Chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2023 đã có nhiều điểm đột phá có thể kể tới như việc gia tăng quyền lực mềm và tầm ảnh hưởng trên thế giới thông qua vai trò hoà giải viên quốc tế, đặc biệt là việc hòa giải thành công giữa Ả rập Saudi và Iran. Bên cạnh đó, mối quan hệ Trung - Mỹ có phần hoà dịu hơn. Hướng tới năm 2024, chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn tiếp tục là gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu đồng thời ổn định các mối quan hệ chiến lược với Mỹ hay các nước Đông Bắc Á.
Những điểm nổi bật trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc năm 2023
Hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung
Trong năm 2023, cả Mỹ và Trung Quốc đã có những động thái giảm nhiệt cho sự cạnh tranh từ cấp cao nhất. Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11/2023, giọng điệu của ông Tập đã có phần nhẹ nhàng hơn, ông tuyên bố: “Thế giới đủ rộng lớn để chứa cả hai quốc gia và thành công của một quốc gia là cơ hội cho quốc gia kia”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “có hàng nghìn lí do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ”[1]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cạnh tranh vẫn là yếu tố chủ đạo trong quan hệ Mỹ – Trung năm 2023. Cạnh tranh Mỹ-Trung diễn ra trên cả phương diện quan hệ song phương và đa phương. Theo Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung-Mỹ thuộc Đại học Denver, chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã trở lên quyết đoán hơn. Trung Quốc không còn tuân thủ các yêu cầu của Mỹ trừ khi Mỹ cũng tuân thủ các lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc mà về cơ bản là không thể thương lượng[2]. Trên phương diện song phương biểu hiện rõ nhất cho sự cạnh tranh giữa hai cường quốc trên là mối quan hệ với Việt Nam. Năm 2023 được coi là năm mối quan hệ Việt – Mỹ có bước tiến nhảy vọt khi vào tháng 9 cả hai nước đã nâng cấp thẳng từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện (cấp độ ngoại giao ngang hàng với Trung Quốc). 3 tháng sau đó, vào tháng 12, đích thân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam và hai nước đã đạt được thống nhất xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Có thể thấy, đây là phản ứng Trung Quốc đáp lại nhằm lôi kéo nước láng giềng của mình không quá gần gũi với Mỹ. Trong trường hợp quan hệ Việt-Mỹ ngày càng thân mật sẽ khiến cho vòng kiềm toả Trung Quốc của Mỹ bằng chuỗi đảo thứ nhất ngày càng được xiết chặt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng cường quốc biển của Bắc Kinh. Ngoài ra, trong năm 2023, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đã ngày càng xích lại gần nhau hơn, với một động cơ chung là thiết lập một trật tự thế giới mới. Như phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu nước này đang “thúc đẩy việc xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới”[3]. Trên phương diện đa phương, Bắc Kinh coi BRICS là chìa khóa để lôi kéo các nước Nam bán cầu và chống lại ảnh hưởng toàn cầu của G7. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi đã mang lại cả những thành công về mặt ngoại giao và cả những thất bại mà chính họ tự gây ra. Trong khi Trung Quốc ủng hộ việc mở rộng BRICS một cách hiệu quả, những bước đi sai lầm của phái đoàn Trung Quốc đã làm giảm đi những thành tựu của chuyến đi[4]. Tuy nhiên, BRICS cho đến nay đã thất bại trong việc biến sức mạnh kinh tế tập thể của mình thành một đối trọng chính trị hoàn toàn với G7. Các nước BRICS mà dẫn đầu là Trung Quốc và Nga từ lâu đã tìm cách tăng cường an ninh kinh tế của các nước đang phát triển bằng cách thành lập các thể chế kinh tế thay thế – đứng đầu trong số đó là Ngân hàng Phát triển (NBD) – và giảm bớt sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại và tài chính quốc tế. Bất chấp những nỗ lực này, đồng đô la Mỹ vẫn là loại tiền tệ được lựa chọn trên toàn cầu và đồng euro, bảng Anh và đồng yên vẫn dẫn trước đồng Nhân dân tệ Trung Quốc về nhiều mặt. Theo SWIFT , tính đến tháng 7 năm 2023, đồng đô la Mỹ đã được sử dụng trong 46% thanh toán toàn cầu, Nhân dân tệ chỉ được sử dụng trong 3% thanh toán toàn cầu[5]. Ấn Độ được coi là trở ngại lớn nhất đối với Trung Quốc trong BRICS. Quan hệ Trung-Ấn đã căng thẳng trong những năm gần đây, được đánh dấu bằng những bế tắc nguy hiểm trên biên giới tranh chấp giữa hai nước và sự phản kháng của Ấn Độ chống lại Trung Quốc trên nhiều phương diện, bao gồm cả việc chặn hàng trăm ứng dụng di động của Trung Quốc. Đáng kể nhất, Ấn Độ đã phản ứng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Australia thông qua Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad).
