Chính phủ Albanese đặt nhiều kỳ vọng vào “khoản đầu tư lớn nhất lịch sử Australia dành cho năng lực quốc phòng” này, với hi vọng “một mũi tên trúng hai đích”, không chỉ có thể duy trì an ninh quốc gia mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng lý tưởng có vẻ rất đẹp đẽ, còn hiện thực lại không được như vậy. Cuối cùng, AUKUS đã không đưa ra giải pháp cho những thách thức trong khu vực hoặc sự an toàn của người dân Australia, mặc dù Australia đã phải chi ra một khoản kinh phí khổng lồ. Chương trình tàu ngầm hạt nhân chắc chắn là “một bước tiến lớn hướng tới một nước Australia tham vọng hơn, nhưng cũng là một bước đi đầy cạm bẫy”.
Ngày 14/3, Thủ tướng Australia Albanese, Thủ tướng Anh Sunak và Tổng thống Mỹ Biden đã tập trung tại Căn cứ Hải quân San Diego của Mỹ và công bố kế hoạch chi tiết về việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Australia. Về hiệp định, lãnh đạo ba nước đều có lời khen ngợi, có vẻ như ba bên đã đạt được điều gì đó và họ tỏ ra rất vui mừng với những điều này. Nhưng nếu xét kỹ, người được gọi là “nhân vật chính” Australia có thể sẽ có một kết cục không mấy vui vẻ.
Lộ trình “Bốn bước”
Kể từ khi Mỹ, Vương quốc Anh và Australia tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mới (AUKUS) vào tháng 9 năm 2021, dự án hàng đầu của họ – chương trình tàu ngầm hạt nhân của Australia đã thu hút sự chú ý. Theo cơ chế AUKUS, Australia dự kiến sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm hạt nhân, đồng thời cũng là nước thứ 2 trong lịch sử nhận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Trước khả năng xảy ra chạy đua vũ trang trong khu vực và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, kế hoạch này đã gây náo động khi nó bị phanh phui. Để thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia “nhanh hơn, tốt hơn và tiết kiệm hơn”, sau 18 tháng tham vấn, Mỹ, Anh và Australia cuối cùng đã hoàn thiện kế hoạch xây dựng “bốn bước” vào ngày 14 tháng 3:
Bước đầu tiên, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ tăng cường các chuyến thăm tới các cảng của Australia từ năm 2023 “để tăng tốc độ đào tạo các thủy thủ tàu ngầm Australia”. Để thể hiện sự chân thành của mình, Australia cần mở rộng Căn cứ Hải quân Perth Stirling ở Tây Australia để tàu ngầm Mỹ sử dụng.
Bước thứ hai, từ năm 2027, 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ và 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh sẽ luân phiên đóng tại Căn cứ Hải quân Stirling, sĩ quan, binh sĩ Australia có thể huấn luyện, đào tạo cùng với họ.
Bước thứ ba, vào đầu những năm 2030, Australia lần đầu tiên mua 3-5 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia “đã qua sử dụng” của Mỹ, “để lấp đầy khoảng trống về sức mạnh chiến đấu đã già cỗi của các tàu ngầm diesel – điện lớp Collins của Australia”.
Bước thứ tư, vào đầu những năm 2040, Australia sẽ chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Aukus (SSN-AUKUS) thực sự, do Anh thiết kế, trang bị hệ thống chiến đấu và vũ khí của Mỹ, đóng tại Adelaide, Nam Australia. Nhưng trước đó, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên sẽ do Anh chế tạo và được biên chế trong Hải quân Anh. Để bù đắp những hạn chế trong năng lực sản xuất tàu ngầm hạt nhân của Anh và Mỹ hiện nay, Australia cũng sẽ hỗ trợ tài chính và đưa công nhân Australia tham gia sản xuất.
“Mật ngọt” của Mỹ và Anh, “thạch tín” cho Australia
Đối với chương trình tàu ngầm hạt nhân “mang tính bước ngoặt” này, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia đã không giấu được niềm vui và tự hào trong tuyên bố chung. Australia là “mục tiêu hỗ trợ” lần này, Thủ tướng Albanese coi đây là “vinh dự tối cao” được hợp tác với Mỹ và Anh, đồng thời biết ơn viên ngọc quý “công nghệ tàu ngầm hạt nhân” mà Mỹ và Anh sẽ chuyển giao cho Australia. Cả ba bên đều coi kế hoạch đầy tham vọng này là “rủi ro cao nhưng cũng mang lại lợi ích lớn”, nhưng trớ trêu thay, “lợi ích” có thể thuộc về Mỹ và Anh, trong khi “rủi ro” lại thuộc về Australia.
