Trước kỳ bầu cử người lãnh đạo mới của Đài Loan dự kiến diễn ra vào ngày 13/01/2024, người dân hòn đảo này cũng như cộng đồng quốc tế đều quan tâm về một người lãnh đạo mới sẽ duy trì hay thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc và Mỹ. Cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan sẽ được quyết định bởi hàng triệu người bỏ phiếu. Đứng trước một loạt các vấn đề, trong ba ứng viên chính hiện nay bao gồm: ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến (DPP), Hầu Hữu Nghi của Quốc dân Đảng (KMT) và ông Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), đâu là lựa chọn tốt nhất mà người dân Đài Loan mong muốn?
Đại diện cho Đảng Dân Tiến (DPP): Lại Thanh Đức
Người đứng đầu Đài Loan hiện tại, Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến và bà không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Ứng cử viên của đảng chính là Lại Thanh Đức, phó chủ tịch hiện tại. Lại Thanh Đức là một chính trị gia thông minh và thành đạt muốn trở thành người lãnh đạo Đài Loan. Nếu ông giành chiến thắng vào tháng 1, đây sẽ là lần đầu tiên một đảng giành được ba nhiệm kỳ liên tiếp kể từ cuộc bầu cử dân chủ bắt đầu vào năm 1996.
Triển vọng của DPP trong cuộc đua vào Viện Lập pháp có vẻ kém lạc quan hơn khi có nhiều dự đoán đảng này khó duy trì thế đa số mà họ nắm giữ từ năm 2016. Nếu ông Lại lên nắm quyền trong khi DPP mất thế đa số trong Viện Lập pháp, viễn cảnh này có thể đặt ra thách thức trong việc tiến hành những cải cách quan trọng và tăng chi tiêu quân sự, tương tự khó khăn mà DPP gặp phải dưới thời cựu lãnh đạo Trần Thủy Biển giai đoạn 2000-2008.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Lại nhiều lần khẳng định cam kết duy trì “cách tiếp cận nguyên trạng” của bà Thái Anh Văn đối với Bắc Kinh, đồng thời nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ và những nền dân chủ khác trên thế giới. Đặc biệt, chính trị gia 63 tuổi muốn nâng cao khả năng tự vệ của Đài Loan, cho rằng hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được khi có thể tự bảo vệ mình bằng sức mạnh. Dựa vào điều này, giới phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ duy trì lập trường quyết đoán đối với Đài Bắc nếu ông Lại lên nắm quyền.
Đại diện của Quốc Dân Đảng (KMT): Hầu Hữu Nghị
Hầu Hữu Nghị đã trải qua ba thập kỷ làm cảnh sát và tham gia vào một số vụ án cấp cao, kể cả trong thời kỳ độc tài của Đài Loan. Ông là thành viên của Quốc dân Đảng từ năm 1975. Sự nghiệp chính trị của ông Hầu 65 tuổi đi lên sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại ở thành phố Tân Bắc vào cuối năm ngoái, trong đó Quốc Dân Đảng đã đánh bại Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP), đảng cầm quyền hiện nay ở Đài Loan.
Trong phát biểu hồi đầu tháng 5, ông Hầu có quan điểm phản đối việc Đài Loan độc lập nhưng cũng không chấp nhận đề nghị mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh. Ông cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công. Đây được xem là một thái độ chính trị khôn ngoan khi không đặt nặng thái độ ủng hộ hay phản đối trung Quốc.
Ứng viên của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP): Kha Văn Triết
Kha Văn Triết là nhân tố gây rối đáng kể cho cuộc đua giữa DPP và KMT. Cựu Thị trưởng Đài Bắc lần đầu tiên được bầu với tư cách độc lập vào năm 2014, được DPP hậu thuẫn, đảng không chống lại ông. 5 năm sau, ông thành lập Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP).
