Kể từ khi cuộc bầu cử ở Nga kết thúc với kết quả tái đắc cử của Tổng thống Putin, EU đã có những động thái đáng chú ý với hai hội nghị quan trọng diễn ra liên tiếp. Đầu tiên là Hội nghị Ngoại trưởng EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 18/3/2024 và sau đó 1 tuần là Hội nghị Thượng đỉnh EU. Nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới tình hình khu vực và quốc tế, đặc biệt là sự duy trì quyền lực của Tổng thống Putin cũng như tình thế hiện nay của cuộc chiến tại Ukraine đã được thảo luận, trao đổi tại các hội nghị này. Giới tinh hoa châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên về kết quả cuộc bầu cử ở Nga, tiếp tục thể hiện quyết tâm và lập trường của họ đối với vấn đề Ukraine cũng như các điểm nóng xung đột khác đang ảnh hưởng lớn tới châu Âu. Bên cạnh đó, vấn đề tăng cường năng lực toàn diện trên các lĩnh vực của EU nhằm đảm bảo cho tổ chức này có đủ khả năng ứng phó với các thách thức mới cũng được quan tâm sâu sát. Vậy những vấn đề trọng tâm của hai hội nghị quan trọng của EU trong những ngày qua là gì? Các chính trị gia cũng như giới nghiên cứu phương Tây có cách tiếp cận như thế nào về các vấn đề này?
EU đối mặt nhiều thách thức
Hỗ trợ quân sự Ukraine, tăng cường quốc phòng châu Âu, và tìm kiếm ở đâu nguồn kinh phí khổng lồ để thực hiện điều này là những mục tiêu có liên kết chặt chẽ, nằm trong chương trình nghị sự cuộc họp các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc ở Brussels (21-22/03/2024). Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cảnh báo “Nếu chúng ta không phản ứng thích hợp ở cấp độ EU và không cung cấp đủ trợ giúp cho Ukraine để ngăn chặn Nga, chúng ta (EU) sẽ là người tiếp theo (bị Nga tấn công)”… “Muốn hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến tranh, Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine, chúng ta cần chuyển sang chế độ nền kinh tế chiến tranh” – nhà lãnh đạo này nói tiếp.
Cuộc chiến Nga – Ukraine
Hơn hai năm sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, áp lực đang gia tăng đối với châu Âu. Cuộc xung đột này rõ ràng đang diễn ra trên thực địa, nhưng đó cũng là một cuộc chiến trên mặt trận sản xuất công nghiệp quốc phòng. Ưu thế sẽ thuộc về quốc gia có khả năng sản xuất nhiều phương tiện quân sự hơn. Hiện tại, châu Âu đang ở trong một tình huống khó khăn vì Nga có khả năng sản xuất và huy động lớn hơn, đây là một chế độ toàn trị và nước này có thể được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên, dù là một quốc gia gặp nhiều khó khăn, nhưng lại có năng lực công nghiệp quân sự rất lớn.
EU đã tăng cường viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Hội nghị Ngoại trưởng EU đã cảm ơn Séc vì sáng kiến mua đạn pháo cho Ukraine và tất cả các quốc gia thành viên EU đã góp phần thực hiện sáng kiến này. Ông Kuleba nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi những người vẫn đang dự định đóng góp hãy thực hiện điều đó càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ áp dụng cho sáng kiến của Séc mà còn cho một số dự án tương tự khác. Mỗi ngày đều quan trọng”[1]. Hơn nữa, Hội đồng châu Âu đã quyết định viện trợ 5 tỷ Euro cho Ukraine theo Quỹ hoà bình châu Âu. Quyết định viện trợ này sẽ cung cấp cho Ukraine các vũ khí sát thương và không sát thương bao gồm cả chương trình huấn luyện. Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh cho biết: “EU đang thực hiện đúng cam kết của mình về Quỹ hỗ trợ Ukraine, biến lời nói thành hành động”[1]. Phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh EU,Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho rằng, đã đến lúc EU phải chịu trách nhiệm về an ninh của mình, ngừng dựa vào “chu kỳ bầu cử ở Mỹ” và cũng phải ưu tiên Ukraine. Ông Michel kêu gọi chuẩn bị phòng thủ và chuyển sang chế độ “kinh tế chiến tranh”. Trước đó, EU đã thông qua chương trình hỗ trợ ngân sách dài hạn cho Ukraine trị giá 50 tỷ euro. Hỗ trợ tài chính cho Ukraine được kéo dài trong 4 năm và tất cả 27 nhà lãnh đạo của EU đã nhất trí trong khuôn khổ ngân sách nhiều năm của tổ chức này[2].
Liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Nga mới kết thúc vào ngày 17/3/2024 với chiến thắng áp đảo của Tổng thống Vladimir Putin, EU tuyên bố cho rằng cuộc bầu cử tại Nga diễn ra trong một môi trường rất hạn chế. EU lấy làm tiếc về quyết định của chính quyền Nga không mời các quan sát viên OSCE/ODIHR tới cuộc bầu cử của mình. Điều này đi ngược lại các cam kết OSCE của Nga và khiến cử tri cũng như các tổ chức của Nga không có được sự đánh giá khách quan và độc lập về các cuộc bầu cử này[3]. Đối với Belarus, quốc gia mà EU cho rằng có sự hỗ trợ đặc biệt cho chiến sự Nga – Ukraine kể từ khi bắt đầu, EU sẵn sàng thực hiện các biện pháp hạn chế và có mục tiêu cao hơn nữa trong trường hợp Belarus tiếp tục hành động mà tổ chức này cáo buộc là có sự giúp đỡ Nga trong chiến sự Nga – Ukraine và vi phạm nhân quyền[4].
Giới phân tích phương Tây cho rằng: “Ngoài mối đe dọa từ Nga, còn có nguy cơ từ khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng”. Và ngay cả trong trường hợp ông Trump thất cử, Mỹ đã chứng minh rằng dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới, Mỹ sẽ giữ một khoảng cách nhất định với châu Âu nói chung và có thể cả cuộc chiến ở Ukraine.Việc quốc hội Mỹ hiện tại đang ngăn cản nguồn kinh phí viện trợ cho Ukraine cho thấy châu Âu không nên chờ đợi xem việc Donald Trump có thắng cử hay không để tiếp tục củng cố phát triển nền Quốc phòng châu Âu cho riêng mình”.
Tự chủ chiến lược
Các điểm yếu của hệ thống phòng thủ châu Âu đã bộc lộ rõ khi châu Âu phải đối mặt với một cuộc chiến ở biên giới phía đông của khối và khả năng đồng minh Mỹ xa rời. Liên minh châu Âu cần phải có nhiều hành động hơn nữa để hỗ trợ Ukraine đồng thời đảm bảo khả năng phòng thủ của chính mình. Để làm được điều này, châu Âu cần có một chiến lược và chương trình hành động cụ thể để tăng cường khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Chiến lược đó đặt ra các mục tiêu có thể được tóm tắt là: “đầu tư nhiều hơn, tốt hơn, cùng nhau và châu Âu tự chủ”. Nói cách khác, mục đích chính là gia tăng sản xuất vũ khí và mua thêm thiết bị quân sự do chính nền công nghiệp quốc phòng châu Âu phát triển và sản xuất.
Những điểm yếu của nền công nghiệp này, đầu tiên phải kể đến đó là năng lực sản xuất rất hạn chế. Các nước châu Âu mặc dù đã duy trì một ngành công nghiệp quốc phòng hiệu quả với công nghệ tiên tiến, nhưng chỉ ở quy mô hạn chế. Pháp và các nước khác không muốn đánh mất kỹ năng và năng lực sản xuất của họ. Nhưng do ngân sách quân sự giảm mạnh kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, các nước này đã không thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn đủ cho lượng vũ khí dự trữ cần thiết cho thời điểm hiện tại.
