Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã trải qua gần 3 năm. Mặc dù cả hai bên đã có nhiều điều chỉnh chiến lược và đạt được những mục tiêu nhất định song thực tế tiền tuyến vẫn trong thế giằng co khốc liệt. Sự trở lại của “biến số” Donald Trump có thể trở thành nhân tố quyết định tới tương lai của cuộc chiến khi ông Trump liên tục gợi mở về một giải pháp nhằm kết thúc chiến tranh. Trước khi nghĩ tới tương lai này, cùng nhìn lại tổng quan tình hình chiến sự trong năm qua để thấy được những dấu hiệu mang tính bước ngoặt từ phía hai bên tham chiến và các bên liên quan. Trên cơ sở đó, liệu rằng, những dấu hiệu này sẽ định hình cuộc xung đột Nga – Ukraine trong năm 2025 tới như thế nào?
Các diễn biến quân sự chính trong 2024
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2024, với nhiều sự kiện quan trọng định hình cục diện chiến sự và tác động sâu sắc đến tình hình an ninh khu vực. Sáu tháng đầu năm 2024 đã trở thành một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với quân đội Ukraine khi lực lượng tác chiến mặt đất liên tục rơi vào thế khó dọc toàn chiến tuyến do thiếu vũ khí đạn dược, trong khi Nga đang có quá trình khôi phục lực lượng đáng kể. Tuy nhiên, sau khi quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ tiếp theo và nới lỏng, cho phép Ukraine sử dụng khí tài viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga đã tạo ra bước ngoặt làm thế trận của Nga và Ukraine có những bước chuyển phức tạp mới.
Giai đoạn Quý I năm 2024
Ngay từ đầu năm 2024, quân đội Nga đã tiến hành khởi động chiến dịch tấn công mùa đông 2024-2025 nhằm gia tăng áp lực lên lực lượng Ukraine dọc các tiền tuyến. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái được Nga sử dụng để làm tiêu hao hệ thống phòng không và cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Vào tháng 2, Nga đã chiếm được “chảo lửa” Avdiivka – một thành phố công nghiệp quan trọng ở tỉnh Donetsk giúp mở rộng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Sau đó, tận dụng lợi thế từ việc luân chuyển kém của các đơn vị hậu cần Ukraine, quân đội Nga đã mở một đợt tấn công về phía khu vực Toretsk và Niu-York, những thị trấn nằm ở khu trung tâm tỉnh Donetsk vốn ít khi có giao tranh nên đã tạo sự bất ngờ cho Ukraine. Những diễn biến quân sự trên cho thấy trong quý I năm 2024, Nga đã đạt được một số bước tiến quan trọng trên chiến trường Ukraine, đặc biệt tại các khu vực chiến lược như Donetsk và Kharkiv.
Giai đoạn Quý II năm 2024
Trong giai đoạn này, rào cản hậu cần đã trở thành nguyên nhân chính đưa cục diện chiến sự của cả hai bên vào trạng thái chiến tranh tiêu hao. Trong lúc các gói viện trợ mới cho Ukraine đang chờ được thông qua thì quốc hội Mỹ và phương Tây đã “bật đèn xanh” cho phép quân đội Ukraine thực hiện tấn công đường không vào lãnh thổ Nga. Đáp trả lại, đầu tháng 4, lực lượng Nga tăng cường các cuộc tấn công vào khu vực Donetsk, đặc biệt là thành phố Bakhmut. Theo báo cáo chiến sự, Ukraine đã mất hơn 2.000 binh sĩ và 146 hệ thống vũ khí ở Donetsk ngay trong tuần đầu tiên. Trong tháng 5, Nga phát động một chiến dịch tạo vùng đệm ở khu vực thành phố Kharkiv, tuy nhiên lực lượng Nga mới chỉ chiếm thêm rất ít lãnh thổ do bị ngăn chặn quyết liệt. Để đáp trả, Ukraine tăng cường tấn công bằng UAV vào các cơ sở năng lượng trên lãnh thổ Nga gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho Nga. Từ tháng 6 chứng kiến sự leo thang xung đột khi cả Nga và Ukraine tăng cường các cuộc không kích lẫn nhau. Đáng chú ý, vào ngày 4/6, Nga đã bắn hạ 2 máy bay tiêm kích MiG-29 của Ukraine không lâu sau khi Ukraine thông báo về việc triển khai các máy bay này trong các nhiệm vụ chiến đấu.
Giai đoạn Quý III năm 2024
Từ mùa hè năm 2024, khu vực Donbass tiếp tục là điểm nóng giao tranh ác liệt khi Nga tăng cường tấn công vào các vị trí phòng ngự ở miền Đông Ukraine nhằm mở rộng kiểm soát tại khu vực này. Các cuộc tấn công bằng pháo binh và thực hiện không kích diễn ra liên tục, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và thương vong cho cả hai bên. Khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến tháng 9 là một trong những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến trên tất cả mặt trận. Đồng thời Nga cũng thực hiện thay đổi chiến lược chuyển trạng thái từ tiến công về phòng thủ trước các đòn phản công mới của Ukraine. Bước ngoặt lớn xảy ra vào tháng 8 khi lực lượng Kiev đột kích vào vùng Kursk bất ngờ chọc thủng tuyến phòng thủ biên giới của Moscow. Tuy nhiên, chiến dịch này của Ukraine được một số chuyên gia đánh giá là một sai lầm chiến lược vì không những đã làm lực lượng Ukraine bị phân tán trên các mặt trận khác mà còn giúp Moscow củng cố vị trí, giữ chân Ukraine để đạt các bước tiến lớn ở mặt trận miền Đông. Từ tháng 9 trở đi, Nga tiếp tục củng cố vị thế tại khu vực Donbass. Các cuộc tấn công của Nga tập trung chủ yếu vào các thành phố chiến lược như Pokrovsk, nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine.
