Nhà Trắng mới đây đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) chính thức đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất của Mỹ. Bài viết “The Evolution of America’s China Strategy” (Project Syndicate) của tác giả Joseph S. Nye, Jr. phân tích quá trình phát triển chiến lược Trung Quốc của Mỹ trong hơn 2 thập niên qua để từ đó dự báo kịch bản quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đúng khi đặt ra nghi vấn về các giả định cơ bản nằm sau chiến lược đối tác của Mỹ đối với Trung Quốc, dù vậy, những cá nhân khởi xướng chiến lược này từ hơn hai thập kỷ trước cũng có phần đúng theo cách riêng của họ. Để rồi giờ đây, câu hỏi về các kịch bản cho tương lai vẫn bị bỏ ngỏ.
Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, chính quyền Biden coi Nga và Trung Quốc là đại diện cho hai kiểu thách thức khác nhau. Trong khi Nga “đặt ra một mối đe dọa khẩn cấp đối với tự do và hệ thống quốc tế mở với chiến tranh xâm lược”, Trung Quốc được nhìn nhận như đối thủ duy nhất của Mỹ “với mục tiêu tái định hình trật tự quốc tế và hơn nữa là tăng cường sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ nhằm đạt được mục tiêu đó”. Lầu Năm Góc nhìn nhận Trung Quốc như là một “thách thức địa chính trị lớn nhất” mà Mỹ phải đối mặt trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.
Qua Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Tập Cận Bình có cơ hội củng cố quyền lực và thúc đẩy các mục tiêu của ông về ý thức hệ và chủ nghĩa dân tộc. Đây cũng là thời điểm để nhìn lại sự phát triển chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Một số nhà phê bình đánh giá tình thế hiện nay là minh chứng cho thấy Bill Clinton và George W.Bush đã quá chủ quan khi theo đuổi đến cùng chiến lược đối tác, bao gồm cả việc trao cho Trung Quốc tư cách thành viên WTO. Tuy chắc chắn đã có sự lạc quan thái quá về Trung Quốc của hai thập kỷ trước, điều đó chưa hẳn là ngây thơ.
Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thế lực tại Đông Á, và theo chủ nghĩa hiện thực cơ bản, Mỹ nên khôi phục quan hệ đồng minh với Nhật Bản, hơn là chỉ coi đó như một tàn tích thời kỳ hậu thế chiến thứ 2. Rất lâu trước khi Trung Quốc được gia nhập WTO năm 2001, chính quyền Clinton đã tái khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật Bản, một mối quan hệ mà cho tới nay vẫn là hòn đá tảng trong chiến lược của Tổng thống Biden.
Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush nhận thấy kìm hãm Trung Quốc theo kiểu cách thời chiến tranh lạnh là điều bất khả thi bởi các quốc gia khác – vốn bị hấp dẫn bởi thị trường Trung Quốc khổng lồ – sẽ không ưng thuận với phương án trên trên. Vì vậy, Mỹ đã tìm cách tạo ra một môi trường trong đó vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ tái định hình hành vi của nước này. Tiếp nối chính sách của Clinton, chính quyền Bush cố gắng kêu gọi Trung Quốc đóng góp vào hàng hóa toàn cầu và các thể chế quốc tế, như cái cách mà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đương thời Robert B. Zoellick gọi là “một bên liên quan có trách nhiệm”. Chính sách là “hợp tác đi đôi với phòng ngừa”. Dù thúc đẩy một chính sách cân bằng giữa quyền lực và hợp tác không thực sự đảm bảo thái độ thiện chí từ phía Trung Quốc, việc này vẫn có thể mở ra các kịch bản khả thi thay vì lập trường thù địch hoàn toàn.
Bà Thái Hà – nguyên giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – tin rằng việc hợp tác trên đã thất bại và cho rằng “…các lợi ích cơ bản cũng như tinh thần vừa hợp tác, vừa đối đầu với Mỹ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không đổi trong 70 năm qua. Ngược lại, kể từ những năm 1970, hai đảng phái chính trị của Mỹ lẫn chính phủ nước này luôn có những mong muốn tích cực phi thực tế đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, hy vọng rằng nước này sẽ trở nên tự do hơn, thậm chí dân chủ và trở thành một cường quốc “có trách nhiệm’’ trên thế giới”.
Bà Thái Hà đã có được cơ hội thuận lợi để đánh giá một chính chính sách hợp tác vốn bắt đầu với việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972. Nhưng những người chỉ trích sự hợp tác ấy đã phớt lờ thực tế rằng ưu tiên hàng đầu phải là “công cuộc phòng ngừa” hoặc chính sách bảo hộ, và rằng liên minh Mỹ -Nhật Bản vẫn vững mạnh cho đến ngày nay.
