BBT - Vấn đề Đài Loan vẫn luôn được coi là vấn đề quan trọng và nổi cộm hàng đầu trong quan hệ song phương giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, sự khác biệt về những lợi ích cốt lõi của các bên có liên quan đã, đang và sẽ thúc đẩy việc hình thành các cách hiểu khác nhau về bản chất của vấn đề này. Để có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện về tình hình eo biển Đài Loan, việc nhìn nhận cẩn trọng tất cả các cách hiểu là điều cần thiết. Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu tới độc giả một bài viết trình bày quan điểm về bản chất cũng như triển vọng giải quyết vấn đề Đài Loan của một học giả Trung Quốc.
Giới thiệu
Vào đầu tháng 2 năm 2023, “sự cố khinh khí cầu” giữa Trung Quốc và Mỹ đã đột ngột chấm dứt “thời kỳ mở cửa” mà nhiều người kỳ vọng cho quan hệ Trung-Mỹ, sự đối đầu toàn diện giữa hai nước ngay lập tức gia tăng. Các phương tiện truyền thông Mỹ và các đảng cầm quyền cũng như đối lập đã nhân cơ hội này để thổi phồng “cuộc xâm lược khinh khí cầu của Trung Quốc” và cố tình phóng đại “mối đe dọa từ Trung Quốc”. Bắc Kinh cực lực lên án hành động bá quyền của Mỹ ngang nhiên bắn hạ một khinh khí cầu dự báo thời tiết dân sự của họ đi lạc vào không phận nước này bất chấp Trung Quốc nhiều lần giải thích. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng các quan chức cấp cao khác đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm không phận của Mỹ và cảnh báo Bắc Kinh “đừng tạo ra ngoại lệ”. Họ cũng lấy việc này làm cái cớ để hoãn chuyến thăm Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo Trung Quốc “không thay đổi hiện trạng ở Đài Loan” và không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Trước những cáo buộc vô căn cứ này của Mỹ, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ như một lẽ đương nhiên, dẫn đến trong hội nghị An ninh Munich, Vương Nghị trong buổi họp báo đã cảnh báo rằng: “Nếu Mỹ kiên quyết đối đầu, Trung Quốc sẽ đi đến cùng.” Trong cuộc họp của 20 ngoại trưởng được tổ chức sau đó, ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ không gặp nhau. Ngoại giao Trung-Mỹ đã thay đổi từ “đối thoại của người điếc” sang “cuộc gặp của người mù”. Trung Quốc làm rõ lập trường nguyên tắc của mình là kiên trì thuyết phục hòa bình, thúc đẩy đàm phán trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong vấn đề eo biển Đài Loan, Trung Quốc đã coi hành động “cậy quyền trắng trợn” của Mỹ, tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc là không thể chấp nhận.
Vào cuối tháng 2, Tân Hoa Xã có bài viết lên án rất hiếm hoi đối với nước Mỹ, “Sự bá chủ bá quyền của Mỹ và tác hại”, từ năm góc độ đã lột bỏ hoàn toàn lớp mặt nạ bá quyền của Mỹ, đồng thời thay mặt cho các lực lượng chính nghĩa đưa ra lời tố cáo: “Thế giới khổ vì Mỹ trong thời gian dài”. Mỹ đã tăng cường nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, trong khi tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, trấn áp công nghệ và tách rời kinh tế, họ đã chơi “con bài Đài Loan” với cường độ chưa từng có, tăng cường câu kết với các thế lực đòi “Đài Loan độc lập”, không ngừng xâm phạm chủ quyền Trung Quốc (như cuối tháng 2, Mỹ, Đài Loan đã công khai tổ chức hội nghị an ninh “3+5” tại Washington. Lầu Năm Góc dự kiến cử 100 đến 200 quân đến Đài Loan để huấn luyện quân đội Đài Loan và thành lập kho đạn dược chiến lược của quân đội Mỹ ở eo biển Đài Loan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một đợt bán vũ khí tên lửa tiên tiến mới cho Đài Loan trị giá hơn 600 triệu USD, máy bay trinh sát của Mỹ đã vượt qua eo biển Đài Loan, máy bay ném bom chiến lược đã cố gắng vượt qua eo biển Đài Loan, v.v.), đã đổ thêm dầu vào tình hình vốn đã rất căng thẳng ở eo biển Đài Loan, đẩy tranh chấp càng trở nên gay gắt. Một số quan chức quân sự và chính trị cấp cao ở Mỹ đã cảnh báo rằng đại lục sắp “tấn công Đài Loan bằng vũ lực”, yêu cầu quân đội Mỹ “sẵn sàng chiến đấu ngay trong đêm nay”. Chính phủ cũng như Quốc hội Mỹ thậm chí còn ngang nhiên từ bỏ “chính sách một Trung Quốc”, giương nanh múa vuốt với Trung Quốc và phá hủy hoàn toàn hòa bình trên eo biển Đài Loan.