Dựa trên sự sắp xếp của thỏa thuận mới nhất, không hẳn là Mỹ và Anh đang giúp Australia chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mà đúng hơn là họ đang “vũ trang” cho Australia theo ý muốn của Mỹ và Anh. Trên danh nghĩa, Mỹ và Anh giúp Australia đào tạo sĩ quan và kỹ thuật viên, nhưng thực chất họ để Hải quân Australia phục vụ trên các tàu ngầm của mình, các nhà máy đóng tàu của Australia cử lao động Australia sang thăm và đóng quân tại Australia để mở đường; cũng trên danh nghĩa Mỹ và Vương quốc Anh đang giúp Australia nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia, nhưng trên thực tế, Australia đã trở thành lực lượng bổ sung cho Hạm đội Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đóng vai trò là căn cứ bảo trì và hỗ trợ hậu cần cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ trong thời bình, và hoạt động như một “xúc tu” của Mỹ trong thời chiến để trinh sát, trợ lý cho các cuộc tấn công tầm xa. Tất cả những điều trên đều được trả bởi những người nộp thuế Australia.
Ngay cả khi Australia đóng góp tiền, con người và địa điểm, vẫn còn nhiều biến số trong việc liệu Mỹ và Anh có thể hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm hạt nhân của riêng mình hay không. Ví dụ, trong tuyên bố chung ba bên về việc Mỹ bán tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho Australia đã nêu rõ “sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua”. Theo ngụ ý, thỏa thuận đã ký bây giờ có thể không được tính, bởi vì Quốc hội có thể không phê chuẩn nó. “Điều khoản miễn trừ” này phản ánh chân thực sự hỗn loạn chính trị trong nước ở Mỹ, nhưng nó cũng trở thành yếu tố không chắc chắn lớn nhất trong việc theo đuổi chương trình tàu ngầm hạt nhân của Australia. Bởi vì theo luật pháp Mỹ, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của họ, Vương quốc Anh và Australia, cũng khó có được sự chuyển giao công nghệ nhạy cảm của Lầu Năm Góc, nên quyết định cuối cùng về việc liệu kế hoạch có diễn ra suôn sẻ hay không vẫn thuộc về Mỹ.
Một ví dụ khác, rất lâu trước khi công bố chương trình tàu ngầm hạt nhân, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Mỹ và Vương quốc Anh đang đẩy nhanh việc nâng cấp tàu ngầm hạt nhân của chính họ, nhưng phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân sự và năng lực sản xuất không đủ. họ không có thời gian để chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia, v.v. Một thượng nghị sĩ của Mỹ thậm chí còn chỉ trích hành vi “hy sinh thân mình để cứu người” và giúp Australia chế tạo tàu ngầm hạt nhân của chính phủ sẽ gây tổn hại đến an ninh của chính nước Mỹ. Sau khi đủ màn dạo đầu, Australia phải cung cấp tiền và người để hỗ trợ các xưởng đóng tàu của Mỹ và Anh khi lực lượng lao động trong nước của nước này vốn đã thiếu trầm trọng.
Thực tế tàn nhẫn hơn nhiều so với lý tưởng
Như đã nêu, Chính phủ Albanese đặt nhiều kỳ vọng vào “khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Australia để nâng cấp năng lực quốc phòng”, với hi vọng “một mũi tên trúng hai đích”, nhưng trên thực tế, kết quả đạt được sẽ rất tệ.
Chính phủ Australia đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn “bơ hay đại bác”. Hiện tại, chi phí sinh hoạt ở Australia rất cao, mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất mười lần liên tiếp nhưng vẫn không hiệu quả, áp lực suy thoái đối với nền kinh tế Australia ngày càng tăng và mục tiêu khôi phục thặng dư tài khóa còn khá xa vời. Theo “lộ trình” mới nhất, Australia sẽ mất ít nhất 20 năm để có được tàu ngầm hạt nhân sản xuất trong nước và nước này sẽ cần chi ít nhất 368 tỷ đô la Australia trong 30 năm tới, trong đó phần lớn sẽ chủ yếu là dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, tài trợ cho Anh đóng tàu ngầm hạt nhân, v.v. Với nguồn lực tài chính khan hiếm và nền kinh tế chịu nhiều áp lực, “hiệp ước bất bình đẳng” trong vỏ bọc một “bánh vẽ lớn” của Australia chắc chắn gây ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của người dân. Thượng nghị sĩ David Sawbridge của Đảng Xanh Australia thẳng thừng tuyên bố đây là “vụ tấn công hạt nhân” lên tới 368 tỷ đô la Australia, sẽ “bắn phá” các dịch vụ công cốt lõi của chính phủ như giáo dục công, y tế, nhà ở và người dân bản địa trong vài thập kỷ tới. Ngoài ra, trong trường hợp thiếu lao động trầm trọng, Australia phải cử công nhân sang Mỹ và Anh để giúp mở rộng năng lực sản xuất theo thỏa thuận, và tàu ngầm hạt nhân mua từ Mỹ rất có thể sẽ xảy ra tình trạng “hàng cũ chất lượng cao”.
