Cụm từ thông dụng mới đối với những người Trung Quốc chán ngán tình trạng phong tỏa là “nhuận học” – chỉ việc nghiên cứu cách thức thoát ly hoàn toàn khỏi Trung Quốc.
Nhiều thập kỷ qua, tầng lớp trung lưu đang mở rộng của Trung Quốc chỉ có một lựa chọn để vượt lên, đó là “nội quyến”, có nghĩa là “cuộn vào trong”, ám chỉ việc dấn thân vào cuộc cạnh tranh đầy bon chen giữa người với người. Sau đó, một tư tưởng kháng cự đáng ngạc nhiên đã nảy sinh trong giới trẻ Trung Quốc vào năm 2021, đó là “thảng bình”, có nghĩa là “nằm thẳng”, ám chỉ việc lao động ở mức tối thiểu để kiếm sống. Giờ đây, sau khi các biện pháp phong tỏa theo chính sách “Không COVID” của Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa được áp dụng và khiến người dân mệt mỏi, một xu hướng thứ ba đã xuất hiện, đó là “nhuận học”, chỉ việc nghiên cứu cách thoát khỏi Trung Quốc mãi mãi.
Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ, cuối tháng 3/2022, khi hơn 300 triệu người Trung Quốc bị áp đặt các biện pháp kiềm chế mới, số lượt tìm kiếm trên nền tảng WeChat của Tencent về cách thức di cư đến Canada đã tăng gần 3.000%. Đến đầu tháng 4, các từ khóa tìm kiếm trên WeChat liên quan đến nhập cư đã tăng hơn 440%. Các chuyên gia tư vấn về tái định cư ở Trung Quốc và nước ngoài cho biết họ cũng nhận được vô số cuộc điện thoại và thư điện tử.
Hiện tượng “nhuận học” đã nêu bật nỗi thất vọng sâu sắc của những người dân Trung Quốc bình thường. Các quyền tự do hàng ngày của họ phụ thuộc vào kết quả của các xét nghiệm COVID-19 bắt buộc, thường được thực hiện sau mỗi 48 hoặc 72 giờ. Xâm chiếm tâm trí họ là nguy cơ sát sườn của việc bị cách ly nghiêm ngặt trong các cơ sở do nhà nước điều hành, bị tách khỏi gia đình, cũng như những lo ngại sâu sắc hơn về bảo đảm việc làm và tình trạng sụt giảm thu nhập hộ gia đình trong bối cảnh nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái.
Trước đó, những hy vọng rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải vào tháng 3 sẽ chỉ diễn ra một lần duy nhất đã nhanh chóng tiêu tan, bất chấp những phí tổn rõ ràng về kinh tế và xã hội. Thay vào đó, Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc đã tái khẳng định rõ ràng cam kết của họ đối với sách lược “Không COVID” gây tranh cãi, với các biện pháp phong tỏa chớp nhoáng không khoan nhượng, các đợt xét nghiệm hàng loạt khắt khe và biên giới đóng cửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách “Không COVID” càng kéo dài thì ban lãnh đạo Trung Quốc càng có nguy cơ làm xói mòn khế ước xã hội giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với xã hội Trung Quốc, nhất là với tầng lớp thị dân trung lưu đang phát triển nhanh chóng, mà cho đến nay ĐCSTQ vẫn cố gắng duy trì sự ủng hộ.
Tính hợp pháp của ĐCSTQ và vai trò lãnh đạo của họ từ lâu đã được củng cố bởi sự trỗi dậy phi thường của nền kinh tế Trung Quốc kể từ những năm 1980, đưa nước này thoát khỏi đói nghèo và giúp hàng trăm triệu người dân Trung Quốc có được cuộc sống tương đối thịnh vượng của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Kathy Huang thuộc CFR về sự lan truyền của phong trào “nhuận học”, sự trở lại của các biện pháp phong tỏa sâu rộng trong năm 2022 đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng ở Trung Quốc, không có sự thịnh vượng nào lấn át được quyền lực chính trị. Thượng Hải đang dần mở cửa trở lại, nhưng theo Huang, cú sốc về việc áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa đã dẫn tới sự thay đổi trong thái độ của người dân Trung Quốc.
