Tập hợp lực lượng là một khái niệm quan trọng trong quan hệ quốc tế, là một trong những nền tảng cơ sở để các quốc gia hợp tác, phối hợp, liên kết với nhau nhằm những mục đích chung. THLL có nhiều hình thức khác nhau, từ cấp độ tiểu khu vực đến toàn cầu, từ hai bên đến nhiều bên, từ chặt chẽ đến lỏng lẻo, từ chiến lược đến ngắn hạn… Có thể nói, đối với các cường quốc, THLL là cơ sở để tăng cường, thực thi quyền lực; đối với các nước vừa và nhỏ, THLL có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vị thế, nâng cao sức mạnh quốc gia nhằm đối phó với các thách thức.
Xu hướng tập hợp lực lượng ở Biển Đông
Xuất phát từ vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, trong những năm gần đây, Biển Đông không chỉ liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các quốc gia có yêu sách trực tiếp mà còn nổi lên như một “đấu trường” cạnh tranh chiến lược nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Để bảo vệ lợi ích, đồng thời không ngừng mở rộng ảnh hưởng, Washington và Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp, sách lược khác nhau, một trong số đó là đẩy mạnh THLL nhằm tranh thủ, lôi kéo các quốc gia trong khu vực đứng về phía mình. Các nước khác, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, đứng trước các thách thức mới, buộc phải tăng cường năng lực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác dưới các hình thức khác nhau nhằm tăng khả năng chống chịu trước những bất ổn địa – chính trị.
Tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt
Từ chỗ chỉ là một nước quan sát viên, không phải là quốc gia ven Biển Đông, cũng không phải là một bên tham gia tranh chấp chủ quyền, song giờ đây Mỹ ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề này và trở thành một trong những nhân tố quan trọng chi phối đến cục diện an ninh tại Biển Đông. Chiến lược của Mỹ trên Biển Đông nhằm phục vụ các mục tiêu: (1) Bảo đảm quyền tự do hàng hải – nhân tố quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ, (2) Ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành đế chế hàng hải của mình, (3) Thực hiện cam kết quốc phòng với các đồng minh và đối tác ở khu vực, (4) Duy trì trật tự dựa trên luật lệ mà Biển Đông là phép thử quan trọng.
Ở thời điểm hiện tại, chính sách Biển Đông của tổng thống Biden vừa có sự kế thừa đường lối cứng rắn trước đó của chính quyền tiền nhiệm, vừa có những điều chỉnh quan trọng. Rõ ràng nhất là việc ông Joe Biden đã từ bỏ cách tiếp cận đơn phương của cựu tổng thống Donald Trump mà thay vào đó trực tiếp giám sát và chỉ đạo một chiến lược tập hợp lực lượng mạnh mẽ hơn để ứng phó với Trung Quốc ngày càng quyết đoán trên Biển Đông.
Về cơ bản, tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt có nền tảng là hệ thống “trục và nan hoa” được hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, với Mỹ là “trục” cùng 5 quốc gia đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines, Australia và Thái Lan đóng vai trò là các “nan hoa”. Theo đó, ngoài việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để “đẩy lùi” nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi thực trạng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông; chính quyền Biden đặc biệt dành nhiều sự chú ý đến mối quan hệ với Philippines – đồng minh hiệp ước của Mỹ có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông. Dưới thời tổng thống Biden, Nhà Trắng đã cố gắng điều chỉnh tầm nhìn theo hướng tích cực, đáng tin cậy và tương thích với các lợi ích và giá trị của chính các đối tác và đồng minh của Mỹ. Đơn cử Mỹ đã nhiều lần tái khẳng định khả năng áp dụng Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines – Mỹ đối với Biển Đông, cũng như nhắc lại cam kết hỗ trợ Manila trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Cách tiếp cận này đã giúp Mỹ thành công “cài đặt lại” quan hệ với quốc gia Đông Nam Á, sau nhiều năm Manila có những bước lùi trong lập trường về vấn đề Biển Đông dưới thời cựu tổng thống Duterte. Hai bên gần đây đã có những sự phối hợp chặt chẽ cả về lập trường cũng như trên thực địa, tiêu biểu là cuộc tập trận Balikatan với quy mô lớn chưa từng có hồi tháng 3/2022 trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, các cơ chế đa phương hẹp đan xen ở Biển Đông cũng là một điểm nhấn quan trọng trong chính sách tập hợp lực lượng của Mỹ. Thể hiện rõ nét của chính sách này là việc Mỹ lấy Bộ Tứ (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) làm trọng tâm trong nỗ lực kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhận lấy sứ mệnh là “lực lượng vì hòa bình”, trong các tuyên bố chung của nhóm Bộ Tứ thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt như đã được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), duy trì tự do hàng hải và hàng không, để đương đầu với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên quy tắc, trong đó bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mặt khác, các nước thành viên nhóm QUAD cũng tăng cường hợp tác nâng cao năng lực biển cho các nước trong khu vực; nhất là với Việt Nam, Philippines và Indonesia. Không dừng lại ở đó, Mỹ còn tận dụng cơ chế an ninh 3 bên AUKUS mới được thiết lập tương đối hoàn thiện và ổn định và xem đây là cách thức quan trọng để củng cố lợi thế so sánh của mình đối với Trung Quốc ở Biển Đông và kiềm chế Trung Quốc mở rộng không gian địa chính trị.
