Các nguồn tin của Nga và hai nền cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk cho biết Triều Tiên có thể triển khai lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch ở chiến trường Ukraine. Bình Nhưỡng đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa ly khai vào ngày 13/7, và chỉ vài ngày sau đó có thông tin rằng các công nhân Triều Tiên sẽ được cử đến để hỗ trợ nỗ lực tái thiết ở miền Đông Ukraine. Triều Tiên có khả năng sẽ hỗ trợ và tham gia các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Donetsk.
Các báo cáo về kế hoạch cử binh lính tới Donetsk và Luhansk sau đó đã được công bố trên các phương tiện truyền thông của hai nền cộng hòa này trước khi được phổ biến rộng rãi hơn trên kênh truyền hình nhà nước Nga Channel One. Dù vẫn chưa được xác nhận, khả năng Triều Tiên triển khai lực lượng sang Ukraine – có thể không nhiều như con số 100.000 binh sỹ trong tuyên bố của Donbass – vẫn có ý nghĩa đáng kể, nhất là khi nhìn vào xu hướng triển khai lực lượng ở nước ngoài của Bình Nhưỡng trong quá khứ, cũng như các lợi ích mà Triều Tiên, hai nước cộng hòa tự xưng và Moskva có thể nhận được.
Đối với Triều Tiên, việc triển khai lực lượng cho nỗ lực chiến tranh Ukraine không phải là chưa có tiền lệ khi nước này đã từng triển khai lực lượng vũ trang chiến đấu ở Việt Nam chống lại Mỹ và trong nhiều cuộc chiến ở Trung Đông chống lại các bên được Mỹ hậu thuẫn. Triều Tiên cũng đã có hỗ trợ các chiến tuyến đối địch của Mỹ dù không cấp quân chiến đấu ở tiền tuyến, trong nhiều cuộc xung đột khác, từ Chiến tranh Biên giới Nam Phi đến Chiến tranh Iran-Iraq. Trong Chiến tranh Iran-Iraq, Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Quân đội Iran loại pháo tầm xa hàng đầu trong khu vực, cũng như phần lớn kho tên lửa đạn đạo của nước này. Giới phân tích cho rằng nếu Bình Nhưỡng nhìn nhận khả năng lực lượng vũ trang của nước này có thể tác động đáng kể đến diễn biến cuộc chiến ở Ukraine, họ sẽ làm mọi cách để phương Tây tập trung chú ý vào Đông Âu để các nước này tránh xa Đông Á, đồng thời gây áp lực hơn nữa với Mỹ.
Việc tham gia cũng sẽ mang lại kinh nghiệm quý báu từ việc chiến đấu với quân đội Ukraine, vốn đã nhận được trang thiết bị trị giá hàng chục tỷ USD từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đang hoạt động với sự huấn luyện, cố vấn và tình báo từ Mỹ. Các hoạt động triển khai của Triều Tiên, nếu có, chắc chắn sẽ có sự hậu thuẫn từ Nga, với việc Moskva tạo điều kiện để Bình Nhưỡng tiếp cận hàng hóa, khí tài quân sự cũng như các loại viện trợ kinh tế khác của Nga dễ dàng hơn. Kinh nghiệm chiến đấu cùng các lực lượng của Nga cũng có thể được đánh giá cao do hai nước chung biên giới và có các đối thủ chung ở Đông Á.
Không giống như Trung Quốc và Iran, những quốc gia đã thể hiện quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine, phủ nhận các thông tin về việc hai nước này có thể cung cấp máy bay không người lái hoặc các thiết bị khác cho quân đội Nga, Triều Tiên đã công khai đứng về phía Moskva. Cùng với Eritrea, Belarus và Syria, Triều Tiên là 1 trong 4 quốc gia bỏ phiếu phản đối việc Liên hợp quốc (LHQ) lên án sự can thiệp quân sự của Nga. Do vậy, quốc gia này có thể là nguồn cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất cho Nga bên cạnh Belarus, vì ngoài Trung Quốc và Iran, Triều Tiên là một trong số ít quốc gia ngoài phương Tây có lĩnh vực quốc phòng đủ khả năng mang lại các lợi ích đáng kể cho Nga.
Trong khi Bắc Kinh và Tehran thúc đẩy nỗ lực cải thiện mối quan hệ với phương Tây, Triều Tiên đã bị các nước phương Tây áp dụng đường lối cứng rắn suốt nhiều thập kỷ. Bình Nhưỡng cũng chịu sự trừng phạt nặng nề đến mức có thể nói rằng nước này “không còn gì để mất” nếu ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga và tăng cường quan hệ với Moskva cũng như vùng Donbass. Khả năng này còn có thể giúp Bình Nhưỡng hội nhập kinh tế nhiều hơn với Nga, làm suy yếu các nỗ lực cô lập cả hai của phương Tây.
Các mối quan hệ kinh tế với Donetsk và Luhansk cũng có thể mang lại một loạt cơ hội quan trọng. Do các khu vực ly khai không phải là quốc gia thành viên của LHQ, cả hai nền cộng hòa ly khai này không có nghĩa vụ phải tuân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc trừng phạt Triều Tiên – khiến họ là một trong số các lãnh thổ duy nhất trên thế giới mà Triều Tiên có thể tự do giao thương. Việc cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ của Triều Tiên, từ người lao động nước ngoài đến hệ thống pháo binh, sẽ không chịu lệnh cấm như trong quan hệ với các quốc gia thành viên của LHQ như Nga.
