Ngày 12-13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đặc biệt tới Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Sự đặc biệt của chuyến thăm này nằm ở chính thời điểm thực hiện cũng như sự chuẩn bị chu đáo từ cả hai phía và những nội dung được hai nước trao đổi trong hai ngày làm việc. Để có sự nhìn nhận đa chiều về sự kiện ngoại giao này, bài viết sau đây sẽ góp phần làm rõ cách nhìn của phía Trung Quốc về những vấn đề xoay quanh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Thời điểm đặc biệt gắn với bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn đã được lên kế hoạch từ rất sớm xuất phát từ lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sau chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2022. Tuy vậy, thời điểm thực hiện chuyến thăm vào tháng 12/2023 có nhiều điểm đặc biệt về bối cảnh.
Một là, Trung Quốc vừa tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao láng giềng, tiếp tục khẳng định phương hướng ngoại giao láng giềng trong thời gian tới với nội dung: “theo đuổi phương châm lấy láng giềng làm bạn, thực hiện khái niệm về mối quan hệ thân thiện chân thành. Quan hệ tốt với các nước xung quanh, tin cậy và hữu hảo. Cùng giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung và hợp tác cùng có lợi; Tuân thủ tính toàn diện, học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt. Cần nỗ lực để làm cho quan hệ chính trị của Trung Quốc với các nước láng giềng thân thiện hơn, quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, hợp tác an ninh sâu sắc hơn và quan hệ nhân dân gần gũi hơn, thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng một cộng đồng tương lai chung với các nước láng giềng”[1]. Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình sẽ là một sự kiện có nhiều ý nghĩa quan trọng, trực tiếp kiểm chứng tính thực tiễn của chiến lược ngoại giao láng giềng trong thời đại mới của Bắc Kinh.
Hai là, cùng thời điểm với sự kiện kỷ niệm 10 năm thực hiện ngoại giao láng giềng thời đại Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đã tổ chức kỷ niệm 10 năm triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Chuyến thăm Việt Nam lần này được kỳ vọng có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cả hai nước liên quan tới “Sáng kiến Thế kỷ – BRI” của Trung Quốc. Việt Nam đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều dự án hợp tác liên quan đến sáng kiến này. Tuy vậy, phạm vi hợp tác thực tế giữa hai bên sẽ phụ thuộc vào kết quả của chuyến thăm.
Ba là, năm 2023 chứng kiến nhiều sự kiện ngoại giao đáng chú ý từ phía Việt Nam. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” với hai nước đang có nhiều mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc bao gồm Mỹ và Nhật Bản, nâng tổng số đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam lên 6 đối tác (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản). Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được diễn ra vào một thời điểm có thể coi là nhạy cảm liên quan đến lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Tuy vậy, đây cũng là một thời điểm phù hợp để Việt Nam một lần nữa khẳng định bố cục chiến lược đối ngoại của trường phái “ngoại giao cây tre”.
Bốn là, sự gia tăng ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài khu vực đang khiến cục diện Đông Nam Á đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh ở Philippines, sẽ khó tránh khỏi những thay đổi lớn về cục diện khu vực trong tương lai. Việc nhận diện, tìm kiếm một tinh thần chung về vấn đề này cũng sẽ là một nội dung quan trọng.
Năm là, tình hình Biển Đông trong năm 2023 diễn biến hết sức phức tạp, nổi bật là các “mâu thuẫn” giữa Philippines và Trung Quốc. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức mới cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc với tư cách là hai bên có yêu sách chủ quyền ở vùng biển này sẽ có nhiều vấn đề cần trao đổi, tìm hướng giải quyết cho tình hình tranh chấp trên biển.
Sáu là, tình hình xung đột toàn cầu và sự bất định của quá trình toàn cầu hóa đang gây sức ép đáng kể đối với chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các quốc gia chịu những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt về mặt kinh tế.
Thông qua chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình, hai nước sẽ có nhiều nội dung quan trọng có thể trao đổi liên quan đến hợp tác song phương vì sự phát triển của hai nước cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế khác.
Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc và sự đón tiếp đặc biệt của Việt Nam
Bên cạnh công tác chuẩn bị của các cấp bộ, ngành, giới chuyên gia, chuyên môn, ngay trước chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc – có thể kể đến như: Tân hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu, trang mạng Quan sát viên..v.v – đều đưa những tin tức về sự kiện quan trọng này trên trang nhất. Các bài viết mang tính “tiền trạm” đều thể hiện sự coi trọng đặc biệt từ phía Trung Quốc đối với mối quan hệ đối với Việt Nam. Ví dụ, Nhân dân Nhật báo có bài viết khái quát lại những điểm sáng trong lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước vốn được xây dựng, vun đắp bởi các nhà tiền bối cách mạng cũng như những thành tựu đáng chú ý của mối quan hệ song phương trong thời gian qua[2]. Tinh thần tương tự cũng được thể hiện qua các bài viết trên các tờ báo chính thống khác của Trung Quốc.
