Sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Phillipines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. tới Trung Quốc từ 3/1-5/1/2023, hai bên dường như đã củng cố đáng kể “mối quan hệ ba tốt” là “láng giềng tốt, họ hàng tốt và đối tác tốt”, đồng thời mở ra một “thời kỳ hoàng kim” mới trong quan hệ Trung Quốc – Philippines.
Một số tiến bộ đạt được sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines
Nhận lời mời của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Phillipines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc kéo dài ba ngày từ 3/1-5/1/2023. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Marcos tới thăm Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức tân Tổng thống hồi tháng 6 năm 2022, và chuyến thăm này cũng là chuyến thăm đầu tiên tới một quốc gia ngoài ASEAN của ông. Tổng thống Marcos cũng là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón vào năm 2023. Những điều này đều thể hiện sự coi trọng của cả Trung Quốc và Philippines đối với quan hệ song phương. Trước đó, hai vị lãnh đạo quốc gia đã có lần gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Thái Lan vào tháng 11/2022. Tại đây, Chủ tịch Tập đã mời người đồng cấp Philippines thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Chiều 4/1, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đón tiếp ông Marcos và có cuộc hội đàm song phương về quan hệ hai nước, đồng thời, Tổng thống Marcos cũng đã hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước bất chấp sự khác biệt về điều kiện quốc gia, hệ thống chính trị, hai nước có những điểm chung trong mục tiêu phát triển của mình. Trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Marcos cho rằng Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Philippines, và không gì có thể ngăn cản tình hữu nghị và sự phát triển giữa Trung Quốc và Philippines. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đà phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương, nhất trí tăng cường hơn nữa mối quan hệ Hợp tác Chiến lược Toàn diện Trung Quốc-Philippines trong bối cảnh mới, thông qua hợp tác cùng có lợi, để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức lễ đón Tổng Thống Marcos tại Bắc Kinh (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ quốc gia tiếp tục viết một chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm, hai bên đã đặt nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng và sự kết nối của nhân dân hai nước là trụ cột cơ bản của hợp tác Trung Quốc – Philippines và Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ và cùng cộng tác với Philippines để thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực này. Sau cuộc hội đàm, hai nguyên thủ quốc gia đã chứng kiến việc ký kết các văn kiện hợp tác về các lĩnh vực này. 14 văn kiện hợp tác với nhiều lĩnh vực đã được ký kết với mục tiêu tăng cường mối quan hệ hợp tác Trung Quốc – Philippines.
Thứ nhất, về lĩnh vực nông nghiệp, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp, và hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận về nông nghiệp trong đó bao gồm: Kế hoạch hành động về hợp tác nông nghiệp và thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp Philippines (2023-2025), Giấy chứng nhận bàn giao của Trung tâm Chương trình Hợp tác Kỹ thuật – Công nghệ Nông nghiệp Trung Quốc – Philippines giai đoạn III và Nghị định thư thống nhất về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi của Philippines sang Trung Quốc.
Thứ hai, về cơ sở hạ tầng. Hai bên đã ký một Bản ghi nhớ cập nhật về Sáng kiến Vành đai và Con đường, Thỏa thuận tài trợ tín dụng cho các cây cầu bắc qua sông Pasig-Marikina và dự án xây dựng cầu chống lũ Manggahan, và Giấy chứng nhận bàn giao các dự án cơ sở hạ tầng Philippines do Trung Quốc tài trợ đã được hoàn thành (Cầu Binondo-Intramuros và Cầu Estrella-Pantaleon). Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác cơ sở hạ tầng với các dự án lớn như cầu đảo Davao-Samal, tìm hiểu các phương tiện để tăng cường hơn nữa hợp tác tại các địa điểm hai bên nhất trí, thúc đẩy phát triển kinh tế đổi mới sáng tạo và duy trì sự ổn định trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Chủ tịch Tập Cân Bình cũng đề xuất hai nước thúc đẩy hợp tác về cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng “mềm” bao gồm viễn thông, dữ liệu lớn (Big Data) và thương mại điện tử để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội tổng thể của Philippines.
Thứ ba, về hợp tác năng lượng, hai bên nhất trí ghi nhớ tinh thần của Bản ghi nhớ hợp tác phát triển dầu khí giữa Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Philippines ký năm 2018 (được đàm phán dưới thời tổng thống Duterte, tuy nhiên ông Duterte đã tuyên bố chấm dứt các cuộc đàm phán này ngay trước thời điểm hết nhiệm kỳ[1]), đồng thời sớm nhất trí nối lại các cuộc thảo luận về phát triển dầu khí, dựa trên kết quả của các cuộc hội đàm trước đó, nhằm mang lại lợi ích cho hai nước. Hai bên cũng nhất trí tìm hiểu hợp tác trong các lĩnh vực như điện mặt trời, năng lượng gió, xe điện và năng lượng hạt nhân để sản xuất điện.