Ông Kha kêu gọi tăng cường khả năng quân sự của Đài Loan đồng thời tăng cường trao đổi văn hóa giữa hai bờ eo biển, và tuyên bố rằng hiện trạng độc lập trên thực tế là lựa chọn thực tế duy nhất – bất chấp kế hoạch thay đổi nó của Bắc Kinh. Ông Kha từng chỉ trích DPP là “ủng hộ chiến tranh” và cáo buộc họ thao túng vấn đề thống nhất – độc lập ở Đài Loan. Mặt khác, ứng viên TPP cũng lên án KMT quá “dễ dãi” trong cách tiếp cận với Trung Quốc.
Trung Quốc – Đài Loan: mối quan hệ chằng chịt
Các chiến lược gia Đài Loan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xâm lấn gia tăng và khó khăn trong việc đưa ra phương thức đối phó hiệu quả cho thách thức về Trung Quốc. Trung Quốc không ngừng nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến Đài Loan nói chung và cuộc bầu cử người đứng đầu mới nói riêng trên rất nhiều phương diện.
Kinh tế là biện pháp hữu hiệu
Bắc Kinh sử dụng hữu hiệu các công cụ kinh tế – chẳng hạn như tận dụng mối quan hệ thương mại rộng lớn của mình với thế giới – như một phương tiện cưỡng chế chính trị. Đài Loan thường xuyên là mục tiêu của cả cây gậy kinh tế và củ cà rốt mà Bắc Kinh sử dụng. Khi cuộc bầu cử năm 2024 đến gần, Đài Bắc đã bắt đầu thấy Bắc Kinh sử dụng lại những công cụ này để gây ảnh hưởng.
Vào ngày 12/4, một tuần sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra về các hạn chế bị cáo buộc của Đài Loan đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa từ Đại lục. Cuộc điều tra liên quan đến 2.455 sản phẩm, chủ yếu bao gồm hàng nông nghiệp, khoáng sản, hóa chất và dệt may. Bắc Kinh có thể sử dụng cuộc điều tra này như một cái cớ để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu từ Đài Loan. Mặc dù cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10, nhưng tuyên bố chính thức lưu ý rằng cuộc điều tra có thể được kéo dài đến ngày 12/01/2024 – một ngày trước cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng thương mại như một công cụ chính trị. khi Bắc Kinh đã đình chỉ nhập khẩu một số loại trái cây và cá từ Đài Loan vào năm ngoái sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Những hành động này bày tỏ một thái độ không vừa lòng đối với Đài Loan khi có quan hệ gắn bó với Mỹ- một đối thủ cả trong kinh tế và an ninh quân sự.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cả tăng trưởng kinh tế và sự bất ổn ở Đài Loan. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Đài Loan dự kiến sẽ hạ nhiệt sau cuộc bầu cử vào tháng Giêng, lạm phát dự kiến cũng sẽ như vậy. Sẽ rất khó để đánh giá nền kinh tế năm 2023 có thể ảnh hưởng đến cử tri như thế nào vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ tìm kiếm những cách thức mới để tận dụng nền kinh tế của mình nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan.
Dùng quốc phòng để kiểm soát Đài Loan
Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến thuật cưỡng chế mà không phải xung đột vũ trang, và họ đã tăng cường các biện pháp này kể từ cuộc bầu cử của bà Thái Anh Văn vào năm 2016. Mục tiêu của họ là làm suy yếu Đài Loan và khiến người dân hòn đảo kết luận rằng lựa chọn tốt nhất của họ là thống nhất với Đại lục. Để đạt được mục đích đó, Trung Quốc đã tăng tần suất và quy mô các cuộc tuần tra của máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay giám sát của quân đội Trung Quốc (PLA) trên và xung quanh Đài Loan. Nước này cũng ngày càng điều tàu chiến và tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan để phô trương lực lượng.
Kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016, Bắc Kinh đã không cố gắng che giấu sự khinh miệt của mình đối với Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền. Các quan chức CHND Trung Hoa thường mô tả DPP là “những kẻ ly khai” đang làm cho quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, Bắc Kinh đã gia tăng các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời đổ lỗi cho Chính quyền Thái Anh Văn. Đó là một nỗ lực khác nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới của Đài Loan theo cách có thể tác động tiêu cực đến DPP và bất kỳ đảng chính trị nào khác không được Bắc Kinh chấp thuận.
