Tháng 9/2024, vừa hợp tác và vừa căng thẳng tuy là những biểu hiện có sự mâu thuẫn nhưng lại đang tồn tại trên bình diện toàn cầu. Toàn cầu hóa đang có dấu hiệu phân mảnh, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý tại các khu vực chiến lược trong tháng 9/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
1. Hoạt động đối ngoại đáng chú ý của Việt Nam: Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khoá 79 và làm việc tại Mỹ. Cũng trong chuyến đi lần này, đồng chí Tô Lâm tiếp tục có chuyến thăm quan trọng tới Cuba – một quốc gia quan trọng có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
2. Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD đã được tổ chức. Sự kiện này diễn ra từ ngày 21/9, với sự tham dự đầy đủ của 4 nhà lãnh đạo của Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ). Nhiều kênh thông tin cho rằng đây giống như một Hội nghị chia tay khi ngoại trừ Ấn Độ, các thành viên còn lại đều đã có kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, Hội nghị lần này cũng đã ghi nhận những sáng kiến an ninh mới của ông Joe Biden.
3. Căng thẳng vẫn tiếp diễn trên Biển Đông. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Philippines cùng các đối tác đồng minh của Manila vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, các bên liên tiếp tiến hành thêm các cuộc tập trận, các hoạt động hải quân xung quanh các vùng biển tranh chấp. Gần đây nhất là các động thái tương tác hàng hải giữa các nước Philippines, Mỹ, Úc, Nhật Bản, New Zealand ở Biển Đông trong những ngày cuối tháng 9/2024. Trong khi đó, cùng thời điểm đã ghi nhận số lượng tàu Trung Quốc hoạt động xung quanh các điểm nóng tranh chấp cao kỷ lục.
4. Trung Quốc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tân hoa xã ngày 26/9/2024 phát đi thông tin lực lượng tên lửa của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn giả vào vùng biển quốc tế ngoài khơi Thái Bình Dương. Sự việc đã tạo ra những mối lo ngại nhất định cho các nước xung quanh, đặc biệt là các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương nằm trong hệ thống đồng minh của Mỹ.
5. Ông Shigeru Ishiba được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản. Kết quả bầu cử ở Nhật Bản đã ngã ngũ, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba đã được bầu làm Thủ tướng thứ 102 của nước này với 291 trong tổng số 461 phiếu hợp lệ tại Hạ viện Nhật Bản. Ông Shigeru Ishiba chính thức trở thành Thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản.
6. AUKUS đàm phán hợp tác với Canada, Hàn Quốc và New Zealand. Sẽ khó có khả năng AUKUS mở rộng trụ cột hạt nhân, nhưng mở rộng hợp tác với 3 quốc gia này trên các lĩnh vực quốc phòng công nghệ cao khác đang tỏ ra khả thi. Các bên được cho là đang có nhiều động thái xúc tiến quá trình hợp tác này trong thời gian tới.
KHU VỰC CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
7. Hungary tiếp tục có những động thái đi ngược với tinh thần của EU. Theo đó, nước này cho rằng, EU đã hoàn toàn thất bại trong chính sách trừng phạt Nga. Điều đáng chú ý là những động thái này xuất hiện gần trùng với thời điểm EU thông qua cơ chế trừng phạt mới đối với Nga. Tuyên bố được đưa ra bởi một thành viên của EU đang cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ nội bộ của Liên minh châu Âu
8. EU cần xem xét lại mối quan hệ với Nga. Ngày 22/9/2024, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Hòa bình tại Paris, Tổng thống Pháp Macron chia sẻ rằng: “chúng tôi đang cố gắng phát triển Cộng đồng Chính trị châu Âu, nhưng chúng tôi cần suy nghĩ về một tổ chức mới, và sau đó xem xét lại mối quan hệ của chúng tôi với Nga để đảm bảo sự ổn định chính trị cho châu lục”. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Pháp – Nga đang có những biểu hiện tiêu cực.
9. Mỹ, Anh, EU chính thức ký kết công ước về khung tiêu chuẩn AI. Đây được coi là bản công ước đầu tiên về lĩnh vực này. Công ước nêu rõ các hệ thống AI phải tuân thủ một bộ nguyên tắc bao gồm: bảo vệ dữ liệu cá nhân; không phân biệt đối xử; phát triển an toàn; và đảm bảo phẩm giá con người.
10. Đức chuyển vũ khí hạng nặng sang Ukraine. Theo đó, 22 chiếc xe tăng Leopard 1 A5, 61.000 viên đạn 155mm, 3 pháo phòng không tự hành Gepard cùng các phụ tùng thay thế đã được chuyển giao cho Ukraine. Thông tin này đã được Chính phủ Đức công bố ngày 19/9/2024. Ngoài ra, đợt chuyển giao này còn có thêm các thiết bị quân sự khác, bao gồm: 5 xe địa hình Bandvagn 206, 2 radar giám sát trên không TRML-4D và một xe bọc thép đặc chủng Warthog, cũng như 112 xe từ kho dự trữ của Đức.
11. Ukraine thừa nhận gặp khó khăn trên chiến trường. Mùa thu được coi là thời điểm quyết định trước khi mùa đông khắc nghiệt trở lại làm cản trở các hoạt động quân sự. Dù nỗ lực dồn mọi nguồn lực cho cuộc chiến, nhưng trước một lực lượng được tổ chức chặt chẽ như Nga, Ukraine đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận vào ngày 30/9/2024 rằng: tình hình ở tuyến đầu của cuộc xung đột với Nga “rất, rất khó khăn”.
