Gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây đã bàn tán rất nhiều về việc Đức kêu gọi “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc. Tất nhiên, lập luận này không chỉ được Đức mà còn liên minh Châu Âu cùng một số quốc gia thành viên khác đưa ra. Trên thực tế, chính Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen là người đầu tiên đưa ra lý thuyết “giảm thiểu rủi ro” trong quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 3 năm nay, bà đã lần đầu tiên đề xuất “giảm thiểu rủi ro” (de-risk) thay cho khái niệm “tách rời” (de-couple) đang được tranh luận nhiều. Mặc dù lập luận “giảm thiểu rủi ro” đang trở nên phổ biến ở châu Âu, nhưng ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này và tác động thực tế của chính sách kinh tế thương mại đối với Trung Quốc vẫn chưa được định nghĩa chính xác hoặc rõ ràng. Đây có lẽ chính là điều mà châu Âu hy vọng đạt được: Sử dụng một từ vựng mơ hồ và hàm nghĩa không rõ ràng để cung cấp đủ không gian cho châu Âu thực hiện các chính sách kinh tế thương mại với Trung Quốc một cách linh hoạt.
Bất luận châu Âu có muốn định nghĩa cho thuật ngữ này một cách rõ ràng hay không, tại sao EU và một số quốc gia phải sử dụng khái niệm “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” để vạch ra các chính sách kinh tế và thương mại của họ đối với Trung Quốc?
Tại sao châu Âu chọn “giảm thiểu rủi ro”?
Đầu tiên, EU thông qua thuật ngữ này để chiếm được ưu thế đạo đức trong quan hệ Trung Quốc-EU, từ đó giành được tính hợp pháp trong việc thực hiện bảo hộ thương mại và có thể có các biện pháp trừng phạt khi nhập siêu. Phó Giáo sư Đại học Tứ Xuyên – Nguyên Hàng từng khẳng định: cái gọi là “giảm thiểu rủi ro” chính là “bẫy diễn thuyết của EU… giảm thiểu rủi ro sẽ chuyển trách nhiệm sang bên kia, bêu xấu bên kia và tiến hành phán xét đạo đức đối phương. Đây là cơ sở đạo đức cho mọi hành động về sau”. Bài báo này về lâu dài coi đó là điều hiển nhiên.
“Rủi ro” có nghĩa là EU đang phải đối mặt với “mối đe dọa” từ Trung Quốc, cũng có nghĩa là một loại bị động đến từ hạn chế và thách thức bên ngoài. Từ đó ám thị rằng trách nhiệm về mối quan hệ bất lợi của đôi bên là đến từ thách thức của bên kia chứ không phải trách nhiệm của châu Âu. Do đó, bằng việc thực thi chính sách “giảm thiểu rủi ro” sẽ không chỉ chuyển trách nhiệm về các vấn đề trong quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-EU sang phía Trung Quốc, mà còn hợp pháp hóa cao các chính sách kinh tế thương mại sau này đối với Bắc Kinh. Liên minh châu Âu thông qua những ám thị về ý thức hệ ngôn ngữ nói trên thực hiện chính sách “giảm thiểu rủi ro” đẩy Trung Quốc vào vị trí bị phán xét đạo đức. Do đó, trong vấn đề này người châu Âu không chỉ là nguyên đơn mà còn là thẩm phán. Sự thiếu hiểu biết về thực tế và việc chơi chữ các thuật ngữ này đã hình thái hóa nhận thức quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-EU, đồng thời hợp pháp hóa vị thế của EU và các hành động có thể diễn ra về sau của họ.