Giai đoạn Quý IV năm 2024
Đầu tháng 10, quân đội Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công vào khu vực Donbass, đặc biệt là tại Ugledar, nơi lực lượng Nga đã cắm cờ ở phía Tây thành phố, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát khu vực này. Cuộc xung đột leo thang lên mức nguy hiểm khi vào trung tuần tháng 11, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Để đáp trả, Nga cũng lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik không mang đầu đạn hạt nhân để tấn công vào thành phố Dnipro ở miền Đông Ukraine. Giữa lúc chiến sự leo thang lại thì mới đây cả Nga và Ukraine đều bất ngờ cùng đưa ra những điều kiện đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những cánh cửa để ngỏ bởi trên thực tế tình hình chiến sự năm 2024 đã tiếp diễn với cường độ khốc liệt không kém so với năm 2023 và có thể leo thang hơn trong năm 2025 nếu Ukraine hoặc phương Tây có động thái vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga.
Dòng viện trợ và những toan tính mới của Mỹ và phương Tây
Dòng viện trợ từ Mỹ và phương Tây
Đóng vai trò là quốc gia nắm giữ mức viện trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraine. Mọi quan điểm, tín hiệu từ Washington sẽ có sức nặng rất lớn đến chính quyền Zelensky trong thực hiện các chiến lược tiếp theo. Khoản viện trợ đáng chú ý nhất trong năm 2024 gắn với con số 61 tỷ đô đã phải trải qua thời gian dài tranh luận trước khi chính thức được thông qua bởi quốc hội Mỹ. Đây là khoản viện trợ lớn nhất mà Mỹ từng chi để duy trì cuộc chiến tại Ukraine. Chưa dừng ở đó, ngày 16/10, Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản hỗ trợ an ninh mới trị giá 425 triệu USD cho Ukraine. Báo Mỹ Politico dẫn lời các quan chức chính quyền của Tổng thống Biden đầu tháng 11 đưa tin, Nhà Trắng đang có kế hoạch đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí trong bối cảnh lo ngại một chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump trong tương lai sẽ đình chỉ việc chuyển giao vũ khí đến Kiev. Theo báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc công bố cuối tháng 11/2024, quốc hội Mỹ đã phân bổ gần 183 tỷ đô cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022.
Bên cạnh những viện trợ ồ ạt của Mỹ nhằm giúp Ukraine có đủ khả năng “nuôi” chiến tranh với Nga trong hơn hai năm qua. Các nước châu Âu trong khối NATO cũng tích cực tham gia hỗ trợ chiến tranh cho Ukraine và ngày càng biến Kiev trở thành một pháo đài chống Nga. Gần đây, Na Uy đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 118,8 triệu USD, tập trung vào việc mua vũ khí và bảo trì máy bay chiến đấu F-16 được bàn giao cho Ukraine. Anh và Đức đang lên kế hoạch hợp tác trang bị hệ thống tên lửa Brimstone hoặc Marte ER cho trực thăng Sea King của Ukraine, nhằm nâng cao năng lực không quân của Kiev.
Toan tính chiến lược của Mỹ và phương Tây
Trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu hụt trang bị, các khoản viện trợ quân sự từ Mỹ và phương Tây được xem là phao cứu sinh quan trọng có thể giúp quân đội Ukraine cải thiện tình thế. Tuy nhiên đằng sau những dòng viện trợ này là những tính toán chiến lược của Mỹ và phương Tây nhằm cô lập và tiêu hao sức sống của Nga.
Tính toán chiến lược của Mỹ và phương Tây trong các dòng viện trợ này phản ánh mục tiêu kép gồm duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine và kiềm chế Nga. Thứ nhất, các gói viện trợ như một thông điệp khẳng định rằng, Mỹ và phương Tây tiếp tục sẽ hỗ trợ cho chính quyền Ukraine, qua đó khích lệ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ Ukraine. Việc ổn định nền kinh tế Ukraine là cách để phương Tây đảm bảo rằng chế độ Kiev sẽ không sụp đổ trước áp lực chiến tranh từ Nga và từ chính người dân Ukraine khi trên ông Zelensky không còn là tổng thống hợp hiến. Thứ hai, việc ồ ạt viện trợ vũ khí tầm xa và máy bay chiến đấu cho Ukraine nhằm mở ra mặt trận chiến đấu trên không hạn chế khả năng tiến công giành lãnh thổ trên bộ của Nga. Cùng với hơn 17.000 lệnh cấm vận kinh tế, phương Tây đang cố kéo dài cuộc chiến nhằm làm suy kiệt sức sống của nền kinh tế của Nga.
