Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025[1]. Đây là sự kiện chính trị có tầm quan trọng đặc biệt diễn ra trùng vào thời điểm hai nước kỷ niệm tròn 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950–18/1/2025). Bên cạnh đó, chuyến thăm còn thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư Tập Cận Bình đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, từ ngày 14-18/4/2025, Tổng Bí thư Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới 3 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Malaysia). Trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông Tập tiến hành thăm[2]. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, đặc biệt trên mặt trận kinh tế. Đáng chú ý, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2025, thậm chí trước cả Nga – quốc gia được Bắc Kinh mô tả “không phải đồng minh, nhưng còn tốt hơn đồng minh”.
Trở lại với bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm, ngày 20/1, Tổng thống Trump chính thức nhậm chức và chỉ trong khoảng 80 ngày nắm quyền ông Trump đã làm tạo ra “cơn địa chấn” với tình hình toàn cầu. Trước hết, đối với Nga, Mỹ tiến hành các hoạt động nối lại quan hệ ngoại giao bị gián đoạn thông qua đàm phán về tình hình Ukraine. Đối với Trung Quốc, chính quyền Trump tái khởi động cuộc chiến thương mại nhưng với một mức độ mới cao hơn nhiều so với năm 2018. Theo đó, thuế quan vẫn là “vũ khí” yêu thích của ông Trump, nhưng lần này ông Trump không chỉ nhắm vào riêng Bắc Kinh mà còn với các quốc gia khác xung quanh Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Ngày 2/4, ông Trump chính thức công bố bảng áp thuế đối ứng với con số 34% cho Trung Quốc và 46% đối với Việt Nam. Ngay lập tức, Bắc Kinh tiến hành trả đũa không lùi bước với các mức áp qua lại lẫn nhau hiện tại đã lên mức 125% với hàng hóa nhập từ Mỹ song song với 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa “made in China”[3].

Trước tình hình sức ép thuế quan đe dọa sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng phản ứng thông qua con đường đàm phán thỏa thuận trực tiếp với Mỹ thông qua nhiều kênh có thể. Bên cạnh chờ đợi kết quả tích cực, Hà Nội cũng triển khai tìm kiếm đa dạng thị trường xuất khẩu hàng hóa ngoài Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, việc tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc là một nhu cầu thực tế. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sắp tới là lần thứ hai ông Tập thăm cấp nhà nước Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ. Trước đó, cuối năm 2023, ông Tập đã có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Cùng sự tiếp đón của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”[4]. Trong cuộc điện đàm ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã cùng tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025, đồng thời nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao[5].
Bên cạnh những dấu ấn đặc biệt của tình hình thế giới cũng như quan hệ song phương, trong nội bộ hai quốc gia cũng có nhiều điểm nhấn đáng chú ý tạo ra tính chiến lược của chuyến thăm.
Về phía Trung Quốc, sau kỳ họp “Lưỡng hội” thường niên được tổ chức thành công vừa qua, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 5% cho nền kinh tế khổng lồ. Đồng thời, Trung Quốc đang bước vào năm cuối cùng thực hiện những quyết sách quan trọng để hướng tới năm 2027 với sự kiện đặc biệt quan trọng – Đại hội Đảng lần thứ 21. Phối hợp đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 15 và giai đoạn then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu cải cách toàn diện theo tinh thần Hội nghị Trung ương 3 khóa 20[6].
Về phía Việt Nam, tập trung lớn nhất hiện nay của cả bộ máy chính trị là đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình tới Việt Nam thời điểm này mang tới cơ hội mở rộng hợp tác song phương thêm nhiều đột phá. Đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu và Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra, triển khai nhiều đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đất nước, hướng tới Đại hội 14 Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2026.
Mục tiêu của Trung Quốc
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang không bên nào chịu xuống nước trước. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình mang nhiều tầng ý nghĩa, đặc biệt trong việc Bắc Kinh định vị vai trò của Đông Nam Á trong tính toán chiến lược. Không chỉ mang dáng dấp hoạt động ngoại giao thường niên nhân kỷ niệm hoạt động 75 năm thiết lập quan hệ Việt – Trung, chuyến thăm lần này của ông Tập cần được nhìn nhận như một phần trong nỗ lực tái cấu trúc vị thế quốc tế của Trung Quốc trước những sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ không chỉ dừng trên mặt trận thương chiến. Trong lần xuất ngoại đầu tiên trong năm 2025, Việt Nam được chọn làm điểm dừng chân đầu tiên tiếp sau đến hai Campuchia, Malaysia. Ngoài ưu tiên về mặt địa lý, chuyến thăm Hà Nội còn hàm chứa sau đó một số mục tiêu địa chiến lược, địa kinh tế mà Trung Quốc mong muốn như sau.