Gia tăng sức mạnh mềm và tầm ảnh hưởng trên thế giới
Năm 2023 là lần đầu tiên Trung Quốc phát triển, nâng tầm ngoại giao láng giềng dưới dạng một tài liệu chính thức. Cùng với Sách Trắng “Chung tay xây dựng BRI: Thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, hai tài lệu trên có điểm chung hướng dư luận đến với hình ảnh Trung Quốc đóng góp sáng kiến vì nhân loại, chung tay giúp đỡ cho các quốc gia yếu hơn, xoá đi hình ảnh “cá lớn nuốt cá bé” xưa nay[6]. Vào tháng 6 năm 2023, Trung Quốc đã làm trung gian hoà giải cho một thoả thuận hoà bình giữa Ả rập Saudi và Iran. Nước này cũng tự coi mình là trung gian hoà giải trong các xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas[7]. Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông thông qua vai trò hoà giải viên quốc tế cũng được coi là biểu hiện khác của sự cạnh tranh quyền lực giữa Bắc Kinh và Washington[8]. Vào tháng 3 năm 2023 Ả rập Saudi và Iran tuyên bố bình thường hoá quan hệ do Trung Quốc làm trung gian, với tuyên bố chung ba bên. Tuyên bố chung có một số điểm đáng chú ý như: “Ba nước thông báo rằng đã đạt được một thỏa thuận giữa Vương quốc Ả Rập Saudi và Cộng hòa Hồi giáo Iran, bao gồm thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán và cơ quan đại diện trong thời gian không quá hai tháng, và thỏa thuận bao gồm sự khẳng định của Ả rập Saudi và Iran về sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên cũng nhất trí thực hiện Hiệp định Hợp tác An ninh giữa hai nước được ký vào năm 2001 và Hiệp định chung về Hợp tác trong các lĩnh vực Kinh tế, Thương mại, Đầu tư, Công nghệ. Khoa học, Văn hóa, Thể thao và Thanh niên được ký vào năm 1998”[9].
Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại trong việc triển khai quyền lực mềm ở các nước phát triển. Kết quả điều tra ở 24 quốc gia (chủ yếu là ở phương Tây) của Trung tâm nghiên cứu Pew về Trung Quốc nhìn chung là tiêu cực. Kết quả cuộc điều tra cho thấy có 67% người trưởng thành bày tỏ thái độ không ủng hộ Trung Quốc, 71% người được hỏi cho rằng Trung Quốc không đóng góp gì tới hoà bình và ổn định toàn cầu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 76% người được hỏi cho rằng Trung Quốc không tính đến lợi ích của các quốc gia khác trong chính sách đối ngoại của mình và 57% cho rằng Trung Quốc can thiệp vào công việc của các quốc gia khác ở mứuc độ lớn hoặc tương đối[10]. Tuy nhận được những kết quả không mấy khả quan từ các nước phát triển nhưng những hoạt động đối ngoại của Trung Quốc với các nước vừa và nhỏ vẫn đem lại ảnh hưởng to lớn cho nước này. Các hội nghị thượng đỉnh tiêu biểu Trung Quốc đã chủ trì trong năm 2023 có thể kể tới như Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) v..v. Nhưng đáng chú ý nhất là Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba với sự tham gia của hơn 4000 đại diện từ 151 quốc gia và 41 tổ chức quốc tế trong đó có 23 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ[11]. Theo Wang Yiwei, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế và giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết “Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong năm qua là vai trò dẫn dắt của ngoại giao nguyên thủ quốc gia và tôi rất mong chờ các sự kiện ngoại giao trong nước sẽ được Trung Quốc tổ chức trong năm mới”. Ông nói thêm, Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách làm cho hệ thống quản trị toàn cầu trở nên hợp lý và công bằng hơn, và kế hoạch ngoại giao năm nay là bằng chứng cho thấy Trung Quốc bác bỏ các động lực chống toàn cầu hóa và tâm lý Chiến tranh Lạnh[12].
Tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn tại biển Đông
Trong năm 2023, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản năm 2023. Về bộ phận lãnh thổ đại dương, Trung Quốc đã thay thế “đường chín đoạn” bằng “đường mười đoạn”, giữ nguyên các đoạn nét đứt như trong tấm bản đồ được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc năm 2009 và bổ sung thêm một nét đứt bao quanh Đài Loan. Như vậy, trong phương diện hành chính quốc gia, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận và tuyên truyền thông tin liên quan chủ quyền quốc gia tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)[13]. Căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Philippines đã diễn ra xuyên suốt trong năm 2023. Các va chạm này là một phần của các tranh chấp lãnh thổ chồng chéo mà Trung Quốc có với các quốc gia khác quanh Biển Đông, bao gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Vào hồi tháng 2, thông tin công bố từ phía Philippines, Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp quân sự vào một tàu tuần duyên Philippines đang tiếp cận Bãi cạn Second Thomas, khiến thủy thủ đoàn tạm thời bị mù. Vụ việc xảy ra khoảng một tháng sau chuyến thăm ban đầu được coi là hiệu quả của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tới Bắc Kinh. Trung Quốc thường xuyên triển khai một đội tàu để đe dọa hoặc áp đảo các mục tiêu của Philippines. Đây là một động thái đặc trưng được Trung Quốc sử dụng để khẳng định sự hiện diện của mình. Vào tháng 3, hơn 40 tàu Trung Quốc tập trung quanh đảo Thị Tứ, nơi người Philippines gọi là Pag-asa, nơi có khu định cư dân sự. Vào ngày 3/12, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã công bố đoạn video ghi lại cảnh 135 tàu Trung Quốc tràn vào bãi đá Whitsun, người dân địa phương gọi là Julian Felipe. Vào hồi tháng 8, lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines. Trong hai sự cố liên tiếp xảy ra vào tháng 9, Philippines đã công bố đoạn phim về thiệt hại nặng nề ở Rạn san hô Iroquois, mà người dân địa phương gọi là Rozul. Họ cáo buộc thiệt hại là do sự xuất hiện trước đó của các tàu dân quân Trung Quốc trong khu vực. Bộ trưởng Tư pháp Jesus Crispin Remulla kêu gọi đưa ra các cáo buộc về môi trường đối với Trung Quốc tại tòa án trọng tài, một đề xuất đang được chính phủ xem xét. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hôm 25/9 đã cắt một rào chắn nổi mà họ cho rằng Trung Quốc đã dựng lên trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Gần đây nhất vào tháng 12, Trung Quốc lại dùng vòi rồng 8 lần vào các tàu Philippines. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết một tàu đã phải được kéo về sau khi pháo nước làm hỏng động cơ, “gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của thủy thủ đoàn”. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết họ đã bị tổng cộng 13 tàu hải cảnh và dân quân Trung Quốc quấy rối[14]. Những động thái trên của Bắc Kinh đã khiến Malina ngày càng có mối quan hệ thân thiết với Washington. Hiện nay, Mỹ đã có quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Phillipines[15], tạo thêm lợi thế cho nước này trong nỗ lực phong toả Trung Quốc bằng chuỗi đảo thứ nhất.