Từ ngày 08/4/2023, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài ba ngày xung quanh đảo Đài Loan. Quân đội Trung Quốc cho biết, sẽ tiến hành tuần tra, tăng cường năng lực sẵn sàng tác chiến của các lực lượng vũ trang. Một số lượng lớn tàu chiến và máy bay quân sự đã được Trung Quốc huy động tham gia cuộc tập trận. Đợt tập trận này được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc phản đối mạnh mẽ cuộc gặp mới đây giữa người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Mỹ. Các cuộc tập trận của Trung Quốc không đơn thuần diễn tập, mà bản thân nó là một hình thức cưỡng ép quân sự. Bắc Kinh đang dùng quân sự để thay đổi hành vi của Đài Loan, mà trong trường hợp cụ thể này là ngăn các cuộc gặp cấp cao tiếp theo của lãnh đạo Đài Loan và Mỹ.
Giải thích về việc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục hoạt động dù thông báo kết thúc tập trận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các biện pháp kiên quyết nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh. Thông điệp của Trung Quốc với Đài Loan trở nên rõ ràng: việc tập trận của Trung Quốc tiếp tục nhằm “nắn gân” Đài Bắc với mức độ ngày càng mạnh mẽ, song hành với từng diễn biến căng thẳng giữa đại lục và hòn đảo này.
Ngày 13/6, Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến dịch tập trận trên biển Hoa Đông, khu vực phía Bắc đảo Đài Loan. Đợt tập trận trên biển Hoa Đông diễn ra cùng thời điểm với cuộc tập trận hải quân bốn bên trên biển Philippines, với sự tham gia của lực lượng Mỹ, Nhật Bản, Canada và Pháp. Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo lập vùng cấm tàu thuyền đi lại từ sáng đến chiều ngày 13/6, ở khu vực ngoài khơi thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, để các tàu chiến tập trận bắn đạn thật. Cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc gần Đài Loan diễn ra vào thời điểm NATO đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nơi các nhà lãnh đạo gọi Trung Quốc là lực lượng đối lập với “tham vọng và chính sách cưỡng chế”.
Như vậy, những gì Trung Quốc làm đều có thông điệp đằng sau đó, rằng Đài Loan là lợi ích cốt lõi, là chủ quyền mà Trung Quốc không bao giờ từ bỏ và luôn sẵn sàng hành động để bảo vệ lấy.
Trung Quốc và thủ đoạn sử dụng sức mạnh mềm
Trong cuộc chiến tranh thông tin tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới, không thể phủ nhận sự thành công trong việc khẳng định vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trung Quốc đang làm rất tốt mục tiêu cho thế giới thấy rằng Trung Quốc có đủ tiềm lực, sức mạnh và ý chí để giành lại Đài Loan và do đó các nước dù đồng tình hay ủng hộ với Đài Loan thì cũng phải cân nhắc đến thiệt hơn do Trung Quốc có thể nổi giận. Trung Quốc đã từng đe dọa các nước có quan hệ với Đài Loan. Như năm 2021, Trung Quốc cắt đứt thương mại với Litva vì đã mở văn phòng đại diện của Đài Loan tại thủ đô nước này.
Trung Quốc đã tăng cường can thiệp vào các tình hình ổn định của Đài Loan với các phương pháp bao gồm truyền bá thông tin sai lệch trên mạng xã hội và tăng cường kiểm soát đối với các cơ quan truyền thông Đài Loan. Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2020, Trung Quốc đã lan truyền thông tin sai lệch với nỗ lực rõ ràng nhằm gây tổn hại cho bà Thái Anh Văn và thúc đẩy ứng cử viên của Quốc dân Đảng. Những nỗ lực như vậy là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm sử dụng vũ lực để làm xói mòn niềm tin vào hệ thống chính trị của Đài Loan và gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Đài Loan.
Đài Loan đã báo cáo rằng hàng ngàn cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc nhắm vào các cơ quan chính phủ của họ mỗi ngày. Những cuộc tấn công đã tăng vọt trong những năm gần đây. Vào năm 2020, Đài Bắc đã cáo buộc bốn nhóm người Trung Quốc đã xâm nhập vào ít nhất mười cơ quan chính quyền Đài Loan và sáu nghìn tài khoản email chính thức kể từ năm 2018 để cố gắng truy cập dữ liệu của chính quyền và thông tin cá nhân.