Ngoài ra, Washington cũng rất tích cực phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm tạo thành một liên minh pháp lý, đấu tranh chống tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh. Kể từ khi lên nắm quyền, không khó để nhận thấy Chính quyền Biden tiếp tục sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài để lôi kéo các quốc gia “cùng chí hướng” trong khu vực, đồng thời kiên trì gây sức ép với Trung Quốc dựa trên cái gọi là “luật pháp quốc tế” trong các tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông, bằng cách viện dẫn UNCLOS 1982. Năm 2020 chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh như Anh, Pháp, Đức… khi các nước này đồng loạt gửi công hàm bác bỏ các yêu sách phi lý của Bắc Kinh lên Liên Hợp Quốc, tạo thành cuộc chiến công hàm rất nóng về vấn đề Biển Đông. Tháng 1/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố “Báo cáo ranh giới biển” lần thứ tư trong lịch sử có nội dung liên quan đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đặt nghi vấn về “đường 9 đoạn”, địa vị pháp lý của bộ phận đảo và đá ngầm ở Biển Đông, yêu sách tổng thể về các vùng biển, quần đảo xa bờ và đường cơ sở thẳng. Những diễn biến trên cho thấy Mỹ đã ở tư thế rất sẵn sàng, chủ động trong việc mở ra mặt trận đấu tranh pháp lý giữa cục diện cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Cho đến nay, chính sách THLL của Mỹ ở Biển Đông tương đối thành công song không phải là không có hạn chế. Nhiều quốc gia trong khu vực phần nào còn giữ thái độ dè dặt vì không muốn đánh đổi sự thịnh vượng có được từ sự gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, việc chưa gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng hạn chế tính chính danh của Mỹ khi chỉ trích các quốc gia khác không tôn trọng luật biển.
Tập hợp lực lượng do Trung Quốc dẫn dắt
Giới tinh hoa Trung Quốc xem Biển Đông có tầm quan trọng lớn về kinh tế, an ninh và chính trị. Nơi đây được coi là lá chắn bảo vệ an ninh cho Bắc Kinh ở hướng Nam, đồng thời là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc vươn ra thế giới. Chính vì vậy, Trung Quốc không ngần ngại tiến hành các biện pháp trên nhiều phương diện kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp lý… nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, phục vụ lợi ích của nước này. Đồng thời, Bắc Kinh cũng ráo riết tiến hành các hoạt động THLL đối trọng với Mỹ và các đồng minh trên Biển Đông.
Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai chính sách “chia rẽ” để “tập hợp” (chia rẽ ASEAN để tập hợp, lôi kéo các nước vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh) tương đối ấn tượng. Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong nhiều năm qua (2009-2021), Bắc Kinh đã triệt để sử dụng đòn bẩy kinh tế thông qua thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển… nhằm tranh thủ một số quốc gia thành viên không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Campuchia, Lào… để các nước này vì lợi ích quốc gia trước mắt mà không ủng hộ các nước ASEAN khác trong “hồ sơ Biển Đông”. Thực tế cho thấy, chiến lược này đã phát huy tác dụng vào những thời điểm quan trọng, khi Campuchia ít nhất đã 2 lần gạt đi cơ hội tìm kiếm tiếng nói đồng thuận trong ASEAN đối với những diễn biến trên Biển Đông. Gần đây, theo tờ Wall Street Journal, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Trung Quốc còn đẩy mạnh THLL thông qua chiến lược ngoại giao y tế, biến quyền tiếp cận vắc xin thành công cụ thúc đẩy chính sách đối ngoại, bao gồm cả việc tìm kiếm sự ủng hộ của 1 số nước như Indonesia, Malaysia, Philippines… cho các yêu sách vô lý trên Biển Đông.