Bên cạnh đó, các khoản viện trợ mang tính xoay vòng tiền “tươi” nhưng “thóc” không thật, bởi Mỹ và phương Tây nhận ra rằng việc hỗ trợ Ukraine không chỉ mang lại lợi ích chính trị mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Theo tạp chí TIME, 90% tiền viện trợ cho Ukraine ở lại đất Mỹ dưới dạng những hợp đồng quốc phòng cho các nhà thầu quân sự như Lockheed Martin, Raytheon để các công ty đầu tư nhà máy, tạo việc làm cho người Mỹ, qua đó thúc đẩy nền kinh tế nội địa. Ngoài ra, Mỹ đang dùng chiến trường Ukraine để đẩy những loại vũ khí cũ tồn kho đã hàng chục năm tuổi ra chiến trường Ukraine và thay thế trang bị mới bằng những loại khí tài hiện đại hơn, điều mà trước đây giới chức quốc phòng Mỹ chưa thể thực hiện do sức ép ngân sách.
Sau cùng, viện trợ kinh tế dưới dạng hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine giúp giảm thiểu tình trạng khủng hoảng xã hội và ngăn chặn dòng người tị nạn Ukraine tràn vào EU, từ đó vừa gây tiếng vang tăng cường sự đoàn kết trong khối NATO, vừa giúp ổn định chính trị nội bộ của các nước phương Tây. Hơn nữa, sự ổn định này cũng tạo điều kiện cho Ukraine tiếp tục tiến trình hội nhập vào các thể chế châu Âu và NATO, một mục tiêu dài hạn mà Mỹ và EU đều ủng hộ.
Những chuyển biến mới từ phía lực lượng Nga
Sự điều chỉnh trong chiến lược quân sự
Nga đã tập trung nhiều hơn vào việc phòng thủ tại các khu vực đã chiếm đóng thay vì mở rộng kiểm soát thêm lãnh thổ, đặc biệt sau khi Ukraine chọc thủng phòng tuyến Kursk. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây đặc biệt là các hệ thống vũ khí tầm xa như tên lửa Storm Shadow và HIMARS, Nga đã phải đối mặt với các cuộc tấn công dồn dập vào các vị trí chiến lược quan trọng bao gồm cả bán đảo Crimea. Trong bối cảnh này, Nga đã chuyển sang tăng cường hệ thống phòng thủ, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Anh (RUSI), Nga đã triển khai thêm các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir-S1 để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea và các sân bay quân sự. Đồng thời, Moscow cũng xây dựng các công trình phòng thủ kiên cố tại các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine, nhằm làm chậm bước tiến của quân đội Ukraine.
Về mặt chiến thuật, Nga đã điều chỉnh chiến thuật từ tác chiến tiêu hao trên bộ sang tăng cường tấn công từ trên không để đáp ứng các thay đổi trên chiến trường Ukraine. Theo các báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Nga chuyển hướng tập trung vào các cuộc tấn công bằng UAV cảm tử và không kích vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, thay vì tiến hành các cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn. Chiến lược này nhằm mục tiêu “bẫy” thu hút phòng không tiêu hao kho tên lửa tấn công trên không của Ukraine và giảm thiểu tổn thất nhân sự trong bối cảnh lực lượng mặt đất Nga đang đối mặt với sự suy giảm nguồn lực nhân sự. Moscow có thể sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất và sử dụng mẫu UAV Shahed sau khi ký thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga – Iran trong tháng 1/2025.
Thay đổi nhân sự cấp cao
Một thay đổi đáng chú ý khác từ phía cơ quan đầu não chỉ huy cuộc chiến của Nga là việc thay thế tướng Sergei Shoigu bằng ông Andrei Belousov – phó thủ tướng, nhà kinh tế học Nga làm tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Đây là sự thay đổi to lớn trong bộ máy lãnh đạo quân sự của Nga sau hơn hai năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích, quyết định của ông Putin trong việc đưa một quan chức không thuộc quân đội lên lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga là do nhu cầu đón nhận sự thay đổi về phương thức chiến tranh mới, theo Hãng tin Tass của Nga.
Hình thái “chiến tranh phức hợp” đã làm thay đổi nhận thức về chiến tranh hiện đại. Động thái mới này sẽ tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa lĩnh vực quân sự với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, mở rộng phạm vi xã hội hóa nền quốc phòng của Nga để trở thành nền quốc phòng toàn dân với quân đội làm nòng cốt. Điều này làm sống lại những giá trị vĩ đại của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế chiến 2 của các dân tộc Nga, tạo sự đoàn kết giữa nhân dân và quân đội. Việc để một người không phải quân nhân giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng còn khuyến khích thanh niên Nga gia nhập quân đội bổ sung nguồn lực đang thiếu của Nga trong các chiến dịch mùa đông 2024-2025.
Điều chỉnh học thuyết hạt nhân
Mặc dù là cường quốc hạt nhân tuy nhiên khái niệm “lằn ranh đỏ” của Nga lại thường xuyên bị phương Tây xem nhẹ. Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bất chấp những cảnh báo đã được đưa ra. Do vậy, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga về răn đe hạt nhân cuối tháng 9/2024, Tổng thống Putin đề xuất, Nga cần phải cập nhật học thuyết hạt nhân nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công nào được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân (ám chỉ phương Tây hỗ trợ Ukraine) đều được xem là một cuộc tấn công liên minh vào Nga. Ngày 19/11, Tổng thống Putin duyệt tài liệu Những nguyên tắc cơ bản về Chính sách Nhà nước trong lĩnh vực Răn đe Hạt nhân, thông qua hàng loạt điều chỉnh về học thuyết vũ khí hạt nhân của Nga. Theo đó, Học thuyết hạt nhân hiện nay của Nga hay Học thuyết hạt nhân năm 2020 đã được phê duyệt sửa đổi để phù hợp với tình hình tác chiến mới.
