Ngành thương mại, năng lượng của Nga đã vượt qua các tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt, bao vây kinh tế từ các nước phương Tây. Ước tính cho thấy Nga hiện đang chịu hơn 16.000 lệnh trừng phạt, nhiều hơn cả Iran, Cuba và Triều Tiên cộng lại. Tuy nhiên, không vì vậy mà Nga gục ngã trước cơn “bão” cấm vận bởi đằng sau Nga vẫn thực sự còn những “người bạn tốt” như Ấn Độ. Trong lịch sử, mối quan hệ Ấn Độ và Liên Xô được định hình ở mức “đối tác chiến lược ưu tiên đặc biệt”. Mối quan hệ đó giữa New Delhi – Moscow được gìn giữ cho đến tận ngày nay và càng nồng ấm khi ông Modi chọn Nga làm quốc gia đến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Vậy sẽ có những “cú hích” mới cho hợp tác song phương thương mại – năng lượng Ấn Độ – Nga hay không. Với triển vọng vươn tầm hợp tác hai nước trong bối cảnh biến động của cục diện an ninh chính trị và an ninh năng lượng toàn cầu hiện nay.
Tổng quan hợp tác thương mại và năng lượng Ấn – Nga những năm qua
Cơ sở cho sự hợp tác hiện nay giữa Ấn Độ và Nga được xây dựng thời thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1993 Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Ấn Độ – Nga được ký kết để tiếp nối quan hệ thêm bền chặt giữa hai nước. Bước sang thế kỷ XXI, những thách thức đối với sự hợp tác chặt chẽ trên dần xuất hiện. Đặc biệt khi xung đột Nga – Ukraine năm 2022 bùng nổ đẩy Nga hướng về Trung Quốc nhiều hơn và sức ép từ phía phương Tây đòi hỏi New Delhi nêu rõ lập trường về cuộc xung đột.
Mặc dù mối quan hệ Ấn Độ – Nga đã có dấu hiệu phức tạp hơn thời kỳ trước do nhiều yếu tố đặt Ấn Độ đứng trước những lựa chọn khó khăn. Thế nhưng, về mặt hợp tác thương mại và năng lượng giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu. Từ tháng 4/2022 thương mại giữa Nga và Ấn Độ đã tăng 250%. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2023 đạt 21,8 tỷ USD. Nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga tăng 4,2 lần trong khi xuất khẩu của Ấn Độ tới Nga đạt 1,3 tỷ USD[1]. Điều này cho thấy rằng cả hai bên đã thành công trong cải biến thị trường song phương, thiết lập một cơ sở kinh tế vững chắc cho lợi ích chung.
Về lĩnh vực năng lượng, quan hệ hợp tác mua bán chủ yếu với các mặt hàng năng lượng hóa thạch có bước tiến mạnh mẽ. Một phần sau khi diễn ra chiến sự, Nga đã chuyển hướng từ các đối tác phương Tây sang đẩy mạnh cung ứng cho thị trường phía Đông. Đặc biệt qua quyết định chuyển sang thanh toán bằng đồng Rupee đã giúp Ấn Độ tiết kiệm được đáng kể ngoại hối. Dựa trên dữ liệu nhập khẩu mới nhất từ Bộ Thương mại Ấn Độ, tỷ trọng dầu thô của Nga trong tổng nhập khẩu dầu của Ấn Độ đã tăng vọt từ mức khoảng 2% giai đoạn 2021-2022 lên khoảng 36% trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 2/2024[2]. Dầu, dầu diesel, than đá, phân bón nhân tạo và kim loại nhập khẩu từ Nga tăng hơn gấp 4 lần lên 46,3 tỷ USD[3].
Thoáng nhìn, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ – Nga diễn ra vô cùng mạnh mẽ ngoài dư âm chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên nếu nhìn rõ thì sự hợp tác đó chưa thực sự toàn diện. Thực tế, nguồn lợi giao từ giao thương thương mại và năng lượng đang dừng mở mức “tận dụng” tình hình. Ấn Độ cần nguồn cung cấp rẻ, dồi dào còn Nga cần thị trường để tiêu thụ. Để đạt triển vọng tiến xa hơn, hai nước cần tìm kiếm động lực mới trong hợp tác và khai thác tiềm năng dựa trên nền tảng quan hệ có tính lịch sử.