Một vấn đề khác là các nước châu Âu đã không có được sự hợp tác tốt và ít mua sắm chung các thiết bị quân sự. Trong năm 2021 và 2022, chỉ có 18% giao dịch mua thiết bị quân sự được thực hiện thông qua các thỏa thuận hợp tác trong nội bộ châu Âu. Và khi các nước châu Âu mua sắm thiết bị quân sự, hầu hết các quốc gia thành viên lại mua của các đối tác bên ngoài Liên minh châu Âu, thiếu sự tin tưởng vào năng lực của các thành viên bên trong khối.
Ngoài vấn đề Ukraine cũng như năng lực phòng thủ của EU, một trong những thách thức quan trọng khác liên quan đến ngoại giao xanh và vấn đề tự chủ chiến lược với các nguyên liệu thô quan trọng. Hội nghị đã thông qua các kết luận về ngoại giao xanh, khẳng định cam kết của EU trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời hỗ trợ thực hiện các cam kết toàn cầu về vấn đề này, hợp tác chặt chẽ với các nước đối tác của EU trên toàn thế giới thông qua tăng cường chủ nghĩa đa phương và hành động toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý nhất là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) – một công cụ quan trọng EU tuyên bố để thúc đẩy tham vọng xanh trong thập kỷ quan trọng hiện tại. EU cam kết hỗ trợ phát triển NDC mới ở các nước đối tác và giải quyết các rào cản đối với việc thực hiện các cam kết chính đã được các nước thống nhất. Chính sách ngoại giao xanh của EU sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, phù hợp với kết quả của Thỏa thuận Paris. Để đạt được điều này, EU và các quốc gia thành viên quyết tâm thúc đẩy một ngành năng lượng chủ yếu không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2050. Song song, EU sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo rằng tất cả các nước đối tác tích hợp các mục tiêu toàn cầu nhằm tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào NDC của họ và hành động để thực hiện chúng[5]. Tiếp đó, Hội đồng châu Âu đã thông qua Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) nhằm đảm bảo cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, an toàn và bền vững. Jo Brouns, Bộ trưởng Kinh tế, Đổi mới, Việc làm, Kinh tế xã hội và Nông nghiệp phát biểu về đạo luật mới này “Với CRMA, chúng tôi muốn biến những thách thức từ sự phụ thuộc của chúng tôi thành quyền tự chủ chiến lược và cơ hội cho nền kinh tế của chúng tôi. Đạo luật lập pháp này sẽ thúc đẩy lĩnh vực khai thác mỏ của chúng ta, nâng cao năng lực tái chế và xử lý, tạo việc làm tại địa phương và chất lượng tốt, đồng thời đảm bảo rằng ngành của chúng ta đã phát triển và sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.[6]”
Vấn đề cơ chế chính sách và tài chính
Theo một nghiên cứu do IRIS thực hiện, 68% giá trị giao dịch mua sắm vũ khí của các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã đi ra ngoài châu Âu và 64% trong số 68% này là đi đến Mỹ. Sự gia tăng ngân sách quân sự theo cách phân tán này của mỗi nước thành viên cuối cùng đã làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Họ đang tài trợ cho chính các đối thủ cạnh tranh của mình.
Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng châu Âu (EDIS) của Ủy ban châu Âu nhằm mục đích khắc phục tình hình này và đặt ra một loạt các mục tiêu có tính định lượng. Các quốc gia thành viên được khuyến khích chi ít nhất 50% ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm các thiết bị được sản xuất tại Liên minh châu Âu từ nay tới năm 2030 và 60% vào năm 2035. 40% thiết bị quân sự này phải là kết quả của sự hợp tác giữa các nước châu Âu.
