Quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) với trụ cột thứ hai được xem như một nền tảng thúc đẩy sự hội nhập nhanh chóng về khoa học công nghệ quân sự tiên tiến và sự phối hợp chính sách giữa ba quốc gia. Điều này phản ánh các đặc điểm mới của việc nâng cấp hệ thống liên minh của Mỹ, bao gồm sự đổi mới về tư duy chiến lược, trọng tâm vào các vấn đề cạnh tranh, và mô hình xây dựng hợp tác. Đồng thời, nó thể hiện logic sâu sắc trong việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ và sự chủ động hợp tác từ phía Anh và Australia. Trong tương lai, AUKUS có khả năng phát triển theo mô hình “AUKUS+”, mở rộng không gian chiến lược mới như vùng cực và không gian vũ trụ.
Mỹ, Australia và Anh đã tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) mang ý nghĩa biểu tượng, với hai hướng phát triển (được gọi là “trụ cột”) nhằm nâng cao năng lực phòng thủ ba bên. Tháng 3 năm 2024, Mỹ, Anh và Australia thông báo nâng cấp toàn diện trụ cột thứ hai của AUKUS, thành lập 9 nhóm công tác bao gồm cả khía cạnh kỹ thuật và chức năng tập trung vào một loạt các lĩnh vực công nghệ quân sự mũi nhọn. Trong số đó, 7 nhóm liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cụ thể như: năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, các năng lực mạng tân tiến, vũ khí siêu thanh và chống siêu thanh, tác chiến điện tử, cùng hợp tác radar không gian sâu. Hai nhóm còn lại tập trung vào các lĩnh vực chức năng rộng hơn, bao gồm đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin.
Dưới khung trụ cột thứ hai của AUKUS, ba quốc gia đang đẩy mạnh phối hợp nguồn lực, tích hợp tối đa năng lực công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu khoa học, tiến hành hợp tác công nghệ cao và chia sẻ thông tin nhờ vào các tổ chức chuyên môn và nguồn vốn khổng lồ. Trụ cột thứ hai trong quan hệ đối tác ba bên Mỹ-Anh-Australia là một bước đi mang tính biểu tượng trong việc thực thi chiến lược toàn cầu mới của Mỹ, xây dựng liên minh kiểu mới trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Đặc điểm của trụ cột thứ hai trong AUKUS
Tái đề xuất khái niệm “khoa học lớn”, xây dựng nền tảng tư tưởng cho “Chiến tranh Lạnh mới”
Trụ cột thứ hai của AUKUS được Tập đoàn RAND của Mỹ định nghĩa thuộc phạm trù “khoa học lớn” và ví như một “Dự án Manhattan mới”. Điều này nhấn mạnh vai trò độc đáo của nó trong việc thúc đẩy hợp tác đổi mới công nghệ quân sự quy mô lớn và định hình thế đối đầu giữa các phe phái. Trụ cột thứ hai của AUKUS, một mặt xem các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến như một công cụ chiến lược nhằm nâng cao toàn diện sức mạnh công nghệ-quân sự. Mặt khác, nó không ngừng mở rộng khái niệm “an ninh hóa” trong các vấn đề công nghệ, xây dựng câu chuyện về các quốc gia “dân chủ công nghệ” và “chuyên chế công nghệ”. Qua đó, AUKUS củng cố nhận thức rằng Trung Quốc là mối “đe dọa sinh tồn” mang tính đối kháng, phản ánh rõ bản chất tư duy bá quyền và chiến lược Chiến tranh Lạnh của Mỹ.
Tăng cường các biện pháp “hội nhập,” hình thành thể chế “kiềm chế mới”
Mỹ điều phối chính sách, đầu tư và hợp tác trong khuôn khổ trụ cột thứ hai của AUKUS nhằm ứng phó với những thay đổi về quan niệm và hình thức chiến tranh do cách mạng công nghệ mới mang lại. Bằng cách tiếp cận linh hoạt, đáng tin cậy và mạnh mẽ, Mỹ kết hợp hiệu quả giữa công nghệ tiên tiến, các khái niệm tác chiến mới và năng lực quân sự hiện đại. Cơ chế này tận dụng nguồn vốn “đầu tư nhỏ” từ chính phủ để kích thích “đầu tư lớn” từ xã hội, áp dụng phương thức “kết hợp công-tư” nhằm ngăn chặn bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Thông qua hệ thống mang tính “toàn chính phủ”, “toàn xã hội”, và “toàn lĩnh vực”, Mỹ tăng cường sức mạnh răn đe và ngăn chặn toàn diện để đối phó với mối “đe dọa” từ Trung Quốc.