Trước đây, nhiều người dân đổ lỗi cho các quan chức địa phương về việc thực hiện tùy tiện các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo “Không COVID”. Giờ đây, hầu hết người dân đều thông cảm với những người bị buộc phải thực thi các quy định do bộ máy chính quyền đặt ra, điều mà Huang cho là “sự công nhận rằng tất cả mọi người đều bất lực ra sao trước các chính sách của trung ương”. Kể từ khi chính sách một con được áp dụng tới nay, chưa một chiến lược quốc gia nào chạm tới gần như mọi cá nhân ở Trung Quốc như chiến lược “Không COVID”. Bị mắc kẹt trong một mạng lưới các quy tắc phong tỏa hỗn loạn và khó đoán, nhiều người Trung Quốc hiện đang mơ về việc bỏ trốn vĩnh viễn. Huang nói: “Đối với nhiều người thuộc giới tinh hoa, di cư đã là một lựa chọn khả thi và phổ biến từ lâu trước khi có các biện pháp phong tỏa. Mặc dù vậy, sự gia tăng đột ngột về mức độ quan tâm được thể hiện trên các công cụ tìm kiếm và các công ty tư vấn nhập cư nói lên rằng một nhóm dân cư lớn hơn nhiều, mà rất có thể là những người thuộc tầng lớp trung lưu, đang bắt đầu cân nhắc việc này sau khi chấm dứt phong tỏa. Họ đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài, chứ không phải là tạm thời, để rời bỏ cuộc sống không vừa ý ở Trung Quốc”.
Tầng lớp trung lưu bị chèn ép
Thực tiễn kinh tế và các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc đại đa số tầng lớp trung lưu Trung Quốc có rất ít hy vọng biến “nhuận học” trở thành hiện thực. Nhiều nhà kinh tế dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm trong quý II – lần thứ hai nước này bước vào vùng suy thoái trong 30 năm qua. Dự báo tăng trưởng cả năm cho đến nay đã được điều chỉnh xuống còn khoảng 4%, bằng một nửa so với mức tăng trưởng 8,1% được ghi nhận vào năm 2021 và thấp hơn mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đặt ra, vốn đã là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua. Kết quả là sự sụt giảm mức sống đang lan dần từ những người lao động lương thấp tới các tầng lớp chuyên nghiệp và các ban giám đốc.
Eko, một chuyên gia về xuất khẩu của một công ty đa quốc gia ở Trường Sa, miền Trung Trung Quốc, cho biết: “Hầu hết bạn bè tôi đang bị giảm một phần thu nhập và phải chịu sức ép lớn hơn về tài chính, bao gồm cả các nhân viên chính phủ”. Chuyên gia này muốn Bắc Kinh chuyển sang mở cửa hoàn toàn để kích thích nền kinh tế hồi phục. Andy Zhu, một lập trình viên máy tính 30 tuổi làm việc tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía Nam của Trung Quốc, nơi đã bị phong tỏa trong một thời gian ngắn vào tháng 3/2022, cho biết mặc dù tất cả các ngành đều phải chịu tác động rất lớn, nhưng cá nhân anh đã buộc phải suy nghĩ lại về cách thức quản lý tài chính của mình. Anh nói: “Đại dịch đã nâng cao nhận thức của tôi về suy thoái kinh tế. Chúng tôi cần phải tiết kiệm nhiều hơn”. Một kế toán giấu tên 24 tuổi ở thành phố Nam Kinh, miền Đông Trung Quốc, dự đoán thu nhập của cô sẽ giảm một nửa trong năm 2022 do tác động của suy thoái. Kế hoạch mua một chiếc xe hơi mới của cha mẹ cô gần đây đã bị trì hoãn.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Nhật Bản Nomura cảnh báo rằng một vài yếu tố cơ bản có thể còn tồi tệ hơn những gì dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy. Họ chỉ ra rằng chỉ số vận tải hàng hóa đường bộ của Trung Quốc, một thước đo hoạt động kinh tế được theo dõi chặt chẽ, đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, và doanh số bán nhà mới cũng đã sụt giảm gần 1/3. Họ cũng lưu ý về sự thu hẹp sản lượng của các hàng hóa thiết yếu và sản phẩm quan trọng bao gồm năng lượng, xi măng, thép thô, ô tô và điện thoại thông minh, đồng thời bổ sung rằng mặc dù những gì tồi tệ nhất trong làn sóng Omicron này có lẽ đã qua, nhưng không có gì đảm bảo rằng một làn sóng mới sẽ không ập đến trong những tháng tới.
