Tại Kỳ họp Lưỡng hội ở Trung Quốc năm 2023, Trung Quốc đã tiếp tục cam kết tăng cường nỗ lực thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, cam kết mở rộng tiếp cận thị trường và đảm bảo đối xử bình đẳng đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Với những cam kết trên, Kỳ họp Lưỡng hội lần này được kỳ vọng là cơ hội quý giá để thúc đẩy việc xây dựng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Có nhiều thay đổi đã được chứng kiến trong đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trong vài năm qua, vì vậy, Lưỡng hội đã lên kế hoạch thúc đẩy việc xây dựng Con đường tơ lụa kỹ thuật số ở Trung Quốc trong những ngày tới.
Trong Khuyến nghị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về Xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia và các Mục tiêu Dài hạn đến năm 2035 đã đề xuất cần tiếp tục tuân thủ việc thực hiện mở cửa ra thế giới bên ngoài trên quy mô lớn hơn, trong một lĩnh vực rộng lớn hơn, và ở một mức độ sâu hơn dựa trên ưu thế thị trường của Trung Quốc để “thúc đẩy hợp tác quốc tế và đạt được lợi ích chung và đôi bên cùng có lợi”.
Việc ban hành phiên bản mới của “Danh mục khuyến khích đầu tư nước ngoài” là một biện pháp quan trọng nhằm mở rộng phạm vi đầu tư nước ngoài và giúp nâng cao niềm tin đầu tư nước ngoài. Nguồn lực đầu tư thuân theo hướng dẫn của “Danh mục khuyến khích đầu tư nước ngoài” có thể chảy vào các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng cao của Trung Quốc, thúc đẩy hình thành mô hình phát triển mới lấy lưu thông trong nước làm chủ đạo, lưu thông kép trong và ngoài nước hỗ trợ lẫn nhau. Điều này cho thấy bước tiến của Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực phát triển chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước về thiết lập trật tự mới của nền kinh tế mở ở cấp độ cao hơn.
Sau khi sửa đổi Luật Khuyến khích và Thu hút Đầu tư Nước ngoài tại Trung Quốc, tổng số “Danh sách Khuyến khích Đầu tư Nước ngoài của Trung Quốc” đã tăng lên 1.235. Những sửa đổi này thể hiện nhu cầu cải thiện, nâng cấp các ngành công nghiệp và phát triển hài hòa giữa các khu vực, đồng thời khuyến khích dòng vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực sản xuất tiên tiến và ngành dịch vụ hiện đại, đồng thời khuyến khích vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực miền Tây và miền Trung Trung Quốc. Trong số các lĩnh vực đầu tư mới được bổ sung có các lĩnh vực sản xuất tiên tiến như: Trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, bên cạnh các lĩnh vực liên quan đến dân sinh như dịch vụ hậu cần và thông tin hiện đại.
Các chính sách ưu đãi là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất. Theo “Danh sách Khuyến khích Đầu tư Nước ngoài của Trung Quốc”, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn, cũng như được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi.
Việc ban hành “Danh sách Khuyến khích Đầu tư Nước ngoài của Trung Quốc” có lợi cho việc ổn định kỳ vọng và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời có lợi cho việc ổn định ngoại thương và nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nó sẽ mang lại sự liên tục và ổn định cho “chính sách trấn an” đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động bên trong Trung Quốc.
Các cuộc họp của Lưỡng hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường tơ lụa kỹ thuật số trong việc củng cố sức mạnh của Trung Quốc. Kể từ khi tuyên bố thành lập Con đường tơ lụa kỹ thuật số vào năm 2017, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường hợp tác với các quốc gia dọc theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm các lĩnh vực: Kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và Internet vạn vật.
Giờ đây, Công ty Trung Quốc Huawei, công ty kiểm soát khoảng 30% thị trường cơ sở hạ tầng truyền thông toàn cầu, đã có thể nhận được 91 hợp đồng từ các thành phố khác nhau trên thế giới để phát triển mạng 5G.
