
Nâng cấp quan hệ với những quốc gia nội khối giúp cơ hội kinh tế của Việt Nam được mở rộng. Trong cơ chế ASEAN+3 vừa qua, hệ sinh thái xe điện hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng phát triển cho Việt Nam, khi hai công ty có thế mạnh về pin của Việt Nam là Sơn Hà và Vines đã ký kết hợp tác chiến lược về pin xe điện. Nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Singapore cũng làm cho cơ hội kinh tế của Việt Nam được mở rộng. Hiện nay, các dự án đầu tư của Singapore đang được triển khai thực hiện trên 51 tỉnh thành của Việt Nam, tập trung vào những lĩnh vực chủ yếu như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, phân phối điện nước, máy điều hòa không khí. Vừa qua, thông qua cơ chế ASEAN+1 với Trung Quốc, các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng được hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng phát triển. Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam cũng là cửa ngõ để cho các mặt hàng nông sản của nhiều nước ASEAN tiếp cận vào thị trường Trung Quốc.
Việt Nam trong những năm tiếp theo nên tiếp tục kiên trì phát triển bền vững dựa trên khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong những lĩnh vực trọng yếu của đất nước: kinh tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực….tích cực tham gia vào công tác phát triển nền kinh tế xanh bền vững. Đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động trong khu vực, tham gia hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ ASEAN, từ đó nâng cấp quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới, tạo cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong môi trường quốc tế.
Trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước tiếp tục thể hiện quan điểm, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên Tuyên bố DOC, Luật Quốc tế và UNCLOS 1982, đồng thời thúc đẩy, đẩy mạnh quá trình đàm phán COC với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII nhận định: “Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế và uy tín trên trường quốc tế như hiện nay”, tiếp tục kiên định đường lối phát triển “nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác, duy trì chính sách không chọn bên, hợp tác dựa trên tinh thần lợi ích quốc gia dân tộc là định hướng lâu dài mang ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển của Việt Nam./.
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và nghiencuuchienluoc.org, vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật, liên hệ cộng tác và các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. TTXVN (2023). “56 năm thành lập ASEAN: Duy trì hòa bình và an ninh là thành tựu nổi bật của ASEAN”, Quân đội nhân dân https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/56-nam-thanh-lap-asean-duy-tri-hoa-binh-va-an-ninh-la-thanh-tuu-noi-bat-cua-asean-737646
2. Báo Điện tử Chính phủ (2022), ASEAN: Một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, https://baochinhphu.vn/asean-mot-trong-nhung-to-chuc-khu-vuc-thanh-cong-nhat-the-gioi-10222080818130325.htm
3. Báo Pháp luật (2023), ASEAN thống nhất lập ‘cơ chế Troika’ xử lý khủng hoảng Myanmar, https://plo.vn/asean-thong-nhat-lap-co-che-troika-xu-ly-khung-hoang-myanmar-post750098.html
4. Báo Nhân dân (2021), Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó dịch Covid-19, https://nhandan.com.vn/cong-dong-asean/tuyen-bo-cua-chu-tich-asean-ve-ung-pho-dich-covid-19-449590/
5. Cổng Thông Tin Chuyển Đổi Số, Ban chỉ Đạo Chuyển Đổi Số Tỉnh Lào Cai (2023), ASEAN xây dụng chiến lược CDS hiện đại, toàn diện huóng tới nền kinh tế số,https://chuyendoiso.laocai.gov.vn/tin-the-gioi/asean-xay-dung-chien-luoc-cds-hien-dai-toan-dien-huong-toi-nen-kinh-te-so-1202615
6. PV/VOV-Jakarta (2023), “Việt Nam thúc đẩy văn hóa đối thoại và tham vấn trong quan hệ quốc tế”, VOV, https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-thuc-day-van-hoa-doi-thoai-va-tham-van-trong-quan-he-quoc-te-post1043689.vov
7. Mạnh Hùng (2023), “ Vì một đại gia đình ASEAN ngày càng đoàn kết, gắn bó hơn”, Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/thoi-su/vi-mot-dai-gia-dinh-asean-ngay-cang-doan-ket-gan-bo-hon-644714.html
8. Phạm Hà/VOV-Jakarta (2023), “Đoàn Việt Nam đóng góp ý kiến về hợp tác nội khối ASEAN”, VOV, https://vov.vn/kinh-te/doan-viet-nam-dong-gop-y-kien-ve-hop-tac-kinh-te-noi-khoi-asean-post1040390.vov
9. TTXVN (2023), “50 năm quan hệ Việt Nam – Singapore: Đối tác ngày càng tin cậy, bền vững”, Tin Tức Thông Tấn Xã Việt Nam, https://baotintuc.vn/thoi-su/50-nam-quan-he-viet-nam-singapore-doi-tac-ngay-cang-tin-cay-ben-vung-20230731110142385.htm
10. Kavi Chongkittavorn (2022), “Time to Strategise Thai-Philippine Ties”, Eria, https://www.eria.org/news-and-views/time-to-strategise-thai-philippine-ties/
11. Vietnam+ (2023), “Tổng thống Indonesia thăm Malaysia, tăng cường quan hệ truyền thống”, Báo Điện tử Việt Nam Plus, https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-indonesia-tham-malaysia-tang-cuong-quan-he-truyen-thong/866846.vnp
12. Truyền hình công an nhân dân (2023),ASEAN, Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, https://antv.gov.vn/the-gioi-7/asean-trung-quoc-thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-AEF295B62.html
13. Hà Văn (2023), “Đề nghị sớm hoàn tất các đường cao tốc kết nối Ấn Độ-ASEAN”, Báo Điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/de-nghi-som-hoan-tat-cac-duong-cao-toc-ket-noi-an-do-asean-102230907134818239.htm
14. “东盟剑指电动汽车“世界工厂” 中日韩相关产业链企业纷纷入局” https://www.21jingji.com/article/20230913/76c41ced55d68cf6ac608ae2898825e5.html
15. TTXVN (2023), “ASEAN và Đối tác: Quan hệ sâu sắc, mở rộng tiềm năng, hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”, Báo Tin Tức, https://baotintuc.vn/thoi-su/asean-va-doi-tac-quan-he-sau-sac-mo-rong-tiem-nang-huong-toi-hoa-binh-on-dinh-va-phat-trien-ben-vung-20230714061944752.htm
16. Prisca Ang (2023), “Singapore, Vietnam ink deals to broaden collaboration in green economy, innovation”, The Straits Times, https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/singapore-vietnam-ink-deals-to-broaden-collaboration-in-green-economy-innovation
17. “Những thành tựu nổi bật nào ASEAN đã đạt được” Báo Nhân Dân Điện tử https://special.nhandan.vn/thanhtuu_asean/index.html
18. Dương Văn Huy (2023), “Vai trò trung tâm của ASEAN: Thách thức triển vọng và hàm ý đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827019/vai-tro-trung-tam-cua-asean–thach-thuc%2C-trien-vong-va-ham-y-doi-voi-viet-nam.aspx
19. Báo Hà Tĩnh (2023), Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, https://baohatinh.vn/chinh-tri/dau-an-viet-nam-tai-hoi-nghi-cap-cao-asean-lan-thu-43/253951.htm