Ngày nay, Ấn Độ dưới thời Tổng thống Narendra Modi đang tích cực thực hiện những chính sách vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu. Thông qua những đánh giá toàn diện về sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ, rõ ràng, Ấn Độ là một cường quốc đang lên nhanh chóng. Đồng thời, thực tiễn quá trình phát triển của Ấn Độ đã bộc lộ nhiều đặc điểm đặc thù, phù hợp với cách gọi “cường quốc tự nhiên”.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay, việc các quốc gia định vị mình như những cường quốc là một quá trình đầy thách thức, đòi hỏi sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự, kinh tế và ảnh hưởng ngoại giao. Ấn Độ, với dân số hơn 1,4 tỷ người và vị trí chiến lược tại Nam Á, đang dần khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế và xác định mình là một nước lớn. Ấn Độ đang sở hữu nhiều yếu tố để trở thành một cường quốc, bao gồm nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, một quân đội hùng mạnh, và sự đa dạng về văn hóa. Việc Ấn Độ định vị mình như một “cường quốc tự nhiên” không chỉ thể hiện trong sức mạnh quân sự và kinh tế mà còn trong các giá trị văn hóa, ngoại giao và chính trị mà quốc gia này mang lại. Dựa vào những yếu tố nội tại như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên – xã hội, nền văn hóa đa dạng, Ấn Độ kết hợp với các yếu tố ngoại vi và có chính sách phù hợp để tiến tới mục tiêu cao nhất là đưa quốc gia của mình thành một cường quốc toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Ấn Độ định vị vai trò “cường quốc tự nhiên”
Khái niệm “cường quốc tự nhiên”
Thuật ngữ “cường quốc tự nhiên” chưa thực sự phổ biến trong giới học thuật quốc tế và Việt Nam. Ở Việt Nam, một bài viết của hai tác giả TS. Nguyễn Hải Lưu và TS. Hà Việt Anh có tên “Sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ và quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong những thập niên tới” đăng trên Tạp chí Cộng sản đã sử dụng thuật ngữ này, cụ thể: “Ấn Độ luôn ý thức là một “cường quốc tự nhiên” của thế giới. Niềm tin này bắt nguồn từ sự vĩ đại của nền văn minh sông Ấn, sông Hằng rực rỡ, là một thực tế khách quan mà các quốc gia khác phải thừa nhận và có sự ứng xử phù hợp” [1]. Có thể cho rằng “cường quốc tự nhiên” dùng để mô tả một quốc gia có sẵn những yếu tố nội tại giúp quốc gia đó dễ dàng trở thành một cường quốc toàn cầu và sau đó kết hợp với các yếu tố ngoại vi để nâng cao sức mạnh quốc gia. Các yếu tố nội tại này bao gồm: tài nguyên thiên nhiên, dân số, vị trí địa lý, hay nền văn hóa.
Cơ sở để Ấn Độ định vị mình là một “cường quốc tự nhiên”
Trong quan hệ quốc tế luôn có sự phân chia giữa các quốc gia, những quốc gia lớn mạnh có sức ảnh hưởng lớn sẽ được gọi là cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, thấp hơn là cường quốc tầm trung như Hàn Quốc, Anh, Pháp,… và không chỉ vậy, chính trị quốc tế còn chia ra làm những loại cường quốc như cường quốc biển, cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự,… những thuật ngữ đó sẽ gắn với một vài quốc gia có sức mạnh nổi trội về lĩnh vực đó.
