Để thể hiện mình là một bên trung lập và là một cường quốc có trách nhiệm, có khả năng giúp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài một năm qua, ngày 24.02.23, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố “Văn kiện lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” bao gồm 12 điểm, kêu gọi chấm dứt chiến sự, bảo vệ các nhà máy hạt nhân, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương mà không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua.
Văn kiện lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine bao gồm những điểm chính sau:
(1) Tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước. Luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó bao gồm các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần phải được duy trì. Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế. Tất cả các bên nên cùng nhau duy trì các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế và bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế. Cần thúc đẩy việc áp dụng bình đẳng và thống nhất luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ các tiêu chuẩn kép.
(2) Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh. An ninh của một quốc gia không thể dựa vào việc gây tổn hại cho quốc gia khác. Việc đảm bảo an ninh của một khu vực không thể dựa vào việc củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia cần phải được coi trọng và giải quyết thỏa đáng. Không có giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Tất cả các bên cần giúp tạo nên một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, tuân theo tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời lưu ý đến hòa bình và ổn định lâu dài của thế giới. Tất cả các bên nên phản đối việc theo đuổi an ninh của một quốc gia với cái giá phải trả là an ninh của quốc gia khác, ngăn chặn đối đầu giữa các khối và cùng nhau hợp tác vì hòa bình và ổn định trên Lục địa Á-Âu.
(3) Chấm dứt sự thù địch. Xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho bên nào. Tất cả các bên phải duy trì lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa chiến tranh và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng nhanh càng tốt, để dần dần hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.
(4) Nối lại hòa đàm. Đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tất cả những nỗ lực có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình cần phải được khuyến khích và hỗ trợ. Cộng đồng quốc tế nên cam kết thực hiện cách tiếp cận đúng đắn trong việc thúc đẩy đàm phán vì hòa bình, giúp đỡ các bên xung đột mở ra cánh cửa cho một giải pháp chính trị càng sớm càng tốt, đồng thời tạo điều kiện và nền tảng cho việc nối lại đàm phán. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này.
(5) Giải quyết khủng hoảng nhân đạo. Tất cả các biện pháp có lợi để giảm bớt khủng hoảng nhân đạo phải được khuyến khích và hỗ trợ. Các hoạt động nhân đạo phải tuân theo các nguyên tắc trung lập và không thiên vị, và các vấn đề nhân đạo không nên bị chính trị hóa. Sự an toàn của dân thường phải được bảo vệ một cách hiệu quả và các hành lang nhân đạo phải được thiết lập để sơ tán dân thường khỏi các vùng xung đột. Cần có những nỗ lực để tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực liên quan, cải thiện các điều kiện nhân đạo và cung cấp khả năng tiếp cận nhân đạo nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên quy mô lớn hơn. LHQ cần được hỗ trợ trong việc đóng vai trò điều phối trong công tác chuyển viện trợ nhân đạo tới các khu vực xung đột.
(6) Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh (POW). Các bên trong cuộc xung đột nên tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, tránh tấn công dân thường hoặc các cơ sở dân sự, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân khác trong cuộc xung đột, đồng thời tôn trọng các quyền cơ bản của tù binh chiến tranh. Trung Quốc ủng hộ việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mục đích này.
(7) Bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc phản đối các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân hoặc các cơ sở hạt nhân hòa bình khác, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước về An toàn Hạt nhân (CNS) và kiên quyết tránh các tai nạn hạt nhân do con người gây ra. Trung Quốc ủng hộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân vì mục đích hòa bình.
(8) Giảm thiểu rủi ro chiến lược. Các bên không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Cần phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cần ngăn chặn phổ biến hạt nhân và tránh khủng hoảng hạt nhân. Trung Quốc phản đối việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của mọi quốc gia trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
(9) Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Tất cả các bên cần thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ ký kết một cách đầy đủ, hiệu quả và cân bằng, đồng thời ủng hộ LHQ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Sáng kiến hợp tác về an ninh lương thực toàn cầu do Trung Quốc đề xuất cung cấp một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
(10) Chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương. Các biện pháp trừng phạt đơn phương và gây áp lực tối đa không giải quyết được vấn đề này; mà chúng chỉ gây ra những vấn đề mới. Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương chưa được Hội đồng Bảo an LHQ chuẩn thuận. Các quốc gia hữu quan cần ngừng lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và “quyền tài phán trị ngoại” nhằm vào các quốc gia khác, để góp phần làm dịu cuộc khủng hoảng Ukraine và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân.