Thứ hai, việc từ bỏ “tách rời” và sử dụng thuật ngữ “giảm thiểu rủi ro” có thể làm dịu các tranh chấp trong nội bộ châu Âu ở một mức độ nhất định. Điều này tạo cơ hội cho châu Âu áp dụng chính sách kinh tế thương mại linh hoạt đối với Trung Quốc. Trong mắt đa số người, “tách rời” là một bước tiến, đồng nghĩa với cắt đứt quan hệ triệt để, toàn diện, là tìm cách phá vỡ chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không thực tế và rất khó có thể đạt được. Quan trọng hơn, việc “tách rời” có ý nghĩa cuối cùng là ngăn chặn Trung Quốc về mặt chính trị, điều này sẽ mang lại cho quan hệ Trung-Âu tình trạng giống như Chiến tranh Lạnh.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trao đổi kinh tế giữa hai bên về cơ bản là bằng không. Nếu ý nghĩa cuối cùng của việc tách rời là cắt đứt trao đổi kinh tế thương mại, thì một khía cạnh của Chiến tranh Lạnh sẽ được hiện thực hóa giữa Trung Quốc và châu Âu. Nếu việc tách rời này mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính và chính trị, thì trên thực tế sẽ đồng nghĩa với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đối với châu Âu mà nói, kết cục này rõ ràng không phải là mục tiêu có thể chấp nhận được trong chính sách đối với Trung Quốc của họ. Do đó, “giảm thiểu rủi ro” đã trở thành một khái niệm mơ hồ đáp ứng tâm lý mong đợi của nhiều chính trị gia, công chúng và doanh nghiệp, đồng thời trở thành vũ khí sắc bén có thể thu hẹp sự khác biệt trong chính sách kinh tế và thương mại cũng như chính sách tổng thể của châu Âu đối với Trung Quốc. Dưới danh nghĩa “giảm thiểu rủi ro”, những chính khách và doanh nghiệp ủng hộ việc tách rời có thể tìm cơ sở để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Còn những người ủng hộ tiếp tục mở rộng trao đổi kinh tế thương mại với Trung Quốc cũng có thể tìm thấy cơ hội trong các lĩnh vực khác sau khi giảm thiểu rủi ro. Tất nhiên, nó cũng rất phù hợp với mong muốn của những người theo đuổi có lựa chọn với Trung Quốc, hợp tác hữu hạn hoặc ngăn chặn có tính chọn lọc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong mọi trường hợp, chính sách thiên lệch với Trung Quốc phù hơp với các nhóm người bất đồng ở châu Âu. Từ cứng rắn đến lạnh nhạt, đôi bên lại quan hệ hữu hảo trên các mặt chính trị.
Tuy nhiên, hàm ý có tính mơ hồ của cụm từ “giảm thiểu rủi ro” tạo cơ sở để EU xây dựng chính sách linh hoạt, chủ nghĩa cơ hội đối với Trung Quốc. Chính sách này sẽ không chỉ mang lại cho châu Âu sự đoàn kết đạt được tiếng nói chung trong chính sách với Bắc Kinh, mà còn đáp ứng yêu cầu chính sách của các nhóm khác nhau. Để từ đó các chính trị gia châu Âu có thể làm hài lòng cử tri của họ trong chính sách đối với Trung Quốc của mình. Đương nhiên, họ cũng có thể sử dụng các công cụ chính sách khác nhau trong trao đổi với Trung Quốc, đồng thời tạo ra tính răn đe đối với các chính sách kinh tế thương mại của Trung Quốc. Về điểm này mà nói, EU có thể sẽ cố ý làm mơ hồ khái niệm hơn là định nghĩa nó một cách rõ ràng.