Để giải quyết được các vấn đề hiện nay, các biện pháp đã được tổng hợp lại trong một đề xuất được luật hóa (được gọi là Chương trình Công nghiệp Quốc phòng Châu Âu, EDIP) với mục đích chung, là để tránh việc hình thành 27 ngành công nghiệp quốc phòng bị chia rẽ, phân tán. Hiện nay, nếu châu Âu muốn có một nền công nghiệp quốc phòng cạnh tranh, họ phải làm điều đó ở cấp độ châu lục, để cho phép ngành công nghiệp này có thể đáp ứng được yêu cầu của các cuộc chiến tranh cường độ cao, có khả năng gia tăng sản xuất vũ khí đáng kể trong tình trạng khẩn cấp và khi bối cảnh chính trị yêu cầu. Trong chương trình này, một số biện pháp đã được thực hiện và có tín hiệu tốt. Liên minh châu Âu đã xác định được những ưu tiên trong sản xuất quốc phòng và áp đặt chúng lên cả ngành công nghiệp quân sự và dân sự. Đó sẽ là một sự can thiệp về mặt quy định rất mạnh mẽ trong các trường hợp khẩn cấp và trong những trường hợp cực đoan.
Chương trình Nâng cao Công nghiệp quốc phòng là một trong những nội dung được châu Âu luật hóa, kèm theo kế hoạch tài chính. Ủy ban châu Âu đang đề xuất 1,5 tỷ euro cho đến năm 2027 với mục tiêu ban đầu là tạo ra một công cụ, thiết lập các kỹ năng. Ngân sách cơ bản ban đầu là thấp nhưng nó có thể được bổ sung thường xuyên sau đó.
Đối với Cơ chế Hòa bình châu Âu, đây là một Quỹ được tạo ra bên ngoài ngân sách thường xuyên của Liên minh châu Âu đã có từ rất lâu trước cuộc chiến ở Ukraine. Ban đầu nó được tạo ra để có tài chính cho việc chuyển vũ khí, xe bọc thép… đến các nước thứ ba, ở châu Phi hoặc khu vực Balkan. Khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, Cơ chế này được sử dụng bổ sung phục vụ cho hành động khẩn cấp cần thiết để chuyển một lượng lớn vũ khí cho Ukraine. Chỉ trong 1 tuần, cơ chế này đã được bổ sung thêm 5 tỷ euro.
Khoản viện trợ 5 tỷ euro của EU dành cho Ukraine là giải pháp tình thế trước những khó khăn của Mỹ trong việc tiếp tục cung cấp nguồn viện trợ cho Ukraine. Hạ viện Mỹ đến nay vẫn từ chối biểu quyết về dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho biết: “Việc các nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Âu ngày càng trở nên khó khăn hơn, mang theo thông điệp Mỹ cam kết với Ukraine về lâu dài. Thông điệp về cam kết tài chính, quân sự, kinh tế lâu dài này đi ngược lại với thực tế những gì đang xảy ra ở Capitol Hill”[7]. Thêm vào đó, một phần lớn nguồn lực của Mỹ hiện đang tập trung cho cuộc xung đột tại dải Gaza. Điều đó lý giải cho những tuyên bố và cam kết mạnh mẽ của EU dành cho Ukraine, trong khi vấn đề tại dải Gaza lại chưa có một kết quả nào cụ thể. Cả Mỹ và EU đều đang phải phân bổ nguồn lực của mình cho các ưu tiên chiến lược cao hơn của mình.
Về vấn đề tài chính, châu Âu có thể huy động các nguồn tài chính nào để phục vụ cho việc tăng cường ngành công nghiệp châu Âu? Một ý tưởng đang được lan truyền lấy cảm hứng từ kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro của châu Âu được đưa ra trong đại dịch Covid-19. Lần này, một quỹ trị giá 100 tỷ euro đang được đề xuất dựa trên một khoản vay chung của cả khối. Estonia và Pháp ủng hộ ý tưởng này. Hy Lạp cũng ủng hộ với ý tưởng cho ra đời của một “Eurobond” dành riêng cho quốc phòng. Nhưng điều này vấp phải sự phản đối hoặc nghi ngại của của Đức và Hà Lan.