Theo Thái Chính Nguyên, một nhà đàm luận chính trị nổi tiếng của Đài Loan ngày 21 tháng 2, đã tiết lộ trên Facebook rằng Garland Nixon – người dẫn chương trình phát thanh mới của Mỹ, đã trích dẫn một dòng tweet ngày 16 tháng 2 của Nhà Trắng, nói rằng Biden đã “vô tình” làm rò rỉ “kế hoạch hủy diệt Đài Loan “của Mỹ”. (một số người ở Đài Loan giải thích đó là trong lúc chiến tranh cho nổ tung bốn nhà máy điện hạt nhân ở Đài Loan, sử dụng chính sách tiêu thổ để ngăn chặn và phá hủy sự thống nhất hai bờ eo biển). Blinken công khai tuyên bố vào ngày 23 tháng 2 rằng “vấn đề eo biển Đài Loan không phải là vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc.” Vào ngày 1 tháng 3, Ủy ban Tài chính và Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã thông qua 11 dự luật chống Trung Quốc liên quan đến Đài Loan, bao gồm “Luật ngăn chặn xung đột eo biển Đài Loan”, “Luật không phân biệt đối xử với Đài Loan”, “Luật bảo vệ Đài Loan”, “Luật Trung Quốc không phải là quốc gia đang phát triển”,vv…Công khai tuyên bố Đài Loan gia nhập Quỹ tiền tệ quốc tế, kêu gọi dùng vũ lực để ngăn chặn sự thống nhất giữa hai bờ eo biển và tịch thu toàn bộ tài sản của Trung Quốc tại Mỹ trong thời chiến.
Trước những phát ngôn và hành động cực đoan liên tục chống Trung Quốc của Mỹ liên quan đến Đài Loan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại cuộc họp báo của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 ngày 07 tháng 03 đã trích dẫn điều khoản trong Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: “Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Trung Quốc” để bác bỏ ngụy biện của Blinken rằng “eo biển Đài Loan không phải là công việc nội bộ của Trung Quốc”. Đồng thời, ông cũng tái khẳng định lập trường nghiêm túc rằng “vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi trong các lợi ích của Trung Quốc, là nền tảng trong hệ thống nền tảng chính trị quan hệ Trung-Mỹ, là lằn ranh đỏ không thể vượt qua đầu tiên trong quan hệ Trung-Mỹ”. Ông đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Mỹ rằng “vấn đề Đài Loan không được xử lý thỏa đáng, quan hệ Trung-Mỹ sẽ bị lung lay”. Ông cũng nói “sói dữ lộng quyền đang đến, Trung Quốc phải ‘khiêu vũ với bầy sói’ để bảo vệ đất nước”. Ông cũng hỏi Mỹ ba vấn đề: “Tại sao Mỹ nói về vấn đề tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng trong vấn đề Đài Loan lại không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc? Tại sao một bên yêu cầu Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, một bên lại vi phạm “Thông cáo chung ngày 17 tháng 8″ cấp vũ khí cho Đài Loan? Tại sao cứ nói đến việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, mà lại bí mật lập cái gọi là kế hoạch ‘hủy diệt Đài Loan’?”
Lời chất vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đối với Mỹ chắc chắn sẽ gây được tiếng vang đối với nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và toàn thể nhân dân thế giới phản đối bá quyền, nó cũng dẫn đến vấn đề trong bài viết này đó là Mỹ quá độc đoán đối với Trung Quốc, tự áp đặt “tiêu chuẩn kép”, lời nói và hành động của họ không nhất quán, căn nguyên vấn đề nằm ở đâu? Câu hỏi quan trọng hơn là, bản chất của tranh chấp eo biển Đài Loan giữa Trung-Mỹ theo logic bá quyền của Mỹ là gì? Triển vọng của nó là gì? Bài viết này phân tích nó từ góc độ logic bá quyền trong “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ”.
Logic bá quyền của Mỹ
“Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” bắt nguồn từ logic bá quyền. “Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” bao gồm ba loại ý thức hệ và niềm tin: ” Mỹ là tấm gương, là ngọn hải đăng, là đấng cứu thế”, “Mỹ là duy nhất, thánh thiện, ưu việt”, “Mỹ là vị tha, công bằng, vĩ đại”[1]. Trong số đó, “Mỹ là tấm gương, là ngọn hải đăng, là đấng cứu thế” là nội hàm cốt lõi của “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ”, “Mỹ là duy nhất, thánh thiện, ưu việt” là tiền đề logic cũng như động lực tinh thần, và “Mỹ là vị tha, công bằng, vĩ đại” vừa là lý do tư tưởng vừa là sự bảo vệ. Do đó, ba nhóm ý thức dân tộc, tín ngưỡng văn hóa của người Mỹ chứa đựng trong “Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” có mối quan hệ tương hỗ và lý luận hỗ trợ nhau, tạo thành một bộ logic bá chủ duy nhất của Mỹ, nước Mỹ “độc nhất, thánh thiện, ưu việt” trong một thế giới đầy sự thù hằn đại diện cho “Thiện”, là “mẫu mực, ngọn