Những tiềm năng chưa được khai phá triệt để trong hợp tác thương mại và năng lượng song phương
Ngoại trưởng Ấn Độ ông Jaishankar trong chuyến thăm Nga cuối năm 2023 nhấn mạnh quan hệ đối tác Ấn Độ – Nga theo thời gian vẫn ổn định và kiên cường thể hiện bằng tinh thần của Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền[4]. Dù vậy, thặng dư trong thương mại giữa Nga với Ấn Độ chưa được quan tâm khai thác theo chiều sâu xoáy vào những tiềm năng chưa được đánh giá đúng mức. Tình trạng này rất dễ đến việc Mỹ sẽ nhảy vào thay thế vị trí của Nga trong các dự án năng lượng. Đồng thời đẩy Nga ngày càng sát gần hơn với Trung Quốc. Để tháo những điểm nghẽn này, New Delhi cùng Moscow nên rà soát lại nhu cầu thị trường và hướng tới đầu tư vào những tiềm năng còn chưa được tận dụng hiệu quả.
Giữa năm ngoái, Ấn Độ đã chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, đặc biệt thị trường tiêu dùng Ấn Độ đang tăng tốc ấn tượng nhờ sự gia tăng số hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao. Thế nhưng, một thị trường lớn như vậy chưa phát huy được hết giá trị tương xứng. So về thương mại Ấn – Nga năm 2023 chỉ đạt đạt 54,7 tỷ USD[5], bằng một nửa khi đối chiếu với kim ngạch thương mại song phương Nga – Trung đạt tới 134,1 tỷ USD[6]. Chính sách kinh tế của Nga cần sự quan tâm nhiều hơn nữa về sức hút lớn từ thị trường Ấn Độ. Ngành sản xuất hàng tiêu dùng, nguyên – vật liệu xây dựng, điện tử, hóa chất ở Nga sẽ tìm được giải pháp tiêu thụ mới ngoài châu Âu bởi chỉ tính riêng thị trường Ấn Độ đã chiếm tới 17,7% dân số thế giới.
An ninh lương thực là một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác. Nga là nhà sản xuất nông sản và phân bón lớn trên toàn cầu. Trong khi Ấn Độ là quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Doanh số xuất khẩu phân bón cho Ấn Độ đã tăng lên 2,1 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2022. Các nhà xuất khẩu nông nghiệp Nga nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với dầu hướng dương và dầu đậu nành, các loại đậu và các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Các công ty nông nghiệp Ấn Độ cũng tỏ ra quan tâm đến việc hợp tác về công nghệ trang trại theo mô hình quản lý kiểu Nga[7].
Đại dịch Covid-19 cùng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung do ông Donald Trump khởi xướng đã khiến cho nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều trở ngại. Chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc từ các tập đoàn lớn đưa đến cho Ấn Độ lợi thế trở thành “công xưởng mới” của thế giới. Nhưng Ấn Độ cũng vướng phải một khó khăn lớn nếu đón tiếp các nhà máy lớn đó là vấn đề thiếu điện nghiêm trọng. Quốc gia Nam Á phải nhập khẩu rất nhiều năng lượng hóa thạch như than sử dụng trong sản xuất điện đang ở mức cao 74,2% trong khi biến đổi khí hậu làm cho thủy điện không đáp ứng nổi yêu cầu năng lượng[8]. Việc đổi mới cơ sở hạ tầng đặc biệt tăng cường sử dụng nguồn năng lượng ít phát thải như năng lượng hạt nhân trở thành yêu cầu cấp thiết với Ấn Độ. Nga lại là quốc gia có kinh nghiệm cao trong vấn đề điện hạt nhân. Một cơ hội mới mở ra trong hợp tác năng lượng giữa hai quốc gia không dừng lại ở mua bán tài nguyên hóa thạch thông thường. Đây cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác song phương trọng điểm – hai nước đã ký thỏa thuận tiến hành triển khai lò phản ứng thứ 5 và thứ 6 cho dự án Kudankulam bang Tamil Nadu. Ông Likhachev CEO của Tập đoàn Rosatom cho biết: “Sẵn sàng mở rộng hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”[9]. Hai nước cũng đang thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực chu trình nhiên liệu hạt nhân, cũng như các ứng dụng công nghệ hạt nhân phi năng lượng.
