Các phân tích, đánh giá về xu hướng phát triển của các phương tiện quân sự hay nói chung là cơ sở hạ tầng quốc phòng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thường hướng tới sự đối đầu giữa Mỹ (và đồng minh) với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này là chưa đầy đủ bởi trên thực tế, chính cuộc đối đầu giữa các cường quốc trong khu vực cũng đã lôi kéo các quốc gia khác vào quỹ đạo của nó.
Đầu tiên, cần phải chú ý đến sự tiến bộ vượt trội của lực lượng hải quân và không quân của các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, được xúc tác trước hết bởi yếu tố địa lý. Mặt trận chính của cuộc đối đầu Mỹ-Trung trải dài theo vòng cung đảo: từ quần đảo Trường Sa đến quần đảo Hoàng Sa, đi qua đảo san hô Pratas đến Đài Loan, kéo tới quần đảo Lưu Cầu và Nhật Bản. Do đó, các nước tự nảy sinh nhu cầu ưu tiên phát triển các hạm đội viễn chinh, có khả năng tiến hành và hỗ trợ các hoạt động tác chiến liên tục trên địa hình đa đảo; đồng thời chú trọng tăng cường sức mạnh không quân, bao gồm các phương tiện vận tải và chuyên biệt như tuần tra, chống tàu ngầm, trinh sát, v.v.
Những ưu tiên chiến lược này buộc các quốc gia phải chú trọng đến các ngành công nghiệp liên quan và mở rộng hợp tác kỹ thuật-quân sự với các đối tác trong khu vực. Đặc điểm nổi bật nhất là xét về tổng thể, các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng. Hiện nay, các nước này đã chi khoảng 500 tỷ đô-la cho quốc phòng, đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới sau Mỹ và tiếp tục nới rộng khoảng cách về tổng chi tiêu quân sự với các quốc gia thuộc khu vực Trung và Cận Đông.
Tuy nhiên, nhìn chung cấp độ quân sự hoá trong khu vực vẫn còn khá thấp khi tổng ngân sách quốc phòng của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dao động ở mức 2% GDP. Song các quốc gia này lại giữ kỷ lục về tỷ trọng nhập khẩu vũ khí – chiếm khoảng 40% tổng lượng mua vũ khí và thiết bị quân sự toàn cầu, bao gồm các đơn hàng mua sắm trực tiếp nước ngoài và sản xuất trong nước dựa trên thoả thuận nhượng quyền.
Việc hợp tác của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với các nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự hàng đầu còn có một đặc điểm quan trọng khác: chỉ một số ít quốc gia có thể được phân định rõ ràng là “khách hàng độc quyền” (hoặc gần như độc quyền) mua trang thiết bị từ một nhà cung cấp duy nhất hoặc một nhóm hẹp những nhà sản xuất có quan hệ mật thiết với nhau. Không gian địa lý của sự hợp tác được đa dạng hoá và rộng mở là một lẽ thường ở khu vực.
Nếu phân tích thị trường của các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới thì 8 trong số 10 quốc gia cung cấp vũ khí và thiết bị hàng đầu cho thị trường toàn cầu trong 5 năm qua đều có ít nhất một quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nằm trong số những khách hàng lớn nhất. Các trường hợp ngoại lệ là Vương quốc Anh (vị trí thứ 6 trong danh sách các nhà xuất khẩu lớn nhất với những người mua lớn nhất là Ả Rập Xê-út, Oman và Mỹ) và Italy (vị trí thứ 9 với những khách hàng lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ả Rập Xê-út). Trong khi đó, Nga và Israel (lần lượt đứng thứ 2 và thứ 8 trong bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất giai đoạn 2015-2019) có hai quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khách hàng lớn nhất: trong trường hợp của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc, những nơi mà hơn 40% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga đã được chuyển đi trong 5 năm qua; và trong trường hợp của Israel là Ấn Độ và Việt Nam – các nước này chiếm hơn một nửa thị phần xuất khẩu vũ khí của Israel trên thế giới.
Thời đại của những hạm đội
Xu thế chính trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là sự phát triển nhanh chóng của hải quân – lực lượng đang đạt được những tiến bộ về chất rõ rệt so với giai đoạn cuối những năm 1980. Việc lực lượng hải quân Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai thế giới về tổng năng lực tác chiến cùng với sự quay trở lại nhóm các cường quốc hàng hải hàng đầu của Nhật Bản là những thay đổi then chốt trong cấu trúc quyền lực ở khu vực. Kết quả là, năm hạm đội mạnh nhất hiện nay (nếu không xét đến lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược) gồm có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ; ba trong số ngũ đại hạm đội đó thuộc về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và nếu gộp cả Nga và Mỹ thì có thể nói toàn bộ top 5 đều thuộc về khu vực này.