Với Ấn Độ – một quốc gia đặc biệt có cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi về việc nên gọi Ấn Độ là cường quốc như thế nào, có nhận định cho rằng Ấn Độ thuộc dạng “quiet power”, không ồn ào, tĩnh lặng với nội lực quốc gia mạnh mẽ, hay có nhận định rằng Ấn Độ nên được gọi là cường quốc bởi Ấn Độ có quyền lực cứng với tiềm lực quân sự lớn mạnh, quân đội được hiện đại hóa, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm. Hay cũng có thể gọi Ấn Độ là một cường quốc với quyền lực mềm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn nhân loại, là cái nôi của các tôn giáo lớn ảnh hưởng đến cả thế giới trong nhiều thế kỷ hay là các giá trị văn hóa lâu đời vẫn luôn tồn tại và ảnh hưởng. Để chứng minh Ấn Độ đúng với vị thế “cường quốc tự nhiên” có thể thông qua các yếu tố “tự nhiên” để làm rõ:
Thứ nhất, văn minh Ấn Độ là một trong những nền văn minh cổ đại và lâu dài nhất trong lịch sử loài người, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn nhân loại từ nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học tự nhiên cho đến các giá trị văn hóa nghệ thuật. Những giá trị mà văn minh Ấn Độ để lại luôn trường tồn theo thời gian và vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, có thể kể đến các thành tựu về khoa học tự nhiên, văn học, tôn giáo,… những thứ mà người Ấn Độ luôn tự hào khi nhắc đến. Văn minh Ấn Độ là nơi cho ra đời hệ thống chữ số Arab, tính toán căn bậc hai, bậc ba, hay những tính toán về hình tam giác. Trong y học, người Ấn Độ cổ đã để lại hai quyển sách có giá trị cho nền y học thế giới là “y học toát yếu” và “luận khảo về trị liệu”, người Ấn Độ cổ đại cũng để lại những thành tựu to lớn về thiên văn học, những tác phẩm văn học kinh điển mang hơi thở thời gian và triết lý được người Ấn Độ cổ đại đúc kết và trở thành niềm tự hào của người dân Ấn Độ ngày nay hay những công trình kiến trúc đồ sộ mang đậm nét tôn giáo. Là một trong những nền văn minh lâu đời nhất, người Ấn Độ luôn tự hào khi nhắc đến cội nguồn dân tộc của họ, đó chính là những thứ được con người tạo nên nhưng qua một khoảng thời gian dài chúng lại được xem như là những thứ “tự nhiên”.
Thứ hai, điều kiện tự nhiên – xã hội cũng một trong những là cơ sở để Ấn Độ tự định vị bản thân với vai trò “cường quốc tự nhiên”. Về vị trí địa lý, Ấn Độ là quốc gia có diện tích lớn thứ 7 thế giới, với tổng diện tích 3.287.590 km2 nằm ở Nam Á; phía Bắc giáp Trung Quốc, Nepal và Bhutan; Đông Bắc giáp Myanmar, Bangladesh; Tây Bắc giáp Pakistan và Afghanistan; phía Tây, Đông và Nam là Ấn Độ Dương bao bọc [2]. Vì giáp Trung Quốc, Ấn Độ có thể phát triển kinh tế và thương mại mạnh mẽ qua quá trình hợp tác giữa hai quốc gia, với vị trí địa chiến lược, Ấn Độ không chỉ là cầu nối giữa Trung Quốc và các quốc gia ở Nam Á mà còn có thể tận dụng cơ hội từ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Việc tăng cường hợp tác thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ giúp mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ của Ấn Độ, đồng thời thu hút đầu tư từ Trung Quốc, từ đó đem lại sự phát triển cho nền kinh tế Ấn Độ.
Tiếp giáp với Ấn Độ Dương còn đem lại cho Ấn Độ nhiều lợi ích kinh tế và thương mại, những lợi ích mà biển mang đến cho Ấn Độ có thể kể đến những lợi ích như: Dễ dàng tham gia vào thương mại quốc tế nhờ vào hệ thống cảng biển phát triển; nhận được nguồn lợi thủy sản phong phú; Ấn Độ có tiềm năng phát triển du lịch biển; Với đường bờ biển dài có thể khai thác nguồn năng lượng từ biển; Ấn Độ có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Tóm lại, Ấn Độ, với bờ biển dài, có nhiều cơ hội để phát triển các ngành kinh tế như thương mại quốc tế, du lịch biển, thủy sản, năng lượng biển, và logistics.
