Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một “cuộc cạnh tranh chiến lược”, như cách nói của chính quyền Biden, trong đó Đài Loan nổi lên là tâm điểm. Liệu đây có phải là “ngòi nổ” cho một cuộc chiến tranh lạnh, hay thậm chí là chiến tranh, giữa Mỹ và Trung Quốc? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết “Chiến tranh Đài Loan liệu có thể nổ ra?” của GS. Joseph S. Nye, Jr.
Trong thời gian hơn 05 thập kỷ, cả Trung Quốc và Mỹ đều đã hưởng lợi từ việc trì hoãn thời gian đưa ra quyết định cuối cùng về vị thế chính trị của Đài Loan. Để ngăn chặn cuộc cạnh tranh hiện nay vượt ra khỏi tầm kiểm soát, Mỹ cần thực hiện các bước đi thận trọng và rõ ràng nhằm củng cố chính sách “răn đe kép” truyền thống.
Liệu có thể nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan? Trung Quốc coi hòn đảo cách bờ biển Trung Quốc 90 dặm (145 km) là một tỉnh nổi loạn và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập tới vấn đề này tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX. Tuy Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định quan điểm về việc sử dụng các biện pháp hòa bình, mục tiêu chính vẫn là thống nhất đất nước và Chủ tịch Tập Cận Bình không loại trừ khả năng sử dụng đến vũ lực. Trong khi đó, ở Đài Loan, bộ phận người dân tự coi mình là người Đài Loan tiếp tục vượt quá số lượng bộ phận người dân coi mình cả là người Trung Quốc lẫn người Đài Loan.
Mỹ từ lâu đã cố gắng vừa ngăn cản Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập, vừa ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm thống nhất Đài Loan với lục địa Trung Quốc. Tuy nhiên, tiềm lực quân sự của Trung Quốc đang ngày gia tăng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nay đã bốn lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Trong mỗi trường hợp trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đều đưa ra những “lời giải thích” nhấn mạnh rằng chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi.
Nhưng Trung Quốc phản bác rằng các chuyến thăm cấp cao gần đây của Mỹ tới Đài Loan đang phá hỏng chính sách đó. Trung Quốc đã đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8.2022 bằng cách thử nghiệm tên lửa gần bờ biển Đài Loan. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện mới do Đảng Cộng hòa kiểm soát và thực hiện các lời đe dọa về việc dẫn đầu một phái đoàn chính thức đến Đài Loan?
Khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc và gặp cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1972, cả hai nước đều cùng có lợi trong việc trong việc đảm bảo sự cân bằng quyền lực với Liên Xô, do với cả hai phía, Liên Xô đều là vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc có mối quan hệ dựa trên cơ sở cùng có lợi với Nga, do cả hai nước đều coi Mỹ là vấn đề lớn nhất.
Bất chấp điều này, cựu Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông đều không thể đồng ý về vấn đề Đài Loan, buộc áp dụng một công thức được đưa ra để trì hoãn vấn đề. Cụ thể, Mỹ sẽ chấp nhận tuyên bố rằng người dân ở cả hai bên eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc và sẽ chỉ công nhận “một Trung Quốc”: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đại lục, không phải Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Hai bên câu giờ cho cái mà người kế nhiệm Mao, cựu Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, gọi là “sự khôn ngoan của các thế hệ tương lai.” Nó gợi lại câu chuyện ngụ ngôn về một tù nhân thời trung cổ, người đã trì hoãn việc hành quyết mình bằng cách hứa sẽ dạy cho con ngựa của nhà vua biết nói. “Ai biết được?” anh ta nói., “Nhà vua có thể chết; con ngựa có thể chết; hoặc con ngựa có thể nói.”
Trong 5 thập kỷ đã qua, cả Trung Quốc và Mỹ đều được hưởng lợi từ khoảng thời gian mà hai bên đã có thể trì hoãn trong vấn đề vị thế chính trị của Đài Loan. Sau chuyến thăm của Nixon, chiến lược của Mỹ là lôi kéo Trung Quốc với hy vọng rằng tăng trưởng kinh tế và thương mại gia tăng sẽ mở rộng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc và dẫn đến một nền kinh tế theo xu hướng tự do hóa. Giờ xét lại, mục tiêu đó được coi là quá lạc quan; song chính sách của Mỹ không hoàn toàn ngây thơ. Để đảm bảo “kế hoạch dự phòng”, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tái thiết lập hiệp ước an ninh của Mỹ với Nhật Bản vào năm 1996, và người kế nhiệm, cựu Tổng thống George W. Bush, đã cải thiện quan hệ với Ấn Độ. Hơn nữa, Mỹ có phần đã thành công khi Trung Quốc có xuất hiện một số dấu hiệu của nền kinh tế theo xu hướng tự do hóa vào đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thắt chặt kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với xã hội dân sự Trung Quốc và với các khu vực như Tân Cương và Hồng Công, đồng thời báo hiệu tham vọng chiếm lại Đài Loan.
Quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở mức tồi tệ nhất trong hơn 50 năm. Một số ý kiến đổ lỗi thực trạng này cho cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng, về mặt lịch sử, cựu Tổng thống Donald Trump giống như một cậu bé đổ dầu vào lửa. Chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã châm ngòi cho ngọn lửa trên thông qua việc thao túng hệ thống thương mại quốc tế, tiến hành trộm cắp và ép buộc chuyển giao tài sản trí tuệ của phương Tây, và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Phản ứng của Mỹ đối với những động thái này nhận được sự hưởng ứng từ cả hai đảng. Phải đến cuối năm thứ hai đương nhiệm, Tổng thống Joe Biden mới có cuộc gặp mặt trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình– tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Bali.
Mục tiêu của Mỹ vẫn là ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm vào Đài Loan, và ngăn chặn các nhà lãnh đạo Đài Loan tuyên bố độc lập theo luật pháp quốc tế. Một số nhà phân tích gọi chính sách này là “sự mơ hồ chiến lược”, nhưng nó cũng có thể được mô tả là “sự răn đe kép”. Trong những tháng trước khi bị ám sát, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō đã thúc giục Mỹ cam kết rõ ràng hơn trong việc bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, các chuyên gia khác lo ngại rằng một sự thay đổi chính sách như vậy sẽ gây ra phản ứng của Trung Quốc, bởi vì nó sẽ loại bỏ sự mơ hồ cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc xoa dịu tình cảm dân tộc chủ nghĩa.
Vậy khả năng xảy ra xung đột có thực tế không? Người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ cảnh báo rằng sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc có thể cám dỗ Trung Quốc sớm tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Đài Loan vì tin rằng thời gian không đứng về phía mình. Những người khác tin rằng thất bại của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đã khiến Trung Quốc thận trọng hơn và nước này sẽ đợi cho đến sau năm 2030. Ngay cả khi Trung Quốc tránh một cuộc xâm lược toàn diện và chỉ cố gắng ép buộc Đài Loan bằng cách cuộc phong tỏa hoặc chiếm các hòn đảo ngoài khơi, một vụ va chạm tàu hoặc máy bay có thể nhanh chóng thay đổi tình thế, đặc biệt là trong trường hợp có thiệt hại về người. Nếu Mỹ phản ứng bằng cách đóng băng tài sản của Trung Quốc hoặc viện dẫn Đạo luật Thương mại với Kẻ thù, hai nước có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh thực sự (chứ không phải là một ẩn dụ), hoặc thậm chí là một cuộc chiến tranh.
Nếu không có vấn đề Đài Loan, mối quan hệ Mỹ-Trung phù hợp với mô hình mà cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd gọi là “cạnh tranh chiến lược được quản lý”. Không nước nào tạo ra mối đe dọa cho nước kia theo cách mà nước Đức của Hitler đã làm trong những năm 1930 hay Liên Xô của Stalin đã làm trong những năm 1950. Cả hai nước đều không muốn và cũng không thể chinh phục đối phương. Nhưng thất bại trong việc quản lý vấn đề Đài Loan có thể biến bất đồng thành một cuộc xung đột hiện hữu.
Mỹ nên tiếp tục ngăn cản Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập, đồng thời giúp Đài Loan trở thành “con nhím” khó xơi. Mỹ cũng nên hợp tác với các đồng minh để tăng cường khả năng răn đe hải quân trong khu vực. Tuy nhiên Mỹ phải tránh các hành động khiêu khích công khai và các chuyến thăm có thể khiến Trung Quốc đẩy nhanh bất kỳ kế hoạch xâm lược nào. Như Nixon và Mao đã nhận ra từ lâu, các chiến lược và dàn xếp ngoại giao câu giờ có nhiều điểm tích cực để cân nhắc.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Joseph S. Nye, Jr., giáo sư tại Đại học Harvard và là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tác giả của cuốn sách mới xuất bản “Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump” (Oxford University Press, 2020).