Trong quá khứ, các “cường quốc tầm trung” có thể thông qua cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, tận dụng sự cạnh tranh giữa hai nước này, đóng vai trò động lực cho sự phát triển của hệ thống quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời đại “cạnh tranh toàn diện”, cường độ cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã gia tăng. Nó bắt đầu hạn chế sự linh hoạt của các “cường quốc tầm trung” trong việc lựa chọn của họ. Ở phần cuối của bài viết này, tác giả tập trung phân tích 2 trường hợp còn lại bao gồm Hàn Quốc và Indonesia.
Hàn Quốc: Từ “dựa vào Mỹ, gắn kết kinh tế với Trung Quốc” đến “thân Mỹ xa Trung”
Tương tự như Australia, trong những năm gần đây, quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã trải qua nhiều biến động. Điển hình là sự suy giảm đột ngột trong quan hệ Trung-Hàn và sự gia tăng ngày càng rõ rệt của Hàn Quốc trong việc theo đuổi Mỹ sau sự kiện Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Trước sự kiện này, quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc và Mỹ đã thể hiện dưới một hình thức “tam giác lãng mạn” với đặc điểm “vừa dựa vào Mỹ vừa gắn kết kinh tế với Trung Quốc“, đặc biệt là trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Park Geun-hye, khi Hàn Quốc đã đạt đỉnh cao trong ngoại giao “hưởng lợi từ cả hai phía” giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, thời kỳ thịnh vượng không kéo dài, với việc Hàn Quốc triển khai THAAD, quan hệ Trung-Hàn nhanh chóng rơi vào tình trạng đóng băng.
Mặc dù Tổng thống Moon Jae-in trong nhiệm kỳ của mình đã cố gắng đảo ngược xu hướng đi xuống trong quan hệ song phương, nhưng không thấy có kết quả rõ ràng. Sau đó, Tổng thống mới đắc cử là Yoon Suk-yeol tích cực xây dựng “Liên minh chiến lược toàn cầu toàn diện với Mỹ”, cố ý giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc, làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hàn Quốc. Tuy Hàn Quốc không tích cực như Australia trong việc hợp tác với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, nhưng tư thế “thân Mỹ xa Trung” của nước này đã thể hiện rõ ràng. Lý do Hàn Quốc chuyển từ “dựa vào Mỹ và gắn kết kinh tế với Trung Quốc” sang “thân Mỹ xa Trung” có những điểm tương đồng với Australia về nhận thức trong nước, nhưng cũng có một số khác biệt.
Đầu tiên, không phân biệt là lãnh đạo Hàn Quốc hay dân chúng, trong những năm gần đây, nhận thức về Trung Quốc của Hàn Quốc đã có những thay đổi không thuận lợi cho Trung Quốc. Chính trị đảng phái của Hàn Quốc chủ yếu thể hiện sự đối lập giữa hai phe bảo thủ và tiến bộ. Phe bảo thủ ủng hộ việc hình thành một liên minh mạnh mẽ với Mỹ và chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên. Trong khi phe tiến bộ nghiêng về hướng hòa giải với Triều Tiên và tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc. Vào năm 2022, Hàn Quốc đã có sự thay đổi đảng cầm quyền, Tổng thống Yoon Suk-yeol xuất thân từ phe bảo thủ đã thay đổi chính sách ngoại giao “mơ hồ chiến lược” của Hàn Quốc trong thời kỳ Moon Jae-in giữa Trung Quốc và Mỹ, thể hiện rõ ràng xu hướng nghiêng về Mỹ.
Cũng sau sự việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, thiện cảm của người dân Hàn Quốc đối với Trung Quốc đã giảm sút nhanh chóng, độ thiện cảm đối với Trung Quốc vào năm 2022 chỉ còn dưới 20%. Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách Gaya cho thấy nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, tỷ lệ ủng hộ Mỹ từ năm 2016 đã tăng từ 59,5% lên đến 85,5% vào năm 2022, trong khi tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc đã giảm từ 32,6% xuống còn 9,9%. Sự kết hợp giữa ý định của lãnh đạo và tình hình dư luận không thuận lợi cho Trung Quốc sau khi Yoon Suk-yeol lên nắm quyền đã gia tăng quá trình “xa lánh Trung Quốc” của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khác với Australia, ý chí của lãnh đạo Hàn Quốc và sự phát triển của dư luận không hoàn toàn nhất quán, đặc biệt là trong thời kỳ Moon Jae-in cầm quyền. Mặc dù dư luận không có lợi cho Trung Quốc, nhưng chính quyền tiến bộ vẫn cố gắng giảm bớt tâm lý chống Trung Quốc do đại dịch COVID-19 gây ra và tránh chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Do đó, so với việc Australia liên tục nghiêng về phía Mỹ, quá trình “thân Mỹ” của Hàn Quốc có đặc điểm chậm và phức tạp hơn, mức độ phối hợp với chiến lược cạnh tranh của Mỹ đối với Trung Quốc cũng không bằng Australia. Ở mức độ nhận thức về bản sắc, tình hình của Hàn Quốc và Australia có sự khác biệt lớn, Hàn Quốc là một quốc gia mang đậm “bản sắc nhận thức đa chiều”.
