Hiện nay, quan hệ giữa Singapore với Trung Quốc và Mỹ cùng lúc gia tăng căng thẳng liên quan đến mong muốn của các bên nhằm thay đổi hành vi chính trị của đối tác để đạt được lợi ích địa – chính trị, kinh tế cho mình. Trong một thời gian dài quốc đảo Singapore có những mối quan hệ phụ thuộc, tích cực phát triển hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh và Washington, hoàn toàn không thể chấp nhận được một kiểu tự chủ như vậy ở trong phạm vi ảnh hưởng của họ, khi mà cạnh tranh Mỹ-Trung đã bên bờ vực của sự đối đầu. Việc tăng cường áp lực từ bất kỳ bên nào và sự trả đũa có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Căng thẳng khởi đầu hay đã sục sôi?
Điểm khởi phát cho sự căng thẳng là sự kiện vào tháng 11/2016, khi chính quyền Trung Quốc tịch thu 9 xe bọc thép mà Singapore cố gắng vận chuyển qua cảng Hồng Kông để tham gia tập trận ở đảo Đài Loan. Đồng thời, Bắc Kinh thẳng thừng yêu cầu các đối tác nước ngoài không được phép trao đổi chính thức với chính quyền Đài Bắc, bao gồm việc hợp tác quân sự dưới mọi hình thức. Hành động này không gì hơn ngoài việc bày tỏ sự thất vọng trong quan hệ với Singapore – quốc gia đang có vị thế chính trị quá độc lập và chỉ chạy theo các lợi ích kinh tế thực dụng.
Sáng kiến Vành đai và Con đường do giới lãnh đạo Trung Quốc khởi xướng hiện đã được giới doanh nghiệp Singapore đón nhận tích cực – những cơ hội mới đã xuất hiện để khai phá tiềm năng của quốc đảo như một trung tâm hậu cần, tài chính và công nghệ nằm ở giao lộ của các tuyến giao thông huyết mạch. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần ghi nhận vai trò đặc biệt của Singapore trong việc thực hiện sáng kiến nhờ các yếu tố lịch sử hợp tác thành công, cộng đồng dân tộc và văn hóa.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Singapore trong ba năm qua ở mức 120 tỷ USD với thặng dư 10-12% nghiêng về Singapore. Khoảng một phần tư tất cả các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia nơi các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đang được triển khai đều được thực hiện với sự tham gia của các đối tác Singapore – ngân hàng, quỹ, tư vấn, ban giám định, công ty vận tải, giải pháp công nghệ được sử dụng tích cực. Thị trường Trung Quốc chiếm ít nhất 1/3 tổng số vốn đầu tư nước ngoài của công ty lớn nhất Singapore “Temasek”.
Các mối quan hệ của cộng đồng Hoa kiều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó tỉnh Quảng Đông đóng vai trò then chốt. Đây là nguồn cuội của một số lượng đáng kể công dân Singapore gốc Hoa. Hiện nay, trên quốc đảo này đã có hơn 600 “quỹ gia đình” và người dân Trung Quốc đã mở hơn 500 công ty khác nhau chỉ riêng trong năm 2022.
Một sáng kiến thú vị đang được triển khai là hợp tác ở cấp chính quyền địa phương của Singapore với Tô Châu, Thiên Tân, Trùng Khánh và “thành phố tri thức” đổi mới Quảng Châu. Cũng cần lưu ý đến vị thế độc lập của các doanh nghiệp địa phương trong bối cảnh Mỹ hạn chế các nhà sản xuất vi mạch Trung Quốc. Singapore dự định giữ lại ít nhất 5% thị trường tấm bán dẫn thế giới và quyền tự do lựa chọn đối tác.
Tháng 4 năm 2019, Tập Cận Bình đã tiếp đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đại lễ đường Nhân dân. Các nhà lãnh đạo đã ký 5 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại, triển khai các dự án chung và cải thiện khuôn khổ pháp lý về hợp tác. Các công ty tài chính của Singapore đã đóng góp 500 triệu USD vào Quỹ Con đường Tơ lụa để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Thành phố Sư tử cực kỳ quan tâm đến vốn Trung Quốc và khả năng tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc. Thị trường này có tầm quan trọng kinh tế lớn vì số lượng tàu Trung Quốc phục vụ tại cảng tăng và họ sử dụng dịch vụ của các công ty dịch vụ và hậu cần tăng theo.
Sư tử con không trở thành thủ lĩnh
Các kế hoạch quy mô lớn nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và các phương pháp triển khai kiên trì đang dần khiến giới lãnh đạo Singapore nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích quốc gia. Trở lại năm 2004, Bắc Kinh đã đưa ra một giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan ở eo biển Malacca, đó là tăng cường kiểm soát đối với khu vực này do việc mở rộng phạm vi trách nhiệm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Một phần trong đó là kế hoạch thành lập các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo và được củng cố ở Biển Đông, cũng như đảm bảo lực lượng Không quân và Hải quân tuần tra liên tục các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với Bắc Kinh. Hiện nay có thể thấy rằng chương trình này gần như đã được thực hiện hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các nhà chức trách Singapore lo ngại, vì hoạt động quân sự của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự thịnh vượng của “thành phố sư tử”, khiến các đối tác nước ngoài khác sợ hãi. Tại lối vào eo biển Malacca đã nhiều lần phát hiện các tàu ngầm của Trung Quốc đang tiến hành bí mật giám sát hoạt động hàng hải. Có khả năng Bắc Kinh sẽ sớm đưa vào giai đoạn thực hiện và ý định tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương thông qua việc thành lập một số căn cứ ở nước ngoài.
