...Tiếp nội dung Phần I
Học thuyết nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ
Cho dù Mỹ Latinh là đối tượng áp dụng chủ yếu và chịu nhiều hệ quả trực tiếp nhất từ Học thuyết Monroe, để đánh giá đầy đủ hơn vai trò và tầm quan trọng của học thuyết này phải xét tới những tác động sâu rộng của nó trong tổng thể lịch sử chính sách đối ngoại của Mỹ trong quá trình vươn lên trở thành siêu cường lớn nhất thế giới và đế quốc có tiềm lực khống chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, bao gồm cả những diễn giải khác nhau nhiều khi tới mức mâu thuẫn về học thuyết này ngay trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ qua những thời kỳ lịch sử và trong những không gian địa lý khác nhau.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng “thời đại của Học thuyết Monroe đã kết thúc” đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) năm 2013 được trích dẫn ở trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán của tiến trình Mỹ và Cuba tái thiết lập quan hệ ngoại giao và Thỏa thuận Hòa bình tại Colombia đang trong giai đoạn cuối cùng (dù cuộc đàm phán với Cuba là bí mật). Sau đó, trong nỗ lực tạo đối trọng với chính phủ tiền nhiệm, cả Ngoại trưởng của chính quyền Donald Trump, Rex Tillerson, lẫn Cố vấn An ninh quốc gia – John Bolton, đều ca ngợi Học thuyết Monroe như cơ sở định hướng cho hành động của Mỹ tại Mỹ Latinh. Tới lượt mình, Tổng thống Joe Biden, cho dù không nêu đích danh học thuyết này, cũng thể hiện quan điểm bất đồng với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump khi cảnh báo rằng: “Nam Mỹ không phải là sân sau của Mỹ” và phản đối, ít nhất là về hình thức, những ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước tại Tây Bán Cầu.
Trong hơn một thế kỷ tồn tại đầu tiên, Học thuyết Monroe từng được coi là biểu tượng vinh quang của nước Mỹ, gần sánh ngang được với Tuyên ngôn Độc lập. Nhưng sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, sự đồng thuận trong giai cấp cầm quyền Mỹ về học thuyết này rạn nứt và một số đảng viên Đảng Dân chủ, đã bắt đầu coi nó, về mặt lý luận và hình ảnh chính trị, như một biểu tượng của chủ nghĩa can thiệp quân sự của Mỹ tại Tây Bán Cầu.
Nhưng dù sao thì kể từ khi ra đời năm 1823, và đặc biệt từ khi được chính thức coi là một học thuyết từ thập kỷ 1850, tư tưởng này luôn hiện hữu, công khai hoặc bao hàm, trong các cuộc tranh luận về chiến lược hành động quốc tế của Mỹ, bất chấp việc tới nay nó vẫn không được thừa nhận vị thế nổi bật đáng có trong danh mục danh dự của Mỹ về chính sách đối ngoại (có thể vì lý do tế nhị chính trị).
Như đã nói, mục đích công khai ban đầu của Học thuyết Monroe là nhằm đánh bại bất cứ bước tiến nào theo hướng tái thực dân hóa khu vực này từ Khối Đồng minh lớn, nhóm các nước bảo thủ châu Âu muốn duy trì trật tự và nguyên trạng của thế giới mà họ là bá chủ. Chính phủ Mỹ khi đó tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận bất cứ âm mưu nào của các nước châu Âu “muốn mở rộng hệ thống của họ ra bất cứ phần lãnh thổ nào tại Tây Bán Cầu” và bổ sung thêm rằng bất cứ vận động nào theo hướng này đều là một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh của châu Mỹ. Nhấn mạnh nguyên tắc qua lại, thông điệp này cũng chỉ rõ rằng Mỹ sẽ không can dự vào các vấn đề chính trị của châu Âu.
Xét về nguồn gốc lý luận, học thuyết này được hình thành trên nguyên tắc chính sách đối ngoại hòa bình và bảo đảm chủ quyền của các nhà nước non trẻ khi ngăn chặn bất kỳ hình thức can thiệp nào của các cường quốc ngoài khu vực vào các vấn đề của Tây Bán Cầu, nhưng trong thực hành, nó đã mang tầm nhìn hoàn toàn khác sau khi tu chính án thường được biết đến với tên gọi Hệ luận Roosevelt (Roosevelt Corollary) ra đời vào đầu thế kỷ XX. Trong khuôn khổ chiến lược khẳng định vai trò cường quốc toàn cầu của Mỹ, tu chính án bắt đầu có hiệu lực dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt này vận dụng Học thuyết Monroe để biện minh cho quyền và nghĩa vụ của Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ tại nhiều nước châu Mỹ không chỉ trước rủi ro can thiệp từ châu Âu như từng đề ra, mà còn cả trong những trường hợp mà Chính phủ Mỹ cho rằng mang lại nguy cơ rối loạn chính trị hoặc bất cứ hình thức “phá vỡ trật tự” nào khác.
