Cạnh tranh Mỹ - Trung đang diễn ra vô cùng gay gắt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, khoa học và công nghệ v..v. Với vị trí chiến lược quan trọng, Đông Nam Á trở thành khu vực điển hình cho của cuộc cạnh tranh toàn diện giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Bằng những ưu thế riêng của từng quốc gia, Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực quân sự ở khu vực Đông Nam Á.
Vai trò của Đông Nam Á và bối cảnh của cạnh tranh quân sự Mỹ – Trung
Cạnh tranh Mỹ – Trung đang diễn ra vô cùng gay gắt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, khoa học và công nghệ v..v. Đông Nam Á trở thành khu vực điển hình cho của cuộc cạnh tranh toàn diện giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Sở dĩ, Đông Nam Á trở thành tâm điểm của cạnh tranh Mỹ – Trung bởi đây là nơi phát triển năng động với tổng dân số trên 600 triệu người, đồng thời cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngày nay, tổng quy mô kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á tạo thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức), với tổng GDP 3,66 nghìn tỷ USD vào năm 2022[1]. Ngoài ra, Đông Nam Á còn có vị trí chiến lược quan trọng với tuyến đường giao thương nhộn nhịp từ eo biển Malacca qua Biển Đông. Hằng năm, khoảng 50 nghìn tàu thuyền, 40% hoạt động trao đổi hàng hoá và 25% nguồn cung cấp dầu của thế giới đi qua eo biển này. Điều này giải thích sự nhạy cảm về an ninh ngày càng tăng trong khu vực. Đặc biệt là việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông đã làm tăng sự nguy hiểm và tính linh hoạt chiến lược. Trong những năm gần đây, hầu hết các nước trong ASEAN đã tăng chi tiêu cho quốc phòng và quân sự[2]. Cạnh tranh về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á ngày càng gia tăng, không chỉ nhằm mục đích gia tăng tầm ảnh hưởng, xa hơn là tập hợp đồng minh, lực lượng mà bên cạnh đó còn đảm bảo an ninh hàng hải tại một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, qua đó bảo vệ những lợi ích kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc.
Khác với các vấn đề khác như kinh tế, ngoại giao đang có dấu hiệu cải thiện nhất định thông qua các chuyến thăm ở nhiều cấp giữa hai quốc gia, cạnh tranh về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng thể hiện qua những động thái từ cả hai phía kéo dài suốt nhiều tháng nay. Chính quyền Bắc Kinh liên tục từ chối những nỗ lực thiết lập liên lạc về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đã từ chối cuộc gặp mặt giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước tại Đối thoại Shangri-La 2023, bài phát biểu của hai vị bộ trưởng quốc phòng cũng liên tục chỉ trích lẫn nhau cho rằng đối phương là nguyên nhân chính cho sự bất ổn về an ninh tại khu vực. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông cho biết mặc dù “liên tục” nêu lên sự cần thiết của việc thiết lập đường dây liên lạc quân sự giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng, nhanh chóng giảm bớt căng thẳng, đồng thời đẩy lùi nguy cơ cuộc đối đầu, tuy nhiên, “tại thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa đồng ý”[3]. Sự cố bắn hạ khinh khí cầu vào tháng 2/2023 mà Mỹ cho rằng đó là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã vi phạm không phận Mỹ[4], hay sự kiện vào tháng 5/2023 khi 1 máy bay J-16 của Trung Quốc đã có “hành động không an toàn” với chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ ở khoảng cách chỉ 120m. Sau sự kiện trên, quan chức hai nước đã chỉ trích lẫn nhau, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết số vụ can thiệp, đối đầu nguy hiểm trên biển của máy bay và tàu Trung Quốc đã “gia tăng đáng báo động”, gây nguy cơ dẫn đến “tính toán sai lầm hoặc sự việc không an toàn”. “Chúng tôi không tin rằng việc này được thực hiện bởi các phi công hoạt động độc lập. Chúng tôi tin rằng đó là một phần của lối hành xử rộng hơn (của Trung Quốc)”, vị quan chức đó nói. Phát biểu sau vụ việc, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ không đề cập chi tiết nhưng cáo buộc Washington thường xuyên đưa máy bay và tàu do thám sát nước này, “gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”. “Bắc Kinh kêu gọi Mỹ ngừng các hành động khiêu khích nguy hiểm như vậy và thôi đổ lỗi cho Trung Quốc”, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc nói, sự việc tương tự cũng đã từng xảy ra vào hồi tháng 12/2022[5].
