Bộ phim Argo (Chạy thoát khỏi Teheran) lấy bối cảnh vụ bắt giữ con tin Iran năm 1979, tái hiện một cách nghệ thuật quá trình sáu nhà ngoại giao Mỹ trốn thoát khỏi Iran với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada. Nhờ cốt truyện kịch tính và hấp dẫn, bộ phim đã giành giải Oscar cho “Phim hay nhất” cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Mặc dù có nhiều khác biệt so với lịch sử và mang góc nhìn trọng tâm thiên về chủ nghĩa phương Tây, bộ phim vẫn phản ánh sự tin cậy và ăn ý giữa Mỹ và Canada trong thời khắc nguy cấp.
Vào thời điểm đó, chính phủ Canada đã mạo hiểm rất lớn để cung cấp nơi ẩn náu cho các nhà ngoại giao Mỹ và phối hợp toàn diện với các hành động của Mỹ. Khi đó, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Tip O’Neill cho biết: “Người Mỹ sẽ luôn biết ơn người bạn và đồng minh thân thiết của chúng tôi ở miền Bắc.” Thời gian trôi qua, khi gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump vung cây gậy thuế quan đối với Canada, dư luận trong nước Canada đã nhanh chóng hồi tưởng lại ký ức hợp tác lịch sử như vụ con tin Iran, vụ 11/9 và các sự kiện khác. Trách cứ Mỹ vì “sự bội tín” và bày tỏ sự thất vọng cũng như phẫn nộ đối với hành vi của Mỹ.
Ký ức lịch sử
Quan hệ quốc tế không giống như những kịch bản phim với tình tiết rõ ràng, mà luôn là sự kết hợp giữa đấu tranh quyền lực và cân nhắc lợi ích. Dù quan hệ Mỹ – Canada có vẻ bền chặt và gắn kết, nhưng lịch sử vẫn ghi nhận không ít những mâu thuẫn và xung đột giữa hai nước.
Quan hệ Mỹ – Canada bắt nguồn từ mối liên kết văn hóa và lịch sử giữa hai quốc gia, cũng như sự tương đồng về lợi ích địa chính trị và an ninh. Chính phủ Mỹ định nghĩa mối quan hệ với Canada là “một trong những mối quan hệ song phương gần gũi và toàn diện nhất”. Trong khi Chính phủ Canada gọi đây là “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ.
Vào tháng 05/1961, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy đã phát biểu trước Quốc hội Canada, khái quát sự gắn kết đa chiều giữa hai nước: “Địa lý khiến chúng ta trở thành láng giềng, lịch sử khiến chúng ta trở thành bạn bè, kinh tế khiến chúng ta trở thành đối tác, và nhu cầu quốc phòng khiến chúng ta trở thành đồng minh. Đây là sự gắn kết hoàn hảo, không ai có thể chia cắt.”
Tháng 3 năm 2023, Tổng thống đương nhiệm khi đó là Joe Biden một lần nữa nhấn mạnh tính đặc biệt của quan hệ hai nước trong bài phát biểu trước Quốc hội Canada. Ông khẳng định: “Không có hai quốc gia nào trên thế giới gắn bó chặt chẽ như Mỹ và Canada”, đồng thời cam kết rằng “Người dân Canada luôn có thể tin tưởng vào nước Mỹ”.
Nhờ có hai đại dương làm lá chắn tự nhiên, nước Mỹ sau khi giành độc lập đã tránh được sự xâm lược từ các thế lực bên ngoài trong một thời gian dài.Tuy nhiên, cuộc xâm lược nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ lại có liên quan trực tiếp đến Canada.
Năm 1812, mâu thuẫn giữa Anh và Mỹ lên đến đỉnh điểm. Trong khi Anh đang bận đối đầu với Pháp tại châu Âu, chính phủ Mỹ cho rằng Anh không đủ nguồn lực để quan tâm đến Bắc Mỹ nên đã tận dụng cơ hội này để mở rộng lãnh thổ về phía Bắc. Cuộc chiến này, do Mỹ chủ động tuyên chiến với Anh, sau này được Mỹ gọi là “Cuộc chiến giành độc lập lần thứ hai”.
