BBT – Quan hệ Mỹ – Trung Quốc sau “chiến tranh thương mại” tiếp tục bước vào một giai đoạn cạnh tranh chiến lược mới với nhiều biến số phức tạp. Việc nhận diện và đánh giá một cách đầy đủ các chiều hướng vận động của những biến số này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những dự báo khoa học cho mối quan hệ quan trọng hàng đầu của hệ thống quốc tế đương đại. Những biến số – hay cụ thể là những rủi ro nào sẽ định hình quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới sẽ được hé mở phần nào qua bài viết dưới đây của tác giả An Gang.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong thập kỷ qua về tổng thể ngày càng xấu đi và rơi vào vòng xoáy đối đầu, căng thẳng không có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã trở thành một xu hướng áp đảo trong quan hệ giữa hai cường quốc và dường như không thể đảo ngược trong tương lai gần.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại chính sách của chính quyền ông là tìm kiếm “cạnh tranh có quản lý với Trung Quốc”. Gần đây, Mỹ, với sự hỗ trợ của các đồng minh, đã đẩy mạnh nỗ lực “phong tỏa” Trung Quốc – chẳng hạn, trong các ngành công nghệ cao như vi mạch và máy in thạch bản. Mỹ cũng đã bắt đầu thiết lập một mạng lưới liên minh mua sắm các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng và đang tăng cường chuẩn bị toàn diện, bao gồm cả các lựa chọn quân sự, trong trường hợp có thể xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan.
Để ngăn chặn mối quan hệ Trung-Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra những hậu quả tai hại, cả hai bên đã tăng số lượng các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao sau sự đồng thuận đạt được trong cuộc gặp hồi tháng 11 năm 2022 giữa nguyên thủ hai nước tại Bali/Indonesia. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khoảng thời gian để ổn định và giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, một trở ngại bất ngờ nảy sinh khi sự cố khinh khí cầu làm gián đoạn tốc độ liên lạc ngoại giao cấp cao. Chuyến thăm được đề xuất tới Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã bị hoãn lại – mặc dù Blinken bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc càng sớm càng tốt. Nhưng với một đợt tấn công quân sự mới dự kiến sẽ được tiến hành ở Ukraine vào mùa Xuân này và cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có các chương trình nghị sự quan trọng trong nước cần giải quyết, có thể khó tìm được một cơ hội khác để dời lại chuyến thăm trước mùa Hè.
Cuộc nói chuyện không chính thức của Blinken với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, ở Munich/Đức, đã cố gắng giữ cho các kênh liên lạc song phương luôn cởi mở. Những mối quan tâm lẫn nhau đã được trao đổi, nhưng cả hai bên vẫn giữ vững quan điểm của mình. Dường như, không có sự hiểu biết lẫn nhau nào đã đạt được giữa hai bên. Theo đó, trong ngắn hạn, có rất ít khả năng xảy ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể hoặc cải thiện bền vững nào trong quan hệ Trung Quốc-Mỹ. Tệ hơn nữa, họ có khả năng phải đối mặt với những rủi ro lớn, do những cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt xuất hiện từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Rủi ro lớn nhất là khả năng leo thang căng thẳng của tình hình vốn đã xấu đi ở eo biển Đài Loan. Kevin McCarthy, Chủ tịch mới được bầu của Hạ viện Mỹ, đã báo hiệu rằng, nhiệm vụ đầu tiên của ông là đến thăm Đài Loan. Đã có những báo cáo gần đây rằng, ông này có thể sẽ đến thăm vào tháng Ba hoặc tháng Tư năm nay. Sự cố khinh khí cầu đã tạm thời làm giảm bớt nguy cơ này và chính McCarthy đã tuyên bố khi trả lời các phóng viên rằng, ông hiện không có kế hoạch đến thăm Đài Loan. Mặc dù vậy, điều này không nhất thiết đảm bảo rằng, chuyến thăm đã bị hủy bỏ. Nó vẫn có thể được lên kế hoạch cho cuối năm nay. Nếu điều này xảy ra, liệu mối quan hệ mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ – và tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan – có thể chịu được một cơn bão khác?