Mặt khác, kể từ khi Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển chính thức xếp Hàn Quốc vào nhóm các nước phát triển vào tháng 7 năm 2021, nhãn hiệu “quốc gia phát triển” đã trở thành định vị quốc gia mới trong tâm trí người dân Hàn Quốc. Hàn Quốc cho rằng trình độ phát triển của mình đã bắt kịp với các nước phát triển phương Tây, và do đó cũng nên gia nhập vào phe Tây phương, giống như Nhật Bản trở thành một trong bảy quốc gia công nghiệp phát triển của phương Tây vào những năm trước đây. Sự mong muốn cấp bách của Yoon Suk-yeol tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 là một minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong tâm thế của Hàn Quốc.
Ngoài ra, sau khi Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, ông đặc biệt nhấn mạnh việc kết nối với các giá trị của các quốc gia phương Tây. Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin từng tuyên bố rằng “Mỹ luôn coi trọng các giá trị dân chủ, tự do, pháp quyền và nhân quyền”, và Hàn Quốc – Mỹ đã duy trì quan hệ đồng minh trong suốt 70 năm qua dựa trên những giá trị này. Mặc dù quan hệ Hàn – Trung đã đạt được sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế, nhưng do thể chế chính trị và tư tưởng chính trị của hai nước khác nhau nên sự hợp tác phát triển vẫn có những hạn chế nhất định. Với tâm thế “quốc gia phát triển” và tình cảm “giá trị chung”, Hàn Quốc có sự khao khát và cảm giác thuộc về đáng kể đối với tư cách là một thành viên của phương Tây.
Ngoài ra, không giống như Australia “thân Tây xa Á” và Nhật Bản dao động giữa “thoát Á nhập Âu” và “trở lại châu Á”. Hàn Quốc không chỉ chấp nhận mạnh mẽ “bản sắc châu Á” của chính mình, mà còn có một mức độ chấp nhận cao. Thứ nhất, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, xu hướng học thuật tăng mạnh về việc tạo lại câu chuyện lịch sử. Trong đó, việc xem xét Đông Á như một đơn vị khu vực trở nên rõ ràng. Xu hướng học thuật này được gọi là “quan điểm Đông Á” đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành “nhận thức châu Á” của người dân Hàn Quốc. Khiến cho khái niệm “Hàn Quốc là một phần của châu Á” ăn sâu vào lòng dân. Thứ hai, sau Chiến tranh Lạnh, hầu như các chính phủ Hàn Quốc khi xây dựng chính sách đối ngoại đều lấy châu Á làm điểm xuất phát, như “Sáng kiến Châu Á mới” của Lee Myung-bak, “Sáng kiến Hòa bình và Hợp tác Đông Bắc Á” và “Sáng kiến Âu-Á” của Park Geun-hye, “Chính sách Phương Nam mới” và “Chính sách Phương Bắc mới” của Moon Jae-in đều chủ yếu xoay quanh các quốc gia châu Á. Truyền thống ngoại giao lấy châu Á làm trung tâm này cũng đã ăn sâu vào “bản sắc châu Á” của Hàn Quốc. Xét về việc phe tiến bộ kiên trì lập trường “mơ hồ chiến lược” và sự khác biệt về bản sắc trong thời kỳ nắm quyền, Hàn Quốc tuy “thân Mỹ,” nhưng không “cực đoan” như Australia. Đặc biệt là trong vấn đề tham gia vào các cơ chế khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc, Seoul vẫn còn giữ một thái độ nhất định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, xu hướng thiên về một phía giữa Trung Quốc và Mỹ của Hàn Quốc cũng ngày càng nổi bật. Một mặt, ngành công nghiệp bán dẫn luôn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, đóng góp rõ rệt vào GDP. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Hàn Quốc không chỉ phụ thuộc vào Mỹ về phần mềm thiết kế chip, mà còn phải nhập khẩu thiết bị cao cấp, các bộ phận quan trọng và vật liệu bán dẫn cần thiết cho việc chế tạo chip từ Nhật Bản, Hà Lan và các nước khác. Điều này làm cho ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc cơ bản phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đối diện với nhiều rào cản trong các lĩnh vực trên và khó có thể cung cấp các sản phẩm thay thế.
Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng bán dẫn chủ yếu về nguyên liệu thô và thị trường. Trong khi Mỹ, Australia và các quốc gia khác có khả năng thay thế nhất định trong việc cung cấp các nguyên liệu như lithium, vonfram. Hàn Quốc cũng có ý định chuyển dần thị trường xuất khẩu chính của bán dẫn sang Đông Nam Á để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, mức độ phụ thuộc không cân xứng của Hàn Quốc vào Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt rõ rệt. So với Trung Quốc, Mỹ có ảnh hưởng chiến lược mạnh mẽ hơn đối với Hàn Quốc. Điều này cũng cung cấp lý do cho Hàn Quốc chuyển sang “thân Mỹ xa Trung “.
Trong khi đó, về mặt cơ cấu, Hàn Quốc đối mặt với một môi trường hệ thống tương tự như Australia, khả năng đối phó áp lực cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ tương đối hạn chế. Tuy nhiên, Hàn Quốc luôn là nước tích cực trong việc thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một khi FTA ba bên được ký kết, không chỉ sẽ tăng cường hợp tác kinh tế giữa ba nước, mà còn duy trì được độ bền vững và linh hoạt của chuỗi cung ứng khu vực. Qua đó đối phó với một phần tác động tiêu cực từ sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ..
Vì vậy, thái độ tích cực và những nỗ lực của cả Trung Quốc và Hàn Quốc đối với Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có lợi cho việc tăng cường hệ thống đệm của Hàn Quốc trong việc đối phó với cạnh tranh giữa các cường quốc.
Tóm lại, so với Australia, Hàn Quốc có nhận thức về châu Á sâu sắc hơn ở cấp độ quốc gia. Thái độ của chính phủ và người dân Hàn Quốc đối với Trung Quốc cũng không luôn nhất quán. Ở cấp độ hệ thống, việc thúc đẩy xây dựng FTA Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có khả năng đối phó với áp lực cạnh tranh giữa các cường quốc ở mức độ nhất định.
Vì vậy, so với chiến lược “liên minh Mỹ chống Trung” trực tiếp của Canberra, Seoul có xu hướng thực hiện chiến lược “thân Mỹ xa Trung” một cách gián tiếp và tinh tế hơn. Hàn Quốc xích lại gần Washington hơn trong khi giảm dần quan hệ với Bắc Kinh một cách có ý thức. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sau khi Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, ông đã tích cực thúc đẩy sự trở lại của ngoại giao giá trị. Nhiều lần công khai thảo luận về các giá trị phương Tây như “dân chủ, tự do, nhân quyền” và thể hiện sự đồng tình cao với các giá trị này. Ông cũng tiếp nhận việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ lần thứ ba của Mỹ, khiến “nhận thức phương Tây” của Hàn Quốc có xu hướng gia tăng rõ rệt. Thêm vào đó, sự chồng chất của chính quyền bảo thủ đang cầm quyền, cảm nhận tiêu cực của người dân đối với Trung Quốc, cùng với việc Mỹ lôi kéo và gây áp lực buộc Hàn Quốc xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng bán dẫn loại trừ Trung Quốc, có thể làm nổi bật hơn xu hướng “thân Mỹ xa Trung” của Hàn Quốc trong tương lai. Liên minh Mỹ-Hàn có khả năng cao sẽ tiếp tục thể hiện tình trạng “hỗ trợ lẫn nhau.”
Indonesia: “Con đường thứ ba” ngoài Trung-Mỹ
Là một trong những quốc gia sáng lập Phong trào Không liên kết, Indonesia từ khi giành độc lập đã kiên trì chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, tích cực tìm kiếm nâng cao vị thế khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, với sự leo thang của cuộc chơi chiến lược Trung-Mỹ trong thời đại “cạnh tranh toàn diện”, Indonesia cũng đang phải đối mặt với áp lực ngoại giao ngày càng lớn.
