Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc hiện đã được 10 năm tuổi, là đại diện cho một yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao công chúng xuất phát từ chính sách kinh tế đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi ông lên nắm quyền.
Trong thập kỷ qua, gần như tất cả các khía cạnh của quá trình tham gia kinh tế hướng ngoại và hợp tác phát triển của Trung Quốc đã được đưa vào bản sắc thương hiệu mơ hồ của BRI. Nhưng đến thời điểm hiện tại, BRI không còn là món ăn duy nhất trong thực đơn mà Trung Quốc đưa ra cho thế giới. Vào tháng 9 năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và Sáng kiến An ninh Toàn cầu sau đó vài tháng.
Đối với giới nghiên cứu chính trị quốc tế, hiện vẫn đang tồn tại những câu hỏi lớn đối với sáng kiến mới này của Trung Quốc. Phải chăng, GDI là một biện pháp điều chỉnh hướng đi cho BRI cũng như tác động của nó đối với bối cảnh phát triển toàn cầu trong tương lai?
Giống như BRI tại thời điểm 10 năm trước, GDI phần lớn được đưa ra với tư cách là một phương tiện và ban đầu đóng vai trò là một cơ hội ngoại giao: một nền tảng để tái khẳng định các mối quan hệ chiến lược và thể hiện sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nước đối tác đang phát triển bất chấp những căng thẳng đang diễn ra với Mỹ, như đã thấy trong Nhóm bạn bè về GDI, được thành lập tại Liên Hợp Quốc với khoảng 60 thành viên của tổ chức này. Hiện nay, GDI được Trung Quốc sử dụng nhằm cách thúc đẩy mạng lưới các đối tác an ninh thân thiện với Trung Quốc, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và củng cố hình ảnh của Bắc Kinh như một cường quốc có trách nhiệm. Ngoài ra, những sáng kiến mới này được đưa ra sẽ giúp Trung Quốc tránh phải phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như đối với BRI. Trong nhiều năm qua, BRI đã bị định hình là một sáng kiến có thành tích môi trường tồi tệ và đặc biệt là những cáo buộc mang tính luận chiến về cho vay nặng lãi và bẫy nợ mà BRI đã không thể phủ nhận. GDI xuất hiện vào thời điểm cần thiết rõ ràng, với các nước đang phát triển trên toàn thế giới vẫn quay cuồng để giải quyết các tác động tiêu cực đối với nền tài chính và kiểm soát dịch bệnh do tác động của COVID-19. Ứng phó với đại dịch và vắc-xin cùng nhau tạo thành một trong tám trụ cột của GDI. Những vấn đề khác bao gồm biến đổi khí hậu và tập trung mạnh vào các mục tiêu xoá đói giảm nghèo.
GDI được quảng bá một cách có chủ ý như một sáng kiến đa phương được liên kết rõ ràng với Liên Hợp Quốc và nỗ lực của tổ chức này nhằm thúc đẩy phong trào hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. Vào thời điểm khi nguồn tài trợ của những nhà tài trợ cho các cơ quan đa phương ngày càng căng thẳng, GDI đã cung cấp một phần nhỏ nhưng tăng cường tài chính có ý nghĩa cho hệ thống Liên Hợp Quốc, bao gồm thêm 1 tỷ USD cho Quỹ Hợp tác Nam-Nam và Phát triển Toàn cầu.
Nhưng GDI sẽ không thay thế BRI, cũng như không có khả năng phù hợp với quy mô tài chính mà sáng kiến này vận hành ở thời kỳ đỉnh cao. Khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động cho vay trong nước đã bị thắt chặt, cũng như hoạt động cho vay đối với BRI. Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng cao, dòng vốn khó có thể sớm quay trở lại mức trước đó.
Các chủ đề chồng chéo của GDI và BRI mặc dù đặt ra câu hỏi về sự phân công lao động, nhưng cả hai đều xuất phát từ những động lực khác nhau. BRI là sự lan tỏa ra nước ngoài của quá trình chuyển đổi kinh tế trong nước của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh chuyển năng lực công nghiệp và vốn dư thừa ra nước ngoài, đồng thời tạo ra nhu cầu cho sản xuất dư thừa bằng cách thúc đẩy kết nối và thương mại. Khi đó, phát triển là mục tiêu thứ yếu, nhưng GDI đặt các vấn đề cơ bản về phát triển và giảm nghèo lên hàng đầu và trung tâm.
Trong nội bộ, BRI được điều phối bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan chịu trách nhiệm về chiến lược kinh tế quốc gia. Ngược lại, GDI sẽ được điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc nhỏ hơn và kém quyền lực hơn nhiều, phản ánh trọng tâm phát triển toàn cầu và bên ngoài rõ ràng của cơ quan này.
Chi tiết về nhóm dự án của GDI vẫn còn mờ nhạt, mặc dù các quan chức Trung Quốc đã công bố danh sách ban đầu gồm 50 dự án hợp tác thực tế. Cho đến nay, GDI đã nhận được sự đón nhận tương đối nồng nhiệt so với BRI, với khoảng 100 quốc gia và tổ chức đề nghị hỗ trợ trong khi hơn 150 quốc gia và tổ chức ủng hộ BRI. Mặc dù vẫn còn là những ngày đầu đối với GDI, nhưng khoảng cách này phần nào phản ánh sự cảnh giác ngày càng tăng đối với Trung Quốc, đặc biệt là ở Tây Âu, nơi từng là tâm điểm địa lý của BRI.
Giống như BRI, GDI đóng vai trò là một nhãn hiệu hữu ích, một khuôn khổ bao trùm để tập hợp các hoạt động hợp tác phát triển đa dạng lại với nhau theo một đề xuất nhất quán cho toàn cầu. Nhưng liệu sáng kiến có mang lại nguồn tài chính mới đáng kể cho sự phát triển hay không vẫn chưa được biết.
Bất chấp cái tên nhạt nhẽo, GDI vẫn nên được công nhận là một thách thức và là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà tài trợ phát triển của Bắc bán cầu. Trong khi nhóm G7 và Liên minh Châu Âu đang bận rộn, cố gắng cạnh tranh với BRI về tài chính cơ sở hạ tầng với các chương trình như Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, nguồn tài trợ cho viện trợ và phát triển đang ngày càng bị đe dọa và thực sự bị các quốc gia tài trợ, như Vương quốc Anh và Thụy Điển cắt giảm trong thời gian dài. Những cắt giảm như vậy làm tổn hại đến khả năng của các nhà tài trợ trong việc tạo ra tác động phát triển và đe dọa các mục tiêu cơ bản về giảm nghèo. Chúng cũng làm tổn hại đến ảnh hưởng và uy tín của các nhà tài trợ phương Tây với các nước đối tác ở Nam bán cầu, bất chấp những cam kết mới về cơ sở hạ tầng sáng bóng.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Yunnan Chen là nghiên cứu viên trong chương trình tài chính công và phát triển của think tank ODI ở London.