Năm 2024, trong bối cảnh địa chính trị quốc tế biến động mạnh, các nước châu Phi đã trải qua một năm đầy thử thách. Tình hình chính trị và an ninh tuy duy trì được sự ổn định nhưng vẫn có nhiều thay đổi, với mức độ phức tạp đạt mức cao kỷ lục trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, giữa khủng hoảng vẫn nhen nhóm hy vọng về những sự chuyển đổi tích cực. Năm 2025, kỳ vọng tình hình chính trị ở châu Phi sẽ ổn định và trật tự hơn, các bên sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, tránh để thêm nhiều người dân trở thành nạn nhân của xung đột.
Năm 2024, trong bối cảnh địa chính trị quốc tế biến động mạnh, môi trường chính trị của châu Phi cũng đã trải qua những thay đổi sâu sắc. Các vấn đề an ninh nóng bỏng vốn có tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng và leo thang xung đột gia tăng.
“Năm đại bầu cử” đầy biến động
Năm 2024 được xem là “Năm đại bầu cử” ở châu Phi, đồng thời cũng là từ khóa nổi bật trong đời sống chính trị của khu vực này. Dự kiến có 18 quốc gia châu Phi tổ chức bầu cử trong năm 2024, chiếm hơn 1/3 tổng số quốc gia trên lục địa, với dân số gần 500 triệu người, trải rộng trên các khu vực: Nam Phi (5 nước), Bắc Phi (2 nước), Tây Phi (7 nước), Đông Phi (3 nước), và Trung Phi (1 nước).
Xét về quy mô kinh tế, các quốc gia tổ chức bầu cử bao gồm cả những nền kinh tế lớn trong khu vực như Nam Phi, Algeria, cũng như những quốc gia kém phát triển hơn như Nam Sudan và Burkina Faso. Các cuộc bầu cử này bao gồm cả các quốc gia nói tiếng Anh, tiếng Pháp và các nước thuộc khu vực Bắc Phi. Nhìn chung, các cuộc bầu cử tại châu Phi năm 2024 mang tính đại diện cao. Quá trình tổ chức, sự tham gia của các phe phái cùng kết quả bầu cử sẽ có giá trị quan trọng trong việc theo dõi sự biến đổi của môi trường chính trị châu Phi.
Nhìn từ kết quả bầu cử cuối cùng, ngoại trừ 5 nước hoãn lại, 13 nước tổ chức bầu cử khá thuận lợi, đã có 7 quốc gia giữ nguyên lãnh đạo đương nhiệm, còn 6 quốc gia bầu chọn lãnh đạo mới. Trong đó có 4 quốc gia mà ứng cử viên đối lập giành chiến thắng.
Nhìn lại các cuộc bầu cử năm 2024, có thể thấy một số đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất là tranh cãi xung quanh các cuộc bầu cử với vị thế của một số đảng cầm quyền lâu năm bị thách thức nghiêm trọng. Các cuộc bầu cử ở Nam Phi, Mozambique, Botswana, Mauritius và Senegal diễn ra trong không khí cạnh tranh gay gắt. Tại đây, các đảng đối lập đã giành được những thắng lợi lịch sử, đẩy các quốc gia này vào giai đoạn điều chỉnh sâu sắc về cục diện chính trị.
Cuộc bầu cử tại Senegal tràn đầy sóng gió. Tổng thống hai nhiệm kỳ, Markey Salle, trước cuộc bầu cử đã bất ngờ tuyên bố “hoãn vô thời hạn” cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 25 tháng 2 với lý do Ủy ban Hiến pháp có liên quan đến tham nhũng và tư cách của một số ứng cử viên gây tranh cãi. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1963, Senegal, được mệnh danh là “ngọn hải đăng dân chủ” ở Tây Phi hoãn bầu cử. Hành động chưa từng có này đã gây ra chấn động chính trị, dẫn đến các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc. Đến ngày 15/2, Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ sắc lệnh của Tổng thống, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy. Kết quả là tỷ lệ ủng hộ của Đảng Liên minh Cộng hòa do Salle lãnh đạo giảm mạnh. Trong cuộc bỏ phiếu bầu cử được tổ chức lại vào tháng 3, ứng cử viên đối lập thuộc liên minh “Tổng thống Diomeye” – ông Diomeye Faye đã giành chiến thắng ngay trong vòng đầu tiên với hơn một nửa số phiếu bầu.