Đồng thời với việc mua chuộc kinh tế, Trung Quốc cũng đang thực hiện chính sách “ngoại giao nụ cười” (smile diplomacy). Ở đây, Trung Quốc đưa ra các biện pháp trấn an khác nhau về chính trị đối với các nước láng giềng. Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và không xâm lược hay bắt nạt các nước khác, ngay cả khi là một siêu cường. Để chứng minh điều này, Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc giảm bớt căng thẳng, ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tham gia các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Những hành động này nhằm che đậy ý định thực sự của Trung Quốc và dẫn tới quan điểm lạc quan rằng các ví dụ về hành vi ứng xử hung hăng của Bắc Kinh là những hiện tượng bất thường, bị giới hạn trong một số trường hợp cụ thể hay do một bên nào đó thực hiện mà chưa được phép của Trung Quốc. Sự nhìn nhận vấn đề theo hướng này sẽ làm gia tăng bất đồng giữa các nước trong khu vực về cách thức đối phó với Trung Quốc, tạo cơ hội cho Bắc Kinh gây chia rẽ và chinh phục các nước.
Ngoài ra, để gây thêm thiện cảm, Trung Quốc còn kêu gọi xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nước ven bờ ở Biển Đông, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an ninh hàng hải…. Bắc Kinh tin rằng, sự hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực ít nhạy cảm có thể làm giảm bớt nghi ngờ chiến lược của các quốc gia trong khu vực, từ đó khiến việc “ngả” theo Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn.
Điều đáng nói là các hoạt động THLL nói trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đẩy mạnh chính sách bành trướng quân sự tại Biển Đông. Báo South China Morning Post đưa ra con số thống kê đáng chú ý: Trung Quốc đã tiến hành gần 100 cuộc tập trận ban đêm trong năm 2021 so với 30 cuộc trong năm 2020. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, nước này đã tiến hành hoặc lên kế hoạch hơn 40 cuộc tập trận ở Biển Đông. Những hành vi hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế tạo nên hình ảnh xấu về một cường quốc “không có trách nhiệm” với thế giới, khiến ngày càng có nhiều quốc gia chia sẻ mối lo ngại sâu sắc về tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, thúc đẩy họ có những hành động cương quyết hơn để bảo vệ lợi ích. Vì lẽ đó, thay vì thành công tìm kiếm các đồng minh đáng tin cậy, Bắc Kinh dường như đang “mời gọi” các nước chống lại họ, và điều này không mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Tập hợp lực lượng do ASEAN dẫn dắt
Với vị trí địa lý đặc thù, Biển Đông được bao bọc bởi 8 quốc gia thành viên của ASEAN (trừ Lào và Myanmar), do đó, vận mệnh của ASEAN gắn liền với vận mệnh của Biển Đông. Biển Đông được coi là một phép thử quan trọng đối với vai trò trung tâm của ASEAN.
Giữa những thách thức do cạnh tranh Mỹ – Trung trong việc tập hợp lực lượng tại Biển Đông gây ra, ASEAN đã tận dụng được cơ hội quan trọng để nâng cao vai trò của mình bằng sự chủ động, tích cực kết nối với các đối tác. Vấn đề Biển Đông thường xuyên được đề cập trong các diễn đàn, hội nghị tại các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt như ARF, EAS, ADMM+, EAMF …. hay các cơ chế song phương giữa ASEAN và các đối tác. Mới đây, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ hồi tháng 5/2022, một lần nữa, Biển Đông lại trở thành tâm điểm của sự chú ý khi Tuyên bố tầm nhìn chung của hội nghị đã dành riêng một phần quan trọng để nêu bật việc thúc đẩy hợp tác biển, trong đó công nhận các lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.
ASEAN còn ghi dấu ấn trong tiến trình đàm phán Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 với Trung Quốc. Ngay cả khi việc thực thi vẫn gặp nhiều khó khăn, văn kiện này có thể được coi là “bước nhảy vọt cho hòa bình” ở Biển Đông, “cho phép hòa bình được duy trì và giúp các bên yêu sách tập trung vào phát triển kinh tế” (Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị). Qua đó tạo cơ sở vững chắc để 2 bên hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và được ủng hộ rộng rãi.