Tuy nhiên, khác biệt với tình hình “chọn phe” ở Australia và Hàn Quốc ở mức độ khác nhau, Indonesia kiên trì với chính sách không Liên kết, từ chối “chọn phe” giữa Trung-Mỹ, dựa vào ASEAN để mở ra một “con đường thứ ba” ngoài Trung-Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Lý do mà Indonesia vẫn kiên trì với ngoại giao cân bằng giữa các quốc gia lớn dưới áp lực của thời đại “cạnh tranh toàn diện” là sự chấp nhận và kiên định của cả lãnh đạo và nhân dân với chính sách này.
Thứ nhất, kể từ khi Joko Widodo trở thành Tổng thống Indonesia vào năm 2014, Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) của ông đã dần dần trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội, và ảnh hưởng chính trị của họ đã không ngừng mở rộng. Đảng này đã lâu dài tuân thủ chính sách không Liên minh với triết lý “Pancasila” làm nguyên tắc chính trị, tôn giáo, nhân đạo, dân tộc, dân chủ và công bằng xã hội. Ngay cả khi sức ảnh hưởng của Phong trào không Liên kết suy giảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách không Liên minh của họ vẫn không hề thay đổi. Với Trung-Mỹ, Đảng Dân chủ Đấu tranh ủng hộ việc duy trì sự cân bằng chiến lược, không liên minh với bất kỳ bên nào.
Đồng thời, Joko Widodo kiên trì với chính sách ngoại giao dựa trên nguyên tắc tự do, tự quyết định thái độ đối với các vấn đề quốc tế mà không bị ảnh hưởng bởi các cường quốc. Chính quyền của ông cũng thể hiện “hai mặt hợp nhất” trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Thứ hai, sự ủng hộ của người dân đối với chính sách cân bằng giữa các cường quốc kết hợp với lập trường của chính phủ đã tạo ra hiệu ứng cộng hưởng. Theo năm báo cáo khảo sát hàng năm từ 2019 đến 2023 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS), mặc dù cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, nhưng xu hướng nghiêng về một bên nào đó của Indonesia không rõ ràng. Ngay cả khi bị buộc phải “chọn phe,” mức độ ưa thích của Indonesia đối với cả Trung Quốc và Mỹ đều không có sự chênh lệch đáng kể. Về con đường đối phó với cạnh tranh Trung-Mỹ, gần một nửa số người Indonesia được khảo sát (46,3%) chủ trương tăng cường sự vững mạnh và đoàn kết của ASEAN để chống lại áp lực từ các cường quốc, trong khi tỷ lệ sẵn sàng “chọn phe” là thấp nhất (6,6%). Rõ ràng, việc từ chối “chọn phe” là ý kiến nhất trí của cả chính phủ và người dân Indonesia, tạo nền tảng quan trọng trong nước cho việc lựa chọn “con đường thứ ba.”
Ngoài ra, việc nhận thức về vai trò của Indonesia như một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á đã củng cố sự quyết tâm của Indonesia trong việc tìm kiếm một chính sách ngoại giao độc lập khỏi tác động của Trung-Mỹ. Xét về lãnh thổ, dân số hay quy mô kinh tế, Indonesia được xem là “nhà lãnh đạo tự nhiên” của các quốc gia Đông Nam Á. Từ thời Sukarno, Indonesia đã thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực Đông Nam Á bằng việc tổ chức Hội nghị Á-Phi đầu tiên. Các tổng thống sau đó đều lấy mục tiêu “xây dựng một quốc gia lãnh đạo Đông Nam Á danh xứng với thực” làm điểm xuất phát. Thông qua việc phát triển kinh tế trong nước, thúc đẩy chủ nghĩa khu vực Đông Nam Á và hướng dẫn quản trị liên khu vực, nhằm tích cực thể hiện hình ảnh của Indonesia như một cường quốc khu vực. Sau khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu, Indonesia đã nỗ lực đưa cả hai nước này vào các cơ chế đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) để tiếp tục duy trì vị thế cường quốc Đông Nam Á của mình.
