Cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút khi bà Kamala Harris và ông Donald Trump dồn toàn lực vào các bang chiến địa. Kết quả khảo sát trong những tháng gần đây cho thấy sự nổi lên mạnh mẽ của bà Harris. Tuy nhiên đà tăng đã chậm lại, đặt hai ứng cử viên vào thế gần như cân bằng, khiến cho việc đoán định người thắng cuộc vô cùng khó khăn. Hai nhân tố lớn tác động tới kết quả bầu cử là những khác biệt trong chính sách và các nhóm cử tri tại các bang chiến địa. Xét về chính sách, trong khi cả hai ứng cử viên nhận được sự tín nhiệm gần như tương đương đối với năng lực quản lý kinh tế, ông Trump dẫn đầu về vấn đề người nhập cư và bà Harris dẫn đầu về bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ. Còn tại bảy bang chiến địa, cách biệt vô cùng sít sao.
Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đang bước vào những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử năm 2024, cũng là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt và dồn dập nhất. Chỉ trong vòng chưa đầy 80 ngày kể từ khi chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Kamala Harris và đội ngũ vận động tranh cử của mình đã gây quỹ được số tiền kỷ lục 1 tỷ USD, khiến bà trở thành ứng cử viên tổng thống đầu tiên có thể kêu gọi được số tiền trên trong khoảng thời gian ngắn đến vậy. Những con số này minh chứng cho thực tế rằng, bà Harris đã nắm trong tay động lực của cuộc bầu cử trong ba tháng qua, xuất phát từ thời điểm nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump được cho là chắc chắn, cho tới hiện tại khi mà bà đã vươn lên dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò. Ngân sách vận động bầu cử của ông Trump kể từ đầu năm tới nay ít hơn gần 15% so với đối thủ của mình và khiêm tốn hơn so với cuộc vận động của ông hồi năm 2020, tuy nhiên sức nóng của chủ nghĩa Trump và làn sóng MAGA (Make America Great Again) trong những năm gần đây là không thể chối cãi và đã đưa ông Trump tiệm cận ghế tổng thống trong suốt gần một thập kỷ. Cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều đang dồn hết nỗ lực vào giai đoạn nước rút, không chỉ ở những bang được cho là “chiến địa”, mà còn ở chính những bang “sân nhà” của nhau.
Economist Intelligence Unit đã điều chỉnh dự đoán của mình hồi tháng 7, không còn cho rằng ông Trump sẽ thắng. Cũng giống như nhiều tờ báo và đơn vị nghiên cứu khác, cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là sẽ rất sít sao, khó đoán định, và có thể dẫn đến những kịch bản chưa từng có trong lịch sử.
Khác biệt về chính sách
Có nhiều nhân tố có khả năng ảnh hưởng tới chiều hướng của cuộc đua vào Nhà Trắng, trong số đó là các vấn đề nổi trội được người dân Mỹ quan tâm hàng đầu.
Vấn đề kinh tế giành được mối quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ. Các khảo sát của AP đều cho thấy kinh tế là vấn đề quan trọng nhất, bỏ xa các vấn đề khác. Điều đó có nghĩa là nhiều cử tri Mỹ đang đặt kỳ vọng vào đối sách của hai ứng cử viên trong nhiệm kỳ tới.
Các đề xuất kinh tế của bà Harris và ông Trump đều có chung một số mục tiêu: cắt giảm chi phí, nới lỏng quy định, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và khuyến khích các tập đoàn sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, cách làm của hai ứng cử viên khác nhau và họ đang thuyết phục người dân đâu mới là cách làm đúng.
Giảm giá nhà ở bằng tín dụng thuế cho người mua nhà lần đầu, tăng nguồn cung nhà ở, cấm hành vi điều chỉnh giá đối với các cửa hàng nhu yếu phẩm, ưu đãi thuế khuyến khích sản xuất trong nước công nghệ năng lượng ít phát thải carbon và ưu đãi thuế dành cho các bậc phụ huynh đang nuôi con là một số điểm nhấn trong chính sách kinh tế của bà Harris. Trong khi đó, các đề xuất của ông Trump gồm một số nét chính như chuyển quy hoạch đất liên bang sang xây nhà ở, áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu để kéo doanh nghiệp về nước, tăng cường khoan dầu để giảm giá năng lượng.
Các chính sách kinh tế mà bà Harris và ông Trump đề xuất nhìn chung đều không được giới chuyên gia đánh giá cao, trong khi còn nhiều mơ hồ và chỉ mang tính hô hào. Nhiều ý kiến cho rằng các chính sách, đặc biệt là của ông Trump, sẽ càng làm trầm trọng hơn vấn đề nợ công của Mỹ.
Chính sách trợ giá mua nhà ở của bà Harris trong bối cảnh nguồn cung nhà ở thiếu hụt trầm trọng (khoảng 4 đến 7 triệu căn) có khả năng sẽ càng đẩy giá nhà lên cao hơn . Đề xuất ban hành luật cấm điều chỉnh giá nhu yếu phẩm bị đánh giá là thiếu cơ sở và chỉ để khơi dậy vào tâm lý của người dân đối với vụ việc một số doanh nghiệp lợi dụng tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong đại dịch covid để đẩy giá.
Đối với ông Trump, giảm giá nhà ở bằng cách trục xuất người nhập cư bất hợp pháp có thể làm giảm cạnh tranh nhà ở và giảm tăng trưởng nền kinh tế, trong khi các hứa hẹn như cắt giảm thuế cho người mua nhà và chuyển quy hoạch một phần đất liên bang thành đất xây nhà ở đều chưa có đường hướng cụ thể. Áp thuế cao (tới 20%) với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nhằm tạo ra việc làm trong nước và giảm giá hàng hóa nội địa có thể tạo ra thêm gánh nặng cho tầng lớp trung lưu. Giảm giá xăng và điện bằng cách nới lỏng các hạn chế đối với khu vực năng lượng, tăng cường khoan dầu và khí đốt với khẩu hiệu “khoan, khoan, khoan” của ông Trump bị cho là kém hiệu quả do các yếu tố cung cầu trong ngành dầu khí ít phụ thuộc vào chính sách của chính phủ mà vào giá dầu toàn cầu và tiến bộ công nghệ .
Nhìn chung, bà Harris tiếp nối các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Do đó, ủng hộ của cử tri đối với bà Harris sẽ phụ thuộc nhiều vào tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Phần lớn người tham gia các cuộc khảo sát AP/NORC trong tháng 9 và tháng 10 đều cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng yếu kém và không đi đúng hướng. Điều này có lợi cho ông Trump trong phần lớn chiến dịch tranh cử, đặc biệt là khi Tổng thống Joe Biden còn là ứng cử viên và lạm phát vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, các chỉ số khởi sắc về tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động được công bố trong tháng qua , cùng với quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã đem đến những thuận lợi cho bà Harris. Với việc cụ thể hóa đề xuất chính sách kinh tế của mình hồi cuối tháng 9 với bản kế hoạch dài hơn 82 trang , bà Harris đã phần nào xóa bỏ những nhận định cho rằng bà chỉ có thể đưa ra những khẩu hiệu và mục tiêu mơ hồ.
Tuy vậy, những thành tích và kinh nghiệm trong vai trò là nhà quản lý kinh tế của bà Harris vẫn khiêm tốn hơn so với ông Trump. Chính sách của bà chưa tạo được màu sắc riêng và không rõ rệt như chính sách của ông Trump, khi ông đã trải qua một nhiệm kỳ tổng thống và gần một thập kỷ khẳng định thương hiệu trên chính trường.
Những yếu tố nói trên giúp ông Trump tiếp tục dẫn đầu về năng lực quản lý kinh tế trong nhiều khảo sát. Mặc dù vậy, cách biệt là không lớn: các cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy bà Harris đang thu hẹp khoảng cách về tín nhiệm đối với vấn đề kinh tế từ 11% (tháng 7), 3% (tháng 8) về 2% (tháng 9). Khảo sát AP/NORC 21/10 thậm chí cho thấy bà Harris đã vươn lên dẫn trước ở một số vấn đề như thuế đối với tầng lớp trung lưu, nhà ở.
Lĩnh vực mà ông Trump có được cách biệt lớn so với bà Harris trong các khảo sát là về các chính sách liên quan đến người nhập cư. Với đường hướng mang tính nhân đạo trong vấn đề nhập cư ngay từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Biden đã để xảy ra tình trạng số lượng người vượt biên tại biên giới phía Nam với Mexico lên cao tới mức kỷ lục vào tháng 12/2023. Tuy sắc lệnh tổng thống được ban hành vào tháng 6/2024 nhanh chóng kiểm soát tình hình và giảm số lượng người vượt biên, nhưng lại tạo ra yếu điểm cho ông Trump và Đảng Cộng hòa tấn công, đồng thời khiến chính sách người nhập cư trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu, chỉ xếp sau quản lý kinh tế. Tới 57% người Mỹ cho rằng đây là chính sách cần được ưu tiên theo khảo sát của Pew Research , trong khi gần 80% cho rằng chính phủ đang quản lý không tốt vấn đề người nhập cư.
Cách tiếp cận của ông Trump đối với vấn đề nhập cư là nhất quán và rõ ràng. Nếu đắc cử, ông Trump sẽ khôi phục và thậm chí mạnh tay hơn đối với các chính sách kiểm soát nhập cư trong nhiệm kỳ trước. Trong đó nổi bật là tuyên bố thực hiện “chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, cùng với các chính sách khác như tiếp tục xây dựng bức tường ngăn cách với Mexico, tái thiết các chương trình khiến việc xin tị nạn khó khăn hơn, cấm nhập cảnh đối với các quốc gia có khủng bố và chấm dứt quyền công dân đối với trẻ em được sinh ra tại Mỹ có bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, được Tổng thống Biden giao nhiệm vụ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người nhập cư, bà Harris thận trọng đưa ra đường hướng do dễ trở thành người “đứng mũi chịu sào” khi tình hình tại biên giới phía Nam xấu đi hoặc mất kiểm soát. Trước khi có chuyến thăm đầu tiên tới vùng biên giới để vận động, cũng là lúc khủng hoảng tại khu vực này chưa hạ nhiệt, bà Harris tương đối tránh né các chủ đề về người nhập cư. Khi số lượng các vụ vượt biên giảm, bà Harris dần cho thấy quan điểm rõ ràng: tiếp nối chính sách cây gậy và củ cà rốt của chính quyền Biden, tức là cùng lúc đóng cửa biên giới và cải tổ hệ thống quy chế giúp người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ có thể trở thành công dân.
Chính sách cứng rắn của bà Harris tại biên giới: hạn chế quyền xin tị nạn, củng cố lực lượng an ninh phía Nam và tăng cường bắt giữ người vượt biên trái phép bị đánh giá là những biện pháp “diều hâu” và gây ra ý kiến trái chiều trong chính những người ủng hộ Đảng Dân chủ. Hiện tại, các khảo sát cho thấy cách biệt rõ rệt khi tỷ lệ cử tri tin tưởng ông Trump giải quyết vấn đề nhập cư cao hơn so với bà Harris, khiến đây là một lĩnh vực mà ông Trump chiếm ưu thế.
Sức khỏe sinh sản là lĩnh vực bà Harris dẫn đầu, và cũng là một trong những vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu, bao gồm quyền sinh sản và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế như điều trị sảy thai, khả năng sinh sản và các biện pháp tránh thai. Đây là lĩnh vực mà Đảng Dân chủ nắm ưu thế bằng cách vận động những cử tri trẻ và phụ nữ, từng giúp họ giành chiến thắng trong kỳ bầu cử giữa nhiệm năm 2022. Với chính sách kiên quyết ủng hộ quyền chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, khôi phục luật liên bang về bảo vệ quyền phá thai và chỉ định các thẩm phán có xu hướng tự do, Bà Harris đang dẫn đầu trong các khảo sát liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản.
Ngược lại, ông Trump không có chính sách rõ ràng đối với vấn đề này. Ông nói sẽ không ký và bác bỏ luật liên bang cấm phá thai và để phán quyết về quyền phá thai cho các bang định đoạt. Tuy nhiên, năm 2022 cũng chính ông Trump đã ca ngợi bản thân trong việc đề cử ba Thẩm phán Tối cao bỏ phiếu lật ngược phán quyết Roe v. Wade, dẫn đến các lệnh hạn chế và lệnh cấm phá thai tại nhiều bang . Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ miễn phí các liệu pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho phụ nữ, nhưng hiện phe Cộng hòa trong Quốc hội vẫn đang chống lại các dự luật bảo vệ IVF. Cách tiếp cận thiếu nhất quán của ông Trump đối với vấn đề này đang mang lại lợi thế cho bà Harris.
Trong khi đó, các cuộc trưng cầu dân ý về quyền phá thai sẽ được tổ chức trùng với đợt bầu cử tổng thống, với ít nhất 10 bang sẽ kèm các câu hỏi về quyền phá thai lên cùng lá phiếu bầu tổng thống, trong đó có các bang chiến địa Arizona và Nevada. Điều này sẽ tạo ra thêm lực đẩy cho bà Harris với hy vọng thu hút được nhiều người ủng hộ đi bỏ phiếu hơn.
Các bang chiến địa
Bà Harris tiếp tục dẫn trước trong các cuộc thăm dò toàn quốc, tuy nhiên khoảng cách hiện tại rất hẹp (chỉ khoảng 1-3 điểm). Điều này làm cho kết quả của cuộc bầu cử rất khó đoán định.
Mặc dù vậy, hầu hết các báo đều nhận định rằng bảy bang chiến địa: Pennsylvania, Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina và Wisconsin sẽ là nơi quyết định bà Harris hay ông Trump sẽ giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri (trên tổng số 538) và đắc cử tổng thống. Bảy bang này chiếm 93 phiếu và thường không ngả về bên nào trong các cuộc bầu cử gần đây. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên và đội ngũ của mình dồn toàn lực vào các bang nói trên: tổ chức mít tinh, dựng biển hiệu, chạy quảng cáo trên TV… 280 triệu USD được hai ứng cử viên dồn vào tiền quảng cáo chỉ trong vài tuần tại Pennsylvania. Cả bà Harris và ông Trump đều đang dẫn trước tại ba hoặc bốn trong số bảy bang chiến địa, và điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong những ngày tới.
Arizona từng là một thành trì của Đảng Cộng hòa, tuy nhiên nhiều người dân tại đây không ủng hộ phong trào MAGA đang diễn ra trong đảng này mà ưa chuộng đường lối ôn hòa hơn của cố thượng nghị sĩ Arizona John McCain. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn những cử tri trẻ gốc Latin ủng hộ bà Harris đã mở ra cánh cửa cho Đảng Dân chủ tại bang này. Kết quả khảo sát cho thấy Trump vẫn đang dẫn tại đây, tuy nhiên ứng cử viên thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ruben Gallego đang giành được lợi thế, giúp thu hẹp cách biệt. Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa để mất Arizona vào tay đối thủ kể từ năm 1996. Kịch bản này hoàn toàn có thể tái diễn.
Tương tự như Arizona, sự gia tăng dân số người gốc Á và Latin tại Georgia, đặc biệt là khu vực thành phố Atlanta, khiến bang này không còn đơn thuần là một bang có sự chia rẽ chính trị giữa các cử tri da trắng và da đen, và cũng là nhân tố giúp đem lại chiến thắng của ông Biden hồi năm 2020. Những người sống ở vùng ngoại ô có tư tưởng ôn hòa và xung đột với làn sóng MAGA cũng góp phần làm giảm ưu thế của ông Trump tại bang này. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa vẫn có lợi thế lớn tại Georgia khi nắm trong tay vị trí thống đốc bang, thượng viện và cả hạ viện.
Michigan là một bang công nghiệp cũ, từng một thời phát triển dựa vào ngành sản xuất ô tô, thép và các ngành công nghiệp nặng khác, nhưng chịu tổn thất lớn về việc làm khi Tổng thống Đảng Dân chủ Bill Clinton ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Do đó, ông Trump và Đảng Cộng hòa giành được sự ủng hộ từ nhiều cử tri Michigan, đặc biệt là những người thuộc công đoàn. Tuy vậy, chênh lệch trong các khảo sát giữa hai ứng cử viên không hề cách biệt. Nguyên nhân có thể là do bộ phận cử tri người da đen và phụ nữ. Người da đen vốn là cơ sở ủng hộ cho Đảng Dân chủ, trong khi thành phố Detroit của Michigan là thành phố lớn nhất của Mỹ có thành phần dân cư đa phần là người da đen. Nhiều phụ nữ tại Michigan từng ủng hộ Trump, nhưng hiện phản đối ông do các vấn đề về quyền phá thai. Do đo, mấu chốt cho kết quả bỏ phiếu tại Michigan là tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu. Năm 2016, Hillary Clinton để mất bang này một phần là do quá ít người da đen đi bỏ phiếu.
Nevada là bang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Mỹ, trong khi giá nhà ở ngày càng tăng. Lá phiếu ở Nevada được cho là sẽ về tay ứng cử viên có chính sách tốt hơn đối với người lao động. Một bộ phận tầng lớp trung lưu cho rằng chính sách thuế của ông Trump chỉ phục vụ lợi ích của giới người giàu, trong khi số khác không hài lòng với tình hình kinh tế dưới thời Biden và cho rằng ông Trump quản lý nền kinh tế tốt hơn khi còn là tổng thống. Phe Dân chủ vẫn giành chiến thắng tại Nevada trong các kỳ bầu cử tổng thống kể từ năm 2008, tuy nhiên với cách biệt rất nhỏ. Khoảng 40% cử tri tại đây không coi mình thuộc Đảng Cộng hòa hay Dân chủ, trong khi bộ phận người gốc Latin (chiếm 20% số cử tri) không còn ủng hộ Đảng Dân chủ như trước.
North Carolina thường ngả về phía cộng hòa, gần nhất chỉ có hai chiến thắng của Đảng Dân chủ (Jimmy Carter năm 1976 và Barack Obama năm 2008). Cơ sở ủng hộ của Trump phần lớn là những người da trắng tại khu vực nông thôn, nơi có 23 trên 25 quận có phong trào MAGA chiếm ưu thế. Tuy vậy, bà Harris vẫn đang nỗ lực nhắm vào các cử tri là nữ giới tại khu vực ngoại ô và người Mỹ gốc Phi, với chiến dịch tăng cường độ phủ trên toàn bang để tiếp cận cử tri và nâng tỷ lệ người đi bỏ phiếu. Mặt khác, North Carolina cũng là bang có tỷ lệ lớn những người không liên kết với đảng nảo (37%). Những yếu tố này khiến cho kết quả khảo sát tại North Carolina giữa hai ứng cử viên hiện tại vẫn đang rất sít sao.
Với 19 phiếu đại cử tri (nhiều nhất trong số các bang chiến địa), Pennsylvania là chiến lợi phẩm đem lại lợi thế rất lớn cho người giành chiến thắng tại bang này. Bộ phận người da trắng chiếm tới 74% dân số Pennsylvania và tầng lớp người lao động da trắng là nhóm người có vai trò quan trọng đối với kết quả bầu cử. Nhiều cử tri tại bang này cho rằng tình hình kinh tế hiện tại không khả quan và Trump có năng lực quản lý nền kinh tế tốt hơn. Trong khi đó, số cử tri khác lo lắng rằng việc bầu ông Trump sẽ đem lại những tác động tiêu cực đối với nền dân chủ và hạn chế quyền phá thai. Nhìn chung, Pennsylvania là bang khó đoán định, thực tế kết quả bầu cử năm 2016 và 2020 khác xa so với các khảo sát trước đó.