Ưu thế và chiến lược của hai siêu cường trong cạnh tranh quân sự ở khu vực Đông Nam Á
Cạnh tranh về lĩnh vực quân sự Mỹ – Trung tại khu vực Đông Nam Á có thể được xem xét theo 2 phương diện. Thứ nhất, cạnh tranh về nâng cao năng lực, tiềm lực của quân đội mỗi nước hiện diện tại khu vực Đông Nam Á vừa với mục đích gia tăng ảnh hưởng vừa là đảm bảo an ninh hàng hải, bảo vệ lợi ích của mỗi quốc gia tại khu vực này. Thứ hai, là cuộc cạnh tranh về tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước Đông Nam Á về cùng phe với mình.
Ưu thế và chiến lược của Mỹ
Với cuộc cạnh tranh về lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á mà điểm nóng nhất là tại biển Đông, uy lực và sức mạnh của tàu sân bay của Mỹ chắc chắn là con át chủ bài giúp Mỹ giành ưu thế trước Trung Quốc. Mặc dù hiện tại Trung Quốc cũng đã sở hữu 3 tàu sân bay gồm tàu sân bay Liêu Linh, Sơn Đông và Phúc Kiến, nhiều chuyên gia còn tin rằng Trung Quốc sẽ sở hữu tàu sân bay thứ 4 chạy bằng năng lượng hạt nhân[6]. Số lượng tàu sân bay của Trung Quốc có thể nhiều hơn sự hiện diện tàu sân bay của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng nhưng nếu so về quy mô hạm đội, kinh nghiệm tác chiến, khả năng hiệp đồng phối hợp hay các trang thiết bị hiện đại, Trung Quốc vẫn cần một khoảng thời gian dài để nghiên cứu, phát triển và còn kém Mỹ một khoảng cách nhất định. Sức mạnh của hải quân Mỹ tại khu vực Đông Nam Á chủ yếu nằm ở hạm đội 7 với lực lượng hùng hậu đóng tại Kanagawa (Nhật Bản).
Theo các chuyên gia quân sự, với vị trí là một trong những tập đoàn tác chiến mạnh nhất trên toàn cầu, lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng giữ vai trò chính của hải quân Mỹ trong cả vai trò răn đe và tham gia các cuộc chiến tranh, xung đột nếu xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó, nòng cốt là các hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp thuộc Hạm đội 7. Với tiềm lực kinh tế hiện tại, việc đóng mới những tàu sân bay thậm chí là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là điều không quá khó khăn với Trung Quốc nhưng việc xây dựng một lực lượng tác chiến hiện đại, quy mô và toàn diện xung quanh tàu sân bay chủ lực như hạm đội 7 của Mỹ là vấn đề mà khó có thể giải quyết bằng tiền trong một sớm một chiều, nó đòi hỏi những kinh nghiệm được hình thành qua nhiều cuộc chiến trong thực tiễn cũng như chi phí khổng lồ để vận hành hiệu quả một hạm đội hùng hậu như vậy thường xuyên[7].
Ưu thế nổi bật của kinh nghiệm tác chiến của quân đội Mỹ còn thể hiện qua các cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á. Chuyên gia Abdul Rahman Yaacob – chuyên gia từ Đại học quốc gia Australia cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ tại Đông Nam Á có tính chất phức tạp hơn, liên quan đến sự phối hợp, chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ, khả năng tương tác cao[8].
Về chiến lược, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loyd Austin tại Đối thoại Shangri-La 2023 đã bao hàm toàn bộ chính sách của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cả trước và sau khi diễn đàn được tổ chức. Chính sách của Mỹ đề cao sức mạnh của quan hệ đối tác tức là xây dựng tình bạn mới và củng cố quan hệ hữu nghị với các đồng minh cũ. Nhìn cụ thể vào khu vực Đông Nam Á, Mỹ đang tăng cường hợp tác với đồng minh lâu năm Philippines sau một thời gian dài mối quan hệ giữa hai nước trở nên lạnh nhạt dần dưới thời Tổng thống Rodigo Durete, xây dựng tình bạn mới với các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia v…v.