hải đăng” của cả nhân loại, gánh vác “sứ mệnh cứu thế” thiêng liêng, là lực lượng “phi thường” của “vô ngã, chính nghĩa, đại nghĩa”, là kẻ duy nhất đủ tư cách cũng như trách nhiệm để truyền bá phúc âm của Đức Chúa Trời và cho thế giới những “giá trị phổ quát” của tự do, dân chủ, đồng thời là “nhà lãnh đạo” bẩm sinh dẫn dắt nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa vô thần và tà ác chuyên quyền. Theo logic bá quyền của “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ”, nội hàm cốt lõi của nó bao gồm hai cấp độ: khi Mỹ tương đối yếu, nó là “ngoại lệ” (nghĩa là được sự quan tâm đặc biệt của Thượng đế dành cho Mỹ và vị trí địa lý ưu việt, độc nhất có được). Nó giúp thoát khỏi số phận của những nước nhỏ yếu nói chung bị các cường quốc xâm lược hoặc tiêu diệt, có thể đóng vai trò là “hình mẫu và ngọn hải đăng” cho nhân loại, hoàn thành “sứ mệnh” truyền bá “văn minh”; Và khi đã đủ mạnh, thì “ngoại lệ” (tức là trách nhiệm đặc biệt thực hiện ý muốn “cứu thế” của Thượng Đế) đòi hỏi nó phải gánh vác “sứ mệnh” thiêng liêng cứu nhân loại bằng cách truyền bá các giá trị văn hóa, cứu thế chế độ xã hội, thay vì cướp bóc nước khác, thậm chí nô dịch các nước nhỏ yếu như các nước bá quyền trong lịch sử. Tóm lại, “Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” có nghĩa là khi Mỹ yếu thì lấy “Miền đất hứa” (Promised Land) của Thượng đế làm “ngọn hải đăng” cho nhân loại, còn khi mạnh lên thì sẽ trở thành “Quốc gia Thập tự chinh”(Crusader State) để “cứu thế giới”[2]. Bởi vì không có sự khác biệt tuyệt đối giữa mạnh và yếu, việc truyền bá “nền văn minh” của Mỹ ở châu Mỹ không chỉ là sự mở rộng vai trò của “ngọn hải đăng”, mà còn là khởi đầu của sứ mệnh “cứu rỗi”. Nói tóm lại, “Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” tin chắc rằng trong một thế giới đầy rẫy sự đối lập giữa thiện và ác, Mỹ với tư cách là “dân tộc được chọn” duy nhất của Thượng đế, là “độc nhất, thánh thiện, ưu việt”, “vị tha, chính nghĩa, vĩ đại”, là đại diện của “thiện” và là hiện thân của đạo đức, không chỉ có thể giữ cho mình trong sạch, rời xa cái ác, phát triển vượt trội trong môi trường đó mà còn đóng vai trò là “hình mẫu”, “ngọn hải đăng” cho thế giới, gánh vác truyền bá “giá trị phổ quát” theo ý Thượng đế làm sứ mệnh “cứu rỗi”.
Logic bá quyền của “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” đã sớm được thể hiện quan điểm trong quan hệ Mỹ-châu Âu, mặc dù Mỹ lúc đó còn yếu. Mỹ và Châu Âu có cùng lịch sử, văn hóa, cũng như có sự khác biệt không lớn lắm với thế giới bên ngoài, nhưng “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” cho rằng Châu Âu và Mỹ hoàn toàn khác nhau: Châu Âu ở đại lục cũ đầy tham nhũng, suy tàn, xấu xa, sa đọa, bạo ngược, áp bức, mưu mô lừa lọc, quyền lực chính trị bẩn thỉu và ngoại giao bí mật; trong khi nước Mỹ ở tân thế giới tràn đầy sinh khí, sức sống, lòng tốt sự thuần khiết, tự do dân chủ, bình đẳng bác ái. Sự “ngoại lệ” là “độc nhất vô nhị”, bao gồm “thánh thiện, ưu việt, vị tha, công bằng, vĩ đại, có sức mạnh phi thường”. “Ngoại lệ” trong mắt họ là: Người Mỹ đến từ các quốc tịch và giáo phái tôn giáo khác nhau ở châu Âu. Tổ tiên của họ là những người Anh Thanh giáo cần kiệm, liêm khiết, chăm chỉ, thiện lương, họ đến Bắc Mỹ với khát vọng mãnh liệt theo đuổi hoài bão tự do, bình đẳng và hạnh phúc, thiết lập một “Miền đất hứa” đầy cơ hội. Đất nước mới của nó không chỉ là một vương quốc Kitô giáo lý tưởng, mà còn là một nền dân chủ tự do thế tục; nó không chỉ là “ngọn hải đăng” cho các quốc gia khác, mà còn có những lợi ích khác với châu Âu. Người Mỹ gánh trên vai một sứ mệnh đặc biệt mà Thượng Đế giao phó, đó là xây dựng nước Mỹ trở thành một mô hình tự do dân chủ và truyền bá các giá trị, chế độ của mình ra toàn thế giới để cứu cả nhân loại; Nước Mỹ nơi cách xa Châu Âu chiến tranh loạn lạc, có đất đai rộng lớn và màu mỡ, tài nguyên phong phú, rộng lớn. Mọi người đều có cơ hội thực hiện ước mơ của mình thông qua niềm tin mãnh liệt vào Chúa và tự bản thân phấn đấu; Mỹ thanh bạch, hành thiện, thay trời hành đạo, là đại diện cho ý nguyện của Thiên Chúa. Bởi vì Mỹ và Châu Âu quá khác biệt, hành trình gian khổ của những người Thanh giáo di cư đến Bắc Mỹ là thời kỳ đầu “theo đuổi giấc mơ lịch sử” (tức là “thoát khỏi sự đàn áp tôn giáo, chính trị bất công, kinh tế khó khăn ở Châu Âu, tìm kiếm tự do, bình đẳng và phát triển cá nhân ở Bắc Mỹ”)[3].
“Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” sử dụng một loạt các ý thức sứ mệnh tự xưng để chứng minh logic ngoại giao bá quyền của mình về sự tự cho mình là đúng, thay trời hành đạo, thực hiện công lý theo một cách vòng vo: lý do tại sao Mỹ là “mô hình và ngọn hải đăng” của nhân loại, có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh “cứu rỗi” là bởi vì nó là sức mạnh “độc nhất, thánh thiện, siêu việt” và “đặc biệt” . Do không những với tư cách “dân tộc được Chúa chọn” mà còn là hình mẫu to lớn, giữ vai trò “ngọn hải đăng” về sứ mệnh “giải cứu thế giới”.
Bản chất của tranh chấp eo biển Đài Loan giữa Trung Quốc và Mỹ
Từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập mới cho đến khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” được tạo ra bởi năm mâu thuẫn cấu trúc lớn giữa Trung Quốc và Mỹ[4] đã dẫn đến sự bế tắc trong quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề Đài Loan. Mặc dù sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon năm 1972, quan hệ Trung-Mỹ trong hơn 40 năm có được nâng cao, vấn đề Đài Loan nhìn chung ở trạng thái “ngủ yên” nhưng nó là vấn đề cốt lõi trong sự thù địch toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều lần đặt Trung-Mỹ bên bờ vực chiến tranh. Vấn đề Đài Loan là di sản của cuộc nội chiến Quốc dân Đảng-Đảng Cộng sản trước khi thành lập nước Trung Quốc mới, là vấn đề nội bộ đặc biệt của Trung Quốc, bản chất của nó là tranh chấp giữa Đại lục và Đài Loan về việc ai là người đại diện hợp pháp của toàn bộ Trung Quốc, đó là vấn đề đối đầu chế độ chính trị trong nước. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của Chiến tranh Lạnh giữa phương Đông và phương Tây sau Thế chiến II, trong quá trình bành trướng, bảo hộ bá quyền, Mỹ bắt đầu phong tỏa eo biển Đài Loan bằng vũ lực và thực hiện chiến lược “dùng Đài trị Trung” trên các lĩnh vực địa chính trị, tư tưởng, biến Đài Loan thành kẻ xâm lược Trung Hoa và là “con cờ” đặc biệt trong việc khống chế Trung Quốc. Do đó, vấn đề Đài Loan, vốn hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, đã làm sâu sắc hóa “quan hệ Trung-Mỹ” trở thành vấn đề nhạy cảm, quan trọng và nguy hiểm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Vấn đề Đài Loan liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia của Trung Quốc, dấy lên lo ngại liệu công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa cuối cùng có thể thực hiện được hay không. Do đó, vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung-Mỹ do bá quyền Mỹ cưỡng đoạt chủ quyền của Trung Quốc đã tạo ra một “quái vật”, và bản chất của nó là bá quyền Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nói cách khác, bản chất của tranh chấp Trung Quốc-Mỹ về eo biển Đài Loan là một cuộc cạnh tranh chưa từng có và đối đầu toàn diện giữa việc duy trì chủ quyền lãnh thổ, thống nhất chính trị quốc gia với kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, là sự thể hiện tập trung các mâu thuẫn toàn diện mà hai bên khó điều chỉnh.
Từ góc độ địa chính trị, an ninh quân sự, Đài Loan không chỉ là cửa ngõ phía Đông Nam của Trung Quốc và là bàn đạp tiến ra Thái Bình Dương, mà còn là tiền đồn Đông Á của Mỹ trong việc ” kiểm soát Trung Quốc” và là mắt xích trung gian của “Chuỗi đảo thứ nhất” của Mỹ. Nếu mất Đài Loan, Trung Quốc sẽ mất an ninh quân sự, đồng thời ở trong tình trạng là một quốc gia không trọn vẹn. Nếu hai bờ eo biển Đài Loan thống nhất, bá quyền của Mỹ ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương sẽ bị lung lay ngay cả khi nó vẫn tồn tại. Vì vậy, Đài Loan một vị trí địa chiến lược, cả Trung Quốc và Mỹ đều quyết tâm giành cho được, ít nhất là không để mất hoàn toàn, tức là Trung Quốc không cho phép Đài Loan “độc lập về mặt pháp lý”, còn Mỹ không cho phép đôi bờ thống nhất. Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền của mình đối với Đài Loan bằng mọi giá. Mỹ coi Đài Loan là đồng minh địa chính trị và cố gắng hết sức duy trì đối đầu hai bờ nhằm duy trì quyền bá chủ Đông Á. Mỹ coi vấn đề Đài Loan, một trong những “vấn đề nội bộ đặc biệt” của Trung Quốc thành vấn đề “địa chính trị hóa”, dẫn đến cuộc tranh giành địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ mà ở đó – một bên nhằm chống lại, một bên muốn bảo vệ quyền bá chủ ở eo biển Đài Loan dẫn đến gia tăng xung đột địa chính trị mang tính cấu trúc giữa hai quốc gia. Nói cách khác, xung đột địa chính trị từng bước lớn dần của hai bên tập trung vào vấn đề Đài Loan ngày càng nghiêm trọng. Điều này không chỉ thể hiện ở sự răn đe lẫn nhau giữa chiến lược “chống tiếp cận và xâm nhập” (AD/A2 – Area Denial/Anti-Access) của Trung Quốc và “Kế hoạch Răn đe Thái Bình Dương (hoặc Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương – The Pacific Deterrence Initiative PDI)” của Mỹ chủ yếu nhắm vào eo biển Đài Loan, mà còn ở thực tế là sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, cuộc đối đầu quân sự Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng ở khu vực eo biển Đài Loan.