Về dân số, năm 2023, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia có số dân đông nhất thế giới, hiện tại dân số Ấn Độ khoảng 1,4 tỷ người và dân số Ấn Độ hiện nay đang trong thời kỳ “dân số vàng”, chính vì vậy Ấn Độ đang có một lực lượng lao động dồi dào giúp thúc đẩy lao động, sản xuất, tiêu thụ. Ngoài ra, Ấn Độ còn có cộng đồng người xa xứ sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, là nguồn ủng hộ ngoại tệ lớn cho ngân sách Ấn Độ. Đây là một điều kiện xã hội mà Ấn Độ có thể chuyển hóa thành yếu tố nội tại giúp Ấn Độ định vị quốc gia mình là “cường quốc tự nhiên”.
Thứ ba, văn hóa Ấn Độ là yếu tố nội tại tác động lớn đến quá trình định hình vị thế của Ấn Độ, ngoài ra có thể gọi chung những yếu tố văn hóa này là “sức mạnh mềm”. Văn hóa Ấn Độ là một nền văn hóa lâu đời và phong phú, bao gồm nhiều yếu tố từ các lĩnh vực nghệ thuật, triết học, tôn giáo, tinh thần hướng thiện, tư tưởng minh triết, yêu hòa bình, đất nước đa ngôn ngữ, quốc gia có nền dân chủ cao và còn những giá trị mang độc đáo bản sắc Ấn Độ như Yoga, Bollywood [3]. Văn hóa Ấn Độ là sự kết hợp giữa văn minh Ấn Độ cổ đại và những hệ giá trị hiện đại, các giá trị này đã ảnh hưởng sâu rộng đến cả Ấn Độ và thế giới. Vì thế văn hóa là nền tảng vững chắc trong quá trình định hình vai trò “cường quốc tự nhiên” trong thế kỷ XXI.
Ấn Độ chuyển hóa các điều kiện sẵn có để trở thành “cường quốc tự nhiên”
Ấn Độ đã có những chính sách mang tính cải cách, thay đổi tình hình quốc gia, hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc toàn cầu trong thế kỷ XXI. Từ những cơ sở điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa – xã hội, Ấn Độ đã và đang trong quá trình chuyển hóa những thế mạnh đó thành nền tảng cho sức mạnh tổng hợp, nội lực quốc gia trong bối cảnh thế giới vừa hợp tác vừa cạnh tranh.
Dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, Ấn Độ có điều kiện phát huy tiềm lực kinh tế
Ấn Độ là hàng xóm thân thiết và là một trong những đối tác quan trọng nhất đối với Trung Quốc, vì vậy quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc sôi nổi hơn bao giờ hết và luôn duy trì sự hợp tác với nhau dù cho có xảy ra căng thẳng quân sự giữa hai nước. Quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có từ lâu đời, bắt đầu từ con đường tơ lụa cổ đại, nơi hai quốc gia này đã trao đổi hàng hóa và văn hóa và sự hợp tác đó được duy trì đến hiện nay. Trong những thập kỷ gần đây, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, theo số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên đáng kể, đạt khoảng 125 tỷ USD vào năm 2023, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ cũng là một thị trường quan trọng đối với các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc. Một trong những lợi ích rõ rệt nhất của Ấn Độ từ việc tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc là sự gia tăng về xuất nhập khẩu, Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm như hóa chất, kim loại và nông sản sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu hàng điện tử, máy móc và sản phẩm tiêu dùng từ Trung Quốc. Trung Quốc đang là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn vào Ấn Độ, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ và hạ tầng. Điều này không chỉ giúp Ấn Độ tiếp cận với công nghệ tiên tiến mà còn thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế nước này [4]. Từ quan hệ kinh tế sẽ thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước, và từ những ràng buộc trong hợp tác kinh tế giữa hai nước còn làm hạn chế mức độ căng thẳng, xung đột biên giới giữa Ấn Độ – Trung Quốc.