Theo đó, Nga đã gia tăng yếu tố mơ hồ trong học thuyết hạt nhân sửa đổi nhằm tăng cường sức răn đe phương Tây thông qua 4 thay đổi đáng chú ý: (i) Học thuyết mới mở rộng phạm vi cho phép Moscow thực hiện đáp trả hạt nhân, từ “hành động gây hấn nhằm vào Nga” thành “hành động nhằm vào thành viên khác trong Nhà nước Liên minh”, gồm Nga và Belarus. Điều này về cơ bản đã đưa Belarus vào trong chiếc ô hạt nhân của Nga; (ii) Điểm điều chỉnh thứ hai Nga đã hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân từ đáp trả “nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa” thành chủ động “khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ” của Nga và Belarus; (iii) Học thuyết mới của Nga còn mở rộng danh sách các yếu tố mà Moscow coi là mối đe dọa về mặt quân sự cần phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân gồm “sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt để nhắm vào Nga”, “tập trận gần biên giới Nga”; (iv) Sau cùng, Nga không còn coi vũ khí hạt nhân chỉ là biện pháp răn đe, mà Moscow có thể sử dụng chúng nhằm vào kẻ địch “tiềm tàng” mà Nga cho rằng quốc gia đó cho phép một quốc gia khác dùng lãnh thổ của mình để chuẩn bị và phát động đòn tấn công vào Nga.
Sự hỗ trợ từ Triều Tiên và Trung Quốc
Tình hình chiến sự tại Ukraine năm 2024 đã có nhiều thay đổi vượt qua phạm vi hai nước đặc biệt là sự xuất hiện của lực lượng Triều Tiên đóng vai trò như một đối tác quân sự quan trọng của Nga. Trong năm 2024, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga một lượng đáng kể đạn dược, vũ khí hạng nhẹ và các hệ thống phóng rocket, theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những lô hàng này xuất phát từ kho dự trữ quân sự của Triều Tiên được chuyển giao qua các tuyến vận tải bí mật để tránh sự giám sát của phía Ukraine và Hàn Quốc.
Vào khoảng cuối tháng 10/2024, quân đội Triều Tiên đã được cho là lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Ukraine. Thông tin về sự hiện diện của quân đội Triều Tiên ở Nga trong các năm 2024 đã gây chú ý lớn trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến tranh tiếp tục diễn ra căng thẳng khi Ukraine vẫn duy trì lực lượng tại vùng Kursk.
Cơ sở cho hợp tác an ninh giữa Triều Tiên và Nga được cụ thể qua hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga – Triều Tiên đã có hiệu lực vào ngày 4/12, do đó Nga tuyên bố sự hỗ trợ của Triều Tiên cho Nga không vi phạm luật pháp quốc tế. Dù Bình Nhưỡng lên tiếng phủ nhận sự tham gia trực tiếp vào chiến trường Ukraine, tuy nhiên, sự xuất hiện của lực lượng quân đội Triều Tiên tại Nga cho thấy một sự thay đổi chiến lược đáng kể, mang theo nhiều mục tiêu chính trị và quân sự từ phía Nga.
Việc Triều Tiên đưa quân sang Nga đã trở thành một điểm nhấn chiến lược trong năm 2024 không chỉ thể hiện mối quan hệ đồng minh ngày càng khăng khít giữa hai nước mà còn phản ánh những tính toán chiến lược phức tạp của Moscow trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang kéo dài hơn. Chiến lược quan trọng nhất của Nga khi liên kết với quân đội Triều Tiên nhằm giảm áp lực hậu cần và nhân lực cho lực lượng Nga trong bối cảnh xung đột ngày càng mở ra nhiều mặt trận mới thu hút hỏa lực. Ngoài ra, sự hiện diện của quân đội Triều Tiên còn mang ý nghĩa chính trị lớn đối với Nga. Đây là một thông điệp gửi tới Mỹ và phương Tây rằng Moscow không cô lập và vẫn có thể tìm được các đồng minh chiến lược bên ngoài châu Âu để đối phó với áp lực mà NATO gia tăng.
Trong khi đó, đối tác lớn nhất của Nga là Trung Quốc lại duy trì cách tiếp cận thận trọng hơn, tập trung vào hỗ trợ kinh tế và thúc đẩy nỗ lực ngoại giao thay vì cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp. Bắc Kinh đã tăng cường xuất khẩu công nghệ, thiết bị công nghiệp và linh kiện điện tử cho Moscow giúp giữ mạch đập kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh Nga bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nhiều giao dịch giữa Nga và Trung Quốc đã được thực hiện thông qua các cơ chế tài chính phi truyền thống nhằm né tránh hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ kiểm soát.
Tính toán chiến lược của Trung Quốc chủ yếu xoay quanh việc duy trì một nhóm lợi ích đối trọng với Mỹ và phương Tây. Bằng cách hỗ trợ Nga, Bắc Kinh không chỉ củng cố quan hệ đối tác không giới hạn với Moscow mà còn đảm bảo rằng chính quyền Nga không suy yếu quá mức, điều có thể làm mất cân bằng cấu trúc quyền lực với phương Tây trong khu vực Á-Âu.
Những kế hoạch mới của Trump cho tình hình Ukraine
Ngay khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ hồi tháng 11/2024, điện Kremlin đã gửi đi thông điệp Nga sẵn sàng nghiêm túc đàm phán với chính quyền mới của Nhà Trắng. Điều này lý giải cho việc chiến sự giữa Nga và Ukraine được cho là đang dần ló rạng “ánh sáng cuối đường hầm” và triển vọng ngừng bắn trong năm 2025.