Còn ở Nam Phi, Đảng “Đại hội Dân tộc Phi” mất quyền lãnh đạo sau 30 năm. Tháng 5 năm 2024, Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử được đánh giá là cạnh tranh khốc liệt nhất kể từ khi nước này thành lập nền dân chủ vào năm 1994. Trước cuộc bầu cử, nội bộ Đảng “Đại hội Dân tộc Phi” xảy ra chia rẽ nghiêm trọng, dẫn đến số phiếu ủng hộ bị phân tán. Kết quả Đảng không giành được quá bán số ghế trong Quốc hội, lần đầu tiên trong 30 năm mất quyền lãnh đạo trong việc điều hành đất nước.
Ở Botswana, Đảng Dân chủ Botswana mất vị trí cầm quyền sau gần 60 năm. Ngày 30/10/2024, Botswana tổ chức bầu cử Quốc hội, đánh dấu sự thay đổi quyền lực lịch sử. Đảng đối lập “Liên minh Cải cách Dân chủ” giành chiến thắng với 31 trên tổng số 61 ghế, nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ứng viên của đảng này, ông Duma Boko, trở thành Tổng thống mới. Trong khi đó, Đảng “Dân chủ Botswana”, đảng cầm quyền từ khi đất nước giành độc lập vào năm 1966, chỉ giành được 4 ghế, tụt xuống vị trí thứ tư trong Quốc hội. Đây là lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, Botswana chứng kiến sự thay đổi trong đảng cầm quyền.
Mozambique đang sa lầy trong bạo lực hậu bầu cử. Tháng 10 năm 2024, ứng cử viên của Đảng cầm quyền “Mặt trận Giải phóng Mozambique”, ông Daniel Chapo, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với 70% số phiếu (sau đó được Ủy ban Hiến pháp sửa đổi thành 65%). Đảng này cũng giành 195/250 ghế trong Quốc hội và kiểm soát toàn bộ 11 tỉnh của quốc gia. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập, ông Mondelain, cáo buộc cuộc bầu cử có hành vi “gian lận” và kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình. Ngày 23/12, sau khi Tòa án Hiến pháp xác nhận chiến thắng của ông Chapo, làn sóng biểu tình mới bùng nổ, khiến tình hình căng thẳng trong nước tiếp tục gia tăng.
Ngoài ra, Mauritius và Ghana đã có sự thay đổi luân phiên giữa các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử. Tháng 11/2024, Mauritius tổ chức bầu cử quốc hội, mang lại chiến thắng áp đảo cho “Liên minh Đổi mới” do cựu Thủ tướng Navinchandra Ramgoolam lãnh đạo. Liên minh này giành toàn bộ 60 ghế trong Quốc hội, trong khi liên minh cầm quyền “Liên minh Nhân dân” chịu thất bại nặng nề khi không giành được ghế nào. Ngày 7/12/2024, Ghana tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội. Ứng cử viên của đảng đối lập “Đại hội Dân chủ Quốc gia”, cựu Tổng thống John Dramani Mahama đã đánh bại ứng cử viên của đảng cầm quyền Phó Tổng thống đương nhiệm Mahamudu Bawumia của “Đảng Yêu nước Mới”.
