BBT - Ngày 28/7/2023, Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng (Defence of Japan 2023) - tài liệu quốc phòng công bố mỗi năm một lần của nước này. Sách trắng tiếp tục có những điều chỉnh so với tài liệu tương tự công bố năm 2022 và đều phản ánh một chiến lược quốc phòng đầy tham vọng của Tokyo. Nội dung đáng chú ý của tài liệu này là gì và phản ứng của các bên liên quan như thế nào? Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu tới quý bạn đọc bài viết dưới đây:
Những nội dung cơ bản trong Sách trắng quốc phòng mới của Nhật Bản
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2023 được công bố vào 28/7/2023 với độ dài 510 trang. Nhật Bản cho rằng thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt của lịch sử, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nguy cơ an ninh lớn nhất kể từ sau thế chiến hai và thế giới đang bước vào kỷ nguyên khủng hoảng mới. Đây là Sách trắng đầu tiên được công bố sau khi Nhật Bản tiến hành sửa đổi ba tài liệu chiến lược quốc phòng vào cuối năm ngoái bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản, Chiến lược phòng thủ quốc gia và Chương trình xây dựng quốc phòng. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý trong sách trắng quốc phòng 2023 của Nhật Bản.
“Chiến lược An ninh quốc gia” là văn bản chính sách cao nhất về an ninh quốc gia cung cấp các hướng dẫn chiến lược trong nhiều lĩnh vực, không chỉ bao gồm ngoại giao và quốc phòng, mà còn cả an ninh kinh tế và công nghệ thông tin[1]. Trong “Chiến lược an ninh quốc gia” có nêu ra 3 lợi ích quốc gia của Nhật Bản, từ ba lợi ích trên là cơ sở để hoạch định toàn bộ các mục tiêu an ninh quốc gia, phương thức và phương tiện nhằm đạt được các mục tiêu đó. Các lợi ích quốc gia của Nhật Bản bao gồm: thứ nhất, Nhật Bản sẽ duy trì chủ quyền và độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an toàn về con người và tài sản của công dân nước này. Nhật Bản sẽ đảm bảo sự tồn tại của đất nước trong khi duy trì hòa bình và an ninh của riêng mình dựa trên tự do, dân chủ, bảo tồn nền văn hóa và truyền thống phong phú của đất nước. Hơn nữa, Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để Nhật Bản và công dân của họ được tôn trọng, được đánh giá cao trên toàn thế giới; thứ hai, Nhật Bản sẽ đạt được sự thịnh vượng thông qua tăng trưởng kinh tế, qua đó củng cố hòa bình và an ninh của chính mình. Cùng với đó, Nhật Bản sẽ duy trì và củng cố một nền kinh tế cởi mở, ổn định trật tự kinh tế quốc tế, đạt được một môi trường quốc tế trong đó Nhật Bản và các quốc gia khác có thể cùng tồn tại và thịnh vượng cùng nhau; thứ ba, Nhật Bản sẽ duy trì và bảo vệ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, pháp quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ duy trì và phát triển một nền kinh tế tự do và trật tự quốc tế cởi mở, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất”. Hành động quân sự của Nga tại Ukraine là một “sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”. Bắc Triều Tiên là một “mối đe dọa tiềm tàng.” Và Nhật Bản cần tăng cường “cơ bản” quân đội của mình, hợp tác chặt chẽ hơn với các nước như Hàn Quốc để duy trì ổn định khu vực[2].
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến hai. Trong thập kỷ qua, các quốc gia láng giềng của Nhật Bản đã tăng cường đáng kể khả năng quân sự của họ cũng như mở rộng nhanh chóng và tăng cường các vụ phóng tên lửa. Sách trắng Quốc phòng đã nêu ra Nga, Trung, Triều là những nhân tố ảnh hưởng tới an ninh của Nhật Bản.
