Trung Đông là một trong những “điểm nóng” bất ổn nhất trên thế giới. Trung tâm của những xung đột là cuộc chiến kéo dài từ lịch sử giữa người Hồi giáo và người Do Thái tại Palestine và Israel. Mới đây, cả thế giới đã bất ngờ khi Hamas – lực lượng Kháng chiến Hồi giáo của người Palestine – tấn công Israel (7/10). Ngay lập tức, Israel đã có những hành động đáp trả và tuyên bố tình trạng chiến tranh. Vậy cuộc chiến này đang diễn ra như thế nào? Và nó ảnh hưởng ra sao đến chiến sự tại Ukraine?
Tình hình chiến sự tại dải Gaza
Sáng ngày 7/10, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas – nhóm chiến binh người Palestine – đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào Israel với quy mô và phạm vi chưa từng có tiền lệ. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Hamas đã bắn tên lửa từ Gaza và các thành viên của tổ chức này đã thâm nhập qua biên giới đất nước Do Thái, nơi họ tham gia các cuộc đọ súng tại nhiều địa điểm khác nhau ở miền Nam Israel. Các báo cáo về thiệt hại nhân mạng đang tiếp tục gia tăng đối với cả hai phía. Hamas cũng được cho là đã bắt hàng chục người Israel làm con tin, thậm chí đã công bố video xác minh điều này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố “chúng ta đang có chiến tranh” và chính thức phát động “Chiến dịch Thanh kiếm Sắt”, tiến hành các cuộc không kích ở dải Gaza và động viên lực lượng dự bị[1]. Quân đội Israel đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát vùng sa mạc xung quanh dải Gaza, đồng thời sơ tán người dân khỏi khu vực biên giới. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, xung đột đã khiến 123.000 người ở dải Gaza phải di tản. Tính đến cuối ngày 8/10, cuộc không kích trả đũa của Israel đã phá hủy hơn 159 ngôi nhà trên khắp dải Gaza, làm hư hỏng hơn 1.210 ngôi nhà khác. Cuộc xung đột Israel – Hamas đã có tác động trên toàn cầu. Một loạt quốc gia ghi nhận có công dân thiệt mạng, bắt cóc hoặc mất tích, trong đó có Brazil, Anh, Pháp, Đức, Ireland, Mexico, Nepal, Thái Lan và Ukraine…[2]
Cuộc xung đột cũng tác động đến giá dầu, dù chưa gây ra mối đe dọa đáng kể đối với nguồn cung dầu thô. Theo Reuters, giá dầu thô Brent tăng 3,57 USD, tương đương 4,2%, cao hơn ở mức 88,15 USD/thùng. Dầu thô trung cấp West Texas của Mỹ đóng cửa ở mức 86,38 USD/thùng, tăng 3,59 USD hay 4,3%. Ở mức cao nhất trong phiên, cả hai mức chuẩn đều tăng hơn 4 USD, tương đương hơn 5%, lên mức 86,65 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 4,5%, đạt 88,39 USD/thùng.[3]
Thái độ của các bên liên quan với cuộc chiến
Ngay sau khi Hamas có những hành động quân sự tấn công vào Israel, ngày 8/10, Liên Hợp Quốc đã triệu tập cuộc họp gấp với 15 thành viên của Hội đồng Bảo an tại New York, để nghe báo cáo về tình hình chiến sự và lấy ý kiến của các thành viên đưa ra tuyên bố chung. Các bên liên quan đến chiến sự Nga – Ukraine cũng đưa ra quan điểm của mình.