Trước những diễn biến mới tại Biển Đông thời gian qua, trong nội bộ khối ASEAN cũng đã manh nha xuất hiện các hình thức THLL mới, tạo động lực mạnh mẽ cho việc hình thành cơ chế tiểu đa phương trên Biển Đông. Đơn cử, vào tháng 2/2022, căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã thúc đẩy Indonesia mời các quan chức phụ trách an ninh hàng hải của năm quốc gia ASEAN (Brunei, Philippines, Malaysia, Singapore và Việt Nam) tham dự một cuộc họp để “chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp tình anh em”, cùng thảo luận biện pháp ứng xử phù hợp trước thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Những tập hợp lực lượng quy mô nhỏ như vậy thường linh hoạt hơn và do đó được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả trong quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Nhìn chung, khác với các THLL mang tính loại trừ do Mỹ hay Trung Quốc dẫn dắt, các hoạt động THLL do ASEAN dẫn đầu có tính cởi mở, bao trùm, khuyến khích hợp tác và chia sẻ trách nhiệm vì một vùng biển hòa bình, ổn định và an ninh. Cho đến nay, ASEAN đã hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ cơ chế đa phương nào khác trong việc quản lý các xung đột tiềm tàng và thúc đẩy ý thức về an ninh khu vực tại Biển Đông.Tuy nhiên, Hiệp hội cũng gặp phải không ít khó khăn để duy trì đoàn kết nội khối và khẳng định vai trò chủ thể – vị trí trung tâm trong vấn đề Biển Đông, chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia thành viên, hệ lụy không mong muốn từ nguyên tắc đồng thuận cũng như chính sách lôi kéo, gây áp lực từ các cường quốc bên ngoài.
Tác động từ sự tập hợp lực lượng mới tại biển Đông đối với Việt Nam
Về thuận lợi
Thứ nhất, cạnh tranh THLL ở Biển Đông góp phần nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của Việt Nam trong các cơ chế đa phương cũng như trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, đồng thời là một trong những bên có lập trường kiên định, nhất quán về vấn đề Biển Đông, Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để trở thành nhân tố quan trọng trên bàn cờ chiến lược và là đối tượng không thể không tính đến khi Mỹ triển khai các hoạt động THLL.
Thứ hai, sự xuất hiện của nhiều hình thức THLL góp phần mở rộng “không gian đối ngoại” và đa dạng hóa sự lựa chọn chính sách cho Việt Nam. Đây là môi trường thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhằm tạo ra mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thứ ba, cùng với quá trình triển khai THLL của các bên trên Biển Đông, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực với các đối tác, nhất là về an ninh – quốc phòng, giúp Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó trước những biến động phức tạp trên Biển Đông hiện nay.
Thứ tư, để ngăn cản các nước láng giềng rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc buộc phải có những điều chỉnh chương trình nghị sự trọng điểm phù hợp hơn với khu vực như: giảm mức độ khai thác kinh tế và tìm kiếm lợi ích chính trị; cải tổ lại các hành vi đầu tư và đàm phán lại hợp đồng với một số nước, cải thiện hành vi trong BRI… Xét một cách tổng thể, tất cả những động thái nói trên là đáng hoan nghênh và đều tương thích với lợi ích của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thứ năm, trong cạnh tranh THLL tại Biển Đông, có thể thấy một xu hướng rõ nét là ngày càng nhiều nước chọn giải pháp đấu tranh pháp lý. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ về dài hạn, vì điều này tốt hơn cho tình hình Biển Đông hơn là sự xuất hiện dày đặc của các loại tàu chiến, tàu sân bay. Đối với những nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam, luật pháp quốc tế là công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Việc tận dụng công cụ pháp lý cũng giúp hạn chế nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng sơ hở, xuyên tạc luật pháp quốc tế để củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
Về khó khăn
Thứ nhất, các THLL đan xen, chồng chéo phục vụ cạnh tranh nước lớn làm gia tăng rủi ro trên Biển Đông; nhất là chính sách của Mỹ và các đồng minh có thể sẽ khơi mào phản ứng từ Bắc Kinh. Khi ấy, nhiều khả năng cuộc cạnh tranh về mặt quân sự ngày càng tăng nhiệt sẽ đặt môi trường an ninh của các quốc gia trong khu vực vào một tình thế thiếu an toàn. Với Việt Nam, Biển Đông được coi là “phên dậu” phòng thủ phía Đông, chính vì vậy, nếu như Biển Đông dậy sóng thì Hà Nội cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực trong bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Thứ hai, trong vòng xoáy cạnh tranh THLL của các nước lớn tại Biển Đông, sức ép “chọn bên” cũng sẽ ngày càng tăng cao, gây khó khăn cho Việt Nam trong việc duy trì chính sách quốc phòng 4 không. Nếu hành xử không khéo có thể gây hiểu nhầm Hà Nội “nhất biên đảo”, làm tổn tại đến quan hệ song phương và dễ đánh mất đi giá trị chiến lược có được nhờ chính sách “đi dây” giữa 2 siêu cường.