Triều Tiên tiến bộ nhanh chóng trong phát triển tên lửa hạt nhân và các hành động phóng thử tên lửa liên tục. Bản báo cáo đánh giá Triều Tiên hiện tại đã có đủ năng lực sở hữu công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo có phạm vi tấn công bao trùm Nhật Bản. Các số liệu trong báo cáo chỉ ra rằng, số lần thử tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tăng 8,4 lần trong giai đoạn 2013 – 2022 so với giai đoạn 1998 – 2012, số lượng đầu đạn hạt nhân cũng tăng xấp xỉ 2,5 – 3,3 lần. Trước năm 2012, Triều Tiên có khoảng 6 – 8 đầu đạn hạt nhân, đến năm 2022 đã có khoảng 20 đầu đạn. Sách trắng 2023 được công bố tại thời điểm Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các cuộc phóng thử tên lửa, cũng như đưa ra những phát ngôn được Tokyo xem là thù địch. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng vừa tổ chức cuộc diễu binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm ký thoả thuận đình chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 27/7, tham dự cuộc diễu binh còn có phái đoàn cấp cao đến từ Nga và Trung Quốc[3]. Báo cáo khẳng định các hoạt động quân sự của Triều Tiên đặt ra mối đe doạ thậm chí còn nghiêm trọng và cấp bách hơn bao giờ hết đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản. Bởi các tên lửa Triều Tiên được phát triển có thể được phóng từ nhiều địa điểm khác nhau như từ các phương tiện vận chuyển, tàu hoả, tàu ngầm, Triều Tiên cũng đang phát triển công nghệ sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn giúp dễ bảo quản và xử lý hơn nhiên liệu lỏng. Các tên lửa cũng có khả năng bay ở độ cao thấp với quỹ đạo phức tạp, ngoài ra còn có các tên lửa siêu thanh có khả năng vượt qua các mạng lưới phòng thủ tên lửa.
Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự cả về chất và lượng, bao gồm cả lực lượng hạt nhân và tên lửa, trong khi tiếp tục gia tăng những thay đổi đơn phương tại biển Đông và biển Hoa Đông. Sách trắng chỉ ra rằng Trung Quốc đặt mục tiêu “cơ bản hoàn thành hiện đại hoá quốc phòng và quân sự vào năm 2035”, “xây dựng lực lượng mang tầm cỡ quốc tế” vào giữa thế kỷ này. Với một tiềm lực tài chính khổng lồ, năm 2022 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã gấp 4,8 lần Nhật Bản. Nhờ vậy, hiện tại Trung Quốc đã có lực lượng trên không và trên biển hiện đại lớn hơn Nhật Bản. Báo cáo cũng ghi nhận triển vọng việc Trung Quốc có thể sở hữu 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035 cùng với ưu thế quân sự ngày càng tăng sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và là mối đe doạ an ninh, đặc biệt là đối với các đảo phía Tây Nam của Nhật Bản bao gồm đảo Okinawa[4]. Những hành động của Trung Quốc xung quanh Đài Loan cũng gây ra những lo ngại cho Nhật Bản, hai sự kiện được Nhật Bản dẫn chứng là vụ việc 5 tên lửa đạn đạo của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hồi tháng 8/2022 và sự gia tăng đáng kể số lượng máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời của Đài Loan năm 2022. Nhiều cư dân Okinawa có những ký ức cay đắng về trận Okinawa, trong đó quân đội thời chiến của Nhật Bản đã hy sinh người dân địa phương trong nỗ lực trì hoãn cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ lên các đảo chính của Nhật Bản. Nhiều người dân Okinawa lo lắng rằng họ sẽ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng trong trường hợp một cuộc xung đột diễn ra ở Đài Loan[5].
Chỉ trích Nga là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng lại thể hiện hành động coi thường luật pháp quốc tế bằng việc tấn công một quốc gia có chủ quyền và lặp đi lặp lại những lời lẽ đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, hoạt động quân sự của Nga ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá vũ khí và các loại thiết bị quốc phòng, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, đồng thời triển khai vũ khí tới lãnh thổ phía Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản hay quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga). Thêm nữa, sự phối hợp chiến lược với Trung Quốc ngày càng tăng của Moscow cũng gây ra mối lo ngại an ninh mạnh mẽ cho Nhật Bản.