Phía Mỹ
Trong cuộc họp kín, Mỹ kêu gọi các bên lên án mạnh mẽ chiến dịch của tổ chức Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10. “Một số quốc gia lên án Hamas, nhưng không phải tất cả. Các bạn có thể đoán được một trong những bên không lên án Hamas mà tôi không cần nêu tên”, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – Robert Wood[4], hành động này của ông dường như ám chỉ Nga đứng đằng sau lực lượng Hamas. Quan điểm cứng rắn của Mỹ với chiến sự tại Gaza là dễ hiểu bởi đã có ít nhất 10 công dân Mỹ thiệt mạng, John Kirby – phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ), xác nhận vào tối thứ Hai rằng, đợt viện trợ quân sự đầu tiên sau vụ tấn công bạo lực của phiến quân Hamas đang “tiến tới” Israel[5], đồng thời lực lượng tàu sân bay cũng đã được điều động áp sát phía Đông biển Địa Trung Hải. Tuyên bố đầu tiên của Tổng thống Biden về các cuộc tấn công đã nhấn mạnh cách tiếp cận ủng hộ Israel: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho chính phủ và người dân Israel”. “Israel có quyền bảo vệ chính mình và người dân của mình [6]”. Mỹ có khả năng dấy lên một phong trào tập hợp lực lượng mới, hướng sự quan tâm trở lại khu vực Trung Đông.
Phía Nga
Trái ngược với thái độ cứng rắn của Mỹ, Điện Kremlin tỏ ra thận trọng trong việc quy kết trách nhiệm liên quan tới cuộc tấn công của Hamas. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Israel và Palestin lập tức ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, kiềm chế và thiết lập quá trình đàm phán với sự hỗ trợ của quốc tế nhằm xây dựng một nền hòa bình toàn diện, bền vững ở Trung Đông”[7]. Ngay sau khi nổ ra chiến sự, người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập đã đến Nga để hội đàm với Ngoại trưởng Nga bàn về giải pháp hòa bình hai nhà nước như một cách để cứu Trung Đông thoát ra khỏi khủng hoảng kéo dài. Tuy nhiên, thái độ của Nga hiện tại vẫn chưa thể hiện ủng hộ bên nào. Rất có thể, Nga sẽ nhìn nhận cuộc chiến ở Gaza như một cách khiến Mỹ chùn chân hơn trong viện trợ các cuộc phản công vào mùa đông sắp tới cho Ukraine đồng thời Israel cũng đã ngừng lên án gay gắt cuộc chiến của Nga với Ukraine và có lập trường trung lập về việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Moscow vừa coi đây là thời cơ thuận lợi tiến hành phản công vừa khó xử với quan hệ Israel.
Phía Trung Quốc
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc – Trương Quân cho biết, Bắc Kinh ủng hộ ra tuyên bố chung. “Hội đồng Bảo an không lên tiếng gì về vấn đề này là điều bất thường”[8], ông Trương nói. Trung Quốc trước đó cam kết sẽ ủng hộ việc lên án mọi hành động tấn công nhằm vào dân thường. Bắc Kinh cũng không đưa ra quan điểm ủng hộ phe nào mà hướng đến việc đưa hai bên nhanh chóng thúc đẩy một đàm phán hòa bình để ổn định lại khu vực cũng như những ảnh hưởng đến kinh tế, nhất là vấn đề dầu mỏ nếu cuộc chiến kéo dài và lan rộng đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.