Từ góc độ hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, Trung Quốc chủ trương giảm thiểu sự khác biệt về hệ tư tưởng đối đầu giữa hai bờ, nỗ lực duy trì quan hệ ngoại giao hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ, nỗ lực thực hiện hòa bình thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Nhưng Mỹ, coi chủ nghĩa cộng sản là một tai họa, tin rằng Đài Loan, nơi đã chuyển đổi thành công từ một chế độ độc tài sang một nền tự do dân chủ, thuộc về “phe dân chủ”. Sự thù địch chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan là sự thu nhỏ của cuộc đấu tranh quốc tế “hai chế độ”, vì vậy Đài Loan được coi là hình mẫu của tự do dân chủ và là đầu cầu chống lại “chủ nghĩa bá quyền đại lục”. Chính quyền Biden coi “Đài Loan, với tư cách là một nền dân chủ hàng đầu cũng như trung tâm khoa học và công nghệ, là đối tác chính của Mỹ”[5]. Về ý thức hệ chính trị, Mỹ coi Đại lục và Đài Loan là không đồng nhất, không tương đồng, đồng thời gia tăng sự thù địch về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, tăng cường đối đầu chính trị, ý thức hệ giữa hai bờ eo biển. Mỹ mời Đài Loan tham gia “hội nghị thượng đỉnh dân chủ” toàn cầu vào ngày 9 tháng 12 năm 2021, Trong khi Trung Quốc đại lục thúc đẩy mạnh mẽ “nền dân chủ toàn diện” của mình, lại chỉ trích “nền dân chủ bầu cử” của Mỹ. Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi với lý do ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan cũng là một biểu hiện của sự đối đầu về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Từ góc độ mô hình phát triển kinh tế và con đường hiện đại hóa, vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đài Loan đã chọn mô hình kinh tế thị trường, hiện đại hóa theo kiểu phương Tây để làm nổi bật sự khác biệt của mình với Đại lục. Khi ảnh hưởng kinh tế quốc tế của Trung Quốc và Mỹ lên xuống thất thường, Đài Loan nỗ lực thực hiện “Đài Loan độc lập”, đương nhiên được Mỹ coi là một lực lượng đặc biệt để kiểm tra và cân bằng nền kinh tế thị trường mang màu sắc xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Xuất phát từ ý thức hệ và cân nhắc “dùng Đài trị Trung”, phân định Đại lục và Đài Loan lần lượt là nền kinh tế phi thị trường và nền kinh tế thị trường. Đây là lý do cơ bản tại sao Mỹ đang cố gắng kéo Đài Loan vào “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và “Liên minh bốn bên” để chèn ép nền kinh tế Trung Quốc.
Từ góc độ của Đông Á và thậm chí cả trật tự quốc tế toàn cầu, trật tự quốc tế “dựa trên luật pháp quốc tế” của Trung Quốc khác với trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ” của Mỹ[6]. Đối với Đông Á, quan điểm trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ” của Mỹ thực chất là quan điểm “dựa trên quyền lực” về lợi thế bá chủ của mình cùng quan điểm về trật tự quốc tế “dựa trên mối quan hệ” phân biệt giữa bạn và thù trên hai bờ eo biển Đài Loan. Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động bá quyền “dùng Đài trị Trung” của Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây tổn hại cho trật tự quốc tế Đông Á “dựa trên luật pháp quốc tế”. Mỹ tuyên bố tuân thủ “chính sách một Trung Quốc”, nhưng lại không chấp nhận “nguyên tắc một Trung Quốc” phù hợp với các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế ngày nay và luật pháp quốc tế đương đại mà cốt lõi là Hiến chương Liên hợp quốc, còn cản trở việc thống nhất hai bờ bằng mọi cách có thể, phản đối “thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan”. Coi việc duy trì hiện trạng “không thống nhất và không độc lập” giữa hai bờ eo biển là một biểu hiện quan trọng của cái gọi là trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ”, nhằm duy trì sự thù địch hai bờ eo biển cũng như trật tự bá quyền của mình ở Đông Á. Vì vậy, Mỹ phải coi việc hai bờ eo biển Đài Loan thống nhất, đặc biệt là “thống nhất quân sự” là mối đe dọa nghiêm trọng đối bá quyền của mình ở đây và ra sức ngăn chặn. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan đe dọa “phải đảm bảo rằng việc Trung Quốc vũ trang thống nhất Đài Loan sẽ không bao giờ xảy ra”[7]. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuyên bố “chúng ta phải cho Trung Quốc biết rằng thống nhất bằng vũ trang là không thể thực hiện”[8]. Blinken đã nhiều lần tuyên bố rằng “Mỹ quyết tâm đảm bảo Đài Loan có khả năng tự vệ trước ‘sự gây hấn’ tiềm tàng từ Trung Quốc”[9]. Burns, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc ngày 01/3/2023 trong một bài phát biểu trên kênh truyền thông Mỹ đã ngông cuồng nói âm mưu của Mỹ: “Mỹ không muốn đối đầu với Trung Quốc, mà muốn duy trì vai trò lãnh đạo của mình ở châu Á – Thái Bình Dương và thế giới, eo biển Đài Loan không phải là việc nội bộ của Trung Quốc, Trung Quốc phải chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ”.