Biến đổi quan trọng nhất phải kể đến là lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản. Xét về số lượng hạm đội chiến đấu cốt lõi, nước này có nhiều tàu ngầm đa năng và tàu chiến mặt nước cấp 1 và cấp 2 đang thực hiện các nhiệm vụ đương thời bảo vệ hoà bình tổ quốc cũng như tham gia trong các cuộc tranh chấp cục bộ. Nhật Bản hiện đã vươn lên đứng hàng thứ 4 trên thế giới, vượt qua chỉ số sức mạnh của lực lượng hải quân Ấn Độ.
Mặc dù tuân theo “chủ nghĩa hoà bình”, lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên thực tế là một hạm đội có đầy đủ khả năng để triển khai thế cân bằng với tiềm năng tăng trưởng sức mạnh. Nhật Bản không ngừng nâng cao khả năng của hạm đội bất chấp điều kiện kinh tế suy thoái kéo dài. Điều này xuất phát từ nhu cầu cần thiết duy trì ngành công nghiệp quốc phòng của mình, cũng như do ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của lực lượng quân sự Trung Quốc. Toàn bộ quá trình hiện đại hoá hải quân Nhật Bản diễn ra dễ dàng hơn nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ phía Mỹ.
Những biểu hiện chính của việc cải thiện năng lực hạm đội Nhật Bản có thể kể đến là (1) sự xuất hiện của các tàu sân bay do chính nước này tự sản xuất và chúng sẽ được trang bị dàn máy bay chiến đấu F-35B trong tương lai; (2) việc đóng các loại tàu ngầm diesel hiện đại và tàu khu trục tên lửa có gắn hệ thống “Aegis”. Với lực lượng phòng không bờ biển khổng lồ (bao gồm phi đội 91 máy bay tuần tra hàng hải – đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số lượng loại máy bay này) cùng việc sở hữu các loại vũ khí tối tân tự sản xuất, tất cả những điều này cho phép Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc trong danh sách các cường quốc biển ở châu Á. Có thể nói, sự kết hợp giữa lực lượng đồn trú Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể tạo ra đối trọng với sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc hiện nay.
Sự tiến bộ về năng lực chiến đấu nòng cốt là điểm nổi bật của các hạm đội của hầu hết các cường quốc hàng đầu trong khu vực, nhiều hạm đội trong số đó ở thế hệ trước vốn chỉ là các nhóm lực lượng hạng nhẹ linh hoạt, thỉnh thoảng xen kẽ với các khu trục hạm và tàu ngầm lỗi thời. Ví dụ điển hình là hải quân Hàn Quốc, hiện đang triển khai đóng những khu trục hạm tên lửa được trang bị hệ thống “Aegis”, các loại tàu ngầm và tàu đổ bộ tấn công hiện đại.
Các quốc gia thứ cấp của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng chú ý đến năng lực viễn chinh: một ví dụ thú vị là Indonesia, quốc gia này đang chế tạo các tàu sân bay kiểu “Makassar” cho hải quân của mình. Nếu xét đến các quốc gia thuộc Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) thì tại thời điểm năm 2007 (mốc bắt đầu Đối thoại), mới chỉ có hải quân Mỹ có khả năng viễn chinh; ngày nay các quốc gia còn lại gồm Nhật, Australia, Ấn Độ, cũng sở hữu năng lực này ở các mức độ khác nhau.
Cho đến nay không một quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nào (kể cả Trung Quốc và Nhật Bản) đạt được tự chủ hoàn toàn về công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, nhưng các mô hình chính sách phát triển được áp dụng trong khu vực không đòi hỏi các nước phải nỗ lực để đạt được điều đó, vì họ có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua hợp tác cùng với các quốc gia đối tác-nhà cung cấp hàng đầu.
Song nếu bàn về đóng tàu dân dụng thì Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhau cung cấp hơn 90% tải trọng thương mại thế giới, chiếm gần 61 triệu tấn trong tổng số 66 triệu được đóng vào năm 2019; và ở đây tỷ trọng công nghệ và tổ hợp thiết bị nội địa là cao hơn đáng kể so với đóng tàu quân sự.
Lực lượng không quân trong tương lai
Các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng đang cho thấy những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực phòng không-không quân. Tính đến năm 2020, lực lượng không quân Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt chiếm các vị trí từ thứ 3 đến thứ 6 trong bảng xếp hạng các lực lượng không quân lớn nhất thế giới – các vị trí mà 30-40 năm trước, vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được chiếm giữ bởi các nước châu Âu thuộc khối NATO và một số nước Trung Đông. Sự phát triển của không quân ở mỗi quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có những đặc điểm riêng, song cũng chịu ảnh hưởng của một số xu hướng chung trong khu vực.
Trước hết, công nghiệp hàng không quân sự của các quốc gia trong khu vực không ngừng nâng cao năng lực, hướng tới việc sản xuất các cỗ máy bay ngày càng phức tạp hơn.