Lặp lại mạng lưới “đa phương nhỏ”, xây dựng “răn đe mới” với liên minh phức hợp
Trụ cột thứ hai của AUKUS xây dựng các liên minh theo chủ đề mô-đun, sử dụng cơ chế đồng minh để tích hợp các nguồn lực quốc phòng và công nghệ nhằm thực hiện “răn đe toàn diện” đối với Trung Quốc. Việc xây dựng liên minh phức hợp theo mô hình “đa phương nhỏ” giúp nâng cao khả năng cơ động và linh hoạt của mạng lưới “liên minh chống Trung Quốc”. Hệ thống này còn tích hợp các tài nguyên chiến lược công nghệ toàn cầu, thúc đẩy nhanh chóng việc trở thành nền tảng tiên phong trong việc hiện thực hóa chiến lược “NATO hóa khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, hình thành một thế đối đầu mới nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Với tiềm năng chiến lược mạnh mẽ hơn và khả năng phối hợp hành động hiệu quả hơn, trụ cột thứ hai của AUKUS được cựu Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell xem là “sáng kiến chiến lược quan trọng nhất” của thời đại này.
Logic thực tiễn của trụ cột thứ hai trong AUKUS
Phục vụ nhu cầu chiến lược thực tế để cạnh tranh và vượt qua Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy việc triển khai trụ cột thứ hai của AUKUS
Trung Quốc đã phá vỡ vị thế độc quyền công nghệ toàn cầu của Mỹ trong các lĩnh vực quốc phòng, robot, năng lượng, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và các lĩnh vực công nghệ quan trọng khác, làm suy yếu khả năng bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ. Đồng thời, mô hình quản lý tổng thể về ngân sách quốc phòng, mua sắm và kiểm soát công nghệ của Mỹ dần trở nên cứng nhắc, gây trở ngại lớn cho sự đổi mới trong công nghệ quốc phòng. Việc Mỹ dẫn đầu thành lập Trụ cột thứ hai của AUKUS là biểu hiện tập trung của sự nâng cấp nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc và tâm lý lo ngại về sự suy giảm sức mạnh của chính mình. Chính sự gia tăng liên tục trong nhận thức về mối đe dọa và lo lắng chiến lược này đã trở thành động lực ban đầu để thúc đẩy việc nâng cao và phát triển sâu hơn Trụ cột thứ hai của AUKUS.
Định hướng theo chiến lược “ưu thế công nghệ bất đối xứng”, tạo động lực cho việc triển khai trụ cột thứ hai của AUK
Để duy trì và củng cố vị thế bá quyền hiện tại, Mỹ nhấn mạnh việc xây dựng một liên minh công nghệ dựa trên “hệ thống an ninh công nghệ và tin cậy.” Trụ cột thứ hai của AUKUS, như một biện pháp then chốt, tập trung đầu tư và nghiên cứu phát triển vào các lĩnh vực tiên tiến có liên quan chặt chẽ đến quốc phòng quân sự như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và vũ khí siêu thanh và những lĩnh vực công nghệ quan trọng khác. Liên minh này không ngừng thúc đẩy khả năng tương tác công nghệ giữa các đồng minh, khai thác hiệu quả tổng hợp của mô hình tác chiến hợp nhất trên mọi không gian, trở thành hình mẫu mới cho Mỹ trong việc thúc đẩy liên minh công nghệ toàn cầu trong “thời đại chính trị công nghệ”. Đây cũng đóng vai trò điển hình và chủ đạo trong chiến lược của Mỹ.
Anh và Australia chủ động điều chỉnh theo chiến lược của Mỹ, tạo đà thúc đẩy triển khai trụ cột thứ hai của AUKUS
Anh tích cực tham gia vào trụ cột thứ hai của AUKUS, không chỉ vì nó phù hợp với chiến lược “Nước Anh toàn cầu,” mà còn vì Anh có thể giành được lợi thế chiến lược lớn hơn và quyền đàm phán lợi ích trong cuộc cạnh tranh công nghệ quân sự trong tương lai. Anh đảm nhận vai trò “người bảo vệ” và “người kết nối” đặc biệt, củng cố và nâng cao vị thế và vai trò của mình trong liên minh.
Australia xem trụ cột thứ hai của AUKUS như là yếu tố then chốt để “đạt được ưu thế bất đối xứng”. Giúp nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng, cải thiện khả năng phòng thủ của mình và tăng cường ảnh hưởng đối với các vấn đề khu vực. Do đó, cả hai chính phủ Anh và Australia đều coi trụ cột thứ hai của AUKUS là phần quan trọng trong chiến lược quốc gia của mình, chủ động đáp ứng và kết nối với chiến lược của Mỹ, trở thành nền tảng vững chắc cho sự triển khai thành công của trụ cột này.