Thứ ba, EU thông qua vận dụng chính sách “giảm thiểu rủi ro”, cùng với đồng minh Mỹ đã tìm ra cái gọi là phương thức cùng tự nhận thức với Trung Quốc. Chính sách này sẽ giúp EU và Mỹ điều tiết các chính sách kinh tế thương mại với Trung Quốc một cách có lợi. Có một sự thật thú vị là sau khi Von der Leyen sử dụng “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã sớm sử dụng thuật ngữ này để mô tả chính sách kinh tế thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Với tư cách là đồng minh và có cơ chế phối hợp, đối thoại song phương phong phú, EU và Hoa Kỳ đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” trong các chính sách kinh tế và thương mại của họ đối với Trung Quốc. Đây rất có thể là kết quả của sự phối hợp nội bộ giữa hai bên. Bất luận thế nào, Châu Âu và Mỹ đã tìm thấy điểm chung đáp ứng nhu cầu nội bộ các bên trong quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Mẫu số chung lớn nhất của các chính sách kinh tế thương mại của châu Âu và Mỹ đối với Bắc Kinh là một khái niệm mơ hồ về “giảm thiểu rủi ro” được nói rộng rãi, có thể được hiểu là “tách rời”. Nó phù hợp với ý đồ kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ, ở góc độ nào đó có thể được hiểu là sự giảm thiểu hạn chế mức thấp nhất sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của nhiều người châu Âu. Không gian giải thích rộng lớn này đối với Âu -Mỹ mà nói đã tiến thêm một bước trong việc điều tiết chính sách kinh tế thương mại với Trung Quốc. Cùng với cái gọi là bối cảnh quốc tế có sự chuyển biến thay đổi lớn thì sự sâu sắc tổng thể của liên minh Âu – Mỹ có ý nghĩa quan trọng. Châu Âu và Hoa Kỳ trên thực tế còn nhiều tồn tại khác biệt trong nhiều vấn đề quốc tế, chính sách đối với Trung Hoa cũng có tồn tại khoảng cách nhất định. Tuy vậy, việc sử dụng “giảm thiểu rủi ro” sẽ trở thành chất kết dính cho chương trình nghị sự chung của châu Âu và Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Thứ tư, “giảm thiểu rủi ro” có nghĩa cuối cùng là an toàn hóa chính sách kinh tế thương mại của EU đối với Trung Quốc. Điều này phù hợp với mục đích ngày càng an toàn hóa trong quan hệ đối ngoại của châu Âu trong những năm gần đây. “Giảm thiểu rủi ro” không chỉ giải quyết những lo ngại gần đây của phương Tây về sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, giải quyết những lo ngại của họ về vấn đề xói mòn an ninh mà phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ thổi phồng kể từ khi Trump lên nắm quyền. Do đó, “giảm thiểu rủi ro” bao gồm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc (ví dụ như đa dạng hóa nguồn đất hiếm, pin lithium, v.v.), loại bỏ “mối đe dọa” của Trung Quốc đối với an ninh quốc phòng (chẳng hạn như tháo dỡ thiết bị 5G của Huawei hoặc thiết bị giám sát nơi công cộng do các công ty Trung Quốc sản xuất). Có thể thấy rằng việc châu Âu giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng cũng được coi là một phần của việc duy trì bảo vệ an ninh quốc phòng. “Giảm thiểu rủi ro” thực sự là kết quả của việc châu Âu nhìn nhận quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc từ góc độ an ninh. Nó đã trở thành một hiện thân chính sách của việc an ninh hóa quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, điều này sẽ thách thức quan hệ thương mại hai bên từ góc độ an ninh vĩ mô hơn.
Ranh giới mơ hồ và hàm nghĩa cụ thể
Nói tóm lại, “giảm thiểu rủi ro” sẽ trở thành công cụ để EU và một số nước châu Âu duy trì ưu thế về mặt đạo đức so với Trung Quốc. Nó là công cụ để chỉ trích, đấu tranh trong lĩnh vực chính trị và tư tưởng, là con đường thực hiện chủ nghĩa bảo hộ thương mại và phá vỡ một phần của chuỗi sản xuất công nghiệp, đồng thời thể hiện sự an toàn trong chính sách kinh tế và thương mại đối với Trung Quốc. “Giảm thiểu rủi ro” đã trở thành một công cụ chính sách linh hoạt và sâu rộng của EU đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, mặc dù ranh giới của “giảm thiểu rủi ro” còn rất mơ hồ, nhưng nó đang ngày càng thể hiện ý nghĩa cụ thể. Đặc biệt là trong việc chính xác loại bỏ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc được coi là “mối đe dọa an ninh”; ngăn cản Trung Quốc thu được ưu thế tương ứng. Nói một cách cụ thể, nó thể hiện chủ yếu ở các mặt sau.
Thứ nhất, giảm thiểu hoặc tách rời sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chính. Vì Trung Quốc là nhà cung cấp một số nguyên liệu thô chính ở châu Âu, những nguyên liệu này bao gồm đất hiếm và các chế phẩm liên quan, các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất nguồn năng lượng mới như bản mạch năng lượng mặt trời hoặc pin lithium, nguyên liệu thô trong lĩnh vực dược phẩm và một số nguyên liệu hóa học khác. EU đã liệt kê một số nguyên liệu phụ thuộc chính và đang cố gắng giảm nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thông qua đa dạng hóa nguồn cung.