Và dù Đài Loan đã có những nỗ lực nhằm hạn chế sự can thiệp của Trung Quốc, tuy nhiên, chính trị luôn phức tạp ngay cả những kế hoạch ngăn chặn tốt nhất. Một lo lắng lớn đối với chính quyền Đài Loan là bản chất ngày càng độc đoán của nền chính trị Bắc Kinh, khiến cho việc đánh giá các quyết định của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc không ngừng gây ra tình trạng căng thẳng và bất ổn tại Đài Loan với nhiều hình thức khác nhau và diễn ra trong một khoảng thời gian dài với mục tiêu làm nhụt ý chí và khiến mọi người dân cảm thấy không an toàn, chấp nhận ủng hộ Trung Quốc. Đây là vấn đề nhức nhối của quốc gia mà người lãnh đạo mới cần có cách đối phó phù hợp.
Mỹ và tương lai với Đài Loan
Năm 1979, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với CHND Trung Hoa. Đồng thời, họ cắt đứt quan hệ ngoại giao và bãi bỏ hiệp ước phòng thủ chung với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan – ROC). Nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ và tiếp tục bán thiết bị quốc phòng cho hòn đảo này. Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Washington ngừng bán vũ khí và ngừng liên lạc với Đài Bắc.
Cách tiếp cận của Hoa Kỳ được điều chỉnh bởi chính sách “Một Trung Quốc”[1]. Nó dựa trên một số tài liệu, chẳng hạn như ba thông cáo chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được vào năm 1972, 1978 và 1982; Đạo luật Quan hệ Đài Loan[i], được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1979; và “Sáu đảm bảo”[2] mới được giải mật gần đây, mà Tổng thống Ronald Reagan đã chuyển tới Đài Loan vào năm 1982. Những tài liệu này chỉ ra rằng Hoa Kỳ:
Thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc và CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc (một số quan chức Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng việc sử dụng từ “thừa nhận” ngụ ý rằng Hoa Kỳ các quốc gia không nhất thiết phải chấp nhận quan điểm của Trung Quốc); bác bỏ mọi việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; duy trì các mối quan hệ văn hóa, thương mại và các mối quan hệ khác với Đài Loan, được thực hiện thông qua Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT); cam kết bán vũ khí cho Đài Loan để tự vệ; Và sẽ duy trì khả năng bảo vệ Đài Loan, trong khi không thực sự cam kết làm như vậy—một chính sách được gọi là sự mơ hồ chiến lược.
Mục tiêu chính của Hoa Kỳ là duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và họ đã kêu gọi cả Bắc Kinh và Đài Bắc duy trì hiện trạng. Washington nói rằng họ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Thông qua chính sách mơ hồ chiến lược của mình, Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ đã cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa việc hỗ trợ Đài Loan và ngăn chặn một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng Tổng thống Joe Biden dường như đã bác bỏ chính sách này, nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Các quan chức Nhà Trắng đã rút lại bình luận của ông, nói rằng chính sách không thay đổi, nhưng cuối cùng, tổng thống sẽ quyết định cách phản hồi. Một số thành viên của Quốc hội và một số chuyên gia, bao gồm Chủ tịch CFR Richard Haass và Nghiên cứu viên David Sacks, đã hoan nghênh các tuyên bố của Biden, cho rằng việc Trung Quốc gia tăng gây hấn đòi hỏi sự rõ ràng. Các chuyên gia khác đã không đồng ý với ý kiến này.
Các chính quyền gần đây của Hoa Kỳ đã tiếp cận Đài Loan như thế nào?