Nhật Bản, trước đây chủ yếu giới hạn ở việc lắp ráp một vài máy bay được nhượng quyền bởi Mỹ và phát triển một số công nghệ phái sinh, hiện nay đang chuyển sang triển khai các dự án của chính họ, bao gồm cả những thiết kế phức tạp như máy bay chống ngầm P-1 và máy bay vận tải hạng trung C-2. Trong đó máy bay C-2 là loại máy bay tốt nhất trên thế giới trong hạng cân của mình nếu xét về thông số tiết diện khoang chở hàng (4×4 mét, giúp nó có thể vận chuyển nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại hơn so với máy bay hạng nặng của quân đội Nga loại Il-76MD-90A). Nhật Bản cũng đang phát triển dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của riêng mình.
Hàn Quốc là nơi sản xuất một trong những máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu tốt nhất thế giới – máy bay hạng nhẹ T-50 Golden Eagle. Nước này hiện đang có kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình, tuy nhiên tính khả thi và sự phù hợp của dự án này đang được cân nhắc.
Công nghiệp hàng không Ấn Độ mặc dù đã sở hữu một số máy bay do chính họ thiết kế, song vẫn chưa có được mẫu máy bay nào có thể so sánh với P-1 và C-2 của Nhật Bản. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đang sản xuất theo dạng nhượng quyền một trong những máy bay chiến đấu tinh vi nhất thế giới – Su-30MKI, với tỷ lệ nội địa hoá ngày càng cao. Bên cạnh đó, việc sản xuất và lắp ráp hàng loạt các loại máy bay khác, bao gồm cả máy bay trực thăng cũng như động cơ máy bay, cho phép họ tin tưởng vào việc tích luỹ kinh nghiệm dần dần và tiến tới mục tiêu có được các thiết kế tự thân trong tương lai gần.
Đáng chú ý là, Indonesia đang hợp tác với các nước tiên tiến châu Âu để tạo ra một loạt những máy bay vận tải hạng nhẹ thành công nhất CN-235, các máy bay tuần tra hàng hải và nhiều loại máy bay khác.
Cho đến nay, ngành công nghiệp hàng không của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như ngành đóng tàu quân sự vẫn chưa đạt được sự tự chủ hoàn toàn về công nghệ, song các chính sách định hướng phát triển không đòi hỏi họ bắt buộc phải đạt được điều đó. Ngay cả các quốc gia hàng đầu thế giới, bao gồm cả Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga cũng đang mở rộng các mô hình hợp tác. Hơn nữa, việc hợp tác sẽ còn được áp dụng rộng rãi hơn nếu không có các lệnh trừng phạt.
***
Xu hướng chính ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là phát triển công nghiệp quốc phòng thông qua các kế hoạch hợp tác song song với việc tăng dần tỷ trọng nội địa hoá. Tốc độ nội địa hoá phụ thuộc vào khả năng của quốc gia, bao gồm năng lực của nền kinh tế – yếu tố quyết định sự phát triển công nghiệp, cũng như các ưu tiên kinh tế và chính trị của quốc gia đó.
Đặc điểm nổi bật là các quốc gia trong khu vực nỗ lực thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều nhà sản xuất hàng đầu khác nhau; điều này cho phép họ đa dạng hoá thị trường nhập khẩu và tránh sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia.
Song mặt trái của cách tiếp cận này là sự chậm trễ do các thủ tục cạnh tranh và đấu thầu (trường hợp của Ấn Độ), cũng như mong muốn nội địa hoá thay vì nhượng quyền dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền toàn bộ hoặc một phần các sản phẩm của nước khác (mà Trung Quốc nổi tiếng là nước đi đầu).
Nhu cầu và lợi ích của các quốc gia trong khu vực định hình thị trường cho các loại vũ khí tương ứng: Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là những thị trường thành công nhất cho các máy bay chiến đấu Sukhoi, trong đó Su-27/30 là dòng máy bay chiến đấu hạng nặng bán chạy nhất trong 30 năm qua. Không gian địa lý khổng lồ của Ấn Độ-Thái Bình Dương đã làm nẩy sinh nhu cầu tự thân của các quốc gia trong khu vực đối với các phương tiện tuần tra trên biển, khiến doanh số bán của chúng không ngừng tăng lên, từ các phương tiện đơn giản nhất như các thiết bị tuần tra lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đến các hệ thống tiên tiến có khả năng chống lại các loại tàu ngầm hiện đại.
Cán cân quyền lực trong Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã và đang được định hình chủ yếu bởi sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc; tuy nhiên, nhu cầu tìm kiếm đối tác thương mại và đồng minh quân sự của các quốc gia trong khu vực có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến quá trình này, tạo điều kiện để họ nâng tầm vị thế quân sự và kinh tế của mình thông qua các ưu đãi do hợp tác với các đối tác-lãnh đạo toàn cầu mang lại.
Biên dịch: Giang Đinh
Về tác giả: Ilya Kamnik, quan sát viên quân sự, chuyên gia Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC).