Vào ngày 27 tháng 9 năm 2024, Israel đã ám sát Thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah của Hezbolla bằng cách thả khoảng 60 tới 80 quả bom phá boongke xuống một khu dân cư đông đúc ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut. Cuộc tấn công đã giết chết nhiều lãnh đạo khác của Hezbollah, một vị tướng của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cùng ít nhất 33 dân thường thiệt mạng và 195 người bị thương.
Những cuộc tấn công và tiến công trên bộ của Israel vào Lebanon cho thấy sự leo thang căng thẳng nhiều năm qua nhằm chống lại giới lãnh đạo của Hezbollah. Trong thời gian đó, quân đội Israel đã giết chết hàng trăm binh sĩ và hàng nghìn thường dân, với ít nhất hai chục chỉ huy quân sự và các quan chức cấp cao của Hezbollah, bao gồm cả người được dự đoán sẽ kế nhiệm Nasrallah là Hashem Safieddine. Vào ngày 8 tháng 10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng chiến dịch đã thành công. “Chúng tôi đã tiêu diệt hàng nghìn tên khủng bố, bao gồm Nasrallah và người thay thế Nasrallah, thậm chí là cả người thay thế cho người thay thế của ông ta”, ông nói.
Theo logic của Netanyahu cũng như của các viên chức chính phủ Israel khác, những vụ ám sát này sẽ giúp tiêu diệt Hezbollah vĩnh viễn. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy. Hezbollah đã là một tổ chức 40 năm tuổi với một nền tảng xã hội lớn mạnh, và cũng là một đảng phái chính trị đại diện trong quốc hội và nội các của Lebanon dưới sự hậu thuẫn của nhà nước Iran. Với khả năng thích ứng tốt và kiên cường, Hezbollah vẫn sẽ có thể tái hợp trước những nỗ lực chia rẽ tạm thời của Israel. Các chỉ huy mới được thăng chức có khả năng sẽ trả đũa Israel để chứng minh năng lực của họ và sức mạnh của tổ chức này.
Bên cạnh đó, nếu như chiến dịch ám sát của Israel có thể làm suy yếu Hezbollah vĩnh viễn, việc một nhóm khác sẽ trỗi dậy để lấp đầy khoảng trống có khả năng xảy ra rất cao. Trong suốt chiều dài lịch sử, khi các vụ giết người có chủ đích gây ra những tổn hại nặng nề cho các tổ chức vũ trang, thì những nhóm khác thường liên kết lại với nhau để thế chỗ. Điều này đã lý giải vì sao ám sát chỉ là một chiến thuật chứ không phải là giải pháp chính trị, do đó, không giải quyết được các vấn đề cốt lõi đã hình thành và thúc đẩy sự xung đột. Bên cạnh đó, cho dù là do nhầm lẫn hay là rủi ro đi kèm, thì các vụ giết người có chủ đích thường xuyên gây ra thương vong cho dân thường cũng như phá hủy các cơ sở hạ tầng. Chúng khiến sự bất bình của người dân dâng cao, thúc đẩy tuyển dụng các binh sĩ và khiến việc đàm phán bị đổ bể. Nói cách khác, việc giết có chủ đích thường chỉ kéo dài bạo lực thay vì chấm dứt nó.
Những hậu quả không mong muốn
Trong hơn 50 năm, Israel đã ám sát các nhà lãnh đạo quân sự ở Lebanon bằng các cuộc đột kích, không kích và đánh bom xe. Các cuộc tấn công được một số học giả và chiến lược gia quân sự gọi là chiến thuật “chặt đầu lãnh đạo”: giết hoặc bắt giữ các nhà lãnh đạo của các nhóm vũ trang phi nhà nước với hy vọng làm suy yếu, thúc đẩy sự sụp đổ của các tổ chức này.