Ngoài tiềm năng về thương mại và năng lượng một tiềm năng rộng mở hơn về giá trị kinh tế mang lại đó là thương mại quốc phòng. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới chiếm 9,8% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu đa phần có nguồn gốc từ Nga. New Delhi cũng bắt đầu đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu quân sự. Trong bối cảnh an ninh quốc tế nổi lên nhiều nguy cơ xung đột hiện nay và cuộc chiến tại Ukraine cho thấy Ấn Độ có thể mở rộng hướng tới sản xuất thiết bị quân sự phòng thủ cho Moscow. Tháng 12/2023, Nga và Ấn Độ đã đạt được tiến triển trong đàm phán về kế hoạch cùng sản xuất trang thiết bị quân sự. Xung đột Nga – Ukraine cho thấy các phương thức tác chiến UAV vô cùng hiệu quả và gây thiệt hại đáng kể. Hãng công nghệ quốc phòng Zen Technologies của Ấn Độ cung cấp giải pháp ZADS toàn diện trong việc vô hiệu hóa UAV đối phương. Thời gian tới các hệ thống ZADS được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại Nga để hỗ trợ quân đội ứng phó với UAV của Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga.
“Cú hích” mới cho hợp tác song phương về thương mại, năng lượng
Động lực cố hữu trong quan hệ hợp tác gắn kết Ấn Độ – Nga được thể hiện có nguyên tắc và nhất quán với định hướng không liên kết. Nền tảng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, được khẳng định từ thời cựu thủ tướng Jawaharlal Nehru trước sự gia tăng tìm kiếm ảnh hưởng lên Ấn Độ để đạt được lợi ích. Tuy nhiên, đối với Nga, Ấn Độ luôn dành một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại với quốc gia này. Một phần vì sự gắn bó lịch sử, một phần vì vị thế đặc biệt của Nga trong chiến lược của Ấn Độ với Trung Quốc. Hợp tác với Moscow luôn đem lại nhiều lợi ích hơn cho New Delhi, do đó dù đứng trước sức ép từ phương Tây trong việc cố gắng lôi kéo Ấn Độ vào khối cô lập Nga nhưng đều thất bại. Hợp tác song phương với Nga về các lĩnh vực thương mại, năng lượng hiện nay giúp Nga trụ vững nền kinh tế và không để Nga ngả hoàn toàn vào Trung Quốc.
Thúc đẩy sự hợp tác hai nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của quan hệ đối tác chiến lược bền chặt và mở rộng. Chiều 8/7/2024, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Modi sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 và là chuyến thăm đầu tiên đến Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga – Ukraine. Trước buổi hội đàm, Thủ tướng Modi phát biểu trước truyền thông rằng “Nga là người bạn thực sự của Ấn Độ”[10]. Tiếp đó, hai bên đã thông qua tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Nga – Ấn Độ lần thứ 22, trong đó, 9 văn kiện hợp tác đã được ký kết – chủ yếu trong không gian kinh tế. Một chương trình hợp tác cho đến năm 2030 nhằm phát triển thương mại, nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, hợp tác công nghiệp và lĩnh vực công nghệ cao[11].
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, người đang thực hiện những chính sách vô cùng hiệu quả khơi dậy Ấn Độ từ một quốc phát triển thiếu cân bằng đến sẵn sàng trở thành cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI. Thật vậy, khi châu Âu tư bản đến thời điểm phát sinh khủng hoảng, trì trệ cũng là lúc những cường quốc đang lên như Ấn Độ vươn lên. Ấn Độ đang trong quá trình nỗ lực trở thành một cực trong thế giới đa cực ở tương lai. Với chủ trương “không liên kết”, theo đuổi lợi ích quốc gia là đặc điểm trong chính sách đối ngoại của New Delhi nhằm tối đa hóa mọi cơ hội trao đổi thương mại có lợi cho một quốc gia nhập khẩu hàng hóa thứ ba thế giới.