Khả năng tự phản ứng và thắt chặt hơn nữa hợp tác với các đồng minh
Để đối phó với nguy cơ mất an ninh đến từ Triều Tiên và Trung Quốc, Sách trắng có đưa ra chiến lược theo đó Nhật Bản nên củng cố khả năng phòng thủ, tập trung vào khả năng của đối thủ và cách họ tiến hành chiến tranh cũng như chủ động thích nghi với những cách thức chiến tranh mới. Sách trắng xác định rõ ràng các mục tiêu quốc phòng của Nhật Bản và trình bày các phương pháp, phương tiện cụ thể để đạt được các mục tiêu, từ đó đảm bảo tất cả các nỗ lực sẽ được thực hiện một cách đồng bộ. Ba mục tiêu quốc phòng của Nhật Bản bao gồm: Thứ nhất, định hình một môi trường an ninh không chấp nhận những thay đổi đơn phương hiện trạng bằng vũ lực; thứ hai, ngăn chặn và phản ứng với những thay đổi đơn phương hiện trạng bằng vũ lực thông qua hợp tác với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng với Nhật Bản, đưa tình hình vào sự kiểm soát nhanh chóng; thứ ba, nếu sự răn đe thất bại và cuộc xâm lược xảy ra, phản ứng nhanh chóng với cuộc xâm lược một cách phù hợp và liền mạch, Nhật Bản chịu trách nhiệm chính trong việc đối phó với cuộc xâm lược trong khi nhận được hỗ trợ từ các đồng minh nhằm phá vỡ và đánh bại cuộc xâm lược. Từ đó cho ra đời ba cách tiếp cận để hiện thực hoá các mục tiêu quốc phòng. Thứ nhất, tăng cường cấu trúc phòng thủ quốc gia riêng của Nhật Bản. Thứ hai, tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của liên minh Mỹ – Nhật. Thứ ba, tăng cường hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng.
Chi tiết 7 lĩnh vực củng cố cơ bản năng lực quốc phòng của Nhật Bản bao gồm: Thứ nhất, xây dựng khả năng phòng thủ dự phòng nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các thế lực thù địch từ một khoảng cách an toàn mà không bị tấn công, chủ chốt là nâng cấp tên lửa đất đối hạm Type-12 và mua tên lửa Tomahawk. Thứ hai, tăng cường năng lực để đáp ứng các mối đe doạ ngày càng đa dạng trên không phức tạp, kể cả tên lửa. Thứ ba, tăng cường thu thập thông tin tình báo và hỗ trợ chiến đấu khả năng thông qua vũ khí không người lái. Thứ tư, nâng cao khả năng trong các lĩnh vực không gian, không gian mạng và phổ điện từ cũng như mặt đất, hàng hải cũng như trên không. Thứ năm, chỉ huy và kiểm soát chức năng liên quan đến AI (phục vụ trong các nhiệm vụ tình báo giúp ra quyết định nhanh và chính xác hơn). Thứ sáu, tăng cường năng lực vận tải hàng hải và hàng không để điều động nhanh cùng với việc triển khai các đơn vị cần thiết. Thứ bảy, tích lũy đủ đạn dược, tên lửa dẫn đường và nhiên liệu ở giai đoạn đầu. Nhật Bản cũng sẽ lập quỹ an toàn cho việc mua lại cũng như sửa chữa thiết bị, cải thiện khả năng phục hồi của cơ sở vật chất.