Cả “ám sát có chủ đích” và “chặt đầu thủ lĩnh” đều không phải là thuật ngữ chính thức trong luật pháp quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng cả hai đều chỉ là cách nói giảm nói tránh cho các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật mà luật xung đột vũ trang không cho phép. Những người ủng hộ các chiến thuật này, đặc biệt là Israel và Hoa Kỳ, cho rằng chúng đem lại sự hiệu quả về mặt quân sự và tính hợp lý về mặt đạo đức trong quá trình làm suy yếu các nhóm vũ trang có tổ chức. Lý do là bởi, các cuộc tấn công như vậy có thể tiêu diệt những cá nhân quan trọng đối với hoạt động của một tổ chức vũ trang mà vẫn có thể giảm thiểu thiệt hại về dân thường. Nhưng ngay cả theo cách giải thích của Hoa Kỳ và Israel, việc ám sát có chủ đích vẫn phải tôn trọng các nguyên tắc cân xứng, nghĩa là những lợi ích quân sự chỉ được gây ra thương vong cho dân thường ở một mức độ phù hợp. “Hãy lấy trường hợp điển hình là một chiến binh hoặc một tay súng bắn tỉa khủng bố đang tấn công binh lính hoặc dân thường từ hiên nhà của mình”, Thẩm phán Tòa án Tối cao Israel Aharon Barak đã viết năm 2006. “Bắn vào anh ta là chính đáng dù hậu quả có thể là một người hàng xóm hoặc người qua đường vô tội bị thương. Tuy nhiên nó sẽ không phù hợp nếu như thả bom vào tòa nhà có tên khủng bố khiến quá nhiều cư dân và người qua đường bị thương.”
Theo hầu hết các diễn giải về luật xung đột vũ trang, bao gồm cả diễn giải của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nhiều người mà Israel đã tiêu diệt đang thuộc quy chế được bảo vệ. Điều này có nghĩa là, những nhân viên, tình nguyện viên thuộc các dịch vụ xã hội và phe cánh chính trị của Hezbollah đều được coi là những người không tham chiến, trừ khi họ trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến. Tuy nhiên, Israel và Hoa Kỳ lại có cách diễn giải “dễ dãi” hơn cho việc tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến. Chẳng hạn, trong một cuộc không kích vào một tòa nhà ở thành phố Nabatieh của Lebanon vào ngày 16 tháng 10, Israel đã giết chết thị trưởng của thành phố này – người đã tranh cử trong danh sách ứng cử viên chung của Hezbollah-Amal – và các quan chức thuộc ủy ban về dịch vụ khẩn cấp nhằm ứng phó khủng hoảng của Nabatieh.
Ngay cả khi các cuộc không kích của Israel chỉ giết chết những người tham chiến, thì các vụ giết người có chủ đích cũng gây ra sự phản tác dụng. Mặc dù các nghiên cứu về chiến thuật này đã đưa ra một loạt kết quả trái ngược nhau, một phần là do sử dụng các phương pháp đo lường khác nhau, nhưng nhìn chung, nó cho thấy rằng các cuộc tấn công như vậy không đạt được mục tiêu dài hạn đã đề ra. Ví dụ, chúng đã không thành công trong các chiến dịch của Hoa Kỳ tại Afghanistan, Iraq, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen. Trong trường Afghanistan, giáo sư Dipali Mukhopadhyay của Johns Hopkins – một chuyên gia hàng đầu về chiến tranh Hoa Kỳ tại Afghanistan nhận định rằng Washington đã rơi vào một cái bẫy điển hình của các chiến dịch ám sát có chủ đích: nó tập trung vào việc trả thù và các lợi ích chính trị ngắn hạn thay vì thiết lập các giải pháp lâu dài.
Những người ủng hộ việc giết người có chủ đích cho rằng các cuộc tấn công vào những cá nhân tham gia lập kế hoạch thực thi bạo lực sẽ giúp làm suy giảm ý chí của một tổ chức. Chính phủ Israel tuyên bố các hoạt động hiện tại của họ ở Lebanon đã đạt được chính xác những mục tiêu này. Tuy nhiên, với mức độ thể chế và quan liêu hóa cao, Hezbollah đã cho thấy sự kiên cường của mình trước những hành động từ Jerusalem. Những nhóm như Hezbollah đa phần đều đã thiết lập sẵn các thủ tục và kế hoạch về việc kế nhiệm khi các nhà lãnh đạo của họ qua đời hoặc rời khỏi vị trí của mình. Các đơn vị làm việc của họ cũng giống như các tế bào, được đào tạo để hoạt động một cách độc lập, do đó, việc giết chết những nhà lãnh đạo cấp cao khó có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài đến sức mạnh của tổ chức.
Khi một vụ ám sát lớn diễn ra, các tổ chức chắc chắn sẽ phải trải qua những sự cố về liên lạc, cảm giác bối rối và đau buồn. Tuy nhiên, dù các nhà lãnh đạo có bị tiêu diệt, các phó tướng của họ vẫn luôn sẵn sàng để tiếp tục dẫn dắt và các binh sĩ vẫn sẽ tiếp tục các cuộc tấn công. Ví dụ, sau cái chết của Nasrallah, Hezbollah đã phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào các căn cứ quân sự của các thành phố lớn của Israel như Haifa và thậm chí là cả dinh thự của Netanyahu.
Trên thực tế, khi một tổ chức đã công khai thông báo sự ra đi của những nhân vật chủ chốt, họ thường sẽ quyết tâm hơn trong việc chứng minh năng lực và củng cố sức mạnh của mình. Hezbollah đã lần đầu tiên sử dụng pháo kích qua biên giới Lebanon-Israel sau lễ tang của cựu thủ lĩnh Abbas al-Musawi, người bị Lực lượng Phòng vệ Israel ám sát năm 1992. Cái chết của Musawi đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Hezbollah trả đũa và tạo điều kiện cho những người theo chủ nghĩa cực đoan trong tổ chức triển khai các hoạt động ngày càng tinh vi chống lại IDF ở các khu vực miền nam Lebanon bị Israel chiếm đóng, dẫn tới sự leo thang thành các cuộc tấn công có quy mô quốc tế. Giám đốc tình báo quân sự Israel từ năm 1991 đến năm 1995, Uri Sagi, đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa vụ ám sát Musawi với các vụ đánh bom đại sứ quán Israel năm 1992 và tại trung tâm văn hóa Do Thái ở Argentina năm 1994 của Hezbollah. Gần một thập kỷ sau cái chết của Musawi, Hezbollah cho thấy bản thân tổ chức này đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Trải qua nhiều năm bế tắc và đẫm máu ở miền Nam Lebanon, Israel cuối cùng cũng phải rút quân năm 2000. Càng tiếp tục tiến hành các cuộc giết người có chủ đích chống lại Hezbollah trong những năm sau đó, Israel lại càng phải đón nhận nhiều hậu quả. Ngày 12 tháng 7 năm 2006, Hezbollah đã tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới, giết chết và bắt cóc những người lính Israel, hành động mà sau đó đã dẫn tới cuộc chiến tranh Lebanon 2006.
Bên cạnh đó, các vụ ám sát cũng cũng đang tạo ra các nhà lãnh đạo cấp tiến hoạt động có hiệu quả hơn. Chẳng hạn, vụ ám sát Musawi đã dẫn đến sự trỗi dậy của Nasrallah – người được cho là có khả năng lãnh đạo vô cùng lôi cuốn và tài giỏi. Thủ lĩnh tối cao Nasrallah cùng với chiến lược gia quân sự hàng đầu Imad Mughniyeh đã được biết tới rộng rãi khi đã thành công đưa Hezbollah từ một lực lượng dân quân địa phương thành một đội quan phi nhà nước có tiềm lực lớn hơn cả Lực lượng vũ trang của quốc gia Lebanon. Ngoài ra, các vụ ám sát còn vô tính thúc đẩy tác nhân bên ngoài cung cấp sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Khi Israel giết Mughniyeh vào năm 2008, các cố vấn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thường ngày của Hezbollah. Tương tự như vậy, tại Gaza, vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Sheikh Ahmed Yassin vào năm 2004 đã mở đường cho sự hiện diện nhiều hơn của Iran tại tổ chức này – một mối quan hệ mà chính Yassin đã từng phản đối.