Thứ ba, các THLL gay gắt và mang tính loại trừ của các cường quốc cũng có thể khiến “cạnh tranh” thay thế “hợp tác” trở thành xu hướng chính của những diễn biến ở Biển Đông trong tương lai. Do đó gây phương hại đến chủ trương hòa bình, hợp tác, cùng phát triển vốn đã là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Việt Nam từ sau Đổi Mới cho đến nay.
Lựa chọn chính sách của Việt Nam
Chủ trương của Việt Nam về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán, đó là kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và cùng các bên giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; luôn hoan nghênh nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Trước những thay đổi phức tạp do cạnh tranh THLL gây ra, một số đề xuất ứng xử cho Việt Nam hiện nay bao gồm:
Thứ nhất, cần quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, giữ vững nguyên tắc 4 không, nhất là không tham gia liên minh quân sự với nước này chống lại nước kia để không bị đẩy vào tình thế phải chọn bên. Điều quan trọng là phải nắm vững phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để có phương án xử lý linh hoạt theo vấn đề và tùy thời điểm, tùy đối tác – đối tượng để bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.
Thứ hai, không ngừng nâng cao sức mạnh nội lực. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”, thực lực mạnh là cơ sở quan trọng để Việt Nam tham gia các cơ chế, quan hệ quốc tế một cách bình đẳng. Về kinh tế, cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tới năm 2030, tầm nhìn 2045”, tiếp tục mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh và giàu từ biển, phát triển bền vững, phồn vinh, an toàn và an ninh. Về an ninh – quốc phòng, không ngừng hiện đại hóa quân đội, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt, có khả năng cơ động linh hoạt ứng phó với những biến chuyển mau lẹ của tình hình.
Thứ ba, phát huy vai trò của ngoại giao đa phương, chủ động cùng ASEAN và các nước liên quan tìm ra những giải pháp nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nhất là tập trung mọi nỗ lực để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa mọi cơ hội hợp tác có được từ xu thế THLL để đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất vì lợi ích quốc gia – dân tộc.
Thứ tư, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Theo đó cần củng cố cơ sở pháp lý phục vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, tiếp tục hành xử đúng với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển, đồng thời tranh thủ tối đa sự đan xen về lợi ích giữa Việt Nam và các nước trong vấn đề Biển Đông để đẩy mạnh hợp tác, góp phần tăng cường nội lực và vị thế quốc tế.
Tóm lại, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế THLL vốn đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển phức tạp trên Biển Đông. Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải có thế và lực mạnh, cùng sự chủ động về chính sách để sẵn sàng đón lấy thời cơ, vượt qua thách thức trong tương lai.
Tác giả: Lã Thị Thu Hà
Tài liệu tham khảo
- Lê Hải Bình, Xu thế tập hợp lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương dưới tác động của Covid-19 và đối sách của Việt Nam, Tạp chí Tuyên Giáo.
- Trần Quang Châu, Sự hình thành của nhóm Bộ Tứ và tác động đối với Biển Đông, Nghiên cứu Biển Đông.
- Denny Roy, How China Is Slow Conquering the South China Sea, The National Interest.
- Michael Tkacik, Understanding China’s goals and strategy in the South China Sea: bringing context to a revisionist systemic challenge – intentions and impact, Defense and Security Analysis.
- Minnie Chan, Chinese military stepping up night drills to counter US, analysts say as state TV airs footage, South China Morning Post.
- Rudronell, Big Brother Bullying: China’s actions in the South China Sea are bound to lead to counter-mobilisation, The Times of India.