Kể từ đó, học thuyết này tích hợp vào nền tảng của mình chủ trương can thiệp, lập trường mà trên trường quốc tế ngày càng được củng cố với khái niệm “phạm vi ảnh hưởng” để mô tả mối quan hệ của Mỹ với các nước châu Mỹ còn lại. Như vậy, Học thuyết Monroe đã trở thành một ví dụ điển hình của tuyên bố đơn phương của một cường quốc để khẳng định trách nhiệm đặc quyền của mình tại một khu vực rộng lớn hơn lãnh thổ tự nhiên, tạo ra một tiền đề cho các cường quốc khác có bước đi tương tự đối với ở những khu vực khác trên thế giới.
Điều chỉnh quan trọng thứ hai của Học thuyết Monroe được ghi nhận khi Tổng thống Woodrow Wilson tuyên bố vào ngày 22/1/1917, rằng nó cần phải trở thành một học thuyết cho cả thế giới. Hàm ý của vị nguyên thủ này không phải là việc nhân rộng sang các khu vực khác nhận thức về không gian không được can thiệp, như phát biểu ban đầu của học thuyết; mà ngược lại, tổng thống thứ 28 của Mỹ cho rằng những nền tảng và chủ trương can thiệp của học thuyết này là không có biên giới, nói cách khác là nó có thể được áp dụng tại mọi nơi trong phần thế giới do Mỹ lãnh đạo, và Washington có thể can thiệp về kinh tế và quân sự tại cả các lục địa khác ngoài châu Mỹ. Vai trò “ngoại lệ” này của Mỹ, về mặt lý luận, dựa trên sự kết hợp của Học thuyết Monroe với một số nguyên tắc và học thuyết khác.
Những diễn giải khác nhau này của 2 vị tổng thống Mỹ trên về Học thuyết Monroe cần được hiểu không phải qua hệ quy chiếu thường lệ về sự phân tách giả tạo giữa trường phái cô lập và trường phái toàn cầu trên chính trường Mỹ, mà qua tổng thể những phát ngôn và thực hành chính sách đối ngoại Mỹ xung quanh những nhận thức trái ngược nhau về trật tự thế giới.
a) Phạm vi ảnh hưởng hay bá quyền
Theodore Roosevelt là tổng thống Mỹ đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng “chú Sam” phải đóng một vai trò nổi bật trong nền chính trị quốc tế vượt ra ngoài khuôn khổ Tây Bán Cầu. Đơn cử, ông từng có ý đồ tránh vai trò áp đảo của một cường quốc tại Trung Quốc, điều có thể ngăn cản trao đổi thương mại của Mỹ với quốc gia Á Đông đang ở giai đoạn thay đổi thời đại lịch sử này. Để đạt mục đích này, Mỹ tìm cách liên minh với Anh để đối kháng ưu thế của Nga hay Nhật Bản tại Viễn Đông và từ đó tạo ra thế cân bằng quyền lực giữa các cường quốc hiện diện tại Trung Quốc. Cá nhân Tổng thống Roosevelt tham gia và đóng vai trò quyết định trong các cuộc đàm phán chấm dứt Chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905), cũng như trong thỏa thuận giữa Pháp và Đức liên quan tới tranh chấp về Maroc (1905-1906). Với việc ký kêt Thỏa thuận Taft-Katsura (1907), Nhật Bản chấp nhận tôn trọng việc Mỹ có mặt tại Philippines và đổi lại, Mỹ cam kết không cản trở sự hiện diện quân sự của Nhật Bản tại Triều Tiên. Nói một cách ngắn gọn, tại Tây Bán Cầu, Mỹ bảo lưu quyền can thiệp vào các nước “bất ổn”, trong khi tại các khu vực khác trên thế giới, Washington tìm kiếm thế cân bằng quyền lực từ việc thừa nhận sự tồn tại của các phạm vi ảnh hưởng.