Thứ tư, cả hai bên đều thừa nhận rằng giao lưu nhân dân là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai quốc gia. Hai nước hoan nghênh Chương trình thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác du lịch Trung Quốc – Philipines (2023-2028) và cam kết theo đuổi mức độ khách du lịch trước đại dịch, cũng như các chuyến bay trực tiếp giữa Trung Quốc và Philippines, đặc biệt là Bắc Kinh và Manila. Ngoài ra, phía Philippines và Trung Quốc còn bàn giải pháp tăng cường hợp tác giáo dục, cụ thể là tăng học bổng cho sinh viên Philippines, công nhận lẫn nhau về bằng cấp, đẩy mạnh dạy tiếng Trung và thành lập thêm Viện Khổng Tử ở Philippines…
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi sâu sắc và thẳng thắn về tình hình ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng các vấn đề hàng hải không bị ảnh hưởng bởi quan hệ giữa hai nước và nhất trí giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực và quyền tự do hàng hải trong và ngoài biển Đông, đồng thời đạt được sự đồng thuận về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai nước đã ký với nhau một thỏa thuận thiết lập cơ chế liên lạc về các vấn đề hàng hải giữa hai bộ ngoại giao.
Cuối cùng, hai nước nhấn mạnh việc thúc đẩy thương mại song phương cân bằng hơn bằng cách tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Philippines vào thị trường Trung Quốc. Cuộc hội đàm cũng đã chứng kiến việc ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa Tổng cục Hải Quan hai nước. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại bền vững giữa song phương và toàn khu vực, và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số và phát triển xanh. Hai bên cũng hoan nghênh việc cập nhật Bản ghi nhớ giữa Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và Sở giao dịch chứng khoán Philippines, mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác thị trường vốn giữa hai nước. Hiệp định khung về việc Trung Quốc cung cấp khoản vay ưu đãi cho Philippines cũng đã được ký kết trong khuôn khổ cuộc hội đàm.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã có những sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2018, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Trong những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Philippines đã tăng gấp ba lần, thương mại song phương đã tăng gấp đôi về khối lượng. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc-Philippines đạt 38,34 tỷ USD và trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Philippines đạt 80,4 tỷ USD[2]. Trung Quốc cũng chính là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong 6 năm liên tiếp với tư cách là nhà xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu lớn thứ hai của Philippines. Tổng thống Marcos cũng đã bày tỏ sự đánh giá cao những giúp đỡ của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ quốc gia đã củng cố đáng kể “mối quan hệ ba tốt” giữa hai nước là “láng giềng tốt, họ hàng tốt và đối tác tốt”, đồng thời giúp mở ra một “kỷ nguyên vàng” mới trong quan hệ Trung Quốc – Philippines.
Cuộc Hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Marcos tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 04/01/2023 (Ảnh: Bộ Ngoại Giao Trung Quốc)
Biển Đông – Vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước
Vấn đề Biển Đông là một chủ đề quan trọng không thể tránh khỏi giữa Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc và Philippines đã có những tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông, thực sự đã dẫn đến căng thẳng giữa các tàu trên biển và xung đột chính trị không thường xuyên.
Biển Đông là khu vực biển có vị trí địa chiến lược quan trọng, là một tuyến đường vận chuyển thương mại thế giới quan trọng với khoảng 5 nghìn tỷ đô hàng hóa được vận chuyển qua mỗi năm. Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu phi pháp đối với khoảng 90% khu vực trên Biển Đông, nơi mà các quốc gia Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền. Năm 2016, Trọng tài quốc tế PCA (Permanent Court of Arbitration – Trọng tài Thường trực The Haye) đã ra phán quyết “các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biên xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982”, tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này. Hành động này đã khiến mối quan hệ Trung Quốc – Philippines xấu đi.
