Cộng hòa Hồi giáo Iran đã không thể dập tắt tình trạng bất ổn dân sự nổ ra cách đây ba tháng, sau khi Mahsa Amini qua đời sau khi bị giam giữ vì vi phạm quy tắc đội khăn trùm đầu. Trong khi chính quyền Iran hiện đã bãi bỏ cảnh sát đạo đức, những người biểu tình vẫn tiếp tục mở rộng yêu cầu của họ. Cùng tìm hiểu những khó khăn của Chính phủ Iran trong giải quyết vấn đề qua bài viết “Iran’s Conservative Tightrope” của Djavad Salehi-Isfahani đăng trên Project Syndicate.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra khắp Iran kể từ khi Mahsa Amini, 22 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cảnh sát đạo đức Iran giam giữ vào tháng 9 vẫn tiếp tục trong dịp World Cup. Trước trận thua 6-2 trước Anh vào tháng 11, đội tuyển Iran đã từ chối hát quốc ca của nước Cộng hòa Hồi giáo, cùng với đó là việc một số nhà hoạt động dự khán đã giơ cao các khẩu hiệu phản đối và la ó đội tuyển này vì đã không bỏ thi đấu nhằm thể hiện tình đoàn kết với hàng trăm thanh niên Iran đã bị sát hại trong mười tuần qua.
Bóng đá là môn thể thao yêu thích của Iran. Vì vậy, việc người Iran quay lưng lại với đội tuyển quốc gia của họ, đặc biệt là khi đội tuyển đã đứng đầu vòng loại châu Á, là minh chứng thể hiện rõ vết thương mà các cuộc biểu tình đã khắc sâu vào tâm hồn người dân Iran. Với việc phong trào phản đối và các cuộc biểu tình lan rộng từ Tehran đến các tỉnh khác, những người biểu tình đã tăng cường các yêu sách. Lời kêu gọi của người biểu tình về việc chấm dứt sự quấy rối của cảnh sát đạo đức nhanh chóng trở thành những lời kêu gọi “cái chết cho kẻ độc tài”, ám chỉ Lãnh tụ tối cao 83 tuổi Ayatollah Ali Khamenei.
Cuộc khủng hoảng này có vẻ như sẽ không đe dọa đến sự tồn vong của chế độ chính trị hiện nay tại Iran. Những người biểu tình không có đủ phương tiện để lật đổ chính phủ, và giới lãnh đạo của Iran không có dấu hiệu bị chia rẽ. May mắn thay cho chế độ, các kẻ thù bên ngoài đang giúp Chính phủ Iran đảm bảo sự đoàn kết của các phe phái khác nhau. Thái tử Saudi Arab Saudi Mohammed bin Salman và cựu Thủ tướng tương lai của Israel, Binyamin Netanyahu, cả hai nhân vật ủng hộ các cuộc biểu tình, có lẽ đều được coi là hai nhân vật bị chỉ trích nhiều nhất ở Iran. Đồng thời Mỹ có thành tích “không mấy sáng sủa” trong việc thúc đẩy các hoạt động thay đổi chế độ ở Afghanistan, Iraq, Libya và Syria, khi để lại những thất bại lớn hoặc sự mất ổn định sâu sắc.
Nhưng cuộc đàn áp khắc nghiệt của Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm vào người biểu tình đã cắt đứt mối quan hệ giữa chính phủ với nhiều thế hệ người Iran, không chỉ là với giới thanh niên. Thế hệ cha mẹ ở Iran phần lớn trung thành với cách mạng; khi còn trẻ, những người Iran trung niên đã tìm cách cải cách hệ thống từ bên trong hơn là tiến hành lật đổ. Thế hệ trung niên của Iran đã bầu ra những chính trị gia với mong muốn rằng họ sẽ không chỉ đem lại những lợi ích vật chất mà còn đảm bảo sự chấp nhận các lối sống và tư tưởng khác nhau.
Trong hai thập kỷ qua, các nhà cải cách ở Iran đã cố gắng làm cho nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trở nên khoan dung và chấp nhận hơn, tuy nhiên các nỗ lực trên đã không đem lại mấy kết quả khả quan. Cựu Tổng thống Mohammad Khatami, được bầu vào năm 1997, đã thúc đẩy các hoạt động “đối thoại giữa các nền văn minh” cho đến khi từ chức vào năm 2005. Tổng thống Hassan Rouhani, người nắm quyền từ năm 2013 đến năm 2021, đã hứa hẹn các chính sách xã hội ôn hòa hơn, cũng như hàn gắn quan hệ với phương Tây và chấm dứt các lệnh cấm vận kinh tế. Ngay cả cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, là người theo đường lối cứng rắn, được bầu vào năm 2005, sau đó đã “phản bội” bộ phận người ủng hộ với tư tưởng bảo thủ để áp dụng các đường lối cải cách của cá nhân. Ngay cả khi rời nhiệm sở vào năm 2013, cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tiếp tục vận động với mục tiêu tăng cường các quyền tự do cá nhân và bãi bỏ cảnh sát đạo đức (đã được chính quyền hiện nay thực hiện).