Sau Chiến tranh Nga – Nhật 1904 – 1905, đặc phái viên của Nhật Bản tại Washington đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Robert Lansing và trình bày nhưng định hướng của luận điểm mà sau này được gọi là “Học thuyết Monroe châu Á”. Do Mỹ được hưởng vị thế ưu tiên tại Tây Bán Cầu, đặc biệt là tại Mexico và Trung Mỹ, Chính phủ Nhật Bản khi đó cho rằng họ phải được công nhận “lợi ích đặc biệt” tại Trung Quốc và một số nước Đông Á khác, như Mông Cổ và Triều Tiên, và bày tỏ quan ngại trước ảnh hưởng và can thiệp từ các cường quốc ngoài khu vực. Năm 1905, đích thân Tổng thống Roosevelt đã bày tỏ sự ủng hộ đối với “Học thuyết Monroe” phiên bản Nhật Bản này tại châu Á và chấp nhận lập luận của Tokyo rằng Nhật Bản đang “bảo vệ” phương Đông trước những cuộc hành binh của người châu Âu. Sau đó, liên tiếp các đời Ngoại trưởng Mỹ William Jennings Bryan và Robert Lansing đã chính thức công nhận, vào các năm 1915 và 1917, những “lợi ích đặc biệt” của Nhật Bản tại Trung Quốc, đặc biệt lại tại những vùng tiếp giáp giữa lãnh thổ và lãnh hải hai nước.
Nhà triết học và luật gia Carl Schmidt cho rằng Học thuyết Monroe là ví dụ đầu tiên của việc hình thành một “Großraum” (khái niệm riêng do Schmidt đưa ra và sau được nhiều nhà nghiên cứu chính trị sử dụng lại và sơ lược thành “phạm vi ảnh hưởng” hay “khu vực ảnh hưởng”) và cũng là trường hợp thành công nhất, khi học thuyết này – được Mỹ bảo vệ như “biểu hiện của quyền tự vệ không thể xâm phạm” – đã giành được giá trị mang tính quốc tế sau khi được chính thức công nhận trong điều khoản 21 trong hiệp ước thành lập Hội Quốc liên. Theo cách diễn giải này, Học thuyết Monroe đã tạo ra một tiền đề để biện minh cho “Großraum” của Đức tại Trung và Đông Âu, cũng như của Nhật Bản tại châu Á, và không hề là một nguyên tắc trừu tượng hay mù mờ, nó được thể hiện bằng những giới hạn lãnh thổ cụ thể trong thực hành. Sau khi Đức xâm lược Tiệp Khắc năm 1939, Ngoại trưởng của “Đệ tam đế chế” Joachim Von Ribbentrop lập luận rằng hành động của Chính phủ Đức đơn thuần là việc áp dụng tại châu Âu những nguyên tắc từng được Học thuyết Monroe ấn định, và đây là việc thực thi hợp pháp quyền lực trong “Großraum” của mình, nói cách khác, đây là một trật tự mới trong đó sự công nhận lẫn nhau các phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc sẽ thay thế trật tự theo Âu tâm luận truyền thống.
Đáp ứng yêu cầu của một nhóm nghị sĩ Mỹ, đa số thuộc Đảng Cộng hòa, Tổng thống Wilson đã yêu cầu hiệp ước thành lập Hội quốc liên phải bao gồm một sự công nhận cụ thể và đặc biệt đối với Học thuyết Monroe, để loại bỏ mối lo rằng tổ chức đa quốc gia mới này có những tôn chỉ không tương thích với học thuyết trên và có thể buộc Mỹ phải liên quan tới những cuộc xung đột không mong muốn bên ngoài châu Mỹ. Đề xuất này được thông qua và được thể hiện trong điều khoản 21: “Những cam kết quốc tế, cũng như những hiệp ước phân giải, và những tầm nhìn khu vực, như Học thuyết Monroe, đóng vai trò duy trì hòa bình, sẽ không bao giờ bị coi là đi ngược lại với những tôn chỉ của văn bản này”.