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã tăng cường quan hệ với Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, bao gồm cả việc bán vũ khí trị giá hơn 18 tỷ đô la cho quân đội và khánh thành một khu phức hợp trị giá 250 triệu đô la cho Đại sứ quán trên thực tế của họ ở Đài Bắc. Trump đã nói chuyện với Tsai qua điện thoại trước lễ nhậm chức của ông, mức liên lạc cao nhất giữa hai bên kể từ năm 1979. Ông cũng cử một số quan chức chính quyền cấp cao – bao gồm cả một thành viên nội các – đến Đài Bắc, và trong những ngày cuối cùng tại vị, Bộ Ngoại giao loại bỏ những hạn chế đã tồn tại từ lâu về địa điểm và cách thức các quan chức Hoa Kỳ có thể gặp gỡ các đối tác Đài Loan của họ.
Chính quyền Biden đã thực hiện một cách tiếp cận tương tự, tiếp tục bán vũ khí và khẳng định quyết định của chính quyền Trump cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ tự do hơn với các quan chức Đài Loan. Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên mời đại diện Đài Loan dự lễ nhậm chức tổng thống. Hoa Kỳ tham gia huấn luyện quân sự và đối thoại với Đài Loan, thường xuyên đưa tàu qua eo biển Đài Loan để thể hiện sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, đồng thời khuyến khích Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngoài ra, Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội trong những năm qua, với việc các nhà lập pháp đề xuất và thông qua luật nhằm thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan, củng cố khả năng phòng thủ của hòn đảo và khuyến khích Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế. Luật được đề xuất mới nhất, Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022[3], bao gồm việc chỉ định Đài Loan là một đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vào tháng 8/2022, Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Bắc – diễn giả đầu tiên làm như vậy kể từ Newt Gingrich vào năm 1997 – và gặp Thái Anh Văn. Bắc Kinh lên án mạnh mẽ chuyến thăm và đáp lại các cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch nhằm bao vây hòn đảo một cách hiệu quả và cấm nhập khẩu một số loại trái cây và cá từ Đài Loan, cùng các hành động khác. Chưa đầy một năm sau, Thái Anh Văn đã gặp tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong chuyến thăm California vào tháng 3 năm 2023. McCarthy là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ trong gần 30 năm gặp một nhà lãnh đạo Đài Loan trên đất Mỹ. Bất chấp tính chất ngắn ngủi của chuyến thăm, nó đã gây ra phản ứng mạnh mẽ tương tự của Trung Quốc, bao gồm cả việc lên án, các biện pháp trừng phạt mới và phô trương lực lượng ở eo biển Đài Loan[4].
Vào thời điểm Trung Quốc tiếp tục đơn phương leo thang tình hình căng thẳng trong khu vực, Quốc hội Mỹ liên tiếp tổ chức các phái đoàn sang thăm Đài Loan, thể hiện rõ sự ủng hộ vững chắc đối với Đài Loan. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul đã dẫn đầu phái đoàn gồm 8 nghị sĩ Quốc hội Mỹ sang thăm Đài Loan từ ngày 06/4 đến ngày 08/4/2023. Chủ tịch “Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa” (The Republican Study Committee, RSC) của Hạ viện Mỹ – ông Kevin Hern đã dẫn đầu phái đoàn sang thăm Đài Loan từ ngày 03/7 đến ngày 07/7/2023. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Foreign Ministers’ Meeting) lần thứ 56 và một loạt hội nghị đã được tổ chức từ ngày 11/7 đến ngày 14/7 tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trong cuộc hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và các hội nghị liên quan như Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ-ASEAN.
Tại cuộc họp báo tổ chức vào ngày 14/7, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nêu rõ Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều quan ngại về các hành động ngày càng độc đoán của Trung Quốc ở biển Nam Hải (biển Đông), biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Mỹ nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan vì hơn một nửa số lượng hàng hóa quốc tế được vận chuyển qua eo biển Đài Loan mỗi ngày và hơn 70% chip bán dẫn của thế giới được sản xuất tại Đài Loan. Do đó, hòa bình ở eo biển Đài Loan phù hợp lợi ích của tất cả các nước. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng.
Tương lai của Đài Loan sẽ thế nào?