Thứ hai, giảm thiểu hoặc thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Điều này được thể hiện chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư. Một số chính trị gia châu Âu cho rằng lượng lớn đầu tư vào Trung Quốc (đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất) làm châu Âu đối mặt nguy cơ tăng rủi ro nguồn vốn. Vì vậy họ chủ trương đa dạng hóa đầu tư nước ngoài và chuyển một phần đầu tư từ Trung Quốc sang các nước như Đông Nam Á, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, ngăn chặn Trung Quốc đạt được những ưu thế như lĩnh vực công nghệ cao. Châu Âu sẽ ngày càng chú trọng việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ quân sự và dân sự sang Trung Quốc, đồng thời sẽ ngăn chặn công nghệ này chảy vào Trung Quốc bằng mọi cách có thể. Đồng thời dưới danh nghĩa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ cao sang Trung Quốc. Nói tóm lại, để duy trì lợi thế công nghệ và giảm tốc độ phát triển công nghiệp của Trung Quốc, châu Âu có thể sẽ áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn dưới danh nghĩa “giảm thiểu rủi ro”.
Thứ tư, để bảo vệ cái gọi là an ninh xã hội và quốc phòng, châu Âu với danh nghĩa duy trì bảo vệ an ninh sẽ cấm giao dịch thương mại ở một số lĩnh vực, mặt hàng nhất định hoặc ngăn Trung Quốc đầu tư nguồn vốn vào một số ngành công nghiệp nhất định của châu Âu, chẳng hạn như điện lực, cơ sở hạ tầng, cảng cửa khẩu hoặc một số lĩnh vực công nghệ cao.
Trung Quốc ứng phó với “giảm thiểu rủi ro” như thế nào?
Việc “giảm thiểu rủi ro” xem ra có vẻ ôn hòa hơn so với “tách rời”. Trước mắt chủ yếu quan tâm đến các vấn đề bảo đảm an ninh, những lĩnh vực không liên quan lắm có thể vẫn được duy trì giao dịch bình thường. Còn “tách rời” đại diện cho sự ly khai, là một loại cắt đứt hoàn toàn từng cấp độ. Xét từ mức độ nghiêm trọng trong ý nghĩa biểu đạt là đúng như vậy. Tuy nhiên vấn đề là giảm thiểu rủi ro có sự mơ hồ rất lớn về hàm nghĩa, có sự khái quát hóa các rủi ro an ninh. Điều này khiến chính sách “giảm thiểu rủi ro” có không gian to lớn để thực hiện. Mặc dù nó có thể không đến nỗi nghiêm trọng như việc tách rời nhưng cũng không ôn hòa như chúng ta vẫn nghĩ.
Đối với Trung Quốc mà nói, luận điệu “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc đang phổ biến ở châu Âu thực sự có tính lừa dối và nguy hiểm. Như đã đề cập trước đó, sự mơ hồ về ý nghĩa của nó phần lớn là do chủ ý của châu Âu. Trung Quốc cần người dân châu Âu dựa trên cơ sở nhận thức ngày càng tăng về ý thức địa chính trị để hiểu được ý nghĩa thực sự của việc “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc là gì. “Giảm thiểu rủi ro” sẽ có nhiều cấp độ thực hiện, nó sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức đối với quan hệ Trung Quốc-EU. Do đó, việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa rủi ro tương ứng theo các cấp độ khác nhau là chương trình nghị sự lâu dài của Trung Quốc. Nhưng bất luận thế nào, chỉ cần Trung Quốc tiếp tục duy trì nâng cao sản xuất công nghiệp, chính sách đối ngoại rộng mở không thay đổi thì nguy cơ do chính sách “giảm thiểu rủi ro” của châu Âu đối với Trung Quốc sẽ không ngừng suy giảm, thậm chí còn biến mất.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tác giả: Giản Quân Ba – 简军波 (Jian Junbo), Phó Giáo sư, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Châu Âu – Trung Quốc, Đại học Phúc Đán, Phó Tổng thư ký Viện Châu Âu-Thượng Hải.