Thứ hai, thế hệ các nhà lãnh đạo mới mạnh mẽ bước lên sân khấu chính trị. Qua các cuộc bầu cử trong hai năm gần đây, có thể thấy chính trường châu Phi xuất hiện một loạt các nhà lãnh đạo thế hệ mới với cá tính rõ rệt, có lập trường và chính sách kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Điều này phần nào phù hợp với xu thế hiện nay của các quốc gia châu Phi trong việc đoàn kết tự cường và tích cực tìm kiếm sự tự chủ chiến lược. Ví dụ, Tổng thống Senegal, ông Faye, 44 tuổi, là tổng thống trẻ nhất của quốc gia này kể từ khi độc lập vào năm 1960. Ông Faye có nền tảng giáo dục tốt, sở hữu bằng thạc sĩ luật tại Đại học Dakar, trường đại học hàng đầu của khu vực nói tiếng Pháp ở châu Phi, và đã học tập tại Học viện Hành chính Quốc gia Senegal. Đối tác của ông – ông Sonko, Chủ tịch Đảng “Công dân vì công việc, đạo đức và tình yêu châu Phi” (Đảng yêu nước) của Senegal, trước đây đã bị kết án tù và chỉ được thả ra 10 ngày trước cuộc bầu cử. Tổng thống Faye đề xuất chính sách “Senegal là trên hết” và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, bao gồm việc từ bỏ đồng franc CFA Tây Phi gắn với đồng Euro, cấm quân đội nước ngoài đóng quân, đàm phán lại các hợp đồng phát triển tài nguyên với các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng thống Botswana, ông Boke, trước khi được bầu là một luật sư nhân quyền nổi tiếng, sở hữu bằng thạc sĩ từ Trường Luật Harvard. Ông cũng đưa ra chính sách “Botswana trên hết”, với các cam kết trong chiến dịch bầu cử bao gồm tăng gấp đôi mức lương tối thiểu, tạo ra 100.000 việc làm trong một năm, đàm phán lại các thỏa thuận xuất khẩu kim cương v.v.. và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri.
Thứ ba, các vấn đề kinh tế và đời sống trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, đặc biệt là vấn đề sinh kế của giới trẻ đã trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của các đảng phái. Ví dụ, trong suốt thập kỷ qua, nền kinh tế Nam Phi tăng trưởng chậm chạp, tỷ lệ tăng trưởng trung bình chỉ 0,8% trong giai đoạn 2012-2022. Nền kinh tế Nam Phi tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thu nhập từ xuất khẩu khoáng sản suy giảm, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tiếp tục gia tăng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Phi, tỷ lệ nghèo của Nam Phi vào năm 2023 là 21,6%, tỷ lệ thất nghiệp tổng thể đạt 32,1%, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 25-34 tuổi) lên đến 39%. Nam Phi đã trở thành một trong “mười quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới”.
Sau khi độc lập, Botswana dưới sự cai trị của Đảng Dân chủ đã duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào xuất khẩu kim cương, và nền chính trị dân chủ của họ được phương Tây coi là “hình mẫu của châu Phi”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi nhu cầu kim cương toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Botswana cũng bị ảnh hưởng. Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể gần 28%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 38%. Mối lo ngại về tham nhũng trong chính phủ của thế hệ trẻ đang gia tăng, họ khao khát thay đổi và cải cách.
Mozambique có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, nhưng trong suốt thập kỷ qua, do biến động giá dầu, các sự kiện địa chính trị quốc tế và khủng hoảng nợ, nền kinh tế của quốc gia này đã giảm sút mạnh, từ mức tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2010-2015 giảm xuống còn 3% trong giai đoạn 2016-2020. Tác động từ sự giảm tốc của nền kinh tế ngày càng rõ rệt. Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Phi cho thấy, tỷ lệ nghèo ở Mozambique năm 2023 lên tới 74,5%, khoảng 24 triệu người sống trong nghèo đói, và quốc gia này chỉ đứng thứ 183/193 của bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc. Những năm gần đây, Mozambique còn trải qua các thảm họa thiên nhiên như hạn hán, bão và lũ lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế cảng và sản xuất nông nghiệp. Niềm tin của người dân đối với chính phủ ngày càng suy giảm.