Ấn Độ còn có vị trí vô cùng thuận lợi đó chính là giáp với Ấn Độ Dương, từ xưa đến nay, các quốc gia giáp ranh biển đều có thế mạnh hơn các quốc gia không có đường biên giới với biển vì nguồn lợi từ biển đem lại là rất nhiều, từ nguồn lợi thủy sản, du lịch biển, đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển,… Ấn Độ có một vị trí quan trọng ở Ấn Độ Dương, với hơn 2000km đường bờ biển giáp Ấn Độ Dương, sở hữu hai quần đảo Andaman và Nicobar nằm trên tuyến đường biển kết nối Nam Á với Đông Nam Á, vị trí địa lý chiến lược khiến Ấn Độ trở thành một phần không thể thiếu trên bản đồ địa lý Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương [5] và Ấn Độ Dương cũng đem lại nhiều lợi ích cho Ấn Độ, nhất là lợi ích kinh tế. Từ những thuận lợi mà biển đem tới cho Ấn Độ như thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế nhờ hệ thống cảng biển, hay nhận được nguồn lợi thủy hải sản, du lịch biển, thu hút đầu tư nước ngoài vào cảng biển, cơ sở hạ tầng ven biển thì Ấn Độ còn phải có những chính sách phù hợp mang tính hỗ trợ và thúc đẩy từ nhà nước để những điều kiện thuận lợi này có thể phát huy hết tiềm năng. Cụ thể, vào năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng Dự án Sagar Mala nhằm phát triển và nâng cấp hạ tầng cảng biển, các khu vực ven biển và tăng cường kết nối giao thông giữa các cảng biển với các khu công nghiệp trong nội địa. Mục tiêu chính của dự án là giảm chi phí logistics, tăng trưởng thương mại biển, thúc đẩy phát triển công nghiệp và cải thiện hạ tầng cảng biển, từ mục tiêu đưa ra và hành động quyết liệt, dự án đã giúp cải tạo và mở rộng các cảng lớn như Mundra, Jawaharlal Nehru, và Kochi, làm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa và giảm chi phí vận chuyển. Ấn Độ cũng đã Ấn Độ đã triển khai các chính sách nhằm phát triển năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng gió biển và năng lượng sóng biển. Dự án năng lượng gió ngoài khơi tại bờ biển Tamil Nadu và Gujarat là một minh chứng cho những nỗ lực này. Ấn Độ đã và đang đầu tư mạnh vào năng lượng gió biển, với các công ty như Adani Green Energy và ReNew Power tham gia vào các dự án lớn. Ngoài ra, còn có nhiều dự án về vận tải biển, chính sách phát triển ngành thủy sản, chính sách về kích cầu du lịch biển, chính sách khai thác tài nguyên biển hiệu quả. Từ vị trí địa chiến lược thuận lợi, Ấn Độ đã có những chính sách và hành động cụ thể chuyển hóa điều kiện sẵn để nhận được nhiều nguồn lợi nhất có thể nhằm mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia vươn lên trở thành một cường quốc trong thế kỷ XXI.