Ngay trước chuyến thăm Việt Nam, trong buổi họp báo định kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được phóng viên hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới (hiện tại đã đạt mức đối tác chiến lược toàn diện), bà Mao Ninh – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – trả lời rằng: “Cả Trung Quốc và Việt Nam đều hết sức coi trọng chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên cho rằng sự cùng chí hướng và chung vận mệnh là nét đặc sắc nhất của quan hệ song phương. Vị thế mới của mối quan hệ là phù hợp với xu hướng chung và điều đó sẽ đến một cách tự nhiên”[3].
Về phía Việt Nam, truyền thông trong nước sử dụng cụm từ “đoàn khách quốc tế” đối với phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc được dẫn đầu bởi ông Tập Cận Bình. Đây là điều hiếm thấy, ngay cả đối với 5 đối tác chiến lược toàn diện còn lại gồm: Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Việc dùng từ “khách” thay vì “đối tác” đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với mối quan hệ đặc biệt với quốc gia láng giềng của Việt Nam. Qua đó cho thấy, các cấp độ “đối tác” hiện có không mô tả được đầy đủ mối quan hệ sâu sắc Việt Nam – Trung Quốc.
Quan điểm tương tự cũng có thể thấy trên truyền thông Trung Quốc. Đánh giá về sự tiếp đón của Việt Nam đối với ông Tập Cận Bình và phái đoàn, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn một nguồn tin cho rằng: “Việt Nam chào đón ông Tập với nghi thức cao cấp nhất mà các nhà lãnh đạo nhiều nước khác không thường thấy. Các nhà phân tích cho rằng, điều này cho thấy Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc – Việt Nam”[4].
Quan điểm từ phía Trung Quốc về kết quả của chuyến thăm
Về đồng thuận xây dựng “cộng đồng chung tương lai” Trung Quốc – Việt Nam
Điều đáng chú ý liên quan tới các nội dung được trao đổi trong chuyến thăm là việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất triển khai “cộng đồng chung tương lai Trung Quốc – Việt Nam”. Ý tưởng này nằm trong tổng thể chiến lược xây dựng cộng đồng chung tương lai cho toàn nhân loại mà theo như ông Tập Cận Bình đã chia sẻ rằng, trước hết cần phải triển khai ở châu Á[5]. Điều đó cũng có nghĩa rằng, việc xây dựng cộng đồng chung tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những mắt xích đầu tiên và không thể thiếu trong chiến lược xây dựng cộng đồng chung tương lai ở châu Á cũng như toàn cầu. Mặc dù giới truyền thông có những đánh giá không thống nhất về mặt thuật ngữ, nhưng với những đánh giá tích cực từ phía Trung Quốc sau chuyến thăm, có thể nói mục tiêu của cả hai bên thông qua việc đạt được thống nhất xây dựng “cộng đồng chung tương lai” về cơ bản đều đã đạt được.
Về nội dung xây dựng “cộng đồng chung tương lai” này, tờ Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh rằng: “Lịch sử và thực tế đã chứng minh, Trung Quốc và Việt Nam không chỉ là hai nước láng giềng hữu nghị núi liền núi, sông liền sông, mà còn là một cộng đồng có chung tương lai, có ý nghĩa chiến lược. Hơn bao giờ hết, hai nước cần phải cùng nhau giúp đỡ, cùng nhau tiến lên”[6]. Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, ông Hùng Ba cũng chia sẻ thêm qua một bài viết rằng: “Với tư cách là các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, hai bên cùng hợp tác để bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa quốc tế, thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp hòa bình, phát triển và tiến bộ của nhân loại”[7].
Giới học giả Trung Quốc tính đến thời điểm kết thúc chuyến thăm chưa có những bình luận cụ thể về “cộng đồng chung tương lai” Trung Quốc – Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này đã được dự báo trước trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực xây dựng cộng đồng chung tương lai Trung Quốc – ASEAN. Và thực tiễn, Trung Quốc đã đạt được sự thống nhất xây dựng cộng đồng chung tương lai với các nước đối tác Đông Nam Á gồm: Lào và Campuchia (2019), Myanmar (2020), Indonesia (2022) cũng như tiến tới xây dựng cộng đồng chung tương lai trong cơ chế hợp tác Mê Kông – Lan Thương[8]. Trong xu thế đó, nỗ lực xây dựng “cộng đồng chung tương lai” với Việt Nam là một lựa chọn tất yếu đối với Trung Quốc. Và trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này đã được hiện thực hóa.
Về kết quả tổng thể của chuyến thăm
Ở góc độ cá nhân các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ngày 13/12, khi chuẩn bị kết thúc chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng chuyến thăm lần này của ông đánh dấu sự kết thúc thành công của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong năm nay. Điều này có ý nghĩa rất lớn[9]. Quan điểm tương tự một lần nữa được Ngoại trưởng Vương Nghị chia sẻ một ngày sau đó. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng chia sẻ thêm rằng, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, đạt đến một tầm cao mới với những mục tiêu và động lực mới[10].