Thật vậy, sau khi thực hiện dân chủ hóa, Indonesia có ý định mô phỏng các quy tắc tự do của phương Tây bằng cách thúc đẩy vai trò của mình trong việc ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, chủ nghĩa chống thực dân đã trở thành một dấu ấn sâu sắc trong tinh thần dân tộc của Indonesia, khiến quốc gia này khó hòa nhập hoàn toàn vào phe phương Tây và không hoàn toàn ủng hộ việc cải cách trật tự quốc tế tự do do Mỹ lãnh đạo. Dù các yếu tố trong nước đã cung cấp điều kiện quan trọng để Indonesia nỗ lực mở ra “con đường thứ ba” dưới sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng sự gia tăng cạnh tranh giữa Trung-Mỹ cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với vị thế độc lập tự chủ của Indonesia.
Một mặt, việc Mỹ quay lại châu Á và tăng cường sự “mượn lực” đối với Australia đã làm gia tăng lo lắng ở Jakarta, nơi có mối quan hệ cạnh tranh địa lý với Canberra. Họ lo ngại rằng sự cạnh tranh giữa Washington và đối thủ của nó có thể làm giảm vị thế chiến lược của Indonesia. Mặt khác, Indonesia cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tồn tại các yếu tố không chắc chắn, lo ngại về cách Trung Quốc sẽ sử dụng tài nguyên và sức mạnh quân sự mới của mình như thế nào. Đặc biệt là lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng việc cung cấp viện trợ cho Indonesia để đưa ra các yêu cầu chính trị trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc và vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề khác. Tuy nhiên, mặc dù có áp lực từ hệ thống gia tăng, khác với Australia và Hàn Quốc, Indonesia có cấu trúc phụ thuộc chuỗi cung ứng hướng đến Trung Quốc hơn, và có ASEAN là một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ. Điều này đã tạo điều kiện quan trọng cho việc duy trì “con đường thứ ba” của họ.
Thứ nhất, mặc dù kinh tế Indonesia đã tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng sự phát triển công nghiệp vẫn đang ở mức thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu Thương mại Hàng hóa của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade), xuất khẩu của Indonesia chủ yếu là sản phẩm chế biến sơ bộ (sản phẩm khoáng sản, dầu thực vật và động vật, v.v.) trong khi nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm công nghiệp chế tạo (sản phẩm cơ điện, sản phẩm hóa chất, v.v.). So với các quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Australia, đang ở vị trí trên của chuỗi giá trị, Indonesia phụ thuộc vào các sản phẩm công nghiệp chế tạo nhiều hơn là vào công nghệ. Trong khi đó, Trung Quốc so với Mỹ, mặc dù không có công nghệ tiên tiến bằng nhưng lại có sức sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, có khả năng cung cấp cho Indonesia các sản phẩm công nghiệp đa dạng, chất lượng tốt giá cả phải chăng mà Mỹ khó có thể thay thế được..
Ngoài ra, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất và đích đến xuất khẩu lớn nhất của Indonesia, trong khi Mỹ chỉ là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách đích đến xuất khẩu và đứng thứ tư trong danh sách nguồn nhập khẩu. Sự phụ thuộc của Indonesia vào thị trường Mỹ cũng không bằng Trung Quốc. Độ phụ thuộc không cân xứng của Indonesia vào Trung Quốc cao hơn so với Mỹ. Vì vậy khi Mỹ yêu cầu “chọn phe”, Indonesia có lý do từ chối đầy đủ hơn so với Hàn Quốc và Australia.
Thứ hai, ASEAN lâu nay đã đóng vai trò “trung tâm” trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng, trong khi “cạnh tranh toàn diện” gây ra tác động lớn đến vị thế này. Để duy trì “vị trí trung tâm”, dưới sự thúc đẩy của Indonesia, vào năm 2019 ASEAN đã công bố “Triển vọng ASEAN-Indo Thái Bình Dương”, nhấn mạnh vị trí trung tâm của ASEAN dưới trật tự mới ASEAN-Indo Thái Bình Dương. Cố gắng xoay chuyển tình thế cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ theo hướng hợp tác cùng có lợi.
Tuyên bố của ASEAN phản ánh quan điểm cơ bản của các thành viên về cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời giảm bớt áp lực “chọn bên” đối với Indonesia. Các cơ chế đa phương “ASEAN +” dựa trên ASEAN đã đưa các quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ vào, giúp họ cân bằng lẫn nhau, giảm bớt ảnh hưởng của các cường quốc và thiết lập các quy tắc ứng xử trong cạnh tranh. Vì vậy, mặc dù áp lực chiến lược từ cuộc “cạnh tranh toàn diện” giữa Trung Quốc và Mỹ đối với Indonesia không kém cả ở Australia và Hàn Quốc, nhưng Jakarta có lẽ rõ ràng hơn Canberra và Seoul về nhận thức về bản sắc khu vực. Cả lãnh đạo và dư luận tại Indonesia đều đồng thuận trong việc cân bằng quan hệ với Bắc Kinh và Washington.