Ghana cũng trải qua “cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong một thế hệ”, với việc vỡ nợ và lạm phát tăng vọt lên tới 40,3% vào năm 2023, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao, chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm trong vòng một năm sau khi ra trường.
Ba điểm nóng tiếp tục gia tăng xung đột
Năm 2024, trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, các điểm nóng an ninh ở châu Phi cùng một lúc phát sinh và tác động đến quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, khiến tình hình chính trị-an ninh trở nên phức tạp hơn bao giờ hết trong suốt gần một thập kỷ qua. Trong đó, tình hình ở khu vực Sahel, Hồ Lớn và Sừng Châu Phi là nghiêm trọng nhất.
Nguy cơ khủng bố cao ở Sahel và căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực kéo dài
Năm 2024, khu vực Sahel vẫn là một trong những nơi có mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nhất thế giới. Hai nhóm khủng bố chính là “Những người hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo” (JNIM)-chi nhánh của Al-Qaeda, và “Nhà nước Hồi giáo Sahel” (ISSahel) là những lực lượng khủng bố chủ yếu. Chúng tiếp tục nhắm đến các quốc gia như Mali, Burkina Faso, và Niger, đặc biệt là khu vực biên giới ba quốc gia này, nơi đã trở thành “tâm chấn” của các cuộc tấn công.
Khoảng một nửa diện tích Burkina Faso hiện nay nằm dưới sự kiểm soát của các phần tử khủng bố với tình hình tồi tệ nhất ở ba khu vực phía bắc là Sahel, Trung Bắc và Đông. Vào tháng 8 năm 2024, khu vực Bassalgo thuộc Trung Bắc đã xảy ra vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc gia này, khiến hơn 600 người thiệt mạng.
Tại Mali, các nhóm vũ trang Tuareg ở miền Bắc đã gia tăng liên minh với các nhóm khủng bố và đang mở rộng dần về phía Nam. Vào tháng 7 năm 2024, các nhân viên Wagner của Nga và lực lượng chính phủ Mali đã phải hứng chịu một cuộc phục kích của các phần tử khủng bố và phiến quân khiến hơn 80 nhân viên Wagner thiệt mạng. Đây là một trong những tổn thất nặng nề nhất của tổ chức này kể từ khi họ vào châu Phi. Sau đó, những kẻ khủng bố tăng cường tấn công vào thủ đô của Mali. Vào tháng 9, trường huấn luyện cảnh sát quân sự và sân bay ở Bamako bị tấn công đồng loạt, khiến hơn 70 người thiệt mạng. Mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng ở Niger, với một số vụ tấn công khủng bố xảy ra dọc theo biên giới phía tây bắc của Niger với Nigeria, ngoài các khu vực phía tây Tiraberi và Tawa.
Tại khu vực Hồ Chad, hoạt động của “Boko Haram” và “Nhà nước Hồi giáo Tây Phi” đang có xu hướng gia tăng. Trước đây, lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia được thành lập giữa Niger, Nigeria, Chad, Cameroon, và Benin đã có hiệu quả kiềm chế hoạt động của các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính ở Niger vào tháng 7 năm 2023, nước này đã tạm ngừng tham gia vào các hoạt động chống khủng bố chung. Mặc dù Niger đã tái gia nhập vào tháng 8 năm 2024, nhưng lực lượng đặc nhiệm này vẫn chưa thể thực hiện các chiến dịch hợp tác, tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố có cơ hội phản công. Ngày 27 tháng 10 năm 2024, một căn cứ quân sự ở Chad đã bị tấn công khủng bố, khiến hơn 40 binh sĩ thiệt mạng và bị thương. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất của “Boko Haram” tại Chad kể từ tháng 3 năm 2020.