Trong trường hợp bị tấn công tên lửa bởi một đối thủ, cho phép Nhật Bản thực hiện các cuộc phản công hiệu quả chống lại đối thủ để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo trong khi phòng thủ chống lại tên lửa đến bằng phương tiện của mạng lưới phòng thủ tên lửa. Điều này ngăn cản đối thủ tấn công và ngăn chặn cuộc tấn công vũ trang của đối phương
Về tăng cường hợp tác với đồng minh, Nhật Bản đã thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin với các nước đối tác và tăng cường quốc phòng song phương cũng như đa phương quan hệ. Các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản với các nước đồng minh theo phương thức “2+2” như Mỹ, Úc diễn ra thường xuyên hơn. Các cuộc tập trận đa phương cũng gia tăng nhanh chóng về số lượng, năm 2022 là 43 cuộc tập trận, cao hơn nhiều so với con số 19 của năm 2013. Đặc biệt với đồng minh Mỹ, Nhật Bản khẳng định các thỏa thuận an ninh Nhật-Mỹ là nền tảng cho an ninh của Nhật Bản, thúc đẩy cải thiện khả năng tương tác và năng lực ứng phó chung giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, số cuộc tập trận chung đã tăng gần 5 lần từ năm 2013 so với năm 2022 (24 với 108 lần).
Tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên 2% GDP
Nhằm hiện thực hoá những chiến lược phòng thủ đã đề ra, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ 7 lĩnh vực tài chính mà chi tiêu quốc phòng cần mở rộng. Cụ thể, trong 5 năm tới, chi tiêu quốc phòng sẽ cần 43.500 tỷ Yên (tương đương 322,2 tỷ USD) để đạt được mục tiêu. Con số này tăng đáng kể so với 17.200 tỷ Yên trong giai đoạn 2019 – 2023[6]. Ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản bao quát những lĩnh vực chủ chốt nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh của Nhật Bản trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các nước láng giềng. Đầu tiên, Nhật Bản nhấn mạnh vào việc phát triển các tên lửa độc lập với tầm bắn tăng lên. Nhật Bản tin rằng điều này sẽ cho phép quốc gia “đáp trả các lực lượng đối lập từ khoảng cách an toàn mà không bị tấn công”. Đề xuất tăng chi tiêu trong lĩnh vực này từ 200 tỷ Yên lên 5.000 tỷ Yên trong giai đoạn 5 năm tới. Sách trắng đề cập đến 3.000 tỷ Yên tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không nhằm bảo vệ bầu trời Nhật Bản khỏi nhiều mối đe dọa, gấp 3 lần so với 1.000 tỷ Yên trong giai đoạn 2019-2023. Bên cạnh đó, tài liệu này cũng đề xuất tăng gấp 10 lần chi tiêu cho phát triển máy bay không người lái, từ 100 tỷ Yên lên 1.000 tỷ Yên. Để đảm bảo an toàn trong các lĩnh vực không gian và không gian mạng, chi tiêu quốc phòng dự kiến tăng từ 3.000 tỷ Yên lên 8.000 tỷ Yên. Tài liệu cũng được đề xuất tăng chi tiêu nhằm tăng cường chỉ huy và kiểm soát liên quan đến tình báo từ 300 tỷ Yên lên 2.000 tỷ Yên. Các quỹ quan trọng được lên kế hoạch phân bổ để duy trì và tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm 2.000 tỷ Yên cho đạn dược, 9.000 tỷ Yên để bảo trì và sửa chữa thiết bị quân sự và 4.000 tỷ Yên để tăng cường cơ sở vật chất. Khoảng 1.400 tỷ Yên cũng được đề xuất chi cho việc củng cố lĩnh vực quân sự và công nghiệp cũng như nghiên cứu quốc phòng, 6.600 tỷ Yên khác cho “các nhu cầu khác”[7].
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn luôn ưu tiên giải quyết các bất đồng thông qua hoạt động ngoại giao, kiên định tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết mọi tranh chấp thông qua đối thoại, hoà bình, không sử dụng vũ lực. Điều này đã được nêu rõ trong phần các nguyên tắc cơ bản liên quan đến an ninh quốc gia của Nhật Bản trong tài liệu “Chiến lược an ninh quốc gia”.