Alibaba Cloud, trực thuộc Tập đòan thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc, cũng là một trong những công ty hoạt động tích cực nhất trong Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Công ty hợp tác với nhiều quốc gia trong lĩnh vực đầu tư công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và một số lĩnh vực liên quan, bao gồm cung cấp giải pháp cho thành phố thông minh.
Ngày nay, Trung Quốc muốn sử dụng nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và gặt hái những lợi ích của nó, đặc biệt là khi nền kinh tế này có khả năng trao quyền cho các khu vực và người dân khó khăn theo cách mà trước đây không thể làm được. Các nền tảng giao dịch kỹ thuật số hoặc mạng xã hội của Trung Quốc như “Taobao”, “ JD . com ” và “WeChat” đã thay đổi cách thức hoạt động của các công ty ở những quốc gia này, mang lại những cơ hội và đổi mới mới, đồng thời điều này đã có tác động tích cực rõ rệt đến một số cộng đồng nghèo nhất, trước đây bị bao vây do sự cô lập về địa lý.
Các cuộc họp của hai Lưỡng hội năm 2023 đã khẳng định tầm quan trọng của “nền kinh tế kỹ thuật số” và các công ty hoạt động trong đó đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp giảm nghèo ở nông thôn Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 Hàng Châu năm 2015, sau bài phát biểu sôi nổi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các thành viên đã đồng ý rằng, nền kinh tế kỹ thuật số có thể có tiềm năng to lớn cho các thành quả phát triển của Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng có thể tăng cường sức mạnh tổng hợp của nước này thông qua thúc đẩy triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đặc biệt là khi kết hợp số hóa Con đường tơ lụa với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Trong Hội nghị thượng đỉnh Internet thế giới năm 2016, 09 quốc gia đã đưa ra sáng kiến phát triển hợp tác trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số giữa các quốc gia dọc theo Con đường tơ lụa và “Con đường” của Trung Quốc đã đạt được khía cạnh kỹ thuật số kể từ đó.
Cho đến ngày nay, sự hợp tác kinh tế dựa trên công nghệ thông tin, truyền thông và ứng dụng các công nghệ mới khác tại các quốc gia trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được gọi là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” nhằm đạt được các mục tiêu phát triển. Trong bối cảnh này, Tổng thư ký Liên hợp quốc, António Guterres khi phát biểu khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường đã khẳng định: “Mặc dù Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ và Chương trình nghị sự 2030 khác nhau về bản chất và phạm vi, nhưng phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu và bao trùm. Cả hai đều tìm cách tạo ra cơ hội, hàng hóa công cộng toàn cầu và hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Cả hai đều nhằm mục đích tăng cường kết nối giữa các quốc gia và khu vực: Kết nối về cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính, chính sách và có lẽ trên hết là kết nối giữa con người với con người”.
Các cuộc họp của Lưỡng hội trong năm 2023 này nhấn mạnh sự cần thiết của Con đường tơ lụa kỹ thuật số phải tương thích với các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng của chính quyền Trung Quốc như “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”. Những sáng kiến này nhằm đồng thời tăng cường đổi mới công nghệ trong nước, năng lực sản xuất và giao dịch ở Trung Quốc. Những mục tiêu này là một phần trong tầm nhìn toàn diện của Chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trong thế giới công nghệ và đạt được sự độc lập lớn hơn trong hệ thống kỹ thuật số toàn cầu. Các cuộc họp của Lưỡng hội năm 2023 nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc của Nhà nước Trung Quốc vào các nhà lãnh đạo công nghệ khác, đặc biệt là Mỹỳ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.
Tóm lại, Sáng kiến Vành đai kỹ thuật số của Trung Quốc giúp nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và những người chơi nhỏ hơn trong lĩnh vực này thúc đẩy doanh số bán hàng và mối quan hệ trong nước của họ, đồng thời giành được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài cho công nghệ kỹ thuật số, với sự trợ giúp và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ Trung Quốc.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Dr.Nadia Helmy là Phó Giáo sư Khoa học Chính trị, Khoa Chính trị và Kinh tế/Đại học Beni Suef/Ai Cập; chuyên gia về Chính trị Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – Israel và các vấn đề châu Á; Nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông (CMES)/ Đại học Lund/Thụy Điển.