Nhìn chung, mối đe dọa khủng bố ở khu vực Sahel tiếp tục gia tăng trong năm 2024. Sau khi hơn 3.500 binh sĩ của Pháp và Mỹ rút khỏi khu vực, lực lượng vũ trang bên ngoài duy nhất còn hỗ trợ các quốc gia trong khu vực chống khủng bố là Wagner. Nhưng tổ chức Wagner vẫn chưa có đủ khả năng để lấp đầy khoảng trống an ninh mà sự rút lui của các quân đội phương Tây để lại. Phạm vi hoạt động của các tổ chức khủng bố đã mở rộng, không chỉ lan ra các quốc gia ven vịnh Guinea như Benin, Togo, Bờ Biển Ngà mà còn từ các khu vực giới hạn, sự tấn công của khủng bố đã lan ra các vùng khác trong nước. Vũ khí, phương thức tấn công và mục tiêu của các tổ chức khủng bố cũng đã thay đổi. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, bom tự chế, tên lửa, pháo cối và các loại vũ khí khác đã làm tăng đáng kể mức độ thương vong của các cuộc tấn công khủng bố.
Các nhóm khủng bố cũng đang củng cố liên minh với các lực lượng vũ trang chống chính phủ địa phương, với chiến lược “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Trong một số vụ tấn công khủng bố tại Mali và Niger, sự hợp tác giữa các nhóm khủng bố và các nhóm vũ trang bộ tộc đã rõ ràng.
Trong các cuộc đối đầu với quân đội chính phủ địa phương, các nhóm khủng bố không chỉ nhắm vào quân đội mà còn tấn công các mục tiêu quan trọng như thủ đô, các trung tâm kinh tế và cơ sở hạ tầng quan trọng. Mục tiêu là tạo ra sự hoang mang và khủng hoảng cho người dân và Chính phủ, đồng thời làm suy yếu nền tảng kinh tế và chính trị của chính quyền, làm lung lay sự ổn định của Chính phủ.
Ngoài mối đe dọa khủng bố, căng thẳng giữa các quốc gia ở khu vực Sahel cũng không hề giảm bớt trong năm 2024. Vào tháng 1 năm 2024, ba quốc gia Mali, Burkina Faso và Niger tuyên bố rút khỏi Tổ chức Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Đến tháng 7, ba quốc gia này đã công bố việc thành lập chính thức “Liên minh các Quốc gia Sahel” và quyết định tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự trong tương lai.
Sau những nỗ lực hòa giải từ các quốc gia trong khu vực như Togo và Senegal, ECOWAS đã đồng ý gia hạn thêm sáu tháng “thời gian suy nghĩ” cho ba quốc gia này. Tuy nhiên, ba quốc gia vẫn khẳng định rằng quyết định rút khỏi tổ chức là “không thể thay đổi”. Hiện tại, có khả năng ba nước sẽ chính thức rời khỏi ECOWAS vào tháng 1 năm 2025. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào tiến trình hội nhập của khu vực Tây Phi.
Ngoài ra, chính quyền chuyển tiếp của Niger tiếp tục chỉ trích các quốc gia láng giềng như Benin và Nigeria vì “thái độ thù địch đối với Niger”. Cáo buộc hai quốc gia này tiếp nhận các căn cứ quân sự của phương Tây và trở thành “bàn đạp” để các quốc gia phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ và nhằm lật đổ chính quyền quân sự của Niger. Hiện tại, biên giới giữa Niger và Benin, ngoại trừ một số mặt hàng nông sản được phép tái xuất nhập khẩu, chủ yếu vẫn trong tình trạng phong tỏa. Hàng hóa nhập khẩu vào Niger hiện nay phải đi qua một tuyến đường dài hơn qua Togo và Burkina Faso. Tuyến đường này không chỉ dài mà còn đi qua những khu vực có nguy cơ cao về khủng bố, gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu của Niger. Dù vậy, vì lý do bảo vệ an ninh chế độ, có vẻ như Niger trong ngắn hạn sẽ không xem xét việc mở lại các tuyến đường vận chuyển Niger-Benin.
