Ngày 30 tháng 8, Tòa án Tối cao Brazil đã cấm X – nền tảng mạng xã hội trước đây được biết đến với tên Twitter – khỏi Internet của nước này. Lệnh cấm là đỉnh điểm của cuộc chiến kéo dài nhiều tháng giữa Elon Musk, chủ sở hữu nền tảng, là người giàu nhất thế giới với Alexandre de Moraes, một trong những thẩm phán của tòa án. Moraes được giao nhiệm vụ điều tra vai trò của thông tin sai lệch trực tuyến trong các nỗ lực nhằm giữ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại vị, cho dù ông đã thất bại trong cuộc bầu cử. Là một phần của nhiệm vụ này, Moraes đã ra lệnh cho X gỡ bỏ hàng trăm tài khoản lan truyền thông tin sai lệch. Đáp lại, nền tảng này cáo buộc vị thẩm phán vi phạm tự do ngôn luận. Musk đã rút các đại diện mà X cần để hoạt động hợp pháp tại Brazil. Việc này đã khiến vị thẩm phán chặn hoàn toàn người dân Brazil truy cập vào nền tảng này.
Musk không hài lòng với quyết định trên, so sánh Moraes như một “bạo chúa ác độc”. Nhưng Musk không chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích gay gắt. Theo The New York Times, ông đã chủ động tìm cách vượt qua lệnh cấm. Đầu tiên, Musk khuyến khích người dân Brazil sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để tránh bị chặn. Sau đó, mạng vệ tinh Starlink của ông tiếp tục cung cấp quyền truy cập vào trang web, cung cấp dịch vụ Internet trực tiếp từ không gian cho người dùng. Cuối cùng, X đã điều hướng lại lưu lượng Internet của mình thông qua các máy chủ mới, cho phép nó hoàn toàn vượt qua các kiểm soát viễn thông của Brazil.
Dưới áp lực ngày càng gia tăng từ chính quyền tại một quốc gia có số lượng lớn người dùng X (và tịch thu tài sản), Công ty cuối cùng đã đồng ý chặn các tài khoản thông tin sai lệch và trả tiền phạt. Tuy nhiên, sự phớt lờ mà một ông trùm công nghệ có thể thách thức quyết định của một quốc gia khiến một thực tế đáng sợ trở nên rất rõ ràng: các chính phủ dân chủ đã mất đi vị thế thống trị của mình trong thế giới kỹ thuật số. Thay vào đó, các công ty và giám đốc điều hành của họ ngày càng nắm quyền kiểm soát. Sự chuyển giao quyền lực này là hệ quả của việc xã hội phụ thuộc một cách hệ thống vào các công ty công nghệ, những vùng xám pháp lý mà họ hoạt động, và những đặc điểm riêng biệt của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Đây là sản phẩm của việc các tổ chức công bị tước đoạt kiến thức kỹ thuật, quyền lực và trách nhiệm về công nghệ. Đó là thực tế mà nhiều thế hệ chính trị gia thuộc các đảng phái khác nhau đã để nó xảy ra.
Nếu nền dân chủ muốn tồn tại, các nhà lãnh đạo phải đối mặt trực tiếp với cuộc “đảo chính” này. Họ cần giảm sự phụ thuộc quá mức vào các công ty công nghệ lớn. Đồng thời phải thúc đẩy công nghệ vì lợi ích công cộng như một đối trọng. Họ cũng cần xây dựng lại chuyên môn công nghệ của chính mình. Quan trọng nhất, họ phải thiết lập những cơ chế quản lý hiệu quả và sáng tạo để có thể buộc các công ty công nghệ (và cả chính phủ sử dụng công nghệ) phải chịu trách nhiệm một cách thiết thực. Việc này là cần thiết để duy trì xã hội kỹ thuật số mở, tự do và năng động dựa trên nền tảng luật pháp.
Trường hợp của Brazil là lời nhắc nhở rằng vẫn chưa quá muộn. Các cơ quan dân chủ có thể giành lại chủ quyền của mình và khẳng định quyền lực trong lĩnh vực công nghệ có hiệu quả nếu họ quyết định sử dụng sức mạnh của mình.