Ưu thế và chiến lược của Trung Quốc
Có thể thấy rằng tiềm lực kinh tế dành cho quân sự trong những năm gần đây không còn là ưu thế tuyệt đối của Mỹ khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng liên tục tăng. Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ là 858 tỷ USD[9], trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2023 khoảng 225 tỷ USD tăng 7,2%, cao thứ nhì thế giới[10], nhưng vẫn chỉ bằng một phần tư ngân sách quốc phòng của Mỹ. Tuy vậy, ngân sách khổng lồ của Mỹ được dàn trải ra nhiều khu vực khác nhau như hỗ trợ Đài Loan, viện trợ Ukraine, và duy trì các căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Vì vậy, ngân sách dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng không còn áp đảo so với Trung Quốc. Với Trung Quốc, vị trí địa lý láng giềng với các nước Đông Nam Á cũng là một lợi thế cho nước này, khi ngân sách quốc phòng dùng để nâng cấp quân đội, khí tài quân sự gần như sẽ tập trung toàn bộ vào việc nâng cao năng lực, khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc tại Đông Nam Á cũng như các vùng lân cận khác của Trung Quốc. Nói một cách ngắn gọn, với ưu thế về vị trí địa lý gần Đông Nam Á, Trung Quốc có thể tối đa hoá việc gia tăng sức mạnh quân sự ở khu vực này trong điều kiện ngân sách quốc phòng vẫn còn thua kém nhiều so với Mỹ. Với chiến lược “chuỗi đảo”, Mỹ gần như phong toả mọi con đường để Trung Quốc bành trướng sức mạnh hải quân ra ngoài khu vực Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, Biển Đông trở thành khu vực “bàn đạp” đối với Trung Quốc để gia tăng tầm ảnh hưởng, nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho lực lượng quân đội nói chung và hải quân nói riêng của nước mình từ đó có thể tiến ra các khu vực xa hơn, cụ thể hoá từng bước trong tham vọng trở thành siêu cường sánh ngang với Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cách định vị nước này là một đối tác an ninh thay thế cho Mỹ khi thúc đẩy “ngoại giao quân sự” với nhiều quốc gia Đông Nam Á qua những cuộc tập trận chung ở khu vực. Trong năm 2023, Trung Quốc đã tổ chức những cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á như Lào mang tên “Lá chắn Hữu nghị 2023”, Cuộc tập trận hợp tác hàng hải Trung Quốc – Singapore, tập trận chung Rồng Vàng với Campuchia. Paul J. Smith, giáo sư Đại học Hải chiến Mỹ, mô tả việc Trung Quốc gia tăng tập trận chung với các nước Đông Nam Á là nỗ lực quay trở lại cường độ hoạt động trước đại dịch COVID-19, động thái này còn nhằm lôi kéo liên minh, đáp trả hành động quyết đoán của Mỹ và các đồng minh ở khu vực. Cũng theo ông Paul J. Smith, các cuộc tập trận nếu được triển khai với trang thiết bị hạn chế, kém tiên tiến, đó là dấu hiệu cho thấy sự tham gia này chỉ nhằm phục vụ mục đích ngoại giao quân sự. Nhưng khi Trung Quốc gửi thiết bị tiên tiến tham gia tập trận đó sẽ nhằm nhiều mục đích khác nhau như “răn đe, thuyết phục ngoại giao đến tiếp thị vũ khí, bán hàng trong tương lai”. Trung Quốc sẽ tăng cường tần suất các cuộc tập trận trong khu vực, coi đây như cách thức thoát khỏi sự ngăn chặn, kiềm chế của Mỹ[11]. Ngoài ra, Trung Quốc còn có tính toán mang tính “cài răng lược” nhằm xen kẽ và đối trọng với ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở nhiều nước Đông Nam Á, duy trì cách tiếp cận dàn trải về đối ngoại quốc phòng trên toàn ASEAN[12].
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hợp đồng mua bán vũ khí, những chương trình huấn luyện, những cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo quốc phòng các quốc gia cũng như các cuộc tập trận chung nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á.