Triển vọng cho tranh chấp eo biển Đài Loan trong quan hệ Trung-Mỹ
Bản chất của tranh chấp eo biển Đài Loan giữa Trung Quốc và Mỹ về căn bản là không xác định được triển vọng lạc quan. Thống nhất hai bờ eo biển là yêu cầu tất yếu đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, vì vậy Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ chủ quyền, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng việc thống nhất hai bờ eo biển (dưới bất kỳ hình thức nào) đe dọa nghiêm trọng đến quyền bá chủ của mình, vì vậy nước này sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn việc thống nhất hai bờ eo biển. Xét về sức mạnh toàn diện to lớn của Trung Quốc và Mỹ, cũng như vị thế quốc tế đang lên của Trung Quốc cùng sự suy giảm tương đối của quyền bá chủ của Mỹ, các tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ ở eo biển Đài Loan đang ngày càng tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu. Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Đài Loan sẽ liên quan đến vận mệnh quốc gia của hai nước Trung Quốc và Mỹ, an ninh, ổn định của châu Á-Thái Bình Dương cũng như sự phát triển hòa bình của thế giới.
Khi sự trỗi dậy toàn diện của Trung Quốc thúc đẩy quá trình thống nhất hai bờ eo biển bằng “hòa bình và vũ lực”, Mỹ vốn mong muốn bảo vệ quyền bá chủ, ngày càng cảm thấy rằng “chiến lược mơ hồ” của mình ở eo biển Đài Loan khó có thể ngăn chặn hai bên thống nhất. Do đó, chính quyền Biden bắt đầu ngang nhiên chà đạp lên nền tảng chính trị cơ bản của quan hệ Trung-Mỹ “nguyên tắc một Trung Quốc”, và đang chuyển từ “chiến lược mơ hồ” sang “chiến lược rõ ràng”, từ “không thống nhất, không độc lập” sang “ngăn chặn độc lập và chống thống nhất”, từ việc không rõ có cho sử dụng vũ lực để ngăn chặn “thống nhất bằng vũ trang” đến việc tuyên bố và đẩy mạnh chuẩn bị “bảo vệ Đài Loan” bằng vũ lực. Vào ngày 5 tháng 5 năm 2022, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngang nhiên xóa tuyên bố “không ủng hộ ‘Đài Loan độc lập'” khi giới thiệu về quan hệ Mỹ-Đài Loan, nhấn mạnh rằng “chính sách một Trung Quốc” của họ dựa trên “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và ba thông cáo chung Trung-Mỹ, “Sáu đảm bảo”[10]. Đáp lại cảnh báo của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Price cho biết Mỹ tuân thủ “chính sách một Trung Quốc” hơn là “nguyên tắc một Trung Quốc”. Hơn nữa, Biden thực sự đã tuyên bố lần thứ ba tại cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 23 tháng 5 năm 2022 rằng ông sẽ “bảo vệ Đài Loan bằng vũ lực”[11] (ông đã tuyên bố công khai hai lần vào tháng 8 và tháng 10 năm 2021), mặc dù ông đã tuyên bố rằng ông không ủng hộ “Đài Loan độc lập” trong ba lời kêu gọi của Tập Cận Bình. Có thể thấy rằng mặc dù Mỹ không công khai bác bỏ ba thông cáo chung Trung-Mỹ, nhưng “chính sách một Trung Quốc” của họ chủ yếu dựa trên “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và “sáu đảm bảo” đối với Đài Loan đã vi phạm “nguyên tắc một Trung Quốc”. Khi chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh ngoại giao và chiến tranh ý thức hệ chống lại Trung Quốc về cơ bản đã thất bại, Mỹ đang chơi “con bài Đài Loan” ngày càng thường xuyên, với cường độ ngày càng tăng, nhằm gia tăng xích mích nội bộ giữa hai bờ eo biển, trì hoãn sự trỗi dậy của Trung Quốc, và thậm chí đang âm mưu gây nguy hiểm cho sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng chiến tranh trong vài năm tới trước khi lợi thế quân sự của mình biến mất. Nói cách khác, Mỹ với mục tiêu cơ bản là bảo vệ quyền bá chủ, coi sự thù địch hai bờ eo biển Đài Loan là sự bất hạnh của dân tộc Trung Hoa, là “gót chân Achilles” của Trung Quốc và tận dụng triệt để, đẩy mạnh chiến lược “dùng Đài trị Trung”, chấp nhận rủi ro chiến tranh ở eo biển Đài Loan cùng sự lan rộng của nó để ngăn chặn sự thống nhất hai bờ và sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.