Phía châu Âu
Khi cuộc chiến của Nga với Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt ở phía Đông, căng thẳng giữa Serbia và Kosovo và cuộc tấn công của Azerbaijan ở Nagorno – Karabakh, châu Âu lo lắng phải đối mặt với thách thức mới trong khu vực lân cận với sự leo thang đáng kể ở Trung Đông sau khi Hamas phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho Liên minh châu Âu (EU) khi khối này đang thực hiện một loạt nỗ lực quản lý khủng hoảng. Phương Tây quan ngại Nga có khả năng khai thác cuộc tấn công của Hamas để chuyển hướng sự hỗ trợ và sự chú ý của khỏi Ukraine. Đối với EU, điều đó lại gây thêm một vấn đề nữa khi khối này ngày càng buộc phải phân chia tiềm lực của mình cho các cuộc chiến ngoài NATO khi đã phải chia sẻ quốc phòng cho Ukraine ròng rã hơn một năm. Michael Doran, một chuyên gia tại Viện Hudson phát biểu: “Châu Âu đoàn kết với Israel ngày hôm nay, nhưng ba tuần nữa sẽ ở đâu?”[9]
Phía Ukraine
Mối quan hệ lịch sử giữa Kiev và Tel Aviv dường như mạnh mẽ hơn những bất đồng gần đây về việc cung cấp vũ khí khi người Ukraine bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel. Cụ thể, theo Al Jazeera, người dân Kiev tỏ ra đồng cảm đối với những gì mà Israel đang chịu đựng về thương vong và vật chất. “Chúng tôi đã bị tấn công. Họ đã bị tấn công. Cả hai cuộc tấn công đều lén lút, đâm sau lưng”[10], người dân Kiev đề cập đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” Nga triển khai ở Ukraine năm 2022. Với những mối liên kết đặc biệt giữa hai quốc gia ở hai châu lục khác nhau, dư luận hai bên đã gạt bỏ phần nào bất đồng về vấn đề Tel Aviv từ chối cung cấp hệ thống phòng không cho Kiev và trừng phạt Moscow, cũng như các động thái của Israel nhằm tạm thời đình chỉ việc miễn thị thực cho người Ukraine và hạn chế sự xuất hiện của người tị nạn.
Tác động của cuộc chiến ở dải Gaza đến chiến sự Ukraine
Về chiến dịch phản công của Ukraine
Cuộc phản công của Ukraine chính thức bắt đầu vào đầu tháng 6/2023, đang đi đến giai đoạn quyết định. Vào cuối tháng 11, những trận mưa lớn có thể sẽ biến chiến trường thành bùn lầy khó có thể vượt qua, gây khó khăn đáng kể cho hoạt động quân sự. Do đó, lực lượng Ukraine chỉ có chưa đầy hai tháng để đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể. Ukraine hiện sẽ tập trung đảm bảo chỗ đứng ở những vị trí tốt hơn để chuẩn bị cho chiến dịch 2024. Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch phản công đã đạt được một số thành công ở một số khu vực, theo hướng Kupiansk đã đẩy lùi cuộc tấn công của Nga, hay tại các hướng Lyman, Bakhmut, Zaporizhia và Melitopol. Ukraine còn tổ chức tấn công Nga ở Kherson và gây tổn thất cho lực lượng Nga tại đây. Theo cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao của Lầu Năm Góc Michael Maloof: “cuộc phản công của Ukraine là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi xét đến các nguồn lực của Ukraine cũng như phòng tuyến kiên cố của Nga”[11].
Tiềm lực hỗ trợ cho Ukraine còn lại bao nhiêu?
Phát biểu với báo giới Mỹ, một ngày sau cuộc họp tại Tòa nhà Quốc hội và Nhà Trắng, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu trong suốt mùa thu và mùa đông năm nay. Ông cũng khẳng định sẽ giành lại Bakhmut và 2 thành phố nữa. Ông Zelensky cho biết sự hỗ trợ của Washington cho Kiev sẽ tiếp tục, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng gia tăng trong Quốc hội Mỹ về việc giảm hoặc dừng hỗ trợ tài chính[12]. Người dân châu Âu và Mỹ đều đã rất mệt mỏi vì cuộc xung đột ở Ukraine. Truyền thông Mỹ cũng thừa nhận đã có những rạn nứt trong sự ủng hộ cho Ukraine ở Mỹ và châu Âu. Các Nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối việc thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 24 tỷ USD cho Ukraine[13]. Trong khi đó, Warsaw đe dọa sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev sau khi Ukraine kiện Ba Lan lên WTO. Ứng viên Tổng thống Slovakia Robert Fico tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ cho Ukraine nếu đắc cử. Trong khi đó, Hungary, Ba Lan và Slovakia cấm nông sản từ Ukraine[14]. Hungary cũng đã khẳng định nước này sẽ không ủng hộ Ukraine gia nhập EU. Có thể thấy, NATO đã mệt mỏi khi phải liên tục “cấp Oxy” cho Kiev, song tất cả những thành công ngoài mặt trận vẫn chưa đủ để châu Âu hài lòng. Có lẽ, nguồn lực mạnh nhất sẽ phải lệ thuộc vào Mỹ, bởi quốc gia này đã cam kết sẽ đứng về phía Ukraine đến cùng, không buông bỏ cuộc chiến đến khi nào có kết quả rõ ràng có lợi cho Mỹ và đồng minh. Ngoài ra, tình hình của Ukraine sẽ ngày càng khó khăn và tồi tệ hơn nếu một cuộc khủng hoảng năng lượng mới khởi nguồn từ chiến tranh Hamas – Israel nhấn chìm châu Âu trong mùa đông này và khiến Mỹ rơi vào suy thoái.