Hòa bình tiếp tục giữa hai bờ eo biển
Trung Quốc ngày càng có những hành động mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm đối với Đài Loan và sẽ không bao giờ từ bỏ điều đó. Nhưng chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ không thể xảy ra trong vòng 1-2 năm tới và cũng có thể tránh được. Trung Quốc với tiềm lực hiện tại với bối cảnh hiện tại thì tham vọng của Trung Quốc là điều mà chúng ta không thể giới hạn được. Trung Quốc đối đầu với Mỹ nhưng đồng thời cũng cần Mỹ, nền kinh tế của Trung Quốc đã quốc tế sâu rộng trên thế giới, Mỹ và đồng minh đều là những bạn hàng quan trọng. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến Trung Quốc học được bài học để áp dụng vào mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc – Đài Loan. Trung Quốc sẽ có cách có được Đài Loan nhưng Mỹ liệu có chịu đứng yên và Trung Quốc sẽ không chấp nhận mất đi thị trường kinh tế quốc tế, cũng không thể chịu được hàng loạt cách lệnh cấm vận như Nga đang phải đối mặt. Hòa bình là có cơ hội và đó cũng là điều mà người dân Đài Loan mong mỏi. Đa số người dân Đài Loan tin rằng nếu họ giành độc lập, Trung Quốc sẽ tấn công, và khi đó tỷ lệ những người ủng hộ Đài Loan độc lập giảm xuống. Vì vậy, người Đài Loan rất thực tế về tình hình an ninh họ không muốn tạo ra những hoàn cảnh có thể phá hủy cuộc sống tốt đẹp mà họ đang có. Họ cũng tin rằng nếu họ độc lập và Trung Quốc tấn công, Hoa Kỳ có thể sẽ không đến viện trợ cho họ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề độc lập của Đài Loan, cách tốt nhất là phải do hai bên (Đài Loan và Trung Quốc) cùng quyết định, được giải quyết một cách hòa bình và nhận được sự ủng hộ của người dân Đài Loan. Điều này có được thực hiện hay không sẽ dựa vào người lãnh đạo mới được bầu chọn vào đầu 2024 tới đây.
Căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan tiếp tục leo thang
Người Đài Loan ngày càng tạo lập bản sắc riêng một cách rõ ràng và kinh tế ngày càng tạo được vị thế. Tình trạng này dẫn tới việc phe chủ chiến trong giới lãnh đạo Bắc Kinh mong muốn quản lý được Đài Loan. Họ có quan điểm rằng sau hơn 20 năm hiện đại hóa thì quân đội Trung Quốc đã có đủ thực lực và số lượng để tiến hành mở rộng lãnh thổ, và mục tiêu đầu tiên bị nhắm đến chính là Đài Loan. Quân đội Trung Quốc giờ được cho là đủ khả năng tiến hành chiến tranh dài hạn và tổ chức đánh chiếm, chốt giữ các mục tiêu quân sự trên Đài Loan với tổn thất ở mức chấp nhận được. Phe chủ chiến cũng cho rằng càng đợi lâu thì sẽ càng khó thu hồi Đài Loan bởi hòn đảo này sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị và kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Bên cạnh đó, thu hồi Đài Loan sớm thì Trung Quốc sẽ có thêm lợi thế trong chiến lược mở rộng hiện diện quân sự ra khu vực Thái Bình Dương. Đài Loan là một trong năm khu vực thuộc chuỗi đảo thứ nhất Tây Thái Bình Dương (bên cạnh Nhật, Hàn Quốc, Philippines và quần đảo Sunda lớn). Kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất sẽ giúp Trung Quốc tạo được thế vây quanh Biển Đông, rộng đường tiến ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương cũng như hạn chế được sự hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh.
Đài Loan chuẩn bị cho kịch bản bị tấn công
Tranh thủ ủng hộ từ các quốc gia khác
Chiến lược của các cường quốc sẽ được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của thế giới gắn với các cường quốc và rõ ràng rằng trong vòng 10 – 20 năm nữa, Mỹ và Trung Quốc vẫn là các cường quốc lớn mạnh. Trên tâm thế là hai cường quốc cạnh tranh, chắc chắn vấn đề tranh giành ảnh hưởng tại khu vực, tiêu biểu là Đài Loan vẫn là vấn đề nóng. Đồng thời có thể dễ dàng nhận thấy Mỹ và châu Âu là những quốc gia có thái độ ủng hộ Đài Loan một cách rõ ràng hơn các quốc gia khác. Do đó Đài Loan cần kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ từ các quốc gia ủng hộ hòn đảo này để tạo dựng được truyền thông đứng về phía Đài Loan, đồng thời ủng hộ các nước dân chủ cùng thể hiện sức mạnh răn đe để kiềm chế dã tâm của Trung Quốc.