Động lực thúc đẩy tăng cường kết nối thương mại, năng lượng Ấn Độ – Nga thêm phát triển nhanh chóng và tiết kiệm hơn đến từ việc hai bên nhất trí khai thác các tuyến vận tải biển mới. Sau sự việc lực lượng Houthi gia tăng hoạt động tại Biển Đỏ và kênh đào Suez gây gián đoạn hành lang hàng hải phía Tây. Ấn Độ và Nga đang đẩy nhanh sử dụng các tuyến vận tải thay thế, bao gồm Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) và Hành lang hàng hải phía Đông (EMC) kết nối giữa Vladivostok và Chennai mang lại lợi ích cho hoạt động buôn bán than trong tương lai. Phát triển NSR mở ra tiềm năng trở thành trung tâm thương mại cảng và năng lượng mới cho vùng Viễn Đông Nga, đồng thời giúp Ấn Độ tăng cường sự hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương. “Việc vận hành Hành lang Hàng hải phía Đông sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Nga” – Bộ trưởng Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ, Sarbananda Sonowal cho biết[12].
Giới hạn nào cho quan hệ thương mại Ấn – Nga?
Ấn Độ là một trong số ít quốc gia không chọn đứng về phía “trật tự dựa trên luật lệ” của phương Tây, không ủng hộ nỗ lực cô lập Nga. Bất chấp sức ép ngày càng gia tăng, lập trường của New Delhi về xung đột Nga – Ukraine vẫn không thay đổi. Trước những nghi vấn về việc Ấn Độ gia tăng mua bán năng lượng với Nga trong khi Nga đang bị áp trừng phạt có phải Ấn Độ đang hỗ trợ cho cuộc chiến tại Ukraine. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã chỉ ra rằng: “thu nhập bình quân đầu người là hai nghìn đô la, đây không phải là những người có đủ khả năng chi trả cho giá năng lượng cao hơn” đó là lý do thực sự vì sao Ấn Độ gắn bó với Nga như vậy[13].
Trong bối cảnh Nga đang phải chịu các lệnh cấm vận của phương Tây, Ấn Độ đang có nhiều động lực để khai phá hơn nữa những tiềm năng trong mối quan hệ với Nga. “Các biện pháp trừng phạt được đưa ra và mở rộng chống lại Nga, trong trường hợp này, đã có tác dụng ngược và trở thành chất xúc tác cho mối quan hệ thương mại giữa Nga và Ấn Độ”, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov chia sẻ[14]. Có thể thấy, lợi ích kinh tế trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia lớn hơn những giới hạn chính trị mà cuộc xung đột tại Ukraine đang tác động. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra nhiều thách thức, tuy nhiên, Nga và Ấn Độ đã vượt qua hầu hết rào cản và quan hệ hợp tác giữa hai nước đang tiếp tục phát triển dựa trên những lợi ích chung. Ngoài hợp tác song phương Ấn Độ và Nga hướng tới mở rộng hơn lĩnh vực thương mại trong các cơ chế đa phương mà hai quốc gia tham gia. Hai nước cũng hợp tác với nhau theo các khuôn khổ đa phương của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Khối BRICS, G20 và Liên hợp quốc. Ấn Độ đặt sự quan tâm lớn đến hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu do Nga đứng đầu, bằng cách hoàn thiện các hệ thống thanh toán chung thuận tiện hơn trong các giao dịch thương mại, mua bán năng lượng.
Bên cạnh những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương nhưng tiềm năng của quan hệ Ấn Độ – Nga vẫn chưa được phát huy tối đa do thiếu sự kết nối giữa hai nước. Đặc biệt trong bối cảnh hợp tác thương mại hai nước lớn dần hiện nay. Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC), kết nối Ấn Độ với Nga thông qua Iran được lên kế hoạch từ lâu song đến nay vẫn chưa được triển khai thực tế. Cùng với đó, dù cả hai bên đã quản lý khá tốt mối quan hệ song phương trước tình trạng hỗn loạn toàn cầu hiện nay, nhưng vẫn nên cảnh giác với thực tế rằng các cuộc cạnh tranh địa chính trị mới tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể tác động bất ngờ đến quan hệ Nga – Ấn. Nhân tố Mỹ và Trung Quốc là một rào cản để hai nước có thể đặt hoàn toàn lòng tin vào nhau trong các vấn đề quan trọng hơn thương mại. Nga và Ấn Độ cần đảm bảo với nhau rằng mối quan hệ của họ với nước thứ ba không tác động tiêu cực đến quan hệ song phương. Tương tự, hai bên cần sớm ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư song phương để tạo thuận lợi cho đầu tư. Các rào cản phi thuế quan trong thương mại cũng cần nhanh chóng dỡ bỏ. Mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm của hai bên chưa đầy đủ và kém phát triển. Những vấn đề này cần được giải quyết để củng cố tiềm năng thương mại và kinh tế của hai bên[15].