Một phần tài chính dành cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể tới từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) – một tổ chức tài trợ cho các chính sách của châu Âu. “Nhưng đang có một sự lưỡng lự trong ban lãnh đạo của EIB”, Federico Santopinto giải thích, “bởi trong một thời gian dài, ngành công nghiệp quốc phòng đã bị các quỹ công, và tư e dè vì các lí do đạo đức, coi đó là một vấn đề có thể gây ra hình ảnh tiêu cực khi tài trợ cho việc sản xuất vũ khí. Nhưng rất có khả năng cuối cùng chính trị sẽ thắng thế hơn lý luận kinh tế và EIB cuối cùng cũng sẽ tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Vẫn còn một cách khác tìm kiếm nguồn tài chính, đó là Liên minh châu Âu đang xem xét sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Khoản lợi nhuận này, ước tính khoảng 3 tỷ euro mỗi năm, có thể đã được sử dụng để tài trợ cho chương trình quốc phòng châu Âu. Nhưng EC đề xuất chỉ sử dụng 10% số tiền này để tài trợ cho quốc phòng châu Âu. Phần lớn số tiền dự kiến sẽ được sử dụng để mua đạn dược và tên lửa cho Ukraine, thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu. Tuy nhiên, thông qua cơ chế này, các quốc gia thành viên thường mua vũ khí đạn được từ đối tác bên ngoài châu Âu. Vì vậy, sẽ dẫn đến tình huống là, một mặt châu Âu mong muốn phải mua hàng sản xuất từ châu Âu, phải thiết lập một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu tự chủ, nhưng đồng thời, châu Âu lại đầu tư rất nhiều tiền vào một cơ chế cho phép các nước thành viên mua sắm của nước ngoài.
Chuyển sang nền kinh tế chiến tranh, thực sự có phải như vậy không? Khó khăn hiện nay đối với châu Âu là ứng phó với tình trạng khẩn cấp, bằng cách giúp đỡ Ukraine, đồng thời tổ chức lại ngành công nghiệp quốc phòng của mình sau nhiều năm thiếu đầu tư nghiêm túc. Liệu điều này có dẫn đến việc Liên minh châu Âu sẽ đi vào một nền kinh tế chiến tranh? Federico Santopinto cho rằng châu Âu vẫn còn một chặng đường dài để đi tới cái thực sự là nền kinh tế thời chiến. Nền kinh tế chiến tranh là thuật ngữ do tổng thống Pháp sử dụng trước đó, nhưng từ ngữ này không phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại của châu Âu.
Một nền kinh tế chiến tranh không phải chỉ là việc tăng tỷ lệ sản xuất và năng lực sản xuất công nghiệp và tự cung tự cấp hơn để có thể đối phó với các tình huống kinh tế của chiến tranh. Nền kinh tế chiến tranh là những gì đã xuất hiện trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều này có nghĩa là mọi thứ đều được huy động cho chiến tranh, bao gồm cả ngành công nghiệp dân sự. Có trưng dụng, có quốc hữu hóa… Còn hiện tại thì nhu cầu của của Liên minh châu Âu chỉ là nhu cầu vươn lên, đưa ngành công nghiệp của mình vào một một nhịp độ sản xuất qui mô hàng loạt và trở thành một cường quốc có sức răn đe mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, chiến lược và chương trình tăng cường ngành công nghiệp châu Âu vẫn đang ở giai đoạn dự thảo. Đây là lần đầu tiên các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu thảo luận về vấn đề này. Các cuộc đàm phán sẽ mất vài tháng. Việc thông qua cuối cùng của nó sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử châu Âu vào tháng sáu tới.