Từ Gaza đến Ukraine
Chiến tranh ở dải Gaza dù ở mức độ nào cũng sẽ tác động đến Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden đang làm việc bí mật với các nhà lãnh đạo Thượng viện ở cả hai đảng để liên kết viện trợ của Mỹ cho Israel và viện trợ cho Ukraine, hy vọng tận dụng tính cấp bách của viện trợ trước để vượt qua sự phản đối của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đối với viện trợ sau. Nhưng sự chia rẽ và rối loạn bên trong Đảng Cộng hòa có nguy cơ làm suy yếu khả năng hỗ trợ cả hai nỗ lực của Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp đang thảo luận về việc bổ sung thêm 60 tỷ USD tài trợ cho Ukraine (đủ để giúp Kiev vượt qua cả năm chiến tranh), cùng với số tiền dự kiến sẽ là vài tỷ USD cho nhu cầu của Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Ý tưởng là thông qua một dự luật tài trợ chung tại Thượng viện và sau đó đưa ra cho các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thái độ hoài nghi về Ukraine lựa chọn chấp thuận hoặc bác bỏ cả hai[15].
Theo Business Insider, nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến lớn ở Trung Đông có thể buộc Mỹ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc đồng minh nào sẽ nhận được nguồn cung cấp đạn dược vốn đã hạn chế của Washington. Căng thẳng leo thang nhanh chóng, cộng với việc Hamas lần này đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn, có chuẩn bị và được huấn luyện bài bản, khác biệt so với những vụ tập kích trước đó khiến giới quan sát dấy lên lo ngại một cuộc chiến lớn sẽ làm rung chuyển Trung Đông trong thời gian tới. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết: “Trong những ngày tới, Bộ Quốc phòng sẽ làm việc để đảm bảo rằng Israel có những gì cần thiết để tự vệ và bảo vệ dân thường khỏi tình trạng bạo lực không kiểm soát”[16].
Không quốc gia nào nhận được nhiều hỗ trợ quân sự từ Washington như Israel trong hàng chục năm qua. Chỉ riêng trong năm nay, đất nước này dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 3,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, chiến sự Nga – Ukraine bùng phát hơn một năm trước đã chuyển sự chú ý và cả vũ khí của Mỹ từ Trung Đông sang Đông Âu. Hồi đầu năm, New York Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Mỹ có thể đang lấy đạn pháo từ một kho dự trữ khổng lồ nhưng ít được biết đến nằm trong lãnh thổ Israel và cung cấp chúng cho Ukraine. Washington dự kiến cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 viên đạn theo tiêu chuẩn NATO từ nhà kho nói trên. Tới nay, Washington đã chuyển đến Kiev hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm để giúp đẩy lùi đà tiến của quân đội Nga. Mỹ phải lấy cả vũ khí từ các kho dự trữ trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đạn dược từ Ukraine khi Kiev mở cuộc phản công diện rộng từ tháng 6 tới nay. Tháng trước, Lầu Năm Góc cho biết, vào năm 2025, họ dự định sản xuất với năng suất 100.000 viên đạn 155mm trong 30 ngày. Con số này tăng so với mức chỉ 14.000 viên/tháng vào đầu năm 2023. Mặc dù vậy, con số này dường như là không đủ để cung cấp cho lực lượng phòng thủ của Ukraine, vì Kiev ước tính sử dụng trung bình 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày[17].