Khi đó, Tổng thống Mỹ James Madison lạc quan cho rằng quân đội Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ từ người dân Canada, giúp nhanh chóng chiếm đóng vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Mỹ lại khiến cộng đồng người Anh và Pháp tại Canada đoàn kết chống lại kẻ thù bên ngoài, qua đó đặt nền móng cho bản sắc dân tộc Canada. Quân đội Anh phối hợp với lực lượng dân quân Canada đã phản công, tiến vào lãnh thổ Mỹ và vào tháng 8 năm 1814, họ chiếm được thủ đô Washington. Để trả đũa việc quân Mỹ trước đó đã phóng hỏa đốt thành phố York (nay là Toronto, Canada), quân Anh đã thiêu rụi nhiều công trình mang tính biểu tượng ở Washington, bao gồm Dinh Tổng thống và tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Cuộc chiến này đã có ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện Bắc Mỹ cũng như quá trình xây dựng quốc gia của Mỹ. Trong trận chiến khốc liệt tại Pháo đài McHenry ở Baltimore, lời bài hát của quốc ca Mỹ cũng ra đời.
Tuy nhiên, hiệp ước đình chiến “Hiệp ước Ghent” đã khôi phục biên giới phía Bắc Mỹ về nguyên trạng trước chiến tranh, khiến tham vọng kiểm soát toàn bộ Bắc Mỹ của Washington thất bại. Đến năm 1871, Mỹ chính thức công nhận quyền tự trị của Canada thông qua “Hiệp ước Washington”. Kể từ đó, chính phủ Mỹ không còn đưa ra bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào đối với Canada.
Hiện nay, Mỹ và Canada có chung đường biên giới trên đất liền dài nhất thế giới, lên tới 8.891 km. Biên giới này từng được mệnh danh là “biên giới không phòng vệ”, và so với những bức tường và hàng rào thép gai ở biên giới Mỹ – Mexico, sự khác biệt là rất rõ ràng.
Người láng giềng hùng mạnh trong thực tế
Năm 2024, chương trình truyền hình có tỷ lệ người xem cao nhất tại Canada chính là trận chung kết Super Bowl của Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL), thu hút tới 18,8 triệu người xem.
Khi Mỹ trở thành siêu cường, tầm ảnh hưởng của nước này đối với Canada ngày càng gia tăng. Từ ô tô, đồ gia dụng đến thiết bị điện tử, các sản phẩm sản xuất tại Mỹ chiếm lĩnh thị trường Canada, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân.Trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, Canada cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sức mạnh mềm của Mỹ. Phim ảnh, chương trình truyền hình, đài phát thanh, truyền thông tin tức, quảng cáo và báo chí của Mỹ được ưa chuộng rộng rãi, thậm chí còn phổ biến hơn cả các nội dung do Canada sản xuất.
Tuy nhiên, khi sống cạnh nước láng giềng hùng mạnh, Canada buộc phải thích nghi với những thay đổi và biến động trong chiến lược quốc tế, chính sách đối ngoại và phong cách lãnh đạo của Mỹ.
Mặc dù Tổng thống Kennedy từng gọi quan hệ Mỹ – Canada là “sự gắn kết hoàn hảo”, nhưng ông cũng không ngần ngại gây sức ép và can thiệp vào các quyết sách của Canada. Vào đầu những năm 1960 của thế kỷ 20, trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Canada đã chủ động dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc vốn được áp đặt từ thời Chiến tranh Triều Tiên, bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng như lúa mì sang Trung Quốc. Điều này khiến tổng thống Kennedy đã gây sức ép mạnh mẽ lên Thủ tướng Canada khi đó, John Diefenbaker, thậm chí đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt, can thiệp vào mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, Donald Trump tuyên bố rằng ông đang cân nhắc việc “sáp nhập” Canada, biến nước này thành “bang thứ 51 của Mỹ”. Dù đây là một kế hoạch được suy tính nghiêm túc hay chỉ là một chiêu bài nhằm gây sức ép lên Canada và khuấy động chính trường cùng dư luận nước này, tuyên bố của Trump rõ ràng đã làm dấy lên làn sóng chủ nghĩa dân tộc tại Canada. Mặc dù biên giới hai nước được xem là “biên giới không phòng vệ”, phần lớn người dân Canada không mong muốn trở thành công dân Mỹ. Theo kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu Angus Reid của Canada công bố vào ngày 14 tháng 1, ngay cả khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Mỹ, 90% người dân Canada vẫn sẽ bỏ phiếu phản đối.