Ấn Độ thông qua địa chính trị để thúc đẩy quan hệ chính trị với các nước
Với vị trí giáp biển, Ấn Độ có tiếng nói trong việc cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đứng trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ và gia tăng cạnh tranh từ Trung Quốc, Mỹ và các nước Châu Âu tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ là quốc gia giáp với Ấn Độ Dương và cùng với tư duy dân chủ hóa, ưa chuộng hòa bình, hợp tác cùng phát triển nên đã trở thành một nước giữ vai trò cân bằng quyền lực tại khu vực này để không gây ra sự xáo trộn và biến động quân sự trước bối cảnh một thế giới đang “nóng”. Khi là một nước trung gian thì sẽ nhận được sự lôi kéo từ các bên cạnh tranh, để lôi kéo thành công cần đưa ra những lợi ích cho quốc gia đó, mà giữ vai trò cân bằng tại Ấn Độ Dương hiện nay là Ấn Độ, thì Ấn Độ sẽ nhận được những lợi ích từ cả hai bên đang cạnh tranh, đó là lợi ích quân sự, kinh tế, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Ấn Độ tự gọi mình là “nhà cung cấp an ninh” và trên thực tế, Ấn Độ cũng đóng vai trò là chủ thể cung cấp an ninh cho các nước trong khu vực như Nepal, Bhutan, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives [6]. “Cung cấp an ninh” có thể hiểu là cung cấp thông tin quân sự trên biển, tình hình an ninh trên biển đến các quốc gia không giáp biển và không có khả năng tự quan sát thông tin tại Ấn Độ Dương. Điều này đem lại cho Ấn Độ những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia láng giềng, hạn chế những bất hòa không đáng có giữa các nước trong khu vực và đem lại tiếng nói cho Ấn Độ trong khu vực.
Dựa vào nguồn dân số dồi dào, Ấn Độ có điều kiện xây dựng quân đội lớn mạnh và phát triển nền kinh tế
Ấn Độ là quốc gia có dân số lớn thứ nhất trên thế giới, với hơn 1,4 tỷ người, điều này góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của quân đội Ấn Độ. Với nguồn nhân lực dồi dào, Ấn Độ có một lực lượng quân đội mạnh mẽ về số lượng, đứng trong xếp hạng 5 quốc gia có quân đội lớn nhất toàn cầu với quân số đông nhất là khoảng 5.132.000 người – với mức chi tiêu quân sự là 83,6 tỷ USD, chỉ số sức mạnh quân sự là 0,1025 vào năm 2023 [7]. Chính vì dân số đông nên có sự cạnh tranh trong việc tuyển chọn quân nhân, Ấn Độ có điều kiện lọc ra những người không còn phù hợp như những quân nhân đã về hưu hay những người không đủ điều kiện sức khỏe. Từ đó chất lượng quân nhân được đảm bảo và điều này góp phần làm cho lực lượng quân đội Ấn Độ chất lượng hơn. Quân đội Ấn Độ có nền tảng vững chắc từ số lượng đến chất lượng, để duy trì và phát huy tiềm lực quốc phòng đã sẵn có Ấn Độ đã đề ra mục tiêu phát triển quốc phòng là hiện đại hóa, cải cách, tham gia toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu đó Ấn Độ không ngừng đầu tư vào quốc phòng, với ngân sách chi tiêu quốc phòng năm 2023 là 83,6 tỷ USD, Ấn Độ đã tiến hành kế hoạch hiện đại hóa của quân đội Ấn Độ bao gồm đầu tư trang bị máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến, xe tăng, pháo binh, tên lửa và các hệ thống vũ khí khác, ngoài ra còn tổ chức và tham các cuộc diễn tập quân sự trong nước và tại khu vực [8]. Có thể thấy Ấn Độ có nguồn lợi về dân số là yếu tố “tự nhiên” của quốc gia này, để tận dụng được điều kiện đó Ấn Độ đã chuyển hóa yếu tố dân số thành sức mạnh quốc phòng, kết hợp với sự đầu tư về công nghệ, vũ khí hiện đại, Ấn Độ đã có vị trí quốc phòng đứng thứ hạng lớn trên thế giới.
