Khái quát về mối quan hệ quốc phòng Việt Nam – EU trong bối cảnh địa chính trị hiện naỳ
Ngày 17/10/2019, tại Brussels (Bỉ), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Hiệp định FPA đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và EU, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Hiệp định FPA là hiệp định khung nhằm thiết lập quan hệ hợp tác, thể hiện cam kết chính trị, tạo cơ sở để ký các thỏa thuận triển khai hợp tác cụ thể ở những nội dung hai bên thống nhất; mở đường để Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là toàn quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình. Trên cơ sở nguyên tắc đó, các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU là: Thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU; đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và khắc phục hậu quả chiến tranh.Đối với EU, việc ký FPA nhằm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên minh châu Âu trong việc tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương [1].
Vào ngày 1/5/2020, Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về việc Thiết lập Khuôn khổ Tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia và đóng góp vào các hoạt động và sứ mệnh của Chính sách Quốc phòng và An ninh chung của EU. Việt Nam là thành viên đầu tiên trong ASEAN và là quốc gia thứ 4 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau New Zealand, Úc và Hàn Quốc) ký hiệp định này với châu Âu. Hiệp định này khẳng định cam kết chung của EU và Việt Nam đóng góp vào hòa bình và an ninh không chỉ ở khu vực láng giềng mà còn ở trên thế giới, cũng như đóng góp vào việc bảo vệ trật tự đa phương dựa trên luật pháp. Một mặt, hiệp định này chứng tỏ sự tham gia ngày càng lớn mạnh của EU tại khu vực châu Á và tầm quan trọng ngày càng lớn của các quốc gia ASEAN trên trường quốc tế và tiếp theo đó là vai trò trung tâm ngày càng cao của ASEAN. Mặt khác, nó thể hiện nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tính đa phương trong kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế, cũng như mong muốn đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam[2].
Chiều 21/11/2023, tại Hà Nội, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, quan hệ Việt Nam – EU thời gian qua phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn quan tâm, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – EU, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng mà hai bên đạt được trong thời gian vừa qua, phù hợp khuôn khổ Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) và Hiệp định giữa Việt Nam và EU về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng với Liên minh châu Âu (Hiệp định FPA), đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như: Đối thoại quốc phòng an ninh, đào tạo, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh [3].
Quan điểm và chiến lược hợp tác của EU với Việt Nam và khu vực
EU nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với sự phát triển kinh tế và an ninh toàn cầu. Năm 2021, EU ra mắt “Chiến lược hợp tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với mục tiêu tăng cường các liên kết kinh tế và an ninh, đồng thời đối phó với các thách thức địa chính trị từ các quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Chiến lược này tập trung vào các lĩnh vực như: An ninh hàng hải – EU chú trọng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam để đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, một khu vực chiến lược nhưng đang gặp nhiều căng thẳng địa chính trị. Biển Đông không chỉ là huyết mạch thương mại toàn cầu mà còn là nơi tranh chấp chủ quyền phức tạp, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp hay chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (phòng chống tội phạm mạng, buôn người và các mối đe dọa phi truyền thống khác) [4] [5]. Việc EU đưa chiến lược này cũng nằm trong xu hướng tái cân bằng quyền lực toàn cầu. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua chiến lược “Chuỗi ngọc trai” đã khiến nhiều quốc gia, bao gồm EU, lo ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và an ninh. Trong bối cảnh đó, EU không chỉ xây dựng các liên minh chính trị mà còn tập trung vào phát triển công nghệ và củng cố chuỗi cung ứng [6].
Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những đối tác then chốt của EU trong khu vực ASEAN. Quan hệ này được xây dựng dựa trên nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại và quốc phòng. EU nhận thấy Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn ổn định khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam, với chính sách đối ngoại “bốn không” (không liên kết quân sự, không cho phép đặt căn cứ quân sự, không liên minh chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực), đã trở thành một đối tác đáng tin cậy và phù hợp với nguyên tắc đa phương của EU. Quan hệ giữa EU và Việt Nam không chỉ tập trung vào quốc phòng mà còn phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh tế. Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) là những ví dụ tiêu biểu cho sự hợp tác toàn diện này. Hai hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, và phát triển bền vững.