Bạo lực sinh ra bạo lực
Ngay cả khi các vụ ám sát có chủ đích có thể tạm thời làm suy yếu về cấu trúc lãnh đạo của một tổ chức, tuy nhiên, bạo lực sẽ ngày càng gia tăng. Trong các tổ chức với cơ cấu bộ máy ngăn cách và riêng rẽ, các phe phái và chương trình nghị sự mang tính độc lập sẽ xuất hiện. Các nhà lãnh đạo kế vị sau đó sẽ thi nhau sử dụng bạo lực để thu hút nguồn lực, địa vị và sự chú ý – một hoạt động mà các nhà nghiên cứu gọi là “đấu giá cao hơn”, gây ra các cuộc tấn công của ngày càng khó đoán và có tiếng vang lớn.
Điều này cũng đã từng diễn ra ở Lebanon. Năm 1982, Israel xâm lược quốc gia này với mục đích tiêu diệt Tổ chức Giải phóng Palestine và các phe phái vũ trang Palestine đã từng triển khai các cuộc tấn công quân sự vào miền bắc Israel. Israel đã giết hại và giam giữ các chỉ huy Palestine cùng với hàng nghìn thường dân, khiến các đơn vị tác chiến của Palestine không có người lãnh đạo và mất đi sự phối hợp. Trong quá trình Israel chiếm đóng miền nam Lebanon và các thành phố ven biển Saida, các lực lượng dân quân Palestine tại địa phương – không bị ràng buộc sự chỉ huy và kiểm soát – đã xuất hiện, phối hợp với quân nổi dậy của Lebanon để tàn phá lực lượng Israel và những cá nhân ủng hộ quốc gia này.
Không những vậy, hậu quả của cuộc xâm lược năm 1982 của Israel còn minh họa cho một sự thật rõ ràng khác: việc làm suy yếu vĩnh viễn hoặc thậm chí đánh bại một tổ chức có thể tạo ra những tổ chức mới. Thất bại của người Palestine và sự chiếm đóng của Israel đã cung cấp cho Hezbollah lý do tồn tại của mình. Vào tháng 8 năm 1982, 14.398 du kích Palestine đã di tản khỏi Beirut sau lệnh ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian. Việc các nhà lãnh đạo chính trị Palestine lưu vong đến Damascus và Tunis đã để lại một khoảng trống mà Hezbollah sau đó đã tới và lấp đầy.
Hình phạt tập thể
Một sự biện minh cốt lõi cho các vụ giết người có chủ đích là tuyên bố rằng chúng giúp giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động nhắm vào cá nhân lại gây ra sự tàn phá và thương vong rất lớn. Cuộc không kích giết chết Nasrallah đã san phẳng toàn bộ khu phố đông dân nhất của Lebanon. Cuộc tấn công ngày 10 tháng 10 của Israel nhằm vào Wafiq Safa, cơ quan liên lạc của Hezbollah và các cơ quan an ninh của Lebanon, đã làm sập một tòa nhà chung cư tám tầng ở trung tâm Beirut, giết chết 22 người và làm 117 người khác bị thương. Chính phủ Israel cho biết họ thường sử dụng các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản và tờ rơi thả từ trên không để kêu gọi việc sơ tán trước khi tấn công. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cho biết rằng khi các thông báo sơ tán tới với người dân, chúng thường không rõ ràng hoặc không cho họ đủ thời gian để rời khỏi khu vực.
Ngay cả các hoạt động mà các nhà phân tích quân sự ca ngợi vì tính tinh vi về mặt kỹ thuật cũng thiếu chính xác, gây ra thiệt hại lớn cho dân thường. Ví dụ, vào tháng 9, Israel đồng thời cho nổ hàng nghìn máy nhắn tin và máy bộ đàm của Hezbollah. Những cuộc tấn công này đã giết chết và làm bị thương hàng chục người không liên quan, điều mà cựu giám đốc CIA và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta gọi là “một hình thức khủng bố”.