Cục diện tập hợp lực lượng
Tùy theo lợi ích và ý đồ chiến lược, lợi ích của từng quốc gia trong Đông Nam Á mà các quốc gia này đã lựa chọn hợp tác quốc phòng thân thiết với Mỹ hoặc Trung Quốc hoặc ở thế cân bằng. Lựa chọn tăng cường hợp tác về quân sự của các nước ASEAN với Mỹ và Trung Quốc còn để nhằm đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thông mà từng quốc gia trong ASEAN không thể nào đủ sức đối phó. Phần lớn các nước trong Đông Nam Á hiện tại đều đang giữ ở thế trung lập, cân bằng trong cuộc cạnh tranh về lĩnh vực quân sự Mỹ – Trung, cũng có một số nước đã thể hiện mình ngả hẳn về một phía, tiêu biểu nhất là Philippines và Campuchia.
Ưu thế rõ ràng nhất của Mỹ hiện tại là ở Philippines. Sau thời gian nghiêng về Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, khi Tổng thống mới Ferdinand Marcos Jr nhậm chức, ông đã thể hiện chính sách thân thiết trở lại với đồng minh cũ của mình. Quan hệ Mỹ – Philippines ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Vào tháng 5/2023 trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines tới Mỹ – chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Philippines tới Nhà Trắng sau 10 năm, cả hai Tổng thống đã tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ vững chắc giữa hai bên, bao gồm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cải thiện khả năng tương tác của các lực lượng Mỹ và Philippines trên bộ, trên biển, trên không, trong không gian và trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Washington dự kiến chuyển giao 3 máy bay vận tải C-130 và tìm cách gửi thêm tàu tuần tra cho Manila. Trong tháng 2 vừa qua, Philippines đồng ý cho quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của mình, nằm trong thoả thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Vào tháng 4, quân đội Mỹ và Philippines cũng tổ chức cuộc tập trận chung thường niên Balikatan năm 2023 với quy mô lớn nhất giữa hai nước từ trước đến nay[13].
Những hành động tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc Washington “gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”. “Các quốc gia ở khu vực này của thế giới phải duy trì sự độc lập chiến lược và kiên quyết chống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh” – Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Huang Xilian, bình luận vào tuần trước[14]. Sự xích gần lại của Philippines với Mỹ đặc biệt trong lĩnh vực quân sự có thể được giải thích bởi sự lo lắng gia tăng với những căng thẳng ở eo biển Đài Loan, điểm gần nhất giữa eo biển Đài Loan và Philippines chỉ cách nhau 159km. Lí do tiếp theo thúc đẩy Philippines là lợi ích của họ ở khu vực Biển Đông khi Manila tuyên bố sẽ theo đuổi các nỗ lực cùng Washington hướng tới “phòng thủ tập thể” cho khu vực biển đang xảy ra tranh chấp. Có lẽ ông Bongbong Marcos học được nhiều từ “kỳ vọng không đúng chỗ” của ông Duterte. Trong nhiều năm qua, ngư dân Philippines than phiền các tàu cỡ lớn của Trung Quốc thuộc về “chiến thuật vùng xám” – sử dụng các tàu bán quân sự “núp bóng” tàu cá, tàu ngư chính để xua đuổi, quấy rối và hăm dọa họ ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông. Do đó, chín căn cứ mà Mỹ có thể tiếp cận theo EDCA là một phần phản ứng của Philippines đối với hành vi của Trung Quốc khi các căn cứ này không chỉ nhìn lên điểm nóng Đài Loan mà còn trông ra khu vực Biển Đông. Trong cuộc gặp 2+2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhắc lại Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, được ký năm 1951. Ông tuyên bố: “đây vẫn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi”, và nhấn mạnh hiệp ước áp dụng cho các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng vũ trang hoặc tàu công vụ của một trong hai nước ở bất kỳ đâu trên Biển Đông. Tuyên bố này mang hàm ý bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các tàu tuần duyên của Philippines ở Biển Đông cũng có thể kích hoạt các điều khoản Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines. Dĩ nhiên, thông điệp này nhằm cảnh báo trước chiến thuật vùng xám mạnh mẽ của Trung Quốc và bảo vệ các lực lượng Philippines trên Biển Đông[15].