Khi các biện pháp phong tỏa trở thành gánh nặng đối với tăng trưởng kinh tế, Bắc Kinh cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế bao gồm đảo ngược các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và giảm thuế. Tuy nhiên, với những lo ngại về lạm phát gia tăng, các nhà kinh tế không tỏ ra lạc quan khi cho rằng việc cung cấp các gói kích thích với quy mô như theo kế hoạch là không đủ để Trung Quốc – vốn là thị trường tiêu dùng và công xưởng lớn nhất thế giới – có thể phục hồi theo mô hình “chữ V”. Số liệu thống kê về tình trạng việc làm cũng sẽ khiến Tập Cận Bình và các nhà hoạch định kinh tế ở Bắc Kinh lo lắng. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động trong độ tuổi 18-24 đã đạt mức cao kỷ lục là 18,4%. Tình trạng thất nghiệp gia tăng trong thanh niên đã đẩy Trung Quốc xuống ngang hàng với Slovakia và Estonia. Vấn đề này sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn khi 10 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong những tuần tới.
Chính sách “Không COVID” cũng đang ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần của người dân. Mặc dù thiếu các dữ liệu chính thức, nhưng kết quả nghiên cứu học thuật về các giai đoạn trước của đại dịch là rất đáng lo ngại. Theo bài viết của một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc được xuất bản trên tạp chí học thuật Current Psychology, một cuộc khảo sát với gần 40.000 sinh viên tham gia vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ mắc chứng trầm cảm, các triệu chứng lo âu và nguy cơ tự tử đều ở mức hai con số. Logan Wright, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Rhodium, cho biết nhiều người đang so sánh cuộc khủng hoảng này với những ngày tháng đen tối nhất dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Trong một bài phân tích chính sách gần đây, Wright viết: “Chính các công dân Trung Quốc đang thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay bằng cách so sánh nó không phải với SARS hay một đại dịch khác, mà với các chiến dịch chính trị trước đây của ĐCSTQ, cụ thể là trong giai đoạn những năm 1960. Thường xuyên có các cuộc thảo luận về phản ứng thái quá của các quan chức địa phương đối với một số ca bệnh và việc báo cáo khống các số liệu kinh tế trong giai đoạn suy thoái hiện nay dựa trên bối cảnh của cuộc Đại nhảy vọt, và đã có những người so sánh lực lượng “Đại bạch” (tình nguyện viên y tế mới được tuyển mộ để hỗ trợ các đợt phong tỏa) với Hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa.
Người nghèo càng nghèo hơn
Đối với những người dân Trung Quốc ở bậc thấp hơn của nấc thang kinh tế, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc kiên quyết duy trì chính sách loại bỏ hoàn toàn COVID-19 đang bắt đầu làm xói mòn những bước tiến đạt được trong nhiều năm qua.
Một năm trước, Tập Cận Bình tuyên bố ông đã thành công xóa bỏ đói nghèo ở Trung Quốc, một sự hãnh diện đáng tự hào nhưng không thể kiểm chứng vào thời điểm kinh tế toàn cầu phải chịu tổn thất lớn khi phần lớn thế giới đang phải vật lộn với đại dịch. Vấn đề này rất nhạy cảm về mặt chính trị. Tập Cận Bình đã biến chiến dịch xóa đói giảm nghèo dài hạn của đất nước thành một vấn đề cá nhân. Năm 2021, ông cũng đã lấy sự bình đẳng làm mục tiêu chính sách đối nội nổi bật dưới ngọn cờ “thịnh vượng chung”, bao gồm các biện pháp đàn áp sức mạnh của các doanh nghiệp lớn, các tệ nạn văn hóa và những hành vi quá giới hạn trong giới siêu giàu của Trung Quốc.
Các nghiên cứu cho thấy những người nghèo đói nghiêm trọng hoặc đang trên bờ vực bần cùng ở Trung Quốc nằm trong số những nhóm dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi COVID-19 mới bùng phát tại Vũ Hán vào năm 2020. Trong một báo cáo phân tích đợt phong tỏa toàn quốc ban đầu vào đầu năm 2020, các học giả thuộc Đại học Trùng Khánh và Đại học Trung Sơn cho biết những người vô gia cư phải đối mặt với “sụt giảm đáng kể về thu nhập” trong khi “viện trợ nhân đạo từ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã giảm, còn những nỗ lực vô nhân đạo nhằm xua đuổi người vô gia cư lại gia tăng”.