Không những vậy, nguồn lực dân số của Ấn Độ còn là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ đem đến sự phát triển kinh tế cho quốc gia này. Ấn Độ sở hữu một thị trường lao động sôi nổi, thị trường tiêu dùng lớn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế đầu tư, mở rộng hoạt động và gia tăng lợi nhuận. Một thị trường lao động dồi dào giúp các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn bởi ít sự cạnh tranh trong tuyển chọn nhân công, điều này khiến cho các nhà đầu tư giảm bớt được phần nào chi phí đào tạo lao động. Thêm vào đó, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều chính sách cải cách kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch, các ngành công nghiệp như công nghệ thông tin, dược phẩm và sản xuất đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực này. Cụ thể, vào tháng 3/2019, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) đã được công bố, theo đó, các công ty thuộc đối tượng sẽ nhận được 4 – 6% doanh thu tăng thêm từ các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ dưới hình thức trợ cấp. Quy mô tổng gói hỗ trợ trên khoảng 7,33 tỷ USD. Năm 2020, Ấn Độ đã chi mạnh 20 tỷ USD để chiêu dụ các công ty nước ngoài chuyển sản xuất sang Ấn Độ. Vào tháng 10/2022, Thủ tướng Modi còn phê duyệt đề án “Pradhan Mantri Gati Shakti” với ngân sách 1.200 tỷ USD để đầu tư hạ tầng đón đầu các nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc [9].
Ấn Độ thông qua các giá trị văn hóa để lan tỏa sức ảnh hưởng của quốc gia
Trong chính trị – ngoại giao, quảng bá văn hóa không chỉ đơn giản là nhằm đem lại lợi ích văn hóa cho quốc gia đó mà văn hóa còn là “sức mạnh mềm” của một quốc gia. Hiện nay, những giá trị văn hóa được nhiều quốc gia lên kế hoạch quảng bá bài bản có thể về trang phục dân tộc, phong tục tập quán, điện ảnh lồng ghép yếu tố lịch sử, văn hóa,… Quốc gia đã và đang tiến hành truyền bá “sức mạnh mềm” hiệu quả nhất hiện nay chính là Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là hai quốc gia từng có nền văn minh huy hoàng nhất của nhân loại, với sự hình thành từ lâu hai quốc gia này có nhiều nét văn hóa đặc sắc và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ấn Độ với nền văn hóa mang đậm nét tôn giáo với những tư tưởng, triết lý hòa hợp với thời đại như tư tưởng dân chủ, ưa chuộng hòa bình, hợp tác cùng phát triển luôn, và còn có những di sản văn hóa như yoga, và các bộ môn nghệ thuật truyền thống, các di tích lịch sử mang màu sắc của văn minh Ấn Độ đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực châu Á và phương Tây. Ngoài ra, các bộ phim Bollywood cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa Ấn Độ đến với thế giới, thu hút sự quan tâm của công chúng quốc tế.
Để truyền bá được các giá trị văn hóa hay còn có thể xem như “sức mạnh mềm”, Chính phủ Ấn Độ đã kết hợp văn hóa và ngoại giao trở thành hình thức “ngoại giao văn hóa”. Chính phủ Ấn Độ coi trọng sự kết nối và hòa hợp trong văn hóa, vì kết nối văn hóa có thể hàn gắn vết thương lịch sử để lại và hạn chế rạn nứt, căng thẳng trong mối quan hệ song phương hay đa phương. Chủ tịch Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) Karan Singh khẳng định: “Văn hóa không có ranh giới và sử dụng nó như một cách để tương tác với con người là cách hiệu quả nhất để thu phục lòng người trong thời đại toàn cầu hóa” [10]. Trên cơ sở đó, Ấn Độ có những hành động thực tế như tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, triển lãm nghệ thuật trong và ngoài nước, trao đổi du học sinh về lĩnh vực lịch sử – văn hóa tại các trường đại học, cung cấp, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu văn hóa Ấn Độ,… Qua đó, Ấn Độ không chỉ bảo tồn mà còn phát triển và lan tỏa giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế.