Vấn đề an ninh biên giới đã trở thành “kính hiển vi” để quan sát sự rạn nứt trong lòng tin giữa Mỹ và Canada. Trong những năm gần đây, những căng thẳng trong hợp tác an ninh biên giới và thực thi pháp luật xuyên biên giới giữa hai nước ngày càng gia tăng. Nhiều kế hoạch như chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh mà Mỹ và Canada từng thúc đẩy đã bị trì hoãn do lo ngại của Canada về chủ quyền và quyền riêng tư. Đồng thời, theo thống kê từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, các vụ bắt giữ tại biên giới Mỹ – Canada đã tăng vọt lên 23.721 vụ vào năm 2024, gấp mười lần so với hai năm trước. Chính phủ Mỹ ngày càng nhấn mạnh rằng biên giới Mỹ – Canada đang phải đối mặt với sự xâm nhập của di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên biên giới, vấn đề ma túy và thậm chí là khủng bố. Từ đó thúc đẩy tăng cường kiểm soát biên giới dựa trên nhận thức về mối đe dọa. Điều này ngày càng xa rời logic quản lý biên giới truyền thống của Canada.
Mỹ và Canada cũng tồn tại những bất đồng trong việc chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ thông qua một loạt các sắp xếp chiến lược đã đưa Canada vào hệ thống phòng thủ Bắc Mỹ một cách toàn diện, khiến Canada không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Quá trình này càng được củng cố sâu sắc trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Năm 1958, Mỹ và Canada thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ, với thỏa thuận chia sẻ kinh phí theo tỷ lệ 60% do Mỹ đảm nhận và 40% do Canada đảm nhận. Tuy nhiên, do Canada gặp khó khăn kéo dài trong việc duy trì ngân sách quốc phòng, việc đóng góp kinh phí thực tế của hai nước đã trở thành một “mớ hỗn độn”. Chính phủ Mỹ nhiều lần chỉ trích Canada về việc đầu tư không đủ cho quốc phòng, lên án nước này không hoàn thành trách nhiệm của một đồng minh. Điều này đối lập rõ rệt với câu chuyện lý tưởng hóa về mối quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa hai nước.
Đến thời kỳ Donald Trump cầm quyền, vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn, khi ông áp dụng chính sách “mối quan hệ thân thiết, nhưng phải rõ ràng về tài chính”.
Mối liên kết lợi ích và những khó khăn về mặt cơ cấu
Sự khác biệt và ranh giới rõ ràng sẽ tiếp tục tồn tại. Hiện tại và trong tương lai, Mỹ và Canada sẽ tiếp tục có những mối liên kết lợi ích sâu rộng, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn về mặt cơ cấu.
Mỹ và Canada là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhau, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước có sự phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về sức mạnh tổng thể và quy mô nền kinh tế, Canada có sự phụ thuộc cấu trúc vào Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Năm 2023, 77% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Canada được chuyển đến Mỹ, trong khi khoảng một nửa tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Canada đến từ Mỹ. Cùng năm, hàng hóa nhập khẩu từ Canada chỉ chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Hoạt động thương mại quốc tế của Canada gần như xoay quanh Mỹ, trong khi Mỹ lại có một nguồn nhập khẩu đa dạng và phân tán. Mối quan hệ phụ thuộc kinh tế thương mại bất đối xứng này khiến Canada đặc biệt lo ngại trước các chính sách thuế quan và sự bất ổn trong chính sách của chính quyền Trump.