SỨC MẠNH KHỔNG LỒ
Các công ty tư nhân liên tục tạo ra những phát minh công nghệ mới, nhưng các nhà lập pháp đã không theo kịp. Ở Mỹ có hai quy định công nghệ quan trọng là Đạo luật đạo đức trong Truyền thông (Communication Decency Act) và Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act) đã được thông qua từ nhiều thập kỷ trước vào các năm 1996 và 1998, trước khi Steve Jobs nghĩ đến việc phát minh ra iPhone. Trong những năm sau đó, các công ty công nghệ đã tiến xa từ việc phát triển sản phẩm đến vận hành các hệ thống, ảnh hưởng đến những lĩnh vực trước đây vốn do nhà nước quản lý, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng số và các đảm bảo an ninh của nó. Bằng cách tung ra những công cụ và dịch vụ mạnh mẽ vào một thế giới thiếu sự bảo vệ hợp lý, các công ty công nghệ đã trở thành những người điều hành trên thực tế cho các công nghệ có ý nghĩa địa chính trị lớn, bao gồm hệ thống nhận dạng khuôn mặt, kết nối Internet vệ tinh, và một số khía cạnh của thu thập thông tin tình báo.
Microsoft có Trung tâm Tình báo Mối đe dọa, thu thập thông tin như thể họ là Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Các công ty tiền điện tử tự in tiền như Cục Dự trữ Liên bang. Danh mục năng lượng sạch của Amazon còn vượt qua một số quốc gia dù họ vẫn xây dựng các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều năng lượng.
Khi quyền lực của họ gia tăng, các CEO công nghệ ngày càng trở thành những nhân vật lớn hơn trong cuộc sống. Musk có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất khi ông trực tiếp tấn công các nhà lãnh đạo thế giới và tham gia vào chính trị. Nhưng các giám đốc điều hành khác cũng chiếm một vị trí rất lớn trong đời sống công chúng. Giám đốc điều hành của Meta -Mark Zuckerberg thường xuyên bị triệu tập ra làm chứng trước Quốc hội. Ông đã lập luận rằng hoạt động kinh doanh của ông là chìa khóa để Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc (và do đó nên giữ nguyên). Các giám đốc điều hành của Alphabet, Amazon và Microsoft cũng thường xuyên xuất hiện ở Washington. Trong một phiên điều trần, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John F. Kennedy thậm chí đã hỏi Sam Altman, CEO của OpenAI, liệu ông có thể điều hành một cơ quan quản lý AI của Mỹ hay không. Các chính trị gia đã thoái thác trách nhiệm của mình cho những nhà lãnh đạo công nghệ không được bầu cử và không chịu trách nhiệm.
Kết quả là, các công ty công nghệ lớn và nhỏ hiện nay đang nắm giữ quyền lực chưa từng có đối với ngay cả những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất. Ví dụ, họ thống trị trong việc quản lý các cáp dữ liệu dưới biển, vốn là hệ thống vận chuyển cho hầu hết lưu lượng Internet trên thế giới. Gần 99% dữ liệu của toàn cầu đi qua chúng, bao gồm 10 nghìn tỷ USD giao dịch tài chính hàng ngày và các thông tin chính phủ nhạy cảm. Nếu không có các tuyến cáp này, mọi hoạt động thiết yếu sẽ không thể thực hiện. Do đó, chúng cần phải được quản lý và bảo vệ bởi các quốc gia hoặc các tổ chức liên Chính phủ. Nhưng thay vào đó, các công ty xây dựng, sử dụng và duy trì chúng trong khi các nhà lập pháp đứng ngoài cuộc.
Các công ty công nghệ cũng tham gia sâu vào các bộ máy hành chính nhà nước, khiến chính phủ dễ bị ảnh hưởng theo những cách bình thường nhưng nghiêm trọng. Ví dụ, vào năm 2013, cơ quan thuế Hà Lan đã triển khai các đánh giá rủi ro thuật toán gây tranh cãi do tư nhân xây dựng để xác định những người nộp thuế gian lận. Đây thực sự là một thảm họa: Hàng ngàn gia đình đã mất nhà cửa, việc làm và quyền nuôi con do đánh giá sai, bao gồm cả việc phân biệt chủng tộc vì công cụ đánh giá rủi ro không minh bạch này đã hoạt động một cách máy móc và phân biệt. Hậu quả chính trị cuối cùng đã khiến Chính phủ phải từ chức và làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người dân vào nhà nước. Nhưng công ty đã triển khai phần mềm bị lỗi đó lại không bị tổn hại gì mấy. Các thuật toán tương tự vẫn đang được sử dụng và có mặt trên thị trường toàn thế giới, có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa.