Mặc dù EU không có khả năng triển khai quân sự lớn trong khu vực như Hoa Kỳ, nhưng EU đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng “an ninh mềm” thông qua các biện pháp ngoại giao và hợp tác đa phương. EU ưu tiên các giải pháp hòa bình cho các xung đột, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức quốc tế như ASEAN và Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết tranh chấp. Điều này phù hợp với cách tiếp cận của Việt Nam trong các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bên cạnh đó, EU còn xem xét tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực như Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ để tạo ra một hệ thống an ninh khu vực linh hoạt và bền vững. Một trong những sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực này là các cuộc tập trận hàng hải chung nhằm tăng cường khả năng phối hợp và đối phó với các mối đe dọa an ninh chung như cướp biển, tấn công mạng, và khủng bố. EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây. EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. EU ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác [7].
Các biện pháp triển khai và thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai bên
Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và EU, dù mới được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng cũng đã chứng minh được đây là một lĩnh vực quan trọng đối với cả hai bên, trong bối cảnh biến động địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Một trong những bước tiến quan trọng nhất trong hợp tác quốc phòng giữa EU và Việt Nam là Thỏa thuận Khung Tham gia (FPA), ký kết vào năm 2019. Đây là văn bản mang tính bước ngoặt, mở đường cho sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng quốc tế do EU lãnh đạo, với trọng tâm là các hoạt động gìn giữ hòa bình. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, với sự hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn từ EU. Thông qua thỏa thuận này, EU có thể cung cấp các chương trình đào tạo cho lực lượng vũ trang của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, quản lý khủng hoảng và an ninh biển. Việt Nam cũng đã tham gia vào các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và Trung Phi, và sự hỗ trợ từ EU giúp nâng cao năng lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc phòng giữa EU và Việt Nam không chỉ giới hạn trong các hoạt động truyền thống mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống như an ninh mạng và an ninh hàng hải. EU đã triển khai một số chương trình hợp tác và đối thoại thường xuyên với Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước các mối đe dọa mới này. Đối với vấn đề an ninh mạng, cả hai nước đều nhận thức rõ rằng các cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực này là cần thiết để bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng và các hoạt động quốc phòng của hai nước. Về vấn đề an ninh hàng hải, Biển Đông là một trong những khu vực nhạy cảm về an ninh hàng hải. EU đã hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại khu vực này. Sự tham gia của EU với vai trò một bên bảo đảm an ninh quốc tế không chỉ giúp tăng cường hợp tác quốc phòng mà còn củng cố uy tín của EU trong khu vực [8].
Cùng với đó, hai bên cũng tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao. Các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của EU đến Việt Nam là dấu hiệu quan trọng cho thấy mức độ hợp tác quốc phòng ngày càng tăng. Các cuộc thảo luận không chỉ dừng lại ở cấp bộ trưởng mà còn mở rộng tới cấp độ chuyên gia kỹ thuật và sĩ quan quân sự. Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh mới, từ cướp biển đến tranh chấp lãnh thổ, những hoạt động này cũng giúp hai bên xây dựng niềm tin chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm thực chiến.
Thuận lợi và khó khăn trong hợp tác giữa Việt Nam và EU
Về thuận lợi, Việt Nam và EU đã có những cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía. Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và EU đã được củng cố hơn bởi Hiệp định Tham gia Khung (FPA). Bên cạnh đó, các đối thoại về an ninh và quốc phòng đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Các cuộc đối thoại an ninh – quốc phòng giữa EU và Việt Nam đã mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, và đảm bảo ổn định ở Biển Đông. Đồng thời, EU cũng xác định rằng Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này đang trở thành tâm điểm của các cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Việt Nam không chỉ có vai trò trong vấn đề an ninh khu vực mà còn là đối tác quan trọng trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại và phát triển bền vững [9].
Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và EU vẫn còn gặp nhiều khó khăn như khác biệt về quan điểm chính sách, tác động của bối cảnh địa chính trị ngày một phức tạp,… Mặc dù có sự hợp tác tích cực nhưng các khác biệt về quan điểm chính sách đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, chẳng hạn như quan điểm về Biển Đông và sự tham gia vào các tổ chức quốc tế, có thể gây ra những thách thức trong việc đồng thuận giữa Việt Nam và EU [10]. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực hợp tác của EU và Việt Nam. Những căng thẳng địa chính trị này đòi hỏi Việt Nam và EU phải có những chiến lược thận trọng và cân bằng hơn để duy trì ổn định khu vực [11].
Mặc dù còn những thách thức, hợp tác quốc phòng giữa EU và Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng và thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể trong lĩnh vực an ninh hàng hải, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và duy trì hòa bình tại Biển Đông. EU cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và an ninh, điều này đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của khu vực.
Dự báo và chiến lược khai thác của Việt Nam trong thời gian tới
Mặc dù quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn những thách thức cần đối mặt. Một trong những thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc trong khu vực, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong khi EU muốn giữ một lập trường trung lập và đa phương, áp lực từ các đối tác khác như Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến chiến lược của EU trong khu vực. Ngoài ra, việc EU chưa có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực cũng là một yếu tố hạn chế khả năng ảnh hưởng của khối này trong các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, EU có thể tận dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao của mình để xây dựng các quan hệ đối tác bền vững với các quốc gia như Việt Nam, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
Ngoài ra, những vấn đề như nhân quyền cũng có thể làm phức tạp thêm quan hệ giữa hai bên. EU có chính sách nghiêm ngặt về nhân quyền, và điều này đôi khi dẫn đến xung đột trong việc triển khai các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù vậy, cả EU và Việt Nam đều có lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Với việc Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, và EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, quan hệ quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng để duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị trong khu vực.
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và EU đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với nhiều lĩnh vực hợp tác đa dạng như gìn giữ hòa bình, an ninh mạng và an ninh hàng hải. Tuy vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tiềm năng hợp tác trong tương lai là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đối mặt với nhiều biến động địa chính trị. Việc thúc đẩy hơn nữa các biện pháp triển khai cụ thể sẽ giúp quan hệ giữa hai bên đạt được tầm vóc mới, đóng góp quan trọng cho an ninh và ổn định khu vực.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Việt Nam và EU ký Hiệp định về hợp tác quốc phòng (baochinhphu.vn)
[2] Thúc đẩy Hợp tác An ninh và Quốc phòng | EEAS (europa.eu)
[3] Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam – EU (dangcongsan.vn)
[4] EU Strategy for Cooperation in the Indo-Pacific | EEAS (europa.eu)
[5] Future-proofing EU security and defence policies in the Indo-Pacific: doubling down with friends – Elcano Royal Institute (realinstitutoelcano.org)
[6] Navigating Tides: The European Union’s Expanding Role in the Indo-Pacific (csis.org)
[7] Việt Nam và EU ký Hiệp định về hợp tác quốc phòng (baochinhphu.vn)
[8] What’s in a Deeper EU-Vietnam Security Partnership? – The Diplomat
[9] EU and Viet Nam step up security and defence cooperation with signature of a Framework Participation Agreement for participation in EU crisis management operations | EEAS (europa.eu)
[10] EU-Vietnam: joint press release for the 4th EU-Vietnam Joint Committee | EEAS (europa.eu)
[11]What-Role-for-EU-in-the-Indo-Pacific-EU-Power-Projection-Asian-European-Security-Cooperation-and-the-Future-of-the-Multilateral-Liberal-International-Order-1.pdf (researchgate.net)