Samantha Vortherms, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California cơ sở Irvine, cho biết trong các nhà máy trên khắp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhân viên địa phương được coi là “cơ sở lao động cốt lõi”. Theo bà, 380 triệu lao động nhập cư lưu động của Trung Quốc được xếp vào nhóm “ngoại vi”, có nghĩa là họ là những người đầu tiên bị sa thải khi các công ty bị ảnh hưởng bởi suy thoái. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do khả năng tiếp cận không bình đẳng với các biện pháp an sinh xã hội. Bà cho biết: “Người lao động nhập cư có rất ít khả năng được ký hợp đồng lao động chính thức cho phép họ chi trả các chương trình bảo hiểm xã hội để bảo vệ họ nếu thất nghiệp”.
Gao Qin, một chuyên gia về phúc lợi xã hội Trung Quốc tại Đại học Columbia, nhận định rằng hậu quả từ các đợt phong tỏa mới nhất ở các khu vực thành thị đông dân cư cũng sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình nông thôn khi ngày càng có nhiều lao động nhập cư không thể duy trì việc gửi tiền trợ cấp thường xuyên cho gia đình.
Sinh kế của người lao động nhập cư phụ thuộc vào khả năng di chuyển – giữa các nhà máy hay các thị trấn để tìm việc làm – và theo Gao Qin, điều này có nghĩa là trong thời kỳ đại dịch, họ không chỉ có nguy cơ mất việc mà còn có thể trở thành mục tiêu của các quan chức vì làm lây lan COVID-19. Bà nhận định: “Đại dịch đã làm thay đổi gần như mọi thứ. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều hiểu rằng nghèo đói là một vấn đề ở Trung Quốc”.
Trước những lời cam kết hỗ trợ của nhà nước, người dân hầu như không cảm thấy khuây khỏa hay lấy đó làm mừng. Một người lao động họ Du tại một khu chợ ở Quản Trang, ngoại ô phía Đông Bắc Kinh, chia sẻ với Financial Times: “Đôi khi tôi cũng nghe tin tức trên đài phát thanh. Tất cả đều nhảm nhí”. Không có việc làm và không thể gửi tiền cho con cái, Du dự định trở về với mảnh ruộng ở quê.
Người giàu tìm kiếm lối thoát
Những người có đủ khả năng để rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn thì cảm thấy việc này đang trở nên khó khăn hơn. Một doanh nhân Trung Quốc, hiện đang ở Washington DC và yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn, tự coi mình là một trong những người may mắn trốn thoát trước khi Bắc Kinh đàn áp những người chạy trốn khỏi Trung Quốc. Doanh nhân này cho biết: “Tôi đã bay từ Quảng Châu đến sân bay JFK (New York) vào tháng 2. Ngay cả khi đó, tôi cũng phải mất 4 giờ để vượt qua tất cả các thủ tục kiểm tra. Tại trạm kiểm soát đầu tiên, các sỹ quan cảnh sát của cơ quan an ninh công cộng phỏng vấn tôi về ‘lý do đi du lịch’ và lượng hành lý mang theo. Họ kiểm tra hành lý của mọi người”. Ông cho biết những người khác thì không được may mắn như vậy: “Một người bạn của tôi muốn đến New York để đưa con đi học đại học, nhưng văn phòng hộ chiếu từ chối cấp hộ chiếu cho cô ấy. Họ nói rằng đưa con đến trường đại học không phải là lý do chính đáng để rời khỏi Trung Quốc”.
Theo dữ liệu chính thức, việc cấp hộ chiếu Trung Quốc – cả cấp mới lẫn gia hạn – đã giảm 95% trong quý I/2022 so với trước đại dịch. Sau đó, vào tháng 5/2022, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia đã thắt chặt quy định, tuyên bố sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc đi lại không cần thiết trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ lây nhiễm do du khách quốc tế gây ra. Tuy nhiên, cơ quan này phủ nhận việc đình chỉ hoàn toàn việc cấp hộ chiếu.
Một nhà tư vấn quản lý tài sản tại Singapore cho biết trong những tháng gần đây, bà đã phải đảm nhiệm trên thực tế vai trò của một đại lý du lịch khi các khách hàng Trung Quốc giàu có của bà tìm cách đi ngược lại các sắc lệnh chính thức hạn chế tất cả các “hoạt động đi lại không cần thiết”. Nhà tư vấn này cho biết: “Ngay cả khi không thể rời đi, họ vẫn lên kế hoạch cho việc này. Họ muốn có cảm giác rằng họ có thể đưa ra lựa chọn đó”.