Nỗ lực ổn định mối quan hệ tại Đông Bắc Á
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó là Tần Cương và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi diễn ra vào tháng 4 năm 2023, tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm và triển vọng trong quan hệ hai nước thời gian tới. Đáng chú ý, ngay trước cuộc gặp giữa Ngoại trưởng, hai nước cũng đã lần lượt tổ chức cuộc tham vấn cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng, quyết định mở đường dây nóng của Cơ chế liên lạc trên biển và trên không. Điều đó cho thấy, Trung Quốc hy vọng quan hệ hai nước có thể sớm đi vào quỹ đạo phát triển bình thường, tạo môi trường bầu không khí tốt đẹp cho cuộc gặp ngoại trưởng lần này[16].
Tại cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao của ba nước diễn ra vào tháng 11 năm 2023, các bên đã đồng ý khởi động lại hợp tác và mở đường cho hội nghị thượng đỉnh nhằm giảm bớt căng thẳng giữa các nước láng giềng châu Á[17]. Cả ba nước đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm từ năm 2008 nhằm trao đổi các vấn đề về ngoại giao, kinh tế nhưng do những bất đồng gia tăng và đại dịch COVID-19 đã khiến cho cuộc gặp cuối cùng của ba nhà lãnh đạo đã diễn ra từ năm 2019. Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng của Trung, Nhật, Hàn có thể mở đường cho cuộc gặp của nhà lãnh đạo ba nước trong tương lai gần. Tại cuộc gặp trên, các ngoại trưởng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực bao gồm an ninh, kinh tế và công nghệ. Đồng thời, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng kêu gọi ba nước khởi động lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên càng sớm càng tốt[18]. Những động thái trên của Trung Quốc có thể xuất phát từ lo ngại rằng Mỹ và các đồng minh quan trọng trong khu vực đang tăng cường quan hệ đối tác ba bên Mỹ – Nhật – Hàn, từ đó, gia tăng các biện pháp chống lại Trung Quốc.
Những định hướng chính trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc năm 2024
Trong hội nghị chuyên đề về tình hình toàn cầu và ngoại giao của Trung Quốc 2024, Ngoại trưởng Vương Nghị đặc biệt đề cập đến Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu. Về quan hệ Trung-Mỹ, ông cho biết Trung Quốc có kế hoạch thực hiện sự đồng thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở San Francisco vào tháng 11 và “tìm cách hình thành một cách thức phù hợp để hai nước lớn hòa hợp”. Ông cho biết Bắc Kinh sẽ hợp tác với Moscow để “làm sâu sắc thêm sự tin cậy chiến lược giữa Trung Quốc và Nga và hợp tác cùng có lợi” nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong kỷ nguyên mới. Ông Vương nói thêm rằng Trung Quốc và EU sẽ “hợp tác chặt chẽ hơn trong trao đổi cấp cao và liên lạc chiến lược, đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ ổn định và lâu dài trong quan hệ Trung Quốc-EU”[19]. Yang Bojiang, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong năm nay là “đảm bảo sự phát triển ổn định trong quan hệ với các nước lớn khác và sự ổn định chiến lược của các nước lớn”. Yang cho biết Washington và Tokyo nên hợp tác với Bắc Kinh để hướng các nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo cũng như mở rộng hợp tác thực tế, chẳng hạn như thông qua hợp tác kinh tế và thương mại. Yang cho biết, một nhiệm vụ quan trọng khác đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc là giải quyết những bất ổn về việc cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong năm nay ở một số nước lớn như Mỹ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào[20]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022 và kỳ họp Lưỡng hội năm 2023 đều chỉ ra rằng, nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là đến giữa thế kỷ này thực hiện được mục tiêu chiến lược xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện. Vì vậy, Trung Quốc cần môi trường quốc tế ổn định. Đối với nước lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc nên phát triển mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định trên cơ sở tuân thủ 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật và một loạt nhận thức chung mang tính nguyên tắc, không nhất thiết phải đẩy Nhật Bản về phía đối lập[21].