Mặc dù chính phủ Australia luôn tuyên bố rằng dù là tàu ngầm hạt nhân mua hay tàu ngầm hạt nhân tự chế tạo, Australia sẽ có “100% quyền tự chủ”. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng các nhà khoa học hạt nhân, kỹ sư, thủy thủ đoàn và thậm chí cả thợ đóng tàu của Australia, khả năng cao là dịch vụ “một cửa” của tàu ngầm hạt nhân Australia từ sản xuất, sử dụng đến bảo trì sẽ chủ yếu dựa vào Mỹ và Anh. Nếu dựa trên nhu cầu bảo vệ đất nước, việc triển khai nhiều tàu tuần tra ở vùng biển xung quanh Australia sẽ thực tế hơn so với tàu ngầm hạt nhân. Lý do Australia chọn tàu ngầm hạt nhân làm vũ khí chiến lược không gì khác hơn là để hợp tác với Mỹ, đồng minh lớn nhất của họ. Như Michael Fulilov, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Roy của Australia, cho biết, việc Australia mua tàu ngầm hạt nhân là vì sự hiện diện lâu dài của Mỹ trong khu vực và để đảm bảo với Mỹ rằng “các đồng minh khu vực của họ là đáng tin cậy”, và Mỹ nên duy trì sự hiện diện tại khu vực. Chương trình tàu ngầm hạt nhân hiện tại cũng là thông lệ nhất quán của Australia là nhằm trả phí cho việc bảo vệ sự nghiệp chính trị của lãnh đạo đất nước.
Trên thực tế, đối với “Tấm lòng Tư Mã Chiêu” [*] của AUKUS, Australia và các nước xung quanh nhìn thấy điều đó rõ ràng hơn bất kỳ ai khác. Chiến lược gia người Australia Hugh White, nhà sử học James Cullen và những người khác đã thẳng thừng nói rằng Mỹ đang trang bị cho Australia các tàu ngầm hạt nhân nhằm “trói buộc” hoàn toàn Australia, tiếp tục đóng vai trò là “trợ lý trung thành” của Mỹ trong các cuộc xung đột khu vực. Alan Bem, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Australia, thậm chí còn chỉ ra rằng Australia mắc “căn bệnh chiến lược cơ bản” là “hy sinh bản thân để bảo vệ nước Mỹ”.
Trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục leo thang, sự hợp tác giữa Australia, Mỹ và Anh chắc chắn sẽ càng thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang khu vực, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân cũng sẽ được ghi nhận là xuất phát từ “tội trạng” của ba nước. Về vấn đề này, Indonesia, Malaysia và các nước láng giềng Đông Nam Á cũng như các quốc đảo Thái Bình Dương khác cũng lo lắng và phản đối. Ngày nay, mặc dù Mỹ, Anh và Australia đã sử dụng rất nhiều mánh khóe trong vấn đề này, nhưng họ vẫn không thể che giấu sự thật rằng lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã chuyển uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí sang một quốc gia phi vũ khí hạt nhân. Không thể che giấu sự thật rằng một ngày nào đó Australia sẽ phải xử lý chất thải phóng xạ ở mức độ cao trên lãnh thổ của mình và thậm chí ở các vùng biển xung quanh.
Trước sự việc này, cựu Thủ tướng Australia Keating không khỏi băn khoăn, dù Australia đã phải trả một cái giá rất đắt nhưng AUKUS đã không đưa ra được giải pháp cho những thách thức trong khu vực cũng như sự an toàn của người dân Australia. Chương trình tàu ngầm hạt nhân chắc chắn là “một bước tiến lớn hướng tới một nước Australia tham vọng hơn, nhưng cũng là một bước đi đầy cạm bẫy”.
Vì vậy, liệu AUKUS có giúp được gì cho Australia hay sẽ đem đến một tương lai u tối cho đất nước này? Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Về tác giả: Tiến sĩ Quách Xuân Mai (郭春梅), nghiên cứu viên của Viện Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (Cục 11, Bộ An ninh Quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).
Nguồn: 郭春梅, “核潜艇计划:澳大利亚的豪赌, AUKUS的狂欢”, 国际网, 17.03.2023
——————
Chú thích:
[*] Tấm lòng Tư Mã Chiêu là thành ngữ Trung Quốc ám chỉ những tham vọng mà ai cũng biết.