Các lực lượng đặc nhiệm, lục quân và có thể là một số bộ phận của lực lượng pháo binh của Triều Tiên lớn hơn đáng kể so với lực lượng của Nga, và việc nước này nhấn mạnh một số lĩnh vực chiến tranh trên bộ từ sau Chiến tranh Lạnh đã khiến lực lượng này hơn hẳn quân đội Nga về nhiều năng lực quan trọng. Một ví dụ điển hình là Triều Tiên tuyên bố các hệ thống pháo tên lửa KN-09 và KN-25 đều có tầm bắn xa hơn gấp vài lần so với các hệ thống tương đương của Nga hay hệ thống HIMARS của Mỹ, loại khí tài đã gây ra nhiều vấn đề cho lực lượng Nga sau khi Mỹ cung cấp cho Ukraine gần đây.
Trước đó, các sĩ quan pháo binh Triều Tiên đã hoạt động cùng với quân đội Syria trong Chiến tranh Liban và trong các chiến dịch chống nổi loạn những năm 2010, và có thể là một trong những sỹ quan đầu tiên được triển khai tới miền Đông Ukraine. Tác động của lực lượng này sẽ đặc biệt đáng kể nếu được triển khai cùng với các hệ thống pháo bản địa, được chuyển tới Donbass qua lãnh thổ Nga.
Ngoài các đơn vị pháo binh, các đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên có khả năng đóng một vai trò quan trọng ở Ukraine. Triều Tiên sở hữu lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới với con số dao động 180.000–200.000 người. Họ đã được Anh đánh giá là “có động lực, thấm nhuần tư tưởng chính trị và được đào tạo bài bản…. các đơn vị được cho là sẽ liên tục tìm thế chủ động, đối phó được bất kỳ tình huống bất ngờ nào, và nỗ lực để đạt được các mục tiêu bằng bất cứ giá nào”. Hai đơn vị đặc nhiệm được triển khai tới Syria trong những năm 2010 được những người đứng đầu các lực lượng nổi dậy tại đây mô tả là “nguy hiểm chết người” trên chiến trường.
Được huấn luyện để chống lại kẻ thù được trang bị và huấn luyện tốt hơn nhiều so với quân đội Ukraine, việc triển khai lực lượng này có thể thay đổi đáng kể cục diện chiến trường tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của việc tích hợp các đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên với các đơn vị của Donbass và Nga.
Thông báo về việc các binh lính Triều Tiên tham gia mặt trận với tư cách “tình nguyện viên” cho thấy rằng việc triển khai binh sỹ có thể không phải là tin chính thức từ Quân đội Nhân dân Triều Tiên, có khả năng tương tự cách Trung Quốc làm trong Chiến tranh Triều Tiên, khi Bắc Kinh điều động lực lượng Chí nguyện quân Nhân dân chứ không phải Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Điều này có thể nhằm tránh chính thức đẩy Triều Tiên vào cuộc chiến với Ukraine và những người ủng hộ là người nước ngoài.
Dù vậy, việc triển khai binh lính sẽ khiến các lực lượng Triều Tiên phải đọ sức trực tiếp với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Tờ “The New York Times” gần đây đưa tin Mỹ đã thiết lập “một mạng lưới biệt kích và gián điệp cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và đào tạo” bên trong biên giới của Ukraine. Bài viết có đoạn: “Các nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tiếp tục hoạt động bí mật ở Ukraine, chủ yếu ở thủ đô (Kiev), chuyển phần lớn lượng thông tin tình báo khổng lồ mà Mỹ đang chia sẻ với các lực lượng của Ukraine… Lực lượng biệt kích của các nước NATO khác, bao gồm Anh, Pháp, Canada và Litva, cũng đang hoạt động bên trong Ukraine… đào tạo và cố vấn cho quân đội Ukraine và cung cấp một đường dẫn trên bộ cho vũ khí và các viện trợ khác”.
Mới đây, tạp chí “Causeur” của Pháp đã nêu rõ mức độ hiện diện và hoạt động của các lực lượng phương Tây ở Ukraine, trích dẫn các nguồn tin tình báo của nước này, trong khi đó các nguồn tin của chính phủ Nga luôn cáo buộc mức độ can dự lớn hơn của phương Tây đối với các hoạt động tiền tuyến. Kết quả có thể là các cuộc đụng độ trực tiếp giữa các binh sỹ Triều Tiên và phương Tây, với Triều Tiên chính thức tham chiến với tư cách là tình nguyện viên còn phương Tây là “mạng lưới bí mật” hỗ trợ chiến đấu hoặc nhà thầu quốc phòng.
Các lực lượng của Triều Tiên và Mỹ đã từng chiến đấu ở hai bên đối địch của các cuộc xung đột trong quá khứ, gần đây nhất là ở Syria. Cuộc chiến ở Ukraine có khả năng là cuộc chiến mới nhất và cũng là chiến trường Triều Tiên tham gia với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nơi Mỹ và Triều Tiên tiếp diễn những xung đột đã kéo dài 70 năm./.
Trang mạng thediplomat.com (Ngày 10/8)
Người dịch: Đỗ Thùy Thái Bình