(11) Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp. Tất cả các bên nên nghiêm túc duy trì hệ thống kinh tế thế giới hiện tại và phản đối việc sử dụng nền kinh tế thế giới như một công cụ hoặc vũ khí phục vụ những mục đích chính trị. Cần có những nỗ lực chung để giảm thiểu tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng và ngăn chặn nó làm gián đoạn hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, thương mại lương thực và vận tải cũng như làm tổn hại sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
(12) Thúc đẩy tái thiết sau xung đột. Cộng đồng quốc tế cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái thiết sau xung đột tại các khu vực xung đột. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực này.
*****
Căn cứ vào nội dung của tài liệu này, có thể đưa ra một số nhận định, đánh giá ban đầu như sau:
– Một là, Kế hoạch này là một nỗ lực nhằm định hình kết quả của cuộc chiến theo hướng có lợi cho Bắc Kinh và đưa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành một chính khách toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như có rất ít cơ hội thành công do Ukraine đã tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi Nga phải chấp thuận “trả lại” những khu vực đã sáp nhập, kể cả Bán đảo Crimea, trong khi đó, giới lãnh đạo Nga cũng không có dấu hiệu dừng các cuộc tấn công cho đến khi đạt được các mục tiêu đã đề ra
– Hai là, Ukraine và các quốc gia khác khó có thể coi Trung Quốc là một bên trung gian hòa giải “không thiên vị” để chấm dứt cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định trong chuyến đi tới Nga ngày 22 tháng 2 vừa qua rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga “vững như bàn thạch và có thể vượt qua những thách thức quốc tế”.
– Ba là, tham vọng trở thành trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga – Ukraine không phải là lần đầu tiên được đưa ra. Trước đây, từ thời điểm khi Nga chưa mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành nhiều nỗ lực ngoại giao con thoi với Nga lẫn Ukraine và Mỹ để tìm kiếm tiếng nói chung và ngăn xung đột xảy ra. Nỗ lực này được ông Macron duy trì nhiều tuần sau khi chiến sự bùng phát vào tháng 02.2022, song cuối cùng không mang lại kết quả cụ thể. Pháp sau đó tham gia liên minh phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quan hệ tốt với cả Nga lẫn Ukraine, trong một năm qua cũng nhiều lần giữ vai trò trung gian đối thoại nhằm giúp Nga và Ukraine tìm tiếng nói chung giải quyết xung đột. Lần đầu tiên ngoại trưởng Nga và Ukraine chấp nhận trao đổi trực tiếp sau khi chiến sự bùng phát là tại Antalya, bên lề một hội thảo an ninh khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn Nga – Ukraine cũng đã ngồi vào bàn thương lượng tại thành phố Istanbul/Thổ Nhĩ Kỳ, song đàm phán đổ vỡ khi chiến sự tăng nhiệt. Thành quả lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được trong vai trò trung gian hòa giải là thỏa thuận đảm bảo an toàn cho tàu chở ngũ cốc đi qua Biển Đen. Bởi vậy, sau khi thông tin được ông Vương Nghị công bố, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ về ý tưởng “kiến tạo hòa bình” của Trung Quốc có khả năng đạt được hiệu quả hơn nỗ lực của châu Âu hay không.
– Bốn là, nhiều khả năng, việc Trung Quốc công bố Kế hoạch này chỉ nhằm mục tiêu thể hiện Trung Quốc là một cường quốc thế giới luôn ủng hộ hòa bình và nước này muốn giảm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Do đó, trong tương lai, mặc dù việc thực thi kế hoạch này sẽ khó thành công nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục quảng bá về khả năng đóng vai trò làm trung gian hòa giải xung đột và kiềm chế Nga để xoa dịu phương Tây, định hình một môi trường thuận lợi hơn cho Trung Quốc trong tương lai.
Tổng hợp và phân tích: Đức Minh