Thứ nhất, mục tiêu nổi bật nhất của Trung Quốc trong chuyến thăm lần này nhằm củng cố mạng lưới kinh tế – chính trị trong khu vực Đông Nam Á nhằm ứng phó với chiến lược bao vây kinh tế từ Mỹ. Kể từ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng chiến tranh thương mại vào năm 2018, tiếp nối bởi chính quyền Joe Biden với các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn, Trung Quốc đã có nhiều điều chỉnh chính sách theo hướng tăng cường năng lực tự chủ về công nghệ, sản xuất, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác, các thị trường kinh tế truyền thống. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng. Do vậy, Trung Quốc muốn tái khẳng định quan hệ ổn định và tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất của mình không bị gián đoạn.
Thứ hai, Việt Nam hiện là một trong những đối tác có vị trí chiến lược hàng đầu của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Với vị trí địa chính trị đóng vai trò như cửa ngõ ra biển của Trung Quốc với vùng biển Đông và khu vực Đông Nam Á lục địa. Trong bối cảnh toàn cầu chứng kiến sự phân cực thể chế rõ rệt, mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam – Trung Quốc lại luôn được Bắc Kinh đề cao như một nền tảng ý thức hệ đặc biệt vượt lên trên lợi ích thông thường. Do đó, chuyến thăm không chỉ đơn thuần hoạt động đối thoại giữa nguyên thủ hai quốc gia, mà còn là điểm nhấn tăng cường “quan hệ hai Đảng”, “Cộng đồng chia sẻ tương lai” là cách để thắt chặt quan hệ Đảng – Đảng, giữ sợi dây chính trị đặc biệt với Hà Nội.
Thứ ba, trước áp lực từ chiến tranh thương mại, Trung Quốc đang nỗ lực điều chỉnh lại các tuyến thương mại truyền thống đồng thời tìm cách giảm thiểu rủi ro từ xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc từ các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, Việt Nam nổi lên như điểm sáng về sản xuất dần trở thành “công xưởng mới” trong khu vực một mắt xích quan trọng cần được kết nối chặt chẽ[7]. Trung Quốc đã đẩy mạnh các dự án hạ tầng liên kết như đường sắt xuyên biên giới, các khu hợp tác kinh tế vùng biên, nhằm tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại – đầu tư không bị gián đoạn. Đây là nỗ lực nhằm duy trì vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời muốn gắn kết Việt Nam vào mạng lưới “Vành đai và Con đường” do Bắc Kinh dẫn dắt.
Thứ tư, một mục tiêu quan trọng nhưng tế nhị của Trung Quốc là kiểm soát bất đồng trên Biển Đông thông qua đối thoại song phương và các cơ chế quản lý khủng hoảng. Dù là đối tác kinh tế – chính trị quan trọng, quan hệ Việt – Trung vẫn tiềm ẩn những thách thức, đặc biệt liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Trong bối cảnh tình hình khu vực ẩn chứa bất lợi do các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ hoặc phản ứng cứng rắn từ một số nước trong khu vực, Bắc Kinh muốn duy trì kênh đối thoại cấp cao với Việt Nam tránh để các va chạm có thể làm phức tạp thêm tình hình. Thông qua chuyến thăm, Trung Quốc hướng đến việc thiết lập cơ chế ổn định và kiểm soát rủi ro, từ đó giữ cho mặt trận phía nam yên ổn, tập trung vào các ưu tiên lớn hơn như cạnh tranh với Mỹ và giữ ổn định trong nước.