Quan hệ gần gũi Mỹ – Philippines cũng có nhiều khó khăn cho Mỹ bởi chính trị không thực sự ổn định của Philippines. Không có gì chắc chắn tổng thống tiếp theo sau đời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr vẫn tiếp tục ngả theo Mỹ hay quay trở lại chính sách giống với thời kì Tổng thống Rodrigo Duterte. Việc đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như quan điểm của từng ứng viên tổng thống, bối cảnh kinh tế – xã hội của Philippines trong thời gian bầu cử và chính sách của từng ứng cử viên có hợp lòng dân hay không v…v. Nhưng ít nhất trong 6 năm cầm quyền dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Mỹ hoàn toàn có thể yên tâm về đồng minh tại khu vực Đông Nam Á của mình nhằm tạo ưu thế trong cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự với Trung Quốc. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Loydd Austin, ông Marcos khẳng định quan điểm, tương lai của Philippines và có thể là cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ luôn có sự tham gia của Mỹ[16].
Ưu thế của Trung Quốc trước Mỹ trong cạnh tranh quân sự tại Đông Nam Á được thể hiện rõ nhất tại Campuchia. Điều này xuất phát một phần từ sự thờ ơ của Mỹ với Campuchia kể từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, khi trong thời chính quyền tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Mỹ và Campuchia đã có những phát triển nhất định, tuy nhiên đã dừng lại hoàn toàn kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Lợi dụng tình hình đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện cả về kinh tế và quân sự đối với Campuchia. Vào tháng 4/2022 Trung Quốc cùng Campuchia đã kí biên bản ghi nhớ về thoả thuận hợp tác quân sự, “Trung Quốc và Campuchia là hai nước láng giềng thân thiết. Trong những năm gần đây quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước trên nhiều lĩnh vực – bao gồm liên lạc chiến lược, tập trận chung và huấn huyện, trao đổi và đào tạo quân nhân – tiếp tục đi vào chiều sâu”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết [17]. Nhiều chuyên gia và quan chức phương Tây lo ngại về dự án cải tạo quân cảng Ream của Trung Quốc và Campuchia sẽ gây ra bất ổn cho khu vực. Bà Stephanie Arzate – người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh bày tỏ: “Sự hiện diện quân sự độc quyền của Trung Quốc tại Ream có thể đe doạ quyền tự trị của Campuchia và phá hoại an ninh khu vực”[18]. Quân cảng Ream của Campuchia trở thành một phần quan trọng trong “chuỗi ngọc trai” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự ra thế giới. Quân cảng Ream dự kiến có một ụ nổi để sửa chữa tàu, cầu cảng mở rộng, bệnh viện, nhà xưởng và một tòa tiếp khách. Đáp trả những lo ngại và yêu cầu minh bạch hơn trong các hoạt động, Đại tướng Tea Banh – Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia nói rằng: “Xin đừng quá lo lắng, cảng này quá nhỏ và thậm chí khi nâng cấp, nó không thể trở thành cơ sở có thể đe doạ bất cứ quốc gia nào”[19]. Gần đây nhất vào tháng 3/2023, Trung Quốc và Campuchia có cuộc tập trận chung “Rồng Vàng 2023” diễn ra trên vùng biển của Campuchia, đây là cuộc tập trận chung thứ năm giữa lực lượng vũ trang Trung Quốc và Campuchia. Cuộc tập trận năm nay có sự hiện diện của hơn 3000 binh sĩ và hơn 300 phương tiện của hai nước, tiêu biểu có tàu đổ bộ Type 071 của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc[20]. Về trường hợp của Myanmar, do cuộc đảo chính vào tháng 2/2021, Myanmar đã bị Mỹ và các nước phương Tây áp nhiều lệnh trừng phạt. Mới đây nhất, vào hồi tháng 2/2023, Mỹ cùng các nước Canada, Úc và Anh tiếp tục công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân cũng như tổ chức tại Myanmar[21]. Với sự cô lập từ Mỹ và phương Tây như vậy, điều tất yếu là Myanmar phải tìm một đối tác khác để cung cấp vũ khí, khí tài quân sự cho mình, đối tác đó không ai hợp lí hơn ngoài quốc gia láng giềng Trung Quốc. Theo ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền của Myanmar, tính từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2023 Myanmar đã mua vũ khí từ Trung Quốc với tổng trị giá 267 triệu USD[22].