Về vấn đề này, Singapore đang thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ, duy trì quyền kiểm soát lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Tình trạng ngân sách của đất nước cho phép trang bị cho lực lượng vũ trang các thiết bị quân sự tiên tiến. Không quân Singapore có hơn 100 tiêm kích biến thể nâng cấp các loại F-15 và F-16. Từ năm 2030, máy bay chiến đấu đa năng hiện đại F-35 cũng được lên kế hoạch. Hải quân Singapore có hai tàu ngầm do Thụy Điển chế tạo đã được tân trang toàn diện. Người ta cũng kỳ vọng các tàu ngầm đề án 219 đặt hàng từ Đức đi vào hoạt động sẽ không thua kém các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới. Các đơn vị của hệ thống chỉ huy và kiểm soát tích hợp của lực lượng vũ trang là sáu khinh hạm lớp “Formidable”. Mỗi tàu có khả năng kiểm soát một khu vực rộng với bán kính 200 hải lý, các hệ thống điều khiển chiến đấu trên tàu cung cấp một bức tranh thông tin đầy đủ về những gì đang xảy ra trong vùng biển và vùng trời rộng lớn, giúp giảm đáng kể thời gian ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, lực lượng vũ trang Singapore có khả năng bảo vệ hiệu quả lãnh thổ quốc gia cũng như triển khai lực lượng trên một khoảng cách xa, sử dụng máy bay tiếp dầu, hệ thống phát hiện và kiểm soát, các đơn vị đổ bộ. Mặc dù vậy, quân đội Singapore hiểu rằng trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn trong khu vực, họ sẽ không tồn tại được lâu, bất kể họ đứng về bên nào.
Cho đến nay, tiềm lực quân sự của Singapore có sự hỗ trợ đáng kể từ Washington. Kể từ năm 2013, các tàu chiến của Mỹ ở vùng duyên hải đã được triển khai luân phiên tại căn cứ hải quân Changi. Từ năm 2015, máy bay chống ngầm P-8 của Hải quân Mỹ đã thực hiện các chuyến bay tuần tra từ căn cứ không quân Paya Lebar. Căn cứ này cũng được người Mỹ tích cực sử dụng làm điểm trung chuyển. Ngoài ra, một trong những cầu tàu lớn nhất Đông Nam Á đã được xây dựng ở nước này, có khả năng tiếp nhận tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Mỹ. Quân đội Singapore thường xuyên được huấn luyện lại tại Mỹ, đồng thời tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ và đồng minh, bao gồm “RIMPAC” và “Malabar”.
Tuy nhiên, họ cũng không từ chối các cuộc diễn tập chung với quân đội Trung Quốc. Vào tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Huang Yonghong tuyên bố nối lại các chương trình trao đổi và huấn luyện với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sau hai năm tạm dừng do đại dịch COVID-19.
Tính linh hoạt là biểu hiện mới của phương cách sinh tồn
Trung Quốc đang kiềm chế gây áp lực quân sự trực tiếp lên Singapore vì không muốn leo thang căng thẳng. Trên thực tế, Bắc Kinh có thể đạt được các mục tiêu một cách hiệu quả mà không cần sử dụng vũ lực hoặc đe dọa. Trong đó, đối với việc cung cấp nguyên liệu thô và thành phẩm, các tuyến đường vận chuyển thay thế đi qua eo biển Malacca ngày càng được sử dụng nhiều hơn, ví dụ như qua Trung Á, Đông Dương và Nga. Các cảng mới của Trung Quốc xung quanh Thượng Hải và Quảng Châu đang dần đảm nhận một lượng đáng kể việc xử lý hàng hóa khiến lợi nhuận của các công ty Singapore bị tước đoạt. Ngoài ra, việc triển khai khái niệm “Made in China 2025” dẫn đến việc giảm mua các sản phẩm công nghệ cao của Singapore do các đối tác Trung Quốc xâm chiếm thị phần quốc tế. Tác động tiêu cực lên nền kinh tế – trung tâm tài chính Đông Nam Á còn phải kể đến các sự kiện ở Hồng Kông, nơi chiếm 7% kim ngạch thương mại của Singapore. Đại dịch cũng góp phần tiêu cực – vì lý do kiểm dịch, các tàu buôn của các công ty từ Trung Quốc, nếu có thể, đã tránh vào “thành phố sư tử”.
Trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng blog Trung Quốc thường chỉ trích quá trình phát triển quan hệ với Washington của Singapore, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh chính trị – quân sự. Ngoài ra, chế độ ưu đãi của quan hệ đối tác Singapore – Đài Loan hoàn toàn không vừa ý Trung Quốc. Chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng ngăn cản các kế hoạch của Mỹ nhằm sử dụng quốc đảo này như một trong những thành trì của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và tạo ra các trở ngại cho Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Tuy nhiên, mức độ mà các biện pháp đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và cuộc sống hàng ngày của người dân Singapore ra sao phụ thuộc vào sự thận trọng và độ kiên quyết của ban lãnh đạo được bầu.
Như Lý Hiển Long đã nhắc nhở trong cuộc gặp với Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bangkok vào tháng 11 năm 2022, “Sự tăng trưởng của Trung Quốc về nguyên tắc là không thể ngăn cản, nhưng nếu quan hệ hữu nghị được duy trì, nó sẽ mang lại sự phát triển và thịnh vượng cho bất kỳ quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.” Có lẽ, nếu các nhà chức trách Singapore quản lý một cách thận trọng và không tham lam, sự hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho tất cả.
Biên dịch: Mai Nguyễn Bảo Trâm
Về tác giả: Andrey Gubin là Phó Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Liên bang Viễn Đông/Nga, Phó Giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á của Đại học Cát Lâm/Trung Quốc, Chuyên gia Hội đồng Đối ngoại Nga.