Phần lớn các chiến thắng tại Wisconsin đều thuộc về Đảng Dân chủ. Sau bài học năm 2016 khi để mất vào tay Donald Trump, Đảng Dân chủ đã chú trọng hơn vào việc đảm bảo lợi thế tại bang này. Tuy vậy, cơ sở ủng hộ của Đảng Dân chủ tại bang này có xu hướng giảm sút trong những năm qua. Các công đoàn trước đây là lực lượng giúp Đảng Dân chủ nâng cao tỷ lệ người đi bỏ phiếu, tuy nhiên một đạo luật năm 2011 của chính quyền dưới thời Đảng Cộng hòa đã hạn chế hoạt động của các tổ chức này và do đó khó vận động cử tri hơn. Bên cạnh đó, các vùng nông thôn ngày càng quay sang ủng hộ ứng cử viên cộng hòa, biến các thành phố Milwaukee và Madison trở thành thành trì cuối cùng của Đảng Dân chủ. Cũng giống như ở những nơi khác, với kết quả khảo sát chênh nhau rất ít, hai ứng cử viên sẽ phải trông chờ vào tỷ lệ người đi bỏ phiếu.
Như vậy, có thể thấy bà Harris và ông Trump hầu như đang ở thế cân bằng, dù xét ở phương diện chính sách hay sự ủng hộ của các nhóm cử tri tại các bang chiến địa. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có thể rút ra rằng dù bà Harris hay ông Trump thắng cử, cách biệt cũng sẽ vô cùng sít sao. Thời điểm cuộc bầu cử ngày 5/11 kết thúc, khi mà các bang như Georgia và Pennsylvania vẫn chưa công bố kết quả theo các quy định kiểm phiếu, sẽ là lúc ông Trump nhân cơ hội tự mình tuyên bố sớm chiến thắng. Xét tới tính cách của ông Trump và việc bà Harris khó lòng dẫn đầu nếu không có các phiếu đại cử tri tại một trong hai bang nói trên, thì kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra./.
Tác giả: Nhã Yên
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.nytimes.com/2024/10/21/us/elections/harris-trump-campaign-finance.html
2. https://www.economist.com/finance-and-economics/2024/08/20/kamala-harriss-cost-of-living-plan-will-end-in-failure
3. https://www.eenews.net/articles/trump-and-haley-say-they-would-drill-more-oil-is-that-possible/
4. https://www.theguardian.com/business/2024/oct/30/us-inflation-gdp
5. https://www.federalreserve.gov/newsevents/pressreleases/monetary20240918a.htm
6. https://www.nytimes.com/2024/09/26/us/politics/harris-trump-economy.html
7. https://reuters.com/world/us/harris-builds-lead-over-trump-voters-see-her-debate-winner-reutersipsos-poll-2024-09-12
8. https://apnorc.org/projects/registered-voters-are-split-on-trusting-harris-or-trump-to-handle-economic-issues/
9. https://www.pewresearch.org/short-reads/2024/10/01/migrant-encounters-at-u-s-mexico-border-have-fallen-sharply-in-2024/
10. https://www.pewresearch.org/short-reads/2024/03/07/state-of-the-union-2024-where-americans-stand-on-the-economy-immigration-and-other-key-issues/
11. https://www.pewresearch.org/politics/2024/02/15/how-americans-view-the-situation-at-the-u-s-mexico-border-its-causes-and-consequences/
12. https://time.com/7096575/donald-trump-abortion-plan-2024/
13. https://www.theguardian.com/us-news/2024/oct/26/swing-state-polls-pennsylvania-michigan-georgia-arizona-wisconsin-nevada-north-carolina