Các nước theo chính sách trung lập
Mặc dù hợp tác về quốc phòng và có những cuộc tập chung với Mỹ như các chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Indonesia, Thái Lan nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng hay hồi tháng 2, Singapore tuyên bố sẽ mua thêm 8 máy bay phản lực F-35B từ nhà sản xuất Lockheed Martin của Mỹ, tăng phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của nước này lên 12 chiếc[23]. Nhưng các nước tại Đông Nam Á đang cố gắng không làm mất lòng Trung Quốc. Thái Lan, Malaysia và Indonesia là các trường hợp điển hình cố gắng tránh bị cuốn vào cuộc chơi của các nước lớn, khẳng định không muốn chọn Trung Quốc hay Mỹ. Trung tướng Kongcheep Tantravanich, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan khẳng định: “Chúng tôi phải duy trì vị thế trung lập”[24]. Trung Quốc cũng có động thái ngoại giao quốc phòng với tất cả các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc tăng cường tỉ trọng ảnh hưởng quân sự ở Thái Lan thông qua 3 trọng tâm. Trọng tâm thứ nhất, kể từ năm 2021, Trung Quốc đã phần nào vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Thái Lan khi liên tục bán cho nước này từ xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 cho đến tàu đổ bộ Type 071E. Trọng tâm thứ hai, được củng cố ngay trong chuyến thăm lần này của ông Lý Thượng Phúc với cam kết đảm bảo an toàn cho động cơ CHD620 do Trung Quốc sản xuất (thay cho động cơ của Đức đang bị ngưng chuyển giao) lần đầu tiên dùng cho tàu ngầm lớp S26-T Yuan theo hợp đồng trị giá 369 triệu USD đã ký với Thái Lan từ năm 2017. Ở trọng tâm thứ ba, Trung Quốc đã vận động được quyền cùng Thái Lan đăng cai tổ chức hai cuộc tập trận “Commando 2023”, “Hòa bình và Hữu nghị 2023”. Có thể thấy, trong bối cảnh Mỹ vừa từ chối xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A cho Thái Lan, việc ông Lý Thượng Phúc tiếp cận với cả Tư lệnh Hải quân (vào tháng 4/2023) và Tư lệnh Lục quân của Thái Lan trong chuyến thăm lần này là động thái “chớp thời cơ” đáng chú ý của Trung Quốc.
Trung Quốc đảm bảo được việc “khép vòng” thế trận đối ngoại quốc phòng ở Đông Nam Á. Chuyến thăm Thái Lan của ông Lý Thượng Phúc đã hoàn thành thế trận tương tác với tất cả các nước ASEAN kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 3 năm nay. Trong đó, Trung Quốc đã có bốn hướng tiếp cận, thứ nhất là tham gia tập trận song phương với Campuchia (3/2023), Singapore (4/2023), Lào (5/2023) và mới nhất là cuộc tập trận đa phương Komodo (MNEK-4) do Indonesia tổ chức (6/2023). Kế đó, Bắc Kinh đã gửi tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qi Jiguang) thực hiện thăm viếng hàng hải đến Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Philippines từ cuối tháng 5/2023; Gửi đại diện tham dự Triển lãm Phòng thủ hàng hải quốc tế (IMDEX) châu Á ở Singapore (từ ngày 3 đến 5/5) và Triển lãm Hàng không – Hàng hải quốc tế 2023 (LIMA 2023) ở Malaysia (từ ngày 23 đến 27/5). PLA cũng đã gửi quyền Tổng cục trưởng Cục Tình báo cùng tùy viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến Myanmar vào cuối tháng 5/2023[25].
Trung Quốc càng muốn tiếp cận lại càng bị trung hòa ngược bởi xu hướng “quốc tế hóa” hợp tác quốc phòng của ASEAN. Xu hướng này thể hiện rõ nhất khi Thái Lan mở rộng quy mô cuộc tập trận như Hổ mang Vàng vào tháng 3/2023 cho cả Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia với Mỹ. Không chỉ Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á hải đảo cũng đang xúc tiến những động thái tương tự như cuộc tập trận KOMODO (MNEK-4) đã diễn ra đầu tháng 6 do Indonesia tổ chức quy tụ hơn 49 quốc gia trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc và Nga. Các hoạt động triển lãm quốc phòng ở Malaysia (như LIMA-23) và Singapore (IMDEX) cũng bao gồm cả hai phái đoàn từ Mỹ và Trung Quốc.
