Liên Hợp Quốc đã thực sự thể hiện sự lố bịch của họ. Trong tuần này, khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại New York thì Dải Gaza, hai nước Lebanon và Palestine không hề có mặt trong chương trình nghị sự. Dù vậy, một Hiệp ước do Hoa Kỳ soạn thảo được thông qua nhằm bảo vệ “trật tự dựa trên luật lệ” lại là một trong những vấn đề nổi bật nhất.
Sự bất lực của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an trong việc ngăn chặn một cuộc diệt chủng ngay khi nó có nguy cơ xảy ra đã làm mất uy tín của tổ chức này đến mức không ai có thể cứu vãn được nữa. Bất kỳ nghị quyết nghiêm túc nào được cân nhắc mà gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Israel đều đã, đang và sẽ bị chặn lại tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đáng chú ý, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua “Hiệp ước vì tương lai“, với 143 phiếu thuận, chỉ có 7 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Vấn đề tất nhiên nằm ở việc: ai đã soạn thảo và phê duyệt nó, làm thế nào mà nó lại nằm ở vị trí đầu tiên trong chương trình nghị sự trong khi thế giới đang “rực lửa”? Cuối cùng, tại sao phần lớn chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện của một lời nói dối trắng trợn?
Bộ máy quan hệ công chúng của Liên Hợp Quốc đã tuyên bố đầy hân hoan rằng “kết quả của Hội nghị thượng đỉnh vì Tương lai sẽ là cơ hội có một không hai để đưa nhân loại đi theo một phương hướng mới, hướng tới tương lai chung của toàn bộ chúng ta”.
Nói thì có vẻ rất hay, nhưng để phân tích, điều này không giống với khái niệm triết học tổng quan của Trung Quốc về “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Nó giống với tương lai chung được vẽ ra bởi chế độ tài phiệt Đại Tây Dương hơn, đó là nơi mà cái được gọi là “khu vườn” sẽ đưa ra mệnh lệnh dành cho “rừng rậm”.
Phản ứng của Nga, Trung Quốc và Iran
Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, Dmitry Polyansky đã tóm tắt sáng kiến này một cách khéo léo:
Liên Hợp Quốc đã vi phạm các nguyên tắc của chính tổ chức để chiều chuộng một nhóm phái đoàn đến từ “khu vườn xinh đẹp”, những người đã “độc chiếm” các cuộc đối thoại ngay từ đầu. Và phần lớn các phái đoàn khác đến từ “rừng rậm” giờ đây giống như một “bầy đàn” tội nghiệp, họ không có đủ can đảm để phản đối và bảo vệ quyền lợi của mình. Cuối cùng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả.
Một số nhà ngoại giao nói chuyện ngoài lề với giọng điệu khá bối rối, họ đã xác nhận rằng thực tế không có cuộc đàm phán nghiêm túc nào trước đó và Hiệp ước đã được thông qua với sự đồng thuận của một nhóm nhỏ chỉ có bảy quốc gia, tất cả đều đến từ “rừng rậm”. Họ đã có cố gắng để kháng cự nhưng rồi lại tự bác bỏ đi những văn bản mình đã chuẩn bị và đã cuối cùng cũng đã không bổ sung các sửa đổi vào phút cuối.
Ngay cả Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới, ông Philemon Yang cũng đã có những nỗ lực nhất định. Một số người đã phản đối đề xuất rằng ông Yang nên hoãn bỏ phiếu cho đến khi tất cả các điều khoản được thống nhất, cụ thể là những điều khoản về giải trừ quân bị và vai trò can thiệp của các tổ chức phi chính phủ vào công việc của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Thế nhưng, phía “khu vườn” đã áp dụng tất cả những gì họ có thể để thông qua Hiệp ước và quyết định của những người phản đối được đưa ra quá ít và quá muộn.
Một số nhà ngoại giao châu Phi đã phàn nàn một cách không chính thức rằng những quốc gia “khu vườn” đã đi ngược lại các điều khoản của Hiệp ước nhưng lại bỏ phiếu “vì đoàn kết”. Đó là dấu hiệu cho việc họ đã bị “bắt nạt” hoặc thực sự đã bị phía “khu vườn” mua chuộc.
Cuối cùng vẫn là những lá phiếu “quyết định”, cả Nga và Iran đều bỏ phiếu “Không”. Và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
Rốt cuộc ba quốc gia “văn minh” chủ chốt vốn là động lực chính thúc đẩy sự hội nhập Á – Âu và có thể nói là ba thành viên quan trọng nhất của BRICS, họ đã phủ nhận Hiệp ước do chính họ tạo ra. Lý do chính không được nêu ra là Hiệp ước này về cơ bản là đi ngược lại với chủ trương của BRICS và sự trỗi dậy của một “cực thế giới” thứ hai.
Một sự thật hiển nhiên là tài liệu tham khảo trực tiếp của Hiệp ước về “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” chính là “câu thần chú bá quyền”. Hiệp ước được thiết kế khéo léo để cô lập các quốc gia “văn minh” hàng đầu và chia rẽ khối BRICS từ bên trong theo một kiểu “chia để trị” kinh điển.
Đối với một hiệp ước quyết định đến tương lai của hầu hết các quốc gia trên thế giới “thực sự”, nó sẽ sớm được thảo luận nghiêm túc nhưng sẽ không phải là tại Liên Hợp Quốc, mà là tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của BRICS ở Kazan (Nga) vào tháng 10/2024.