Các yếu tố hạn chế của trụ cột thứ hai trong AUKUS
Chính sách hỗ trợ trong nước còn nhiều nghi vấn
Sự ủng hộ của nội bộ Mỹ đối với chính sách AUKUS thiếu tính bền vững. Trụ cột thứ hai của AUKUS là một chiến lược đầy tham vọng, với thời gian triển khai kéo dài hàng chục năm, đòi hỏi những điều chỉnh lớn về chiến lược, ngành công nghiệp và đầu tư một lượng vốn khổng lồ. Tuy nhiên, khả năng các chính quyền kế nhiệm tại Mỹ duy trì được sự nhiệt tình như chính quyền Biden đối với chương trình này vẫn còn là một dấu hỏi lớn
Hệ thống xuất khẩu quốc phòng cứng nhắc
Các chính sách kiểm soát xuất khẩu liên quan của Mỹ từ trước đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh. Trên thực tế, Anh mỗi năm phải chi ít nhất 500 triệu USD để tuân thủ Quy định Buôn bán Quốc tế về Vũ khí (ITAR) của Mỹ. Trong khi các hệ thống điều khiển tên lửa và van công nghiệp thương mại lại bị áp đặt mức độ kiểm soát giống nhau. Điều này ngày càng trở thành rào cản cho sự hợp tác công nghiệp và công nghệ giữa Mỹ với Anh và Australia.
Quản lý liên minh của Mỹ yếu kém
Quản lý liên minh của Mỹ còn yếu kém. Trụ cột thứ hai của AUKUS sẽ trực tiếp kiểm nghiệm khả năng quản lý liên minh của Mỹ. Trụ cột này giới hạn việc chia sẻ lợi ích từ các sáng kiến và nghiên cứu công nghệ quân sự tiên tiến với các đồng minh khác của NATO. Trong khi chính sách “bảo hộ công nghệ” của Mỹ lại tiếp tục làm suy yếu nền tảng công nghiệp công nghệ cao của các đồng minh. Điều này có thể trở thành một thách thức mới đối với chiến lược liên minh toàn cầu mà Mỹ đang thúc đẩy.
Sự cản trở từ các lực lượng trong khu vực ASEAN
Xu hướng tự chủ giữa các quốc gia ASEAN đang kìm hãm và làm suy yếu quá trình phát triển của AUKUS. Khi Mỹ thúc đẩy trụ cột thứ hai của AUKUS, họ đã buộc các quốc gia ASEAN phải “chọn phe” giữa Trung Quốc và Mỹ, tạo ra một sự căng thẳng liên tục giữa nỗ lực tự chủ của các quốc gia ASEAN và sự can thiệp từ các quyền lực bên ngoài. Điều này, ở một mức độ nhất định, đã làm giảm hiệu quả tổng thể của Trụ cột thứ hai trong AUKUS.
Triển vọng xu hướng trong tương lai
AUKUS có thể phát triển theo mô hình AUKUS+. Về thành viên, Canada và New Zealand có thể gia nhập với tư cách là các quốc gia thành viên bán chính thức trong hợp tác công nghệ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang tích cực thuyết phục Nhật Bản gia nhập AUKUS. Với lợi thế của Nhật Bản và mối quan hệ đối tác quốc phòng chặt chẽ với ba quốc gia AUKUS, việc hợp tác với Nhật Bản trong các dự án công nghệ tiên tiến đang được xem xét.
Trong lĩnh vực hợp tác, công nghệ liên quan đến khu vực cực và không gian có thể sẽ trở thành trọng điểm mở rộng của trụ cột thứ hai AUKUS. Khi băng ở Bắc Cực tan chảy nhanh chóng, vị trí chiến lược và giá trị của Bắc Băng Dương như một tuyến đường biển quan trọng càng trở nên rõ rệt, và trụ cột thứ hai AUKUS trong tương lai rất có thể sẽ bao gồm Bắc Cực. Đồng thời, cuộc cạnh tranh tài nguyên không gian cũng sẽ thúc đẩy Mỹ chú trọng hơn đến việc xây dựng các năng lực răn đe mới dựa trên không gian, nhằm đảm bảo quyền lực của Mỹ trong việc phát triển và khai thác tài nguyên ngoài không gian
Tóm lại, trụ cột thứ hai của AUKUS là một động thái mang tính biểu tượng trong việc Mỹ thúc đẩy chiến lược toàn cầu trong bối cảnh tình hình mới, cũng như xây dựng các liên minh kiểu mới. Mỹ xem AUKUS là công cụ chiến lược quan trọng, tập trung vào việc duy trì quyền bá chủ lâu dài và đạt được mục tiêu chiến lược là cạnh tranh và chiến thắng Trung Quốc. Điều này rất đáng được quan tâm lưu ý.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Hầu Hách Nam: Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ qua mail: [email protected]