Trong khi vận động tranh cử ngoài những cam kết thu hút về an sinh, xã hội thì vấn đề Ukraine cũng được đưa lên hàng thượng sách tranh cử của Trump. Cụ thể, trước cử tri Mỹ, ông Trump đã chỉ trích việc Mỹ chi hàng chục tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và cam kết sẽ chấm dứt xung đột “trong vòng 24 giờ” thông qua một thỏa thuận đàm phán. Đây là một tuyên bố “giật gân” vào thời điểm sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine đang chiếm ưu thế trong nội bộ và cử tri Đảng Cộng hòa. Ông Trump nhận thức được điều này, hơn nữa ông cũng biết việc bỏ rơi Ukraine sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của mình như việc ông đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan năm 2021. Tuy nhiên, ông Trump đang coi cuộc chiến tại Ukraine là cơ hội để thể hiện khẩu hiệu MAGA* mà theo ông cuộc chiến đó không có lợi ích gì cho người dân Mỹ.
Trên thực tế, hai lần gặp gỡ gần đây của ông Trump với nhà lãnh đạo Ukraine ông Zelensky đều được giới truyền thông ghi nhận vấn đề xúc tiến hòa bình cho Ukraine đã được đem ra trao đổi. Tại cuộc gặp vào hồi đầu tháng 12/2024 tại Điện Elysee Pháp, có sự góp mặt của Tổng thống Pháp Macron đại diện một trong các bên hỗ trợ chính cho Ukraine, ông Trump đã đưa ra những tín hiệu khẳng định đang hối thúc hòa bình cho Ukraine. Trước đó, vào hồi tháng 9, ông Zelensky đã đến Tháp Trump ở New York để gặp ông Trump và cũng nhận được một lời hứa về kế hoạch hòa bình sẽ là giải pháp tốt cho cả hai bên để giải quyết cuộc xung đột nếu ông đắc cử.
Nhìn từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, có thể thấy ông Trump khá tích cực và tự tin với khả năng thương thuyết hàn gắn quan hệ của mình. Theo đó, giống như cách ông Trump đã làm với Hiệp định Abraham tại Trung Đông năm 2020, sự trung gian của Mỹ có thể phá vỡ thế bế tắc, vấn đề Nga – Ukraine cũng không ngoại lệ. Theo Reuters, ngay sau khi đắc cử, ông Trump và các cố vấn đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho Ukraine với những ý tưởng mà phía Trump cho rằng Nga có thể chấp nhận được. Đề xuất của ông Trump xoay quanh một số trọng tâm như đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine; trừng phạt kinh tế có điều kiện; thành lập khu phi quân sự (DMZ); gìn giữ hòa bình và tái thiết kinh tế. Ông Trump tin rằng một cách tiếp cận thực dụng, kết hợp với kỹ năng đàm phán cá nhân của mình, có thể giúp chấm dứt cuộc chiến này.
Tuy nhiên, với vấn đề được Nga đặt vào những nguyên tắc cao như chiến dịch quân sự tại Ukraine, có lý do để tin rằng phong cách ngoại giao cá nhân của ông Trump không hiệu quả. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump cũng không thành công đạt được một tuyên bố chung về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên bởi giá trị sống còn của vũ khí hạt nhân với an ninh của Bình Nhưỡng. Đối với Moscow, vấn đề Ukraine cũng có tính chất tương tự, Trump có thể thúc đẩy một đàm phán thành lập khu vực DMZ chia đôi vùng kiểm soát nhưng nguyên tắc lợi ích của Nga đặc biệt trong việc kiểm soát bán đảo Crimea là vấn đề sinh tử, không thể từ bỏ. Không chỉ ở các vấn đề xoay quanh lãnh thổ mà rộng hơn Nga muốn chấm dứt quá trình “Đông tiến” của NATO, căn nguyên của cuộc chiến.
Theo chuyên gia Mikhail Mironyuk trường Kinh tế cao cấp Moscow nhận định, cách hoạch định đường lối của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên cho thấy sự khó đoán định, do đó, tình hình có thể diễn ra theo một khuôn khổ nguy hiểm hơn theo kiểu tối hậu thư cho cả Nga và Ukraine. Giảm dần viện trợ từ Mỹ sẽ không làm cuộc chiến chấm dứt mà chỉ chuyển sang duy trì ở cường độ thấp hơn bởi chắc chắn phương Tây khó chấp nhận để Nga chiến thắng hoàn toàn. Sự thay đổi đáng kể duy nhất dưới thời chính quyền Trump 2.0 có thể là sự chuyển giao gánh nặng kinh tế của cuộc xung đột sang vai các đồng minh châu Âu. Hơn nữa, Mỹ có quyền lo ngại việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine sẽ khiến Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi chứng kiến sự thiếu kiên quyết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh.
Bất chấp những tuyên bố giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine nhanh chóng trong 24 giờ, giới phân tích chính trị cho rằng, việc Donald Trump giành chiến thắng và lên nắm quyền không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có thái độ, hành động hòa hoãn và nhân nhượng với Nga để đổi lấy hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Với chủ trương thực dụng và vốn là một nhà lãnh đạo thích thỏa hiệp, nhiều khả năng Chính quyền Tổng thống Trump sắp tới sẽ tiếp tục sử dụng vấn đề Ukraine như một “con bài” chiến lược nhằm thỏa thuận tới cả Trung Quốc và Nga bằng những điều kiện có lợi cho mình.