Phản ứng của các nước và đánh giá của giới chuyên gia, học giả
Phán ứng của các quốc gia
Được điểm mặt chỉ tên là một trong những quốc gia gây mất an ninh cho Nhật Bản và khu vực. Trung Quốc đã có những động thái đáp trả gay gắt Sách trắng Quốc phòng 2023 của Nhật Bản từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 28/7 chỉ trích Tokyo “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Bắc Kinh”, theo nội dung cuộc họp báo được đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. “Nhật Bản cố tình bôi nhọ sự phát triển quốc phòng bình thường của Trung Quốc, cũng như các hoạt động quân sự của hải quân và không quân chúng tôi, đồng thời cố tình thổi phồng mối đe doạ từ Trung Quốc và gây căng thẳng trong khu vực”, bà Mao phát biểu[8]
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefen hôm 29/7 nói rằng Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản đã can thiệp một cách thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và khuấy động căng thẳng khu vực. Tan đã phản ứng về các báo cáo tập trung vào việc Bắc Kinh đang gia tăng các động thái quân sự xung quanh Đài Loan, sự phối hợp chiến lược mạnh mẽ hơn với Moscow và các nỗ lực để thay đổi một cách đơn phương hiện trạng bằng lực lượng trong vùng nước tranh chấp. Quân đội Trung Quốc chưa bao giờ thách thức bất cứ ai, chứ đừng nói đến việc đe dọa bất cứ ai”, ông nói. Ngược lại, trong những năm gần đây, phía Nhật Bản đã đi xa hơn vào con đường bành trướng quân sự và theo chân một số cường quốc để thành lập các khối có mục tiêu… gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và toàn cầu”. Rõ ràng là ông còn công kích Hoa Kỳ, ông cũng cáo buộc “một số quốc gia” vì “tư lợi” mà điều tàu và máy bay đến Biển Hoa Đông và Biển Đông để “phô trương sức mạnh quân sự”. Về vấn đề hợp tác quốc phòng với Nga, ông cho biết hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Nga dựa trên các nguyên tắc “không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào bên thứ ba”. Ông Tan cũng cho rằng việc Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Đài Loan là “cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”. Ngoài ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cáo buộc chính phủ Nhật Bản tiếp tục có “thái độ sai lầm” trong báo cáo và cố gắng dỡ bỏ các hạn chế quân sự bằng cách phóng đại các mối đe dọa trong khu vực. Đại sứ quán cho biết: “Hiện tại, những hành động tiêu cực dai dẳng của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đã làm gián đoạn đáng kể mối quan hệ song phương.
Cho đến ngày 30/7, 2 ngày sau khi Sách trắng quốc phòng 2023 của Nhật Bản được công bố, 2 quốc gia còn lại được chỉ tên là Nga và Triều Tiên vẫn cho có động thái phản hồi gì.
Katsutoshi Kawano, cựu Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản cho biết: “Không bao giờ nên có những bất ngờ khi nói đến vấn đề an ninh. “Nhật Bản, cùng với Hoa Kỳ, cần xây dựng khả năng răn đe khiến Trung Quốc nhận thức được rằng họ sẽ chịu tổn thất nếu tấn công Đài Loan[9].