Như vậy, lời bảo vệ công khai Học thuyết Monroe trong hiệp ước Hội quốc liên và việc đặt nó ngang hàng với những thỏa thuận và cam kết quốc tế đã thúc đẩy Nhật Bản triển khai một học thuyết tương tự tại châu Á. Trong đề xuất trước Hội đồng Hội Quốc liên, phái đoàn Nhật Bản đã khẳng định nước này “chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và trật tự tại Viễn Đông”; còn Ngoại trưởng Nhật Bản Uchida Kosai thì ca ngợi hiệp ước nói trên theo nghĩa văn bản này tôn trọng “những đồng thuận khu vực” và nhấn mạnh Tokyo là “trụ cột cho sự bình yên tại phần này (Đông Á) của thế giới”.
Dựa trên những lập trường và phát biểu này, có thể kết luận rằng cả Mỹ và Nhật Bản đều giành về mình “trách nhiệm” bảo vệ trật tự khu vực và cùng với đó là “quyền hợp pháp” sử dụng sức mạnh để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp của một cường quốc ngoài khu vực nào vào khu vực ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, lập trường được ưu tiên trong Hội Quốc liên là không thể vận dụng Học thuyết Monroe sang các không gian địa chính trị khác mà không có sự cho phép và thông qua của Mỹ. Như vậy, mặc dù được thành lập như một tổ chức thế giới với những nguyên tắc hướng tới toàn cầu, nhưng Hội Quốc liên không những không đưa ra một hệ thống tổ chức không gian toàn cầu mà cuối cùng còn hợp thức hóa nhận thức về trật tự không gian tại Tây Bán Cầu mà Học thuyết Monroe đề ra, và bằng cách đó đảm bảo cho Mỹ vị thế ngoại lệ.
b) Thương mại quốc tế: những biên giới mới của Mỹ
Để thấu hiểu Học thuyết Monroe, bất kỳ một phân tích nghiêm túc nào đều đỏi hỏi phải tính tới những hình thức giao thoa của học thuyết này với những lý luận tương đương khác. Hệ lý luận của Học thuyết Monroe, được hình thành trong giai đoạn quyền lực kinh tế và quyền lực địa chính trị của Mỹ đang trong đà thăng tiến theo phương thẳng đứng, đã tích hợp những diễn giải của Chính sách Mở cửa (bắt nguồn từ những thực hành thương mại của Anh tại Trung Quốc, được phản ánh qua các hiệp định của đế quốc Anh với triều đình nhà Thanh sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839-1842), sau đó được công nhận chính thức trong Hội nghị Berlin 1895, với quy định không một cường quốc nào được áp mức thuế quan ưu đãi tại lưu vực sông Congo), với mục đích đảm bảo quá trình bành trướng thương mại vừa giải quyết những tình huống đối đầu trên trường quốc tế một cách hòa bình tại những khu vực ngoài Tây Bán Cầu. Những văn bản hình thành Học thuyết Mở cửa, được Ngoại trưởng John Hay dưới thời Tổng thống William McKinley phát triển năm 1899 (từ Chính sách Mở cửa nói trên) ngoài giá trị lý luận, mà trên thực tiễn đã tạo ra thời khắc quyết định trong lịch sử các mối quan hệ quốc tế của Mỹ và mở ra một tiến trình khuếch trương toàn cầu (trong đó bao gồm cả những nghi vấn và tranh luận xung quanh chính sách “cô lập tại Tây Bán Cầu” truyền thống của Mỹ), với khởi đầu là việc thiết lập tô giới và những đặc khu kinh tế mang tính thực dân tại Trung Quốc. Ban đầu, chính sách Mở cửa tại châu Á có thể được hiểu như câu trả lời của Mỹ cho những khiếm khuyết của hệ thống quốc tế dựa trên chủ nghĩa thực dân châu Âu. Với lập luận về việc cần phải đặt ra những quy định dựa trên nguyên tắc đối xử công bằng (tất nhiên là chỉ giữa các cường quốc) để giải quyết những xung đột và tranh cãi quốc tế, lập trường rằng triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) phải đối xử với tất cả các nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách bình đẳng đã được thúc đẩy.
Nét khác biệt chính giữa Học thuyết Mở cửa liên quan tới Trung Quốc và chính sách cây gậy lớn (big stick) của Mỹ tại Mỹ Latinh nằm ở nhận thức của Washington về trật tự thế giới. Chính sách Mở cửa phát triển dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt dựa trên đánh giá thực dụng của Mỹ về những hạn chế về sức mạnh của chính mình, vì ở thời điểm đó rõ ràng Mỹ không có nguồn lực quân sự cần thiết để áp dụng chính sách sử dụng sức mạnh tại châu Á, khác với ưu thế tuyệt đối của “chú Sam” tại châu Mỹ.