Người tiền nhiệm của ông Marcos, Tổng thống Duterte đã có nhiều nỗ lực để hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc, thông qua việc thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc với năm cuộc tham vấn song phương từ năm 2017 đến 2019, đặt nền móng cho sự tin tưởng lẫn nhau và sự phát triển trong tương lai giữa hai bên. Về mặt quân sự, Mỹ vẫn là đồng minh quốc phòng của Philippines, nhưng ông Duterte đã ưu tiên việc hợp tác với Trung Quốc và tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền sang một bên. Kế nhiệm ông Duterte, Tổng thống Marcos cũng chia sẻ tại buổi hội đàm rằng Philippines sẽ luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, không không chọn phe hay ủng hộ bên nào, hàm ý nói đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại cuộc hội đàm lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chia sẻ Trung Quốc sẵn sàng làm việc về các tranh chấp hàng hải thông qua các cuộc tham vấn hòa bình với Philippines, nối lại các cuộc đàm phán về việc hợp tác phát triển và khai thác dầu khí tại các khu vực không tranh chấp và thực hiện hợp tác về năng lượng tái tạo. Tổng thống Marcos cũng khẳng định Philippines sẵn sàng khai thác tiềm năng với Trung Quốc, tiếp tục làm phong phú thêm ý nghĩa của quan hệ song phương và làm sâu sắc hơn hợp tác trong các lĩnh vực. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với Philippines và các nước ASEAN khác để phát triển và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực và thế giới. Ông Marcos cũng bày tỏ sẵn sàng liên lạc thường xuyên với Chủ tịch Tập và hợp tác chặt chẽ hơn trên tất cả các mặt trận để mở ra một chương mới trong mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Philippines-Trung Quốc, giải quyết tốt hơn những thách thức và vấn đề chung mà hai nước đang phải đối mặt, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước và đóng góp vào việc thiết lập khu vực như một động lực chính của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, những vấn đề mà hai vị nguyên thủ quốc gia đề cập đến trong cuộc hội đàm chỉ mới tập trung vào việc hợp tác hàng hải và chưa có bước đột phá nào trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển giữa hai nước. Tuyên bố chung Trung Quốc – Philippines sau chuyến thăm lần này đã khẳng định cơ sở giải quyết hòa bình các tranh chấp là DOC, thay vì nói chung chung là “các nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi” như trước đây. Đây là một điều tích cực, khi đã xác định rõ hơn về khung pháp lý, tuy nhiên, vẫn chưa có sự đề cập đến phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 cũng như hoạt động khai thác thủy hải sản trên Biển Đông. Trong khi đó, Philippines vẫn luôn phải thường xuyên đệ trình kêu gọi phía Trung Quốc dừng các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Thêm vào đó, năm 2021, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép Cảnh sát biển sử dụng vũ khí cần thiết để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài trên biển. Có thể thấy, mặc dù cả hai bên đều phát biểu coi trọng hòa bình và ổn định trong khu vực, những điều mà Trung Quốc làm có thể coi là không thống nhất với lời nói. Ông Renato Cruz De Castro, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học De La Salle Philippines, cho rằng Trung Quốc sẽ không thể nào thay đổi lập trường của họ trên Biển Đông và mục tiêu của Trung Quốc là buộc Philippines phải chấp nhận các sự kiện đã trở thành sự thật, đó là các hoạt động của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.
Hàm ý đối với Việt Nam
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philipines có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á, nhất là trên Biển Đông. Những hành động của đôi bên hay đơn phương đều có thể làm phức tạp tình hình Biển Đông và có thể xâm phạm đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Do đó, đi đôi với hợp tác, Việt Nam cũng phải luôn luôn đấu tranh vì chủ quyền của quốc gia. Việt Nam phải luôn giữ vững lập trường và chính sách ngoại giao về vấn đề Biển Đông và khu vực Đông Nam Á là “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông và Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động này”.
Bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Ảnh: Đài truyền hình Việt Nam)
Cùng với đó, Việt Nam cần phải nhanh nhạy năm bắt tình hình, nhận định những chuyển biến trong mối quan hệ giữa các quốc gia để tìm ra đối sách phản ứng, không để Việt Nam đứng sau sự thỏa hiệp của họ, cũng không được thỏa hiệp với họ, phải kiên trì với mục tiêu của quốc gia.
Việt Nam cũng nên rút kinh nghiệm từ bài học của Philippines khi đứng giữa hai quốc gia siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Với tư cách là đồng minh của Mỹ, trước đây, Philippines thường chịu ảnh hưởng từ phía Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, kết quả là hiện tại Phillipines đang phải cố gắng cân bằng mối quan hệ với hai quốc gia này. Việt Nam cần giữ vững quan điểm, và duy trì trạng thái cân bằng, trung lập, tự chủ trong quan hệ hợp tác với các nước khác.
Ngoài ra, Viêt Nam cần tích cực thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam có tiếng nói hơn trong các vấn đề tranh luận, đàm phán với các quốc gia khác hay về Biển Đông, hạn chế bị thiệt về mình.
Tác giả: Thi Thi
Tài liệu tham khảo
1. Bích Thuận (2023), Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán về khai thác dầu khí, Báo VOV
2. 秦建文 (2023), 菲律宾总统访华,有哪些重要看点?, 深圳卫视直
3. Xinhuanet, Xinhua Headlines: China, Philippines cement ties in new year
4. Xinhuanet, Full text: Joint Statement between the People’s Republic of China and the Republic of the Philippines
5. Xinhuanet, Xiplomacy: China, Philippines usher in “new golden era” in relations
6. Bejoy Sebastian, Manila’s new bonhomie with Beijing does not obscure the contested geopolitical realities of the South China Sea, Modern Diplomacy
7. T.S Trần Công Trục, Tìm hiểu vụ Philippines kiện Trung Quốc và Phán quyết của PCA, VOV
8. Duy Tiến, Việt Nam lên tiếng về chính sách của các nước tại Biển Đông, Báo Công An Nhân Dân
9. 菲律宾总统访华将谈及南海主权争端, 德新社