Đồng thời, về cơ cấu phụ thuộc chuỗi cung ứng, Indonesia phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ, và Indonesia cùng ASEAN hỗ trợ lẫn nhau. Indonesia cung cấp lãnh đạo trí tuệ cho ASEAN đối mặt với cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN ngược lại, trở thành “vùng đệm” cho Indonesia đối mặt với cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Dưới tác động đồng thời của yếu tố nội và ngoại, Indonesia đã vượt qua chính sách ngoại giao phương Tây của Australia và Hàn Quốc, vừa duy trì mối quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, vừa dẫn đầu ASEAN khám phá con đường thứ ba ngoài lãnh thổ của các cường quốc trên.
Thông qua phân tích ba trường hợp của Australia, Hàn Quốc và Indonesia như trên, có thể thấy rằng yếu tố chính trị nội bộ như mong muốn nhận thức trong nước và bản sắc quốc gia đã có ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn ưu tiên của “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các quốc gia có lãnh đạo và dư luận ủng hộ Mỹ, và có bản sắc phương Tây mạnh mẽ, thường dễ thiên về Mỹ. Ngược lại các nước khác họ có xu hướng đi theo con đường trung lập hoặc thân thiện với Trung Quốc. Tất nhiên, mức độ ưu tiên cũng phụ thuộc vào mức độ đồng nhất trong nhận thức trong nước và sự kết hợp của hai yếu tố này.
Ngoài ra, sau khi bước vào thời đại “cạnh tranh toàn diện”, sự gia tăng cường độ cạnh tranh giữa các cường quốc đã thu hẹp không gian lựa chọn của các “cường quốc tầm trung”. Trong tình huống này, kết cấu phụ thuộc của các “cường quốc tầm trung” vào Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc hệ thống có hay không có vùng đệm mạnh mẽ sẽ quyết định lựa chọn chiến lược cuối cùng của họ. Australia, Hàn Quốc và Indonesia dựa trên sự khác biệt ở hai mặt nội bộ và hệ thống, cũng như tương tác của các yếu tố này cuối cùng đưa ra ba lựa chọn chiến lược khác nhau trong thời đại “cạnh tranh toàn diện”.
KẾT LUẬN
Cùng với sự tương tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn “cạnh tranh toàn diện”, sự lựa chọn chiến lược và hành vi của các “cường quốc tầm trung” đang dần trở thành tâm điểm chú ý. Đúng là trong quá khứ, các “cường quốc tầm trung” có thể thông qua cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, tận dụng sự cạnh tranh giữa hai nước này, đóng vai trò động lực cho sự phát triển của hệ thống quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời đại “cạnh tranh toàn diện”, cường độ cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã gia tăng. Nó bắt đầu hạn chế sự linh hoạt của các “cường quốc tầm trung” trong việc lựa chọn của họ.
Vì sự khác biệt trong ưu tiên nhận thức và bản sắc quốc gia trong nước, cũng như mức độ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Mỹ có sự chênh lệch. Khả năng đối phó với áp lực từ các cường quốc có sự khác biệt về hệ thống bảo vệ, xu hướng phân hóa trong lựa chọn chiến lược giữa các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Thái Bình Dương đã trở nên rõ rệt hơn. Tất nhiên, sự phân hóa này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố bên trong quốc gia và hệ thống, và lựa chọn của các “cường quốc tầm trung” không phải là bất biến. Trên cơ sở các phân tích này, Trung Quốc có khả năng thông qua việc thúc đẩy thay đổi một số yếu tố, tích cực gây ảnh hưởng tới hành vi của các “cường quốc tầm trung”, xây dựng môi trường quan hệ quốc tế và chiến lược có lợi cho họ./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Zhang Chi (张弛) là Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải. Xu hướng nghiên cứu chính là Luật quốc tế, quan hệ quốc tế và chiến lược an ninh khu vực Đông Bắc Á. Bài viết được đăng trên tạp chí Thái Bình Dương, tập 32, số 3/2024.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản dịch này đã lược bỏ các chú thích tài liệu tham khảo, quý độc giả cần bản gốc của bài báo khoa học này có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]