Một điểm đáng chú ý khác, ông Vương Nghị nhắc đến việc “Việt Nam đã nhấn mạnh Trung Quốc là nước duy nhất tập hợp mọi ưu tiên ngoại giao của mình, phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của Việt Nam”. Vị lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng, những cam kết chính trị quan trọng này đã làm sâu sắc thêm sự tin cậy chiến lược lẫn nhau giữa hai bên và đặt nền tảng chính trị vững chắc cho cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai[11]. Nhận định này cho thấy một thành công khác đối với cả hai nước thông qua chuyến thăm, nhất là trong bối cảnh năm 2023, Việt Nam đã tiến hành bổ sung thêm hai đối tác chiến lược toàn diện mới gồm Mỹ và Nhật Bản. Theo đó, Bắc Kinh vẫn cảm nhận được vị thế đặc biệt trong chiến lược đối ngoại của Hà Nội. Sự khác biệt trong cách tiếp cận của Hà Nội dành cho “vị khách” phương Bắc so với 5 đối tác chiến lược toàn diện còn lại đã đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên.
Ở góc độ truyền thông, tổng kết lại sự kiện ngoại giao đáng chú ý này, Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đăng tải một bài báo có tựa đề “Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình thành công mỹ mãn”[12]. Bài viết đã tổng lược các kết quả chính của chuyến thăm, đồng thời dẫn lại các đánh giá tích cực từ phía truyền thông Việt Nam. Điều này có thể cho thấy các mục tiêu cơ bản của cả hai phía trong hai ngày 12-13/12 đã gặt hái được những kết quả đáng kể.
Không những vậy, thành công của chuyến thăm đã và đang khẳng định vị thế của mối quan hệ song phương đặc biệt giữa hai nước trong bối cảnh đương đại phức tạp, phần nào đã xóa tan những lo ngại của dư luận Trung Quốc đối với loạt sự kiện ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023. Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết có nhận định rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình sẽ mang lại một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn đối với nhiều người. Đường lối chính của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam rất rõ ràng. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa có đặc sắc riêng, đều coi mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại và cả hai đều coi sự phát triển của nhau là cơ hội cho sự phát triển của chính mình[13].
Với những đánh giá tích cực nhiều cấp độ từ phía Trung Quốc, có thể nói, cả hai bên đều đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận qua chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy vậy, với nhiều nội dung lớn đã thể hiện trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc sau chuyến thăm, hai nước sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hiện thực hóa tinh thần chung trong tuyên bố, đồng thời tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc thêm các chương trình hợp tác trong tương lai./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả dựa trên việc tổng hợp các phân tích từ phía Trung Quốc. Các quan điểm này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích tham khảo:
[1] 新华社 (2023), 新时代中国的周边外交政策展望(全文), https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202310/content_6911402.htm. Nguyễn Phượng (dịch, 2023), Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, Nghiên cứu Chiến lược, 28/10/2023, https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-trong-ky-nguyen-moi/
[2] 人民日报 (2023), 推动构建具有战略意义的中越命运共同体, https://cpc.people.com.cn/n1/2023/1210/c64387-40135473.html
[3] 中华人民共和国外交部 (2023), 2023年12月11日外交部发言人毛宁主持例行记者会, https://www.fmprc.gov.cn/fyrbt_673021/jzhsl_673025/202312/t20231211_11199542.shtml
[4] Li Aixin & Liu Xin (2023), “Xi’s Vietnam visit to bring bilateral ties into new stage”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202312/1303506.shtml
[5] 新華通訊社 (2023), 构建具有战略意义的中越命运共同体 开启携手迈向现代化的新篇章, http://www.news.cn/mrdx/2023-12/12/c_1310754894.htm
[6]人民日报 (2023), 推动构建具有战略意义的中越命运共同体, https://cpc.people.com.cn/n1/2023/1210/c64387-40135473.html
[7] 熊 波 (2023), 推动中越全面战略合作走深走实(大使随笔), 人民网-人民日报, https://world.people.com.cn/n1/2023/1212/c1002-40136545.html
[8] 卢光盛 (2023), “中国—东盟命运共同体构建与区域秩序重塑”, 当代世界, 2023年第6期, http://cn.chinadiplomacy.org.cn/2023-06/19/content_88209009.shtml
[9] 新华每日电讯 (2023), 习近平夫妇同阮富仲夫妇话别, http://www.news.cn/mrdx/2023-12/14/c_1310755326.htm
[10] 新华社 (2023), 王毅谈习近平总书记、国家主席对越南国事访问, https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202312/content_6920335.htm
[11] 新华社 (2023), 王毅谈习近平总书记、国家主席对越南国事访问, https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202312/content_6920335.htm
[12] 人民网-环球时报 (2023), 习近平越南之行圆满成功, https://politics.people.com.cn/n1/2023/1214/c1001-40138895.html
[13] Global Times (2023), China-Vietnam relations elevated to ‘new heights’ eagerly anticipated: Global Times editorial, https://www.globaltimes.cn/page/202312/1303451.shtml