Xây dựng trí lực, tài lực
Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng nhiều cách thức đe dọa để ép buộc Đài Loan phải khuất phục. Do đó, Đài Loan phải hiểu rõ chiến thuật của Trung Quốc và ứng phó một cách thận trọng. Đài Loan ở tuyến đầu đối mặt với sự bành trướng chủ nghĩa độc tài Trung Quốc, nếu Đài Loan thất thủ thì các nước dân chủ khác cũng sẽ phải trả giá. Vì vậy, Đài Loan phải tích cực tăng cường năng lực tự phòng vệ, chuẩn bị ứng phó để tránh chiến tranh. Đầu tư vào công nghệ máy móc kỹ thuật quân sự hiện đại, huấn luyện quân đội tinh nhuệ, sẵn sàng ứng biến.
Xây dựng tiềm lực kinh tế mạnh
Đài Loan là nước dẫn đầu về sản xuất chip bán dẫn, eo biển Đài Loan là tuyến hàng hải quan trọng để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến các nơi trên thế giới. Đài Loan bằng cách tận dụng được ưu thế về công nghệ, phát triển kinh tế, từ đó mở rộng cơ hội để tham gia các tổ chức kinh tế, quốc tế và có mối quan hệ với các quốc gia để nhận được sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế. Đài Loan hiện tại có thể nhận được sự ủng hộ của Mỹ nhưng 10 năm, 20 năm sau có thể quốc gia này sẽ không còn đóng vai trò vị trí chiến lược hoặc Trung Quốc đã đủ mạnh và không còn phải nhìn thái độ của bất kì ai nữa. Thì nền hòa bình của Đài Loan sẽ chỉ có thể do quốc gia này tự mình bảo vệ, kinh tế là vũ khí quan trọng nhất cho một chủ quyền vững chắc và là điều kiện để giữ vững chủ quyền.
Một số vấn đề đặt ra
Đối với Việt Nam, quan điểm đối ngoại của Việt Nam hiện tại và tương lai luôn là độc lập, tự chủ, không phụ thuộc cũng như nghiêng về bên nào. Do đó việc người lãnh đạo mới của Đài Loan thuộc Đảng cầm quyền nào và có đường lối, chính sách ủng hộ “độc lập” Đài Loan hay ủng hộ “một Đài Loan hai chế độ” thì nhìn chung sẽ không tác động đến mức Việt Nam cần thay đổi chiến lược phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, mối quan hệ Đài Loan – Trung Quốc là một mối quan hệ nhạy cảm, mà Trung Quốc lại là một quốc gia láng giềng đặc biệt quan trọng, Việt Nam cần có chính sách đối ngoại khôn khéo và phù hợp. Đồng thời đây cũng là một vấn đề quốc tế nổi bật và có sự tác động đến tình hình khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần theo dõi diễn biến nhanh chóng, kịp thời của kì bầu cử sắp tới của Đài Loan.
Đối với cộng đồng quốc tế, các nước quanh eo biển Đài Loan bao gồm cả Việt Nam cần xác định phản ứng trước những sự tác động của mối quan hệ Trung Quốc- Đài Loan và quan hệ Mỹ- Trung tại đây. Đặc biệt giới lãnh đạo các quốc gia cần quan tâm đến sự hiện diện của công dân nước mình tại Đài Loan và các nước quanh khu vực Đài Loan để kịp thời có những biện pháp phù hợp. Ngoài vấn đề trên, các nước quanh khu vực sẽ phải thận trọng trong chiến lược giữ thái độ trung lập khi đứng trước các yêu cầu hỗ trợ đến từ Mỹ cũng như áp lực từ Trung Quốc.