Đằng sau vấn đề về chuyến thăm Đài Loan có thể mang tính khiêu khích của nghị sĩ cấp cao Mỹ này là xu hướng quân sự hóa ngày càng tăng trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Chính phủ Mỹ cho rằng, Trung Quốc đại lục đã có thời gian biểu cho việc thống nhất. Điều này nhằm giải thích những nỗ lực ngày càng tăng của họ nhằm tập hợp các nguồn lực quân sự và các đồng minh theo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan. Giả định khiêu khích này đã dẫn đến các cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề an ninh và ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục thử thách giới hạn của Trung Quốc bằng cách thường xuyên bán vũ khí cho Đài Loan, ban hành luật liên quan đến Đài Loan, gửi các phái đoàn quốc hội đến đó và giúp Đài Loan mở rộng sự hiện diện quốc tế.
Bất chấp những hành động khiêu khích này, chính quyền Biden đã không thực hiện bất kỳ biện pháp thực chất nào để hạn chế các hoạt động này, làm xói mòn dần các nguyên tắc cốt lõi của chính sách “một Trung Quốc”. Cùng với luận điệu “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai” lan truyền trong cộng đồng quốc tế, có vẻ như Mỹ đang tự mình đẩy Trung Quốc vào bẫy chiến tranh.
Rủi ro lớn thứ hai là khả năng xảy ra các vụ va chạm, đánh chìm tàu thuyền và bắn hạ máy bay quân sự khi tần suất chúng tiếp cận nhau ngày càng tăng. Bất kể sự cố khinh khí cầu cuối cùng được giải thích như thế nào, và bất kể những nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng ra sao, thì các cuộc chạm trán sắp xảy ra giữa thiết bị giám sát ngoài khơi và tầm cao sẽ tiếp tục là biểu hiện chung của căng thẳng chiến lược trong quan hệ Trung Quốc-Mỹ.
Điều này sẽ liên quan đến các cuộc đối đầu chiến lược đa chiều ở độ cao lớn, cũng như trên/ dưới nước và trong không gian mạng. So với việc Mỹ triển khai tàu và máy bay để tiến hành các nhiệm vụ do thám áp sát Trung Quốc, những cuộc đối đầu như vậy sẽ phức tạp hơn và khó điều chỉnh hơn, có khả năng dẫn đến một chu kỳ các biện pháp đối phó leo thang. Sau sự cố khinh khí cầu, Hải quân Mỹ ngay lập tức tiến hành một đợt tập trận chung mới với các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương. Hơn nữa, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã dành nhiều thời gian hơn để tuần tra trong khu vực.
Tình hình đang thay đổi đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ phải quản lý tốt hơn sự đối đầu quân sự của họ bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, trong khi quản lý kỹ thuật là cần thiết, nó không thể giải quyết xung đột chiến lược và thậm chí có thể trở thành gánh nặng chiến lược cho cả hai nước.
Rủi ro lớn thứ ba nằm ở khả năng tác động lan tỏa từ cuộc khủng hoảng Ukraine tác động trực tiếp đến quan hệ Trung Quốc-Mỹ. Cuộc chiến ở châu Âu hiện đã bước sang năm thứ hai, cục diện chiến trường ngày càng bế tắc, phát triển thành cuộc chiến tranh tiêu hao giữa Nga và Ukraine, giữa Nga với Mỹ và rộng hơn là giữa Nga với phương Tây.
Kết quả là, hỗ trợ cho Ukraine đã trở nên đan xen hơn với nền chính trị trong nước. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi dần dần ý chí và tâm thế của Mỹ cũng như các nước phương Tây khác, khiến họ nhạy cảm hơn với sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Nga. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã không ngăn cản Mỹ tăng cường và đẩy nhanh việc triển khai chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Trong khi Nga vẫn là mối quan tâm an ninh cấp bách nhất đối với Mỹ, thì Trung Quốc đặt ra thách thức chiến lược chính, nhưng không phải cấp bách nhất.
Để tạo ra một khối đối lập gắn bó chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran, Mỹ cần củng cố mối quan hệ với châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và thậm chí cả Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện tại, một câu chuyện đã hình thành ở Mỹ và các nước phương Tây khác rằng, cuộc chiến giữa thế giới tự do và một liên minh độc tài đang diễn ra. Phương Tây dường như đang xây dựng một hệ thống để áp chế chiến lược cả Trung Quốc và Nga.