Vì vậy, nếu chiến sự ở Trung Đông kéo dài, Mỹ có thể sẽ rơi vào tình thế phải chọn lựa đồng minh để giúp đỡ và kho đạn pháo đang dần cạn của Washington có thể sẽ phải san sẻ để hỗ trợ cho các bên, cũng như phải duy trì số lượng cần thiết để đảm bảo an ninh cho chính Mỹ. Trước mắt rõ ràng là quân đội Mỹ sẽ không đủ khả năng để can dự hoàn toàn vào cả 3 mặt trận Trung Đông, Ukraine và Châu Á – Thái Bình Dương.
Ở chiều hướng ngược lại, phía Nga cho rằng Mỹ không có khả năng giải quyết khủng hoảng, mọi hành động tốt nhất Mỹ có thể làm là viện trợ và lên án. Moscow cũng cho rằng, Washington cùng đồng minh nên tập trung giải quyết các vấn đề khác trên thế giới hơn là can thiệp vào việc nội bộ của Nga và “thêm dầu vào lửa” ở Ukraine. Những bất đồng đã hiện hữu trong chính quan hệ Mỹ – NATO trong vấn đề viện trợ, cùng với tình hình giao tranh phức tạp ở Gaza khiến Kiev phải có những bước tính toán thận trọng trong giai đoạn then chốt của chiến dịch phản công.
Kết luận
Trong những tháng cuối năm 2023, một cuộc chiến mới nổ ra khiến cho thế giới ngày càng khó đoán định tương lai hòa bình. Cuộc xung đột ở Ukraine đến hiện tại đã gần 600 ngày giao tranh và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, một cuộc chiến mới bùng nổ ở dải Gaza đã khiến cho sự tập trung của dư luận thế giới chuyển hướng về Trung Đông. Về phía các bên có liên quan hiện đã có những lập trường ủng hộ và kêu gọi viện trợ, song vẫn có những quan điểm ở giữa kêu gọi hòa bình. Đối với Kiev, cuộc chiến tranh bùng phát ở Israel làm giảm sự ưu tiên của nhiều bên đối với hoàn cảnh khó khăn về cuộc chiến của chính họ. Đặc biệt với trường hợp của Mỹ, quốc gia hiện đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho hai đồng minh cũng vấp phải khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực viện trợ cho cả hai bên, do nội bộ Mỹ đang gặp nhiều vấn đề. Tình hình này sẽ có lợi không chỉ cho Nga mà đối với cả Trung Quốc. Tuy vậy, ưu tiên hàng đầu của Washington vẫn sẽ là châu Âu. Và Nga quốc gia đang có quan hệ phức tạp, đa tầng nấc với các quốc gia Trung Đông sẽ rơi vào tình thế mơ hồ và khó xử hơn. Nga có thể đang cố gắng sử dụng sự bùng phát bạo lực ở Israel để đánh lạc hướng các chiến dịch của nước này ở Ukraine. Chiến tranh Nga – Ukraine và bây giờ là Israel – Hamas đã phá bỏ trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ thống trị gần hai thập niên. Những cuộc chiến nổ ra lẻ tẻ ở khu vực khác nhau có thể bùng phát thành một cuộc cuộc chiến toàn diện quy mô lớn tham gia bởi các cường quốc đặt ra thách thức to lớn với hòa bình, ổn định trên phạm vi toàn cầu./.