Kết luận
Với vị trí địa lý, Ấn Độ có thể qua đó để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào quốc gia để phát triển nền kinh tế, không chỉ dừng lại ở đó, Ấn Độ nằm ở vị trí quan trọng trên Ấn Độ Dương còn thu hút sự quan tâm của các quốc gia đang xác định khu vực Ấn Độ Dương là vùng ảnh hưởng, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Vì nhận được sự quan tâm nên Ấn Độ có những điều kiện để nhận được lợi ích về quốc phòng, kinh tế,… Qua việc chứng minh Ấn Độ đã chuyển hóa các tiềm lực sẵn có thông qua các dự án hay chính sách được đưa ra bởi Chính phủ Ấn Độ, kết quả của những chính sách đó là sự phát triển của Ấn Độ ngày nay. Từ đó, có thể thấy Ấn Độ đã dựa vào những yếu tố tự nhiên để phát triển thành một nước lớn, điều này đúng với tên gọi “cường quốc tự nhiên” mà Ấn Độ tự định vị cho quốc gia của mình. Việc nghiên cứu về sức mạnh và vị thế của Ấn Độ không những biết được sức mạnh Ấn Độ mà còn biết chính sách hay chiến lược của các quốc gia khác đối với Ấn Độ và từ đó là cơ sở để Việt Nam có thể hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp nhất có thể với Ấn Độ.
Tác giả: Thùy Vi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Hải Lưu, Hà Việt Anh (2024). Sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ và quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong những thập niên tới. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/su-phat-trien-manh-me-cua-an-do-va-quan-he-viet-nam-an-do-trong-nhung-thap-nien-toi . Ngày truy cập 22/11/2024.
[2] Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (2015). “Ấn Độ (India)”. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/cac-nuoc-vung-lanh-tho/chau-a/an-do-india-979. Ngày truy cập 19/10/2024.
[3] Nguyễn Hải Lưu, Hà Việt Anh (2024). Sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ và quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong những thập niên tới. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/su-phat-trien-manh-me-cua-an-do-va-quan-he-viet-nam-an-do-trong-nhung-thap-nien-toi . Ngày truy cập 22/11/2024.
[4] Tiểu Phong (2024). Trung – Ấn: Khi kinh tế vực ngoại giao. Tạp chí Công an nhân dân. https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/trung-an-khi-kinh-te-vuc-ngo
ai-giao-i739106/. Ngày truy cập 29/11/2024.
[5] [6] Nguyễn Xuân Trung (2021). Vai trò của Ấn Độ đối với sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/823146/vai-tro-cua-an-do-doi-voi-su-dinh-hinh-cau-truc-khu-vuc-an-do-duong—thai-binh-duong.. Ngày truy cập 2/11/2024.
[7] Báo Quân đội nhân dân Việt Nam (2023). Mỹ, Nga, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng sức mạnh quân sự 2023. https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc /my-nga-trung-quoc-tiep-tuc-dung-dau-bang-xep-hang-suc-manh-quan-su-2023-752779
[8] Hoàng Dũng (2024). Ấn Độ đứng thứ 4 toàn cầu về chi tiêu quốc phòng. Báo Điện tử VOV. https://vov.vn/the-gioi/a-do-dung-thu-4-toan-cau-ve-chi-tieu-quoc-phong-post10909
54.vov. Ngày truy cập 27/10/2024.
[9] Nguyễn Đức (2023). Thu hút FDI: Một góc nhìn từ Ấn Độ. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/thu-hut-fdi-mot-goc-nhin-tu-an-do-102231027182024762.htm. Ngày truy cập 29/10/2024.
[10] Lê Thị Hằng Nga, Huỳnh Thanh Loan (2022), Ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân kết nối Việt Nam – Ấn Độ. Tạp chí Cộng sản. https://tapchi congsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/826020/ngoai-giao-van-hoa-va-giao-luu-nhan-dan-ket-noi-viet-nam—an-do. Ngày truy cập 27/11/2024.