Một số dự báo
Năm 2025 được dự đoán là thời điểm có những thay đổi quan trọng trong cuộc chiến, với các kịch bản có thể xảy ra dựa trên nhìn nhận tình hình chiến trường và tương quan lực lượng. Tổng thể, cuộc chiến Nga – Ukraine trong năm 2025 vẫn sẽ là một điểm nóng quốc tế song các tác động đã giảm so với thời điểm 2022 – 2023, ngoại trừ nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn hiện hữu. Các diễn biến về kinh tế, quân sự, ngoại giao vẫn sẽ xoay vòng qua hai dạng biểu hiện: i) Nga và Ukraine đối đầu trực tiếp; ii) Nga và phương Tây đối đầu gián tiếp thông qua Ukraine. Chỉ thời gian ngắn nữa, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức và đưa ra những chỉ dấu chính sách đầu tiên. Sự trở lại của Trump là nhân tố tác động lớn tới không chỉ trước mắt cục diện chiến sự Nga – Ukraine mà còn trong tương lai quan hệ Nga với phương Tây.
Một trong những kịch bản khả thi nhất cho năm 2025 là Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận hòa bình. Khả năng này được đưa ra dựa trên những động thái và phát ngôn gần đây của ông Trump về Ukraine. Vậy nhưng, thực tế ông Trump chỉ là tác động kết nối cả hai bên, điều kiện thực tế xuất phát từ khả năng duy trì chiến sự của hai bên. Sự mệt mỏi chiến tranh từ cả hai phía, áp lực duy trì kinh tế thời chiến của Nga và nguồn viện trợ cho Ukraine bị giảm dần là những yếu tố thúc đẩy đàm phán diễn ra. Sau gần 3 năm xung đột kéo dài, người dân Ukraine ngày càng mệt mỏi trong cuộc xung đột với Nga. Trong các cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup (Mỹ) được tiến hành từ tháng 8 – 10/2024 cho thấy 52% người dân Ukraine muốn đàm phán để chấm dứt xung đột sớm nhất có thể. Dù triển vọng đàm phán vẫn rất mờ mịt, nhưng có vẻ cả Nga và Ukraine đều nhận thấy đã đến lúc cần phải tìm cách để đạt được một thỏa thuận. Theo dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026.
Kịch bản khác có khả năng xảy ra là xung đột đóng băng, với một lệnh ngừng bắn nhằm tạm thời chấm dứt tình trạng thù địch, nhưng không có thỏa thuận hòa bình. Xung đột có thể bước vào giai đoạn đóng băng, trong đó không có giải pháp hòa bình rõ ràng hoặc thắng lợi quân sự cho bất kỳ bên nào. Lãnh thổ bị Nga chiếm đóng có thể trở thành vùng DMZ chia cắt miền Đông và Tây Ukraine giống như tình hình tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kịch bản này có thể diễn biến theo hai hướng, một là đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và Ukraine được xem xét tư cách thành viên NATO. Điều này có thể dừng cuộc chiến lại nhưng không thỏa mãn mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt là ngăn Ukraine vào NATO. Hai là, đóng băng tạm thời chiến trường để Ukraine củng cố lực lượng, nhưng Kiev không được xem xét duyệt vào NATO. Tình trạng này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Ukraine, với sự phân hóa kinh tế và chính trị, trong khi Nga cũng đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài. Từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 3 năm, lập trường của Tổng thống Putin là sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu Kiev từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút quân khỏi các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập. Ông Putin nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là chấm dứt xung đột chứ không chỉ đơn thuần là đóng băng.
Bên cạnh các kịch bản trên bàn đàm phán là một cục diện chiến sự tiếp tục được kéo dài mà không có đột phá đáng kể từ cả hai phía. Mặc dù không đóng góp tích cực cho thúc đẩy hòa bình nhưng đây sẽ trở thành kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) chỉ ra rằng, Ukraine và Nga đều đang dần thích nghi với một cuộc chiến tiêu hao dài hạn. Ukraine tiếp tục nhận viện trợ từ Mỹ và NATO, duy trì khả năng phòng thủ và phản công cục bộ. Trong khi đó, Nga tận dụng các nguồn lực quân sự từ đối tác như Triều Tiên và duy trì áp lực tại các khu vực trọng điểm như Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, cả hai bên đều thiếu nguồn lực và khả năng để tạo ra một cú đột phá chiến lược lớn vì tình trạng bế tắc hiện tại phản ánh sự mất cân bằng về sức mạnh quân sự và các giới hạn trong khả năng mở rộng chiến sự. Kịch bản này sẽ gây ra tình trạng bế tắc kéo dài, làm xói mòn nền kinh tế và nhân lực của cả hai nước, đồng thời khiến tình hình chính trị trong nước ở cả hai phía trở nên bất ổn hơn.