Dấu hỏi về vai trò của Liên Hợp Quốc
Mặc dù trụ sở Liên Hợp Quốc đang tiếp đón một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới đông đảo nhất lịch sử (trong phạm vi một năm), nhưng hoàn toàn vẫn không có động thái nào được thực hiện để đề xuất những giải pháp cho những cuộc thảm sát đẫm máu ở Gaza và việc Israel mở rộng phạm vi xung đột vào Lebanon. Sự im lặng và thờ ơ chết người này đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách nhất toàn cầu đã làm choáng váng ngay cả những kẻ “ăn theo” ở Vịnh Ba Tư, những kẻ đó thường bám víu vào các mệnh lệnh của Hoa Kỳ trong hầu hết mọi vấn đề.
Trợ lý Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) về các vấn đề chính trị và đàm phán, Tiến sĩ Abdel Aziz Aluwaisheg, thậm chí đã viết một bài xã luận chỉ ra sự ảo tưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden như sau: “khẳng định rằng hệ thống quốc tế đang hoạt động và Hoa Kỳ nói riêng đang duy trì nó”, ông là người duy nhất đã đưa ra tuyên bố này trên bục phát biểu của năm nay.
Trong chuyên mục có tựa đề “Bài phát biểu không trọn vẹn cuối cùng của Ông Biden tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”, Ông Aluwaisheg chia sẻ: “Trong các cuộc họp cấp cao được tổ chức tại New York những ngày này, chẳng hạn như “Hội nghị thượng đỉnh vì tương lai”, những người tham gia đều đồng ý rằng hệ thống Liên Hợp Quốc đã xuống cấp và cần được cải cách, thậm chí là đại tu”. Ông cũng nói thêm:
Nhìn từ góc độ của một siêu cường có quyền phủ quyết, hệ thống này đang tỏ ra có hiệu quả. Cơ chế này có thể ngăn chặn bất kỳ hành động nào mà đi ngược lại với ý chí của tổ chức và đi theo các quyết định nhận được sự đồng thuận. Còn điều gì có thể tốt hơn? Thế nhưng cái nhìn về thế giới lại khác đi khi đi theo góc nhìn của những người tị nạn không có khả năng tự vệ ở Dải Gaza, họ co ro giữa đống đổ nát của những ngôi nhà bị tàn phá, mất đi những thành viên gia đình và có thể bị giết bất cứ lúc nào bởi một lực lượng quân sự không chịu sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc hay không được các thành viên quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc hỗ trợ.
Liệu Liên Hợp Quốc có trở thành một con rối của Davos
Toàn bộ trụ sở Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York hiện tại đã trở thành một hòn đá nguyên khối tôn vinh cho sự bất lực, chán chường và Chủ nghĩa hoài nghi vì bất kỳ phái đoàn ngoại giao nào cũng cảm thấy rõ ràng rằng cuộc xung đột đẫm máu ở Gaza và hiện giờ đã mở rộng sang Lebanon đều được các “trùm đầu sỏ phương Tây” ủng hộ, do Chủ nghĩa phục quốc Do thái với Anh – Mỹ dẫn đầu lãnh đạo.
Về khía cạnh này, bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào tại Liên Hợp Quốc đều nên được coi là “không hợp lệ”. Toàn bộ cấu trúc của Liên Hợp Quốc cũng nên được coi là “không hợp lệ”.
Bản Hiệp ước này nên được hiểu theo cách sẽ gây nguy hiểm cho chính những bên liên quan. Đó là một trò hề: trộn các từ ngữ sáo rỗng lại với nhau, pha trộn thêm những tín hiệu ảo không bị kiềm chế với việc hoạch định lại các chính sách cũ từ các thỏa thuận đã chết như thỏa thuận thương mại TPP thời Obama, cộng với một chiến dịch Số hóa toàn cầu được biên tập lại trong luận án bởi chính phủ Đức và Namibia.
Tuy nhiên, những người biên tập thực sự lại là những “nghi phạm” thường thấy: Big Tech và Big Finance hay những người thực thi “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Tương lai này hứa hẹn với nhân loại không giống như “tinh thần cộng đồng” của Trung Quốc, đây như là một sự thần thánh hóa Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thẳng từ nhóm Davos và được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhân cách hóa.
Đây là những “diễn viên” đã giám sát các “cuộc đàm phán” không tồn tại trước đó, gợi nhớ đến thỏa thuận hợp tác định mệnh giữa Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được ký kết vào tháng 7 năm 2019, vài tháng trước Đại dịch COVID-19.
Theo nhà phân tích Peter Koenig, thỏa thuận này là “bất hợp pháp” vì “Liên Hợp Quốc không được ký kết thỏa thuận với các tổ chức phi chính phủ, nhưng trên thực tế điều này không phù hợp với một thế giới có trật tự dựa trên luật lệ”. Trên thực tế, nó khiến Liên Hợp Quốc chỉ là một con rối của Davos.
Cuối cùng, chào mừng bạn đến với tương lai “phi địa đàng” do chính bạn đóng vai tạo dựng, hiện đã được định hình trên “kịch bản”. Tôi xin lỗi, không có giấy, lỗi thời quá: phải là bằng chữ viết kỹ thuật số.
Có lối thoát nào không? Câu trả lời là có. Phong trào Kháng chiến Toàn cầu từng bước đang được định hình thành một lực lượng gắn kết xuyên lục địa, phần lớn nguyên nhân của việc này là do Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. BRICS quyết tâm phát triển các nút kết nối mạnh mẽ có khả năng định hướng đa số các quốc gia toàn cầu hướng tới một tương lai công bằng, đáng sống và không “phi địa đàng”. Mọi con mắt đổ dồn về thành phố Kazan vào tháng 10./.
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: Pepe Escobar là biên tập viên của tờ Asia Times và là một nhà phân tích địa chính trị độc lập tập trung vào khu vực Á – Âu. Bài viết này của ông được đăng lần đầu trên tờ The Cradle.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]