Rủi ro lớn thứ tư là khả năng leo thang rắc rối ở Đông Bắc Á. Triều Tiên một lần nữa nhấn mạnh chính sách ưu tiên quân sự để đảm bảo an ninh của chính mình, thường xuyên tiến hành các vụ thử tên lửa và tập trận quân sự nhằm phát triển khả năng tấn công lục địa Mỹ và các căn cứ của nước này ở tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Triều Tiên rõ ràng đã liên kết với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhằm đáp trả chính sách an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, vốn nghiêng về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Một lần nữa, Bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực xung đột. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của các mối quan hệ như: Trung Quốc-Mỹ, Nga-Mỹ, Trung Quốc-Nhật Bản và Nga-Nhật Bản – không giống bất kỳ thời điểm nào trước đây, làm giảm đáng kể khả năng kiểm soát. Trong trường hợp xảy ra biến cố lớn trên Bán đảo Triều Tiên, các nước lớn ủng hộ Triều Tiên và Hàn Quốc khó có thể điều phối tình hình như họ đã làm trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Thế giới sẽ chứng kiến sự can dự trực tiếp của các bên liên quan vào Đông Bắc Á dưới hình thức các khối đối lập.
Thách thức lớn nhất đối với quan hệ Trung Quốc-Mỹ là việc thực hiện chính xác kế hoạch của Mỹ nhằm tạo ra một liên minh chuỗi cung ứng và tách khỏi Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Xu hướng này dường như không thể ngăn cản và sẽ có những hậu quả sâu rộng, ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội của cả hai quốc gia ở cấp độ vĩ mô, cũng như sinh kế của doanh nghiệp và người dân ở cấp độ vi mô, cùng với các vòng quan hệ đối ngoại tương ứng của họ. Hơn nữa, nó sẽ khiến hệ thống kinh tế thế giới có nguy cơ bị chia rẽ, hình thành một cấu trúc chiến tranh Lạnh mới có tác động sâu rộng và sâu sắc hơn so với đối đầu quân sự, từ đó định hình lại quỹ đạo của nền văn minh nhân loại.
Những rủi ro nêu trên không còn giới hạn trong một lĩnh vực duy nhất trong mối quan hệ giữa hai siêu cường mà là những biểu hiện cụ thể của một cuộc khủng hoảng hệ thống khổng lồ đang gia tăng. Trung Quốc và Mỹ hiện đang hướng tới “một bãi mìn” mật độ cao có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Trong tương lai gần, Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ tham gia vào sự kết hợp giữa đối thoại, tiếp xúc, đối đầu và cạnh tranh, với việc quản lý mối quan hệ song phương và kiềm chế là những nhiệm vụ đang diễn ra và luôn hiện hữu của họ. Do đó, sẽ không còn bất kỳ khoảng thời gian nào để ổn định hoặc cải thiện quan hệ song phương. Điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trí tuệ, ý chí và lòng dũng cảm là những yếu tố quan trọng trong đối thoại, tiếp xúc và cạnh tranh. Quốc gia nào có thể thể hiện tốt nhất ba phẩm chất này sẽ giành được lợi thế theo thời gian trong cuộc cạnh tranh. Cách mọi người theo thói quen dự đoán kết quả của cuộc cạnh tranh về mặt “thắng” hoặc “thua” vừa đơn giản vừa hạn hẹp. Động lực cốt lõi sẽ được tạo ra bởi sự cạnh tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến sức sống của thể chế và xã hội, cũng như nhận thức và khả năng của các cường quốc lớn trong việc thực hiện các trách nhiệm quốc tế của họ. Điều này sẽ xác định lại các mô hình quản trị và hợp tác được ủng hộ bởi các phe phái khác nhau trên thế giới đến mức nó có thể thay đổi quỹ đạo của lịch sử và đóng vai trò như một lời cảnh báo cho các thế hệ tương lai.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: An Gang là nghiên cứu viên phụ trợ tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế, Đại học Thanh Hoa/Trung Quốc