VŨ KHÍ CHIẾN TRANH
Sự thâu tóm quyền lực của công nghệ còn mở rộng đến hoạt động cốt lõi khác của các quốc gia: chiến tranh. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng một cách gây tranh cãi để xác định một số lượng lớn mục tiêu ở Gaza. Ukraine sử dụng các công ty vệ tinh để thu thập thông tin tình báo và liên lạc. Sự phụ thuộc này đã tạo ra sức ảnh hưởng đáng kể cho các công ty công nghệ trong cách các quốc gia xử lý các vấn đề quốc phòng của mình. Một trong những công ty mà Ukraine phụ thuộc, chẳng hạn như Starlink, Công ty đã khuyến khích Musk tham gia vào diễn biến của cuộc xung đột. Ông đã làm như vậy để kêu gọi đàm phán hòa bình theo hướng mà Kremlin mong muốn, điều này đã khiến Kiev và những người ủng hộ họ khó chịu.
Trong những trường hợp khác, các công ty công nghệ đã trở thành bên trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột. Các cuộc đối đầu ngày càng diễn ra trong không gian mạng. Do đó các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào các công ty tư nhân cho quốc phòng. Hãy xem điều gì đã xảy ra khi mạng lưới của Colonial Pipeline bị tấn công bằng ransomware vào năm 2021. Công ty này là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất ở Mỹ. Vì vậy cuộc tấn công đã ngăn chặn dòng chảy dầu ở hầu hết bờ biển phía Đông của Mỹ. Nhiều bang ở Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi hàng dài xe xếp hàng tại các trạm xăng. Các chuyến bay phải được điều chỉnh lại. Tại một cuộc họp với các giám đốc công nghệ sau cuộc tấn công, Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận rằng “thực tế là hầu hết cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta thuộc sở hữu và vận hành bởi khu vực tư nhân.” Ông tiếp tục: “Chính phủ liên bang không thể một mình đối mặt với thách thức này.” Đây là một thừa nhận công khai hiếm hoi rằng chính phủ đã mất quyền lực khi bảo vệ đất nước trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Bất chấp việc sử dụng ngày càng nhiều các cuộc tấn công mạng phá hoại, Nhà Trắng cho rằng các cuộc tấn công như vậy nằm dưới ngưỡng chiến tranh. Cũng không có các quy tắc quốc tế rõ ràng về những cuộc tấn công mạng nào bị cấm. Hoạt động gián điệp qua các phương tiện kỹ thuật số thường không được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia và do đó không bị trừng phạt. Năm 2022, Paul Nakasone, khi đó là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mạng Không gian Mỹ, cho biết Washington đã sử dụng khả năng tấn công mạng để tiêu diệt các mục tiêu của Nga nhưng không coi những cuộc tấn công như vậy là một cuộc can thiệp trực tiếp vào Nga. Tuy nhiên, Washington cũng đã vạch ra một đường ranh đỏ tại biên giới NATO để chống lại việc chiến đấu trực tiếp với lực lượng Moscow.
Giữa bối cảnh chính trị và pháp lý mơ hồ này, các công ty đã trở nên thoải mái hơn khi hành động như những lính đánh thuê. Các công ty phần mềm gián điệp sẵn sàng cung cấp dịch vụ và bán các công cụ tình báo tinh vi cho cả các chế độ độc tài lẫn các nền dân chủ. Các công ty cũng đóng vai trò quan trọng trong các nút thắt quyết định trên mạng: Amazon Web Services sử dụng các thuật toán học chống lại các mối đe dọa do nhà nước tài trợ. Nhóm Phân tích Mối đe dọa của Google (Google’s Threat Analysis Group) gỡ bỏ các kênh YouTube vì thực hiện các hoạt động ảnh hưởng có phối hợp. Những hành động như vậy chuyển khu vực xung đột sang các tổ chức phi nhà nước, những người có động cơ và mức độ giải trình trách nhiệm hoàn toàn khác biệt so với chính phủ.