Đông Congo vẫn là trung tâm xung đột của khu vực Hồ Lớn
Khu vực Đông Congo vẫn là nơi có vấn đề nghiêm trọng nhất của các tổ chức vũ trang trên toàn cầu. Theo thống kê không đầy đủ, hiện tại khu vực này vẫn còn hơn 120 nhóm vũ trang hoạt động, thường xuyên tham gia vào các hoạt động buôn lậu khoáng sản và chống chính phủ. Đồng thời thực hiện các cuộc tấn công vào dân thường và các doanh nghiệp nước ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự xã hội và kinh tế địa phương. Một trong những nhóm vũ trang hoạt động mạnh nhất và gây thiệt hại lớn nhất là “Quân đội Đồng minh Dân chủ”, một nhóm vũ trang chống Chính phủ từ Uganda, là tổ chức có số lượng người chết cao nhất trong khu vực. Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 1.300 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của nhóm này trên lãnh thổ Congo từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2024, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023..
Trong ba năm qua, mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Congo đến từ “Phong trào M23”. Nhóm này đã khởi động lại cuộc nổi dậy vũ trang vào năm 2021 với sự hỗ trợ từ Rwanda, hiện có khoảng 3.000 tay súng. Theo các báo cáo từ truyền thông quốc tế, quân đội Rwanda cũng đã điều động 3.000-4.000 binh sĩ vào lãnh thổ Congo để hỗ trợ nhóm này. Hiện nay, “Phong trào M23” đã chiếm giữ nhiều thành trì quan trọng ở tỉnh Bắc Kivu. Quân đội của chính phủ Congo gặp khó khăn trong việc đối phó và đã yêu cầu sự hỗ trợ từ các tổ chức khu vực, đồng thời huy động các nhóm vũ trang dân quân tại các khu vực phía Đông để cùng nhau chống lại “Phong trào M23”.
Sau khi quân đội Cộng đồng Đông Phi rút lui, lực lượng liên minh do Cộng đồng Phát triển Nam Phi cử đến đã cung cấp sự trợ giúp đáng kể cho Congo trong việc dập tắt cuộc nổi dậy. Nguyên nhân sâu xa của xung đột khu vực là mối quan hệ căng thẳng giữa Congo và Rwanda. Dưới sự trung gian hòa giải của Angola, hai nước đã khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình. Vào tháng 7 năm 2024, hai bên đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, niềm hy vọng không kéo dài lâu, khi vào tháng 8, “Phong trào M23” lại tiếp tục mở rộng chiến sự. Kể từ tháng 11, hai bên đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để đàm phán về việc giải quyết vấn đề các nhóm vũ trang phản đối Rwanda đang hoạt động tại Congo, nhưng họ vẫn chưa thống nhất được cách giải quyết cuộc nổi dậy của “Phong trào M23”.
Vào tháng 12, do Congo từ chối đàm phán trực tiếp với “Phong trào M23”, cuộc đối thoại giữa Congo và Rwanda dự kiến tổ chức vào giữa tháng 12 tại Angola đã bị hủy bỏ, làm dập tắt những tia hy vọng hòa bình vừa mới nhen nhóm. Cả hai quốc gia đều cho rằng họ hỗ trợ các nhóm vũ trang chống lại Chính phủ của nhau, và Congo còn cáo buộc Rwanda tham gia vào các hoạt động buôn lậu khoáng sản trên lãnh thổ Congo. Mối thù địch giữa hai quốc gia đã kéo dài từ lâu, với các yếu tố bộ tộc, kinh tế và chính trị phức tạp. Lãnh đạo hai nước đều không muốn vì chủ động bắt tay giảng hòa mà có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự chính trị trong nước của họ. Do đó, xung đột vũ trang ở khu vực Hồ Lớn có thể sẽ tiếp tục kéo dài.