Tác giả: Phạm Hiền
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập theo địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Thị Kim Phụng (dịch, 2023), “Những điều cần biết về xung đột Israel-Hamas”, Nghiên cứu Quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2023/10/10/nhung-dieu-can-biet-ve-xung-dot-israel-hamas/
[2] Minh Khôi (2023), “Xung đột Israel – Hamas: Hơn 1.100 người đã chết”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/xung-dot-israel-hamas-hon-1-100-nguoi-da-chet-20231009113630743.htm
[3] Arathy Somasekhar (2023), “Oil prices surge on fears of Mideast conflict adding to supply tightness”, Reuters, https://www.reuters.com/business/energy/oil-prices-jump-middle-east-violence-roils-markets-2023-10-08/
[4] Như Tâm (2023), “Mỹ, Nga, Trung bất đồng về chiến sự Hamas – Israel”, Vnexpress, https://vnexpress.net/my-nga-trung-bat-dong-ve-chien-su-hamas-israel-4662440.html
[5] Mathew Lee, Tara Copp & Seung Min Kim (2023), “US begins delivering munitions to Israel as the American death toll rises to 11 in Hamas attacks”, AP News, https://apnews.com/article/israel-palestinians-hamas-state-department-39b9e7f15334ff756f022704f9516867
[6] Noura Erakat, Alex Kane, Joshua Leifer, Libby Lenkinski, Yousef Munayyer and Diala Shamas (2023), “How should the US respond to the Israel-Palestine crisis? Our panel weighs in”, The Guardian, https://www.theguardian.com/commentisfree/2023/oct/10/how-should-the-us-respond-to-the-israel-palestine-crisis-our-panel-weighs-in
[7][[8] Minh Phương (2023), “Trung Quốc, Nga lên tiếng về chiến sự Israel – Hamas”, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-nga-len-tieng-ve-chien-su-israel-hamas-20231008134520814.htm
[9] Jack Detsch (2023), “What Will Russia Do With Gaza Chaos?”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/10/09/russia-gaza-chaos-israel-ukraine-pentagon/
[10] Mansur Mirovalev (2023), “Ukrainians stand with Israel amid war with Hamas, despite grievances”, Aljazeera, https://www.aljazeera.com/news/2023/10/10/ukrainians-stand-with-israel-despite-grievances-tensions
[11][12] Kiều Anh (2023), “Tình cảnh của Ukraine nếu tiếp tục phản công trong mùa đông khắc nghiệt”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tinh-canh-cua-ukraine-neu-tiep-tuc-phan-cong-trong-mua-dong-khac-nghiet-post1048212.vov
[13] Josh Rogin (2023), “The wars in Israel and Ukraine are linked, along with the aid”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/opinions/2023/10/10/biden-republicans-israel-gaza-ukraine/
[14] Nadiya Palyvoda (2023), “The Pentagon announced that it will provide Israel with everything necessary to protect it from terrorist attacks”, Mind, https://mind.ua/en/news/20263708-the-pentagon-announced-that-it-will-provide-israel-with-everything-necessary-to-protect-it-from-terr
[15] Đức Hoàng (2023), “Xung đột Hamas – Israel có thể tác động ra sao tới chiến sự Nga – Ukraine?”, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/xung-dot-hamas-israel-co-the-tac-dong-ra-sao-toi-chien-su-nga-ukraine-20231008111314145.htm
[16] Jason Lange & Patricia Zengerle (2023), “US public support declines for arming Ukraine, Reuters/Ipsos poll shows”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us/us-public-support-declines-arming-ukraine-reutersipsos-2023-10-05/
[17] Jamey Keaten, Matthew Lee & Vanessa Gera (2023), “Cracks in Western wall of support for Ukraine emerge as Eastern Europe and US head toward elections”, AP News, https://apnews.com/article/ukraine-poland-us-slovakia-hungary-russia-2870e5e7652ea673c9d8fb352d123471