Chiến tranh hay hòa bình ở eo biển Đài Loan chủ yếu phụ thuộc vào việc Mỹ và Đài Loan có hoàn toàn vượt qua “lằn ranh đỏ” hay không, Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục với việc khó khăn duy trì sự cân bằng giữa quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và sự nhẫn nại trong chiến lược nhằm tạo ra một môi trường hòa bình để thực hiện mục đích cuối cùng là công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa cũng là một yếu tố quan trọng. Một mặt, Trung Quốc đại lục phải tiếp tục duy trì xu thế gây áp lực cao chống lại đòi “Đài Loan độc lập”, thể hiện quyết tâm đấu tranh vì nó. Mặt khác, trong bối cảnh thế giới có sự đan xen, chồng chéo giữa những biến đổi lớn chưa từng có của dịch bệnh covid mới, mục tiêu ngoại giao của Trung Quốc là xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại, đoàn kết xã hội và ổn định kinh tế hoàn toàn trái ngược với tư tưởng Mỹ chia rẽ thế giới trong Chiến tranh Lạnh, các đảng phái chính trị xấu xa, xã hội thất bại trong việc chống lại dịch bệnh, kinh tế trì trệ. Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc và Mỹ thể hiện xu hướng phát triển ngược nhau. Trong tranh chấp Trung-Mỹ về eo biển Đài Loan, các nguyên tắc pháp lý, đạo đức và thời gian đều đứng về phía Trung Quốc. Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục theo đuổi sự thống nhất hòa bình của hai bờ eo biển với thiện chí lớn nhất, sự kiên nhẫn lớn nhất và những nỗ lực lớn nhất.
Tuy nhiên, việc thống nhất hòa bình hai bờ eo biển Đài Loan có thể thực hiện được hay không về cơ bản phụ thuộc vào sự tương tác giữa ba bên trên eo biển Đài Loan hơn là thiện chí và sự kiên nhẫn đơn phương của Đại lục. Vì Mỹ, quốc gia đang cố gắng hết sức để bảo vệ quyền bá chủ, và Đài Loan – hòn đảo đang cố gắng giành “độc lập”, đều coi Trung Quốc đại lục – quốc gia duy trì chủ quyền lãnh thổ, là mối đe dọa số một và hình thành một liên minh. Song song với quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ hai bờ không ngừng xấu đi tạo thành một vòng nhân quả. Trước tình hình đại dịch mới, quyền lực của Trung Quốc, Mỹ có lúc lên xuống, Mỹ đã tăng cường ngăn chặn Trung Quốc và thế giới phân thành hai cực mới (Trung – Nga, cùng chung lợi ích, không phải là đồng minh bạn bè, cùng chống lại liên minh chống Nga và Trung Quốc do Mỹ đứng đầu, chẳng hạn như chống lại “toàn cầu hóa” của NATO) làm quan hệ Trung – Mỹ xấu đi. Chỉ cần quan hệ Trung-Mỹ và quan hệ hai bờ eo biển tiếp tục xấu đi, khả năng xảy ra chiến tranh trên eo biển Đài Loan khó có thể loại trừ.
Mặc dù “có thể” không phải là “chắc chắn”, nhưng xét từ tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan, “có thể” đang biến thành “chắc chắn”. Kể từ khi Biden lên nắm quyền, Mỹ-Nhật Bản đã tăng cường hậu thuẫn Đài Loan, chủ trương “bảo vệ Đài Loan bằng vũ lực” và “eo biển Đài Loan có chuyện tức là Nhật Bản có chuyện, và liên minh Mỹ-Nhật có chuyện” (ví dụ như các chuyến thăm liên tiếp của phái đoàn nghị viện Mỹ đến Đài Loan, việc Mỹ liên tiếp bán vũ khí mới cho Đài Loan, tàu chiến Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan, Nhật Bản và Đài Loan tổ chức hội đàm “2+2” giữa các đảng cầm quyền, v.v…), xây dựng “Kế hoạch tác chiến chung eo biển Đài Loan” và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn chống lại Đại lục. Mỹ cũng có kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và thậm chí cả vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản. Trên thực tế, Nhật Bản đã từ bỏ chiến lược hòa bình thời hậu chiến là “tập trung phòng thủ” và lên kế hoạch mua một số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ để có được “năng lực tấn công phủ đầu các nước thù địch”. Do Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, lo ngại Trung Quốc lợi dụng xung đột Mỹ-Nga, sợ Nga có thể tấn công hạt nhân nên cố gắng hết sức tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine, tuy nhiên cố gắng hết sức lôi kéo các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc chuẩn bị vũ lực để ngăn chặn Đại lục thống nhất Đài Loan bằng quân sự. Đồng thời, các lực lượng đòi “Đài Loan độc lập” tiếp tục khiêu khích Đại lục. Bà Thái Anh Văn trong bài phát biểu vào ngày “Song thập” của Trung Hoa dân quốc năm 2021 và 2022 đã nói rằng “hai bên eo biển không liên kết với nhau”. Đảng Dân chủ Tiến bộ, những người khăng khăng đòi “Đài Loan độc lập” và đóng vai trò là con tốt thí của Mỹ và Nhật Bản chống lại Trung Quốc, thậm chí còn hung hăng hơn sau khi giành chiến thắng trong cả bốn cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 18 tháng 12 năm 2021. Ví dụ như lợi dụng cuộc chiến Ukraine để làm mất uy tín của Đại lục, đẩy mạnh mua sắm quân sự để đòi “độc lập”, tập trận chuẩn bị chiến tranh. Vào ngày 24 tháng 3 năm 2022, Khâu Thái Tam, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, đã hồi sinh “thuyết hai nhà nước” và công khai nói rằng “cả hai bên eo biển nên công nhận chủ quyền của nhau”. Tại “Hội nghị các vấn đề của Nhà nước Đài Loan trong và ngoài nước” được tổ chức trực tuyến vào ngày 18 tháng 4, Thái Anh Văn và Lại Thanh Đức đều kêu gọi “Hợp tác đồng minh quốc tế và bảo vệ chủ quyền của Đài Loan”. Trong tình hình không kiểm soát mạnh mẽ được trong nước, bên ngoài được sự hậu thuẫn hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản, chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ ngày càng kiêu ngạo đòi “Đài Loan độc lập”, khả năng Trung Quốc đại lục sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp quyết đoán đã tăng lên rất nhiều. Mặc dù cuộc chiến Ukraine đã đẩy châu Âu đến bờ vực chiến tranh, nhưng cuộc chiến nguy hiểm nhất đang rình rập ở eo biển Đài Loan, nơi trước đây được gọi là “nơi nguy hiểm nhất thế giới”[12]. Ngay từ đầu năm 2022, Tần Cương , khi đó là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã đưa ra một lời cảnh báo hiếm có đối với Mỹ: “Đài Loan là thùng thuốc súng lớn nhất giữa Trung Quốc-Mỹ, Mỹ ủng hộ “Đài Loan độc lập” có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự giữa hai siêu cường[13]. Ngày 18/05/2022, Dương Khiết Trì cảnh báo phía Mỹ trong cuộc điện đàm với Sullivan rằng nếu phía Mỹ tiếp tục chơi “con bài Đài Loan”, Trung Quốc chắc chắn sẽ kiên quyết đáp trả. Ngày 10/06/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tại Singapore rằng nếu ai đó dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng bằng mọi giá. Tuy nhiên, Mỹ phớt lờ các cảnh báo và biện pháp đối phó lặp đi lặp lại của Trung Quốc, tiếp tục tăng cường nỗ lực “dùng Đài trị Trung” bằng các biểu hiện rõ ràng (chẳng hạn như Chuyến thăm của Pelosi, các chuyến thăm liên tiếp của các nhà lập pháp và thống đốc Mỹ tới Đài Loan sau cuộc tập trận quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân xung quanh Đài Loan và việc tàu Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan). Chiến lược bảo vệ chủ quyền “chống độc lập, thúc đẩy thống nhất đất nước” của Trung Quốc và chiến lược “dùng Đài trị Trung” để bảo vệ quyền bá chủ của Mỹ đã tạo thành một vòng xoáy leo thang bất tận. Do đó, những người có tầm nhìn quốc tế như Kissinger và Lý Hiển Long đã lần lượt cảnh báo rằng tranh chấp Trung-Mỹ ngày càng gia tăng về eo biển Đài Loan có thể gây ra thảm họa toàn cầu.
Trước tình thế căng thẳng của liên minh Mỹ-Nhật “dùng Đài trị Trung”, “bảo vệ độc lập, phản đối thống nhất” và việc Đài Loan “dựa vào Mỹ để đòi độc lập” cũng như “liên minh Nhật chống Trung Quốc”, nguy cơ cao trong khoảng 4 năm tới, vấn đề Đài Loan sẽ như một “quả bom hẹn giờ” không xác định, có thể nổ bất cứ lúc nào[14]. Tác động của cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ và Đài Loan đối với hòa bình trên eo biển Đài Loan đáng được cảnh giác hơn. Dưới sự đồng thuận chính trị coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính, các đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đã nâng cao “mối đe dọa từ Trung Quốc”, tấn công Trung Quốc đại lục, khuyến khích Đài Loan đối đầu với Đại lục. Để đảm bảo rằng Đảng Tiến bộ Dân chủ tiếp tục nắm quyền, nó có thể ngày càng mạnh mẽ bước vào “lằn ranh đỏ”, điều này sẽ gây ra “sóng gió” ở eo biển Đài Loan và “động đất rung chuyển” trong quan hệ Trung-Mỹ, đáng được cảnh giác cao độ.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Về tác giả: Trịnh Bảo Quốc (郑保国) là Giáo sư Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam, cũng là Nhà Nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1]郑保国, “美利坚例外主义”与中美结构性矛盾,中国评论,2023年2月号,第19~21页
[2] Walter A. McDougall, The Promised Land, Crusader State: The American Encounter with the World Since 1776, Boston and New York: Houghton Mifflin, 1997
[3]董小川:美国文化概论,人民出版社,2006年1月第1版,第12页.
[4]郑保国:“美利坚例外主义”与中美结构性矛盾,中国评论,2023年2月号,第21~26页
[5] Bureau of East Asian and Facific Affairs, U.S.-Taiwan Relationship, 28.5.2022, https://www.state.gov/u-s-relations-with-taiwan/
[6]徐崇利, 国际秩序的基础之争:规则还是国际法,中国社会科学评价,2022年第1期
[7] 环球社评:沙利文,牛皮吹大了,你会拖累美国,环球网,2021年12月9日
[8]中华网,2022年4月8日22:05:59
[9]台海网,2022年4月28日09:13
[10] Bureau of East Asian and Facific Affairs, U.S.-Taiwan Relationship, 28.5.2022, https://www.state.gov/u-s-relations-with-taiwan/
[11] Joe Biden: U.S. Would Use Military Force to Defend Taiwan, Daily News Brief by Council on Foreign Relations, 23.5.2022.
[12] “The Most Dangerous Place On Earth”, The Economist,01.5.2021
[13] 环球时报,2022年1月29日21:15
[14]郑保国, 中美三个联合公报与台湾问题——纪念中美建交二十周年,中南财经大学学报,1999年第2期,第55页