Ngoài ra, trong năm 2024, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường, thúc đẩy kế hoạch xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với các quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ “tăng cường tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau và hội nhập lợi ích với các nước láng giềng”, đồng thời sẽ “sát cánh với các nước đang phát triển, đoàn kết và hồi sinh với các nước BRICS”. Theo kế hoạch chi tiết, Trung Quốc sẽ phát huy vai trò chiến lược của ngoại giao nguyên thủ quốc gia, đăng cai 4 sự kiện quan trọng trong khu vực và quốc tế, đồng thời thể hiện sức hấp dẫn độc đáo của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc. Bốn sự kiện sẽ là Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao thường niên, Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc hàng năm và Diễn đàn hành động toàn cầu vì sự phát triển chung[22]. Ông Vương cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự và thực hiện đầy đủ Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Đặc biệt, Bắc Kinh sẽ “tuân thủ sự công bằng và công lý, tích cực thúc đẩy hòa bình và đàm phán, tham gia một cách xây dựng vào việc giải quyết các điểm nóng toàn cầu và khu vực như xung đột Palestine-Israel và cuộc khủng hoảng Ukraine, đưa ra nhiều đề xuất của Trung Quốc, đóng góp nhiều hơn trí tuệ của Trung Quốc, và cung cấp nhiều hàng hóa công hơn có lợi cho hòa bình và phát triển thế giới”. Ông cũng nói thêm, Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự thịnh vượng chung với nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia ở Châu Phi; hòa thuận với hàng xóm; thúc đẩy thương mại và toàn cầu hóa; và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu bằng cách thực hiện Sáng kiến Phát triển Toàn cầu do Trung Quốc đề xuất.
Trong năm 2023, nội bộ Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề như suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, những sự thay đổi quan chức ở cấp cao v…v. Bởi vậy, trong năm 2024 Trung Quốc có thể theo đuổi chính sách đối ngoại hướng ra bên ngoài, qua đó kéo sự chú ý của trong nước và cả nước ngoài khỏi các vấn đề hiện tại. Cuộc bầu cử tại Đài Loan đã có kết quả với sự thắng lợi của ông Lại Thanh Đức, người từng là cấp phó của cựu tổng thống Thái Anh Văn thuộc đảng DPP. Điều đó cho thấy, tình hình tại eo biển Đài Loan trong năm 2024 sẽ không có nhiều diễn biến khả quan[23]. Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi một chính sách tiếp tục gia tăng căng thẳng tại eo biển Đài Loan bằng cách tăng cường áp lực quân sự lên Đài Loan như đã làm trong năm 2023 vừa qua. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động thuộc chiến thuật “vùng xám”, một chiến lược đe doạ và quấy rối hàng ngày được thiết kế để dần làm suy yếu Đài Loan mà không lôi kéo Mỹ và các đồng minh châu Á vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn[24]. Trong năm vừa qua, cường độ cao nhất ghi nhận có tới 103 máy bay chiến đấu, 9 tàu chiến được phát hiện ở các khu vực gần Đài Loan trong 1 ngày[25].