Trong nhiều trường hợp, việc trốn chạy cũng là điều không thể đối với người dân, nhất là những người cao tuổi, ốm yếu, tàn tật hoặc không có điều kiện đi máy bay. Ở một đất nước mà gần một nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói thì việc có tiền bạc để di tản thực sự là một điều vô cùng khó khăn.
Đối mặt với những hậu quả tàn khốc, dân thường ở Lebanon phải chịu các cuộc tấn công có chủ đích như một hình phạt tập thể. Đối với chính phủ Israel, đó có thể là mục đích. Họ hy vọng rằng những khó khăn sẽ khiến người dân chống lại Hezbollah. Vào tháng 10, Netanyahu đã đe dọa Lebanon bằng “sự hủy diệt và đau khổ như chúng ta thấy ở Gaza”, trừ khi mọi người đứng lên chống lại tổ chức này. Nếu mọi người đổ lỗi cho Hezbollah về sự hủy diệt của đất nước họ, theo logic, họ sẽ giúp Israel xử lý các thành viên và phá bỏ sự ảnh hưởng của tổ chức này.
Tuy nhiên, điều này khó có tính khả thi, và trên thực tế những điều ngược lại mới đang thực sự diễn ra. Israel là một thế lực nước ngoài đã xâm lược Lebanon ba lần và tiến hành các hoạt động quân sự nhỏ nhưng vô cùng tàn khốc. Trong thời gian chiếm đóng Lebanon từ năm 1982 đến năm 2000, họ đã đàn áp người dân miền Nam nước này, giam giữ hàng nghìn người Lebanon và Palestine, làm gia tăng căng thẳng giữa các giáo phái bằng cách giao thẩm quyền thực thi bạo lực cho quân đội Nam Lebanon với chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa. Những hành động chiếm đóng lãnh thổ và đàn áp dân thường này của Israel do đó đã thôi thúc nhiều tân binh gia nhập hàng ngũ Hezbollah và các đảng phái chính trị vũ trang khác của Lebanon.
Kết luận
Các cuộc không kích bừa bãi khắp mọi nơi của Israel sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của chính họ, trong khi làm củng cố thêm niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng với Hezbollah. Nhiều người sẵn sàng tham gia chiến đấu cùng Hezbollah bởi họ cho rằng việc sử dụng vũ khí, có lương bổng và thông tin là con đường tốt nhất có thể chọn, còn hơn là bị giết ngay dù có cố gắng né tránh các cuộc giao tranh. Cũng giống như giai đoạn 1982-2000, phần đông người dân Lebanon đã vận động chống lại Israel.
Nhìn chung, thống kê về các vụ ám sát có chủ đích cho thấy các cuộc tấn công của Israel vào Hezbollah khó có thể tiêu diệt được nhóm này dù chiến thuật này đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ. Thay vì sụp đổ, Hezbollah đã chứng tỏ khả năng phục hồi và thích nghi của mình. Các nỗ lực nhằm “chặt đầu lãnh đạo” chỉ ngày càng tạo ra nhiều bạo lực hơn, mở rộng quy mô của tổ chức và nâng cao tầm ảnh hưởng của Iran.
Không ai hiểu rõ điều này hơn chính người dân Lebanon. Các cuộc tấn công của Israel “sẽ củng cố Hezbollah”, Rami Mortada, đại sứ Lebanon tại Vương quốc Anh, đã nói vào tháng 10 khi đáp trả lại lời đe dọa biến Lebanon thành Gaza thứ hai của Netanyahu. “Nó sẽ làm gia tăng sự thất vọng trong lòng dân chúng. Và nó sẽ có củng cố cho luận điểm của Hezbollah trong 40 năm qua—rằng, ‘bạn thấy đấy, Israel chỉ hiểu ngôn ngữ của vũ lực mà thôi.’”
Biên dịch: Trần Anh Khôi, Vũ Hải Hoàng
Các tác giả:
SARAH E. PARKINSON là Phó Giáo sư Aronson về Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.
JONAH SCHULHOFER-WOHL là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Leiden và là Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu “Transformations of Political Violence” tại Đại học Goethe Frankfurt và Viện Nghiên cứu Hòa bình Frankfurt.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]