Phán ứng của giới chuyên gia, học giả
Nhà báo Geetha Pillai có những nhận định đăng trên BNN rằng, việc Nhật Bản thay đổi lập trường đối với Trung Quốc cho thấy căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia, có khả năng ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và kinh tế của họ. Sự thay đổi này gắn kết Nhật Bản với các quốc gia khác đã bày tỏ quan ngại về các hành động quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Nó có thể dẫn đến căng thẳng leo thang giữa hai nước, ảnh hưởng không chỉ đến quan hệ ngoại giao mà còn ảnh hưởng đến động lực kinh tế giữa hai gã khổng lồ châu Á này. Sách trắng Quốc phòng đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Việc coi Trung Quốc là một thách thức chưa từng có phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về lập trường quyết đoán của Trung Quốc và tác động tiềm tàng của nó đối với sự ổn định khu vực. Sự thay đổi này có khả năng báo trước một kỷ nguyên mới của các chính sách quốc phòng, ưu tiên các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại các mối đe dọa đã nhận thức được. Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản có khả năng đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Á. Trung Quốc, với tư cách là một siêu cường toàn cầu, đóng một vai trò quan trọng trong các động lực quốc tế. Do đó, lập trường mới của Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến chính sách của các nước khác đối với Trung Quốc, có khả năng định hình cục diện địa chính trị trong khu vực[10]
Theo Bill Gerts, mục tiêu của việc xây dựng quân đội và sức mạnh quốc gia là trao cho Nhật Bản “trách nhiệm chính” trong việc chống lại một cuộc xâm lược – ám chỉ sự phụ thuộc hiện tại vào lực lượng Hoa Kỳ trong phần lớn các hoạt động phòng thủ của nước này[11]
Theo Yoshihide Soeya và Mike Mochizuki, chiến lược mới nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tự vệ của Nhật Bản và liên minh Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, tồn tại một sự chênh lệch đáng kể giữa mô hình được trình bày trong tài liệu chiến lược mới và khả năng của chính Nhật Bản. Do đó, liên minh Mỹ-Nhật được coi là cần thiết để lấp đầy khoảng trống này; và theo nghĩa đó, có một yếu tố nhất quán hợp lý trong chiến lược mới. Theo đó, củng cố liên minh Mỹ-Nhật trở thành tiền đề tiên quyết của chiến lược và là “đơn thuốc” tuyệt đối không thể thiếu. Đặc biệt, hai tác giả còn đưa ra quan điểm rằng “Nhật Bản tiếp cận châu Á và thúc đẩy chính sách ngoại giao của quốc gia tầm trung”
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách của Nhật Bản đối với châu Á là thúc đẩy sự thịnh vượng hơn nữa trong khu vực thông qua thương mại quốc tế, đầu tư và tiến bộ công nghệ đồng thời làm cho các hoạt động kinh tế bền vững hơn với môi trường và đảm bảo rằng lợi ích của sự phát triển kinh tế được phân phối công bằng hơn. Để đạt được tầm nhìn tương lai này, sự hợp tác với các quốc gia chia sẻ các giá trị, các thể chế chính trị và kinh tế tương tự là rất quan trọng. Quan hệ với Hoa Kỳ vẫn là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Tuy nhiên, lấy lý do tăng cường liên minh Mỹ-Nhật, Nhật Bản không nên bỏ qua các quốc gia không phải là đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ. Trong khi bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền cơ bản, Nhật Bản nên công nhận sự đa dạng của các hệ thống chính trị ở châu Á và nhạy cảm với các quỹ đạo lịch sử, truyền thống văn hóa xã hội khác nhau ở mỗi quốc gia. Nhật Bản nên chống lại các động thái chia rẽ châu Á thành cuộc đấu tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế cũng như tránh cách tiếp cận mang tính ý thức hệ thái quá đối với chính sách đối ngoại. Nhật Bản cũng nên thận trọng trong việc định nghĩa khu vực châu Á chỉ theo thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, một khái niệm gần đây thường được sử dụng trong diễn ngôn chính trị quốc tế. Thay vì tập trung vào một khái niệm địa lý duy nhất, chính sách ngoại giao của Nhật Bản nên phản