Tác động tới tình hình thế giới và khu vực
Trong năm 2024, tình hình tại khu vực Đông Bắc Á có dấu hiệu khả quan hơn, đưa quan hệ các quốc gia đi vào quỹ đạo ổn định hơn. Sau hội nghị “tiền trạm” giữa ngoại trưởng 3 nước trong năm 2023, nhiều khả năng sẽ diễn ra hội nghị thượng định giữa nhà lãnh đạo của Trung – Nhật – Hàn vào năm 2024. Qua đó, có thể đưa ra quyết định nhiều vấn đề cấp bách của khu vực Đông Bắc Á hơn, và cũng thể hiện thiện chí hợp tác của các bên. Sự điều chỉnh gần đây trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Nhật Bản và Hàn Quốc điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Đầu năm nay, quan hệ Mỹ-Trung càng xấu đi khi Washington phản ứng thái quá trước sự cố khinh khí cầu. Trao đổi cấp cao và các cơ chế liên lạc khác nhau đã bị gián đoạn và nguy cơ mối quan hệ vượt khỏi tầm kiểm soát tăng mạnh. Tuy nhiên, việc hai nước tách rời nền kinh tế hoặc tham gia vào xung đột quân sự sẽ không có lợi cho Mỹ. Do tính chất gắn bó sâu sắc của nền kinh tế giữa hai nước, việc tách rời sẽ giáng một đòn nặng nề vào hệ thống đồng đô la và sự thống trị kinh tế toàn cầu của Mỹ. Hơn nữa, sự phản đối ngày càng gia tăng đến mức tách rời vì nó làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của châu Âu và các đồng minh khác. Do đó, Mỹ và châu Âu gần đây thường xuyên nhấn mạnh rằng họ không tìm cách tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc. Đúng hơn, họ nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu rủi ro (hoặc tấn công chính xác) ở các khu vực cụ thể. Sự điều chỉnh quan điểm này của Mỹ đối với Trung Quốc đã tác động lớn đến chính sách Trung Quốc của Nhật Bản và Hàn Quốc[26].
Xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến hệ thống quốc tế, trong đó khả năng xảy ra đối đầu vũ trang giữa các nước ngày càng gia tăng. Cuộc xung đột cũng có tác động lan tỏa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi nhiều quốc gia coi Trung Quốc là một cường quốc có thể khơi mào một cuộc xung đột. Quan điểm này cùng với chính sách quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực bao gồm các yêu sách của nước này ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Eo biển Philippines đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh giữa các quốc gia ở đây. Việc Trung Quốc sử dụng một cách quyết đoán sức mạnh kinh tế và sự ép buộc quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bằng cách thúc đẩy các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, đe dọa các tuyến hàng hải và nâng cao năng lực quân sự của mình đã tác động đến chiến lược quốc phòng của các quốc gia trong khu vực. Trọng tâm chính là nhu cầu trở nên tự lực trong việc duy trì an ninh biên giới chủ quyền của mình. Các quốc gia trong khu vực đã phản ứng bằng cách thực hiện một số biện pháp như tăng cường liên minh và đối tác[27]. Theo kế hoạch ban đầu, từ năm 2024 sẽ có thêm 6 nước tham gia khối BRICS gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, Argentina đang có động thái đảo ngược quyết định, từ chối gia nhập BRICS.
Wang Lei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác BRICS tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói rằng “khối hóa” là một xu hướng ngày càng tăng trong chính trị quốc tế và các nhà lãnh đạo toàn cầu hiện tại sẽ bị thách thức bởi sự đoàn kết ngày càng tăng của các nước đang phát triển. Việc mở rộng thực sự có thể làm tăng ảnh hưởng của BRICS trên trường toàn cầu. Sáu thành viên mới sẽ mở rộng tổng GDP của nhóm thêm khoảng 13%, từ 25,9 nghìn tỷ USD lên gần 29,2 nghìn tỷ USD (dựa trên mức năm 2022). Điều này sẽ đưa nhóm tiến gần hơn đến việc thu hẹp khoảng cách với G7, nhóm có tổng GDP là 43,8 nghìn tỷ USD vào năm 2022[28] . Việc bổ sung Ả Rập Saudi và UAE sẽ đặc biệt có ý nghĩa về ảnh hưởng của BRICS đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu. Đây là tin đặc biệt đáng mừng đối với Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, Bắc Kinh ngày càng lo ngại về việc đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng, thực phẩm và các nguyên liệu khác. Việc đưa các quốc gia giàu tài nguyên quan trọng vào BRICS có thể mang lại cho Bắc Kinh cảm giác an toàn hơn trên mặt trận này.