Sau cùng, chuyến thăm Việt Nam mang hàm ý chiến lược toàn cầu rằng Trung Quốc đang gửi tín hiệu đến cộng đồng quốc tế một thực tế, họ vẫn là một đối tác phát triển chủ động và có khả năng dẫn dắt sự thịnh vượng của khu vực trong bối cảnh trật tự thế giới đang tái định hình. Việc ông Tập lựa chọn Hà Nội thay vì Moscow trong lịch trình công du nước ngoài đầu năm là một cách khẳng định ưu tiên chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á, và đặc biệt với khối ASEAN, nơi Bắc Kinh đang nỗ lực duy trì ổn định cục diện khu vực trước sự gia tăng hiện diện của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ.
Tóm lại, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình được coi như một bước đi chiến lược, đa mục tiêu chủ yếu nhằm ứng phó với sức ép từ Mỹ, giữ vững quan hệ ổn định với đối tác phía nam. Trong thế trận cạnh tranh ngày càng phức tạp giữa các cường quốc, vai trò của Việt Nam như một đối tác linh hoạt, độc lập và đang nổi lên được đặt ở trung tâm trong tính toán lợi ích chiến lược của những nước lớn.
Quan điểm từ truyền thông Việt, Trung và quốc tế về chuyến thăm
Quan điểm từ truyền thông của ba phía Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế về chuyến thăm Đông Nam Á sắp tới của Tổng Bí thư Tập Cận Bình thể hiện những cách tiếp cận khác nhau, phản ánh góc nhìn riêng của từng bên về tác động của chuyến thăm trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều biến động diễn ra với nhịp độ cao tại địa bàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trước hết, truyền thông Việt Nam tiếp cận chuyến thăm từ lăng kính chào đón, với cách mô tả “hữu nghị truyền thống” và “ổn định chiến lược” ghi nhận nhiều thành tựu trong quan hệ song phương. Các kênh truyền thông chính thống như Báo Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, hay Báo Chính phủ đều nhấn mạnh đây là chuyến thăm mang tính chất chính trị quan trọng, góp phần củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước trong thời điểm hai nước đang cùng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bài viết trên trang nhất Báo Nhân dân số ra ngày 11/4 nhận định rằng: “Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đối với Việt Nam, là dịp để hai bên làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, tăng cường hợp tác thực chất và kiểm soát bất đồng”[8].
Trong khi đó, thông tin về chuyến thăm được giới truyền thông Trung Quốc đăng tải trên hầu hết các nền tảng chính thống. Đặc biệt các tờ báo như Nhân dân Nhật báo, Hoàn cầu Thời báo hay Tân Hoa xã chọn cách viết tiếp cận từ góc độ “ngoại giao láng giềng” ôn hòa. Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 11/4 có bài “Chuyến thăm Đông Nam Á của Chủ tịch Tập sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của khu vực”. Bài viết dẫn lại chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của ông Tập Cận Bình đồng thời mô tả hành trình quan hệ hữu nghị Việt – Trung vừa là đồng chí vừa là anh em”[9]. Các bài viết khác của truyền thông Trung Quốc như “Lần đầu tiên ghé thăm trong năm nay, ba câu mong chờ chuyến đi Đông Nam Á” của Mạng Nhân dân ngày 12/4 đề cao sáng kiến “Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – ASEAN” và vai trò của Hà Nội trong việc đóng góp vào các sáng kiến toàn cầu của Bắc Kinh với thông điệp Trung Quốc là cường quốc “trách nhiệm” và “hòa bình”[10].
Ngược lại, truyền thông quốc tế (đặc biệt là truyền thông phương Tây) có góc nhìn phân tích mang màu sắc hoài nghi về mục đích của chuyến thăm tập trung vào bối cảnh cuộc chiến thuế quan hiện tại và mối quan hệ bộ ba Mỹ – Trung – Việt. Trước đó, ngày 6/4, kênh truyền hình Fox News của Mỹ đã có nhận xét không hay về mối quan hệ thương mại Việt – Trung trong bối cảnh Mỹ áp đặt mức thuế cao với cả hai nước. Bên cạnh đó, những kênh truyền thông như Reuters, Bloomberg đều đặt câu hỏi liệu chuyến thăm này có đánh dấu bước dịch chuyển chính sách của Hà Nội theo hướng “gần Trung – xa Mỹ” hay không. Những kênh bình luận như The Diplomat, Nikkei Asia lại nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế của chuyến thăm, đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang bị bao vây do các đòn trừng phạt thương mại từ Washington. Bài viết “Tập Cận Bình thăm Việt Nam, Malaysia, Campuchia trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang” do Nikkei Asia đăng tải ngày 11/4 nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong năm 2025 mang tính biểu tượng lớn. Ông Tập gửi đi một thông điệp rằng Trung Quốc sẵn sàng tranh thủ các quốc gia ASEAN trước khi Mỹ có thể gia tăng ảnh hưởng trong khu vực[11].