Khi Roosevelt rời nhiệm sở năm 1909, nhiều chính trị gia, nhà phân tích và doanh nghiệp đã ca ngợi Hệ luận của ông như một khuôn mẫu về giải pháp cho ổn định chính trị và kinh tế tại Tây Bán Cầu, khi trong lý luận này trộn lẫn các khái niệm về thương mại hòa bình tại châu Mỹ với lợi ích bền vững của Mỹ nhờ vào sự gần gũi về địa lý với các thị trường Mỹ Latinh. Từ những diễn giải của Roosevelt và Wilson về tác phẩm kinh điển “Ý nghĩa các đường biên giới trong lịch sử Mỹ” (The significance of the Frontier in American History) của Frederick Turner, một loạt các ý tưởng đã được đưa ra để kết nối các học thuyết Monroe và Mở cửa, kết quả là biến chúng trở thành nền tảng định hướng cho các hành động quốc tế của Washington. Về tổng thể, cuốn sách của Turner giải thích tiến trình phát triển của nền dân chủ và sự thịnh vượng quốc gia Mỹ xuất phát từ sự bành trướng sang các vùng đất phía Tây.
Trong khi đó, Học thuyết Mở cửa xuất hiện như một chiến lược mới trong giai đoạn mà quá trình mở rộng biên giới về phía Tây đã hoàn tất trong thế kỷ XIX, đồng thời khép lại mô hình tích lũy và phát triển dựa vào tước đoạt và sát nhập lãnh thổ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1912, Wilson đã tóm gọn chiến lược mới này như sau: “Hành trình về phía Tây của chúng ta đã tới sát các bờ biển Thái Bình Dương, và con đường trở nên phức tạp hơn (…) Các ngành công nghiệp của chúng ta đã mở rộng tới mức sẽ phá vỡ các cấu trúc khuôn khô nếu không tìm được lối thoát tự do tại các thị trường khác trên thế giới”. Từ góc độ này, thị trường thế giới đã trở thành biên giới mới cho hệ thống của Mỹ.
Ngoại trưởng Bryan thì thường xuyên tuyên bố với các thành phần khác nhau trong xã hội Mỹ rằng chính sách của Tổng thống Wilson tiến sang công đoạn “mở cửa các nước yếu hơn để tư bản và các doanh nghiệp Mỹ xâm nhập”. Những định nghĩa này đặt trong khung cảnh lịch sử của nó biểu tượng cho một thời khắc mới của liên minh giữa nền ngoại giao và giới công nghiệp, thương mại và tài chính, mang lại sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tích hợp và quá trình bành trướng ra thế giới. Cho dù Học thuyết Mở cửa nhấn mạnh nhu cầu của tất cả các nước được tiếp cận công bằng mạng lưới thương mại và kinh doanh quốc tế, nhưng không hề đề cập tới việc xóa bỏ các biện pháp bảo hộ hoạt động sản xuất trong nước, nói cách khác là việc mở cửa thị trường nội địa cho các tác nhân nước ngoài. Học thuyết Mở cửa của Wilson không có chỉ dấu đặc thù khu vực như Học thuyết Monroe phiên bản Roosevelt, và do đó những người quảng bá cho lý luận này thường xuyên bất đồng về những mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khuôn khổ một tầm nhìn mới về thương mại toàn cầu.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã đặt ra dấu hỏi lớn về giá trị hiệu lực của Học thuyết Mở cửa, nhưng Tổng thống Wilson đã tìm kiếm sức sống mới cho lý luận này với quan điểm rằng Mỹ đã không thể đứng bên lề những vấn đề toàn cầu. Mô hình mà ông đề xuất khi đó, nằm trong điều 3 của giải pháp Mười bốn điểm, kêu gọi chú trọng nhu cầu xây dựng một cấu trúc thể chế mới để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột và khuyến khích các cơ hội thương mại công bằng. Mặc dù phe đối lập tại Thượng viện ngăn chặn được đề xuất của Wilson về việc Mỹ gia nhập Hội Quốc liên, ý tưởng của ông về Mở cửa vẫn tiếp tục phát triển trong các chính quyền Cộng hòa sau đó, khi nền ngoại giao Mỹ có nhiệm vụ trọng tâm là khuyến khích các cơ hội thương mại toàn cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Như vậy, cho dù hết lần này tới lần khác các tân tổng thống chỉ trích vị nguyên thủ mãn nhiệm về chính sách đối ngoại và các vấn đề liên quan, thực tế là tất cả cuối cùng đều đi theo truyền thống của Học thuyết Mở cửa và kích hoạt những nguyên tắc tư tưởng hệ cơ bản về tiếp cận thương mại – yếu tố không nghi ngờ gì là mối quan tâm lớn nhất của giai cấp thượng lưu Mỹ.