Hàm ý đối với Việt Nam
Có thể thấy, Việt Nam đóng vai trò ngày càng tăng trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới trong năm 2023 đón nguyên thủ của hai quốc gia là Mỹ và Trung Quốc, và là một trong số ít những quốc gia trên thế giới trong năm 2023 đích thân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức. Điều này vừa tạo ra thời cơ cho Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng hơn với cả hai quốc gia, qua đó tối đa lợi ích kinh tế, đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiệm vụ cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại chưa bao giờ khó khăn đến thế. Với việc Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện và cộng đồng chia sẻ tương lai, sự hợp tác sẽ trở nên sâu sắc hơn trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, nếu Việt Nam không có những bước đi thận trọng trong quan hệ với cả hai bên sẽ có nguy cơ gây ra những hiểu lầm không đáng có khi một bên có thể hiểu rằng hành động hợp tác của Việt Nam với nước kia có mục tiêu là chống lại mình. Thêm vào đó, những chính sách cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông cũng sẽ gây ra không ít thách thức với Việt Nam trong việc vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa đảm bảo lợi ích kinh tế trong nước. Do đó, trên cơ sở những kết quả đã đạt được giữa hai Đảng trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam cần thiết lập và duy trì những kênh liên lạc thường xuyên giữa tất cả các cấp từ thấp tới cao để ổn định mối quan hệ, tránh những hiểu lầm và xa hơn là tiến tới giải quyết các tranh chấp. Môi trường ổn định được tạo ra ở khu vực Đông Bắc Á với chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng tạo thời cơ thuận lợi cho Việt Nam thúc đẩy mạnh hơn các hoạt động hợp tác kinh tế giữa các nước tại khu vực này, bởi cả Trung – Nhật – Hàn đều có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Việt Nam. Trong năm 2023, mối quan hệ của Việt Nam và 3 nước Đông Bắc Á đã lên một tầm cao mới. Hiện tại, Việt Nam tham gia Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc và là đối tác chiến lược toàn diện của cả Nhật Bản và Hàn Quốc./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Suisheng Zhao (2023), “Chinese Foreign Policy Under Xi: No longer “Biding Time”, Inkstick, https://inkstickmedia.com/chinese-foreign-policy-under-xi-no-longer-biding-time/
[2] Suisheng Zhao (2023), “Chinese Foreign Policy Under Xi: No longer “Biding Time”, Inkstick, https://inkstickmedia.com/chinese-foreign-policy-under-xi-no-longer-biding-time/
[3] Zhang Yunbi (2024), “Nation sets diplomatic goals for 2024”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202401/10/WS659dd0c5a3105f21a507b6cc.html
[4] Brian Hart (2023), “The 2023 BRICS Summit: A Mixed Bags for China”, China Power, https://chinapower.csis.org/analysis/the-2023-brics-summit-a-mixed-bag-for-china/
[5] Brian Hart (2023), “The 2023 BRICS Summit: A Mixed Bags for China”, China Power, https://chinapower.csis.org/analysis/the-2023-brics-summit-a-mixed-bag-for-china/
[6] Phạm Quang Hiền (2023), “Điểm mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/diem-moi-trong-chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-va-nhung-van-de-dat-ra-cho-viet-nam/
[7] Yanzhong Huang (2023), “China: Year in review 2023”, Council on foreign relations, https://www.cfr.org/blog/china-year-review-2023
[8] Amrita Jash (2023), “Saudi-Iran deal: A test case of China’s role as an international mediator”, SFS, https://gjia.georgetown.edu/2023/06/23/saudi-iran-deal-a-test-case-of-chinas-role-as-an-international-mediator/
[9] “Joint Trilateral Statement by the people’s Republic of China, the Kingdom of Saudi Arabia, and the Islamic Republic of Iran” (2023), “Embassy of the people’s republic of China in the kingdom of Sweden, http://se.china-embassy.gov.cn/eng/zgxw_0/202303/t20230311_11039241.htm