Một số vấn đề đặt ra
Rõ ràng châu Âu đang gặp phải vô vàn các thách thức truyền thống cũng như phi truyền thống. Khẩu hiệu tự chủ chiến lược vẫn chỉ mang tính hình thức, tính thực tiễn của khẩu hiệu này vẫn còn mơ hồ. Việc Tổng thống Putin tái đắc cử không gây bất ngờ đối với châu Âu cũng như thế giới bất chấp việc thế giới phương Tây không mong muốn điều đó. Các quan chức châu Âu cũng như các đồng minh phương Tây khác có chung một phản ứng nhằm phản đối kết quả của cuộc bầu cử. Nhưng các phản ứng này vốn không thể thay đổi được việc ông Putin sẽ tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo nước Nga. Tình hình Ukraine sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, khó có thể vận hành theo ý muốn của châu Âu. Các hội nghị quan trọng vừa qua của EU đã tìm cách giải quyết các thách thức lớn về tình hình xung đột ở phía Đông lục địa già, từ những cam kết tiếp tục ủng hộ Kiev cho tới những cố gắng cải thiện năng lực quốc phòng nội bộ. Xây dựng một nền quốc phòng chung là một chiến lược lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu của châu Âu hiện nay, nhưng để hiện thực hóa điều đó là rất khó và hầu như không thể trong bối cảnh đương đại. Chính vì mối quan tâm chính ở châu Âu chưa thể giải quyết, các vấn đề nóng mang tính toàn cầu khác khó có thể có được sự quan tâm đúng mức của EU mặc dù đã được tổ chức này bàn luận tới. Đối với các đối tác bên ngoài, bao gồm cả Việt Nam, họ có thể và nên có những đánh giá sâu sắc về tình hình hiện tại, từ đó điều chỉnh các chính sách mang tính xây dựng, có lợi cho tất cả các bên trong mối quan hệ với các đối tác châu Âu./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] “EU states’ foreign ministers agree €5bn in arms aid to Ukraine for 2024” (2024), Eurpean Pravda, https://www.eurointegration.com.ua/eng/news/2024/03/18/7181967/
[1] “Ukraine Assistance Fund: Council allocates €5 billion under the European Peace Facility to support Ukraine militarily” (2024), European Council, https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/03/18/ukraine-assistance-fund-council-allocates-5-billion-under-the-european-peace-facility-to-support-ukraine-militarily/
[2] “We must therefore be defence-ready and shift to a ‘war economy’ mode: Charles Michel” (2024), First Channel News, https://www.1lurer.am/en/2024/03/18/We-must-therefore-be-defence-ready-and-shift-to-a-%E2%80%98war-economy%E2%80%99-mode-Charles-Michel/1094855
[3] “Russia/Ukraine: Statement by the High Representative on behalf of the EU on Russian presidential elections and their non-applicability on Ukrainian territory” (2024), Eurropean Council, https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/03/18/russia-ukraine-statement-by-the-high-representative-on-behalf-of-the-european-union-on-russian-presidential-elections-and-their-non-applicability-on-ukrainian-territory/
[4] “Belarus: Council conclusions confirm EU’s unwavering support for democracy and human rights” (2024), European council, https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/02/19/belarus-council-conclusions-confirm-eu-s-unwavering-support-for-democracy-and-human-rights/
[5] “Council Conclusions on EU Green Diplomacy” (2024), Eurpean Council, https://www.consilium.europa.eu/media/70777/st07865-en24.pdf
[6] “Strategic autonomy: Council gives its final approval on the critical raw materials act” (2024), Ẻuopean Council, https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/03/18/strategic-autonomy-council-gives-its-final-approval-on-the-critical-raw-materials-act/
[7] Idrees Ali (2024), “Out of money, Pentagon chief looks to convince allies of commitment to Ukraine”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us/out-money-pentagon-chief-looks-convince-allies-commitment-ukraine-2024-03-18/