Trong bối cảnh chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng chính trị mới giữa hai bờ eo biển Đài Loan, bên cạnh các biện pháp đáp trả về chính trị, đối ngoại và kinh tế, Trung Quốc đã đồng thời cho ra mắt Sách Trắng về Đài Loan với tựa đề: “Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc trong thời đại mới”.
Quan điểm và định hướng hành động của Trung Quốc
Xuyên suốt lịch sử hiện đại, quyết tâm thống nhất Đài Loan luôn được các nhà lãnh đạo Trung Quốc duy trì và ngày càng được thể hiện mạnh mẽ hơn. Sách Trắng Trung Quốc về Đài Loan lần này tiếp tục tuyên bố: “Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi việc giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất hoàn toàn Tổ quốc là sứ mệnh lịch sử không thể thay đổi của mình”. Và để đạt được mục tiêu thống nhất Đài Loan, Trung Quốc đã xác định rõ cần phải “đoàn kết và lãnh đạo đồng bào hai bên eo biển, đưa tình hình eo biển Đài Loan từ căng thẳng đối đầu sang căng thẳng, cải thiện và tiến tới con đường phát triển hòa bình”.
Một điểm đáng lưu ý ở đây đó là việc quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục định hướng thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình, hướng đến xóa bỏ tình trạng “đối đầu” giữa hai bờ eo biển. Điều này có phần mâu thuẫn so với một số luồng dư luận quốc tế hiện nay khi đánh giá về những phản ứng đáp trả của Trung Quốc trong khủng hoảng eo biển Đài Loan thời gian qua. Nhiều học giả cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng chuẩn bị cho phương án thu hồi Đài Loan bằng vũ lực.
Phương hướng của Trung Quốc trong tương lai
Để đạt được mục tiêu thống nhất, thông qua Sách Trắng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vạch ra những giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và “Đồng thuận năm 1992”, thúc đẩy các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo hai bên, tăng cường giao lưu và tương tác xuyên eo biển.
Hai là, thực thi khái niệm “hai bên eo biển một gia đình”, lấy hạnh phúc của đồng bào hai bên eo biển làm cơ sở, thúc đẩy sự phát triển chung, hoàn thiện thể chế, chính sách và các biện pháp thúc đẩy giao lưu, hợp tác xuyên eo biển, bảo vệ hạnh phúc của Nhân dân Đài Loan, tạo mọi điều kiện cho Nhân dân Đài Loan cư trú, chia sẻ cơ hội phát triển cùng với Nhân dân Đại Lục.
Ba là, hạn chế và loại bỏ sự cản trở của lực lượng đòi ly khai, sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, duy trì xu hướng phát triển giao lưu, hợp tác thay vì căng thẳng, đối đầu. Đồng thời, mạnh mẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chiến đấu chống lại những kẻ cứng đầu đòi “Đài Loan độc lập”, ngăn chặn có hiệu quả các lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập”.
Như vậy, bên cạnh các biện pháp hòa bình được xác định là xu hướng chủ đạo trong chính sách của Trung Quốc, nước này cũng bỏ ngỏ khả năng sử dụng các biện pháp mạnh khác nhằm đạt được mục tiêu thống nhất đất nước, chống lại các thế lực đòi ly khai Đài Loan. Điều này cũng có thể nhận ra thông qua việc Sách Trắng năm 1993 và 2000 có nêu đến việc “sẽ không đưa quân đội hoặc nhân viên hành chính đến Đài Loan”, nhưng Sách Trắng năm 2022 thì hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Rõ ràng, trong trường hợp cần thiết, ở một bối cảnh phù hợp, việc sử dụng quân đội là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Những dự đoán cho tương lai
Không có một mốc thời gian cụ thể cho tham vọng thống nhất đất nước của Trung Quốc được nêu ra trong Sách Trắng, tuy nhiên có một số điểm đáng lưu ý trong đó. Trung Quốc một lần nữa nhận định con đường thống nhất là một con đường không suôn sẻ, nhưng chỉ cần tất cả thế hệ trẻ, đồng bào hai bên bờ eo biển một lòng, một ý chí thì nhiệm vụ lịch sử thống nhất đất nước sẽ được hoàn thành.
Rõ ràng, bản thân Trung Quốc hiện tại chưa đủ tự tin để có thể hoàn thành mục tiêu lớn mà có thể sẽ phải chờ đến thế hệ tiếp theo kế tục sự nghiệp thống nhất đất nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều điểm khác so với Sách Trắng năm 1993 và 2000. Trung Quốc đang thể hiện cho thế giới thấy được họ đang ngày càng tiến đến gần mục tiêu của mình không chỉ vì nhờ ý chí quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo trên nền tảng sức mạnh kinh tế vượt trội mà còn bởi nhiều điều kiện thuận lợi khác.
Trong tương lai gần, Trung Quốc đang vươn mình mạnh mẽ thực hiện đại kế hoạch hùng cường nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Ở thời điểm đó, mọi dự đoán đều cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường lớn nhất toàn cầu, thay thế vị trí dẫn dắt thế giới của Mỹ ở hầu hết các lĩnh vực. Nhưng muốn hiện thực hóa điều đó, chắc chắn sứ mệnh thống nhất đất nước của Trung Quốc sẽ phải được thực hiện trước. Với đà phát triển như hiện nay, không có gì phải nghi ngờ điều đó, chỉ có điều, Trung Quốc sẽ hoàn thành được “sứ mệnh lịch sử” của mình bằng con đường hòa bình, hay sẽ có biến cố chính trị bất ngờ và một cuộc chiến liệu có thể nổ ra trong tương lai gần? Đây là một vấn đề khó nói trước trong bối cảnh quốc tế kể từ sau Chiến tranh lạnh chưa bao giờ có nhiều biến động mang tính đột biến như hiện nay./.
Hoàng Hải