MA TRẬN Ở KHẮP MỌI NƠI
Về mặt công nghệ, các quốc gia thường bị ảnh hưởng bởi thông tin. Trừ một số ngoại lệ, họ thiếu khả năng tiếp cận thông tin và chuyên môn cần thiết để hiểu (chưa kể các quy định) các thuật toán và phát minh mới. Vì tri thức là sức mạnh, sự thiếu thốn này khiến các nhà hoạch định chính sách rơi vào tình huống yếu thế khi đàm phán với các công ty công nghệ quyền lực, điều này dẫn đến việc gia tăng sự thuê ngoài. Các công ty như Palantir Technologies hiện đang được tin tưởng để thực hiện các phân tích dữ liệu quan trọng liên quan đến các vấn đề như quốc phòng, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát biên giới. Họ đang làm như vậy mặc dù không có thẩm quyền dân chủ, trách nhiệm và kinh nghiệm cần thiết để đưa ra những quyết định này. “Việc cứu sống và đôi khi lấy đi mạng sống của người khác thật sự rất thú vị,” Alex Karp, CEO của Palantir, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào mùa hè năm 2024 – như thể các quyết định sống còn là một trò chơi điện tử.
Các công ty công nghệ cũng đang củng cố quyền lực của mình thông qua khả năng tài chính. Những công ty công nghệ lớn nhất cực kỳ giàu có: Microsoft có giá trị thị trường 3,2 nghìn tỷ USD, vượt qua GDP của Pháp, nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới. Do đó, những công ty này không gặp vấn đề gì khi chi hàng trăm triệu đô la cho hoạt động vận động hành lang. Và các nhà vận động hành lang thường thấy rằng họ đang đẩy những cánh cửa mở. Bởi vì các chính trị gia và quan chức khác thiếu chuyên môn về công nghệ, đại diện của các tập đoàn có thể dễ dàng định hình suy nghĩ của họ. Các công ty công nghệ cũng đã sử dụng tiền của mình để định hình hiểu biết chung của thế giới về ngành công nghiệp của họ bằng cách đầu tư vào các tổ chức tư vấn, hội nghị và các cơ sở học thuật.
Một trong những khuôn khổ được quảng bá thành công nhất cho các doanh nghiệp công nghệ, như Facebook đã nói khi cố gắng ngăn cản các nhà quản lý châu Âu thực hiện chỉ thị bảo vệ dữ liệu của EU vào năm 2012. “Quy định giết chết sự đổi mới”, tuyên bố này là sai lầm và ích kỷ, đặc biệt khi các công ty công nghệ lớn trở thành người gác cổng khiến cuộc sống của các công ty khởi nghiệp sáng tạo trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, cụm từ này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.
Quy định là năng động, không cố định và sẽ điều chỉnh theo sự phát triển của ngành công nghiệp. Trong nhiều trường hợp, các rào cản có trách nhiệm thực sự truyền cảm hứng cho sự đổi mới. Ví dụ, sau khi các luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn có hiệu lực, các công ty đã phát minh ra những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn hoặc bền vững hơn. Sự đánh đổi này có thể có giá trị, ngay cả khi quy định làm chậm lại sự đổi mới. Về mặt triết học không quan trọng hơn bất kỳ giá trị cốt lõi nào khác của pháp quyền, bảo vệ người tiêu dùng, không phân biệt đối xử, hoặc dân chủ. Nếu một sáng kiến có khả năng hạn chế quyền lợi cơ bản hoặc mâu thuẫn với các giá trị công cộng, quy định có mọi quyền để vượt lên trên nó. Các chính trị gia nên nhận ra thực tế này và hành động tương ứng.