Điểm chung của quan điểm truyền thông Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế cùng ghi nhận tầm quan trọng chiến lược của chuyến thăm, nhưng mỗi bên tiếp cận sự kiện dưới lăng kính lợi ích riêng. Chính sự khác biệt thể hiện qua cách đưa tin này phản ánh tính chất phức tạp của tình hình địa chính trị khu vực, nơi mà Việt Nam cần phải tiếp tục giữ thế “cân bằng động” để duy trì lợi ích quốc gia trong trật tự kỷ nguyên toàn cầu hóa đang vận động nhanh chóng.
Dự kiến những nội dung chính của chuyến thăm
Xét từ các mặt bối cảnh quốc tế, khu vực cùng mục tiêu mà Trung Quốc muốn đạt được từ chuyến thăm có thể hình thành cơ sở để dự kiến một số nội dung chính mà Việt Nam và Trung Quốc trao đổi. Trọng tâm lớn của cuộc hội đàm trên các lĩnh vực trụ cột như chính trị, kinh tế, an ninh và hợp tác khu vực.
Thứ nhất, về mặt chính trị – ngoại giao, một trong những nội dung cốt lõi được dự đoán là việc tái khẳng định “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh cạnh tranh thể chế với phương Tây, việc duy trì quan hệ “đồng chí, anh em” với Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn. Hai bên dự kiến sẽ ký kết các văn kiện nhằm củng cố nền tảng chính trị giữa hai Đảng Cộng sản, tăng cường giao lưu giữa các cơ quan đảng, chính quyền và địa phương, đồng thời thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Theo thông lệ các chuyến thăm cấp cao trước đây, các tuyên bố chung nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh “tình hữu nghị truyền thống”, “đại cục ổn định” làm sâu sắc hơn “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt”.
Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam sẽ thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế – thương mại mang tính trung và dài hạn, đặc biệt là các thỏa thuận về chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ và xuất nhập khẩu song phương. Trong bối cảnh Mỹ ngày càng siết chặt kiểm soát tạo rào cản hàng hóa “made in China” và gia tăng các biện pháp rà soát xuất xứ, Trung Quốc có thể tìm đến Việt Nam như một “cửa ngõ” cho hàng hóa, linh kiện hoặc sản phẩm công nghệ của mình tiếp cận thị trường quốc tế. Do đó, thông qua chuyến thăm, dự kiến Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các dự án kết nối hạ tầng khu vực biên giới, như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng và các khu logistics xuyên biên giới. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tìm cách kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với “Hai hành lang, một vành đai” đưa vào chương trình nghị sự chung với Việt Nam.
Thứ ba, hợp tác quốc phòng – an ninh sẽ được đề cập ở mức độ vừa phải, nhưng mang tính chiến lược lâu dài. Dự kiến, hai bên sẽ duy trì đối thoại quốc phòng cấp cao, củng cố hợp tác biên giới, tăng cường giám sát an ninh phi truyền thống và khôi phục các cơ chế hợp tác cứu hộ – cứu nạn trên biển. Ngoài ra, khả năng thiết lập cơ chế đối thoại an ninh cấp cao định kỳ hoặc tăng tần suất các cuộc tham vấn song phương nhằm quản lý rủi ro giữ kênh liên lạc trực tiếp để tránh xung đột ngoài ý muốn trên Biển Đông cũng sẽ được nêu ra, nhất là trong bối cảnh Mỹ gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực và thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN.