Cha của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Thủ tướng Pierre Trudeau, đã từng dùng hình ảnh “ngủ chung với voi” để ví von về việc làm láng giềng với Mỹ: “Dù con voi này có hiền hòa đến đâu, mọi động thái của nó đều sẽ ảnh hưởng đến bạn”. Vào đầu thế kỷ 20, Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thương mại giữa Canada và Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua cả thương mại giữa Canada và Anh. Điều này khiến nền kinh tế Canada ngày càng chịu ảnh hưởng từ sự biến động trong chính sách thương mại Mỹ. Năm 1930, Mỹ thông qua “Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley”, tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông sản và nhiều mặt hàng khác, khiến thu nhập xuất khẩu của Canada sụt giảm nghiêm trọng. Đến những năm 1990 của thế kỷ 20, nền kinh tế Canada tăng trưởng chậm, nhưng thương mại quốc tế lại nổi bật, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng liên tục của hàng xuất khẩu sang Mỹ. Các trường hợp khác nhau này đều làm nổi bật tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với Canada.
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada rất mật thiết, nhưng trong nhiều lĩnh vực, các tranh chấp thương mại lâu dài vẫn tồn tại. Các lĩnh vực tranh chấp truyền thống bao gồm ô tô, năng lượng, gỗ, lúa mì và sản phẩm từ sữa. Trong khi các lĩnh vực mới nổi liên quan đến thuế dịch vụ kỹ thuật số, tin tức và video trực tuyến, khoáng sản chiến lược.Trong các tranh chấp thương mại với Mỹ, Canada thường rơi vào thế bị động. Điều này chủ yếu do sự phụ thuộc cấu trúc vào chuỗi giá trị toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Bên cạnh đó, Canada vừa phải tìm cách phát triển quan hệ thương mại với Mỹ một cách công bằng và có đi có lại, vừa phải duy trì các quy tắc và giá trị kinh tế quốc tế do Mỹ chi phối. Mục tiêu kép này không phải lúc nào cũng có thể đạt được sự cân bằng. Xét về lịch sử các tranh chấp thương mại Mỹ – Canada, “kịch bản” thường là Mỹ khởi xướng tranh chấp, còn Canada lại phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc bảo vệ lợi ích quốc gia và chịu sức ép từ Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, tranh chấp kết thúc bằng việc Canada nhượng bộ và thỏa hiệp.
Ví dụ như vào năm 1996, Mỹ ban hành “Đạo luật Helms-Burton”, khiến Canada lên tiếng chỉ trích và phản đối, trở thành một ví dụ điển hình trong các tranh chấp thương mại giữa hai nước. Đạo luật này cho phép Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Canada vì thương mại với Cuba, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Canada. Mặc dù cả Mỹ và Canada đều thuộc hệ thống pháp lý thông thường, Canada phản đối việc Mỹ sử dụng quyền lực thể chế để quốc tế hóa chính sách nội bộ của mình. Đồng thời tích cực hợp tác với các quốc gia bị ảnh hưởng khác để chống lại điều này. Tuy nhiên, kết quả là chính phủ Canada không lâu sau đó đã phải nhượng bộ Mỹ bằng hành động thực tế. Các đạo luật mà Canada ban hành để phản đối “quyền tài phán mở rộng” của Mỹ hiếm khi được thực thi.
Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), có hiệu lực từ năm 2020 sẽ được xem xét lại vào năm 2026 để đánh giá tình hình thực thi. Nếu chính quyền Trump đưa các yêu cầu về chính sách bảo hộ vào trong khuôn khổ đàm phán, điều đó sẽ tạo ra thêm tính bất định cho quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada.
Mối quan hệ giữa hai nước phức tạp ở chỗ, nó vừa là tình đồng minh lý tưởng, vừa là xung đột lợi ích thực tế. Việc tổng thống Donal Trump trở lại Nhà Trắng có thể làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai bên trong các lĩnh vực an ninh và thương mại, mang lại những thách thức cho quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia. Nếu Mỹ muốn đạt được mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, điều này phụ thuộc vào khả năng xử lý tốt các mâu thuẫn nội bộ của họ, thay vì phóng đại mối đe dọa từ bên ngoài hoặc đàn áp và đe dọa các quốc gia khác. Như lời của Thủ tướng Justin Trudeau về quyết định áp thuế của Mỹ: “Nếu Tổng thống Trump muốn đưa Mỹ vào một ‘thời kỳ hoàng kim’ mới, ông ấy nên hợp tác với Canada thay vì trừng phạt chúng tôi.”
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Trần Trường Ninh là Phó Giáo sư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Tứ Xuyên
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]