Bà nói thêm rằng, ngay cả đối với những khách hàng giàu có, việc tìm kiếm các luật sư ở Trung Quốc để công chứng hoặc biên dịch các tài liệu cần thiết cho việc đi du lịch nước ngoài cũng trở nên khó khăn hơn. Bà cho biết: “Rất nhiều luật sư sẽ không thụ lý những trường hợp như vậy. Nếu hộ chiếu của khách hàng đã hết hạn, thì đó sẽ là một thảm họa.”
Các quy định của Bắc Kinh rất có thể đã kìm hãm một cuộc di cư lớn hơn. Tuy nhiên, Yanzhong Huang của CFR cho rằng việc người dân tìm cách rời đi cho thấy họ đang “mất kiên nhẫn và mất lòng tin”. Huang nhận định: “Họ cảm thấy không có tương lai, với bầu không khí chính trị đàn áp và nền kinh tế yếu kém. Họ đang tỏ thái độ bằng cách bỏ đi”.
Sắc lệnh đế quốc
Nỗi lo lắng chung – từ những người lao động nhập cư cho đến giới tinh hoa – đã gây thêm sức ép đối với ban lãnh đạo ĐCSTQ trong bối cảnh chỉ vài tháng nữa, Đại hội ĐCSTQ lần thứ XX (Đại hội XX) sẽ diễn ra vào tháng 11, khi Tập Cận Bình dự kiến sẽ phá vỡ giới hạn nhiệm kỳ để củng cố sự cai trị tối cao trong tương lai. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu điều kiện kinh tế xấu đi và các biện pháp kiểm soát xã hội được tăng cường trở lại, niềm tin vào giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng bị xói mòn hơn nữa.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không có dấu hiệu thay đổi hướng đi. Một loạt cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược “Không COVID” thậm chí đang mọc lên ở các thành phố trên khắp Trung Quốc. Các quan chức đang chạy đua để thiết lập các điểm xét nghiệm cách nhau không quá 15 phút đi bộ, việc xây dựng các bệnh viện mới và các cơ sở cách ly tập trung cũng được thúc đẩy. Đây là những dấu hiệu cho thấy cam kết của Bắc Kinh trong việc sử dụng xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và cách ly để ngăn chặn các đợt bùng phát COVID-19 quy mô lớn hơn nữa cho đến năm 2023.
Sự bất đồng chính kiến, vốn ngày càng hiếm hoi ở Trung Quốc, có thể sẽ xuất hiện. Việc tổ chức các cuộc biểu tình hàng đêm trên ban công các gia đình ở Thượng Hải, nơi người dân lấy nồi niêu làm trống và cất tiếng hát, cũng như các cuộc đụng độ không thường xuyên giữa sinh viên Bắc Kinh và các nhóm khác với cảnh sát là bằng chứng cho thấy ngay cả ở Trung Quốc, sự thất vọng có thể nhanh chóng bùng phát.
Nhà nước vẫn cảnh giác cao độ để đề phòng tình huống đó. Hầu hết những sự chỉ trích nhằm vào chính sách “Không COVID” đều nhanh chóng bị dập tắt bởi các cơ quan kiểm duyệt của Bắc Kinh và các nền tảng công nghệ như Tencent và Weibo, cùng với đó là những làn sóng trào phúng và bình luận khác phản ánh thái độ bất mãn trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, những nhà quan sát Trung Quốc đang chờ đón Đại hội XX vào mùa Thu như một bước ngoặt có thể xảy ra. Theo Diana Fu, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brookings, “trong những thời điểm tốt nhất, các cuộc họp chính trị như vậy của giới tinh hoa ĐCSTQ được nhìn nhận đúng như bản chất của chúng, đó là sự phô trương chính trị. Trong thời kỳ khủng hoảng, chúng có thể đóng vai trò là tâm điểm cho tình trạng bất ổn xã hội”.
Theo Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King’s College, London và là tác giả cuốn sách “Xi: A Study in Power”, quyết tâm không thể lay chuyển của Bắc Kinh trong việc dập tắt các đợt bùng phát của virus bất chấp các dấu hiệu của sự thất vọng và xa lánh có thể được xem là dấu hiệu về những điều sắp tới, khi Tập Cận Bình áp dụng phong cách cai trị kiểu phong kiến. Ông nói: “Các đợt phong tỏa do COVID-19 cho thấy những gì sẽ xảy ra khi quyền lực như vậy được dồn vào một cá nhân”./.
(Trang mạng Financial Times)