“Sừng châu Phi” đối mặt với nhiều điểm bất ổn
Trước hết là tranh chấp giữa Somalia và Ethiopia đã đẩy căng thẳng khu vực lên cao. Đầu năm 2024, Ethiopia và lực lượng ly khai Somaliland đã ký một bản ghi nhớ, theo đó Ethiopia “công nhận” sự “độc lập” của Somaliland để đổi lấy quyền thuê cảng ven Biển Đỏ từ lực lượng này. Việc này khiến quan hệ giữa Somalia và Ethiopia trở nên căng thẳng. Cả hai quốc gia có mâu thuẫn với Ethiopia là Ai Cập và Eritrea đã tăng cường hợp tác với Somalia. Vào tháng 8, Ai Cập và Somalia đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, theo đó Ai Cập đã chuyển giao ba lô vũ khí cho Somalia và tuyên bố sẽ triển khai 10.000 binh sĩ tham gia vào lực lượng hỗ trợ ổn định của Liên minh châu Phi tại Somalia, nhằm hỗ trợ Somalia trong cuộc chiến chống khủng bố trong và ngoài nước.
Ethiopia rất cảnh giác với việc Ai Cập sẽ cử quân đến Somalia và đã cảnh báo Ai Cập không tham gia vào nhiệm vụ hòa bình của Liên minh châu Phi tại Somalia. Ngày 10 tháng 10, các nhà lãnh đạo của Ai Cập, Eritrea và Somalia đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, cam kết hỗ trợ Somalia nâng cao “khả năng đối phó với các mối đe dọa nội bộ và bên ngoài”. Truyền thông phương Tây nhanh chóng đưa tin về việc ba nước này đang hình thành một “liên minh chống Ethiopia”, khiến tình hình khu vực leo thang căng thẳng.
Đến tháng 12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng, dưới sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia và Somalia đã đồng ý tạm thời gác lại những bất đồng để thúc đẩy hợp tác và đạt được sự ổn định khu vực cũng như sự thịnh vượng chung. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Ethiopia về lý thuyết sẽ nhận được một lối ra Biển Đỏ dưới sự quản lý của chính phủ Somalia trước tháng 6 năm 2025. Tuy nhiên, Ethiopia chưa công khai hủy bỏ thỏa thuận với Somaliland, điều này khiến Somalia nghi ngờ Ethiopia đang “bắt cá hai tay”, khiến mối quan hệ song phương vẫn khó có thể hàn gắn.
Thứ hai, chiến dịch chống lạinhóm “Al-Shabaab” của chính phủ Liên bang Somalia đang diễn ra chậm chạp. Kể từ mùa thu năm 2022, Chính phủ Liên bang Somalia, dưới sự hỗ trợ của Mỹ và các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi đã phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố “Al-Shabaab” và đã đạt được những thành công đáng kể. Tính đến tháng 8 năm 2024, quân đội Liên bang Somalia đã giành lại khoảng 215 ngôi làng từ tay các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, gần đây do căng thẳng giữa Somalia và Ethiopia, tranh cãi nội bộ về hình thức bầu cử vào năm 2025, và các mâu thuẫn bộ tộc gia tăng, các hoạt động chống khủng bố của chính phủ Somalia trong nửa cuối năm 2024 đã gặp phải nhiều khó khăn. Quá trình tiến quân của quân đội chính phủ vào các khu vực do khủng bố kiểm soát đã chậm lại rõ rệt.
Nhóm “Al-Shabaab” vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền trung và miền nam Somalia, đặc biệt là tại các bang miền Tây Nam (như Shabelle Lower và Bay), các bang Jubaland (như Juba Lower). Thủ đô Mogadishu của Somalia cũng thường xuyên trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố. Các khu vực giáp biên giới Somalia ở phía Đông Bắc Kenya, đặc biệt là các quận Mandera, Wajir, Garissa và Lamu cũng thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tấn công xuyên biên giới từ nhóm này.