KHU VỰC TRUNG ĐÔNG & CHÂU PHI
12. Tình hình xung đột với nhân vật trung tâm là Israel tiếp tục leo thang. Sau loạt tấn công ám sát các thủ lĩnh Hezbollah, Israel đang đứng trước nguy cơ vấp phải cuộc chiến đáp trả từ phía Iran và các đồng minh của họ trên khắp Trung Đông. Các nhà phân tích cho rằng, Israel dường như đã chuẩn bị trước cho một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra. Trước đó, sau các hành động ám sát, khủng bố tại Lebanon nhằm vào các thủ lĩnh Hezbollah, Israel đã cho thấy năng lực gián điệp đáng gờm của họ, việc liên tục mất các chỉ huy cấp cao khiến Hezbollah tổn thất nặng nề về mặt nhân sự. Tuy nhiên, mấu chốt của cuộc chiến sẽ nằm trong tay của Iran.
13. Xung đột ở Trung Đông có thể xuất hiện một “Gaza thứ hai”. Các hoạt động thù địch ngày càng gia tăng xung quanh biên giới Israel – Lebanon đang khiến Lebanon có nguy cơ trở thành một “Gaza thứ hai” – nơi Israel có thể thường xuyên tổ chức các hoạt động quân sự không giới hạn nhằm khuất phục “kẻ chống đối cứng đầu” đối với quốc gia của người Do Thái. Trong khi thảm họa nhân đạo ở Gaza chưa được khắc phục, dòng viện trợ vẫn đổ về khu vực này, thì tình thế diễn ra ở Lebanon đang tạo ra những mối lo ngại mới.
14.Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất LHQ sử dụng vũ lực với Israel. Trước các hành động của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ lập trường ủng hộ Lebanon và các lực lượng đối đầu với Israel. Đồng thời, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn đưa ra lời kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn các hành động của Israel.
15. Saudi Arabia tiếp tục khẳng định điều kiện thiết lập quan hệ với Israel. Những tưởng dưới sự tác động của Mỹ, Saudi Arabia có thể tiến hành quá trình bình thường hóa quan hệ với Israel một cách dễ dàng. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra đang cho thấy một Israel thiếu thiện chí trong quan hệ với cộng đồng các quốc gia Arab. Trong hoàn cảnh này, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 18/9/2024 đã tuyên bố vương quốc này sẽ không thiết lập quan hệ với Israel cho đến khi một nhà nước Palestine được thành lập. Đồng thời, Thái tử Saudi Arabia cũng lên án mạnh mẽ và phản đối những tội ác của chính quyền chiếm đóng Israel đối với người dân Palestine. Điều này cho thấy tương lai quan hệ Saudi Arabia – Israel là không có nhiều triển vọng khi điều kiện đưa ra của cả hai phía không có nhiều điểm chung về lợi ích. Cũng có nghĩa vai trò của Mỹ thời gian qua là không đủ để hòa giải hai quốc gia đồng minh này.
16. Nỗ lực thành lập liên minh toàn cầu cho giải pháp hai nhà nước. Saudi Arabia thông báo đã thành lập một liên minh toàn cầu để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Tuyên bố được Ngoại trưởng Saudi Arabia đưa ra bên lề khóa họp 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9. Liên minh này sẽ gồm một số quốc gia Arập, Hồi giáo và các đối tác châu Âu.
KHU VỰC CHÂU MỸ
17. Mỹ Latinh từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga. Vốn là một khu vực phức tạp có sự ảnh hưởng của các nước lớn bên ngoài, tuy nhiên nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh cũng nhận ra rằng họ không nên bị cuốn vào cuộc đối đầu lớn giữa Nga và phương Tây. Thậm chí, một số quốc gia Mỹ – Latinh còn có mối quan hệ tốt với Nga, và cùng có những giai đoạn xung đột với phương Tây.
18. Venezuela thu hồi quyền đại diện của Brazil tại Đại sứ quán Argentina. Phía Venezuela thông báo rằng họ buộc phải đưa ra quyết định này dựa trên những bằng chứng liên quan đến việc cơ sở vật chất của Đại sứ quán Argentina đang được sử dụng để lên kế hoạch khủng bố. Rõ ràng, kể từ khi tân Tổng thống Argentina nhậm chức, tình hình mất đoàn kết khu vực đang ngày càng diễn ra trầm trọng.
19. Hàn Quốc-Cuba lần đầu tiên đối thoại cấp Ngoại trưởng. Ngày 25/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Ngoại trưởng nước này Cho Tae Yul và Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Eduardo Rodriguez Parrilla đã có cuộc đối thoại trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu năm nay. Cuba trước đó từng là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latinh chưa có quan hệ chính thức với Hàn Quốc. Điều này đã thay đổi kể từ đầu năm 2020,
20. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận Cuba. Với nền tảng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Cuba, nhân buổi làm việc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam quyết tâm sát cánh cùng Cuba chống lại chính trị cường quyền.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Diễn biến quân sự mới tại các điểm nóng xung đột, phân tích các khía cạnh sự phát triển nghệ thuật quân sự, phương thức tổ chức chiến tranh, sự phát triển của khoa học quân sự.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
BAN BIÊN TẬP