Tất nhiên, vẫn có một vài suy tính đáng được xem là bất cẩn, như việc Clinton dự đoán về thất bại trong việc kiểm soát internet của Trung Quốc. Ông tin rằng việc đó khó như “hái sao trên trời”, nhưng tới nay chúng ta đều biết “Phòng hỏa trường thành” (Great Firewall) của Trung Quốc hoạt động khá hiệu quả. Rõ rằng chính quyền Bush và Obama đã nên làm nhiều hơn để trừng phạt Trung Quốc khi nước này đi trái với tinh thần và các nguyên tắc của WTO.
Dẫu sao thì, Tập Cận Bình đã đập tan các mong đợi trước đó về việc nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng sẽ đem đến nhiều hơn sự tự do hóa, hay thậm chí là dân chủ hóa. Có thời điểm trong quá khứ, Trung Quốc cho phép tự do đi lại nhiều hơn, tiếp xúc nước ngoài nhiều hơn, nhiều luồng ý kiến hơn trên các ấn phẩm và sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả một số tổ chức về nhân quyền. Nhưng tới nay mọi thứ ấy đều dần bị loại bỏ.
Liệu các giả định cơ bản nằm sau chiến lược đối tác có thực sự đúng đắn? Trước khi nhậm chức, hai quan chức chịu trách nhiệm cho chiến lược mới của chính quyền Biden viết rằng “sai lầm cốt yếu của chiến lược đối tác là cho rằng nó có thể đem lại các thay đổi căn bản cho hệ thống chính trị, nền kinh tế lẫn chính sách đối ngoại của Trung Quốc”. Họ kết luận một mục tiêu thực tiễn hơn là tìm kiếm “một trạng thái đồng tồn tại rõ ràng và bền vững, dựa trên các điều kiện có lợi cho lợi ích và giá trị của Mỹ”
Sau khi xem xét mọi yếu tố, chính quyền Biden đã đúng về việc không thể cưỡng ép việc thực hiện những thay đổi nền tảng ở Trung Quốc. Trong những năm 2000, Trung Quốc từng hướng tới mở cửa, điều tiết và đa dạng hóa. Tờ The Economist nhận xét: “Khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012, Trung Quốc đang ở trong một sự thay đổi chóng mặt. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, các công ty tư nhân đang bùng nổ và ngày càng nhiều người dân đang tham gia mạng xã hội. Một nhà lãnh đạo khác có thể coi đây là cơ hội, nhưng cái Ông Tập thấy chỉ là những mối đe dọa”.
Ngay cả khi ông Tập được coi là một hiện tượng nhãn tiền của một Đảng theo chủ nghĩa Lenin, vẫn còn tồn đọng câu hỏi về thời điểm. Lý thuyết hiện đại hóa (cũng như kinh nghiệm thực tế của Hàn Quốc và Đài Loan) cho thấy rằng khi thu nhập bình quân đầu người chạm mốc $10000 thì tầng lớp trung lưu bắt đầu nổi lên, đồng thời việc duy trì chế độ chuyên quyền trở nên khó khăn hơn so với xã hội nông dân nghèo khó trước đó. Vậy quá trình này có thể mất bao lâu? Trong khi Marx cho rằng cần nhiều thời gian, Lenin tin rằng những tiến trình lịch sử có thể được đẩy nhanh hơn nhờ một nhóm tiên phong thực hiện quyền kiểm soát xã hội. Rõ ràng thực tế ở Trung Quốc ngày nay đang chứng minh cho niềm tin của Lênin.
Liệu việc mong đợi các thay đổi quan trọng chỉ trong vòng 20 năm (thay vì 50 năm hoặc nhiều hơn) là sai lầm chính của chiến lược đối tác? Cần nhớ rằng ông Tập mới chỉ là lãnh đạo thế hệ thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và theo chuyên gia về Trung Quốc Orville Schell, “sẽ thật trịch thượng khi cho rằng công dân Trung Quốc chỉ đơn thuần quan tâm đến tiền tài và quyền lực mà bỏ qua các phương diện vốn được các xã hội khác coi là cơ bản cho đời sống con người”.
Dù các nhà hoạch định chính sách luôn luôn chịu áp lực về thời gian và buộc phải kiến tạo các mục tiêu chiến lược trong tức thì, Biden đã làm khá tốt việc này. Câu hỏi cho những năm sắp tới là liệu ông có thể thực hiện chính sách của mình mà vẫn mở ra cơ hội cho các kịch bản tươi sáng hơn trong tương lai, dẫu biết đó là các viễn cảnh xa vời.
Biên dịch: Lê Dân
Về tác giả: Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư tại Đại học Harvard và là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông cũng là tác giả của cuốn sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (NXB Đại học Oxford, 2020).