Việc người lãnh đạo mới của Đài Loan là ai luôn được báo giới khu vực, quốc tế quan tâm vì sự nóng của tình hình chính trị, quân sự tại hòn đảo này. Khác với sự lên cầm quyền của một quốc gia độc lập, chiến lược quốc gia thường được duy trì và thực hiện có sự đồng nhất. Tuy nhiên Đài Loan đặc biệt hơn, không chỉ là sự chuyển giao quyền lực giữa nhà lãnh đạo cũ và nhà lãnh đạo mới hay giữa các Đảng phái với nhau mà còn là sự thay đổi mang tính chất sống còn, tồn vong và hệ trọng. Nên tại Đài Loan dù chỉ là sự thay đổi nhỏ của người lãnh đạo cũng sẽ gây ra sự ảnh hưởng, tác động không nhỏ để an ninh khu vực và hòa bình thế giới.
Tác giả: Hoàng Bích Phượng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1]. Richard C. Bush (2017), A One-China Policy Primer, https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2017/03/one-china-policy-primer-web-final.pdf
[2]. Congress, H.R.2479 — 96th Congress (1979-1980), https://www.congress.gov/bill/96th-congress/house-bill/2479
[3]. The Taiwan Policy Act of 2022, https://www.foreign.senate.gov/imo/media/doc/SBS%20Taiwan%20Policy%20Act%20FINAL%20(1).pdf
[4]. LindsayMaizland (2023), Why China-Taiwan Relations Are So Tense, https://www.cfr.org/backgrounder/china-taiwan-relations-tension-us-policy-biden
[5]. Riley Walters (2023), The Role of Economic Issues in Taiwan’s 2024 Presidential Election, https://globaltaiwan.org/2023/05/the-role-of-economic-issues-in-taiwans-2024-presidential-election/
[6]. The Guardian (2023), Taiwan’s choice: who will replace Tsai Ing-wen as president amid China tensions?, https://www.theguardian.com/world/2023/may/24/taiwans-choice-who-will-replace-tsai-ing-wen-as-president-amid-china-tensions
[7]. Richard C.Bush, Ryan Hass, David Dollar (2023), How serious is the risk of war over Taiwan?, https://www.brookings.edu/articles/how-serious-is-the-risk-of-war-over-taiwan/
[8]. Made for minds (2023), China holds large military drills near Taiwan, https://www.dw.com/en/china-holds-large-military-drills-near-taiwan/a-66196864
[9]. Nguyên Nguyễn (2023), Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Đài Loan, https://nghiencuuchienluoc.org/chien-thuat-vung-xam-cua-trung-quoc-gia-tang-ap-luc-doi-voi-dai-loan/
[10]. Taiwan Today (2023), Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Pháp “France 24”, nhấn mạnh chiến tranh ở eo biển Đài Loan không phải là không thể tránh được, https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=239463
[11]. Vĩ Cường (2021), Kịch bản xung đột Trung Quốc – Đài Loan ngày càng hiện rõ, Kịch bản xung đột Trung Quốc – Đài Loan ngày càng hiện rõ (24h.com.vn)
[12]. Bình Giang (2023), Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần đảo Đài Loan, https://tienphong.vn/trung-quoc-tap-tran-ban-dan-that-gan-dao-dai-loan-post1542533.tpo
[13]. Nhật Đăng (2023), Trung Quốc: Hoạt động quân sự vẫn tiếp diễn quanh Đài Loan sau tập trận, https://tuoitre.vn/trung-quoc-hoat-dong-quan-su-van-tiep-dien-quanh-dai-loan-sau-tap-tran-2023041211491753.htm
[14]. Mai Quyên (2023), Bầu cử Đài Loan và mối quan tâm từ Đông Nam Á, https://baocantho.com.vn/bau-cu-dai-loan-va-moi-quan-tam-tu-dong-nam-a-a160483.html
[15]. Trần Phương (2023), Đảng đối lập Đài Loan chọn cựu sếp cảnh sát làm ứng viên cho bầu cử 2024, https://tuoitre.vn/dang-doi-lap-dai-loan-chon-cuu-sep-canh-sat-lam-ung-vien-cho-bau-cu-2024-20230517145844307.htm