Thứ tư, chuyến thăm là cơ hội để Trung Quốc triển khai các công cụ “sức mạnh mềm”, thông qua việc mở rộng hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác địa phương các tỉnh biên giới hai nước và quảng bá hình ảnh láng giềng thân thiện. Dự kiến hai bên sẽ ký kết một số chương trình giao lưu thanh niên, học giả, trao đổi sinh viên, phát triển du lịch xuyên biên giới và mở rộng thương mại biên mậu tại các tỉnh giàu tiềm năng như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Tác động của chuyến thăm
Về phía Mỹ, từ những thăm dò qua quan điểm giới truyền thông và dư luận Mỹ có thể thấy nhiều phản ứng đa chiều từ cách đưa tin đến phân tích chuyên sâu. Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình này nhiều khả năng sẽ được theo dõi sát sao bởi giới hoạch định chính sách Mỹ. Từ năm 2020 trở lại đây, Việt Nam nổi lên như một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, thể hiện qua việc hai bên nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9/2023. Nhiều chuyến thăm cấp cao của Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden các quan chức khác diễn ra liên tục cho thấy Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong nỗ lực đối trọng ảnh hưởng Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc Bắc Kinh chủ động đi trước bằng một chuyến thăm cấp cao tới Hà Nội có thể được diễn giải như một bước đi nhằm giành lại ảnh hưởng tại một quốc gia đang trở thành trọng điểm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington. Theo quan điểm của một số nhà phân tích Mỹ, đặc biệt là tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đang gửi tới Mỹ thông điệp rằng: “Trung Quốc vẫn giữ được năng lực định hình quan hệ song phương với các quốc gia ASEAN, kể cả với những nước đang tăng cường quan hệ với Mỹ”[12]. Do đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lại phương pháp tiếp cận với Việt Nam không loại trừ trường hợp mở rộng hợp tác hoặc đưa Việt Nam vào thế ngoại giao khó.
Kế đến, chuyến thăm có thể ảnh hưởng đáng kể đến cục diện chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vốn đang gia tăng căng thẳng trong giai đoạn đầu năm 2025. Kể từ năm 2018, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để đảm bảo sự liền mạch của chuỗi cung ứng đang phát triển nở rộ. Trong trường hợp Trung Quốc đạt được thỏa thuận hợp tác sâu hơn với Việt Nam trong các lĩnh vực như logistics, thương mại biên mậu và công nghiệp hỗ trợ, Trung Quốc có thể coi Việt Nam như một kênh xuất khẩu gián tiếp để giảm thiểu tác động từ các biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ khiến Washington gia tăng giám sát truy xuất nguồn gốc hàng hóa và kiểm soát gắt gao đối với cả hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Trong một báo cáo của Viện Brookings (2024), các chuyên gia cho rằng Việt Nam “đang rơi vào tâm điểm của cuộc cạnh tranh định hình chuỗi giá trị toàn cầu” và vì vậy các động thái ngoại giao song phương với Trung Quốc hay Mỹ đều sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa lớn[13].
Ngoài ra, chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc cũng đặt ra nhiều ảnh hưởng đối với tiến trình đàm phán hiện tại giữa Việt Nam và Mỹ về các chính sách thuế quan và thương mại. Con số 46% thuế đối với Việt Nam trở thành rào cản cho mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội trong nước. Hiện nay, đoàn đàm phán do Phó Thủ tướngViệt Nam Hồ Đức Phớc dẫn đầu đang làm việc hiệu quả với đại diện thương mại Mỹ để đi tới giải pháp có lợi cho đôi bên. Song song với đó, về lâu dài Việt Nam hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ bị áp thuế theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại Mỹ nếu bị xác định là nơi “lẩn tránh thuế” của các doanh nghiệp Trung Quốc. Một mặt, việc Trung Quốc và Việt Nam tiến gần hơn về kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không hạ nhiệt có thể chịu áp lực gia tăng từ Washington đối với các thỏa thuận thương mại song phương đã ký với Hà Nội. Tuy nhiên, mặt khác, Việt Nam cũng có thể tranh thủ chuyến thăm của ông Tập như một “nước đi cân bằng” gửi tín hiệu đến Washington, rằng nếu không có nhượng bộ từ phía Mỹ, Hà Nội hoàn toàn có thể gia tăng hợp tác với Bắc Kinh.
Xét từ góc độ Việt Nam, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình mang đến cả thời cơ lẫn thách thức.