Nhìn lại quan hệ giữa hai nước, có thể nói, mặc dù vẫn có những vướng mắc và khác biệt trong chính sách ngoại giao, như việc Ấn Độ hoạt động trong “Tứ giác An ninh” với Mỹ, Australia và Nhật Bản hay việc Nga xích lại gần Trung Quốc, song hai nước vẫn luôn tìm cách để mối quan hệ này đi theo hướng đem lại lợi ích tối đa cho cả hai bên.
Hợp tác năng lượng Ấn – Nga có làm xáo trộn cục diện an ninh năng lượng toàn cầu?
Cuộc chiến tại Ukraine không chỉ có tác động làm thay đổi cục diện an ninh – chính trị mà đã và đang tạo ra những thay đổi trên bản đồ năng lượng toàn cầu. Trong khi Nga là quốc gia khai thác và sản xuất dầu mỏ, khí đốt cùng năng lượng hóa thạch hàng đầu thế giới đang gặp khó khăn vì “bão” cấm vận từ phương Tây. Thị trường châu Âu thắt chặt nhập khẩu dầu Nga trong khi Nga mở rộng cung cấp sản phẩm này cho các quốc gia khác ở châu Á. Ấn Độ và Nga đã có sự hợp tác thành công trong tăng cường trao đổi lĩnh vực năng lượng. Điều này liệu có ý nghĩa như thế nào đối với cục diện an ninh năng lượng toàn cầu?
Câu trả lời nằm ở chính thực tế bức tranh năng lượng thế giới năm qua khi xung đột tại Ukraine và Gaza như yếu tố để kiểm chứng tính ổn định của tình hình an ninh năng lượng. Trong tổng số 2.800 tỷ USD thế giới đầu tư vào năng lượng năm 2023, hơn 1.700 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Chỉ hơn 1.000 tỷ USD cho ngành than, khí đốt và dầu mỏ[16]. Trước vấn đề siết nguồn cung từ Nga, thế giới vẫn tìm được giải pháp để giải cơn khát năng lượng. Hiện nay, về cơ bản đa phần châu Âu đã tích trữ đủ khí đốt cho mùa Đông. Trong bối cảnh các đường ống dẫn năng lượng sang Liên minh châu Âu bị Nga kiểm soát chặt hơn. Châu Âu đã và đang có được nguồn năng lượng tiếp ứng từ Mỹ, Trung Đông, Châu Phi….
Về phần mình, Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Những động thái của Nga sẽ định hình lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Thực tế, hợp tác năng lượng Ấn Độ – Nga không xáo trộn cục diện an ninh năng lượng toàn cầu mà còn giúp Nga giải được bài toán tiêu thụ. Moscow đã tìm thấy nhu cầu dầu thô tăng lên ở Châu Á. Đối với Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu và bán dầu đã qua chế biến ở các thị trường như Châu Âu, nơi dầu diesel có nhu cầu cao cho thấy vai trò của New Delhi trong ổn định thị trường dầu khí toàn cầu. Bằng cách đó, Ấn Độ đã “hợp pháp hóa” dầu bị EU cấm trở thành sản phẩm được nhập khẩu vào EU giúp cân bằng giữa cung và cầu tránh tình trạng đẩy giá do khan hiếm.