Nhưng ngay cả khi họ làm được điều đó, họ sẽ gặp phải nhiều rào cản hơn. Các công ty công nghệ đã giành được nhiều quyền lực hơn bằng cách từ chối giải thích cách mà các sản phẩm của họ hoạt động. Do đó, các học giả không thể nghiên cứu độc lập về cách thức hoạt động của các thuật toán hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các công ty công nghệ cũng tham gia vào việc lừa dối một cách công khai. Khi Microsoft tìm kiếm sự chấp thuận chính trị cho một trung tâm dữ liệu ở Iowa vào năm 2016, họ đã thực hiện điều đó dưới tên “Dự án Osmium”. Việc đấu thầu thông qua các công ty vỏ bọc đã trở thành quy chuẩn trong giới công nghệ. Uber đã đẩy xa hơn nữa việc thực hành này với Greyball. Theo thông tin từ The New York Times, trong dự án này, Uber đã xác định các nhân viên thực thi pháp luật trong các khu vực mà công ty chưa được phép hoạt động. Sau đó, khi họ mở ứng dụng, họ gặp khó khăn trong việc xác định xem Uber có thực sự khả dụng trong khu vực của họ hay không. Bằng cách này, công ty đã có thể hoạt động mà không bị phát hiện. Ngoài một số khoản phạt lẻ tẻ, Chính phủ chưa làm đủ để kiềm chế những hành vi này, yêu cầu sự minh bạch và buộc các công ty phải chịu trách nhiệm.
Các nhà quản lý càng bị cản trở hơn bởi tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh. Các công ty lẩn tránh pháp luật một phần nhờ vào việc phát minh ra các công nghệ một cách nhanh chóng đến mức họ luôn đi trước luật pháp. Họ có thể tham gia vào những hành vi đáng ngờ mà không phải lo lắng về hậu quả chính sách. Ví dụ Clearview AI đã thu thập hình ảnh khuôn mặt từ toàn bộ Internet trước khi ai đó kịp nhận ra. Các mô hình ngôn ngữ lớn đã được đào tạo trên toàn bộ văn bản của Internet trước khi Chính phủ có thể đưa ra ý kiến về các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu hoặc quyền sở hữu trí tuệ, giả sử rằng các luật bảo vệ những quyền này đang có hiệu lực. Khi các công ty thu thập một khối lượng lớn thông tin rồi khóa lại phía sau các bức tường doanh nghiệp, các tổ chức công mất quyền truy cập vào thông tin, từ đó làm giảm quyền lực và sự uy tín của họ. Kết quả là một vòng xoáy tử thần, khi quyền lực tư nhân cuối cùng vượt quá khả năng chịu trách nhiệm trước công chúng.
NỖ LỰC KHÔI PHỤC LẠI QUYỀN KIỂM SOÁT
Cho đến nay, các chính phủ dường như vẫn quá thờ ơ với sức mạnh đang gia tăng của các công ty công nghệ. Các nhà hoạt động và các phóng viên đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với ngành công nghiệp này, nhưng các chính quyền nối tiếp nhau ở Mỹ đã cố ý lơ là khi đề cập đến lĩnh vực này, hy vọng sẽ duy trì chính sách tự do thị trường để vượt qua mọi mối lo ngại. EU thì chủ động hơn, nhưng luật của họ rất ít nhắm đến việc chấm dứt sự nắm quyền này. Các nền dân chủ cần có một tầm nhìn rõ ràng về cách quản lý công nghệ một cách toàn diện.
Trong một xã hội mà các công ty công nghệ tập hợp lại có quyền quyết định quan trọng, chính phủ cần có hành động hiệu quả hơn. Tin tốt là có nhiều cách để các chính phủ dân chủ có thể tiến lên nếu họ quyết định làm như vậy. Chúng liên quan đến việc tăng kiến thức của các nhà hoạch định chính sách về hoạt động của các sản phẩm công nghệ và sau đó kiểm soát hiệu quả các doanh nghiệp. Chính phủ có thể bắt đầu bằng cách điều chỉnh các quy định về bảo mật thương mại để phù hợp với thời đại của các thuật toán. Họ nên yêu cầu các nhà nghiên cứu có quyền truy cập vào dữ liệu và các hệ thống công nghệ được sử dụng nhân danh chính phủ phải có thể tiếp cận được, chẳng hạn như thông qua các yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act). Việc này sẽ cho phép công chúng tìm hiểu cách các hệ thống này hoạt động, từ đó tạo điều kiện cho một cuộc tranh luận quy định có thông tin đầy đủ. Theo cách tương tự, các công ty nên tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch nghiêm ngặt hơn khi đấu thầu các hợp đồng đất đai và năng lượng cho các trung tâm dữ liệu hoặc công bố các nhà đầu tư của họ. Nếu một công ty không sẵn lòng tiết lộ ai là người tài trợ cho họ, thì họ không đủ điều kiện để kinh doanh trên thị trường công khai.