Về mặt tích cực, đây là cơ hội để Việt Nam tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng sạch và chuyển đổi số. Ngoài ra, “Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và nâng cấp hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Trung – Việt”. Đây là khẳng định của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Vịnh Tiền trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Tính đến hết quý I/2025, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,1 tỷ USD[14]. Đồng thời, quan hệ ổn định với Trung Quốc cũng giúp Việt Nam giảm thiểu nguy cơ va chạm trên Biển Đông và tạo thêm dư địa cho các sáng kiến hợp tác khu vực, tạo điều kiện tích cực cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, thách thức đặt ra càng khó khăn hơn dưới những bước chuyển chính sách khó nắm bắt của Tổng thống Donald Trump ở nhiệm kỳ 2. Làm sao để duy trì chính sách đối ngoại cân bằng giữa các bên mà không rơi vào thế bị kẹt giữa cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trở thành bài toán khó sau mỗi chuyến thăm của lãnh đạo nước lớn. Nếu không khéo léo, linh hoạt Việt Nam ngoài bị cuốn vào các tranh chấp thương mại hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của cạnh tranh địa chính trị đặc biệt tại điểm nóng Biển Đông. Như cảnh báo từ học giả Kishore Mahbubani (Đại học Quốc gia Singapore), các quốc gia Đông Nam Á cần nghệ thuật ngoại giao tinh tế hơn bao giờ hết khi thế giới bước vào giai đoạn cạnh tranh đa cực gay gắt[15]./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Nhân Dân (2025), “Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam”. https://nhandan.vn/tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-se-tham-cap-nha-nuoc-toi-viet-nam-post871573.html
[2] 中华人民共和国外交部 (2025), “习近平将对越南进行国事访问”. https://www.mfa.gov.cn/zyxw/202504/t20250411_11592907.shtml
[3] Ngọc Đức (2025), “Trung Quốc đáp trả, áp thuế 125% lên hàng hóa Mỹ”, Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/trung-quoc-dap-tra-ap-thue-125-len-hang-hoa-my-20250411152436288.htm
[4] Nhân Dân (2023), “Tuyên bố chung nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-ve-viec-tiep-tuc-lam-sau-sac-va-nang-tam-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-co-y-nghia-chien-luoc-post787318.html
[5] Trung Dũng (2025), “75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2025): Dấu mốc và động lực cho giai đoạn phát triển mới”, Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/75-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-nam-trung-quoc-18-1-1950-18-1-2025-dau-moc-va-dong-luc-cho-giai-doan-phat-trien-moi-812052
[6] Dân Trí (2025), “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, tích cực”. https://dantri.com.vn/xa-hoi/quan-he-viet-nam-trung-quoc-duy-tri-da-phat-trien-manh-me-tich-cuc-20250411141740842.htm
[7] Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (2021), “Báo cáo về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020”. https://chongbanphagia.vn/Uploaded/Users/banthuky/files/2021/1/2021012516245010_pdf.pdf
[8] Hữu Hưng (2025), “Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng”, Nhân Dân. https://nhandan.vn/chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-mang-y-nghia-va-tinh-bieu-tuong-quan-trong-post871635.html
[9] CGTN (2025), “Xi’s Southeast Asia trip to inject new impetus into regional growth”. https://news.cgtn.com/news/2025-04-11/President-Xi-to-visit-Southeast-Asia-in-first-foreign-trip-this-year-1Cury5TVLpK/p.html
[10] 新华网 (2025), “习近平将访问越南、马来西亚、柬埔寨”. http://politics.people.com.cn/n1/2025/0411/c1024-40457905.html
[11] CK TAN and NORMAN GOH (2025), “Xi Jinping to tour Vietnam, Malaysia, Cambodia amid escalating trade war”, Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Xi-Jinping-to-tour-Vietnam-Malaysia-Cambodia-amid-escalating-trade-war
[12] Scott Kennedy (2025), “The United States’ Illiberal Turn Recasts a Potential Deal with China”, CSIS. https://www.csis.org/analysis/united-states-illiberal-turn-recasts-potential-deal-china
[13] Brookings Institution (2024), “US-Vietnam relations: A conversation with Vietnam’s Foreign Minister Bui Thanh Son”.https://www.brookings.edu/events/us-vietnam-relations-a-conversation-with-vietnams-foreign-minister-bui-thanh-son/
[14] Bích Thuận (2025), “Trung Quốc sẵn sàng nâng cấp hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam”, VOV. https://vov.vn/kinh-te/trung-quoc-san-sang-nang-cap-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-voi-viet-nam-post1191318.vov
[15] Mahbubani, Kishore (2024), “Kishore Mahbubani Says More…”. https://mahbubani.net/kishore-mahbubani-says-more/