Hàm ý đối với Việt Nam
Các nước cũng như Việt Nam cần nhìn nhận rõ vị trí và vai trò quan trọng trong cạnh tranh về lĩnh vực quân sự Mỹ – Trung tại Đông Nam Á hiện nay. Với Philippines có vai trò trong chiến lược “chuỗi đảo” của Mỹ, Malaysia với eo biển Malacca quan trọng với cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam cũng có vị trí địa chiến lược cực kì quan trọng. Tiêu biểu nhất là vai trò của quân cảng Cam Ranh – cảng nước sâu có vai trò then chốt ở Biển Đông. Giá trị chiến lược của vịnh Cam Ranh càng tăng thêm với sự hiện diện của sân bay gần đó có khả năng đón máy bay ném bom và vận tải hạng nặng. Nếu cường quốc hải quân nào nắm quyền được phép hoạt động lâu dài ở căn cứ hải quân Cam Ranh, đó sẽ là trở ngại cực lớn cho bất kỳ nước nào khác muốn độc chiếm Biển Đông, cho dù nước đó có kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp – báo National Interest kết luận[26]. Cả Trung Quốc và Mỹ đều cần Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng cần cả hai siêu cường này.
Trung Quốc cần mối quan hệ với Việt Nam ổn định và không quá gần gũi về mặt quân sự với Mỹ. Mỹ cũng rất cần một đồng minh ổn định, tin cậy, có đủ sức mạnh trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Theo GS. Hà Tôn Vinh, đó khó có thể là Hàn Quốc và Nhật Bản những đồng minh lâu năm nhưng lại nằm xa khu vực Đông Nam Á, cũng khó có thể là Philippines vì sự thay đổi thất thường trong chính trị, Singapore và Thái Lan thì quá nhỏ bé, Indonesia cùng Malaysia tuy cũng có mối quan hệ khá thân thiết với Mỹ nhưng những khác biệt lớn về văn hoá và tôn giáo là yếu tố gây cản trở[27]. Từ đó chỉ còn lại Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á mà Mỹ có thể tin tưởng. Việt Nam cần tận dụng các cơ hội hợp tác giữa hai bên để tăng cường sức mạnh và bảo vệ chủ quyền quốc gia./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] Statista, Gross domestic product (GDP) of the ASEAN countries from 2018 to 2028, https://www.statista.com/statistics/796245/gdp-of-the-asean-countries/
[2] David Shambaugh (2020), “The Southeast Asian Crucible”, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2020/12/20/canh-tranh-chien-luoc-my-trung-o-dong-nam-a/
[3] Kông Anh (2023), “Ngoại trưởng Bliken: Trung Quốc từ chối thiết lập đường dây nóng quân sự”, Báo VTC News, https://vtc.vn/ngoai-truong-blinken-trung-quoc-tu-choi-thiet-lap-duong-day-nong-quan-su-ar800690.html
[4] Hoàng Phạm (2023), “Quá trình Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/qua-trinh-my-ban-ha-khinh-khi-cau-trung-quoc-post999806.vov
[5] Trần Phương (2023), “Máy bay Trung Quốc ‘tạt đầu’ làm máy bay Mỹ rung lắc”, Báo tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/may-bay-trung-quoc-tat-dau-lam-may-bay-my-rung-lac-20230531072409963.htm
[6] Minh Phương (2022), “Tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân”, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/tau-san-bay-thu-4-cua-trung-quoc-co-the-chay-bang-nang-luong-hat-nhan-20221009074630875.htm
[7] Nguyên Phong (2021), “Quy mô khủng của hạm đội 7 hải quân Mỹ”, Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/quy-mo-khung-cua-ham-doi-7-hai-quan-my-757228.html
[8] Kông Anh (2023), “Vì sao Trung Quốc, Mỹ chạy đua tập trận quân sự ở Đông Nam Á?’, Báo VTC News, https://vtc.vn/vi-sao-trung-quoc-my-chay-dua-tap-tran-quan-su-o-dong-nam-a-ar797034.html
[9] Kông Anh (2022), “Mỹ tăng ngân sách quốc phòng 2023 lên tới 858 tỷ USD”, Báo VTC News, https://vtc.vn/my-tang-ngan-sach-quoc-phong-2023-len-toi-858-ty-usd-ar721062.html
[10] Hồng Vân (2023), “Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng”, Báo tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/trung-quoc-tang-manh-chi-tieu-quoc-phong-20230305125038024.htm.