Một kịch bản khác, Nga sẽ kết thúc cuộc chiến bằng một thắng lợi quân sự. Đây là một kịch bản không mới bởi nó đã được dự báo từ khi cuộc chiến mới bắt đầu nhưng trong bối cảnh hiện tại điều kiện để Nga hiện thực hóa kịch bản này cũng khó hơn so với thời điểm năm 2022. Một số phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Nga (RAS) cho thấy, Moscow có thể tận dụng mùa đông 2024-2025 để tái tổ chức lực lượng và triển khai các vũ khí chiến lược nhằm đánh mạnh vào hạ tầng năng lượng và giao thông của Ukraine. Mục tiêu chính sẽ là đạt được một thắng lợi quân sự quyết định và buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán với các điều kiện có lợi cho Nga. Kịch bản này phụ thuộc vào việc Nga có thể huy động đủ nhân lực và vật lực kèm với duy trì sự hỗ trợ từ các đồng minh chiến lược như Trung Quốc và Triều Tiên hay không. Mặc dù khả năng không cao, nhưng nếu kịch bản này thực tế diễn ra sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng không loại trừ can thiệp quân sự trực tiếp của NATO hoặc Mỹ và khiến nguy cơ lan rộng xung đột ra thành một cuộc chiến toàn châu Âu.
Sau cùng, kịch bản xấu nhất về cuộc chiến tranh hạt nhân đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia dù cực kỳ thấp nhưng cũng không nằm ngoài khả năng xảy ra. Bởi răn đe hạt nhân vẫn tiếp tục là con bài chiến lược của Nga trước phương Tây. Năm 2024 chứng kiến chiến thuật “miệng hố chiến tranh” của cả Nga và phương Tây khi cảnh báo nguy cơ chiến tranh Thế giới thứ ba, thậm chí là chiến tranh hạt nhân cận kề nhất. Mục đích của Tổng thống Zelensky là lôi kéo NATO và can dự sâu hơn, viện trợ nhiều hơn, với lý do ngăn chặn mối đe dọa từ Nga đối với an ninh châu Âu và Mỹ. Đồng thời, ông Zelensky cũng muốn chứng tỏ việc NATO kết nạp Kiev là nhu cầu cấp thiết. Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chiến tranh để răn đe NATO không can dự trực tiếp, sâu hơn vào xung đột ở Ukraine. Thực tế, tình thế “bên miệng hố chiến tranh”, nguy cơ cuộc chiến hạt nhân là yếu tố buộc những chiến lược gia “diều hâu” của phe NATO phải cân nhắc thận trọng, tìm kiếm giải pháp dự phòng, trong đó có phương án đàm phán. Theo chuyên gia quân sự Nga Igor Nikulin cảnh báo rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được Nga sử dụng trong trường hợp phương Tây và Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự vượt ra khỏi “lằn ranh đỏ”, đe dọa đến sự tồn vong của Nga.
Bên cạnh những dự báo được rút ra từ cơ sở thực tiễn đã xảy ra trong năm 2024 còn tồn tại những biến số bất ngờ nằm ngoài dự báo phụ thuộc vào cục diện thế giới trong năm tới. Viễn cảnh về năm 2025 có thể là một năm không bình yên với chính trị quốc tế nói chung và với cả Ukraine hay Nga nói riêng. Sự trở lại của Trump báo hiệu Mỹ đang dần rút lui vai trò khỏi các vấn đề châu Âu, thay vào đó các đồng minh NATO của Ukraine sẽ gánh vác trách nhiệm này. Đối với Nga, điện Kremlin cần kêu gọi Triều Tiên giữ bình tĩnh trong mối quan hệ liên Triều đang nóng lên nhằm tránh một cuộc xung đột vũ trang khác nổ ra ở sát sườn Nga. Bên cạnh đó, chính biến tại Syria với sự sụp đổ chính quyền Assad được coi là bước ngoặt lớn phản ánh hiện thực cán cân quyền lực ở Trung Đông khi trách nhiệm nước lớn của Nga tại khu vực Trung Đông đang phai mờ dần theo 3 năm tập trung chiến sự tại Ukraine. Và cuối cùng, nhân tố Trung Quốc có thể xuất hiện trong việc giải quyết vấn đề Ukraine. Trước những dự báo ảm đạm về kinh tế Trung Quốc năm 2025 cùng sự trở lại của Tổng thống Trump, Bắc Kinh có thể tính đến việc vừa hưởng lợi từ Nga vừa thông qua kiến thiết hòa bình để luồn sâu trở thành một bên có ảnh hưởng đối với các vấn đề châu Âu./.
* Make America Great Again
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Kiều Anh (2024), “Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga – Ukraine ngày 12/1”, VOV. https://vov.gov.vn/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-121
[2] Thảo Vy (2024), “Chiến sự Nga – Ukraine 6-4: Nga, Ukraine tăng tấn công nhau; Kiev mất 2.000 lính ở Donetsk tuần qua”, pháp luật Online. https://plo.vn/chien-su-nga-ukraine-6-4-nga-ukraine-tang-tan-cong-nhau-kiev-mat-2000-linh-o-donetsk-tuan-qua-post784127
[3] Hoàng Phạm (2024), “Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga – Ukraine ngày 24/6”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-246-post1103274.vov?
[4] Trí Đức (2024), “Diễn biến chiến sự Nga – Ukraine 8/9”, Hà Nội Online. https://hanoionline.vn/dien-bien-chien-su-nga-ukraine-8-9-264077.htm?