[10] Laura Silver, Christine Huang, Laura Clancy (2023), “China’s Approach to foreign policy gets largely negative reviews in 24-country survey”, Pew Research Center, https://www.pewresearch.org/global/2023/07/27/chinas-approach-to-foreign-policy-gets-largely-negative-reviews-in-24-country-survey/
[11] Nguyên Long (2023), “Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến “Vành đai và Con đường lần thứ 3”- Bước chuyển cho sự phát triển tương lai”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/dien-dan-cap-cao-hop-tac-quoc-te-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-lan-thu-3-buoc-chuyen-cho-su-phat-trien-tuong-lai/
[12] Zhang Yunbi (2024), “Nation sets diplomatic goals for 2024”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202401/10/WS659dd0c5a3105f21a507b6cc.html
[13] Chloe Nguyen (2023), “Thách thức đối với chính sách của Trung Quốc ở biển Đông trong bối cảnh hiện nay”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/thach-thuc-doi-voi-chinh-sach-cua-trung-quoc-o-bien-dong-trong-boi-canh-hien-nay/
[14] Regine Cabato (2023), “Rising Philippines-China tensions in South China Sea: 5 moments from 2023”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2023/12/11/philippines-china-south-china-sea-incidents/
[15] Mai Hương (2023), “Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-tiep-can-them-4-can-cu-quan-su-moi-o-philippines-723872
[16] Đức Minh (2023), “Triển vọng quan hệ Trung – Nhật qua chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Nhật Bản”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/trien-vong-quan-he-trung-nhat-qua-chuyen-tham-bac-kinh-cua-ngoai-truong-nhat-ban/
[17] Hyonhee Shin (2023), “China, Japan, South Korea seek summit in latest bid to ease relations”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korea-china-japan-top-diplomats-seek-boost-trilateral-cooperation-2023-11-26/
[18] Hyonhee Shin (2023), “China, Japan, South Korea seek summit in latest bid to ease relations”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korea-china-japan-top-diplomats-seek-boost-trilateral-cooperation-2023-11-26/
[19] Zhang Yunbi (2024), “Nation sets diplomatic goals for 2024”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202401/10/WS659dd0c5a3105f21a507b6cc.html
[20] Zhang Yunbi (2024), “Nation sets diplomatic goals for 2024”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202401/10/WS659dd0c5a3105f21a507b6cc.html
[21] Đức Minh (2023), “Triển vọng quan hệ Trung – Nhật qua chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Nhật Bản”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/trien-vong-quan-he-trung-nhat-qua-chuyen-tham-bac-kinh-cua-ngoai-truong-nhat-ban/
[22] Zhang Yunbi (2024), “Nation sets diplomatic goals for 2024”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202401/10/WS659dd0c5a3105f21a507b6cc.html
[23] James Palmer (2023), “5 Predictions for China in 2024”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/12/26/china-predictions-2024-taiwan-economy-xi-jinping/
[24] Emily Feng, Connie Hanzhang Jin (2023), “China is subtly increasing military pressure on Taiwan. Here’s how”, NPR, https://www.npr.org/2023/12/18/1216317476/china-military-taiwan-air-defense.
[25] Joseph Yeh (2023), “Taiwan reports record number of military incursions, urges China to stop ‘harassment’”, Focus Taiwan, https://focustaiwan.tw/cross-strait/202309180004
[26] Wang Fudong (2023), “Situation in Northeast Asia still Fragile”, China Focus, https://www.chinausfocus.com/peace-security/situation-in-northeast-asia-still-fragile
[27] Elina Ghost (2023), “China’s Influence in the Indo-Pacific: Response from the US allies, India Council of World Affaris, https://www.icwa.in/show_content.php?lang=1&level=1&ls_id=9711&lid=6224
[28] Brian Hart (2023), “The 2023 BRICS Summit: A Mixed Bags for China”, China Power, https://chinapower.csis.org/analysis/the-2023-brics-summit-a-mixed-bag-for-china/