Để tận dụng sự minh bạch mới này, các nhà lập pháp cũng cần phải xây dựng công nghệ nội bộ chuyên môn. Các chuyên gia này sẽ giúp cân bằng lại tiếng nói của các nhóm vận động hành lang đang cố gắng định hình cách mà các nhà lập pháp hiểu về công nghệ. Ví dụ, Mỹ có thể khôi phục Văn phòng Đánh giá Công nghệ (Office of Technology Assessment – OTA), một cơ quan của Quốc hội đã giúp các nhà lập pháp hiểu rõ hơn về những đổi mới trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ máy tính, hoạt động đầy đủ từ năm 1974 đến 1995. Các nhà hoạch định chính sách cần một OTA hoặc một tổ chức tương đương, để có thể điều hướng trong kỷ nguyên bao gồm trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và công nghệ sinh học.
Vẫn chưa quá muộn để ngăn chặn cuộc đảo chính công nghệ
Ở mức độ cơ bản hơn, các Chính phủ cần chuyển trọng tâm từ việc ban hành luật sang việc thực thi chúng một cách linh hoạt. Họ cần gắn kết các luật vào các nguyên tắc cốt lõi của công lý, bình đẳng, không phân biệt đối xử và trách nhiệm. Đồng thời tăng cường các cơ chế thực thi cụ thể, hữu hình có thể tồn tại qua những đột phá công nghệ không thể tránh khỏi trong tương lai. Thực thi pháp luật thường là suy nghĩ muộn và các cơ quan giám sát không có đủ nguồn lực. Các chính phủ phải giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra những biện pháp mạnh mẽ hơn. Ví dụ, họ có thể sử dụng mua sắm để thúc đẩy thay đổi hành vi. Là những nhà chi tiêu lớn nhất cho công nghệ thông tin, các quốc gia trên thế giới có sức ảnh hưởng tài chính cần thiết để thực thi các tiêu chuẩn về an ninh mạng và không phân biệt đối xử, cũng như để buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm luật hiện hành hoặc sơ suất trong việc ngăn chặn rò rỉ dữ liệu. Họ có thể thực hiện điều này bằng cách thiết lập một mô hình “ba lần cảnh cáo”. Sau ba lần vi phạm rõ ràng, một công ty nên bị loại khỏi thị trường đấu thầu.
Nhưng những công ty công nghệ nguy hiểm nhất phải bị cấm hoàn toàn khỏi việc bán các công nghệ phi dân chủ của họ. Năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ cuối cùng đã đưa NSO Group, công ty Israel sản xuất phần mềm gián điệp Pegasus vào Danh sách Thực thể, hạn chế khả năng giao dịch của họ. Quyết định này là hoàn toàn xứng đáng: Pegasus là một công cụ phần mềm gián điệp phổ biến với các chính phủ độc tài đang tìm cách giám sát các nhà hoạt động, nhà báo và đối thủ chính trị. Nhưng quyết định này đến quá muộn. Trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia khác đã do dự trong việc cấm công ty này khi nó (và những công ty tương tự) ngày càng trở nên lớn mạnh và tinh vi hơn.
Các quy định chỉ là một phần của con đường phía trước. Các quốc gia cũng nên đầu tư nhiều hơn vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng, tăng cường nghiên cứu, tạo ra không gian công nghệ số tốt hơn. Ngoài ra, các xã hội cần xây dựng một văn hóa đạo đức công nghệ và trách nhiệm, buộc các công ty phải đưa ra những quyết định đúng đắn.
Mỗi khi những người như Musk từ chối lắng nghe các thẩm phán và nhà quản lý, đó là một lời nhắc nhở tốt về khả năng của nhà nước trong việc kiểm soát các công ty công nghệ lớn và ưu tiên quản trị dân chủ, nếu như họ thực sự muốn. Vẫn còn chưa muộn để ngăn chặn cuộc đảo chính công nghệ. Nhưng các chính phủ cần thực hiện các cải cách hệ thống thực sự để giành lại quyền lực và thiết lập pháp quyền./.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Tác giả: Marietje Schaake là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách Mạng thuộc Stanford và Viện Trí tuệ Nhân tạo lấy Con người làm Trung tâm. Từ năm 2009 đến năm 2019, bà là Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu. Bà là tác giả của The Tech Coup: How to Save Democracy From Silicon Valley.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]