Vào năm 2021, những người theo đường lối cứng rắn thất vọng trước kết quả của chính quyền đã dàn dựng cuộc bầu cử để bổ nhiệm một giáo sĩ theo đường lối bảo thủ sâu sắc, đương kim Tổng thống Ebrahim Raisi, với nhiệm vụ chứng minh cho công chúng thấy những gì các nhà cách mạng Hồi giáo thực sự có thể mang lại. Những người theo đường lối cứng rắn hy vọng rằng một chính phủ thống nhất theo chủ nghĩa truyền thống sẽ mang lại sự thịnh vượng kinh tế trong nước và củng cố vị thế của Iran như một cường quốc khu vực, khiến người Iran quay lưng lại với các nỗ lực cải cách và hàn gắn quan hệ với phương Tây.
Khi các nỗ lực đảm bảo thịnh vượng không đem lại kết quả thực tế, những người theo đường lối cứng rắn đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các chính sách tự do của chính quyền trước và sự phụ thuộc quá mức vào thị trường toàn cầu là các nguyên nhân dẫn đến thất bại kinh tế của Iran. Một số người thậm chí còn cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không đạt được hiệu quả là nguyên nhân gây ra những căn bệnh kinh tế của đất nước. Tổng thống Ebrahim Raisi, đắc cử tổng thống chỉ với 18 triệu phiếu bầu (trong tổng số 59 triệu cử tri), thiếu quyền hạn và kinh nghiệm để thực hiện lời hứa về việc đạt được thỏa thuận với phương Tây, kiềm chế lạm phát và ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền Iran.
Do đó, những người theo đường lối bảo thủ ở Iran đã không chuẩn bị trước khi các cuộc biểu tình nổ ra. Căng thẳng giữa phụ nữ trẻ và chính quyền về việc buộc phải đeo khăn trùm đầu đã nổi lên trong nhiều năm, nhưng không nhận được sự chú ý của những người theo đường lối bảo thủ. Trên thực tế, những người theo đường lối cứng rắn đã thúc đẩy tăng cường giám sát phụ nữ tại các không gian công cộng kể từ năm 2019, trước khi Tổng thống Ebrahim Raisi được bầu. Nhiều người cho rằng đã cần phải đảo ngược việc thực thi lỏng lẻo luật khăn trùm đầu năm 1983 với nội dung chính là hình sự hóa trang phục của phụ nữ là “không theo đạo Hồi”. Tuy nhiên sự thật là luật trên không phù hợp với sự thay đổi của thời đại, dẫn đến các cuộc biểu tình chống khăn trùm đầu kéo dài ở các khu dân cư đô thị giàu có hơn của Iran. Điều này cũng chưa đủ để dấy lên các hồi chuông cảnh báo đối với Chính phủ Iran.
Điều mà Chính phủ Iran đã quên mất là xã hội Iran đã thay đổi kể từ năm 1983, khi hầu hết phụ nữ tự nguyện tuân thủ luật trùm đầu. Nhiều phụ nữ hồi đó sống cuộc sống rất khác; trung bình họ trải qua 6-8 lần mang thai, không tìm việc làm bên ngoài gia đình và không có trình độ học vấn cao. Các chính sách vì người nghèo của các nhà cách mạng Hồi giáo ban đầu đã cung cấp điện, nước sạch và các dịch vụ y tế cho các vùng nông thôn và thành thị nghèo, làm thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, ngày nay, phụ nữ ở Iran kết hôn ở độ tuổi từ giữa đến cuối tuổi hai mươi và có trung bình hai con. 38% phụ nữ Iran ở độ tuổi 20 đã tham gia học cao học so với 33% nam giới ở cùng độ tuổi. Đối với phụ nữ Iran, ý tưởng rằng họ có thể bị bắt và kéo đến trại cải tạo bởi công an đạo đức là không thể chấp nhận được.
Trên thực tế, Tổng thống Ebrahim Raisi, người đã hứa tạo ra một triệu việc làm và một triệu ngôi nhà mới mỗi năm trong nhiệm kỳ bốn năm của mình, chủ yếu đã tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng của mình. Nhưng trong năm đầu tiên cầm quyền, nền kinh tế Iran chỉ có thêm 374.000 việc làm mới. Hiện không có dữ liệu về số lượng ngôi nhà mới được xây dựng trong thời gian này, song có thể khẳng định rằng con số thực tế ít hơn nhiều so với một triệu.
Một thập kỷ thất bại về kinh tế càng làm tăng thêm sự tức giận trong giới trẻ Iran. Thanh niên Iran tốt nghiệp đại học trung bình phải đợi hơn 2,5 năm trước khi tìm được công việc đầu tiên. Vào năm 2021, gần một nửa số phụ nữ có trình độ đại học ở độ tuổi 20 và 1/4 số nam giới đồng trang lứa bị thất nghiệp. Hầu hết người Iran ở độ tuổi cuối 20 vẫn sống với cha mẹ, không đủ khả năng tài chính để lập gia đình riêng.
Trong nỗ lực dập tắt tình trạng bất ổn từ các cuộc biểu tình của nhân dân, các nhà chức trách có thể sẽ thấy việc bãi bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đem lại một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Với sự ủng hộ của Iran đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân dường như là điều không thể, cũng như triển vọng Iran sớm tái gia nhập nền kinh tế toàn cầu.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Djavad Salehi-Isfahani, GS. Kinh tế tại Đại học Công nghệ Virginia, là nghiên cứu viên tại Diễn đàn Nghiên cứu Kinh tế ở Cairo, thành viên Sáng kiến Trung Đông tại Trung tâm Belfer thuộc Harvard Kennedy School.