[11] Kông Anh (2023), “Vì sao Trung Quốc, Mỹ chạy đua tập trận quân sự ở Đông Nam Á?”, Báo VTC News, https://vtc.vn/vi-sao-trung-quoc-my-chay-dua-tap-tran-quan-su-o-dong-nam-a-ar797034.html
[12] Lục Minh Tuấn (2023), “Chiến lược cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/chien-luoc-can-bang-anh-huong-cua-trung-quoc-20230614082206142.htm
[13] Hiếu Văn (2023), “Mỹ và Philippines củng cố quan hệ đồng minh”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-va-philippines-cung-co-quan-he-dong-minh-726877
[14] Thanh Bình (2023), “Mỹ – Philippines tập trận lớn nhất trong 30 năm, lần đầu bắn đạn thật ở biển Đông”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/my-philippines-tap-tran-lon-nhat-trong-30-nam-lan-dau-ban-dan-that-o-bien-dong-20230411115229299.htm
[15] Nguyễn Thành Trung (2023), “Vì sao Mỹ-Philippines xích lại gần nhau?”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/vi-sao-my-philippines-xich-lai-gan-nhau-20230414073935502.htm
[16] Tiến Anh (2023), “Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh châu Á”, Báo Công an nhân dân, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-tang-cuong-hop-tac-quoc-phong-voi-dong-minh-chau-a-i682359/
[17] Bình An (2022), “Quân đội Trung Quốc và Campuchia ký thoả thuận hợp tác”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/quan-doi-trung-quoc-va-campuchia-ky-thoa-thuan-hop-tac-20220401082948741.htm
[18] Minh Khôi (2022), “Campuchia, Trung Quốc động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/campuchia-trung-quoc-dong-tho-du-an-cai-tao-can-cu-hai-quan-ream-o-tinh-sihanoukville-20220608152732943.htm
[19] Vũ Hoàng (2022), “Trung Quốc muốn gì ở quân cảng Campuchia?”, Báo Vnexpress, https://vnexpress.net/trung-quoc-muon-gi-o-quan-cang-campuchia-4474567.html
[20] Nhật Đăng (2023), “Trung Quốc và Campuchia tập trận trên biển lần đầu tiên”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/trung-quoc-va-campuchia-tap-tran-tren-bien-lan-dau-tien-20230320122818732.htm
[21] Trần Phương (2023), “Mỹ và đồng minh tăng cường trừng phạt Myanmar”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/my-va-dong-minh-tang-cuong-trung-phat-myanmar-20230201080336708.htm
[22] Văn Khoa (2023), “Quân đội Myanmar đã mua bao nhiêu vũ khí Nga, Trung Quốc từ năm 2021”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/quan-doi-myanmar-da-mua-bao-nhieu-vu-khi-nga-trung-quoc-tu-nam-2021-185230518104305625.htm
[23] Kông Anh (2023), “Vì sao Trung Quốc, Mỹ chạy đua tập trận quân sự ở Đông Nam Á?’, Báo VTC News, https://vtc.vn/vi-sao-trung-quoc-my-chay-dua-tap-tran-quan-su-o-dong-nam-a-ar797034.html
[24] Ngọc Đức (2023), “Lo ngại Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh đang hợp tác ra sao?”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/lo-ngai-trung-quoc-my-va-cac-dong-minh-dang-hop-tac-ra-sao-20230222181853817.htm
[25] Lục Minh Tuấn (2023), “Chiến lược cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/chien-luoc-can-bang-anh-huong-cua-trung-quoc-20230614082206142.htm
[26] Kiều Oanh (2016), “Báo Mỹ: Vịnh Cam Ranh đóng vai trò then chốt trên bàn cờ biển Đông”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/bao-my-vinh-cam-ranh-dong-vai-tro-then-chot-tren-ban-co-bien-dong-185560235.htm
[27] Hà Tôn Vinh (2023), Mỹ và cuộc chiến giữ vị thế đồng đô la trước đe doạ của các cường quốc – Open Talks, FBNC Vietnam, https://www.youtube.com/watch?v=sfo29scD2xA