Kể từ Wilson, tất cả những người ủng hộ Học thuyết Mở cửa đều hiểu rằng, xét tới cùng, hành động quốc tế của Mỹ vẫn phải định hướng chủ yếu theo những mệnh lệnh kinh tế. Nói cách khác là xu hướng không đổi về sản xuất dư thừa và tiêu thụ không hết trong nước đòi hỏi chính phủ Mỹ phải luôn tìm kiếm những “van xả áp” và thực thi các bước đi vì “lợi ích kinh tế” Mỹ tại bên ngoài, với sự can thiệp tất yếu qua con đường chính trị, và cả quân sự nếu không còn lựa chọn khác. Sự thiếu vắng những công cụ chính trị để ngăn cản đà suy thoái của chủ nghĩa tự do Mỹ tại một khu vực nào đó và trong một giai đoạn nào đó trên thế giới sẽ luôn bị coi là sự thụ động và thiếu vắng chính sách đối ngoại thích hợp.
Trường phái Wilson thúc đẩy quá trình chuyển hóa Học thuyết Monroe từ chỗ giới hạn trong một không gian địa lý đã xác định trong lịch sử thành một nguyên tắc chung và nhận thức thống nhất để tái định hình nền chính trị thế giới. Kể từ những sự kiện liên quan tới Trung Quốc và Nhật Bản, việc vận dụng Học thuyết Mở cửa và diễn giải về “biên giới mới” trong ngoại giao được chuyển thành việc thể hiện ý tưởng bành trướng kinh tế tại các khu vực nông thôn của thế giới thuộc địa dựa trên bảo đảm về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hành pháp.
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, những cơ chế pháp lý và ngoại giao để điều tiết các biện pháp trừng phạt kinh tế được giới thiệu tại Hội Quốc liên như một giải pháp hòa bình thay thế cho chiến tranh. Trong một thông điệp liên bang, tổng thống Wilson đã cố gắng thuyết phục công chúng rằng việc sử dụng kinh tế thay cho sức mạnh quân sự là một công cụ ngoại giao quốc tế có khả năng ngăn chặn một cuộc xâm lược vũ trang. Ông đưa ra ví dụ rằng hành động cô lập kinh tế là nhân tố chính buộc Đức phải đầu hàng, và lập luận rằng tẩy chay kinh tế là một “biện pháp hòa bình, lặng lẽ mà chết chóc” có thể thay thế cho chiến tranh. Từ thời điểm này, cơ chế trừng phạt đã trải qua một lịch sử của những cực đoan trái ngược: đây là những biện pháp “hòa bình” nhưng “chết chóc”, chúng đầy “uy lực” cho dù không sử dụng sức mạnh, và khác với các hành vi quân sự, chúng có thể được mô tả là văn minh, cho dù hiệu lực của chúng có thể trở nên thảm khốc.
Những ý tưởng của Wilson được tích hợp vào điều khoản 16 của Hiệp ước Hội Quốc liên, trong đó buộc các nhà nước thành viên phải áp đặt trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ thành viên nào thực hiện chiến tranh xâm lược hoặc chinh phục. Giả thuyết chính cho quy định này là các biện pháp trừng phạt kinh tế có đủ hiệu ứng răn đe khiến các nước xâm lược tiềm năng nhận thấy “lý lẽ” trước khi có bất kỳ hành đồng vũ trang thực tế nào.
Việc áp đặt trừng phạt từ năm 1919 là dấu hiệu cho thấy trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất mang dấu ấn của chủ nghĩa tự do theo khát vọng của Mỹ trong đó chiến tranh kinh tế, phái sinh từ những định hướng về tổ chức quốc tế và chống lại “giai tầng quốc tế” của thế giới từng tồn tại trước cuộc chiến tranh bước ngoặt này. Sự ra đời của hình thái trừng phạt, do vậy, gắn liền với sự chuyển đổi rộng lớn hơn về chiến tranh, hệ tư tưởng tự do và luật pháp quốc tế, tựu chung lại là sự bùng phát một trật tự thế giới mới được thai nghén từ trước đó.