[5] Hồng Anh (2024), “Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga – Ukraine ngày 7/9”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-79-post1119319.vov
[6] Bảo Hà (2024), “Tổng thống Biden cấp tốc chuyển nốt viện trợ cho Kiev trước khi ông Trump quay lại”, báo Tin Tức. https://baotintuc.vn/quan-su/tong-thong-biden-cap-toc-chuyen-not-vien-tro-cho-kiev-truoc-khi-ong-trump-quay-lai-20241107084449805.htm
[7] US Department of States (2024), “U.S. Security Cooperation with Ukraine”. https://www.state.gov/u-s-security-cooperation-with-ukraine/
[8] Khổng Hà (2024), “Phương Tây gia tăng viện trợ cho Ukraine, Nga đưa ra cảnh báo”, Công an Nhân dân. https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/phuong-tay-gia-tang-vien-tro-cho-ukraine-nga-dua-ra-canh-bao–i749128/
[9] Jeffrey Sonnenfeld & Stevan Tian (2024), “Why the U.S. Has the Most to Gain From Supporting Ukraine”, TIME. https://time.com/6694915/ukraine-aid-bill-what-united-states-gains/
[10] Bảo Hoàng (2024), “Tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine thực tế về đâu?”, Thanh Niên. https://thanhnien.vn/tien-my-vien-tro-cho-ukraine-thuc-te-ve-dau-185240907221245854.htm
[11] THE INSTITUTE FOR THE STUDY OF WAR (2024), “Russian Offensive Campaign Assessment, November 19, 2024”. https://www.understandingwar.org/backgrounder/russian-offensive-campaign-assessment-november-19-2024
[12] THE INSTITUTE FOR THE STUDY OF WAR (2024), “Russian Offensive Campaign Assessment, November 20, 2024”. https://www.understandingwar.org/backgrounder/russian-offensive-campaign-assessment-november-20-2024
[13] TASS (2024), “Press review: Russia installs new defense minister and Ukrainian terror in Belgorod”. https://tass.com/pressreview/1786931
[14] Dmitri Antonov & Guy Faulconbridge (2024), “Putin to speak on nuclear deterrence as Ukraine tensions rise”, Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/putin-chair-meeting-nuclear-deterrence-kremlin-says-2024-09-25/
[15] Michael Carroll & Hugh Cameron (2024), “Putin Signs Russia’s Nuclear Doctrine Update Into Law”. Newsweek. https://www.newsweek.com/putin-signs-russia-nuclear-doctrine-update-law-1987375
[16] Brendan Cole (2024), “Four Changes in Russia’s Nuclear Doctrine Raise Alarm”, Newsweek. https://www.newsweek.com/russia-putin-nuclear-doctrine-1988843
[17] Aljazeera (2024), “UN Security Council told of North Korean missiles used by Russia in Ukraine”. https://www.aljazeera.com/news/2024/12/19/un-security-council-told-of-north-korean-missiles-used-by-russia-in-ukraine
[18] Stockholm International Peace Research Institute (2024), “Russia and the Arms Trade”. https://www.sipri.org/sites/default/files/files/books/SIPRI98An/SIPRI98An.pdf
[19] Patricia M. Kim, Aslı Aydıntaşbaş, Angela Stent & Tara Varma (2024), “The China-Russia relationship and threats to vital US interests”, Brooking. https://www.brookings.edu/articles/the-china-russia-relationship-and-threats-to-vital-us-interests/
[20] NBC News (2024), “Presidential debate highlights: Harris and Trump spar over abortion, immigration and economy in first faceoff of 2024 race”. https://www.nbcnews.com/politics/2024-election/live-blog/trump-harris-presidential-debate-live-updates-rcna169722
[21] Constant Méheut (2024), “Zelensky Met With Trump in Paris to Press Ukraine’s Case”, New York Times. https://www.nytimes.com/2024/12/07/world/europe/zelensky-trump-macron-notre-dame.html
[22] Gram Slattery & Jonathan Landay (2024), “Trump’s plan for Ukraine comes into focus: NATO off the table and concessions on territory”. Reuters. https://www.reuters.com/world/trumps-plan-ukraine-comes-into-focus-territorial-concessions-nato-off-table-2024-12-04/
[23] Hùng Anh (2024), “Tương lai cuộc xung đột Nga – Ukraine dưới thời Tổng thống Donald Trump?”, Báo Thanh Hóa. https://baothanhhoa.vn/tuong-lai-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-duoi-thoi-tong-thong-donald-trump-230137.htm
[24] Robert Dover (2024), “Ukraine war: following Donald Trump’s re-election, four likely scenarios are becoming clear”, The Conversation. https://theconversation.com/ukraine-war-following-donald-trumps-re-election-four-likely-scenarios-are-becoming-clear-243498
[25] Phương Anh (2024), “Xung đột Nga – Ukraine và cột mốc 1.000 ngày”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-nga-ukraine-va-cot-moc-1000-ngay-post1136876.vov
[26] Sonya Bandouil (2024) “New IMF forecast predicts war in Ukraine ending in late 2025 or 2026”, Kyiv Independent. https://kyivindependent.com/new-imf-forecast-predicts-war-in-ukraine-ending-in-late-2025-or-2026/
[27] Franz-Stefan Gady (2024), “Making Attrition Work: A Viable Theory of Victory for Ukraine”, IISS. https://www.iiss.org/online-analysis/survival-online/2024/01/making-attrition-work-a-viable-theory-of-victory-for-ukraine/
[28] Benjamin Jensen (2024), “A Military Strategy for Negotiations in Ukraine”, CSIS. https://www.csis.org/analysis/military-strategy-negotiations-ukraine
[29] Trung Hiếu (2024), “Nga “không nói chơi” khi cảnh báo đòn hạt nhân đáp trả Ukraine và phương Tây?”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-khong-noi-choi-khi-canh-bao-don-hat-nhan-dap-tra-ukraine-va-phuong-tay-post1136891.vov