Như vậy, hợp tác năng lượng Ấn – Nga tạo ra chuỗi cung ứng mới bình ổn thị trường dầu khí không những thế còn góp phần giảm lạm phát toàn cầu. Trong tương lai các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga ngày càng gia tăng sẽ bùng nổ thương mại song phương giữa hai nước cao hơn nữa. Những “cú hích” mới cho hợp tác thương mại, năng lượng Ấn Độ – Nga sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa về sau. Từ đây có thể rút ra được cả hai quốc gia đều đang đạt được những thành công trong chính sách “hướng đông” nhằm cùng kết hợp khai thác những tiềm năng của thị trường châu Á – Thái Bình Dương “màu mỡ”./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] VTV Online (2023), “Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ”. https://vtv.vn/the-gioi/nga-tro-thanh-doi-tac-thuong-mai-lon-thu-tu-cua-an-do-20230622193342027.htm
[2] Thanh Hà (2024), “Dầu của Nga giúp Ấn Độ tiết kiệm hàng tỉ USD”, Báo Lao Động. https://laodong.vn/the-gioi/dau-cua-nga-giup-an-do-tiet-kiem-hang-ti-usd-1334682.ldo
[3] The Hindu (2023), “Old friends: On Russia-India bilateral ties and the Ukraine issue”. https://www-thehindu-com.translate.goog/opinion/editorial/old-friends-the-hindu-editorial-on-russia-india-bilateral-ties-and-the-ukraine-issue/
[4] The India Express (2023), “External Affairs Minister Jaishankar to visit Russia from Dec 25-29”. https://indianexpress.com/article/india/external-affairs-minister-jaishankar-visit-russia-december-9081494/
[5] Quỳnh Chi (2023), “Thương mại Nga – Ấn Độ đạt 100 tỷ USD”, VTV Online. https://vtv.vn/the-gioi/thuong-mai-nga-an-do-dat-100-ty-usd-2023122313352163.htm
[6] Gia Huy (2023), “Thương mại Nga – Trung Quốc bùng nổ”, Báo Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/thuong-mai-nga-trung-quoc-bung-no-738273
[7] Liên Hà (2023), “Nga “xích lại” Ấn Độ với tham vọng ngoài hợp tác năng lượng”, Kinh tế & Đô thị. https://kinhtedothi.vn/nga-xich-lai-an-do-voi-tham-vong-ngoai-hop-tac-nang-luong.html
[8] Hoàng Linh (2023), “Ấn Độ gia tăng sử dụng than để ứng phó tình trạng thiếu điện”, Hà Nội mới. https://hanoimoi.vn/an-do-gia-tang-su-dung-than-de-ung-pho-tinh-trang-thieu-dien-639959.html
[9] Nh. Thạch (2024), “Nga và Ấn Độ hợp tác thúc đẩy năng lượng hạt nhân tiên tiến”, TASS. https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-va-an-do-hop-tac-thuc-day-nang-luong-hat-nhan-tien-tien-711827.html
[10] Muhammad Nooh Osman (2024), “Modi Visits Russia: ‘True Friend’ Moscow Never Promoted Anti-India Activities, Unlike West-Expert”, Sputnik. https://en.sputniknews.africa/20240709/modi-visits-russia-true-friend-moscow-never-promoted-anti-india-activities-unlike-west–expert-1067430386.html
[11] VTV Online (2024), “Hội nghị thượng đỉnh Nga – Ấn Độ khẳng định mối quan hệ đối tác bền chặt và mở rộng giữa hai nước”. https://vtv.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-nga-an-do-khang-dinh-moi-quan-he-doi-tac-ben-chat-va-mo-rong-giua-hai-nuoc
[12] Moohita Kaur Garg (2023), “India and Russia to explore new maritime routes for trade expansion”, Wion News. https://www.wionews.com/world/india-and-russia-to-explore-new-maritime-routes-for-trade-expansion-635772
[13] The Hindu (2022), “India has never been defensive about stand on buying Russian oil: S. Jaishankar in Thailand”. https://www.thehindu.com/news/national/india-has-never-been-defensive-about-stand-on-buying-russian-oil-s-jaishankar-in-thailand/article65778019.ece
[14] Hà Hùng (2023), “Các lệnh trừng phạt của phương Tây kéo Nga, Ấn Độ lại gần nhau hơn” ,Báo Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cac-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-keo-nga-an-do-lai-gan-nhau-hon-719478
[15] Vũ Thanh (2024), “Lý do quan hệ Ấn Độ – Nga cần hướng tới một quỹ đạo mới”. Báo Tin Tức. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-quan-he-an-do-nga-can-huong-toi-mot-quy-dao-moi-20240109092048984.htm
[16] Minh Quân (2024), “Bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023”, Năng lượng Quốc tế. https://nangluongquocte.petrotimes.vn/buc-tranh-nang-luong-toan-cau-nam-2023-704990.html