Vào tháng 1 năm 2025, lực lượng hỗ trợ ổn định Somalia của Liên minh Châu Phi (AUSSOM) sẽ thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh Châu Phi (ATMIS) tại Somalia. Lực lượng mới này sẽ do Chính phủ Liên bang Somalia lựa chọn các quốc gia cung cấp quân đội phù hợp. Các quốc gia đã cam kết gửi quân bao gồm Uganda, Kenya và Burundi. AUSSOM sẽ phối hợp với quân đội Chính phủ Somalia trong các chiến dịch chống khủng bố và sẽ đảm nhận thêm các nhiệm vụ xây dựng năng lực và bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng hỗ trợ này đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. Ví dụ, mặc dù Ethiopia và Somalia đã bắt đầu hòa giải tại Ankara, Somalia vẫn chưa rút lại quyết định từ chối cho phép Ethiopia tham gia AUSSOM, trong khi Ethiopia khẳng định cần duy trì sự hiện diện quân sự tại Somalia để loại bỏ các mối đe dọa an ninh đối với quốc gia của mình.
Vào cuối tháng 12 năm 2024, trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc, Somalia vẫn chưa có lập trường rõ ràng về việc có đồng ý cho Ethiopia tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mới hay không. Somalia đã đồng ý để Ai Cập cử 10.000 quân tham gia AUSSOM để lấp đầy khoảng trống an ninh do việc rút quân của Ethiopia, nhưng các chính quyền địa phương ở Jubaland và miền Tây Nam của Somalia lại phản đối. Họ cho rằng mục đích thực sự của việc Ai Cập cử quân đến là nhằm tạo ra một sức ép an ninh đối với Ethiopia, và sẽ không có nhiều hỗ trợ cho các hoạt động chống khủng bố của Somalia.
Ngoài ra, việc tài trợ cho AUSSOM vẫn gặp khó khăn. Liên Hợp Quốc sẽ cung cấp 75% kinh phí, trong khi số còn lại sẽ được Liên minh Châu Phi tự huy động. Liên minh châu Âu đã từng là tổ chức ủng hộ lớn nhất cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi ở Somalia, nhưng đã bày tỏ hy vọng rằng các quốc gia khác có thể chia sẻ trách nhiệm đó.
Thứ ba, Cuộc nội chiến Sudan tiếp tục là “cuộc chiến bị lãng quên”. Kể từ tháng 4 năm 2023, hai phe đối đầu là Quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh Sudan (RSF) đã liên tục tranh giành quyền kiểm soát thủ đô Khartoum. RSF tiếp tục kiểm soát phần lớn khu vực Darfur phía Tây, trong khi SAF chỉ kiểm soát thủ phủ của Bắc Darfur, El Fasher. Cả hai lực lượng đều có mục tiêu chiến lược trái ngược nhau, và sự gia tăng hỗ trợ quân sự từ bên ngoài đã làm trầm trọng thêm và kéo dài cuộc nội chiến, khiến khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong ngắn hạn trở nên khó khăn.
Cuộc chiến này cho đến nay đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng, hơn 12 triệu người phải di dời sống trong tình trạng tị nạn, và khoảng một nửa dân số đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Tuy nhiên, thảm họa nhân đạo khổng lồ này lại không nhận được sự chú ý đầy đủ từ các phương tiện truyền thông quốc tế như cuộc xung đột Nga-Ukraine hay Gaza. Cuộc chiến ở Sudan, dù tàn khốc và kéo dài cũng giống như những xung đột vũ trang khác trên lục địa châu Phi, nơi hàng triệu sinh mạng lặng lẽ mất đi mà không ai hay biết vẫn bị xem nhẹ.
Kết luận
Nhìn lại năm 2024, các quốc gia châu Phi đã trải qua một năm đầy thử thách. Với tình hình chính trị và an ninh có sự biến động, nhưng trong cuộc khủng hoảng cũng nhen nhóm hy vọng về sự thay đổi. Năm 2025, hy vọng rằng chính trị châu Phi sẽ trở nên ổn định và trật tự hơn, các bên sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và hòa bình, tránh để thêm nhiều người dân trở thành nạn nhân của xung đột.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Tôn Hồng là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Châu Phi, Học viện Quan hệ Quốc tế hiện đại Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]