Các gợi ý từ lịch sử đang thúc đẩy Mỹ trở lại với học thuyết Monroe
Những gợi ý của cựu Tổng thống Wilson về những học thuyết lịch sử của Mỹ đã chuyển đổi nhận thức của chủ nghĩa tự do về mối quan hệ thương tác giữa địa chính trị và kinh tế quốc tế, biến đây thành trọng tâm cho hoạt động của giới tinh hoa cầm quyền tại Mỹ. Mối đe dọa lớn nhất với sự ổn định quốc tế giờ đây không còn là bản thân các cuộc chiến tranh giữa các nhà nước, mà trên hết, là những hệ quả có thể có từ những cuộc xung đột giữa các quốc gia tới hệ thống các thể chế của thương mại toàn cầu.
Để duy trì tự do kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới, chủ nghĩa tự do quốc tế sử dụng các công cụ kinh tế như vũ khí mới trong hành xử chính trị trên trường quốc tế. Theo hướng này, cho dù tại Mỹ có nổi lên những lực lượng chống đối chủ nghĩa tự do quốc tế, thì thế lực này vẫn sống động hơn bao giờ hết. Cho dù có thay đổi đáng kể trong giọng điệu chính trị của chính quyền Biden và về cụ thể, chính phủ đương nhiệm cũng đã từ bỏ chính sách kêu gọi và khuyến khích trực tiếp hành động đảo chính ở nhiều nước rất đặc thù của chính quyền Trump, thì Washington vẫn duy trì bao vây cấm vận Cuba và nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế với các nước khác. Trong các diễn văn chính thức, chính quyền hiện tại còn thậm chí công khai phản đối việc áp dụng Học thuyết Monroe, nhưng trên thực thế không có nhiều bước đi ngược hướng với những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc hạn chế ảnh hưởng kinh tế đang lên của Trung Quốc và những đòi hỏi của Nga về phạm vi ảnh hưởng tại Đông Âu.
Rõ ràng, có một sự đồng thuận trong giới tinh hoa cầm quyền của Mỹ rằng “chú Sam” và các đồng minh cần sử dụng mọi công cụ kinh tế sẵn có để trừng trị các chính phủ thách thức quyền thống trị toàn cầu của họ hoặc liên minh với các cường quốc cạnh tranh như Nga và Trung Quốc. Giờ đây, hãy cùng quan sát những thế lực và cấu trúc mới của nền kinh tế thế giới và trật tự địa chính trị có còn tiếp tục chia sẻ những học thuyết bành trướng của Mỹ hay không./.
Hết
Tổng hợp và biên dịch: Uyển My
Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Helena Zelic, Guerras e imperialismo en las Americas a los 200 anos de la Doctrina Monroe, Capire, https://capiremov.org/es/analisis/guerras-e-imperialismo-en-las-americas-una-critica-feminista-a-los-200-anos-de-la-doctrina-monroe/, ngày truy cập 16/12/2023.
2. Robbie Gramer và Keith Johnson, Tillerson Praises Monroe Doctrine, Warns Latin America of ‘Imperial’ Chinese Ambitions, tạp chí Foreign Policy, 2/2/2018.
3. Alonso Gurmendi, So, You Brought up the Monroe Doctrine Again…, tạp chí Opinio Juris, 21/1/2022.
4. Ollantay Itzamna, 200 anos bajo la Dictrina Monroe, https://ollantayitzamna.com/2023/11/20/desde-guatemala-200-anos-bajo-la-doctrina-monroe/, ngày truy cập 20/12/2023
5. Nicholas Mulder, The Rise of Sanctions as a Tool of Modern War, Yale UP, New Haven, 2022
6. Gustavo Veiga. Estados Unidos: a 200 anos de la doctrina Monroe, Pagina 12, https://www.pagina12.com.ar/691233-estados-unidos-a-dos-siglos-de-la-doctrina-monroe, ngày truy cập 24/12/2023
7. Reginaldo Nasser, Doctrina Monroe, 200 anos después, tạp chí Nueva Sociedad, số 308, tháng 11-12/2023, Argentina
8. Renan Vega Cantor, Estados Unidos y la Doctrina Monroe, dos siglos de muerte y desolación, tạp chí El Colectivo, số tháng 11/2023, Medellín, Colombia