ánh một quan điểm đa diện cũng như kết hợp các quan điểm về “châu Á – Thái Bình Dương”, “Đông Á” và “Á-Âu”. Nhật Bản nên củng cố chính sách ngoại giao của các cường quốc tầm trung để xây dựng một tương lai ổn định, hòa bình và thịnh vượng hơn cho châu Á. Hàn Quốc, quốc gia chia sẻ các lợi ích chiến lược cơ bản và các giá trị chính trị, là đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản trong chính sách ngoại giao của các cường quốc hạng trung./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] Hoàng Nguyễn (2023), “Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng 2023”, VTC, https://vtc.vn/nhat-ban-cong-bo-sach-trang-quoc-phong-2023-ar809139.html
[2] Bill Gertz (2023), “Threat from China prompts major military buildup by Japan, including long-range strike weapons”, The Washington Times, https://www.washingtontimes.com/news/2023/jul/28/threat-china-prompts-major-military-buildup-japan-/
[3] Ngọc Đức (2023), “Mối nguy quốc phòng của Nhật: Nhất Triều Tiên, nhì Trung Quốc”, Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/moi-nguy-quoc-phong-cua-nhat-nhat-trieu-tien-nhi-trung-quoc-20230728125619462.htm
[4] Hoàng Nguyễn (2023), “Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng 2023”, VTC, https://vtc.vn/nhat-ban-cong-bo-sach-trang-quoc-phong-2023-ar809139.html
[5] Mari Yamaguchi (2023), “Japan raises alarm over China’s military, Russia ties and Taiwan tensions in new defense paper”, AP, https://apnews.com/article/japan-defense-china-koreas-us-5f4e043865210f0b7c0fb333053b2bed
[6] Bảo Hà (2023), “Sách trắng hé lộ kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng mới của Nhật Bản”, Báo tin tức, https://baotintuc.vn/quan-su/sach-trang-he-lo-ke-hoach-tang-chi-tieu-quoc-phong-moi-cua-nhat-ban-20230728142356802.htm
[7] Bảo Hà (2023), “Sách trắng hé lộ kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng mới của Nhật Bản”, Báo tin tức, https://baotintuc.vn/quan-su/sach-trang-he-lo-ke-hoach-tang-chi-tieu-quoc-phong-moi-cua-nhat-ban-20230728142356802.htm
[8] Vĩnh Khang (2023), “Sách trắng quốc phòng 2023 của Nhật đề cập gì về TQ, Nga và Triều Tiên ?”, Pháp luật, https://plo.vn/sach-trang-quoc-phong-2023-cua-nhat-de-cap-gi-ve-tq-nga-va-trieu-tien-post744449.amp
[9] The Yomisuri Shimbum (2023), “Denfense White Paper warns of Posibility of Chinese Invasion of Taiwan”, The Japan News, https://japannews.yomiuri.co.jp/politics/defense-security/20230729-126227/
[10] Geetha Pillai (2023), “Japan’s Defense White Paper: China Identified as an Unprecedented challenge”, BNN, https://bnn.network/world/japan/japans-defense-white-paper-china-identified-as-an-unprecedented-challenge/
[11] Bill Gertz (2023), “Threat from China prompts major military buildup by Japan, including long-range strike weapons”, The Washington times, https://www.washingtontimes.com/news/2023/jul/28/threat-china-prompts-major-military-buildup-japan-/
Tham khảo thêm:
[12] “Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng 2023” (2023), VOV, https://amp.vov.vn/the-gioi/nhat-ban-cong-bo-sach-trang-quoc-phong-2023-post1035670.vov
[13] Văn Khoa (2023), “Sách trắng quốc phòng mới của Nhật nói gì về Trung Quốc, Nga, Triều Tiên?”, Thanh niên, https://thanhnien.vn/sach-trang-quoc-phong-moi-cua-nhat-noi-gi-ve-trung-quoc-nga-trieu-tien-185230728114431118.htm
[14] Ben Dooley (2023), “Japan Affirms Plans for Deeper Regional Ties to Counter China”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2023/07/28/world/asia/japan-military-white-paper.html
[15] Ministry of Defense of Japan (2022), National Defense Strategy, https://www.mod.go.jp/j/policy/agenda/guideline/strategy/pdf/strategy_en.pdf
[16] Ministry of Defense of Japan (2023), Defense of Japan 2023, https://www.mod.go.jp/en/publ/w_paper/wp2023/DOJ2023_Digest_EN.pdf
[17] The Yomisuri Shimbum (2023), “Denfense White Paper warns of Posibility of Chinese Invasion of Taiwan”, The Japan News, https://japannews.yomiuri.co.jp/politics/defense-security/20230729-126227/